ĐÀI LOAN: Đại diện Vatican tham dự diễn đàn Phật giáo-Thiên Chúa giáo
Đài Bắc, Đài Loan – Ngày 15-11-2017, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran của Vatican đã đến Đài Loan để tham dự một diễn đàn Phật giáo – Thiên Chúa giáo hàng năm. Diễn đàn năm nay tập trung về chủ đề phi bạo lực.
Hội thảo Phật giáo- Thiên Chúa giáo lần thứ 6 được tổ chức tại thành phố Tân Bắc với chủ đề “Tín đồ Thiên Chúa giáo và Phật tử cùng đi trên con đường bất bạo động”.
Hội đồng Giám mục về Đối thoại Liên tôn giáo do Hồng Y Tauran đứng đầu đã đồng tổ chức hội thảo nói trên, cùng với Hội nghị Giám mục Khu vực Trung Hoa có trụ sở tại Đài Loan và Hội Phật giáo Ling Jiou Mountain. Các đại biểu từ 18 quốc gia đã tham dự sự kiện này.
(focustaiwan.tw – November 15, 2017)
TRUNG QUỐC: Khám phá di tích tu viện Phật giáo tại tỉnh Cam Túc
Kính Xuyên, Cam Túc - Một cuộc khai quật ở tỉnh Cam Túc, tây bắc Trung Quốc, đã phát hiện một hộp bằng gốm 1,000 năm tuổi có chứa tro cốt được cho là của Đức Phật.
Chữ khắc trên hộp giải thích rằng 2 nhà sư tên là Yunjiang và Zhiming của chùa Manjusri thuộc Tu viện Longxing đã thu thập hơn 2,000 mảnh tro cốt - bao gồm răng và xương - trong suốt 20 năm, và đem chôn trong chùa vào ngày 22-6-1013, như một cách tu tập và truyền bá Phật giáo.
Hơn 260 tượng Phật giáo, cùng với di tích một tòa nhà – vốn có thể là một phần của khu tu viện này – cũng đã được tìm thấy.
Một số tượng nói trên có chiều cao hơn 6 feet, miêu tả Đức Phật, chư bồ tát, la hán và các thần. Rất ít tượng có chữ khắc, nhưng người ta cũng tìm lại được những tấm bia khắc.
(News Now – November 15, 2017)
HÀN QUỐC: Triển lãm tranh La Hán thời Goryeo
Bốn bức “tranh La Hán” thuộc triều đại Gyoreo được công bố từ ngày 15-11-2017 trong một cuộc triển lãm tại Bảo tàng Đại học Dongguk. Những tranh này có ý nghĩa rất quan trọng vì thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của triều đại Gyoreo để chống lại cuộc xâm lược của Mông Cổ vào năm 1235, sau khi dời đô đến đảo Ganghwa.
Tranh La Hán là tài sản văn hóa có giá trị cao vì hiện nay chỉ có khoảng 10 tranh trong số đó còn tồn tại ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
La Hán là nhà sư hóa Phật và được miêu tả như là một vị hộ pháp trong Phật giáo. Có 2 bộ tranh gồm “tranh 500 La Hán” vẽ năm 1235 và “tranh 16 La Hán” được vẽ năm 1236. Trên bộ “tranh 500 La Hán” có ghi một bài viết thể hiện khát khao đánh bại giặc Mông của triều đại Gyoreo với sự phò hộ của Đức Phật.
(donga.com – November 15, 2017)
PAKISTAN: Công bố pho tượng Phật nằm có niên đại 1,700 năm tuổi
Haripur, Khyber Pakhtunkhwa – Ngày 15-11-2017, Pakistan đã trưng bày di tích một pho tượng Phật nằm có niên đại 1700 năm tuổi, là một phần của sáng kiến để thúc đẩy du lịch và dự án hòa hợp tôn giáo trong khu vực gặp khó khăn này.
Phản ảnh lịch sử và văn hóa đa dạng của đất nước Pakistan, di tích Phật giáo cổ đại ở bảo tháp Bhamala, tọa lạc tại Haripur thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa đã được khám phá lần đầu tiên vào năm 1929.
Trong 88 năm sau đó, các cuộc đào tìm được tiếp tục và pho tượng Phật bằng đá Kanjur nói trên đã được khai quật.
“Tượng này có từ thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên, là di tích tượng Phật nằm cổ xưa nhất của thế giới”, Abdul Samad, giám đốc ban khảo cổ học và bảo tàng của Bhamala, nói.
“Chúng tôi đã phát hiện hơn 500 hiện vật Phật giáo cùng với pho tượng Phật nằm dài 48 feet này”, ông nói thêm.
(Big News Network – November 16, 2017)
ĐÀI LOAN: Các tình nguyện viên di chuyển ngôi chùa bị sập để cứu bức bích họa lịch sử
Ngày 18-11-2017, tại thị trấn Lieyu của quận Kim Môn, các tình nguyện viên đã di chuyển được 3 mét một ngôi chùa đang sụp đổ để bảo vệ bức bích họa lịch sử của chùa này.
Các tình nguyện viên đã kéo những sợi dây thừng theo nhịp trống để di chuyển ngôi chùa theo các đường ray đặt trên mặt đất.
Ban trị sự chùa nói rằng họ phải hành động nhanh chóng sau khi phát hiện nền móng của ngôi chùa đã bị xói mòn. Và trong vài ngày tới họ sẽ sử dụng thiết bị công nghiệp để di chuyển chùa thêm 92 mét đến một vị trí tạm thời.
Bức bích họa nói trên được vẽ vào năm 1914 bởi họa sĩ Lin Tian-chu, một họa sĩ nổi tiếng trong nước có những tác phẩm có thể tìm thấy trong toàn quốc.
Bức bích họa được đặc biệt công nhận về giá trị nghệ thuật của nó, vì bề mặt xốp của các bức tường bằng đá vôi của ngôi chùa có nghĩa là tranh này đã được hoàn thành trong một buổi duy nhất.
(Taipei Times – November 20, 2017)