TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO
TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH
( Majhima Nikàya )
Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ :
Giới Lạc MAI LẠC HỒNG tự TUỆ NGHIÊM
( Huynh Trưởng Cấp Tấn - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )
Email : honglacmai1@yahoo.com
126. Kinh PHÙ-DI
( Bhùmija sutta )
Như vậy, tôi nghe :
Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả
Trú Vương-Xá – Rá-Chá-Ga-Ha
Tinh Xá Vê-Lú-Va-Na
(Trúc Lâm Tinh Xá cũng là nơi đây)
Gần nơi này nuôi nhiều sóc lạ
(Ka-Lanh-Đá-Ka-Ní-Vá-Pa).
Vị Tôn-giả Phu-Mi-Cha ( Bhùmija )
Buổi sáng mang bát cùng là đắp y
Tôn-giả đi đến nơi trú xứ
Của Vương-tữ Cha-Dá-Sê-Na, ( Jayasena )
Được mời ngồi chỗ soạn ra.
Vương-tử Cha-Dá-Sê-Na mở đầu
Nói những lời đón chào, thăm hỏi.
Sau khi nói thân hữu, xã giao
Một bên vương-tử ngồi vào
Hướng tới Tôn-giả, bắt đầu thưa qua :
– “ Thưa ngài Phu-Mi-Cha ! Sự cố
Có một số Sa-môn, Bàn-môn
Có lý thuyết họ bảo tồn
Cũng là quan điểm Bàn-môn sẵn dành :
‘Nếu ước nguyện thực hành Phạm-hạnh
Thời không đạt được Thánh vị đâu !
Nếu không ước nguyện nhằm vào
Thực hành phạm-hạnh, không sao đạt thành
Được quả vị tịnh thanh nào đó.
Nếu có và không có ước mong
Thực hành phạm-hạnh cần công
Không đạt quả vị dù lòng không mong.
Nếu không có và không không có
Ước nguyện phạm-hạnh đó thực thi
Thời không đạt quả vị chi.
Đạo Sư Tôn-giả nói gì điều đây ?
Có lập luận điều này sao vậy ? ”.
– “ Thưa Vương-tử ! Điều ấy thực ra
Tôi không tận mặt Phật Đà
Được nghe như vậy hoặc là nhớ ghi
Sự việc này nếu khi xảy tới
Thế Tôn với giải thích như sau :
‘Nếu có điều ước nguyện nào
Để hành phạm-hạnh thuộc vào dạng chi
A-Dô-Ni-Sô – không chánh đáng, ( Ayoniso )
Thời không đạt được quả vị gì.
Nếu không có ước nguyện chi
Để hành phạm-hạnh, không vì chánh chân
Thời cũng không đạt phần quả vị.
Nếu đích thị có & không mong gì
Hành phạm-hạnh bất chánh, thì
Không đạt quả vị bất kỳ ước & không.
Nếu không có và không không có
Hành phạm-hạnh chẳng có chánh chân
Thời không đạt quả vị cần.
Còn nếu vị ấy có phần ước mong
Hành phạm-hạnh sáng trong, chánh đáng
Thời sẽ đạt quả vị quang huy.
Nếu không có ước nguyện gì
Hành phạm-hạnh, nhưng hành trì chánh chân
Sẽ đạt phần quả vị lành đó.
Nếu có và không có ước mong
Hành phạm-hạnh đúng, sáng trong
Sẽ đạt quả vị viên thông, vừa lòng.
Nếu không có và không không có
Ước nguyện đó, phạm-hạnh thực hành
Một cách chánh đáng, tịnh thanh
Cũng được quả vị đạt thành viên thông.
Thưa Vương-tử ! Tôi không tận mặt
Nghe Đức Phật hay được nhớ ghi.
Sự việc ấy xảy ra, thì
Thế Tôn có giải thích y như vầy ”.
– “ Nếu Đạo Sư của ngài thuyết vậy
Lập luận vậy, thời tôi nghĩ là
Thầy Tôn-giả Phu-Mi-Cha
Đứng đầu hơn cả các Bà-la-môn
Hay Sa-môn tầm thường tất cả ”.
Rồi vương-tử Cha-Dá-Sê-Na
Mời Tôn-giả Phu-Mi-Cha
Dùng với Tha-Lí-Pa-Ka bát mình ( Thalipaka )
Để thọ thực an bình hoan hỷ
Rồi Tôn-giả Phu-Mí-Cha này
Sau khi thọ thực tại đây
Trở về, đến hương thất Ngài Thế Tôn,
Đảnh lễ đức Thế Tôn Vô thượng
Rồi ngồi xuống bên cạnh Phật Đà,
Cung kính, Tôn-giả thưa qua
Đầu đuôi câu chuyện Cha-Da-Sê-Nà
Đã hỏi và Tôn-giả đã đáp
Như vậy có thuận hạp với lời
Của đức Thế Tôn một thời
Đã dạy, không xuyên tạc lời Thế Tôn
Với điều không đúng với sự thật,
Hay giải thích này rất chánh chân,
Đúng pháp, tùy pháp – là phần
Các đồng-phạm-hạnh khi cần, nói ra
Đúng pháp và tùy pháp nói đó
Sẽ không có điều chỉ trích ra ?.
– “ Thật vậy, này Phu-Mi-Cha !
Với câu hỏi của Cha-Da-Sê-Nà
Câu trả lời ông đà sử dụng,
Ông nói đúng lời của Như Lai,
Ông không xuyên tạc Như Lai
Do sai sự thật. Ở đây ông dùng
Lời giải thích tựu trung đúng pháp
Và tùy pháp, không thể trách chê
Từ đồng-phạm-hạnh cận kề,
Không cớ chỉ trích vấn đề nêu trên.
Phu-Mi-Cha ! Tuổi tên Phạm-chí
Hay Sa-môn các vị trải qua
Có tà kiến, tư-duy tà,
Tà ngữ, tà nghiệp, sống tà mạng luôn
Tà tinh cần, tà niệm, tà định
Nếu họ tính ước nguyện thực hành
Phạm hạnh, thời sẽ không thành,
Không đạt quả vị tịnh thanh bao giờ.
Nếu họ không bao giờ ước nguyện
Hành Phạm hạnh, tà kiến chấp vào
Thời không đạt quả vị đâu !
Nếu có & không có chú vào ước mong
Hành phạm-hạnh, cũng không đạt đó.
Nếu không có & không không có mong
Không đạt quả vị viên thông,
Vì sao vậy ? Vì đây không phải là
Phương pháp mà để đạt quả vị.
Phu-Mi-Cha ! Như ví một người
Cần dầu, tìm kiếm khắp nơi.
Rồi y đổ cát vào nơi cái thùng
Cứ rưới nước rồi dùng sức ép
Để cát bị sức ép ra dầu.
Nếu y có ước nguyện vào
Sự ép cát để lấy dầu cho mau,
Y không thể lấy dầu từ cát.
Hoặc người khác, không có ước mong,
Có và không có ước mong,
Không có & không không có mong ước nào
Để ép cát lấy dầu như thế
Cũng không thể lấy được dầu đâu !
Này Phu-Mi-Cha ! Vì sao ?
Vì không phải cách lấy dầu trải qua
Không phải là phương pháp tinh chế.
Cũng như thế, này Phu-Mi-Cha !
Những vị Sa-môn, hay là
Những vị Phạm-chí có tà kiến ni,
Tà tư-duy, tà ngữ, tà nghiệp,
Tà mạng, tiếp là tà tinh cần,
Tà niệm. tà định thực hành
Quả vị không thể đạt thành được đâu !
Vì không phải thuộc vào phương pháp
Để chứng đạt quả vị thanh cao.
Phu-Mi-Cha ! Ví như sau :
Một người cần sữa, tìm cầu sữa tươi,
Đi khắp nơi để tìm sữa ấy,
Rồi nắm lấy sừng con bò con,
Cố gắng vắt sữa bò con,
Nhưng y rốt cuộc cũng không được gì.
Vì sao vậy ? Bởi vì điều ấy
Vốn không phải phương pháp tìm cầu
Để y có sữa được đâu !
Cũng như một kẻ tìm cầu sanh-tô
Tìm sanh-tô chỗ này chỗ khác,
Y lấy bát đổ nước vào ghè
Khuấy đánh bằng một cái que
Với chỉ nước lã trong ghè khuấy lên
Mong trở nên sanh-tô sao đạt ?
Vì phương pháp sai lạc làm ra.
Ví như, này Phu-Mi-Cha !
Một người cần lửa, gần xa tìm cầu
Y mau mau đem đồ quay lửa
Cọ xát, cứa vào một khúc cây
Ướt nhẹp và có nhựa đầy
Để mong có lửa, việc này uổng công !
Vì sao vậy ? Vì không đúng cách.
Cũng như vậy, phân tách sâu xa
Những Sa-môn, Bàn-môn – mà
Tà kiến, tà mạng cùng tà tư duy,
Hay mọi thì tà ngữ, tà nghiệp,
Tà tinh tấn, tà niệm, định tà
Nếu có ước nguyện, hay là
Không có ước nguyện – có và cũng không,
Nếu không có và không không có
Ước nguyện đó – phạm hạnh thực hành
Nhưng vì tà đạo sẵn dành
Không thể chứng quả vị thanh tịnh nào.
Vì cớ sao ? Làm sai phương pháp
Để họ đạt quả vị thanh cao.
Phu-Mi-Cha ! Sa-môn nào
Hay những Phạm-chí trước sau mọi thì
Có chánh kiến, tư duy chân chánh,
Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh tinh cần,
Chánh mạng, chánh niệm cùng phần
Chánh định. Nếu họ tự thân ước nguyền
Hành phạm-hạnh cần chuyên, thời chắc
Họ sẽ đắc quả vị thanh cao.
Nếu không có ước nguyện nào,
Nếu có & không có chú vào ước mong,
Nếu không có và không không có
Ước nguyện đó – phạm-hạnh thực hành
Sẽ đạt quả vị tịnh thanh,
Vì sao ! Vì phương pháp dành cho ai
Thực hành để chứng ngay quả vị.
Phu-Mi-Cha ! Như ví người này
Cần dầu, tìm khắp đó đây
Tìm được hạt đậu, dừa hay hạt mè
Hông đậu, dừa hay mè, sau đó
Y chịu khó đổ vào cái thùng
Ép cho ra dầu để dùng,
Đó là phương pháp sẽ cung cấp dầu.
Cũng vậy, bao Sa-môn, Phạm-chí
Có chánh kiến cho chí định thiền,
Dù có hay không ước nguyền
Thực hành phạm-hạnh thì liền đạt ngay
Quả vị Thánh. Điều này sao thế ?
Vì là phương pháp để đạt thành
Quả vị thanh cao tịnh thanh.
Này Phu-Mi-Chá ! Có anh tìm cầu
Sữa tươi, nên đi vào chuồng trại
Vắt sữa từ bò cái đương thì
Y lấy được sữa mang đi.
Cũng như có kẻ – Phu-Mi-Cha này !
Cần sanh-tô, đó đây tìm kiếm
Sau khi kiếm được lạc (đa-thi)
Đổ vào cái ghè tức thì
Lấy que khuyấy đánh kiên trì liền tay
Y có ngay sanh-tô ở đấy.
Nếu người ấy ước nguyện hay không
Cũng có sanh-tô vừa lòng,
Vì sao ? Vì người ấy trong việc này
Làm đủ đầy đúng phương pháp ấy.
Cũng như vậy, có một người nào
Cần lửa, khắp chốn tìm cầu
Lấy đồ quay lửa, cọ vào khúc cây
Là khúc cây khô, không có nhựa
Cọ mạnh hoài thì lửa bùng lên.
Nếu y không ước nguyện nên,
Có hay không có ước nguyền ở trong,
Nếu không có và không không có
Ước nguyện đó, người ấy vẫn là
Có sanh-tô, có lửa ra.
Này Phu-Mi-Chá ! Những Sa-môn nào
Hay Bàn-môn thuộc vào chánh kiến
Chánh tư duy, chánh nghiệp, lời chân,
Chánh niệm và chánh tinh cần,
Chánh mạng, chánh định – tám phần sạch trong.
Dù ước nguyện hay không ước nguyện
Hành phạm-hạnh, diễn tiến đạt thành
Quả vị thanh cao tịnh thanh
Vì sao ? Phương pháp thực hành trải qua
Đúng chính là để đạt quả vị.
Nếu bốn ví dụ ấy khởi ra
Từ nơi ông, Phu-Mi-Cha !
Nói với vương-tử Cha-Da-Sê-Nà
Thời vương-tử tại nơi trú xứ
Ông trú ngụ đã tin tưởng ông,
Sẽ hành động đúng trong vòng
Cung cách tin tưởng nơi ông từ đầu ”.
– “ Bạch Thế Tôn ! Làm sao được thế !
Con không thể nào nẩy sinh ra
Bốn ví dụ Ngài nêu ra
Để vị Cha-Dá-Sê-Nà vững tin ”.
Đức Thế Tôn cao minh giảng giải
Pháp như vậy cho Phu-Mi-Cha
Tôn-giả đảnh lễ thiết tha
Hoan hỷ tín thọ Phật Đà kim ngôn ./-
* * *
( Chấm dứt Kinh số 126 : PHÙ-DI – BHÙMIJA Sutta )