TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI
( TUẦN THỨ 4 THÁNG 11, 2015)
Diệu Âm lược dịch
MÃ LAI: Thủ tướng Ấn Độ Modi khánh thành Cổng Torana tại thủ đô Mã Lai
Vào ngày 23-11-2015 , Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khánh thành Cổng Torana tại khu ‘Tiểu Ấn Độ’ ở thủ đô Kuala Lumpur của Mã Lai. Cổng vào có chạm khắc phức tạp này được xây với chi phí hơn 1 triệu usd và là đại diện cho các loại hình nghệ thuật hàng trăm năm tuổi của Phật giáo và Hồi giáo tại Ấn Độ.
Cổng Torana là một quà tặng từ Ấn Độ để đánh dấu sự ra mắt của dự án Tiểu Ấn Độ như một biểu tượng của tình hữu nghị giữa 2 nước.
Thủ tướng Modi nói, “Đây sẽ là một cột mốc trong mối quan hệ của chúng tôi với Mã Lai. Cổng Torana không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc. Nó là sự kết nối giữa 2 nước và sẽ trở thành một điểm thu hút du lịch”.
Thủ tướng Mã Lai Najib Razak, đối tác của ông Modi, đã mô tả cổng này như một biểu tượng của tình hữu nghị Ấn Độ-Mã Lai, là một cổng vào dẫn đến một trong những nền văn minh cổ xưa nhất.
Cổng Torana - lấy cảm hứng từ những Torana (do A Dục Vương xây) thuộc nền điêu khắc Phật giáo lớn của Sanchi - có những hình chạm khắc và phù điêu đại diện cho Ấn Độ cổ cũng như cho hình thức nghệ thuật Hồi giáo.
(rediff.com – November 23, 2015)
Cổng Torana tại “Tiểu Ấn Độ’ ở Kuala Lumpur, Mã Lai
Photo: rediff.com
NHẬT BẢN: Người hâm mộ bóng bầu dục đổ xô đến xem tượng Phật ở tỉnh Gifu
Khách tham quan chùa Seki Zenkoji ở Seki, tỉnh Gifu, đã tăng lên gấp 3 lần kể từ cuối tháng 10-2015, khi người hâm mộ bóng bầu dục nhận ra sự tương đồng của một tượng Phật ở chùa này với tư thế đặc biệt của ngôi sao bóng bầu dục Ayumu Goromaru.
Pho tượng bằng đồng cao 3 mét ở chùa Zenkoji nói trên chắp tay trong phong cách đặc biệt – với 2 ngón cái và 2 ngón trỏ chập vào nhau – gợi nhớ hình ảnh của cầu thủ bóng bầu dục A. Goromaru trong tâm trí của một số người hâm mộ.
Sư trụ trì Shunkai Sato nói rằng vào giữa tháng 10 trong mùa Giải Bóng bầu dục Thế giới tại Anh quốc, nhiều khách viếng đã nói với ông về sự giống nhau giữa pho tượng và tư thế đặc trưng của Goromaru. Nhà sư 40 tuổi này sau đó đã đăng một bài về pho tượng lên Facebook và đã nhận được sự phản hồi rất lớn.
Ông cho biết pho tượng xuất xứ từ Trung Hoa, đến Nhật Bản khoảng 100 năm trước. .
(bignewsnetwork.com – November 23, 2015)
Tư thế chắp tay tương đồng giữa tượng Phật ở Gifu và cầu thủ bóng bầu dục A. Goromaru
Photo: newindianexpress.com
LIÊN BANG ĐỨC: Sách: Sự biển đổi của Phật giáo trên khắp mạng lưới Trung Á (từ thế kỷ thứ 7 đến 13)
Cuốn sách “Sự biến đổi của Phật giáo trên khắp mạng lưới Trung Á (từ thế kỷ thứ 7 đến 13)”, do Carmaen Meinert làm chủ bút, cung cấp một tầm nhìn liên khu vực và liên văn hóa đối với các quá trình biến đổi về tôn giáo trong lịch sử Trung Á. Nó xem vùng này như một khối tôn giáo thống nhất, và phân tích sự truyền bá của Phật giáo như một động lực trong sự thay đổi xã hội và văn hóa quan trọng trên toàn chấu Á.
Một khía cạnh đặc biệt của “sự toàn cầu hóa Phật giáo’ này là sự phát triển của các hình thức Phật giáo địa phương. Sách tìm hiểu sự địa phương hóa Phật giáo, thông qua những bản thảo và văn hóa vật chất trong các ốc đảo đa sắc tộc của lưu vực Tarim, khu vực xuyên Hi Mã Lạp Sơn của Zangskar, Ladakh và Kashmir, và Vương quốc Purang-Guge ở tây Tây Tạng.
Chủ bút Carmen Meinert, Tiến sĩ triết học, là giáo sư về Các tôn giáo ở Trung Á tại Đại học Bochum ở vùng Ruhr, Đức. Bà đã xuất bản sách và chuyên khảo bao gồm Phật giáo tại Trung Á, Nghệ thuật Phật giáo từ Mông Cổ.
(buddhistartnews – November 24, 2015)
Bìa sách ‘Sự biến đổi của Phật giáo trên khắp mạng lưới Trung Á (từ thế kỷ thứ 7 đến 13)’
Photo: Buddhist Art News
PAKISTAN: Người hành hương Phật giáo đánh giá cao việc bảo tồn di tích lịch sử ở Pakistan
Islamabad, Pakistan – Ngày 20-11-2015, Chủ tịch Hội Đại Bồ đề của Tích Lan, Hòa thượng Banagada Upatissa, đã viếng thăm ông Syed Tariq Fatemi, Trợ lý Đặc biệt về Ngoại giao của Thủ tướng Pakistan.
Hòa thượng và phái đoàn Tích Lan đánh giá cao các nỗ lực của chính phủ Pakistan về bảo tồn các di tích lịch sử Phật giáo, cũng như về sự hợp tác được mở rộng với những khách hành hương Phật giáo. Ông Fatemi đã đón chào phái đoàn đến Pakistan và ca ngợi công việc quan trọng mà Hội Đại Bồ đề Tích Lan đang thực hiện trong các lĩnh vực, như giáo dục và thúc đẩy hòa hợp liên tôn giáo.
Vị trợ lý đặc biệt nói rằng Pakistan tự hào là một chiến nôi của nền văn minh Phật giáo và là người giám sát các di tích lịch sử Phật giáo tại Taxila, Takht Bai và Swat, vốn là một phần của di sản văn hóa của mình. Ông nhấn mạnh rằng chính phủ Pakistan sẽ tiếp tục thực hiện mọi bước có thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người hành hương Phật giáo viếng thăm những thánh địa tại Pakistan.
(dailynews.com.pk – November 24, 2015)
Hòa thượng Banagada Upatissa và ông Syed Tariq Fatemi
Photo: dailytimes.com.pk
HÀN QUỐC: Bức tranh Quán Thế Âm Bồ Tát thế kỷ 16 của Phật giáo Triều Tiên được tìm thấy tại Nhật Bản
Một bức tranh Quán Thế Âm Bồ Tát, được cho là vẽ tại Triều Tiên vào giữa thế kỷ 16 vào triều đại Joseon, đã được tìm thấy tại một ngôi chùa ở Kamakura, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản.
Đến nay người ta đã tìm thấy 4 tranh Quán Thế Âm Bồ Tát vẽ từ thời Joseon. Nhưng tranh được tìm thấy gần đây là bức duy nhất trong số 4 tranh nói trên mô tả Bồ Tát ngồi bắt chéo chân.
Tranh này được vẽ trên vải gai với kích thước 119.2 cm x 70.9 cm.
Giáo sư Chung Woo-taek, giám đốc Bảo tàng trường Đại học Dongguk của Hàn quốc, là một chuyên gia về tranh Phật giáo, đã đánh giá về bức tranh rằng, “Tranh này là một ví dụ tiêu biểu của sự tái diễn giải của Triều Tiên về tranh Trung Hoa. Nó thêm vào cho sự đa dạng của tranh Phật giáo được vẽ vào đầu triều đại Joseon”.
Ông cho biết có 6 đến 7 mộc bản tương tự với tranh này, bao gồm cả những bản trong chùa Guin, nhưng một tranh như vầy thì chưa từng được tìm thấy trước đây.
(donga.com – November 27, 2015)
Tranh Quán Thế Âm Bồ Tát thế kỷ 16 của Phật giáo Triều Tiên được tìm thấy tại Nhật Bản
Photo: The Dong-a Ilbo
Trở về Mục Lục
Tin Tức Phật Giáo Thế Giới