TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
118. Kinh NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM
( Kinh Quán Niệm Hơi Thở
Anàpànasati sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ – trú qua (1)
Đông Viên – Búp-Bá-Ra-Ma (2)
Mi-Ga-Ra-Má-Tú-Pa-Sá-Đề (2)
Tức thuộc về Giảng Đường Lộc Mẫu,
Cùng với hàng Tăng Bảo tài ba
Như ngài Sa-Ri-Pút-Ta, (3)
Ma-Ha Mốc-Gá-La-Na, cùng là
Ngài Ma-Ha Kách-Cha-Da-Ná, (3) …
Đại Chun-Đá, A-Nú-Rút-Tha,
Ngài Ma-Ha Kốt-Thi-Ta,
Rê-Va-Tá, A-Nan-Đa, cùng là
Ma-Ha Káp-Pi-Na Tôn-giả,
Cùng nhiều bậc Thượng Tọa tài danh
_______________________________
(1) : Thành Xá-Vệ – Savatthi. Nơi có Kỳ Viên Tinh Xá.
(2) : Đông Phương Tự – Pubbaràma hay Đông Viên, có Giảng
Đường Lộc Mẫu – Migaramatupasade.
(3) : Các vị Tôn-giả : Mahà Sariputta (Xá-Lợi-Phật - đệ nhất Trí
Tuệ), Mahà Moggallana (Mục-Kiền-Liên - đệ nhất Thần Thông),
Mahà Cunda, Anuruttha (A-Nậu-Lâu-Đà hay A-Na-Luật - đệ
nhất Thiên Nhãn), Mahà Kotthita (Đại Câu-Hy-La - đệ nhất Đắc
Giải), Revata (Ly-Bà-Đa - đệ nhất Thiền Định), Mahà Kappina
(Đại Kiếp-Tân-Na - Đại Thần Thông).
Lúc ấy, các vị tịnh thanh
Tỷ Kheo Thượng Tọa, bậc rành pháp môn
Dạy các Tân Sa-môn Phích-Khú
Khuyến giáo, dạy quy củ Thiền-gia.
Một số Thượng Tọa trải qua
Dạy cho mười vị mới, là Tỷ Kheo,
Một số vị Tỷ Kheo Thượng Tọa
Khuyến giáo, dạy cho cả hai mươi,
Hoặc dạy ba mươi, bốn mươi.
Các Tân Phích-Khú nghe lời dạy khuyên
Của hiện tiền Giáo Thọ các vị,
Đều hoan hỷ, ý thức rõ ràng
Về những quả vị minh quang,
Cao diệu, thù thắng của hàng xuất gia,
Đã chứng đạt trải qua nhanh chậm.
Lúc ấy, đấng Đại Giác uyên thâm
Vào ngày Bố-tát đêm rằm
Sau ngày Tự Tứ tháng âm trăng tròn,
Đức Thế Tôn an tọa giữa Chúng
Tỷ Kheo Tăng đang cũng ngồi quanh.
Phật nhìn Chúng Tăng tịnh thanh
Đang rất yên lặng, an lành ngồi yên,
Thế Tôn liền bảo hàng Tăng Bảo :
– “ Ta thỏa mãn với đạo lộ này,
Các Tỷ Kheo ! Tâm Ta nay
Thỏa mãn với đạo lộ đây nhiệm huyền,
Các Tỷ Kheo ! cần chuyên hơn thế
Để có thể chứng đạt những gì
Mình chưa chứng đạt, liễu tri,
Chứng ngộ viên mãn những chi chưa thành.
Xá-Vệ thành, Ta sẽ ở đó
Đến tháng tư, lễ Kố-Mu-Đi ”.
Được nghe đức Chánh Biến Tri
Sẽ ở lại Sa-Vát-Thi dài ngày,
Những Tỷ Kheo nơi đây – Xá-Vệ
Cùng các nơi gần kế Thành này
Tụ họp tại xá-Vệ ngay
Để được yết kiến bậc Thầy Nhân Thiên.
Các Tỷ Kheo cao niên lạp trưởng
Lại ra sức bồi dưỡng, dạy khuyên
Các Tân Tỷ Kheo thanh niên
(Hoặc là bán thế có duyên tu hành).
Do các vị tịnh thanh Giáo Thọ
Đã hết lòng dạy dỗ, răn khuyên
Giảng dạy ý thức căn nguyên
Hiểu rõ quả vị nhiệm huyền cao siêu,
Rất thù thắng và nhiều vi diệu
Nếu thấu hiểu, chứng đạt uyên thâm.
Lại vào Bố-tát ngày rằm
Trăng tròn vằng vặc, lễ nhằm tháng tư,
Đấng Đại Từ ngồi trên bãi cỏ
Chung quanh có Chúng Tăng đoanh vây.
Phật nhìn Chúng Tăng nơi này
Đang rất yên lặng, rồi Ngài nói ngay :
– “ Chúng Tăng này ! Đây là Hội Chúng
_______________________________
(1) : Komudi là ngày trăng tròn tháng tư (Kattika) trong mùa
Tự Tứ (Pavàranà) của Chư Tăng sau 3 tháng An cư Kiết hạ.
(2) : Bố-tát – Uposatha : Là ngày tụng đọc Giới-bổn Patimokkha-
Sanvarasìla (Biệt biệt giải-thoát thu thúc giới) của Chư Tăng
vào hai ngày Mùng 1 và 14 Âm-lịch mỗi tháng, để kiểm điểm sự
giữ giới của mỗi vị và tùy theo mà phát lồ sám hối.
Không thừa thải mà cũng không dư,
Đã được an trú ví như
Lõi cây thanh tịnh, đồng cư an lành.
Với hội chúng tịnh thanh như thế
Đáng tôn trọng, kính lễ, cúng dường,
Đáng được chắp tay tán dương,
Ruộng phước vô thượng thanh lương trên đời.
Tăng Chúng ấy là nơi đạt được :
Bố thí ít được phước báo nhiều,
Nếu mà càng bố thí nhiều
Thì được phước báo càng nhiều hơn lên.
Hội Chúng trên – Tỷ Kheo Tăng ấy
Là hội chúng khó thấy ở đời,
Xứng đáng để cho những người
Tín tâm, đi bộ từ nơi của mình
Trải qua nhiều do-tuần diệu vợi,
Trên vai với lương thực đầy bao
Đi đến nơi bậc thanh cao
(Hội chúng Tăng Bảo) đê đầu lễ tôn
Chúng Tỷ Kheo sa-môn này vậy.
Hội Chúng ấy thanh tịnh, hợp hòa.
Trong Chúng Tỷ Kheo kể ra
Có những Phích-Khú chính là Thánh Tăng
A-La-Hán (4) đã hằng đoạn tận
Các lậu-hoặc, Phạm hạnh đã thành
Việc cần làm đã thi hành,
Gánh nặng đã được đặt nhanh xuống rồi,
Mục đích đã tức thời thành đạt
Hữu-kiết-sử, các ác diệt rày,
________________________________
(4) : Xem chú thích ở trang kế.
Giải thoát nhờ chánh trí vầy,
Chúng Tăng có các vị này nghiêm trang.
Trong hội chúng các hàng Phích-Khú
Năm hạ phần kiết-sử diệt trừ
Hóa sinh cõi Trời Tịnh Cư
Chứng Bất-Lai quả (3) và từ cõi đây
Sẽ nhập Niết Bàn đầy tự tại
Không còn sinh trở lại cõi đời.
Bậc A-Na-Hàm này thời
Có mặt trong hội chúng nơi Tăng Già.
Các Tỷ Kheo (hay là Phích-Khú)
Đoạn trừ ba kiết-sử thực thi
Muội lược cả tham, sân, si
Chứng Nhất Lai quả (2) bởi vì vị đây
Còn tái sinh đời này một kiếp,
Sẽ đoạn hết phiền não khổ đau.
Bậc Tỷ Kheo này thanh cao
Cũng có hiện diện, hoà vào Chúng Tăng.
Các Tỷ Kheo ! Trong Tăng Chúng đó
Cũng đã có những vị Tỷ Kheo
Diệt ba kiết sử dính đeo
Chứng Dự-Lưu quả (1) nương theo pháp lành
Không còn sanh vào ác đạo lộ,
Sẽ giác ngộ bảy kiếp về sau.
_______________________________
* Bốn thánh quả Thinh-Văn-Giác : (1) :Tu-Đà-Hoàn ( Sotàpatti ) hay Dự Lưu quả hoặc Thất Lai quả (chỉ còn sinh lại thế gian 7 lần) (2) : Tư-Đà-Hàm ( Sakadàgàmi ) hay Nhất Lai quả (sinh lại 1 lần)
(3) : A-Na-Hàm ( Anàgàmi ) hay Bất Lai quả ( sinh lên cung trời
Tịnh Cư (Suddhàvàsa) để tiếp tục tu và nhập Vô Dư Niết Bàn .
(4) : A-La-Hán ( Araham ) được dịch là Vô Sanh , Vô Học , Ứng
Cúng , sau khi mạng chung sẽ tấn nhập Vô Dư Niết Bàn .
Bậc Tỷ Kheo này thanh cao
Cũng có hiện diện, hòa vào Chúng Tăng.
Các Tỷ Kheo ! Trong Tăng Chúng đó
Cũng đã có Tỷ Kheo chuyên tâm
Tu Bốn niệm-xứ chú tâm
Bậc Tỷ Kheo đó cũng nằm trong Tăng.
Các Tỷ Kheo ! trong Tăng Chúng đó
Cũng đã có những vị tinh cần
Chuyên tâm, chú tâm tu phần
Bốn như-ý-túc & Chánh cần hai đôi,
Năm căn, năm lực rồi cố gắng
Bảy giác-chi tinh tấn hành trì.
Các bậc Tỷ Kheo uy nghi
Tám ngành Thánh đạo mọi thì chuyên tâm
Và chú tâm nỗ lực tu tập,
Các vị đều có mặt trong Tăng.
Các Tỷ Kheo ! Trong Chúng Tăng
Cũng có những vị chuyên cần, chú tâm
Tu tập về từ tâm, bi mẫn,
Hỷ tâm lẫn xả tâm hành trì
Đều có trong Tăng Chúng ni.
Các bậc tinh tấn mọi thì chuyên tâm
Và chú tâm tu tập bất tịnh,
Vô thường tưởng, đặc tính chuyên tu
Trong chúng chư vị Phích-Khu
Đã có những vị Phích-Khu như vầy.
Trong Chúng Tỷ Kheo này cũng có
Những Tỷ Kheo luôn cố chuyên tâm,
Chú tâm tu tập về phần
‘Nhập tức, xuất tức niệm’ hằng dõi theo.
(Quán niệm hơi thở)
Các Tỷ Kheo ! ‘Nhập & xuất tức niệm’
Tức ‘Quán niệm hơi thở’ đề tài
Nếu được tu tập hằng ngày,
Làm cho sung mãn, đưa ngay đến điều
Được quả lớn, được nhiều công đức,
Niệm nhập tức, xuất tức cần chuyên
Làm cho sung mãn, là duyên
Khiến ‘bốn niệm xứ’ được viên mãn liền.
Bốn niệm xứ được siêng tu vậy
Sung mãn, khiến cho ‘bảy giác chi’
Được viên mãn. Và một khi
Được tu tập bảy giác chi đủ đầy,
‘Minh giải thoát’ đạt ngay viên mãn.
Các Tỷ Kheo ! Công đoạn thế nào
Là tu thở ra thở vào
Làm cho sung mãn là sao điều này ?
Như thế nào đạt ngay quả lớn,
Công đức lớn do quán niệm này ?
Này các Tỷ Kheo ! Ở đây
Vị Tỷ Kheo ấy đến ngay rừng già,
Hoặc gốc cây, ngôi nhà trống vắng,
Ngồi kiết già lưng thẳng, an như
Chánh niệm thở vô khoan thư,
Chánh niệm, vị ấy từ từ thở ra,
Vị ấy biết thở ra dài, ngắn,
Hay thở vô dài, ngắn – biết ngay.
Vị ấy cũng biết như vầy :
‘Cảm giác cả toàn thân’ này biết mau,
Tập thở vào, thở ra sâu, chậm,
‘An tịnh thân hành’ chậm, sâu – và
‘An tịnh thân hành’ thở ra,
‘Thân hành an tịnh’ rồi ta thở vào.
Tôi thở vào : ‘cảm giác hỷ thọ’,
Tập : ‘cảm giác hỷ thọ’, thở ra.
‘Cảm giác lạc thọ’ thở ra
‘Cảm giác lạc thọ’, rồi ta thở vào.
‘Cảm giác tâm hành’ nào tôi tập
Nhẹ thở vào rồi tập thở ra.
‘An tịnh tâm hành’, thở ra
‘An tịnh tâm hành’ tập và thở vô.
Tôi thở vô ‘về tâm cảm giác’
Tập ‘cảm giác về tâm’, thở ra
‘Tâm hân hoan’ thở vào & ra
Với ‘tâm định tĩnh’ thở ra, thở vào.
‘Tâm giải thoát’ thở vào & ra, tập
Vị ấy tập về ‘quán vô thường’
Thở vô, thở ra hiểu tường.
‘Ly tham’, ‘đoạn diệt’ quán nương không rời.
Thở vào rồi thở ra sâu, chậm
‘Quán từ bỏ’ sâu, chậm thở ngay,
Thở vô, thở ra tập vầy
‘Quán niệm hơi thở’ đêm ngày cần chuyên,
Tu tập siêng, làm cho sung mãn
Thời căn bản được quả lớn ngay,
Được công đức lớn, sâu dày.
(Làm viên mãn Bốn Niệm Xứ)
Các Tỷ Kheo ! Thế nào đây hành trì
‘Quán hơi thở’ mọi thì tu tập ?
Làm sao thật sung mãn pháp này ?
Khiến ‘bốn niệm xứ’ tròn đầy ?
Các Tỷ Kheo ! Khi vị đây thở vào,
Thở ra sao ? Thở vào dài, ngắn,
Hay dài, ngắn – vị ấy thở ra,
Cảm giác cả toàn thân, và
Thân hành an tịnh, thở ra, thở vào.
Vị ấy tập thở vào, ra đó
Trong khi có quán thân trên thân,
Vị Tỷ Kheo ấy trú an
Nhiệt tâm, tỉnh giác, niệm cần chánh chân,
Chế ngự phần tham, ưu tích tụ.
Các Phích-Khú ! Đối với các thân
Vị ấy an trú, nhiệt tâm
Tỉnh giác, chánh niệm, quyết tâm thật nhiều,
Chế ngự điều tham, ưu cõi thế.
Các Tỷ Kheo ! Cứ thế, vị này
Nghĩ : ‘Cảm giác hỷ thọ’ đây
Tôi thở vô, thở ra ngay, thực hành,
Cảm giác lạc thọ mình tập thở
Tôi tập thở vào đoạn thở ra.
Cảm giác tâm hành tập, và
Tâm hành an tịnh thở ra, vào – thì
Vị ấy trong khi tùy quán thọ
Trên các thọ, vị ấy trú thầm
Tỉnh giác, chánh niệm, nhiệt tâm
Cần để chế ngự ưu, tham đời này.
Các Tỷ Kheo ! Ở đây đối với
Các cảm thọ, tôi nói đây là
Đích thị là một, tức là
Thực hành quán niệm thở ra, thở vào.
Các Tỷ Kheo ! Khi nào vốn dĩ
Vị ấy nghĩ : ‘Với cảm giác tâm
Tôi thở vô, ra – tập thầm
‘Với tâm hoan hỷ’ âm thầm thở ra,
Thở vô và ‘với tâm thiền-định’
‘Tâm giải thoát’, tập tính thở đều
Vào, ra, sâu, chậm dõi theo
Trong khi tùy ‘quán tâm đều trên tâm’.
Các Tỷ Kheo ! Nhiệt tâm Phích-Khú
Tỉnh giác, trú, chánh niệm mọi thời
Chế ngự tham, ưu ở đời.
Này các Phích-Khú ! Quán hơi thở thời
Không thể đến với người thất niệm
Không tỉnh giác, không kiểm soát tâm.
Khi nào vị ấy nghĩ thầm :
‘Quán vô thường’, tôi chú tâm thở vào
Rồi thở ra, chậm, sâu – tôi tập.
Tôi cũng tập về ‘quán ly tham’
‘Quán đoạn diệt’ tôi thực hành,
‘Quán từ bỏ’, thở an lành vàp, ra.
Trong khi mà ‘quán trên các pháp’
Thời thích hạp vị ấy trú an
Tỉnh giác, chánh niệm, nhiệt tâm
Cần để chế ngự ưu, tham ở đời.
Do tức thời tham, ưu trừ diệt
Khi thấy, biết với trí tuệ, thì
Khéo nhìn với sự xả ly
Tất cả sự vật, nên Tỳ-Kheo khi
Thực hành tùy ‘quán pháp trên pháp’
Và Tỷ Kheo an lạc, tịnh thanh
An trú, tỉnh giác, nhiệt tâm,
Chánh niệm, chế ngự ưu, tham ở đời.
Do từ nơi tham, ưu trừ diệt
Khi thấy, biết với trí tuệ, thì
Cái nhìn với sự xả ly.
Này các Phích-Khú ! Trong khi vững bền
Quán pháp trên các pháp như thế,
Vị Tỷ Kheo được kể trú an,
Tỉnh giác, chánh niệm, nhiệt tâm
Cần để chế ngự ưu, tham ở đời.
Nếu ‘quán hơi thở’ được tu tập
Làm sung mãn cùng khắp như vầy
Khiến ‘bốn niệm xứ’ tròn đầy.
(Làm viên mãn Bảy Giác Chi)
Bốn niệm xứ ấy ở đây thế nào
Được tu tập ? Thế nào sung mãn
Khiến viên mãn cho ‘bảy giác chi’ ?
Này các Tỷ Kheo ! Trong khi
Tùy quán thân trên thân, thì vị đây
Trú, nhiệt tâm và đầy tỉnh giác
Chánh niệm, chế ngự các ưu, tham,
Lúc ấy, niệm không mê đam
Của Tỷ Kheo ấy được an trú về
Lúc niệm không hôn mê vị ấy.
Được an trú như vậy, đồng thì
Trong khi ấy, niệm giác chi
Bắt đầu được khởi với vì Tỷ Kheo.
‘Niệm giác chi’ Tỷ Kheo tu tập
Đi đến thật viên mãn (tròn đầy)
An trú với chánh niệm này,
Tư duy chân chánh, vị này suy tư,
Thẩm sát pháp ấy từ trí tuệ
Từ sự thể chánh niệm trú qua,
Tỷ Kheo với trí tuệ, mà
Tư duy, suy gẫm, thẩm tra pháp này,
‘Trạch pháp giác chi’ nay được khởi
Vị ấy tu tập với pháp ni
(Tức là trạch-pháp giác-chi)
Tu tập mãi cho đến khi tròn đầy.
Tỷ Kheo này tiếp tục tu tập
Được thu thập kết quả tạo nên
‘Tinh tấn giác chi’ khởi lên,
‘Hỷ giác chi’ cũng khởi lên tròn đầy.
‘Khinh an giác chi’ đây được khởi
Chính do bởi Tỷ Kheo hành trì
Tu tập Khinh-an giác-chi
Đi đến sung mãn ‘giác chi’ hoàn toàn.
Vị có thân khinh an như vậy
Tâm vị ấy định tĩnh, an hòa
‘Định giác chi’ được khởi ra
Với tâm định tĩnh trải qua, vị này
Khéo nhìn sự vật đây mọi điểm
Với ý niệm xả ly tức thì.
Này các Tỷ Kheo ! Trong khi
Với tâm định tĩnh, niệm thì xả ly
‘Xả giác chi’ bắt đầu khởi dậy
Trong khi giác-chi ấy hành trì
Làm cho sung mãn tức thì.
Này các Phích-Khú ! Trong khi vị này
‘Quán thọ ngay trên các cảm thọ’,
Hay vị đó ‘quán tâm trên tâm’,
‘Quán pháp trên các pháp’ cần
Tu tập lần lượt các phần nêu trên.
Bảy giác-chi khởi lên tuần tự
Vị Phích-Khú tu tập tinh cần
Đưa đến sung mãn vô ngần
Do ‘bốn niệm xứ’ chuyên tâm hành trì.
(Minh-giải-thoát được viên mãn)
Các Tỷ Kheo !Giác-chi bảy thứ
Vị Phích-Khú tu tập thế nào ?
Làm cho sung mãn ra sao ?
Khiến ‘Minh-giải-thoát’ dồi dào, mãn viên ?
Các Tỷ Kheo ! Cần chuyên Phích-Khú
Tu chuyên chú về Niệm-giác-chi
Liên hệ đến sự viễn ly
Và liên hệ đến sự ly tham này,
Xả ly ngay liên hệ đến diệt.
Rồi mãi miết tu các giác-chi
Tuần tự : ‘Trạch-pháp giác-chi’,
‘Giác-chi tinh-tấn’, ‘giác-chi hỷ’ này
‘Khinh-an giác-chi’ đây đạt cả
‘Định giác-chi’ và ‘xả giác-chi’
Đều liên hệ đến viễn ly,
Ly tham và diệt đồng thì liên quan
Hướng xả ly, hoàn toàn tròn đủ.
Các Phích-Khú ! Bảy giác-chi này
Đã được tu tập như vầy
Làm cho sung mãn, tràn đầy tịnh thanh,
Khiến cho Minh-giải-thoát viên mãn
Từ việc ‘quán hơi thở’ hành trí.
Nghe từ đấng Chánh Biến Tri
Chúng Tăng hoan hỷ, kiên trì niềm tin ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 118 : NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM –
QUÁN NIỆM HƠI THỞ – ÀNÀPÀNASATI Sutta )