TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
125. Kinh ĐIỀU NGỰ ĐỊA
( Dantabhùmi sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả
Trú Vương-Xá – Rá-Chá-Ga-Ha
Tinh Xá Vê-Lú-Va-Na
(Trúc Lâm Tinh Xá cũng là nơi đây)
Gần nơi này nuôi nhiều sóc lạ
(Ka-Lanh-Đá-Ka-Ní-Vá-Pa).
Có Chi-Va-Rá-Vá-Ta (1)
Là Sa-di (2) đang trải qua tu trì
Trú mọi thì ở A-Ranh-Ná (3)
Một am thất được tả không xa.
Vương-tử Cha-Dá-Sê-Na (4)
Trong khi tản bộ, ghé qua nơi này.
Khi đến đây, hỏi thăm khách khí
Với A-Chí-Rá-Va-Ta này
(Tức Tân Học Sa-Di đây)
Ngồi xuống, hỏi Sa-Di ngay vấn đề :
_______________________________
(1) : Vị Sa-di tên Aciravata.
(2) : Sa-di ( Samanero ) : là những vị tập sự xuất gia giữ 10 giới,
gồm 3 loại :- Khu ô Sa-di : sa-di đuổi quạ : từ 7 tuổi tới 13 tuổi.
- Ứng pháp Sa-di : từ 14 tuổi đến 19 tuổi .
- Hình đồng Sa-di : các vị lớn tuổi vào tu, phải thọ giới Sa-di
một thời gian trước khi được thọ Cụ-túc-giới (Tỳ Kheo ).
Còn các Ứng pháp Sa-di đến 20 tuổi, có đủ những điều kiện
đúng Luật mới được thọ Tỳ-Kheo.
(3) : Địa phương tên Aranna. (4) : Vương-tử Jayasena.
– “ Tôn-giả Ất-Ghi-Vê-Sa-Ná !
Tôi từng đã có nghe như sau :
‘Ở đây vị Tỷ Kheo nào
Sống không phóng dật, dồi dào nhiệt tâm
Và tinh cần, nhất tâm – sẽ chứng’.
Thật tốt lành nếu những lời trên
Được Tôn-giả thuyết pháp lên
Như tôi đã học, nghe liền trước đây ”.
– “ Vương-tử này ! Tôi không có thể
Thuyết pháp để Vương-tử được nghe
Như đã được học, được nghe
Nếu tôi thuyết pháp, ngài nghe nhưng rồi
Không hiểu lời mà tôi đã nói
Làm cho tôi mệt mỏi, muộn phiền ”.
– “ Tôn-giả ! Xin hãy tùy duyên
Vì tôi, thuyết pháp về chuyên đề này.
Rất có thể, tôi đây hiểu rõ
Ý nghĩa lời nói đó của Sư ”.
– “ Vương-tử ! Tôi thuyết khoan thư
Như điều ngài học, nghe từ trước đây.
Nếu như ngài có thể hiểu rõ
Lời của tôi nói đó đủ đầy
Là sự tốt đẹp, lành thay !
Nếu ngài không hiểu lời này của tôi
Xin chớ có hỏi tôi thêm mãi,
Hãy dừng lại sự trạng của mình ”.
– “ Tôn-giả xin hãy thuyết minh
Như đã nghe, học. Nếu sinh vấn đề
Tôi không hiểu gì về điều đó
Tôi không có hỏi thêm điều gì ”.
Thế rồi Tân Học Sa-Di
Thuyết giảng về những điều gì tự thân
Đã được nghe, như phần học ấy.
Nghe như vậy, Vương-tử thốt ra
Với A-Chi-Rá-Va-Ta :
– “ Sự việc không phải xảy ra như vầy,
Trường hợp này không phải như vậy.
Tỷ Kheo ấy tinh tấn, nhiệt tâm,
Sống không phóng dật âm thầm
Có thể chứng đắc nhất tâm an hòa ”.
Vị Cha-Dá-Sê-Na Vương-tử
Nói về sự không phải điều này,
Liền đứng dậy rồi đi ngay.
A-Chi-Ra-Vá-Tá này sau khi
Vị Vương-tử đã đi, nội nhật
Liền đi đến hương thất Thế Tôn
Thành kính đảnh lễ Thế Tôn,
Một bên ngồi xuống, ôn tồn thưa qua
Chuyện Vương-tử Cha-Da-Sê-Ná
Cuộc đàm thoại kết quả không hay.
Khi nghe Sa-di nói vầy
Thế Tôn liền bảo vị đây từ hòa :
– “Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Như vậy
Nào có thấy lợi ích gì đây ?
Cha-Dá-Sê-Na vị này
Sống giữa các dục, tâm đầy đam mê,
Thọ hưởng về các dục mọi lúc
Tư tưởng dục nhai nghiến sớm chiều,
Bị nhiệt não dục đốt thiêu
Truy cầu tha thiết những điều dục đây…
Mà có thể biết, hay là thấy.
Hay kẻ ấy có thể chứng ngôi
Quả vị chỉ có do nơi
Ly dục, mới biết đồng thời thấy ra.
Chỉ ly dục mới là đạt được,
Ly dục mới chứng được quả này.
Do đó, sự kiện như vầy
Không thể xảy đến. Và này hãy so :
Ví như giữa đám bò, voi, ngựa,
Có hai con voi, ngựa hay bò
Được khéo huấn luyện đủ trò.
Hai con voi, ngựa hay bò khác đây
Không khéo, hay điều phục, huấn luyện
Con nghĩ sao về chuyện vừa rồi ?
Hai con bò, ngựa hay voi
Được khéo huấn luyện nay thời có chăng
Đạt khả năng điều phục mọi lúc ?
Có đạt đến điều-phục-địa không ? ”.
– “ Thưa có, bạch đức Thế Tôn ! ”.
– “ Còn hai con khác thì không sẵn sàng,
Không hoàn toàn được điều phục giỏi
Không được loại huấn luyện khéo, hay
Thì với hai con vật này
Có thể thành tựu như vầy khả năng
Có đạt chăng đến điều-phục-địa ? ”.
– “ Thưa, đó chỉ là chuyện bịa, sai ngoa ”.
– “ Này Ất-Ghi-Vết-Sa-Na !
Cũng vậy, vương-tử Cha-Da-Sê-Nà
Sống xa hoa giữa các dục ấy
Bị tư tưởng dục ấy nghiến nhai
Nhiệt não dục thiêu đốt hoài,
Truy cầu tha thiết dục đây đêm ngày…
Lại có thể biết hay thấy rõ,
Quả vị có thể chứng đạt qua
Sự kiện ấy không xảy ra.
Này Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Hay là
Như hòn núi không xa làng mạc,
Không xa các thị trấn, cư dân.
Rồi có hai người bạn thân
Nắm tay rảo bước xa dần làng đây
Trực chỉ ngay đến hòn núi nọ,
Khi đến đó, một người trèo lên
Đỉnh núi cao vót, chênh vênh,
Người dưới chân núi ngó lên đỉnh này,
Thấy người bạn đứng ngay đỉnh núi,
Hỏi vọng lên : ‘Hòn núi cao vời
Bạn đã thấy những gì rồi ?’.
– ‘Này bạn ! Trên núi này tôi thấy là
Các vườn hoa thật là khả ái,
Các khu rừng với lại hồ ao,
Đất bằng… khả ái làm sao !’.
Không tin, người bạn nói mau như vầy :
– ‘Không có sự kiện này đâu bạn !
Trường hợp này chắc bạn nói chơi !
Bạn đứng ở nơi cao vời
Làm sao thấy được những nơi đẹp vầy ?’.
Người bạn này lập tức leo xuống
Nắm tay bạn và muốn bạn mình
Trèo lên đỉnh núi để nhìn.
Nghỉ thở vài chặng hành trình đăng sơn
Khi đặt chơn đến đỉnh núi ấy
Hỏi bạn : ‘Vậy bạn thấy hay chăng ?
Khu rừng, vườn tược, đất bằng…
Thảy đều khả ái muôn phần phải không ?’.
– ‘Này bạn thân ! Vì không thấy rõ
Bởi vì sườn núi đó khuất che
Nên dù bạn nói cho nghe
Mà tôi nghi ngại vấn đề nói ra’.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Cũng vậy
Vương-tử ấy (Cha-Dá-Sê-Na)
Bị che khuất, bị mù lòa
Bị chận, chướng ngại hay là bao vây
Bởi vô-minh-uẩn này mọi lúc
Vương-tử sống với dục mọi điều
Và thọ hưởng các dục nhiều,
Bị tư tưởng dục sớm chiều nghiến nhai,
Nhiệt não dục đêm ngày thiêu cháy,
Truy cầu mãi các dục thiết tha.
Vương-tử Cha-Dá-Sê-Na
Lại có thể biết hay là thấy ra
Hoặc có thể chứng qua quả vị
Là điều chỉ ly dục đạt thôi,
Việc ấy không thể có rồi !
Nếu hai ví dụ này thời được con
Nói suốt thông để vương-tử rõ
Thì vị đó tự nhiên tin con.
Khi sự tin tưởng đả thông
Sẽ hành động đúng lời con trình bày ”.
– “ Nhưng bạch Ngài ! Làm sao thế được !
Hai ví dụ này được con đây
Nói ra cho vương-tử này
Tự nhiên như trước chưa rày nghe qua
Như Thế Tôn Phật Đà diễn tả ? ”.
– “Ất-Ghi-Vết-Sa-Ná ! Như là
Vua Sát-Đế-Lỵ vương-gia
Đã có quán đảnh, bảo qua người nài :
- ‘Tượng-sư này ! Hãy cỡi vương-tượng
Đi vào rừng nhắm hướng có voi
Khi thấy voi rừng thuộc nòi
Hãy cột nó vào cổ voi chúa này’.
- Hạ thần xin làm ngay chỉ thị’.
Rồi Ất-Ghí-Vết-Sa-Na này !
Người Tượng-sư vâng lời đây
Cỡi con vương-tượng vào ngay rừng già.
Gặp voi rừng, ông ta tìm cách
Bắt voi rừng, cột chặt nó vào
Cổ của vương-tượng lớn cao.
Voi chúa sau đó kéo mau voi rừng
Ra khỏi rừng, đến nơi khoảng trống.
Voi rừng vẫn hướng vọng về rừng,
Còn sự tham luyến với rừng.
Người Tượng-sư vốn đã từng-trải đây
Tâu vua : ‘Nay voi rừng bị bắt,
Đã được dắt về chỗ thao trường,
Thần xin đợi lịnh Đại-vương !’
- ‘Tượng-sư ! Ông hãy dùng phương pháp nào
Để điều phục làm sao voi đó
Khiến cho nó quên lối sống rừng,
Điều phục tâm tư núi rừng,
Điều phục ưu não xa rừng núi kia,
Khiến đoạn lìa nhớ rừng của nó
Làm cho nó thích thú thôn làng,
Làm cho quen thuộc, dễ dàng
Sống với nếp sống mở mang của người’.
- ‘Tâu Đại-vương ! Những lời chỉ thị
Thần nhớ kỹ điều phải làm qua’.
Này Ất-Ghi-Vết-Sa-Na !
Tượng-sư đóng trụ thật là chắc, to
Để dùng cho việc điều phục nó.
Cột giây chắc vào cổ voi rừng,
Lúc đầu voi cố vẫy vùng,
Tượng-sư lão luyện bèn dùng cách sau :
Vuốt ve và nói vào tai nó
Lời nhẹ nhàng to nhỏ, đẹp tai
Thân tình, thanh nhã, hòa hài,
Động tâm, khiến nhiều người hay vui lòng,
Khiến nhiều người cảm thông, hoan hỷ.
Việc đối trị với cách thức này
Voi rừng liền nghe, lóng tai,
Trú tâm học hỏi nơi thầy Tượng-sư.
Thấy voi như đã thuần tính khá
Tượng-sư đã đem cỏ, nước ra
Cho con voi rừng dùng qua.
Này Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Thấy rằng
Voi rừng bắt đầu ăn và uống,
Tượng-sư nghĩ : ‘Nó sống rồi đây !’
Lại dạy con voi rừng này
Làm thêm động tác : Nhặt ngay vật cần
Rồi đặt xuống, nhiều lần động tác
Theo hiệu lệnh của bác Tượng-sư.
Tiếp theo, voi ấy từ từ
Đi lui, đi tới khoan thư theo lời,
Voi ngồi xuống để rồi đứng dậy.
Rồi lại dạy ‘bất động’ tiếp liền :
Vòi voi buộc một cái khiên
Một người cầm giáo ngồi trên cổ vầy,
Nhiều người khác đứng vây quanh nó
Tay cầm giáo. Tiếp đó người nài
Cầm một ngọn dao cán dài
Đứng ở phía trước, luyện voi về phần
Đứng bất động, bốn chân của nó
Đều không có di động day qua
Không có di động tai, ngà,
Vòi không động đậy trải qua thực hành.
Huấn luyện để trở thành vương-tượng
Mà vương-tượng được luyện dài lâu
Có thể nhẫn chịu kiếm, đao,
Chém, bắn, búa nện, chịu đau mọi đàng.
Nó nhẫn chịu tiếng vang động lớn
Của trống nhỏ, trống lớn, tù và.
Như vàng ròng tẩy sạch qua
Tỳ vết nhơ bẩn, xứng là tượng vương
Để Vua thường sử dụng, sở hữu
Một biểu tượng trân bửu, cao sang.
Khi Vua ngự trên bành vàng
Đặt trên lưng tượng, huy hoàng, uy nghi.
Này Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Hiện
Ở đời, bậc phương tiện độ sinh
Với mười tôn hiệu quang minh
Người đời kính ngưỡng, thật tình tôn xưng :
Bậc Trí tuệ, tâm chân diệu ngữ
Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu,
Phật, Thế Tôn, Thiên Nhân Sư,
Chánh Đẳng Chánh Giác đại từ uy linh
Vô Thượng Sĩ hay Minh Hạnh Túc,
Bậc Thiện Thệ, Ứng Cúng, Như Lai.
Do sự chứng ngộ tự ngài
Rồi lại tuyên thuyết, hoằng khai Pháp mầu
Thuyết Sơ Thiện rồi sau Trung Thiện
Thuyết Hậu Thiện, văn nghĩa đủ đầy,
Truyền dạy Phạm hạnh từ đây
Pháp thân thanh tịnh, bậc Thầy Nhân Thiên.
Có gia trưởng trong miền thôn ấp
Hoặc một người giai cấp tiện dân
Duyên lành nghe pháp thậm thâm
Sinh lòng ngưỡng mộ, kiếm tầm chân như.
Tự suy nghĩ : ‘Đời như cát bụi
Sống dẫy đầy trói buộc não phiền,
Luân hồi sinh tử triền miên
Đời sống xuất thế lụy phiền tránh xa.
Ta nay phải xuất gia viên mãn
Đời xuất gia phóng khoáng hư không
Cuộc sống thế gian chất chồng
Phạm hạnh thanh tịnh thật không dễ gìn’.
Y trưởng dưỡng đức tin vững chắc
Cạo râu tóc, thân đắp ca-sa
Biệt gia quyến, bỏ cửa nhà
Ba y một bát, xuất gia tu hành.
Đây chính là tịnh thanh đệ tử
Như voi được dẫn đến thao trường
Còn tham ái, tức tương đương
Năm dục công đức nhiễm vương Trời, người.
Tiếp theo, thời dạy về Phạm hạnh
Giữ oai nghi, tự tánh sáng lòa
Giới bổn Pa-Tì-Mốc-Kha (1)
Thọ trì nghiêm mật, tránh xa điều tà.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Sau đấy
Như Lai dạy đệ tử ấy rằng :
‘Phải luôn chánh niệm, tinh cần
Và luôn bảo hộ các căn thế nào ?
Mắt thấy sắc nhưng nào giữ tướng
Tướng chung, riêng chẳng nắm giữ gì
Mắt không chế ngự tại chi
Khiến bất thiện pháp ưu bi khởi vào
Nên tham ái dâng trào đủ thứ
Vị Tỷ Kheo chế ngự nguyên nhân
Hộ trì tích cực nhãn căn
Cũng như hộ trợ nhĩ căn cũng cần
Tai nghe tiếng hay thân cảm xúc
Mũi ngửi hương, nhận thức : ý căn
Tỷ Kheo hộ trì các căn
Nên hưởng lạc thọ, nội tâm tịnh hòa’.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Tiếp đấy
Như Lai dạy đệ tử phải thông :
__________________________
(1) : Tứ Thanh Tịnh Giới của vị Tỷ Kheo chân chánh :
- Patimokkha-samvarasìla : Biệt biệt Giải thoát Thu thúc giới .
- Indriyasamvarasìla : Giới luật liên quan đến thu thúc lục căn .
- Àjìvapàvisuddhisìla :Giới luật liên quan đến đời sống trong sạch.
- Paccayasannissitasìla : Giới luật liên quan đến việc sử dụng
‘Tứ vật dụng’: Vật thực, Y phục, Chỗ Ở và Thuốc ngừa bệnh .
‘Thức ăn khất thực no lòng
Không để đùa giỡn, trong vòng đam mê.
Không phải để chuyên về trang điểm
Không để làm kiều diễm thân hình
Chỉ mong thân này an bình
Bảo dưỡng sống khỏe, trí minh tâm lành
Để hỗ trợ thực hành phạm hạnh
Thân khỏe mạnh, tinh tấn tu trì
Diệt trừ cảm thọ cũ đi
Các cảm thọ mới tức thì ngăn ngay
Và ta sẽ không rày lầm lỗi
An ổn bởi thọ dụng thức ăn’.
Như Lai lại dạy tiếp rằng :
‘Kinh hành lui tới phải cần chú tâm
Gột sạch tâm trí mình ra khỏi
Chướng ngại pháp ở mọi thời kỳ,
Trong khi đang ngồi hay đi
Ban ngày hay cả vào thì ban đêm.
Trong canh giữa ban đêm, nằm xuống
Hông bên phải, thân tướng an tường
Như dáng nằm sư tử vương,
Chân phải trên trái, đêm trường nằm yên
Tâm an nhiên, luôn tỉnh giác lấy
Hướng niệm phải ngồi dậy đến kỳ.
Canh cuối khi thức dậy, thì
Dù ngồi thiền, đứng hay đi kinh hành
Phải gột sạch chẳng lành tâm trí
Để không bị chướng ngại pháp nào.
Ta lại huấn luyện nhằm vào
Cho Thánh đệ tử tiếp sau đó liền :
‘Này Tỷ Kheo ! Cần chuyên tỉnh giác
Giữ chánh niệm , an lạc tự tâm
Tỷ Kheo đi, đứng, ngồi, nằm
Đều giữ tỉnh giác, trong tâm biết liền
Khi tới, lui ; biết mình lui, tới
Khi nhìn quanh, biết bởi mình làm
Hay khi co duỗi tay chân
Mặc y, đi bát hay cần uống ăn
Khi nhai, nuốt, nói năng : tỉnh giác
Đại, tiểu tiện, nhổ khạc : biết mình
Như vậy Tỷ Kheo tâm minh
Chánh niệm tỉnh giác, trí tinh tâm hòa’.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Sau đấy
Khi Thánh đệ tử ấy tựu thành
Chánh niệm tỉnh giác an lành
Ta lại huấn luyện thật rành rẽ ngay :
‘Hãy đến, này Tỷ Kheo ! Mỗi vị
Hãy lựa chọn vị trí lặng yên
Như rừng tĩnh mịch, lâm viên,
Gốc cây, khe núi hoặc liền tha ma.
Thời ngọ thực đã qua, rửa bát
Ngồi kiết già, an lạc, thẳng lưng
An trú chánh niệm, lâng lâng
Tham ái từ bỏ, thoát dần ái tham
Bỏ sân hận, từ tâm thương xót
Chúng hữu tình mỗi một cảnh riêng
Từ bỏ hôn trầm, thụy miên
Thoát ly khỏi chướng thụy miên, hôn trầm
Giữ tịnh tâm, hướng về ánh sáng
Cùng chánh niệm, tĩnh giác, tâm yên
Gột rửa chúng, được an nhiên
Từ bỏ trạo cử thì liền tịnh thân
Hết nghi ngờ, phân vân lưỡng lự
Gột rửa hết trạo cử, hôn trầm
Gột rửa tham ái, hận sân
Vững tin thiện pháp, tinh cần hành thâm’.
Sau khi diệt cả năm triền cái
(Là các loại ô nhiễm tâm tư
Làm yếu trí tuệ, làm hư)
Vị ấy quán chiếu, công phu chuyên cần
Sống quán thân trên thân, nhận rõ
Quán thọ trên cảm thọ các điều,
Quán tâm trên tâm sớm chiều,
Quán pháp trên các pháp nhiều đổi thay.
Luôn nhiệt tâm, đêm ngày tỉnh giác
Chánh niệm, điều phục các ưu tham’.
Ví như người nài thường làm :
Đóng một cọc lớn trung tâm thao trường
Cột voi rừng để điều phục nó
Bỏ nếp sống của nó ở rừng,
Điều phục tâm tư núi rừng
Để nó thích hạp sống cùng người ta.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Na ! Tương tự
Bốn Niệm Xứ lả những sợi dây
Cột tâm tư, điều phục ngay
Tâm, tính Cư-sĩ nhuốm dây thế trần.
Điều phục dần ưu tư mệt trí
Nhiệt não của Cư-sĩ, thế nhân
Đạt chánh lý, chứng Niết-bàn.
Rồi Như Lai dạy tiếp sang như vầy :
‘Này Tỷ Kheo ! Ở đây hãy trú
Quán thân trên thân đủ mọi phần,
Chớ có suy tư trên tầm
Liên hệ thân đó, rồi thầm tiếp sau
Trú quán thọ trên bao cảm thọ,
Trú quán tâm vốn có trên tâm,
Chớ có suy tư trên tầm
Liên hệ cảm thọ và tâm hiện tiền.
Hãy trú quán pháp trên các pháp,
Chớ suy tư trên các tầm này
Liên hệ đến pháp ở đây.
Rồi vị ấy đã diệt ngay tứ, tầm
Chứng và trú Thiền tâm Đệ Nhị
Một trạng thái lạc hỷ, định sanh
Không tầm không tứ an lành
Với điều nội tĩnh nhất tâm đủ đầy.
Rồi vị này ly hỷ trú xả
Là hành giả tỉnh giác nhất tâm
Thân cảm sự lạc thọ thầm
‘Xả niệm lạc trú’ – Thánh nhân gọi vầy,
Chứng, trú ngay Tam Thiền tự tại.
Vị ấy lại xả lạc, khổ liền
Diệt hỷ ưu thọ chướng duyên
Chứng và an trú Tứ Thiền tinh hoa,
Không khổ và không lạc, an định
Cùng xả niệm thanh tịnh đạt thành
Với tâm định tĩnh, tịnh thanh
Không nhiễm, không phiền não, hành trải qua
Nhu nhuyến và vững chắc, bình thản
Hướng tâm đến túc-mạng-trí, thời
Quá khứ – nhớ một, hai đời
Năm chục, ba bốn trăm đời đã qua
Một ngàn đời hay là hơn nữa
Một trăm ngàn đời thuở lâu xa
Hoại kiếp, thành kiếp trải qua
Vị ấy nhớ lại như là mới đây.
Tại nơi ấy, tên này ta có
Thuộc giai cấp, giòng họ thế này
Uống, ăn, thọ khổ, lạc rày
Tuổi thọ như thế, chết ngày ra sao
Ta tái sinh, nhằm vào làng đó
Có tên tuổi, giòng họ thế nào
Cứ thế, nhớ lại bao đời
Đại cương, chi tiết các thời xưa nay.
Rồi vị này với tâm định tĩnh
Trong sáng và thanh tịnh, nhu yên
Không cấu nhiễm, không não phiền
Vững chắc, bất động, an nhiên như vầy.
Tỷ Kheo này hướng tâm đến với
Sinh tử trí, dẫn tới tuệ minh
Xét về sinh tử chúng sinh
Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy liền
Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả
Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang
Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn
Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ làm.
Gieo ác hạnh về thân, khẩu, ý
Hoặc phỉ báng các vị Thánh Hiền
Người này thân hoại, tận duyên
Do nghiệp tà kiến, đọa liền súc sinh
Các cõi dữ, như sinh địa ngục
Hoặc đọa xứ, thằng thúc nạn tai.
Còn bậc hiền giả, những ai
Làm những thiện hạnh ý và lời, thân
Không phỉ báng Hiền nhân, Thánh hiển
Tạo nghiệp lành, chánh kiến vô cùng
Sau khi thân hoại mạng chung
Được sinh thiện thú, nhân trung, cõi trời.
Do thiên nhãn, biết đời sống chết
Người hạ liệt hay kẻ giàu sang
Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn
Người này bất hạnh, kẻ bèn gặp may
Do hạnh nghiệp kẻ này hành động
Có kết quả chẳng giống nhau này.
Luân hồi tùy nghiệp chuyển xoay
Không ai tránh khỏi trả vay nghiệp này.
Rồi vị đây hướng tâm đến với
Lậu-tận-trí, dẫn tới biết rành
Tứ Diệu Đế, biết ngọn ngành
Đây là sự Khổ, nguyên nhân đưa vào
Đây Khổ Diệt, đường nào diệt khổ
Biết như thật lậu hoặc loại này
Nguyên nhân lậu hoặc là đây
Diệt trừ lậu hoặc, biết ngay con đường.
Nhờ hiểu biết, tận tường nhận thức
Tâm vị ấy rất mực sáng trong
Dục-lậu, hữu-lậu thoát xong
Thoát vô-minh-lậu, khỏi vòng trói trăn
Liền hiểu rõ : Tự thân giải thoát
Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành
Việc cần làm đã thi hành
Sau đời hiện tại, Vô sanh hiển bày.
Tỷ Kheo hay kham nhẫn nóng, lạnh,
Sự xúc chạm của gió, muỗi, ruồi,
Mặt trời, bò sát các loài,
Những lời la mắng, chưởi hoài nhiều phen
Vị ấy đã sống quen nhẫn thọ
Với những sự cảm thọ về thân
Đau nhói, thống khổ muôn phần,
Đau đớn kịch liệt toàn thân mọi chiều.
Được gột sạch các điều uế nhiễm
Tham, sân, si dứt điểm tinh tường,
Vị ấy đáng được cúng dường
Tôn trọng, cung kính và thường chắp tay
Lễ vị này, ruộng phước cao cả.
Ất-Ghi-Vết-Sa-Ná ! Như là
Một con vương-tượng tuổi già
Không được điều phục, không qua luyện rèn
Chết đi, bèn được gọi là chết
Với cái chết không được tốt lành
Không được điều phục, luyện rành.
Những con vương tượng thuộc thành phần chung
Tuổi bậc trung & voi trẻ sung sức
Không điều phục, không được dạy rành
Chết đi, cũng chỉ mang danh
Voi không điều phục, không thành tựu chi !
Cũng vậy, vì Tỷ Kheo Trưởng Lão
Mà hoặc-lậu chưa diệt, chết đi
Là Tỷ-Kheo & Tỷ-Kheo-Ni
Được gọi là chết trong thì dở dang,
Chết không được hoàn toàn điều phục.
Hoặc chết lúc trung niên & thanh niên
Gọi Tỷ Kheo trung & thanh niên
Chết với lậu-hoặc triền miên chưa trừ
Cái chết từ không được điều phục.
Trái lại, lúc Trưởng-lão, trung niên
Hoặc là Tỷ Kheo thanh niên
Chết nhưng lậu-hoặc, chướng duyên đã trừ,
Chết an như, điều phục uy dũng ! ”.
Nghe Thế Tôn Ứng Cúng giảng qua
Sư A-Chi-Rá-Va-Ta
Hoan hỷ tín thọ Phật Đà kim ngôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 125 : ĐIỀU NGỰ ĐỊA –
DANTABHÙMI Sutta )