- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
PHẨM “BÁT NHÃ HÀNH TƯỚNG”(1)
Quyển 38 đến hết quyển 41, Hội thứ I, ĐBN.
(Tương đương với phẩm cùng tên “Hành Tướng” quyển thứ 03, MHBNBLM)
Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh
Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước
Gợi ý:
Phẩm “Bát Nhã Hành Tướng” từ quyển 38 đến quyển 41, ĐBN tương đương với phẩm “Hành Tướng”, quyển thứ 03, MHBNBLMĐ. Phẩm này của Kinh ĐBN trùng tụng quá nhiều, chúng tôi hết sức cố gắng rút gọn nhưng vẫn thấy rườm rà, nếu so với quyển thứ 03 của Kinh MHBNBLMĐ, do La Thập dịch. Nội dung của cả hai Kinh không có gì khác, vẫn là rượu cũ bình mới. Quý vị độc giả cứ so chiếu hai Kinh sẽ rõ.
Tóm lược:
Bát nhã Ba la mật là pháp vô sở hữu, bất khả đắc, pháp tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Bởi vì nội không, ngoại không, nội ngoại đều không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tản không, vô biến dị không, bản tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không (18 pháp không). Sắc là pháp không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; pháp thọ, tưởng, hành, thức, không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; 12 xứ , 18 giới là pháp không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; bốn Thánh đế, 12 nhân duyên, 18 pháp không không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; pháp bốn tịnh lự không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; bốn vô lượng, bốn định vô sắc không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được; pháp năm loại mắt, pháp sáu thần thông, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp bất cộng, Nhất thiết tướng trí… cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Nghĩa là tất cả pháp Phật hay 81 khoa danh tướng Bát Nhã đều vô sở hữu, chẳng thể nắm bắt được.
Nói tóm lại: Thường hoặc vô thường, lạc hoặc khổ, ngã hoặc vô ngã, tịnh hoặc bất tịnh, không hoặc bất không, vô tướng hoặc hữu tướng, vô nguyện hoặc hữu nguyện, tịch tịnh hoặc bất tịch tịnh, viễn ly hoặc bất viễn ly, tạp nhiễm hoặc thanh tịnh, sanh hoặc diệt, hữu vi hoặc vô vi, hữu lậu hoặc vô lậu, thiện hoặc phi thiện, hữu tội hoặc vô tội, thế gian hoặc xuất thế gian, thuộc sanh tử hoặc thuộc Niết bàn, quá khứ, vị lai hoặc hiện tại, thiện, bất thiện hoặc vô ký, sự ràng buộc trong cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô Sắc, học, vô học, hoặc phi học phi vô học, kiến sở đoạn, tu sở đoạn hoặc phi sở đoạn, hoặc ở trong, hoặc ở ngoài, hoặc ở giữa hai, các pháp như vậy, đều không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Bởi vì nội không, ngoại không, nội ngoại đều không… vô tánh tự tánh cũng không.
Nếu đại Bồ Tát, khi tu hành Bát Nhã mà thẩm xét, quán sát kỹ tất cả các pháp như trên, đều không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt được, thì tâm không chìm đắm, cũng chẳng lo âu, hối tiếc; tâm ấy chẳng kinh, chẳng sợ, chẳng hãi. Phải biết, đại Bồ Tát ấy, năng đối nơi Bát nhã Ba la mật thường chẳng bỏ rời.
- Làm sao biết các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, đối với Bát Nhã có khả năng thường chẳng xa lìa?
Nếu Bồ Tát tu hành Bát Nhã, biết như thật về Bát Nhã, lìa tự tánh Bát Nhã; biết như thật về tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, lìa tự tánh tịnh lự cho đến bố thí Ba la mật. Vì vậy, nên biết các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, đối với Bát nhã Ba la mật có khả năng thường chẳng xa lìa.
Đại Bồ Tát ấy, khi tu hành Bát Nhã, biết như thật về sắc, lìa tự tánh sắc; biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức, lìa tự tánh thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về mười hai xứ, mười tám giới, lìa tự tánh của mười hai xứ, mười tám giới; biết như thật bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, Nhất thiết tướng trí… cho đến biết như thật về Như Lai, lìa tự tánh bốn tịnh lự cho đến Như Lai; biết như thật về pháp thường, vô thường, lìa tự tánh pháp thường, vô thường; biết như thật về pháp lạc, khổ, ngã, vô ngã, tịnh, bất tịnh, không, bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, tịch tịnh bất tịch tịnh, viễn ly bất viễn ly, tạp nhiễm thanh tịnh, sanh diệt, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, thiện phi thiện, hữu tội vô tội, thế gian xuất thế gian, thuộc sanh tử thuộc Niết bàn... lìa tự tánh pháp lạc, khổ cho đến pháp thuộc sanh tử, thuộc Niết bàn; biết như thật về pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, lìa tự tánh pháp quá khứ, vị lai, hiện tại; biết như thật về pháp thiện bất thiện, vô ký, sự ràng buộc trong cõi Dục, sự ràng buộc trong cõi Sắc, cõi Vô Sắc, học, vô học, phi học phi vô học, kiến sở đoạn, tu sở đoạn, phi sở đoạn, ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai bên, lìa tự tánh pháp thiện, bất thiện, vô ký cho đến ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai.
Vì vậy, nên biết các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã ấy, đối với Bát Nhã, có khả năng thường chẳng xa lìa.
- Cái gì là tự tánh của Bát Nhã? Cái gì là tự tánh của tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật? Cho đến cái gì là tự tánh của pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai?
Vô tánh là tự tánh của Bát Nhã; vô tánh là tự tánh của tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, cho đến vô tánh là tự tánh của pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai. (Q.38, ĐBN)
Vì vây, nên biết Bát Nhã, lìa tự tánh Bát Nhã; tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, lìa tự tánh tịnh lự cho đến tự tánh bố thí Ba la mật; cho đến pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai, lìa tự tánh pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai.
Tự tánh cũng lìa tự tánh, tướng cũng lìa tướng; tự tánh cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tự tánh; tướng của tự tánh cũng lìa tự tánh của tướng, tự tánh của tướng cũng lìa tướng của tự tánh. Nếu đại Bồ Tát mà học những pháp như trên, thì có khả năng hoàn thành Nhất thiết tướng trí. Vì đại Bồ Tát ấy biết tất cả pháp không sanh, không thành.
- Do nhân duyên gì mà tất cả pháp không sanh, không thành?
Vì sắc là không, nên sự sanh và thành của sắc chẳng thể nắm bắt được; vì thọ, tưởng, hành, thức là không, nên sự sanh và thành của thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nắm bắt được; vì 12 xứ, 18 giới là không, nên sự sanh và thành của mười hai xứ, mười tám giới chẳng thể nắm bắt được; vì tất cả pháp Phật là không, nên sự sanh và thành của tất cả pháp Phật chẳng thể nắm bắt được; vì pháp thường, vô thường là không, nên sự sanh và thành của pháp thường, vô thường chẳng thể nắm bắt được; vì pháp lạc, khổ, ngã, vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, tịch tịnh bất tịch tịnh, viễn ly bất viễn ly, tạp nhiễm thanh tịnh, sanh diệt, hữu vi vô vi, hữu lậu vô lậu, thiện bất thiện, hữu tội vô tội, thế gian xuất thế gian, thuộc sanh tử, thuộc Niết bàn là không, nên sự sanh và thành của pháp lạc, khổ cho đến thuộc sanh tử, thuộc Niết bàn chẳng thể nắm bắt được; vì pháp quá khứ, vị lai, hiện tại là không, nên sự sanh và thành của pháp quá khứ, vị lai, hiện tại chẳng thể nắm bắt được; vì pháp thiện bất thiện, hữu ký vô ký, sự ràng buộc ở cõi Dục, sự ràng buộc cõi Sắc, cõi Vô Sắc, học vô học, phi học phi vô học, kiến sở đoạn, tu sở đoạn, phi sở đoạn, ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai là không, nên sự sanh và thành của pháp thiện bất thiện, hữu ký vô ký cho đến ở bên trong, bên ngoài hay ở giữa hai bên chẳng thể nắm bắt được. (Q.38, ĐBN)
Nếu đại Bồ Tát học Bát Nhã như vậy, thì liền gần Nhất thiết tướng trí; đại Bồ Tát ấy gần như thật Nhất thiết tướng trí như vậy, nên được thân thanh tịnh, khẩu thanh tịnh, ý thanh tịnh, tướng thanh tịnh; đại Bồ Tát ấy được như thật thân khẩu ý thanh tịnh như vậy, nên chẳng sanh tâm tham, sân, si, chẳng sanh tâm siểm(2), mạn(3), cuồng(4), san(5), kiến thủ(6). Đại Bồ Tát ấy, vì do chẳng sanh tâm tham cho đến chẳng sanh tâm kiến thủ, nên rốt ráo chẳng đọa vào trong thai nữ nhân, thường được hóa sanh(7), cũng vĩnh viễn không sanh vào các đường ác, trừ khi vì nhân duyên làm lợi lạc hữu tình; từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng, ngợi khen chư Phật Thế Tôn, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, thường chẳng lìa Phật.
Nếu đại Bồ Tát, muốn được công đức thù thắng lợi lạc như trên, thì nên học Bát Nhã, chẳng nên xa lìa. (Q.38, ĐBN)
1. Tu không có phương tiện khéo léo.
(Có hành tức không hành, không chứng)
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện khéo léo, hoặc hành ngũ uẩn hoặc hành tướng ngũ uẩn, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc hành ngũ uẩn hay tướng ngũ uẩn thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện khéo léo, hoặc hành 12 xứ hay tướng 12 xứ, hoặc hành 18 giới hay tướng 18 giới thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện khéo léo, khi hành địa giới, hoặc hành tướng địa giới, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc hành thủy hỏa phong không thức giới, hoặc hành tướng thủy hỏa phong không thức giới, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hay nói chung, hành lục đại chủng thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. (Hết Q.38, ĐBN)
Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, không có phương tiện khéo léo, hoặc hành khổ thánh đế, hoặc hành tướng khổ thánh đế, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc hành tập diệt đạo thánh đế, hoặc hành tướng tập diệt đạo thánh đế, chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc Tứ thánh đế thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện khéo léo, hoặc hành 12 nhân duyên hay hành tướng của 12 nhân duyên, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Hoặc hành 37 pháp trợ đạo. Hoặc hành lục Ba la mật. Hoặc hành ngũ nhãn và lục thần thông. Hoặc hành Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Nói chung, hành tất cả pháp Phật và tướng của tất cả pháp Phật, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Nói tóm lại, hoặc hành tất cả pháp Phật thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện khéo léo, hoặc tác lên ý nghĩ này: Ta hành Bát nhã Ba la mật, có được bao nhiêu hành tướng như vậy, là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Hoặc tác lên ý nghĩ này: Ta là đại Bồ Tát kia không phải là đại Bồ Tát, ta tu hành Bát Nhã như thế, kia không phải tu Bát Nhã v.v... Nếu đại Bồ Tát lên những ý nghĩ như thế thảy mà tu hành Bát nhã Ba la mật, phải biết đấy gọi tên là đại Bồ Tát vô phương tiện thiện xảo tu hành Bát nhã Ba la mật!
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử rằng: Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật không có phương tiện khéo léo, hoặc đối ngũ uẩn trụ tưởng thắng giải(8), bèn nơi sắc tác tên gia hạnh(9). Do vì gia hạnh, nên chẳng năng giải thoát được sanh lão bệnh tử và khổ đời sau. Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật không có phương tiện khéo léo, hoặc đối 12 xứ, 18 giới trụ tưởng thắng giải, bèn nơi 12 xứ, 18 giới tác lên gia hạnh. Do vì gia hạnh, nên chẳng năng giải thoát được sanh lão bệnh tử và khổ đời sau.
Nếu Đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật không có phương tiện khéo léo, hoặc đối lục đại chủng tác lên gia hạnh. Do vì gia hạnh, nên chẳng năng giải thoát được sanh lão bệnh tử và khổ đời sau.
Nếu Bồ Tát Ma ha tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật không có phương tiện khéo léo, hoặc đối Tứ thánh đế, 12 nhân duyên, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, 37 trợ đạo, lục Ba la mật, năm nhãn, lục thần thông, Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí hay nói khác đối với tất cả pháp Phật trụ tưởng thắng giải, bèn nơi tất cả pháp Phật tác lên gia hạnh. Do vì gia hạnh, nên chẳng năng giải thoát được sanh lão bệnh tử và khổ đời sau.
Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật không có phương tiện khéo léo, hoặc đối Thanh văn và đối pháp Thanh văn trụ tưởng thắng giải, bèn nơi Thanh văn và đối pháp Thanh văn tác lên gia hạnh. Hoặc đối Độc giác, Bồ Tát, Như Lai và đối với tất cả pháp các vị đó trụ tưởng thắng giải, bèn nơi Độc giác, Bồ Tát, Như Lai và nơi tất cả pháp của các vị đó tác lên gia hạnh. Do vì do gia hạnh, nên chẳng năng giải thoát được sanh lão bệnh tử và khổ đời sau.
Xá Lợi tử! Đại Bồ Tát như thế vẫn chẳng chứng được bậc Thanh văn, Độc giác vào Niết bàn. Nếu được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề quyết không có lẽ ấy. Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát tác lên những bao thứ như thế thảy mà tu hành Bát nhã Ba la mật, phải biết đấy gọi tên là đại Bồ Tát vô phương tiện thiện xảo tu hành Bát nhã Ba la mật!
2. Tu có phương tiện khéo léo:
(Không hành tức là hành là chứng)
Khi ấy! Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Làm sao biết được các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo?
Thiện Hiện đáp: Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo chẳng hành 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, chẳng hành tướng 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới là hành Bát nhã Ba la mật. Chẳng hành 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, chẳng hành tướng 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới thường vô thường, lạc khổ, chẳng hành ngã vô ngã, chẳng hành tịnh bất tịnh, chẳng hành không bất không, chẳng hành vô tướng hữu tướng, chẳng hành vô nguyện hữu nguyện, chẳng hành tịch tĩnh bất tịch tĩnh, chẳng hành viễn ly bất viễn ly là hành Bát Nhã. Xá Lợi tử! Phải biết đấy là đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo. Vì sao? Xá Lợi Tử! Ngũ uẩn, ngũ uẩn tánh không. Xá Lợi Tử! Ngũ uẩn này chẳng phải ngũ uẩn không, ngũ uẩn không này chẳng phải ngũ uẩn. Vì ngũ uẩn chẳng rời không, không chẳng rời ngũ uẩn. Ngũ uẩn tức là không, không tức là ngũ uẩn. Mười hai xứ, 18 giới cũng lại như vậy!
Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo, chẳng hành lục đại chủng, là hành Bát nhã Ba la mật. Chẳng hành lục đại chủng thường vô thường, lạc khổ, chẳng hành ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, tịch tĩnh bất tịch tĩnh, viễn ly bất viễn ly là hành Bát nhã Ba la mật! Phải biết đấy là đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo. Vì sao? Xá Lợi Tử! Lục đại chủng, lục đại chủng tánh không. Xá Lợi Tử! Lục đại chủng này chẳng phải lục đại chủng không, lục đại chủng không này chẳng phải lục đại chủng. Vì lục đại chủng chẳng rời không, không chẳng rời lục đại chủng. Lục đại chủng tức là không, không tức là lục đại chủng.
Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo, chẳng hành Tứ thánh đế, 12 nhân duyên, hoặc chẳng hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Hoặc chẳng hành 37 pháp trợ đạo. Hoặc chẳng hành lục Ba la mật. Hoặc chẳng hành ngũ nhãn và lục thần thông. Hoặc chẳng hành Phật mười lực, bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Nói chung, chẳng hành tất cả pháp Phật và tướng của tất cả pháp Phật, là hành Bát Nhã. Nói tóm lại, hoặc chẳng hành tất cả pháp Phật thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly. Nếu chẳng hành tất cả như vậy là hành Bát nhã Ba la mật. Phải biết đấy là đại Bồ Tát tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo. Vì sao, Xá Lợi Tử? Vì tất cả pháp, tất cả pháp tánh không. Tất cả pháp này chẳng phải tất cả pháp không, tất cả pháp không này chẳng phải tất cả pháp. Vì tất cả pháp chẳng rời không, không chẳng rời tất cả pháp. Tất cả pháp tức là không, không tức là tất cả pháp.
Như vậy đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật có phương tiện khéo léo, năng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Vậy nên, khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với tất cả pháp chẳng lấy có, chẳng lấy chẳng phải có, chẳng lấy cũng có cũng chẳng phải có, chẳng lấy chẳng phải có chẳng phải chẳng có. Với “chẳng lấy” cũng chẳng lấy nốt.
3. Tất cả pháp lấy vô tánh làm tự tánh:
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Vì nhân duyên gì mà đại Bồ Tát này khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với tất cả pháp đều không lấy gì hết?
Thiện Hiện đáp: Do vì tất cả pháp tự tánh bất khả đắc. Vì sao? Là vì tất cả pháp lấy vô tánh làm tự tánh vậy. Do nhân duyên này, nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối tất cả pháp hoặc lấy có, hoặc lấy chẳng phải có, hoặc lấy cũng có cũng chẳng phải có, và hoặc lấy “chẳng lấy” là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không có tự tánh, nên chẳng thể lấy được vậy.
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với Bát nhã Ba la mật chẳng lấy hành, chẳng lấy chẳng hành, chẳng lấy cũng hành cũng chẳng hành, chẳng lấy chẳng phải hành chẳng phải chẳng hành. Với “chẳng lấy” cũng chẳng lấy nốt.
Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối tất cả pháp và Bát nhã Ba la mật đều không chỗ lấy, không chỗ chấp đắm, đấy gọi là đại Bồ Tát đối với tất cả pháp không chỗ lấy đắm Tam ma địa. Tam ma địa này mầu nhiệm thù thắng, rộng lớn vô lượng, năng nhóm vô biên vô ngại tác dụng, chẳng chung cùng tất cả Thanh văn và Độc giác. Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát với tam ma địa này hằng trụ chẳng bỏ, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Các đại Bồ Tát, vì chỉ với một Tam ma địa này hằng trụ chẳng bỏ, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề, hay là còn có các Tam ma địa khác hằng trụ chẳng bỏ cũng khiến đại Bồ Tát mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề? Thiện hiện đáp: Chẳng những với một Tam ma địa này, mà lại còn có các Tam ma địa khác, các đại Bồ Tát hằng trụ chẳng bỏ, mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề.
Xá Lợi Tử hỏi: Là những Tam ma địa nào? Thiện Hiện đáp: Chỗ gọi là Kiện hành tam ma địa, Bảo ấn tam ma địa, Sư tử du hý tam ma địa, Diệu nguyệt tam ma địa, Nguyệt tràng tướng tam ma địa, Nhất thiết pháp hải tam ma địa. Quán đảnh tam ma địa, Pháp giới quyết định tam ma địa, Quyết định tràng tướng tam ma địa, Kim cang dụ tam ma địa, Nhập pháp ấn tam ma địa, Tam ma địa vương tam ma địa, Thiện an trụ tam ma địa, Thiện lập định vương tam ma địa, Phóng quang tam ma địa, Vô vong thất tam ma địa, Phóng quang vô vong thất tam ma địa, Tinh tiến lực tam ma địa, Trang nghiêm lực tam ma địa, Đẳng dũng tam ma địa, Nhập nhất thiết ngôn từ quyết định tam ma địa, Nhập nhất thiết danh tự quyết định tam ma địa, Quán phương tam ma địa, Tổng trì ấn tam ma địa, Chư pháp đẳng thú hải ấn tam ma địa, Vương ấn tam ma địa, Biến phú hư không tam ma địa, Kim cang luân tam ma địa, Tam luân thanh tịnh tam ma địa, Vô lượng quang tam ma địa, Vô trước vô chướng tam ma địa, Đoạn chư pháp chuyển tam ma địa, Khí xả trân bảo tam ma địa, Biến chiếu tam ma địa, Bất luyện tam ma địa, Vô tướng trụ tam ma địa, Bất tư duy tam ma địa, Vô biên quang tam ma địa, Phóng quang tam ma địa, Phổ chiếu tam ma địa, Tịnh kiên định tam ma địa, Sư tử phấn tấn khư tam ma địa, Vô cấu quang tam ma địa, Diệu nhạc tam ma địa, Tối thắng tràng tướng tam ma địa, Đế tướng tam ma địa, Thuận minh chánh lưu tam ma địa, Cụ oai quang tam ma địa, Ly tận tam ma địa, Bất khả động chuyển tam ma địa, Tịch tĩnh tam ma địa, Vô hà khích tam ma địa, Nhật đăng tam ma địa, Nguyệt tịnh tam ma địa, Tịnh nhãn tam ma địa, Tịnh quang tam ma địa, Nguyệt đăng tam ma địa, Pháp minh tam ma địa, Ưng tác bất ưng tác tam ma địa, Trí tướng tam ma địa, Kim cang man tam ma địa, Trụ tâm tam ma địa, Phổ minh tam ma địa, Diệu an lập tam ma địa, Bảo tích tam ma địa, Diệu pháp ấn tam ma địa, Nhất thiết pháp tánh bình đẳng tam ma địa, Khí xả trần ái tam ma địa, Pháp dũng viên mãn tam địa, Nhập pháp đảnh tam ma địa, Bảo tánh tam ma địa, Xả huyên tránh tam ma địa, Phiêu tán tam ma địa, Phân biệt pháp cú tam ma địa, Quyết định tam ma địa, Vô cấu hạnh tam ma địa, Tự bình đẳng tướng tam ma địa, Ly văn tự tướng tam ma địa, Đoạn sở duyên tam ma địa, Vô biến dị tam ma địa, Vô chủng loại tam ma địa, Nhập danh tướng tam ma địa, Vô sở tác tam ma địa, Nhập quyết định danh tam ma địa, Hành vô tướng tam ma địa, Ly ế ám tam ma địa, Cụ hạnh tam ma địa, Bất biến động tam ma địa, Độ cảnh giới tam ma địa, Tập nhất thiết công đức tam ma địa, Vô tâm trụ tam ma địa, Quyết định trụ tam ma địa, Tịnh diệu hoa tam ma địa, Cụ giác chi tam ma địa, Vô biên biện tam ma địa, Vô biên đăng tam ma địa, Vô đẳng đẳng tam ma địa, Siêu nhất thiết pháp tam ma địa, Quyết phán chư pháp tam ma địa, Tán nghi tam ma địa, Vô sở trụ tam ma địa, Nhất tướng trang nghiêm tam ma địa, Dẫn phát hành tướng tam ma địa, Nhất hành tướng tam ma địa, Ly chư hành tướng tam ma địa, Diệu hạnh tam ma địa, Đạt chư hữu để viễn ly tam ma địa, Nhập nhất thiết thi thiết ngữ ngôn tam ma địa, Kiên cố bửu tam ma địa, Ư nhất thiết pháp vô sở thủ trước tam ma địa, Điễn diệm trang nghiêm tam ma địa, Trừ khiển tam ma địa, Vô thắng tam ma địa, Pháp cự tam ma địa, Huệ đăng tam ma địa, Thú hướng bất thối chuyển thần thông tam ma địa, Giải thoát âm thanh văn tự tam ma địa, Huệ cự xí nhiên tam ma địa, Nghiêm tịnh tướng tam ma địa, Vô tướng tam ma địa, Vô trược nhẫn tướng tam ma địa, Cụ nhất thiết diệu tướng tam ma địa, Cụ tổng trì tam ma địa, Bất hỷ nhất thiết khổ lạc tam ma địa, Vô tận hành tướng tam ma địa, Nhiếp phục nhất thiết chánh tà tánh tam ma địa, Đoạn tắng ái tam ma địa, Ly vi thuận tam ma địa, Vô cấu minh tam ma địa, Cực kiên cố tam ma địa, Mãn nguyệt tịnh quang tam ma địa, Đại trang nghiêm tam ma địa, Vô nhiệt điển quang tam ma địa, Năng chiếu nhất thiết thế gian tam ma địa, Năng cứu nhất thiết thế gian tam ma địa, Định bình đẳng tánh tam ma địa, Vô trần hữu trần bình đẳng lý thú tam ma địa, Vô tránh hữu tránh bình đẳng lý thú tam ma địa, Vô sào nhũng vô tiêu xí vô ái nhạo tam ma địa, Quyết định an trụ chơn như tam ma địa, Khí trung dũng xuất tam ma địa, Thiêu chư phiền não tam ma địa, Đại trí huệ cự tam ma địa, Xuất sanh thập lực tam ma địa, Khai xiển tam ma địa, Hoại thân ác hành tam ma địa, Hoại ngữ ác hành tam ma địa, Hoại ý ác hành tam ma địa, Thiện quan sát tham ma địa, Như hư không tam ma địa, Vô nhiễm trước như hư không tam ma địa.
Xá Lợi Tử! Nếu Bồ Tát đối các Tam ma địa như vậy thảy hằng trụ chẳng bỏ, mau chứng Vô thượng Bồ đề. Lại còn có hàng bao nhiêu vô lượng vô số Tam ma địa môn, Đà la ni môn, nếu đại Bồ Tát năng khéo tu học cũng khiến mau chứng A nậu đa la tam miệu tam bồ đề.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thừa thần lực Phật bảo Xá Lợi Tử rằng: Nếu đại Bồ Tát nào trụ Tam ma địa như vậy thảy, phải biết đã được các Phật quá khứ trao ký! Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát này tuy trụ các Tam ma địa như vậy nhưng chẳng thấy các Tam ma địa đây, cũng chẳng nghĩ nói: Ta đã vào các Tam ma địa đây, ta nay vào các Tam ma địa đây, ta sẽ vào các Tam ma địa đây, duy ta năng vào chứ chẳng phải những kẻ khác vào được. Đại Bồ Tát kia suy nghĩ phân biệt như vậy thảy, bởi đấy nên sức định đều chẳng hiện hành.
Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng: Là thật riêng có đại Bồ Tát trụ các Tam ma địa như vậy thảy, đã được các Phật quá khứ hiện tại trao ký ư? Thiện Hiện đáp: Chẳng phải vậy. Xá Lợi Tử! Vì sao? Bát nhã Ba la mật chẳng khác các Tam ma địa, các Tam ma địa chẳng khác Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát chẳng khác Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa, Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa chẳng khác đại Bồ Tát. Bát nhã Ba la mật tức là Tam ma địa, các Tam ma địa tức là Bát nhã Ba la mật. Đại Bồ Tát tức là Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa, Bát nhã Ba la mật và Tam ma địa tức là đại Bồ Tát. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh bình đẳng vậy. Xá Lợi Tử nói: Nếu tất cả pháp tánh bình đẳng ấy, Tam ma địa này có thể chỉ ra được không? Thiện Hiện đáp: Chẳng thể chỉ ra được.
Xá Lợi Tử hỏi: Đại Bồ Tát này ở Tam ma địa đây có tưởng hiểu chăng? Thiện Hiện đáp: Đại Bồ Tát kia không có tưởng hiểu. Xá Lợi Tử hỏi: Cớ sao đại Bồ Tát kia không tưởng hiểu? Thiện Hiện đáp: Vì đại Bồ Tát kia không phân biệt vậy. Xá Lợi Tử hỏi: Cớ sao đại Bồ Tát kia không phân biệt? Thiện Hiện đáp: Vì tất cả pháp tánh đều vô sở hữu, nên đại Bồ Tát kia ở định chẳng khởi phân biệt. Do nhân duyên đây, nên đại Bồ Tát này đối tất cả pháp và Tam ma địa đều không có tưởng hiểu. Vì sao? Vì tất cả pháp và Tam ma địa đều vô sở hữu. Trong vô sở hữu phân biệt tưởng hiểu không do đâu mà sanh khởi vậy.
Đức Thế Tôn khen Thiện Hiện rằng: Hay thay! Hay thay! Như ngươi đã nói. Nên ta nói ngươi trụ Định vô tránh, trong chúng Thanh văn rất là đệ nhất. Do đây Ta nói cùng nghĩa tương ưng! Thiện Hiện! Đại Bồ Tát muốn học Bát nhã Ba la mật, nên học như vậy. Muốn học tĩnh lự, tinh tiến, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, nên học như vậy. Thiện Hiện! Đại Bồ Tát muốn học bốn tĩnh lự, nên học như vậy. Muốn học bốn vô lượng, bốn vô sắc định, nên học như vậy. Thiện Hiện! Đại Bồ Tát muốn học 37 pháp trợ đạo, nên học như vậy. Thiện Hiện! Đại Bồ Tát muốn học năm nhãn, sáu thần thông cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, nên như vậy mà học!
Khi ấy, Xá Lợi Tử thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát học như vậy, là chính học Bát nhã Ba la mật, cho đến là chính học Nhất thiết tướng trí ư? Phật bảo Xá Lợi Tử: Đại Bồ Tát học như vậy, là chính học Bát nhã Ba la mật, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện vậy. Cho đến là chính học Nhất thiết tướng trí, vì lấy vô sở đắc làm phương tiện vậy.
Khi ấy, Xá Lợi Tử thưa Phật nữa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát học như vậy, lấy vô sở đắc làm phương tiện học Bát nhã Ba la mật, cho đến lấy vô sở đắc làm phương tiện học Nhất thiết tướng trí ư? Phật bảo Xá Lợi Tử: Đại Bồ Tát học như vậy, lấy vô sở đắc làm phương tiện học Bát Nhã, cho đến lấy vô sở đắc làm phương tiện học Nhất thiết tướng trí.
Xá Lợi Tử thưa: Vô sở đắc ấy là những pháp gì, bất khả đắc ư? Phật nói: Ngã bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, sát thủ thú, ý sanh, nho đồng, tác giả, khiến tác giả, khởi giả, khiến khởi giả, thọ giả, khiến thọ giả, trì giả, kiến giả bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Ngũ uẩn bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Mười hai xứ, 18 giới bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy.
Lục đại chủng bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Dục giới bất khả đắc, Sắc, Vô sắc giới bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Tứ thánh đế, 12 nhân duyên bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Ba mươi bảy pháp trợ đạo bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Lục Ba la mật, năm nhãn, sáu thần thông bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Phật mười lực, bốn vô sở úy, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy. Bồ Tát, Như Lai bất khả đắc, vì rốt ráo tịnh vậy.
Xá Lợi Tử thưa: Bạch Thế Tôn! Nói là rốt ráo tịnh ấy, là những nghĩa nào? Phật nói: Các pháp chẳng xuất chẳng sanh, chẳng mất chẳng hết, vô nhiễm vô tịnh, vô đắc vô vi. Như vậy gọi là nghĩa rốt ráo tịnh.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát khi học như vậy là học pháp nào? Phật bảo Xá Lợi Tử: Đại Bồ Tát khi học như vậy, là đối tất cả pháp đều vô sở học. Vì sao? Vì chẳng phải tất cả pháp như vậy mà có. Như chỗ chấp của ngu phu, dị sanh nên với trong ấy mà học. Xá Lợi Tử thưa: Nếu vậy các pháp làm sao mà có được! Phật nói: Các pháp như vô sở hữu, như vậy mà có. Nếu đối pháp vô sở hữu như vậy, chẳng năng rõ thấu gọi tên vô minh.
Bạch đức Thế Tôn! Những gì là vô sở hữu, nếu chẳng biết nên gọi là vô minh?
Nầy Xá Lợi Tử! Ngũ ấm đến thập bát giới là vô sở hữu, tứ niệm xứ đến pháp bất cộng là vô sở hữu. Tại sao vậy? Vì là nội không, nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy.
Ở trong đây, vì sức vô minh làm cho khát ái nên phàm phu vọng thấy phân biệt. Đây gọi là vô minh. Phàm phu nầy bị nhị biên(10) trói buộc nên chẳng biết, chẳng thấy các pháp vô sở hữu. Do đây mà nhớ tưởng phân biệt chấp trước nơi sắc, nhẫn đến pháp bất cộng.
Nơi pháp vô sở hữu, vì chấp trước nên người nầy sanh ra phân biệt cái biết, cái thấy. Đây là phàm phu chẳng biết, chẳng thấy. Chẳng thấy, chẳng biết những gì ? Chẳng thấy, chẳng biết sắc, nhẫn đến chẳng thấy, chẳng biết pháp bất cộng. Do cớ nầy mà sa vào hàng phàm phu ngu si như trẻ nít. (Q. 41. ĐBN)
Người nầy chẳng ra khỏi. Chẳng ra khỏi chỗ nào? Chẳng ra khỏi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, chẳng ra khỏi pháp của Thanh Văn, Bích Chi Phật.
Người nầy cũng chẳng tin. Chẳng tin những gì ? Chẳng tin sắc không, nhẫn đến chẳng tin pháp bất cộng không.
Người nầy cũng chẳng an trụ. Chẳng an trụ nơi đâu? Chẳng an trụ nơi lục Ba la mật, chẳng an trụ bực bất thối chuyển, nhẫn đến chẳng an trụ pháp bất cộng.
Do duyên cớ nầy mà gọi là phàm phu ngu si như trẻ nít. Cũng gọi là kẻ chấp trước. Chấp trước những gì? Chấp trước sắc, nhẫn đến ý thức giới, chấp trước tham, nhẫn đến tà kiến, chấp trước tứ niệm xứ, nhẫn đến Phật đạo.
Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát học như vậy, có phải cũng là chẳng học Bát nhã Ba la mật, chẳng được Nhất thiết tướng trí chăng?
Nầy Xá Lợi Tử! Đại Bồ Tát học như vậy là chẳng học Bát nhã Ba la mật, chẳng được Nhất thiết tướng trí.
Tại sao? Vì đại Bồ Tát nầy không phương tiện nên nghĩ tưởng phân biệt chấp trước Bát Nhã, tịnh lự, tinh tiến, an nhẫn, trì giới và bố thí Ba la mật, nhẫn đến nghĩ tưởng, phân biệt, chấp trước pháp bất cộng và Nhất thiết tướng trí. Vì duyên cớ nầy nên đại Bồ Tát học như vậy cũng là chẳng học Bát nhã Ba la mật, chẳng được Nhất thiết tướng trí.
Bạch đức Thế Tôn! Nếu như vậy thời đại Bồ Tát phải học Bát Nhã như thế nào mới là học Bát nhã Ba la mật được Nhất thiết tướng trí?
Nầy Xá Lợi Tử! Lúc học Bát nhã Ba la mật, nếu đại Bồ Tát chẳng thấy Bát nhã Ba la mật thời là học Bát nhã Ba la mật được Nhất thiết tướng trí, vì bất khả đắc vậy.
Bạch đức Thế Tôn! Tại sao gọi là bất khả đắc?
Nầy Xá Lợi Phất! Vì tất cả pháp nội không nhẫn đến vô pháp hữu pháp không vậy.
Thích nghĩa:
(1). Hành tướng: Ở đây chúng tôi không theo lối giải thích của tông Câu xá (nói về năng duyên hay sở duyên) hay tông Duy thức (nói về tướng phần và kiến phần) mà chúng tôi giải thích sự cảm thọ và ý thức theo quan niệm thông thường theo phân tâm học hiện đại, nghĩa là khi một người thấy cảnh thì sanh tâm phân biệt chấp trước hoặc xấu tốt, nhiễm tịnh... Rồi từ phân biệt chấp trước đưa đến hành động hoặc nắm bắt, buông bỏ hoặc gần gũi thân cận hay xa lánh trốn chạy... Hành động như vậy là hành theo tướng, nên tạm gọi là hành tướng.
(2). Siểm: Bợ đỡ, nịnh hót.
(3). Mạn: Khinh mạn.
(4). Cuồng: Không tự chủ được trong lời nói, ý chí hay hành động. Tâm trí cuồng loạn.
(5). San: Bỏn xẻn.
(6). Kiến thủ: Chấp cứng sự hiểu biết của mình mặc dù có nhiều người cho là hiểu sai, nhưng không theo, không chịu sửa đổi.
(7). Hóa sanh: Sanh ra không qua bầu thai của người mẹ, tự sanh. Cõi Phật tịnh độ hóa sanh là sanh ra từ hoa sen.
(8). Thắng giải: (勝解) Phạm: Adhimokwa. Pàli:Adhimutti. Cũng gọi Tín giải. Tên của tâm sở, 1 trong 10 Đại địa pháp thuộc 75 pháp của Câu xá, 1 trong 5 Biệt cảnh thuộc 100 pháp của Duy thức. Nghĩa là sự hiểu tỏ thù thắng, tức đối với các cảnh sở duyên (đối tượng nhận thức) khởi lên tác dụng phán đoán chính xác. Nhưng về tâm sở này, các phái giải thích có khác nhau. Thuyết nhất thiết hữu bộ và tông Câu xá cho rằng Thắng giải là 1 trong 10 Đại địa pháp, có thể tương ứng với tất cả tâm sở, tức trùm khắp tất cả tâm phẩm. Luận Câu xá quyển 4, (Đại 29, 19 thượng) nói: Thắng giải nghĩa là đối với các cảnh có năng lực hiểu rõ chính xác. Tức bất luận là thị phi, tà chính, tác dụng của tâm sở này đều có thể quyết đoán rõ ràng, chính xác. Ví dụ khi tâm đối trước cảnh, dù cảnh đó là hoa hay trăng, tâm liền quyết đoán là hoa, là trăng, cho nên tất cả tâm phẩm đều có tâm sở này. Nhưng tông Duy thức thì cho rằng Thắng giải là 1 trong 5 Biệt cảnh, không có công năng trùm khắp tất cả tâm sở. Luận Thành duy thức, quyển 5 (Đại 31, 28 trung) nói: Thế nào là thắng giải? Nghĩa là khi đối trước cảnh tâm quyết định rõ ràng, phán đoán chính xác, đó là Thắng giải; còn nếu đối trước cảnh tâm còn do dự, nghi ngờ, không thể quyết đoán, thì không phải là Thắng giải, không thể trùm khắp. Còn Thượng tọa bộ thì chủ trương Thắng giải chính là quyết định và không khác gì với Trí tướng. Thuyết Nhất thiết hữu bộ thì cho rằng ấn khả là tác dụng khác của Thắng giải, vì thế khác với Thắng giải hoặc Trí tướng. Luận Đại tì bà sa quyển 101 cho rằng Trạch diệt là tự tính của giải thoát vô vi, còn Thắng giải thì là tự tính của giải thoát hữu vi. Phỏng theo Phật Quang từ điển.
(9). Gia hạnh: Có các nghĩa sau: 1. Sự chuẩn bị cho việc tu tập; giai đoạn tu tập ban đầu (s: prayoga, prayogika). 2. Tu tập, nỗ lực, gắng sức, đặc biệt trong thời kỳ đầu hay vì tính chất phương tiện. 3. Giai vị Gia hạnh đạo hoặc Gia hạnh vị. (Tự điển Phật học Anh-Hán-Việt)
(10). Nhị biên hay lưỡng nguyên: Phàm-thánh là hai, Phật-chúng sanh là hai; địa ngục-Niết bàn là hai… Cái gì có hai là có chấp. Đó là nhị biên, thế giới của đối đãi phân biệt.
Lược giải:
Ở đây có lẽ quá sớm khi Kinh giới thiệu về 18 pháp không: Nội không, ngoại không, nội ngoại đều không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tản không, vô biến dị không, bản tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không. Đó là chủ đề chính của Đại Bát nhã Ba la mật. Nắm vững 18 pháp không này là nắm vững toàn bộ Tánh Không Bát Nhã.
Ngày nào chúng ta còn thảo luận về Tánh Không Bát Nhã thì ngày đó chúng ta còn tiếp tục viết về đề tài này cho đến khi ngừng bút. Vì toàn bộ đại tùng thư này cốt nói về Không, “Nhất thiết pháp không”, để phủ nhận sự hiện hữu của tất cả pháp. Câu nói “Nhất thiết pháp không”, trở thành câu nói vô tiền khoáng hậu, tạo thành một trào lưu xôi động làm đảo lộn tư tưởng Đại thừa trong việc hóa đạo. Và để hỗ trợ tư tưởng này giáo lý vô sở hữu bất khả đắc trở thành phương tiện thiết yếu trong việc tu tập để đạt ngộ để chứng Nhất thiết trí trí(1). Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi Kinh mở đầu với câu nói: “Bát nhã Ba la mật là pháp vô sở hữu, bất khả đắc, pháp tĩnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật cũng không có sở hữu, chẳng thể nắm bắt”. Không những thế uẩn, xứ, giới, thiên hà đại địa (các đại chủng) cũng không có sở hữu, không thể nắm bắt được cả đến, 5 nhãn, sáu thần thông, tứ đế, thập nhị nhân duyên, 37 pháp trợ đạo, Nhất thiết trí trí cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng vô sở hữu, không thể nắm bắt được. Bởi vì sao? Vì nội không, ngoại không, nội ngoại đều không… vô tánh tự tánh cũng không nốt.
Chúng ta có thể chấp nhận quan điểm về nhân sinh và vũ trụ này mà không một lời phản đối hay than vãn nào chăng? Có lẽ còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, Bát Nhã tạm thời cho ta đáp số vắn tắt như sau: Nếu quan sát thẩm xét kỹ tất cả pháp trên đều vô sở hữu bất khả đắc thì tâm không chìm đắm lo âu hối tiếc, chẳng kinh, chẳng hãi... thì (người thọ trì) sẽ không xa lìa Bát nhã Ba la mật.
Tiền đề của câu trả lời này là phải quan sát và thẩm xét kỹ trước đã, nếu thấy đúng tất cả pháp là vô sở hữu bất khả đắc thì sẽ được an tâm và không bao giờ lìa Bát Nhã. Nếu được an tâm và không xa lìa Bát Nhã thì có cơ hội học hỏi để thành đạt Bát Nhã. Đó là kết quả của quan sát và thẩm xét mà kinh khuyến dẫn.
Nhưng quan sát và thẩm xét cái gì? Quan sát thẩm xét kỹ để biết như thật về Bát Nhã, lìa tự tánh Bát Nhã. Nghĩa là biết như thật tất cả pháp từ căn trần xứ giới, các pháp Phật, các pháp lạc khổ, ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không cho đến các pháp ở bên trong, bên ngoài hay ở giữa hai đều lìa tự tánh.
Vấn nạn kế tiếp là tại sao tự tánh lìa tự tánh? Tự tánh là gì mà phải lìa? Câu trả lời là: “Vô tánh là tự tánh của Bát Nhã; vô tánh là tự tánh của tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật, cho đến vô tánh là tự tánh của tất cả pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai”.
Tự tánh là một từ ghép hết sức vi tế, chi li gây nhiều khó khăn cho người học Phật. Nhưng một khi hiểu được nó thì có thể tháo gỡ gút mắc của ba cõi sáu đường. Tự tánh là bổn thể của tất cả pháp tức chỉ bản tánh sẵn có, cái tự có, “nó là nó” của các pháp. Những danh từ khác như bản chất các pháp, bản tánh, pháp tánh, Chân như v.v... là những dụng ngữ đồng loại.
Điểm đặc biệt của những từ này trong Bát Nhã là cốt diễn tả trạng thái của tất cả pháp, mà tất cả pháp theo Bát Nhã là không (nhất thiết pháp không). Vô tướng là không có tướng trạng, vô tánh là không có bản tánh, tự tánh nó là nó, nhưng không có cái nào là nó cả, tất cả pháp đều duyên hợp giả có, nên bảo là không. Bát Nhã phủ nhận sự hiện hữu của tất cả pháp. Bởi vì tất cả những gì gọi là pháp (hữu vi) đều do duyên hội, nên nói nó không có chủ thể, không chủ thể không có nghĩa là không có gì cả mà không chủ thể nên nói giả có đương thể tức không. Đương thể “tức không”, nghĩa là không có tự tánh nên nói tự tánh lìa tự tánh.
Tại sao lại nói tất cả pháp không có tự tánh nên nói lấy vô tánh làm tự tánh? Đó là vấn nạn nữa, khó nuốt. Đoạn kinh sau đây của ĐBN có thể trả lời câu hỏi mắc mỏ này:
Phẩm “Phương Tiện Khéo léo”, quyển 526, Hội thứ VI, ĐBN. Tu Bồ Đề bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn! Nhất thiết chủng trí lấy gì làm tánh? Lấy gì làm sở duyên ? Lấy gì làm tăng thượng? Lấy gì làm hành tướng? Lấy gì làm tướng?
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Nhất thiết chủng trí lấy vô tánh làm tánh, lấy vô tánh làm sở duyên, chánh niệm làm tăng thượng, vắng lặng làm hành tướng, vô tướng làm tướng.
Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chỉ Nhất thiết chủng trí lấy vô tánh làm tánh hay sắc thọ tưởng hành thức cũng lấy vô tánh làm tánh? Nói rộng cho đến chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề cũng lấy vô tánh làm tánh, hay hữu vi giới và vô vi giới cũng lấy vô tánh làm tánh?
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Chẳng những Nhất thiết chủng trí lấy vô tánh làm tánh, mà sắc thọ tưởng hành thức cũng lấy vô tánh làm tánh. Cho đến hữu vi giới và vô vi giới cũng lấy vô tánh làm tánh.
Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên nào Nhất thiết chủng trí lấy vô tánh làm tánh? Sắc thọ tưởng hành thức cũng lấy vô tánh làm tánh, cho đến hữu vi giới và vô vi giới cũng lấy vô tánh làm tánh?
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Vì Nhất thiết chủng trí không có tự tánh. Nếu pháp không có tự tánh, pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Vì sắc thọ tưởng hành thức cho đến hữu vi giới và vô vi giới cũng không có tự tánh. Nếu pháp không có tự tánh, pháp này lấy vô tánh làm tánh.
Huệ mạng Tu Bồ Đề lại thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì Nhất thiết chủng trí không có tự tánh. Sắc thọ tưởng hành thức cho đến hữu vi giới và vô vi giới cũng không có tự tánh?
Phật bảo: Tu Bồ Đề! Vì Nhất thiết chủng trí không tự tánh hòa hợp vậy. Nếu pháp không tự tánh hòa hợp, pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Sắc thọ tưởng hành thức cho đến hữu vi giới và vô vi giới cũng không tự tánh hòa hợp. Nếu pháp không tự tánh hòa hợp, pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Do nhân duyên đây, các Bồ Tát Ma ha tát nên biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tánh”.
Tất cả pháp không có thực thể riêng của nó, tất cả đều do duyên hợp mà thành hay nói khác là do duyên hội, nên kinh nói không tự tánh hòa hợp. “Nếu pháp không tự tánh hòa hợp, pháp ấy lấy vô tánh làm tánh. Do nhân duyên đây, các Bồ Tát Ma ha tát nên biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tánh”. Chúng ta có thể chấp nhận kết luận này mà không một lời giải thích nào chăng?
Đây không phải là khái niệm, khái niệm là cái gì trừu tượng, khái quát, còn nằm trong ước đoán hay nhận thức. Vậy, vô tánh là gì? Vô tánh chính là chỗ ngộ của Phật. Khi Phật nói “nếu pháp không tự tánh hòa hợp, pháp ấy lấy vô tánh làm tánh”. Động từ “lấy” ở đây đứng sau liên từ “nếu”, có nghĩa là kết quả chỉ có khi có đủ điều kiện mà điều kiện ở đây là sự hòa hợp của các duyên. Nhưng tất cả pháp đều do duyên hợp, không có pháp nào là tự sanh thì phải xác định các pháp đó lấy vô tánh làm tự tánh. Đây là lối nói theo thể xác định, không phải là một diễn dịch có điều kiện. Vì vậy, trong phẩm “Tam Tiệm Thứ”, quyển 372, Hội thứ I, ĐBN. Phật khuyên: “Các Bồ Tát Ma ha tát lấy vô tánh làm Thánh đạo, lấy vô tánh làm hiện quán...”. Tại sao Phật nói như vậy? Vì đó là sự chứng ngộ của Phật.
Nguyên văn của đoạn kinh trên được trích dẫn thêm như sau: “Các Bồ Tát Ma ha tát lấy vô tánh làm Thánh đạo, lấy vô tánh làm hiện quán, đạt tất cả pháp, đều lấy vô tánh mà làm tự tánh. Do nhân duyên đây, phải biết tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh”.
Nên Phật bảo: “Ta lúc bấy giờ, quán tất cả pháp bình đẳng, lấy vô tánh làm tánh, do một sát na tương ưng Bát Nhã chứng được Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề...”.
Xét kỹ câu nói trên của Phật: “Bấy giờ Ta quán tất cả pháp bình đẳng lấy vô tánh làm tánh (hay lấy vô tánh làm tự tánh), do một sát na tương ưng Bát Nhã chứng được Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề”. Phật bảo do quán sát tất cả pháp bình đẳng, đạt tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh mà chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đó là sự chiếu soi chứng biết của Phật qua Bát Nhã.
Tất cả pháp chỉ là duyên hội, các pháp không có chủ thể riêng biệt, không có chủ thể nên không thể tự sanh. Không thể tự sanh nên phải nói tất cả pháp không có tự tánh. Ở đây, chúng ta không dùng từ “nếu” mà có thể nói thẳng ra rằng không có tự tánh, nên lấy vô tánh làm tự tánh. Đó là một hệ luận tất nhiên không phải là kết quả của một diễn dịch có điều kiện. Dẫu vậy, muốn cho chúng sanh hiểu nên Phật vì thế tục giả lập nói tất cả pháp không có tự tánh nên lấy vô tánh làm tự tánh. Nên quyển 596, phần “Bát Nhã Ba La Mật”, Hội thứ XVI, ĐBN. Phật bảo: “Vô tánh đều do thế tục giả lập, chẳng phải trong ấy có chút tự tánh. Vì không tự tánh nên các pháp đều lập vô tánh làm tánh”. (2)
Ở đây Phật nói lên sự chứng ngộ của mình: Phật lấy vô tánh làm tự tánh nhập Bát Nhã, rồi viên mãn tất cả pháp Phật, nhập vào các tĩnh lự, an trụ thanh tịnh, dẫn phát các thần thông, tự tại đối các cảnh giới diệu dụng vô ngại. Rồi trong một sát na tương ưng với diệu huệ, nhập Đẳng giác vào Diệu giác, trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Muốn được như thế, phải lấy vô tánh làm Thánh đạo, lấy vô tánh làm hiện quán, đạt được Chân như của tất cả pháp.
- Cũng trong phẩm này, quyển 38, kinh nói tiếp: “Tự tánh cũng lìa tự tánh, tướng cũng lìa tướng; tự tánh cũng lìa tướng, tướng cũng lìa tự tánh; tướng của tự tánh cũng lìa tự tánh của tướng, tự tánh của tướng cũng lìa tướng của tự tánh. Nếu đại Bồ Tát mà học những pháp như trên, thì có khả năng hoàn thành Nhất thiết tướng trí. Vì đại Bồ Tát ấy biết tất cả pháp không sanh, không thành”.
- Do nhân duyên gì mà tất cả pháp không sanh, không thành?
Kinh trả lời rằng: “Vì 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới là không, nên sự sanh và thành của 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới chẳng thể nắm bắt được; vì tất cả pháp Phật là không, nên sự sanh và thành của tất cả pháp Phật chẳng thể nắm bắt được, vì pháp thường, vô thường là không, nên sự sanh và thành của pháp thường, vô thường chẳng thể nắm bắt được; vì pháp lạc, khổ, ngã, vô ngã, tịnh bất tịnh không... cho đến các pháp ở bên trong, ở bên ngoài hay ở giữa hai là không, nên sự sanh và thành của pháp pháp thường, vô thường, pháp lạc, khổ, ngã, vô ngã, cho đến pháp ở bên trong, bên ngoài hay ở giữa hai bên chẳng thể nắm bắt được.
Nếu đại Bồ Tát học Bát Nhã như vậy, thì liền gần Nhất thiết tướng trí...”
1. Thế nào là tu không có phương tiện?
Tu không có phương tiện là hành tất cả pháp hay hành theo tướng của tất cả pháp, hành như vậy tức không phải là hành Bát Nhã. Hành tất cả pháp hay hành tướng tất cả pháp là “thường vô thường, hoặc lạc khổ, hoặc ngã vô ngã, tịnh bất tịnh, không bất không, vô tướng hữu tướng, vô nguyện hữu nguyện, hoặc tịch tĩnh bất tịch tĩnh, hoặc viễn ly bất viễn ly”. Đó là hành tướng nên bị tướng che! “Nếu hành tất cả như vậy là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật”. Vì sao? Vì hành theo tướng nên dễ phân biệt, chấp trước. Do chấp trước, khởi gia hạnh sai khác nên mang nhiều phiền não tội chướng. Vì tất cả pháp đều vô sở hữu, bất khả đắc.
2. Thế nào là tu có phương tiện?
- Tu có phương tiện là không hành tất cả pháp: Không hành 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới cho đến tất cả pháp Phật, không hành thường-vô thường, lạc-khổ, chẳng hành ngã-vô ngã, không hành tịnh-bất tịnh, không hành không-bất không, không hành vô tướng-hữu tướng, không hành vô nguyện-hữu nguyện, không hành tịch tĩnh-bất tịch tĩnh, không hành viễn ly-bất viễn ly là hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì tất cả pháp, tất cả pháp tánh không. Tất cả pháp chẳng phải pháp không, pháp không chẳng phải tất cả pháp. Vì tất cả pháp chẳng rời không, không chẳng rời tất cả pháp. Tất cả pháp tức là không, không tức là tất cả pháp.
Hành Bát nhã Ba la mật như vậy là có phương tiện khéo léo, năng được Vô thượng Bồ đề. Nên, đối với tất cả pháp chẳng lấy có, chẳng lấy chẳng phải có; chẳng lấy cũng có cũng chẳng phải có; chẳng lấy chẳng phải có chẳng phải chẳng có. Nên, với “chẳng lấy” cũng chẳng lấy nốt. Hành theo tứ cú là hý luận, nên không thể đắc.
Vì vậy, tu có phương tiện thiện xảo thì phải thấy tất cả pháp vô sở hữu, bất khả đắc. Nên Bồ Tát lấy vô sở hữu, bất khả đắc làm phương tiện tu các thiện pháp, mà không trụ trong sắc thọ tưởng hành thức cả đến tất cả pháp Phật. Bồ Tát biết rằng tất cả pháp đều không, nhưng Bồ Tát cũng không trụ ở không. Không trụ không tức là lìa hết thảy tướng. “Lìa hết thảy tướng tức là chư Phật”. Một khi đã lìa hết thảy tướng thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì thật tướng sanh. Thật tướng sanh có nghĩa là vô minh ngã kiến đã đoạn, Chân như pháp thân hiện ra nên gọi là chư Phật. Vì vậy, kinh Kim Cang bảo: “thấy tất cả tướng không phải tướng liền thấy Như Lai”(3).
“Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai”.
Đối lại, tu mà phân biệt, chấp trước là tu không có phương tiện. Phân biệt giữa giàu nghèo, trọng khinh: Trọng thì muốn gần gũi, thân cận; khinh thì đuổi xua, xa lánh… Chấp tướng thì hành theo tướng.
Chúng sanh thường chấp những gì? Chúng sanh thường chấp ngã pháp. Thô thì chấp sắc thân là nhân ngã kiến, nên khởi phân biệt. Vì vậy, không thoát cái khổ của phần đoạn sanh tử. Tế thì chấp tất cả pháp, tức là pháp ngã kiến nên chẳng thoát cái khổ của biến dịch sanh tử. Cho nên Phật nói ngu phu dị sanh không thoát ba cõi giống như trẻ nít, chấp trước sắc, nhẫn đến ý thức giới, chấp trước tham, nhẫn đến tà kiến, chấp trước tứ niệm xứ, nhẫn đến Phật đạo. Vì vậy, mà không thể tu Bát nhã Ba la mật được.
Vô chấp, vô thủ, vô trước, vô sở hữu, bất khả đắc…là bản tánh Bát Nhã. Nhưng nói như vậy vẫn còn hạn hẹp vì đối với Bát Nhã bản tánh tức phi bản tánh. Khi Bồ Tát tri nhận rằng bản tánh phi bản tánh, Bồ Tát thật sự đã khôi phục cái bản lai (4) của thuở ban đầu. Ở đó mọi phân biệt, chấp trước đều tan biến. Bấy giờ, Bát Nhã là phi Bát Nhã, Nhất thiết trí hay Giác ngộ cũng chỉ là giấc mộng đêm qua.
3. Tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh:
Phẩm “Bát Nhã Hành Tướng”, quyển 41, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện: “Vì nhân duyên gì mà đại Bồ Tát này khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối với tất cả pháp đều không lấy gì hết?
Thiện Hiện đáp: Do vì tất cả pháp tự tánh bất khả đắc. Vì sao? Là vì tất cả pháp lấy vô tánh làm tự tánh vậy. Do nhân duyên này, nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật, đối tất cả pháp hoặc lấy có, hoặc lấy chẳng phải có, hoặc lấy cũng có cũng chẳng phải có, và hoặc lấy “chẳng lấy” là chẳng phải hành Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì tất cả pháp đều không có tự tánh, nên chẳng thể lấy được vậy”.
Như đã luận giải trên tự tánh là cái không có, không có cái nào gọi là nó, do duyên hội, nên không. Đã nói tự tánh không có, nên không phải là thật vật. Đã không phải thật vật thì làm gì có tánh, nên nói là không. Vô tánh không, tự tướng cũng không, nên bảo tất cả pháp lấy vô tánh làm tự tánh.
Để diễn tả điểm này, Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận quyển hạ giải thích 3 loại không: Vô tánh không, tự tánh không và vô tánh tự tánh không này như sau:
1- Vô Tánh Không (Abhava-sunyata): Không của vô thể,
2- Tự Tánh Không (Svabhava-sunyata): Không của tự tánh,
3- Vô Tánh Tự Tánh Không (Abhava-svabhava-sunyata): Không của vô thể của tự tánh.
Thiền sư D.T. Suzuki nói: “Những loại này (từ 1-, 2-, 3-) có thể luận chung. Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astiva) và vô (nastiva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là không. Vô Tánh (Abhava) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự Tánh (svabhava) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có cái nó nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của Hữu và Vô là thực? Không, nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.
Nhờ giải thích này chúng ta mới hiểu thế nào là vô tánh không, tự tánh không và vô tánh tự tánh đều không. Rốt ráo, các nguồn nước lớn nhỏ lại đổ vào biển cả Tánh Không: Vô tánh không, tự tánh cũng không, vô tánh tự tánh cũng không nốt.
Quyển 296, phẩm “Thuyết Tướng Bát Nhã”, Hội thứ I, ĐBN nói:
“Vì Bát Nhã và tánh của Bát Nhã là không; vì tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí và tánh của tịnh lự cho đến bố thí là không, 18 pháp bất cộng và tánh của 18 pháp bất cộng là không, Nhất thiết trí và tánh của Nhất thiết trí là không… Nói chung cho đến tất cả pháp và tánh của tất cả pháp là không. Vì những pháp ấy vô tánh tự tánh không nên Bát nhã Ba la mật như thế, đối với tất cả pháp chẳng do chuyển, chẳng do hoàn mà xuất hiện thế gian.
Bát Nhã của đại Bồ Tát là đại Ba la mật, vì đạt đến tự tánh không của tất cả pháp, tuy đạt được tự tánh của tất cả pháp đều không nhưng các đại Bồ Tát nhân Bát nhã Ba la mật nầy mà chứng quả vị Giác ngộ tối cao, chuyển pháp luân nhiệm mầu, độ vô lượng chúng sanh...”.
Tới đây, chúng ta có thể kết luận:
Phẩm “Diệu Tướng”, Hội thứ III, ĐBN cũng nói: “Các đại Bồ Tát lấy vô tánh làm Thánh đạo”. Vô tánh như vậy mới được gọi là diệu tướng. Tu theo diệu tướng này thì giác ngộ, chứng được Bát Nhã Trí hay Vô Thượng Chánh đẳng Bồ đề. Nên Phật bảo: “Ta lúc bấy giờ, quán tất cả pháp bình đẳng, lấy vô tánh làm tánh, do một sát na tương ưng Bát Nhã chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề”.
Cái khó thấy, khó giác là tất cả pháp không có tự tánh hòa hợp, chúng ta có thể hiểu mệnh đề này. Nhưng vì không có tự tánh hòa hợp nên lấy vô tánh làm tự tánh là điều khó hiểu khó giác. Đây không thể nói là khái niệm, đây là cái giả thi thiết theo thế tục nhưng chính là tâm chứng của Phật.
Như chúng tôi đã nói ở trên các giáo pháp này khó tiêu hóa, phải có thời gian. Tụng đọc quán tưởng, thẩm xét kỹ rồi sẽ có lúc thẩm thấu. Phần thứ III, Tổng luận với LUẬN #6: “Những Điều Kiện Để Thành Đạt Bát Nhã hay Thành Tựu Giác Ngộ” chúng ta sẽ tiếp tục!
Thích nghĩa cho phần lược giải này:
(1). Xem LUẬN #6 nói về “Những Điều Kiện Để Thành Đạt Bát Nhã hay Thành Tựu Giác Ngộ”, phần thứ III, Tổng luận: “Luận về Vô sở hữu, Bất khả đắc”.
(2). Xem LUẬN #6 nói về “Những Điều Kiện Để Thành Đạt Bát Nhã hay Thành Tựu Giác Ngộ”, phần thứ III, Tổng luận: “Luận về Vô tướng, Vô tánh, Tự tướng; Vô tánh Không, Tự tánh không và Vô tánh tự tánh không”.
(3). Kinh Kim Cương.
(4). Bản lai trong nghĩa bản lai diện mục: Bản lai là trước sao sau vậy(trước làm sao, sau cũng như vậy), nó bất biến vì lẽ bất sanh; diện mục là khuôn mặt. Cái “Khuôn mặt ngàn đời” trước khi cha mẹ sanh, là hình ảnh cụ thể mà Thiền tông dùng thay thế cho Chân như hay Phật tánh. Phật tánh là cái sẵn có nơi mỗi chúng sanh, nên nói trước khi cha mẹ sanh./.
---o0o---