TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
138. Kinh TỔNG THUYẾT và BIỆT THUYẾT
( Uddesavibhanga sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Thiện Thệ
Sa-Vát-Thí – Xá-Vệ – trú qua (1)
Tinh Xá Chê-Tá-Va-Na (2)
A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka cúng dường (3)
Tại đây, đấng Pháp Vương cho gọi
Chúng Tỷ Kheo rồi nói như vầy :
– “ Các Tỷ Kheo ! Hãy nghe đây ! ”.
Chúng Tăng vâng đáp lời Ngài truyền ra.
Đức Phật Đà trang nghiêm thuyết giảng :
– “ Các Tỷ Kheo ! Ta giảng ở đây
Về Tổng Thuyết & Biệt Thuyết này
Hãy nghe, suy nghiệm điều đây kỹ càng ”.
– “ Bạch Phật ! Chúng con đang mong để
Được Thiện Thệ bi mẫn trình bày ”.
– “ Này các Tỷ Kheo ! Hằng ngày
Cần phải quán sát đủ đầy ra sao
Để Thức của người nào cũng dạng
Không tán loạn đối với ngoại trần,
_________________________
(1) : Thành Xá Vệ - Savatthi. (2)&(3) : Tinh Xá Jetavanavihàra
(Kỳ Viên) do Trưởng-giả Cấp Cô Độc Anathapindika dâng cúng.
Tâm không trú trước nội trần,
Không tản rộng, không bị phần chấp nê
(Hay chấp thủ) mọi bề quấy rối.
Các Tỷ Kheo ! Thức đối ngoại trần
Không tán loạn, tản rộng dần
Tâm không trú trước nội trần ở đây,
Không bị chấp thủ này quấy rối
Sẽ không có tập khởi, khởi sanh
Của khổ về chết, già, sanh
Trong tương lai ”. Đấng Cha Lành nói xong
Từ chỗ ngồi thong dong đứng dậy
Rời nơi ấy, hương thất đi vào.
Sau khi Phật đi không lâu
Chúng Tăng bàn luận như sau : “ Chư Hiền !
Sau khi đã nói lên Tổng thuyết
Và Biệt thuyết vắn tắt, sơ qua
Không có giải nghĩa rộng ra,
Thế Tôn đứng dậy đi qua phòng Ngài.
Nay có ai có thể giảng giải
Một cách thật rộng rãi phần này ”.
Rồi các Tỷ Kheo nghĩ ngay
Đến vị Tôn-giả vốn đầy tài ba
Về Luận nghị, đó là Tôn-giả
Ma-Ha Kách-Cha-Ná, hay là
Ma-Ha Kách-Chá-Da-Na
Đại Ca-Chiên-Diên cũng là ngài đây.
Được Thế Tôn chính Ngài tán thán,
Phạm hạnh bạn có trí kính nhường
Tôn-giả nghị luận này thường
Có thể giải nghĩa tinh tường điều đây.
Vậy chúng ta đi ngay đến cả
Chỗ Tôn-giả Đại Ca-Chiên-Diên,
Sau khi đến, sẽ hỏi liền
Điều ta cần biết, do duyên như vầy
Sẽ hiểu tường từ ngài Tôn-giả ”.
Rồi tất cả các vị đi qua
Chỗ ngài Kách-Chá-Da-Na
Nói lời chào hỏi an hòa xã giao
Rồi cùng nhau một bên ngồi xuống
Hỏi Tôn-giả điều muốn biết này.
Ngài Ca-Chiên-Diên nói ngay :
– “ Chư Hiền ! Như ví dụ này ở đây :
Một người cần lõi cây, tìm khắp
Để tìm cầu thu thập lõi cây,
Đến cây lớn có lõi cây
Người ấy bỏ rễ, thân cây, nghĩ rằng
Lõi cây cần ở trong nhánh, lá.
Cũng vậy, các Hiền-giả vừa qua
Đứng trước mặt đấng Phật Đà
Chư Hiền-giả lại vượt qua Ngài rồi !
Nghĩ rằng cần hỏi tôi nghĩa lý
Về tổng thuyết mà vị Phật Đà
Đã vắn tắt khi thuyết ra.
Nhưng cần phải hiểu Phật Đà Toàn Tri
Biết những gì cần biết – cũng vậy
Thấy những gì cần thấy, uyên nguyên
Bậc Trí-giả, bậc Phạm Thiên,
Là bậc có mắt, bậc Tuyên thuyết nhiều,
Bậc Pháp-giả, mục tiêu hướng tới
Bậc đem lợi bất tử, thăng hoa,
Bậc Pháp chủ, đấng Phật Đà,
Chư Hiền hãy đến thưa qua cùng Ngài,
Đấng Như Lai thế nào thuyết giảng
Chư Hiển hãy viên mãn thọ trì ”.
– “ Xin thưa Tôn-giả tường tri
Chắc chắn đức Chánh Biến Tri mọi thì
Biết những gì cần biết – cũng vậy
Thấy những gì cần thấy, sâu xa.
Nếu chúng tôi hỏi Phật Đà
Ngài sẽ thuyết giảng để mà chỉ ra.
Nhưng Tôn-giả Kách-Cha-Da-Ná
Được Thế Tôn từng đã tán dương,
Các đồng-phạm-hạnh kính nhường,
Tôn-giả có thể đảm đương việc này
Giải thuyết tổng thuyết đây rộng rãi
Phần Phật đã đại khái nói ra
Mà không giải thích sâu xa,
Mong rằng Tôn-giả Kách-Cha-Da-Nà
Giải thích ra, nếu không phiền phức ”.
– “ Vậy Chư Hiền hết sức lắng nghe
Và suy nghiệm kỹ mọi bề
Tôi vì các vị nói về pháp trên ”.
Các Tỷ Kheo ngồi bên vâng đáp
Tôn-giả bèn giải pháp nghĩa liền :
– “ Phần tổng thuyết, này Chư Hiền !
Thế Tôn vắn tắt đã tuyên thuyết và
Không giải thích rộng ra, sau đấy
Từ chỗ ngồi đứng dậy về phòng.
Tổng thuyết các vị chưa thông
‘Vị Phích-Khú cần quán sát hòng hiểu sâu
Một cách như thế nào để Thức
Của vị ấy đối trước ngoại trần
Không tán loạn, không tản phân
Tâm không trú trước nội trần – cũng không
Bị chấp thủ trong lòng quấy rối.
Sẽ không có tập khởi, cũng tày
Sanh khởi của khổ : sanh này
Và già, chết trong tương lai’. Như vầy
Về điều này tôi hiểu ý ấy
Với một cách rộng rãi như sau :
Chư Hiền ! Phải gọi thế nào
Là Thức đối với biết bao ngoại trần
Bị tán loạn, tản phân như vậy ?
Này Chư Hiền ! Vị ấy Tỷ Kheo
Thấy sắc khi mắt trông theo
Thức truy cầu sắc tướng đều khó toan,
Bị buộc ràng bởi vị sắc tướng,
Vị sắc tướng cột chặt Thức đây,
Triền phược bởi kiết sử này
Là vị sắc tướng. Như vầy gọi ngay
Là thức này với ngoại trần ấy
Bị tán loạn, bị khuấy không vầy.
Vị Sư nghe tiếng với tai
Nếm vị với lưỡi, mũi này ngửi hương,
Cảm xúc thường với thân, nhận thức
Pháp với ý… Rồi thức truy cầu
Thanh tướng, hương & vị tướng nào
Xúc tướng, pháp tướng sa vào lưới đan
Bị buộc ràng, trói chặt bởi vị
Của thanh, hương và vị tướng, hay
Bởi vị của pháp tướng đây,
Triền phược bởi kiết sử ngay vị này.
Vậy gọi đây là thức đối với
Ngoại trần bởi bị tán loạn và
Bị tản rộng. Như vậy là
Gọi : ‘Thức bị tán loạn và tản ra.
Chư Hiền ! Sao gọi là thức ấy
Không bị tán loạn vậy ? Hay là
Thức không bị tản rộng ra ?
Chư Hiền ! Vị Tỷ Kheo mà gần xa
Thấy sắc qua con mắt, thức ấy
Không truy cầu sắc tướng đêm ngày,
Không bị vị sắc tướng đây
Trói, cột chặt bởi vị ngay sắc này,
Không triền phược bởi rày kiết sử
Vị sắc tướng. Căn cứ nguyên nhân
Gọi : ‘Thức đối với ngoại trần
Không bị tán loạn, không phần tản ra.
Vị Tỷ Kheo nghe qua tiếng nói
Mũi ngửi hương và với lưỡi này
Nếm vị mặn, ngọt, chua, cay…
Thân cảm xúc với thân này trải qua,
Nhận thức pháp gần xa với ý,
Thức không vị pháp tướng truy cầu
Không bị trói, cột chặt vào
Bởi vị của pháp tướng đâu chóng gì,
Không bị triền phược vì kiết sử,
Lục trần tướng can dự ở đây.
Như vậy gọi là Thức này
Với ngoại trần không bị rày tản ra
Không tán loạn. Gọi là thức ấy
Không bị tán loạn vậy, cùng là
Nó không bị tản rộng ra.
Chư Hiền-giả ! Thế nào là trú tâm
Trước nội trần ? Hành thâm liên tục
Vị Tỷ Kheo ly dục, đồng thời
Ly bất thiện pháp cả rồi,
Chứng đạt, an trú vào nơi Nhất Thiền
Một trạng thái an nhiên, hỷ lạc
Do ly dục, có các tứ, tầm.
Rồi thức vị ấy truy tầm
Hỷ lạc do ly dục sanh rõ ràng
Bị buộc ràng bởi vị hỷ lạc
Do ly dục, bị các vị này
Trói buộc, cột chặt ở đây,
Triền phược bởi kiết sử này, nói trên
Nên gọi tên là tâm an trú
Trước nội trần. Nói đủ là vầy.
Lại nữa, Chư Hiền-giả này !
Vị Tỷ Kheo đình chỉ ngay tứ, tầm
Chứng, trú tâm vào Thiền đệ Nhị,
Trạng thái hỷ lạc bởi định sanh,
Không tầm, không tứ sẵn dành
Nhất tâm nội tĩnh. Thức lành vị đây
Truy tìm ngay hỷ lạc do định
Bị trói buộc bởi chính điều này.
Triền phược bởi kiết sử đây
Gọi là tâm trú trước ngay nội trần.
Này Chư Hiền ! Tinh cần Phích-Khú
Ly hỷ trú xả, chánh niệm chuyên
Thân cảm sự lạc thọ liền
‘Xả niệm lạc trú’ Thánh hiền gọi qua.
Chứng, trú Thiền thứ ba tại đấy.
Thức vị ấy truy tìm xả này,
Bị trói bởi vị xả đây
Cùng lạc. Bị triền phược ngay bởi là
Vị xả và lạc ấy, nên được
Gọi là tâm trú trước nội trần.
Chư Hiền-giả ! Lại còn phần
Tỷ Kheo xả lạc & khổ, cần diệt ngay
Hỷ ưu đã trước đây cảm thọ
Chứng, an trú vào đó : Tứ Thiền,
Không khổ, không lạc, an nhiên
Xả niệm, thanh tịnh. Thức nguyên vị này
Truy tìm ngay không khổ, không lạc
Bị buộc chặt bởi vị đã nêu
Triền phược bởi kiết sử điều
Gọi tâm trú trước bao nhiêu nội trần.
Này Chư Hiền ! Sao điều gọi được
‘Tâm không bị trú trước nội trần ?’
Vị Tỷ Kheo ấy tinh cần
Ly bất thiện pháp, ly phần dục đây
Chứng, trú ngay vào Thiền thứ nhất
Trạng thái thật hỷ lạc, do phần
Ly dục sanh, có tứ, tầm
Thức vị ấy không truy tầm đắn đo
Hỷ lạc do ly dục sanh đó,
Không bị nó cột chặt, buộc ràng,
Không bị triền phược mọi đàng
Bởi kiết sử hỷ lạc toàn do nơi
Ly dục sanh. Vậy thời gọi được
‘Tâm không bị trú trước nội trần’.
Rồi vị Tỷ Kheo tinh cần
Đình chỉ tầm, tứ – chứng phần, trú ngay
Thiền thứ hai, trạng thái hỷ lạc
Do định sanh, không các tứ, tầm
Và được nội tĩnh nhất tâm
Thức vị ấy không truy tầm hỷ đây.
Do định sanh, không rày bị buộc
Bởi vị hỷ lạc thuộc định sanh,
Không bị triền phược trói quanh
Bởi kiết sử hỷ lạc dành định sanh.
Như vậy thì đích danh gọi được
Là ‘Tâm không trú trước nội trần’.
Lại nữa, Tỷ Kheo tinh cần
Ly hỷ trú xả, niệm cần chánh chân,
Tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ
‘Xả niệm lạc trú’ đó gọi ra
Của các bậc Thánh hiền, và
Chứng, an trú Thiền thứ ba tức thì.
Thức vị ấy không truy tìm xả
Không trói chặt bởi xả & lạc phần,
Như vậy được gọi chánh chân :
‘Tâm không trú trước nội trần’ là đây.
Lại nữa, Tỷ Kheo này tinh tấn
Xả lạc lẫn xả khổ, diệt ngay
Hỷ ưu cảm thọ trước đây,
Chứng đạt, an trú vào ngay Tứ Thiền.
Không khổ, không lạc, liền xả niệm
Thanh tịnh. Thức không kiếm tìm gì
Sự không khổ, không lạc ni,
Không bị buộc chặt do vì điều đây,
Không bị triền phược rày kiết sử
Vị không khổ, không dự lạc phần
Như vậy được gọi chánh chân :
‘Tâm không trú trước nội trần’ là đây.
Chư Hiền này ! Thế nào nói tới
‘Bị chấp thủ quấy rối’ đường tu ?
Những kẻ vô văn phàm phu
Không thấy các bậc thanh tu Thánh hiền,
Không thuần thục pháp chuyên bậc Thánh,
Không tu tập pháp Thánh các phần.
Không yết kiến các Chân nhân,
Không thuần thục các pháp phần Chân nhân,
Không tu tập Chân nhân pháp cả,
Thấy ‘sắc như tự ngã’, hay là
‘Tự ngã như có sắc’, và
Thấy ra ‘tự ngã như là sắc’ đây,
Hay ‘sắc này như là tự ngã’.
Sắc pháp ấy hoặc giả đổi thay,
Biến hoại. Với sự việc này
Biến hoại, đổi khác sắc đây. Như vầy
Thức vị này bị tùy chuyển mãi
Bởi biến hoại trong sắc pháp này
Của vị ấy. Do thức đây
Bị tùy chuyển bởi đổi thay, biến hoài
Trong sắc pháp như vầy, nên pháp
Quấy rối khởi, xâm nhập tâm – và
Tồn tại. Vì tâm bị qua
Xâm nhập, vị ấy thật là hãi kinh,
Muộn phiền và tự mình khao khát,
Vị ấy bị chấp thủ quấy ra
Nên xem cảm thọ, tưởng – và
Các hành cùng thức như là ‘ngã’ đây.
‘Tự ngã này như là có thức’,
‘Như là thức trong tự ngã’ này,
Hay là ‘tự ngã ở đây
Như là trong thức’. Thức này đổi thay,
Biến hoại ngay. Với sự biến hoại
Trong thức của vị ấy, cho nên
Thức của Tỷ Kheo nói trên
Bị tùy chuyển bởi sự duyên đổi hoài
Trong thức của vị này. Do thức
Bị tùy chuyển liên tục, cho nên
Các pháp quấy rối khởi lên
Xâm nhập tâm, tồn tại trên thức này
Bị chấp thủ ở đây quấy rối.
Không bị chấp quấy rối là sao ?
Này Chư Hiền ! Có vị nào
Đa văn Thánh đệ tử mau đến liền
Yết kiến bậc Thánh hiền chân chánh,
Thuần thục pháp bậc Thánh, cùng là
Tu tập pháp bậc Thánh gia.
Yết kiến các bậc từ hòa Chân nhân
Thuần thục pháp Chân nhân các bậc,
Tu tập pháp các bậc nói đây.
Không thấy ‘sắc như ngã’ này,
‘Tự ngã như thể có ngay sắc’ vầy,
‘Sắc trong tự ngã’, hay ‘tự ngã
Như là trong sắc’ cả. Ở đây
Sắc pháp vị ấy đổi thay,
Biến hoại. Với việc này, thức đây
Của vị này không bị tùy chuyển
Bởi hoại biến trong sắc pháp trên.
Thức không bị tùy chuyển, nên
Pháp quấy rối không khởi lên rầy rà,
Không xâm nhập tâm và tồn tại,
Nên vị ấy không có muộn phiền,
Không đầy khao khát liên miên,
Chấp thủ quấy rối không phiền nhiễu qua.
Vị ấy không xem là ‘cảm thọ,
Tưởng, hành, thức vốn có như là
Tự ngã’. Hay ‘tự ngã là
Có thức’. Không thấy thức là ở trong
Thức đấy’. Hay ‘thức trong vị ấy
Là biến hoại, đổi khác’. Do vầy
Thức không bị tùy chuyển ngay
Bởi biến hoại trong thức đây vị này,
Nên các pháp quấy rầy không khởi,
Không nhập tới, tồn tại. Cho nên
Vị ấy không sợ, không phiền,
Không đầy khao khát, cho nên vị này
Không bị chấp thủ rày quấy rối,
Là không bị quấy rối do là
Sự chấp thủ ấy gây ra.
Chư Hiền ! Phần tổng thuyết mà Thế Tôn
Nói lên giữa Sa-môn các vị
Một cách chỉ vắn tắt như vầy,
Không giải nghĩa rộng rãi ngay,
Chư Hiền ! Tôi hiểu ý đây như vầy.
Nếu như Chư Hiền nay có thể
Hãy đến đấng Thiện Thệ hỏi Ngài
Về ý nghĩa tổng thuyết này,
Thế Tôn giải thích điều đây thế nào
Chư Hiền hãy dựa vào lời dạy
Mà như vậy thọ trì tinh cần ”.
Rồi các vị Tỷ Kheo Tăng
Sau khi hoan hỷ nghe phần giảng qua
Của Tôn-giả Kách-Cha-Da-Ná,
Đến yết kiến Giác Giả Phật Đà
Đảnh lễ rồi cùng ngồi, và
Thưa qua sự kiện vừa qua, do là
Được Tôn-giả Kách-Cha-Da-Ná
Theo yêu cầu của cả Chúng Tăng
Ngài đã giảng giải về phần
Tổng thuyết mà Chúng Tăng cần hiểu sâu,
Do lúc đầu pháp này Đức Phật
Đã nói lên vắn tắt, lược qua.
Ngài Ma-Ha Kách-Cha-Na
Do chư Phích-Khú thiết tha yêu cầu,
Đã giảng sâu về phần tổng thuyết.
Rồi chi tiết kể lại pháp mà
Được ngài Kách-Chá-Da-Na
Theo yêu cầu, thay Phật Đà giảng ra.
Đức Phật Đà sau khi nghe kỹ
Bảo các vị Tỷ Kheo này là :
– “ Ma-Ha Kách-Chá-Da-Na
Là bậc đại trí tuệ và suốt thông.
Nếu các ông hỏi Ta điều ấy
Ta cũng giảng như vậy trải qua
Như Ca-Chiên-Diên giảng ra
Ý nghĩa ấy là vậy, và các ông
Hãy đồng lòng thọ trì như thế ”.
Nghe Thiện Thệ xác định rõ ràng
Các Tỷ Kheo trong đạo tràng
Hoan hỷ tín thọ lời vàng Thế Tôn ./-
*
* *
( Chấm dứt Kinh số 138 :
TỔNG THUYẾT và BIỆT THUYẾT
– UDDESAVIBHANGA Sutta )