UGANDA: Trường sơ cấp Phật học đầu tiên mở tại Uganda
Trung tâm Phật giáo Uganda - điều hành bởi nhà sư Phật giáo đầu tiên sinh tại Uganda, Hòa thượng Bhante Bhikku Ugandawe Buddharakkitha - đã công bố chính thức khai giảng trường tiểu học Phật giáo đầu tiên của quốc gia này.
Ngôi trường cung cấp chương trình giáo dục miễn phí cho học sinh - đặc biệt là những học sinh đến từ cộng đồng địa phương - đã chính thức khai trương vào tháng 3-2022.
“Đây sẽ là một trường học nơi mọi người học cách rèn luyện đôi tay, rèn luyện đầu óc và cũng rèn luyện trái tim thông qua thiền định,” Hòa thượng Bhante Buddharakkhita nói.
Trung tâm Phật giáo Uganda chia sẻ: “Hiện tại, 24 trẻ em đang theo học Chương trình Mẫu giáo của chúng tôi, hay còn gọi là Trường Hòa bình, “Những đứa trẻ từ 3-5 tuổi và đến từ khu vực xung quanh có tên là Bulega. Chúng tôi đang tài trợ cho 3 giáo viên toàn thời gian và 2 nhân viên để phục vụ cho tất cả mọi người và duy trì các lớp học.”
“Mục đích của Trường học Hòa bình là cung cấp giáo dục trong một môi trường học tập có đạo đức để trẻ em có thể trở thành những công dân có lương tâm,” Trung tâm Phật giáo Uganda giải thích.
(Buddhistdoor Global - April 4, 2022)
NEPAL: Ra mắt cuốn sách “Phật giáo và Di sản Phật giáo ở Pakistan”
Kathmandu, Nepal - Ngày 2 tháng 4 năm 2022, Đại sứ quán Pakistan đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách về di sản Phật giáo của Pakistan có tựa đề “Phật giáo và Di sản Phật giáo ở Pakistan” của tác giả nổi tiếng, ông Om Charan Amatya.
Tham dự sự kiện này có Ông Prem Bahadur Ale, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không Dân dụng Nepal, và Ông Bidya Sundar Shakya, Thị trưởng Thành phố Thủ đô Kathmandu (KMC) cùng các vị chức sắc Phật giáo, quan chức cao cấp Nepal và quốc tế khác.
Phát biểu tại buổi lễ, Ngài Bidya Sundar Shakya, Thị trưởng Thành phố Thủ đô Kathmandu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của di sản văn hóa như một khía cạnh quan trọng của các mối giao lưu giữa 2 dân tộc. Ông gọi di sản Phật giáo là di sản chung của cả hai quốc gia.
Syed Haider Shah, Đại sứ Pakistan tại Nepal nêu bật ý nghĩa của các mối liên kết văn hóa và lịch sử trong việc tăng cường quan hệ song phương giữa Pakistan và Nepal. Ồng khen ngợi tác phẩm tỉ mỉ về Phật giáo Pakistan của tác giả Om Charan Amatya.
(Kathmandu Tribune Staff – April 2, 2022)
NHẬT BẢN: Hoàn thành công việc trùng tu nội thất của chánh điện Amidado - quốc bảo tại ngôi chùa Nishi Hongwanji ở Kyoto
KYOTO - Sau gần 5 năm miệt mài trùng tu, nội thất của chánh điện Amidado - quốc bảo của ngôi chùa Nishi Hongwanji - đã lấy lại được vẻ quang sáng trước kia.
Điện thờ thu nhỏ có pho tượng A Di Đà Như Lai và trần nhà có các chùm hình lưới tại chánh điện hiện đã được trả lại tình trạng nguyên sơ theo dự án kéo dài 4 năm và 8 tháng.
Công việc trùng tu bao gồm việc tháo dỡ điện thờ thu nhỏ sau khi pho tượng được chuyển đến một địa điểm riêng biệt.
Những người thợ thủ công sau đó đã thêm một lớp sơn mài và vàng lá mới. Tất cả 269 bức tranh trang trí trần nhà đã được gỡ xuống để loại bỏ các vết bẩn và thêm màu sắc cho các mảng có sắc tố đã mất đi theo thời gian.
Một buổi lễ đã được tổ chức vào ngày 2-4 để đánh dấu việc hoàn thành công việc trùng tu. Các đại diện truyền thông đã được xem trước nội thất của chánh điện cùng ngày.
Được xây dựng lại vào năm 1760, chánh điện hiện tại có kích thước 42 mét x 45 mét và cao 25 mét.
(Asahi Shimbun – April 3, 2022)
PAKISTAN: Tổng cục Khảo cổ học và Bảo tàng (DOAM) cam kết bảo tồn di sản Gandhara phong phú
Tổng cục Khảo cổ học và Bảo tàng (DOAM) và chính quyền tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cam kết khôi phục và bảo tồn di sản phong phú của các mẫu vật văn hóa Phật giáo và nghệ thuật nổi tiếng của nền văn minh Gandhara để biến đổi trung tâm du lịch của tỉnh.
Raza Mahmood, một quan chức của DOAM cho biết, “Bảo tàng Peshawar nổi tiếng với bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật Phật giáo có niên đại từ vùng Gandhara cổ đại.” Ông nói rằng ban đầu Bảo tàng chỉ có một phòng triển lãm, nay được mở rộng thêm với việc xây dựng thêm một dãy nhà mới gồm 2 phòng trưng bày, 2 phòng lưu trữ bộ sưu tập của bảo tàng, các văn phòng cho Cục khảo cổ tỉnh.
Phòng triển lãm lịch sử cũng được cải tạo vào thời điểm đó. Ông cho biết Bảo tàng Peshawar có một trong những bộ sưu tập lớn nhất và phong phú nhất về nghệ thuật Gandhara của thời kỳ Phật giáo và được xem là một trong những bộ sưu tập đồ vật Phật giáo lớn nhất trên thế giới.
Ông Raza cũng thông tin thêm rằng bảo tàng cũng có bộ sưu tập lớn nhất về Đức Phật Cồ Đàm, các tác phẩm điêu khắc Phật giáo bằng đá, các bức tượng nhỏ bằng đất nung và các đồ vật Phật giáo khác.
(APP – April 4, 2022)
HÀN QUỐC: Lễ rước đèn lồng hàng năm mừng lễ Phật Đản sẽ tiếp tục sau 2 năm
Sau hai năm tạm ngưng và thu nhỏ do đại dịch COVID-19, Phật phái Jogye của Hàn Quốc sẽ tiếp tục cuộc diễn hành đèn lồng quy mô lớn như một phần của lễ hội thắp sáng đèn lồng hàng năm đánh dấu ngày lễ Phật Đản (năm nay rơi vào ngày 8-4 theo âm lịch, nhằm ngày 8-5 dương lịch).
Tông phái Jogye hôm thứ Năm thông báo rằng cuộc diễn hành vào ngày 30-4 sẽ xuất phát từ Heunginjimun (cổng thành Đông Đại Môn) lúc 7 p.m. Từ cổng, đoàn diễn hành sẽ tiến qua Đền Jogye đến Ga Jonggak ở trung tâm Seoul. Đây sẽ là cuộc diễn hành đầu tiên kể từ khi lễ hội được ghi vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại của UNESCO vào năm 2020. Các nhà tổ chức cho biết cuộc diễu hành sẽ được tổ chức theo các quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội.
Cũng sẽ có một buổi lễ thắp sáng đèn lồng điêu khắc hình ngôi chùa đá 3 tầng tại chùa Hwaeomsa, ngôi chùa nổi tiếng của Gurye, trước Tòa thị chính Seoul lúc 7:00 tối vào ngày 5-5-2022. Năm nay Lễ Phật Đản rơi vào ngày 8-4 theo âm lịch, sẽ được tổ chức vào ngày 8-5 dương lịch. (world.kbs.co.kr – April 1, 2022)