Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải

03/03/202208:36(Xem: 8832)
Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
Bia Dai Bat Nha_ tap__01_cu si thien buu


Phật lịch: 2566 ; Nông lịch: Nhâm Dần; Tây lịch: 2022

 

  

TỔNG LUẬN

ĐẠI BÁT NHÃ

  

TẬP 1

 

 Việt dịch:

HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ NGHIÊM

Chiết giải:

LÃO CƯ SĨ THIỆN BỬU

 

Quảng Đức Tùng Thư
Ấn Hành


 

 


Published by

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria

105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Tel: 03. 9357 3544

www.quangduc.com 


All right reserved

First edition 2022 - 100 copies

 

National Library of Australia

Cataloguing-in-Publication entry:

Title: Tổng Luận Đại Bát Nhã
 Mahāprajñāpāramitā Sastra

By Thien Buu
Senior Venerable Thich Nguyen Tang @2022

 

ISBN: 978-0-6454135-4-0

 

Tổng Luận Đại Bát Nhã
Chiết giải: Cư Sĩ Thiện Bửu
Giới thiệu: Thượng Tọa  Thích Nguyên Tạng

Trình bày : Cư Sĩ Thiện Bửu, Cư Sĩ Hữu Phú

Thiết kế bìa: Quảng Duy Minh (Mẫn)
Sửa Bản in: Cư Sï Thanh Phi, Cư Sĩ Phương Nhật

 

 

Cúng Dường Pháp là tối thượng nhất

The gift of Dhamma surpasses all other Gifts

Sabbadanam Dhammadanam Jinati

This book is not for sale, free distribution





Mục Lục
 
MỤC LỤC.................................................................................. 5
GIỚI THIỆU (tác giả và tác phẩm) .............................................. 7
TỰA......................................................................................... 12
TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU........................................................ 20
THÀNH KÍNH CÁM ƠN.......................................................... 21
BỐ CỤC TOÀN BỘ TỔNG LUẬN .......................................... 23
I.   Phần thứ I Tổng luận: Các pháp mầu phật đạo
II.  Phần thứ II nói về các giáo lý Bát Nhã
III.Phần thứ III nói về Tánh Không
 
TẬP I: gồm hai phần............................................................... 25
 
I. PHẦN THỨ I TỔNG LUẬN:
   (Nói về các pháp mầu Phật đạo).............................................. 25
 
II. PHẦN THỨ II TỔNG LUẬN
   (Nói về các giáo lý Bát Nhã) ................................................ 177
 
A.Bố cục Đại Bát Nhã............................................................. 177
B.Sơ lược Đại Bát Nhã............................................................ 189
 
PHẦN ĐẦU HỘI THỨ I với các phẩm.................................... 195
01. Phẩm “Duyên Khởi”....................................................... 195
02. Phẩm “Học Quán”........................................................... 210
03. Phẩm “Tương Ưng”........................................................... 242
04. Phẩm “Chuyển Sanh”........................................................ 256
05. Phẩm “Khen Ngợi Thắng Đức”.......................................... 280
06. Phẩm “Hiện Tướng Lưỡi”.................................................. 288
07. Phẩm “Dạy Bảo Trao Truyền”............................................ 291
08. Phẩm “Khuyến Học”......................................................... 308
09. Phẩm “Vô Trụ”................................................................. 325
10. Phẩm “Bát Nhã Hành Tướng”............................................ 335
11. Phẩm “Thí Dụ”................................................................. 360
12. Phẩm “Bồ Tát”.................................................................. 376
13. Phẩm “Ma Ha Tát”............................................................ 387
14. Phẩm “Giáp Bị Đại Thừa”.................................................. 428
15. Phẩm “Biện Đại Thừa”...................................................... 446
16. Phẩm “Tán Đại Thừa”....................................................... 530
17. Phẩm “Tùy Thuận”............................................................ 549
18. Phẩm “Vô Sở Đắc”............................................................ 554
19. Phẩm “Quán Hạnh”........................................................... 579
20. Phẩm “Vô Sanh”............................................................... 598
21. Phẩm “Tịnh Đạo”.............................................................. 613
22. Phẩm “Thiên Đế”.............................................................. 623
23. Phẩm “Chư Thiên Tử”....................................................... 638
24. Phẩm “Giáo Thọ”.............................................................. 653
25. Phẩm “Rải Hoa”................................................................ 659
26. Phẩm “Học Bát Nhã”......................................................... 665
27. Phẩm “Cầu Bát Nhã”......................................................... 676
28. Phẩm “Khen Các Đức”...................................................... 684
29. Phẩm “Nhiếp Thọ”............................................................ 690
30. Phẩm “So Lường Công Đức”............................................. 710
 

     

        ---o0o---

 


LỜI GIỚI THIỆU

Của TT Thích Nguyên Tạng

 

Kinh Đại Bát Nhã gồm 600 quyển, hơn 5 triệu chữ, là bộ kinh khổng lồ trong tàng kinh các của Phật Giáo Đại Thừa do Đức Thế Tôn thuyết giảng trong 22 năm. Bài Bát Nhã Tâm Kinh mà chúng ta thường thọ trì hằng ngày tại Việt Nam là do Pháp Sư Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán, vốn là cốt tủy rút ra từ Bộ Đại Bát Nhã 600 quyển trên. Bộ Kinh đã truyền đến quê hương Việt Nam vào năm 1958 và được Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (1911-2003) phát tâm dịch sang tiếng Việt. Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm đã phiên dịch bộ kinh này ròng rã suốt 8 năm, từ 1972 đến 1980 mới hoàn tất. Và theo lời Hòa Thượng Thích Đỗng Minh, Hòa Thượng Trí Nghiêm đã dịch theo bản Biệt Hành, gồm 24 tập, mỗi tập gần 1.000 trang với 25 quyển nhỏ, và cũng đóng thành 24 tập như nguyên bản chữ Hán.

Người viết có duyên làm thị giả cho Hòa Thượng Trí Nghiêm và Hòa Thượng Thiện Siêu trong 3 mùa An Cư Kiết Hạ tại Chùa Hải Đức, Nha Trang từ 1981 đến 1983. Đầu năm 1998 người viết được bào huynh là Thượng Tọa Tâm Phương bảo lãnh sang Úc định cư, khi nghe Ôn Trí Nghiêm đau nặng, đã về thăm Ôn đang nằm bệnh tại Chùa Tỉnh Hội Long Sơn sau mùa An Cư năm 2002. Đứng bên giường bệnh của Ngài, người viết đã phát nguyện sẽ đưa toàn bộ bản dịch của Ngài vào mạng lưới điện toán toàn cầu, qua trang nhà quangduc.com, để cúng dường mười phương Phật tử gần xa, đồng thời cũng để hồi hướng công đức cho Ôn. Sau khi về lại Úc, chúng tôi đã viết một thông báo ngắn cần gấp 24 người phát tâm đánh máy 24 tập Kinh Bát Nhã (bản in năm 1998), ngay lập tức có 24 Phật tử khắp nơi trên thế giới từ Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Hoa Kỳ, Âu Châu và Úc Châu phát tâm nhận mỗi người một tập để đánh máy, và đây là bản kinh Đại Bát Nhã tiếng Việt đầu tiên, đã online trước lễ Tiểu Tường của Ôn Trí Nghiêm vào ngày 13-01-2004.

10 năm sau khi online vào trang nhà Quảng Đức, Bộ Kinh Đại Bát Nhã này đã được Cư Sĩ Chánh Trí Khưu Văn Nghĩa, vốn là một phi công tác chiến trước năm 1975, định cư tại Melbourne, Úc Châu từ năm 1982, đã phát tâm diễn đọc trọn bộ kinh này ròng rã 2 năm và 600 files mp3 cũng đã online đầy đủ vào trang nhà Quảng Đức để cống hiến độc giả gần xa.

Trong lúc đang lo lắng và bối rối đối phó với cơn đại dịch Vũ Hán Corona Virus, thì đầu tháng 4 năm 2020 này, một niềm vui bất ngờ đã đến với Ban Biên Tập trang nhà Quảng Đức, chúng tôi đã nhận được e-book, sách điện tử “Tổng Luận Kinh Đại Bát Nhã” gồm 4000 trang, do chính tác giả là Lão Cư Sĩ Thiện Bửu Tô Hoàn Mai gởi tặng từ San Jose, miền Bắc California, Hoa Kỳ.

Phải thú thật rằng bản thân chúng tôi rất hoan hỷ, vui mừng xen lẫn niềm kính phục vô biên đối với tác giả Cư Sĩ Thiện Bửu, vì bác đã bỏ ra 10 năm trời ròng rã để đọc và viết luận bản này, có thể nói đây là bản sớ giải đồ sộ thứ hai về Kinh Đại Bát Nhã, theo sau Đại Trí Độ Luận, bản sớ giải Kinh Đại Bát Nhã của Bồ Tát Long Thọ, ở Việt Nam hiện có 2 bản dịch tiếng Việt, một của Hòa Thượng Thiện Siêu và một của Sư Bà Diệu Không, cả hai phiên bản này đều có lưu trữ trên trang Quảng Đức.

Cư Sĩ Thiện Bửu, thế danh: Tô Hoàn Mai, sanh ngày 24/02/1940 (Canh Thìn) tại làng Bình Trước, quận Châu Thành, tỉnh Biên Hòa, trong gia đình có 6 anh chị xem, Thân phụ là cụ ông Tô Văn Trận (chết trong cuộc chiến chống Pháp), Thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Giác, pháp danh Ngọc Giác (mãn phần năm 1977).

Cư Sĩ Thiện Bửu mồ côi Cha lúc 10 tuổi, ông sống với Mẹ cùng chị, một em gái và ba em trai, hết sức nghèo khổ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Trong thời gian từ 8 tuổi đến 13 tuổi ông sống lang thang, nay đây mai đó. Mẹ nuôi không nổi phải gởi cho người cậu sống ở miền Trung vài năm. Sau đó lại gởi cho chú thứ Bảy tại Phú Nhuận, Gia định, Sài Gòn hơn 1 năm, có khi phải gởi cho chú thứ Sáu hay Cô thứ Năm tại Biên Hòa vài ba tháng. Cuộc đời hết sức lẻ loi. Đến khi mẹ làm ăn vững chãi đôi chút mới gom về sống chung trong một xóm ga (xe lửa) nghèo nàn tại Biên Hòa. Năm 13 tuổi, ông có duyên lành quy y Tam Bảo với Ngài Minh Đăng Quang, Tổ Sư của phái Khất Sĩ Việt Nam và được Tổ sư ban cho pháp danh là Thiện Bửu.

Cư Sĩ Thiện Bửu từng theo học trường Trung Học Pétrus-Ký Sài gòn, rồi Đại học Luật khoa Sài gòn. Sau khi tốt nghiệp luật khoa xong thì xin tập sự luật sư. Đến năm 1968 thì bị động viên. Ra trường sĩ quan trừ bị Thủ đức, vì có văn hóa cao, nên được đưa về Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà lạt. Ở đó ông được bổ nhiệm làm Giảng viên môn Quân pháp kiêm Trưởng khoa Luật học và Kinh tế của Đại học này.

Ông có duyên kết hôn với bà Nguyễn Thị Gia Hiển, pháp danh: Phương Nhật, lúc đó đã ngoài 30 tuổi. Vợ ông lại là con của một gia đình danh giá, cha vợ là Tổng lãnh sự Việt Nam tại Miến Điện, sau làm Sứ thần Việt Nam tại Nam Hàn.

Chức vụ cuối cùng của ông năm 1975 là Giám đốc Nha Huấn nghệ Bộ Lao động, sau đó ông bị đưa ra Bắc Thái, Thái nguyên, miền Bắc, tù cải tạo 3 năm thì được tha về sớm thay vì phải cải tạo 10 năm như những người giữ chức vụ tương đương, vì có người thân giúp.

Khi được thả tự do, ông liền cùng vợ và đứa con trai vượt biển sang Mã Lai. Ở đó hơn 5 tháng thì được bảo lãnh sang Hoa kỳ vào tháng 5/1979. Để lập lại cuộc đời, ông phải cấp tốc học nghề điện tử tại Silicon Valey, rồi làm Research về hardwares cho hãng Racal Vadic và Racal Milgo của UK được 13 năm, hãng này dời qua Florida, ông chuyển sang làm việc 13 năm nữa cho hãng Lucent của Hoa kỳ, tổng cộng 26 năm, đến năm 2004 thì về hưu.

Từ ngày về hưu đến nay, ông không rời kinh Phật, mỗi ngày học Phật từ 4 đến 6 tiếng không hề lơi lỏng. Tự học, tự nghiên cứu nhưng nhờ có chút kiến thức và cũng có duyên với cửa Phật nên đi đúng đường. Ông đã thỉnh được Bộ Phật học Phổ Thông của HT Thích Thiện Hoa, làm tóm tắt toàn bộ, học trọn 1 năm, nắm vững các điểm căn bản của giáo lý. Ông lập bàn thờ đặt bộ Phật Học Phổ Thông cùng bộ tóm tắt của mình với hoa quả cúng dường HT Thích Thiện Hoa, để tạ ơn hóa độ cho bản thân ông.

Trong bộ Phật Học Phổ Thông, có kinh Bát nhã Ba la mật, ông đã đọc tới đâu thông suốt tới đó. Bỗng nhiên, ông nhớ đến câu nói của HT Thiện Hoa là trong Phật đạo có nhiều tông phái, có các hệ khác nhau, nếu căn cơ của mình hợp với pháp môn nào thì nên tu tập pháp môn đó thì dễ tiến hơn.

Ông tự nghĩ mình thiên về Thiền và Hệ tư tưởng Bát Nhã. Rồi từ đó đến nay đọc nhiều sách thiền và 41 bộ kinh trong Hệ Bát Nhã. May mắn là ông đã sưu tập gần như hầu hết sự nghiệp văn chương Phật học của Thiền sư người Nhật Bản là D.T. Suzuki. Những quyển khảo luận của Ngài là những quyển sách gối đầu của Lão Cư Sĩ Thiện Bửu.

Ông tâm sự rằng, chính nhờ những vốn liếng giáo lý này mà khi viết thiên Tổng Luận Đại Bát nhã Ba la mật, những tư tưởng trong ấy nhiều khi không biết là của Thiền sư Suzuki hay của chính ông. Dường như những món ăn tinh thần ấy đã trở thành máu mủ trong tự thể của chính ông, nhập tâm ông tự lúc nào chính ông không hề biết.

Lão Cư Sĩ Thiện Bửu đã dành 10 năm lao nhọc, vừa học vừa viết kinh này để xiển dương tư tưởng Bát Nhã theo tinh thần truyền bá và lưu thông. Ông đã khiêm tốn tự nhủ rằng không biết những gì mình viết có phù hợp với tinh thần của bộ Đại Bát nhã Ba la mật hay không, nhưng chúng tôi cho rằng việc làm của Lão Cư Sĩ là việc cần làm và thiết thực hữu ích, ông đã giúp tóm tắt ý nghĩa và lược giải những chỗ chính yếu của Kinh. Xin tán thán công đức của lão cư sĩ đã đặt viên đá đầu tiên, để khuyến khích cho những hành giả khác cùng phát tâm xây dựng nền móng và lâu đài Bát nhã Ba la mật trong hành trình giác ngộ và giải thoát, mà Đức Thế Tôn đã vạch ra từ 26 thế kỷ về trước.

Được biết Lão Cư Sĩ Thiện Bửu khởi sự viết thiên khảo luận Đại Bát nhã Ba la mật lúc 70 tuổi và hoàn tất lúc 80 tuổi ngay lúc mùa đại dịch Vũ Hán tấn công nước Mỹ, khiến cho trên 32.463.649 người nhiễm bệnh và hơn 577.464 người Mỹ tử vong, tính đến ngày 3/05/ 2021.

Ông đã nhanh chóng gởi tặng phiên bản điện tử này cho Trang Nhà Quảng Đức phổ biến trước khi ông về cõi Phật, vì ông lo sợ khi vô thường đến mà công trình này còn nằm yên trong computer thì quả thật là “Dã tràng xe cát biển đông”.

Để cho luận bản hoàn chỉnh hơn và nhanh chóng được phổ biến, chúng tôi đã nhờ Đạo hữu Thanh Phi đọc và sửa lỗi chính tả, chương nào xong thì gởi qua email cho Đạo Hữu Tâm Từ online ngay vào Trang nhà để vừa cống hiến cho bạn đọc và cũng để tạo niềm vui tuổi già của tác giả, và công việc tiếp theo, Đạo hữu Quảng Tịnh và Hoàng Lan sẽ phát tâm diễn đọc trọn bộ sách này vào audio-mp3 để cống hiến cho quý thính giả gần xa.

Xin thành tâm tán thán công đức Lão Cư Sĩ Thiện Bửu cùng người bạn đời của bác là Cư Sĩ Phương Nhật Nguyễn Thị Gia Hiển đã hộ trì cho tác giả hơn 10 năm qua để ông hoàn thành sứ mạng khó khăn này. Xin cảm tạ quý Đạo hữu Thanh Phi, Tâm Từ, Quảng Tịnh và Hoàng Lan đã đóng góp công sức và thời gian, mỗi người mỗi việc khác nhau, để giúp phổ biến tác phẩm giá trị này đến với độc giả và thính giả gần xa.

 

 

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát.

Viết tại Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu ngày 01/07/2020

Chủ Biên Trang Nhà Quảng Đức: TT  Thích Nguyên Tạng.

 

 

 

 


TỰA

 

Nói về quá trình thành lập và triển khai của kinh điển thuộc hệ Bát Nhã(1), thì Đạo Hành Kinh 10 quyển của Chi Lâu Ca Sấm (Lokaraksha) có lẽ là bộ Kinh Bát Nhã cổ nhất, dịch vào thời Hậu Hán, xuất hiện vào năm 172(2). Tiểu Phẩm Bát Nhã Kinh, 10 quyển, gồm 29 phẩm, do Ngài Cưu Ma La Thập (Kumaràjiva) dịch vào đời Hậu Tần cũng xuất hiện sớm: Nội dung thuyết minh về các giáo pháp Bát nhã Ba la mật (các bản dịch khác của kinh nầy gồm: Kinh Đại Minh Độ Vô Cực 6 quyển, do Ngài Chi Khiêm dịch vào đời Ngô, thời Tam Quốc; Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Sao 5 quyển, do các Ngài Đàm Ma Tì và Trúc Phật Niệm cùng dịch vào đời Tiền Tần). Kế tiếp là Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa 27 quyển (hoặc 30 hoặc 40 quyển), gọi là Đại phẩm Bát Nhã, cũng do Cưu Ma La Thập dịch vào thời Hậu Tần: Nội dung cũng thuyết minh về các giáo pháp Bát nhã Ba la mật. Đây là bộ kinh căn bản nói về Bát Nhã Không Quán ở thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa (các bản dịch khác của kinh này là Kinh Quang Tán Bát Nhã, 10 quyển, thiếu nửa sau, do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn và Kinh Phóng Quang Bát Nhã, 20 quyển, do Ngài Vô Xoa La dịch vào đời Tây Tấn). Sau hết là Kinh Đại Bát Nhã của Ngài Huyền Trang dịch và các bộ Bát Nhã khác như Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật xuất hiện tiếp theo.   

Trước Ngài Huyền Trang đã có một số Kinh Bát Nhã được dịch ra Hán văn như đã kể trên, nhưng vì chưa được đầy đủ nên Ngài Huyền Trang mới tổ chức dịch lại. Ngài Huyền Trang bắt đầu phiên dịch Đại Bát Nhã tại chùa Ngọc Hoa cung vào tháng Giêng năm Hiển Khánh thứ 5 (660) đời Vua Cao Tông nhà Đường đến tháng 10 năm Long Sóc thứ 3 (663) thì hoàn tất. Năm sau, Ngài thị tịch tại chùa Ngọc Hoa cung. Đó là một bản dịch đồ sộ gồm 24 tập, 600 quyển chia làm 16 hội, thuyết giảng tại bốn địa điểm là: 1. Núi Thứu Phong thuộc thành Vương Xá; 2. Lâm Kỳ Viên Cấp Cô Độc; 3. Cung trời Tha hóa tự tại và 4. Gần ao Cò trắng trong Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá. Đó một đại tùng thư gồm hầu hết kinh điển thuộc hệ Bát Nhã.

Phải công nhận Đại Bát Nhã Ba La Mật (Mahaprajna-paramita-Sutra)(3), một bộ kinh vĩ đại, do Ngài Huyền Trang dịch, một công trình dịch thuật to lớn, nhưng lại trùng tụng(4) quá nhiều. Có những đoạn kinh cùng một ý tưởng hay cùng một giáo lý như nhau nhưng lp đi lp lại cả chục lần, có khi cả trăm lần như các pháp mầu Phật đạo... Do đó, việc luận giải sẽ gặp quá nhiều khó khăn.

Bản Việt dịch do Cố Trưởng lão HT. Thích Trí Nghiêm thực hiện 600 quyển, dài hơn 7.000 trang đánh máy khổ lớn, không thể chép lại đúng nguyên văn trong khi luận giải được. Nếu để nguyên, bản Tổng luận trở nên quá dài, không ai có can đảm đọc tụng cả! Để tiện việc nghiên cứu, tu học, chúng tôi bắt buộc phải tóm lược. Đó cũng chính là công việc của Ngài Cưu Ma La Thập khi soạn dịch Kinh MHBNBLMĐ. Nhưng Ngài La Thập chỉ soạn dịch Hội thứ II mà thôi, còn chúng tôi phải tóm lược tổng cộng 16 Hội. Kinh văn quá dài, chắc chắn phải cắt xén, nhưng tự hứa sẽ cố trình bày đầy đủ những gì mà Bát Nhã muốn truyền đạt.

Cũng xin quý vị độc giả đừng quá lo ngại về việc cắt xén này. Phần cắt xén nhiều nhất là Hội thứ I (400 quyển đầu), từ Hội thứ II trở đi giảm dần cho đến Hội thứ V. Từ Hội thứ VI cho đến hết Hội thứ XVI tức chấm dứt toàn thể pháp hội ĐBN, gần như giữ nguyên. Quý vị có thể lấy bất cứ phẩm nào của Hội thứ I do chúng tôi tóm lược so chiếu với phẩm tương đương chưa tóm lược, quý vị sẽ thấy không khí gần như khác hẳn. Khác hẳn không có nghĩa là khác về nội dung mà là giảm bớt sự trùng tuyên làm cho chương cú của Kinh trở nên quá “loãng” hay quá nặng nề đối với lối tiếp thu của độc giả hiện đại. Chúng tôi chịu trách nhiệm về lời nói này.

Trong phần tựa Đại Bát Nhã, có thuật lại kinh nghiệm dịch thuật của Ngài Huyền Trang như sau: “Văn đã rộng lớn, người học thỉnh cầu Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang giản lược bớt; Pháp Sư hầu như muốn thuận theo ý của mọi người, giống như Ngài La Thập đã làm, cắt bỏ bớt những đoạn văn phiền phức trùng điệp. Khởi nghĩ như vậy rồi, đêm đến nằm mộng thấy có những cảnh tượng ghê sợ răn đe như thấy bay lên cao quá nguy hiểm, đi đến những chỗ hiểm hóc, hoặc thấy thú dữ bắt người v.v… run sợ toát mồ hôi mới thoát được. Khi tỉnh giấc, thuật lại các việc ấy cho những người yêu cầu biết, rồi sau đó y như kinh phiên dịch nguyên văn, không cắt xén thêm bớt gì cả. Đêm đến bèn thấy chư Phật Bồ Tát phóng hào quang nơi chặng giữa mày soi xúc thân mình, tâm ý vui thích. Pháp Sư lại thấy mình tay cầm đèn hoa cúng dường chư Phật, thấy bay lên tòa cao thuyết pháp, có nhiều người xoay quanh ngợi khen cung kính, lại thấy có kẻ đem hoa quả thượng diệu dâng biếu cho mình. Khi tỉnh giấc vui mừng chẳng dám cắt bỏ, nhất nhất đúng như bản chữ Phạn mà dịch”(5).

Câu chuyện của người xưa nhắc nhở hậu bối phải cẩn thận khi tóm lược kinh. Như thợ mộc giỏi, phải đo đạt trước rồi mới xẻ gỗ, cưa cắt, bào đục sau. Nhưng phải cưa cắt như thế nào để sản phẩm nhìn vừa đẹp vừa khéo? Muốn vậy phải đo đạt, cưa cắt thật khít khao. Mỗi khi xẻ gỗ, cưa cắt không đúng ni tất, thì phải bỏ. Chúng tôi chỉ là thợ vụng, nên đo đạt nhiều lần trước khi cắt. Đã cắt rồi thì không thể ráp nối lại nguyên vẹn như trước nữa!

Chiết giải kinh cũng thế. Trước hết là trình bày chính văn, nếu chính văn quá dài, thì phải tóm lược. Tóm lược, mà cắt xén quá nhiều thì còn gì là kinh văn. Vậy, phải cắt xén hay giản lược vừa khéo. Nhưng chỉ cắt xén, giản lược những gì gọi là dư thừa, trùng lập, phần cốt tủy vẫn phải giữ nguyên. Đó chính là phương châm của chúng tôi. Sai lệch một đường tơ đất trời nghiêng lệch, tội lỗi không thể nào tưởng tượng nổi! Có lẽ ai cũng nhớ trong Truyền Đăng Lục có kể câu chuyện một Pháp sư chỉ vì giảng nhầm câu “bất lạc nhân quả” với “bất muội nhân quả” mà bị đọa làm kiếp chồn 500 đời.

Thích nghĩa:

(1). Hệ Bát Nhã trong Đại Tạng Kinh Việt Nam tổng cộng có 41 bộ kinh, tổng cộng 777 quyển theo Tuệ Quang Wisdom Light Foundation, gồm các bộ:

1. Đại Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0220, 600 quyển, (Đường Huyền Trang dịch)

2. Phóng Quang Bát Nhã Kinh, mang thẻ số 0221, 20 quyển, (Tây Tấn Vô La Xoa dịch)

3. Quang Tán Kinh, mang thẻ số 0222, 10 quyển, (Tây Tấn Trúc Pháp Hộ dịch)

4. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0223, 27 quyển, (Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch)

5. Đạo Hành Bát Nhã Kinh, mang thẻ số 0224,10 quyển, (Hậu Hán Chi Lâu Ca Sấm dịch)

6. Đại Minh Độ Kinh, mang thẻ số 0225, 6 quyển, (Ngô Chi Khiêm dịch)

7. Ma Ha Bát Nhã Sao Kinh, mang thẻ số 0226, 5 quyển, (Tiền Tần Đàm Ma Tỳ cộng Trúc Phật Niệm dịch)

8. Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0227, 10 quyển, (Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch)

9. Phật Thuyết Phật Mẫu Xuất Sinh Tam Pháp Tạng Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0228, 25 quyển, (Tống Thí Hộ dịch)

10. Phật Thuyết Phật Mẫu Bảo Đức Tạng Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0229, 3 quyển,(Tống Pháp Hiền dịch)

11. Thánh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật Đa Nhất Bách Bát Danh Chân Thật Viên Nghĩa Đà La Ni Kinh, mang thẻ số 0230, 1 quyển, (Tống Thí Hộ đẳng dịch)

12. Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0231, 7 quyển, (Trần Nguyệt Bà Thủ Na dịch)

13. Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0232, 2 quyển, (Lương Mạn Đà La Tiên dịch)

14. Văn Thù Sư Lợi Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0233, 1 quyển, (Lương, Tăng Ca Bà La dịch)

15. Phật Thuyết Nhu Thủ Bồ Tát Vô Thượng Thanh Tịnh Phân Vệ Kinh, mang thẻ số 0234, 2 quyển,(Tống Tường Công dịch)

16. Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0235, 1 quyển, (Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch)

17. Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0236a, 1 quyển, (Nguyên Ngụy Bồ Đề Lưu Chi dịch)

18. Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0236b, 1 quyển, (Nguyên Ngụy Bồ Đề Lưu Chi dịch)

19. Kim Cương Bát Nhã Kinh, mang thẻ số 0237, 1 quyển, (Trần Chân Đế dịch)

20. Kim Cương Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0238, 1 quyển, (Tùy Cấp Đa dịch)

21. Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0239, 1 quyển, (Đường Nghĩa Tịnh dịch)

22. Thật Tướng Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0240, 1 quyển, (Đường Bồ Đề Lưu Chí dịch)

23. Kim Cương Đảnh Du Già Lý Thú Bát Nhã Kinh, mang thẻ số 0241, 1 quyển, (Đường Kim Cương Trí dịch)

24. Phật Thuyết Biến Chiếu Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0242, 1 quyển, (Tống, Thí Hộ dịch)

25. Đại Nhạc Kim Cương Bất Không Chân Thật Tam Ma Da Kinh, mang thẻ số 0243, 1 quyển,(Đường Bất Không dịch)

26.  Phật Thuyết Tối Thượng Căn Bổn Đại Nhạc Kim Cương Bất Không Tam Muội Đại Giáo Vương Kinh, mang thẻ số 0244, 7 quyển, (Tống Pháp Hiền dịch)

27. Phật Thuyết Nhân Vương Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0245, 2 quyển, (Hậu Tần Cưu Ma La Thập dịch)

28. Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0246, 2 quyển, (Đường Bất Không dịch)

29. Phật Thuyết Liễu Nghĩa Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0247, 1 quyển, (Tống Thí Hộ dịch)

30. Phật Thuyết Ngũ Thập Tụng Thánh Bát Nhã Ba La Mật Kinh, mang thẻ số 0248, 1 quyển, (Tống Thí Hộ dịch)

31. Phật Thuyết Đế Thích Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, mang thẻ số 0249, 1 quyển, (Tống Thí Hộ dịch)

32. Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đại Minh Chú Kinh, mang thẻ số 0250, 1 quyển, (Diêu Tần Cưu Ma La Thập dịch)

33. Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, mang thẻ số 0251, 1 quyển, (Đường Huyền Trang dịch)

34. Phổ Biến Trí Tạng Bát Nhã Kinh, mang thẻ số 0252, 1 quyển, (Đường Pháp Nguyệt Trọng dịch)

35. Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, mang thẻ số 0253, 1 quyển, (Đường Bát Nhã cộng Lợi Ngôn đẳng dịch)

36. Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, mang thẻ số 0254, 1 quyển, (Đường Trí Tuệ Luân dịch)

37. Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh, mang thẻ số 0255, 1 quyển, (Đường Pháp Thành dịch)

38. Đường Phạm Phiên Đối Tự Âm Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, mang thẻ số 0256, 1 quyển,(Hán văn: Tây kinh, trích từ bản sao chép trên vách tường đá của chùa Đại Hưng Thiện. Từ Ân Hòa thượng phụng chiếu thuật lời TỰA)

39. Phật Thuyết Thánh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0257, 1 quyển, (Tống Thí Hộ dịch)

40. Phật Thuyết Thánh Phật Mẫu Tiểu Tự Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0258, 1 quyển, (Tống Thiên Tức Tai dịch)

41. Phật Thuyết Quán Tưởng Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa Bồ Tát Kinh, mang thẻ số 0259, 1 quyển, (Tống Thiên Tức Tai dịch)

42. Phật Thuyết Khai Giác Tự Tánh Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0260, 4 quyển,(Tống Duy Tịnh đẳng dịch)

43. Đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật Đa Kinh, mang thẻ số 0261, 10 quyển, (Đường Bát Nhã dịch).

 

Lưu ý: Theo Tuệ Quang Wisdom Light Foundation, tính theo thứ tự số thẻ có 43 bộ kinh thuộc hệ Bát Nhã. Nhưng không biết tại sao các nhà khảo cứu lại tính có 41 bộ mà thôi? Trong đây có nhiều bộ kinh có phẩm tựa và giáo nghĩa trùng hợp như kinh “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật” hay “Tâm Kinh”, do nhiều tác giả khác nhau dịch. Cứ theo sự hiểu biết của chúng tôi, nếu muốn lấy các bộ kinh làm tài liệu Phật học và xếp loại để tiện việc tra cứu, thì cứ mỗi bộ kinh do một tác giả dịch, có đánh số thẻ, đã lưu trữ trong Đại tạng kinh thì nên xem là một bộ, như kinh “Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật” do Bồ đề Lưu Chi dịch có hai bản, có số thẻ là 0236a và 0236b. Đúng ra phải xem là hai bộ, mặc dầu cả hai bản dịch có tựa đề và nội dung giống nhau và cùng một dịch giả? Không biết các nhà khảo cứu xếp loại như thế nào về trường hợp này, nên mới xảy ra thắc mắc như trên? Nhiều Đại Tạng kinh khác lại tính là 44 bộ. Chúng ta sẽ không bị lẫn lộn về con số này, nếu chỉ cần biết số thẻ và tên kinh để tra cứu là đủ. Chúng tôi cũng lưu ý độc giả cố gắng nhớ tên kinh và danh tánh dịch giả. Vì sao? Vì trong số 41 bộ liệt kê trên, có một số các kinh được xem là tương đương với các Hội của kinh Đại Bát Nhã mà quý vị cần phải tra cứu hay tham khảo nếu cần. Đọc tới quý vị sẽ rõ.

(2). Đạo Hành Bát Nhã do Chi Lâu Ca Sấm dịch tương đương với Bát Nhã Bát thiên tụng, hay Tiểu Phẩm Bát Nhã do Cưu ma La thập hoặc Phật Mẫu Bát Nhã do Thí Hộ và kinh rút ra từ quyển 538 đến quyển 555 của Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch(không có đặt tên, để tránh lẫn lộn với các kinh ngắn tương đương trên, chúng tôi tạm gọi kinh nầy là Tiểu Bản Bát Nhã, do Phật thuyết ở Hội thứ IV. Xin quý vị độc giả ghi nhớ cho, vì chúng ta có rất nhiều cơ hội để thảo luận về bộ kinh nầy). Xét trên phương diện triết học hay tôn giáo tất cả những quan điểm cốt yếu (giáo lý hạnh quả, kỹ thuật tu trì, quán tưởng…) của Bát Nhã đều nằm trong đó. Nếu xét theo niên kỷ, Kinh Đại Bát Nhã xuất hiện sau các tiểu phẩm, nên một số học giả Phật học cho rằng Đại Bát Nhã triển khai các giáo lý và triết học Tánh Không từ các tiểu phẩm kể trên.

(3). Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán, tổng cộng có tới 600 quyển, khoảng 167.300 bài tụng (sloka) tính theo Pháp Uyển Châu Lâm quyển 100 và Khai Nguyên Thích Giáo Lục quyển 11. Nếu diễn dịch ra chữ thì tổng cộng hơn 5 triệu chữ. (Mỗi bài tụng gọi là sloka gồm 4 hàng, mỗi hàng gồm 8 chữ. Vậy, 1 sloka có 32 chữ; 32 chữ nhân cho 167.300 sloka bằng 5.353.600 chữ).

(4). Sự trùng tụng cốt ý là gội sạch cảm quan và ý thức dễ dãi của những người đang hành trì Bát Nhã để tâm chứng bằng trực giác mà không qua trung gian của cảm quan và ý thức hay lý luận nhị nguyên. Thiền sư D.T. Suzuki giải thích sự trùng tụng của Bát Nhã như sau: “Một trong những lý do tại sao các kinh này thường lặp lại quá nhiều, trùng tuyên quá nhiều, làm mệt óc các độc giả tân tiến như chúng ta, đấy là do sự kiện rằng tất cả các kinh điển Đại thừa, nhất là Bát nhã Ba la mật, không cốt ý gợi lên những sự dễ dãi của suy luận, tức sự lãnh hội bằng trí óc; nó gợi lên một lối lãnh hội khác, mà chúng ta có thể gọi là bằng trực giác. Khi Bát nhã Ba la mật được đọc bằng tiếng Sanskrit, tiếng Trung Hoa hay tiếng Tây Tạng, không cố gắng lượm nhặt ý nghĩa luận lý của nó, chỉ một mực thành tâm và quyết định đi ngang qua những khối trùng lặp, con mắt Bát Nhã - Tunhan - dần dần mở rộng và càng lúc càng nhìn thấu suốt hơn. Cuối cùng, rồi sẽ thấy, bất kể những mâu thuẫn, những tối tăm, những trừu tượng, huyễn hoặc, sẽ thấy sự thể trong suốt lạ lùng vén mở “mặt kia cùng với mặt này”. Đây là sự phát khởi của Bát Nhã và sự học tập Bát nhã Ba la mật sâu xa. Nơi đó là chỗ bí mật của sự tụng đọc kinh Bát Nhã”.

Tuy biết như vậy, nhưng cũng tùy chỗ, tùy thời thôi! Phần trùng tụng nhiều nhất là các pháp mầu Phật đạo. Hầu như bất cứ, Hội nào, phẩm, phần nào cũng lặp đi lặp lại các pháp này. Chúng tôi chỉ giản lược thay vì liệt kê tất cả “các pháp mầu Phật đạo hay còn gọi là 81 khoa danh tướng Bát Nhã” hàng trăm, hàng ngàn lần trong toàn đại phẩm.

(5). Trích lời trần thuật của Ngài Huyền Trang ở đầu quyển ĐBN.

---o0o---

 


TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

Đại Bát Nhã Ba La Mật Tổng Luận mà chúng tôi sắp trình bày sau đây là kết quả tóm tắt và lược giải trên căn bản của hai kinh:

1- Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật (viết tắt MHBNBLMĐ) do Ngài Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán và HT. Thích Trí Tịnh dịch từ Hán sang Việt(1), và

2- Kinh Đại Bát Nhã Ba La Mật (viết tắt ĐBN hay ĐBNBLM) do Ngài Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán và cố Trưởng lão HT Thích Trí Nghiêm dịch từ Hán sang Việt(2). Chúng tôi lấy ba bản: Hai bản Việt dịch và một bản chữ Hán, để tóm lược:

1/. Một là bản gốc đăng trong Tuvienquangduc.com (văn từ rất cổ kính, đó là bản gốc do cố Trưởng lão HT Thích Trí Nghiêm dịch, xuất bản năm 1997),

2/. Hai là bản đã nhuận văn xong, đăng trong Thuvienhoasen.org và Quangduc.com (do một nhóm Tỳ kheo và cư sĩ thực hiện, xuất bản năm 2003) và

3/. Ba là bản chữ Hán, đăng trong Hoavouu.com.

Ngoài ba bản kinh chính trên, chúng tôi còn tham cứu thêm một số Kinh thuộc hệ Bát Nhã tương đương với các Hội của Kinh ĐBN như Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, Kinh Phật Mẫu Bát Nhã, Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật, Kinh Văn Thù Sở Thuyết, Đạo Hành Kinh, Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật, v.v... đã đăng trong Đại tạng kinh Việt Nam và các Kinh khác trong số 41 bộ hay 43 bộ(tùy theo sắp loại) tổng cộng 777 quyển, Kinh thuộc hệ Bát Nhã nói trên. Vì vấn đề chuyển ngữ hay tư tưởng có nhiều điểm rắc rối, khó hiểu nên phải tham cứu nhiều. Đọc tới, quý vị sẽ rõ!

Thích nghĩa:

(1). Viện Phật Học Phổ Hiền xuất bản P.L. 2530 DL. 1986 (trọn bộ 3 tập), Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành P.L. 2539 DL.

(2). Kinh Đại Bát Nhã 24 tập, 600 quyển. Hán dịch: Huyền Trang, Việt dịch: Cố Trưởng lão HT. Thích trí Nghiêm. Khởi dịch từ năm 1973 đến năm 1980 mới hoàn tất. Ấn hành năm 2003, Toàn tập dạng Words. PL. 2547, do Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, đăng tải trong tuvienquangduc.com.

THÀNH KÍNH CÁM ƠN

 

 

 

Đệ tử Thiện Bửu xin cảm ơn công đức dưỡng dục sanh thành của bố mẹ, đã cho con một đời đáng sống này. Kế đến người viết xin cảm ơn người bạn đường, chịu nhiều khổ cực giúp soạn giả hoàn thành thiên Tổng luận Đại Bát Nhã Ba La Mật ròng rã trong 10 năm qua.

 

  Sau nữa, xin chân thành cảm ơn những vị sau đây đã đem lại nhiều ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc sống tâm linh của chúng con:

1- Tổ Sư Minh Đăng Quang, khai sáng Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam, Ngài cũng là Sư phụ truyền Tam Quy Ngũ Giới và ban pháp danh Thiện Bửu cho đệ tử vào năm 13 tuổi.

2- Đệ tử xin cảm ơn Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, người đã hóa đạo cho soạn giả qua bộ sách Phật Học Phổ Thông.

3- Sau cùng, soạn giả xin chân thành cảm tạ Thiền sư D.T. Suzuki, người được xem như là Bồ Tát trong thời đại mới, đã có công xiển dương đạo Phật tại các quốc gia Tây Âu và cũng là người đã mở con mắt đạo cho soạn giả về Tánh không Bát Nhã.

Sau cùng, xin cảm ơn những ai đã từng khổ nhọc hy sinh công của góp phần xây dựng lâu đài Phật đạo Việt nam nói riêng và thế giới nói chung, nhờ đó soạn giả có đủ chất liệu để học, để tu, để giải, để hành.

Chúng con xin hồi hướng công đức biên soạn bộ sách này cho pháp giới chúng sanh, hữu tình và vô tình, đều trọn thành Phật đạo.

 

Nam Mô Bát Nhã Hội Thượng Phật Bồ Tát.
San Jose, California, Ngày 24/02/2020
          Cư sĩ Thiện Bửu cẩn chí.

 

***

Phiên bản điện tử:

Bố trí thiết kế: Thiện Bửu, Tâm  Từ, Steve To.

Kiểm tra chính tả: Cư sĩ Thanh Phi, Phương Nhật.

 


BỐ CỤC TOÀN BỘ TỔNG LUẬN:

 

Xin xác định rõ chúng tôi không thay đổi cấu trúc hay bố cục của Đại Bát Nhã (phần nói về bố cục và nguồn gốc ĐBN được ghi làm một phần riêng gọi là Phần thứ II, Tổng luận) ở đây chúng tôi chỉ trình bày bố cục thiên Tổng luận này theo quan điểm của chúng tôi, cốt làm nổi bậc các giáo lý chính của ĐBN để độc giả dễ nắm toàn thể quan điểm của ĐBN. Vì vậy, toàn bộ Tổng luận này được chia làm ba phần chính:

 

1. Phần thứ I nói về các pháp mầu Phật đạo:

 

Liệt kê và thích nghĩa tất cả các pháp Phật còn gọi là các pháp mầu Phật đạo, tư lương Bồ đề hay Bồ Tát đạo mà Đại Bát Nhã đã thuyết. Kinh ĐBN thuyết rải rác các pháp tu này trong toàn bộ ĐBN, không riêng một phẩm nào hay phần nào. Tất cả các pháp tu này được ĐBN thuyết hàng trăm, hàng ngàn lần trong suốt Đại phẩm. Phải nói là quá trùng tụng. Vì vậy, chúng tôi phải tách ra và viết thành một phần riêng, một trong ba phần chính của Tổng luận. Đọc tới Quý vị sẽ thấy ý này. Điểm cần lưu ý là các pháp mầu Phật đạo được trình bày trong toàn bộ ĐBN được chúng tôi cắt xén, giản lược nhiều nhất (như Kinh MHBNBLMĐ mà Ngài La Thập đã làm) để chính văn của ĐBN bớt nặng nề. Phải nói rằng cách sắp xếp các pháp mầu Phật đạo thành một phần riêng, nói lên được tầm quan trọng của nó. Không có các pháp mầu Phật đạo thì không có đạo Phật, không có Phật, Bồ Tát, không có Đại thừa… Vì có hiểu có học, có thọ trì mới mang lại ích lợi cho mình, cho người, còn chỉ đọc cho biết, thì chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa” thôi.

 

2. Phần thứ II nói về giáo lý Bát Nhã:

 

Trình bày về bố cục, nguồn gốc hay xuất xứ của Kinh ĐBN; tóm lược từng Hội, từng Phần hay từng Phẩm của chính văn, đồng thời thích nghĩa và lược giải các giáo lý ĐBN trọn bộ 600 quyển, thuộc 16 Hội. Đây là phần lược giải chính văn ĐBN. Phần chính văn này chiếm hơn 4.000 trang của thiên Tổng luận này. Đó là chất liệu chính của ĐBN.

Hai phần này tạo thành chánh văn của Đại Bát Nhã, được xem như là bộ Bách khoa Toàn thư của Kinh điển Đại thừa. Vì nó là tổng hợp các giáo lý của nhiều hệ Phật học khác nhau. Nên những luận giải ở phần thứ I và phần thứ II này có thể gọi là Thích luận.

 

3. Phần thứ III luận về Tánh Không Bát Nhã:

 

Rút ra các nguyên lý chỉ đạo của Bát Nhã mà các nhà khảo cứu Phật học, các nhà bình giải hay tu trì... thường gọi là “Tánh Không”. Đây là phần sáng tác với mục đích nêu lên cốt tủy của ĐBN. Phần này là phần đào xới các biểu thị hay pháp nghĩa hiển hiện của Đại Bát Nhã. Nếu hiểu và chứng được phần này tức là thông đạt hay thành tựu Bát Nhã. Đây là phần kết thúc, thành công hay không quyết định ở phần này.

Vì phần thứ III chuyên luận về Tánh Không, với những nguyên lý chỉ đạo của nó, là phần sáng tác riêng về chủ đề này. Nên luận giải ở phần này có thể gọi là Tôn luận. Tuy nhiên, dù là Tôn luận hay Thích luận cũng phát xuất từ một nguồn Kinh gọi là ĐBN. Nên phân biệt Tôn hay Thích ở đây cũng chỉ có trên danh nghĩa mà thôi, chẳng có gì khác.

 

Xin trần tình công việc biên soạn và xuất bản lần thứ hai bộ Tổng luận này như sau: Duyên khởi của bộ Tổng luận này chỉ một tập tài liệu nghiên cứu tu tập cá nhân. Nhưng khi trì tụng ĐBN thấy Kinh quá vi diệu và Kinh cũng khuyến dẫn là nên xiển dương. Nên chúng tôi chiết giải đại cương và TT Thích Nguyên Tạng đưa lên mạng Quangduc.com và cho xuất bản thành sách, công việc có vẻ hơi vội vàng. Lần xuất bản thứ II này, chúng tôi nghiên cứu thêm bộ Đại Trí Độ Luận và Luận A Tỳ Đàm Đại Tì Bà Sa. Đây là hai bộ luận đồ sộ nhất trong lịch sử Phật đạo, do các bậc thật tu thật chứng diễn giải, có thể nói là rất hữu ích trong việc tụng đọc thọ trì Kinh Đại Bát Nhã. Mong rằng lần xuất bản thứ hai này mang nhiều hứng thú cho Quý vị.

 

---o0o---

 

TẬP 1

 

 

Mỗi pháp hội của ĐBN có pháp hội dài cả ngàn trang, có pháp hội chỉ có vài ba chục trang sách, nên việc ấn tống phải chia làm nhiều TẬP, mỗi Tập chỉ cho phép in khoảng 700 trang mà thôi. Pháp hội thứ I và pháp hội thứ II dài cả ngàn trang, một TẬP không thể in hết được, phải in vào hai TẬP khác nhau. Chắc chắn các phẩm trong các pháp hội dài sẽ “gối đầu” nhau trong các TẬP. Vì vậy, độc giả rất khó theo dõi. Do đó mới có thêm phần nói về nội dung của mỗi TẬP để giúp độc giả tụng đọc dễ dàng hơn. Hãy xem chỉ dẫn của mỗi TẬP như bản đồ chỉ lộ trình để khỏi lạt mất dấu vết. (1)

 

 

 

I. PHẦN THỨ I TỔNG LUẬN(2):

 

CÁC PHÁP MẦU PHẬT ĐẠO

 

 

Trong phần nầy chúng tôi chỉ trình bày “Tất cả các pháp mầu Phật đạo” mà Đại Bát Nhã thường nhắc tới. Nếu không biết những pháp này sẽ gặp nhiều trở ngại cho sự hiểu biết, học tập và thực hành Bát nhã Ba la mật.

Tất cả các pháp mầu Phật đạo, xin lưu ý độc giả, được lặp đi lặp lại hầu như gần hết trong 600 quyển Kinh ĐBN: Hoặc giải rộng hoặc tóm lược. Các pháp này được đề cập đầy đủ ở các phẩm “Biện Đại Thừa” từ quyển 51 trở đi, Hội thứ I; phẩm “Nói tướng Bát Nhã” phần đầu quyển 296, Hội thứ I; phẩm “Các Tướng Công Đức” quyển 380, Hội thứ I; phẩm “Tam Ma Địa” quyển 413, Hội thứ II và phẩm “Niệm Trụ Đẳng” quyển 414 và 415, Hội thứ II; phẩm “Nhiều Đức Tướng” quyển 469, Hội thứ II; phẩm “Thiện Hiện” quyển 488, Hội thứ III; được lập lại ở phẩm “Diệu Tướng” quyển 531, Hội thứ III của Kinh Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch v.v…; hay phẩm “Tứ Nhiếp” quyển 26 và 27, tập III của Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa(3) do Ngài Cưu Ma La Thập dịch. Trong tất cả quyển liệt kê trên về các pháp mầu Phật đạo, chúng tôi chọn quyển 380 của Kinh ĐBN. Vì quyển này tương đối trình bày gần như đầy đủ tất cả pháp mầu Phật đạo hơn cả.

Tất cả pháp mầu Phật đạo hay “81 khoa danh tướng Bát Nhã” được gọi là các thiện pháp, các diệu pháp, các pháp hy hữu, tư lương Bồ đề Bồ Tát hay đạo Bồ Tát Ma ha tát… nghĩa là người học đạo muốn trở thành Bồ Tát, thành Phật điều kiện cần và đủ là phải học các pháp nầy nên gọi là tư lương Bồ đề Bồ Tát. Tất cả các pháp thắng diệu đó được thu nhiếp vào Kinh Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch.

Phần thứ I của Tổng luận nầy có lẽ tẻ nhạt đối với một số người. Nhưng thiếu phần này thì coi như chẳng tu chẳng học gì cả mà chỉ đọc Đại Bát Nhã “cho biết” vậy thôi! Muốn tu, học và hành Bát Nhã phải như một lữ hành trèo non lội suối để đến đại thành giàu lợi vui, thì hành giả phải trang bị lương thực, quần áo, thuốc men... Cũng vậy muốn giác ngộ, muốn được Nhất thiết trí trí để trở thành Bồ Tát, Phật, hành giả Bát Nhã phải trang bị một số kiến thức Phật học, phương pháp tư duy, quán tưởng, thiền định, các phương tiện thiện xảo… cho văn, tư, tu(4) được tròn đầy mà thực hành Giới - Định - Huệ(5) tức Tam vô lậu học, mau viên mãn để chóng chứng pháp thân.

(Xin mở ngoặc: Trong phần thứ I Tổng luận này chúng tôi chỉ trình bày các pháp mầu Phật đạo theo điều 380, Hội thứ I, ĐBN. Kinh phân chia các pháp Phật gần như một hệ thống đi từ Nhơn thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Bích chi Phật thừa, Bồ Tát thừa hay Phật thừa. Nhưng chúng tôi không giải thích chi tiết hay nêu ra phương pháp hành trì các pháp tu này. Chúng tôi chỉ trình bày và giải thích đại cương các thiện pháp theo sự chỉ dẫn của Đại Bát Nhã mà thôi. Các pháp tu này được giải thích bổ túc tỉ mỉ bởi Bồ Tát Long Thọ trong Đại Trí Độ Luận hay A Tỳ Đàm Đại Tỳ Bà Sa Luận do Tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) và 500 vị Đại A la hán chú giải quản diễn trong bộ luận A Tỳ Đạt Ma Phát Trí do Tôn giả Ca Đa Diễn Ni Tử (Kātyāyaniputra) biên soạn trong thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư khoảng 400 năm sau khi Phật diệt độ).

Phẩm “Phương Tiện Tịnh Độ”quyển 394, Hội thứ I, ĐBN: Phật bảo Huệ Mạng Tu Bồ Đề:

- “Này Tu Bồ Đề! Nên biết, lại có vô lượng công đức tu hành của các Bồ Tát đều gọi là Thiện pháp, cũng gọi là Tư lương Bồ đề, cũng gọi là Bồ Tát đạo. Các đại Bồ Tát cần phải tu thiện pháp thù thắng như thế khiến viên mãn cùng tột mới có thể chứng đắc Nhất thiết trí trí(6). Cần phải chứng đắc Nhất thiết trí trí rồi mới có thể chuyển bánh xe Chánh pháp(7) không trái ngược, khiến các hữu tình giải thoát sanh tử, chứng đắc cứu cánh Niết bàn(8) thường lạc”.

Vậy, pháp nào được coi Thiện pháp, Tư lương Bồ đề, cũng gọi là Bồ Tát đạo?

Phẩm “Chánh Định” quyển 477 và phẩm “Tuyên Hóa” quyển 536, ĐBN, Ngài Huyền Trang dịch có ghi như sau: “Huệ Mạng Tu Bồ Đề(9) thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là tất cả thiện pháp?

Phật bảo:

“(…)Tu Bồ Đề! Các đại Bồ Tát từ sơ phát tâm tu hành Tứ niệm xứ cho đến tám Thánh đạo chi. An trụ nội không cho đến vô tánh tự tánh không. An trụ Chân như cho đến bất tư nghì giới. An trụ khổ tập diệt đạo Thánh đế. Tu hành bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Tu hành tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Tu hành không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Tu hành các bậc Bồ Tát. Tu hành tất cả Đà la ni môn, Tam ma địa môn. Tu hành Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Tu hành pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí.

(…)Bởi đây sở tu Tứ niệm xứ cho đến Nhất thiết chủng trí năng tự nhiêu ích, cũng năng nhiêu ích tất cả hữu tình khiến thoát sanh tử được Niết Bàn, nên nói là Thiện pháp, cũng gọi Tư lương Bồ đề Bồ Tát, cũng gọi Bồ Tát đạo. Các Bồ Tát quá khứ, vị lai, hiện tại hành đạo đây, nên đã được, sẽ được, đang được Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề. Cũng khiến hữu tình đã, sẽ, đang qua biển lớn sanh tử(10) được vui Niết Bàn.

Tu Bồ Đề phải biết! Lại có vô lượng Bồ Tát tu các công đức đều gọi Thiện pháp, cũng gọi Tư lương Bồ đề Bồ Tát, cũng gọi đạo Bồ Tát Ma ha tát. Các đại Bồ Tát cần tu các thắng thiện pháp như thế khiến cực viên mãn, mới chứng được Nhất thiết chủng trí. Đã chứng được Nhất thiết chủng trí mới có thể quay xe Chánh pháp, khiến các hữu tình an vui rốt ráo”.

Vậy, một người từ sơ phát tâm cho đến khi thành chánh quả Vô Thượng Bồ đề đều phải trải qua tu tập các pháp môn này, nên các pháp môn này được xem là các Thiện pháp, các pháp mầu Phật đạo, Tư lương Bồ đề hay Bồ Tát đạo... Đoạn kinh trên có thể tạm coi là một định nghĩa giản lược về các thiện pháp mà chúng tôi sẽ có cơ hội trình bày sau.

Đoạn kinh ở phẩm “Khéo Học”, quyển 333, ĐBN nói rằng:

“Bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; 37 pháp trợ đạo cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; khổ thánh đế, tập diệt đạo thánh đế cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; pháp nội ngoại không, không không đến pháp vô tánh tự tánh Không cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; chơn như, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; pháp môn giải thoát không, pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; thập địa Bồ Tát cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; năm loại mắt, sáu phép thần thông cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; pháp môn Tam ma địa, pháp môn Đà la ni cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát; Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát… cho đến tất cả hạnh Bồ Tát, quả vị Giác ngộ tối cao của chư Phật cũng là thiện hữu tốt nhất của đại Bồ Tát.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

(…)Này Thiện Hiện! Nên biết, 37 pháp trợ đạo, 18 pháp bất cộng, tứ vô sở úy, đại từ, đại bi v.v… đối với các chúng đại Bồ Tát là thầy, là hướng đạo, là ánh sáng, là đuốc, là đèn, là hiểu, là biết, là trí, là tuệ, là cứu, là hộ, là thất, là nhà, là bờ, là bến, là về, là đến, là cha, là mẹ.

“(…) Vì tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác của quá khứ, vị lai, hiện tại ở vô lượng, vô số, vô biên thế giới trong khắp mười phương trụ trì an ổn tất cả hữu tình, khai thị pháp vi diệu, đều lấy bố thí Ba la mật, nói đủ cho đến cảnh giới bất tư nghì làm thầy, làm hướng đạo, làm ánh sáng, làm đuốc, làm đèn, làm hiểu, làm biết, làm trí, làm tuệ, làm cứu, làm hộ, làm thất, làm nhà, làm bến, làm bờ, làm về, làm đến, làm cha, làm mẹ. Vì sao? Vì chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều từ bố thí Ba la mật… nói đủ cho đến cảnh giới bất tư nghì mà xuất sanh. Vì vậy, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát ý thích muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật thì nên học bố thí Ba la mật, nên học tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; nên học tất cả pháp Phật hay nói khác nên học Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì ở trong Kinh Bát Nhã sâu xa nầy, rộng nói tất cả pháp tướng nên học. Tất cả chúng đại Bồ Tát đối với pháp nầy đều phải siêng năng tin cần tu học”.

Lời giới thiệu này đủ chứng tỏ tánh cách vi diệu của các pháp môn Phật học này đối với các Bồ Tát huống chi là chúng sanh trần tục như chúng ta.

Thích nghĩa:

(1). Thiên Tổng luận ĐBNBLM này được chia thành 8 TẬP. Sự chia TẬP ở đây để tiện việc ấn loát và tụng đọc. Cũng nên nói trước sự chia TẬP gây nhiều rối rắm cho độc giả không ít. Sở dĩ, phải chia ra như vậy vì Thiên Tổng luận này dài gần 6.000 trang (khổ 6X9) nên phải chia ra mới có thể in, mới có thể đọc. Cái bất tiện gây rối rắm thứ hai là các pháp hội do Phật thuyết có hội dài trên cả ngàn trang, có Hội chỉ vài chục trang như đã nói trên. Nên khi ấn loát chỉ cho phép in khoảng 700 trang (khổ 6X9) cho mỗi TẬP. Vì vậy, có nhiều Hội phải in các phẩm “gối đầu” nhau trong một TẬP (như Hội thứ I và Hội thứ II). Do đó, việc thọ trì đọc tụng không được thoải mái lắm. Quý vị phải chú ý lắm mới được. Xin thứ lỗi cho sự thiếu tiện nghi này!

(2). Chỉ giới thiệu sơ lược về các “Pháp mầu Phật đạo”. Phần thứ II mới đề cập đến lịch sử kinh, thích nghĩa cùng luận giải các giáo lý chính của Đại Bát Nhã.

(3). Xin lưu ý: Kinh MHBNBLMĐ của Ngài La Thập dịch cũng được gọi là đại phẩm Bát Nhã, nhưng chỉ thuyết các giáo lý Bát Nhã của Hội thứ II mà thôi (không phải thuyết toàn bộ Đại Bát Nhã 16 pháp hội). Bồ Tát Long Thọ dùng Kinh MHBNBLMĐ để viết ra Bộ Đại Trí Độ Luận.

(4). Tam hữu lậu học còn gọi là tam tuệ: Văn, tư, tu. Văn tuệnghe mà phát tuệ; tuệ do hỏi mà sanh tuệ; tu tuệ do tu mà phát sanh tuệ. Sẽ thích nghĩa chi tiết sau.

(5). Tam vô lậu học: Giới, định, huệ. Giới nhằm chế phục tội lỗi xâm nhập từ ngoài vào; Định nhằm khắc phục vọng niệm điên đảo phát sanh từ bên trong; còn Huệ nhằm hiểu biết chính xác chân lý. Sẽ giải thích chi tiết sau.

(6). Nhất thiết trí trí, Nhất thiết tướng trí hay Nhất thiết chủng trí: Trong phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, quyển 525, Hội thứ III. Phật bảo cụ thọ Thiện Hiện: “Này Thiện Hiện! Nhất thiết trí nghĩa là trí chung của Thanh văn và Độc giác. Đạo tướng trí là trí chung của đại Bồ Tát. Nhất thiết tướng trí là diệu trí riêng của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng giác”. Đây có thể xem là một định nghĩa ngắn gọn về ba trí trong Phật đạo. Kinh Đại thừa, nhất là Kinh ĐBN phân biệt ba loại trí: 1- Nhất thiết trí là trí của Nhị thừa, 2- Đạo tướng trí là trí của Bồ Tát và Nhất thiết tướng trí, Nhất thiết chủng trí hoặc Nhất thiết trí trí là trí của Phật. Sẽ giải thích nhiều về trí này khi học đến phần thứ II, Tổng luận.

(7). Quay xe chánh pháp (chuyển pháp luân) là thuyết pháp độ sinh. Quay bánh xe pháp có nghĩa lăn bánh xe sắt để cán nhẹp tất cả những chướng ngại trên đường như cỏ cây, gai gốc, v.v... cũng như thuyết pháp để hướng dẫn chúng sinh ra khỏi những mê lầm đen tối.

Khi đức Phật thành đạo Ngài thấy pháp mà mình giác ngộ mầu nhiệm khó giải bày nên muốn nhập Niết bàn ngay. Phạm Thiên thấy vậy mới cầu khẩn Ngài thay vì giảng giải đạo giác ngộ khó khăn thì hãy dùng những thí dụ phương tiện quyền biến để dẫn dắt chúng sanh. Phật hứa. Rồi từ đó Ngài lặn lội khắp các vùng Bắc, Trung Ấn và dọc theo sông Hằng khai ngộ chúng sanh. Phật thuyết Tứ đế lần đầu tiên cho năm anh em Kiều trần Như tại vườn Lộc Uyển. Đó là lần chuyển pháp luân đầu tiên sau khi Phật giác ngộ.

(8). Niết bàn: Có nghĩa là tịch diệt, an lạc, giải thoát. Đây là mục đích cuối cùng của người tu Phật. Niết bàn không thể coi là cảnh giới hữu vi, trong đó có lầu cát diễm lệ sơn son thếp vàng, cơm ăn áo mặc đầy đủ, cung nữ đờn ca hát xướng suốt ngày đêm... giống như Thiên đàng. Cũng không nên hiểu Niết bàn là hư vô, trống rỗng. Thật ra, Niết bàn là cảnh giới rốt ráo được Phật miêu tả trong rất nhiều kinh điển Đại thừa, mà qua đó có thể hiểu là cảnh giới giải thoát tuyệt đối, dứt sạch mọi triền phược và chứng đắc thể tánh thường tồn của vạn hữu. Tuệ Trung Thượng Sĩ (慧中上士, 1230 -1291) của Việt Nam nói: “Niết Bàn tâm tịch tịch, sanh tử hải trùng trùng, bất sinh hoàn bất diệt, vô thỉ diệc vô chung” (涅槃心寂寂、 生死海重重、 不生還不滅、 無始亦無終): Niết Bàn tâm vắng lặng, sanh tử biển trùng trùng, chẳng sanh lại chẳng diệt, không trước lại không sau.

Theo TT. Thích Tâm Thiện “Chú Giải Các Thuật Ngữ Trong Trung Luận” khi thuyết về Lịch sử tư tưởng và triết học Tánh Không, giải thích Niết bàn như sau:

“Niết bàn được diễn dịch bằng nhiều từ đồng nghĩa như: Tịch diệt, diệt độ, giải thoát, vô vi, an lạc... Cách dịch mới là viên tịch, thị tịch... Niết bàn được chia thành hai loại:

1- Hữu dư y Niết bàn: Cái nhân sinh tử đã được đoạn tuyệt.

2- Vô dư y Niết bàn: Cái quả sinh tử đã được đoạn tuyệt, do vậy, khi lâm chung mới đạt đến Vô dư Niết bàn.

Theo Tăng Triệu, Niết bàn hay diệt độ là chỉ cho sự vượt qua cái hoạn nạn lớn và cuối cùng, vượt qua bốn dòng sông, vĩnh viễn không còn bập bềnh trong biển sinh tử nữa.

Pháp Tướng Tôn nói đến Niết bàn qua các góc độ:

1- Bản lai tự tính thanh tịnh Niết bàn: Niết bàn là tự tính thanh tịnh tuyệt đối vốn có từ nghìn xưa. 

2- Hữu dư y Niết bàn: Sự dứt trừ căn rễ của tất cả phiền não để cho Chân như hiển lộ.

3- Vô dư y Niết bàn: Chân như thoát hiện ngoài tất cả khổ ải trong sinh tử.

4- Vô trụ xứ Niết bàn: Chân như hiển thị cùng khắp trong tam giới, sinh khởi đại bi tâm, đến đi hóa độ chúng sinh.

Và ở đây, chỉ riêng Đức Phật là có đầy đủ 4 đức Niết bàn này”.

(9). Tu Bồ Đề (skt là Subhuti). Còn gọi là Tu Phu Đê, Tu Bổ Đề, Tàu dịch là Không Sinh, Thiện Hiện, Thiện Cát, hay Thiện Nghiệp. Ông là một trong mười đệ tử lớn của Đức Phật, đệ tử đầu tiên liễu ngộ “Tánh Không” bậc nhất vào thời bấy giờ. Mặc dầu ông chỉ thuộc bậc La Hán, nhưng có đầy đủ chất lượng của một Bồ Tát. Vì vậy, Thế Tôn giao cho ông trọng trách giáo hóa các Bồ Tát về Tánh Không Bát Nhã. Ông đã đắc Vô tránh Tam muội, thích tĩnh lặng và không ưa tranh cãi. Ông được Phật thọ ký về đời sau sẽ thành Phật, hiệu là Danh Tướng Phật, cõi giới của Ngài tên là Bảo Sanh giới, kỳ kiếp của Ngài tên là Hữu Bảo Kỳ kiếp.

(10). Qua biển lớn sanh tử: Ý nói “đáo bỉ ngạn”, tiếng Phạn là Ba la mật đa (pramit), Hán dịch là độ, là đưa qua, nghĩa là pháp môn “đưa qua bờ bên kia” tức là giải thoát ra khỏi luân hồi sanh tử và được Niết bàn, đối với “thử ngạn” nghĩa là còn ở bờ bên này, tức bcủa luân hồi sanh tử hay triền phược.

Lưu ý: Trong suốt bộ Tổng luận nầy, kiểu chữ  Times New Roman “in thẳng” dùng ghi lại lời kinh, luận, lời của Cổ đức, Thiền sư hoặc các học giả Phật học; kiểu chữ Times New Roman “in nghiêng” là thích nghĩa hay chiết giải của tác giả.

 

LIỆT KÊ CHI TIẾT CÁC PHÁP MẦU PHẬT ĐẠO.

 

Đoạn kinh của phẩm “Các Tướng Công Đức”, quyển 380, Hội thứ I, Ngài Huyền Trang dịch: Có thể xem như là một bản tổng kết các pháp mầu Phật đạo. Đoạn kinh này được lặp đi lặp lại hàng trăm, hàng nghìn lần trong suốt 600 quyển ĐBN hoặc tóm lược hoặc giải rộng:

“Phật nói với Thiện Hiện Tu Bồ Đề về các “Pháp cực kỳ hy hữu” Bồ Tát dùng tứ nhiếp pháp (1) để nhiếp hộ và an lập chúng sinh như sau:

Bồ Tát Ma ha tát này thí (bố thí) các hữu tình những của cần dùng rồi, lại khuyên quy y Phật Pháp Tăng, Tam bảo(2), hoặc khuyên thọ trì năm giới cận sự(3), hoặc khuyên thọ trì tám giới cận trụ(4), hoặc khuyên thọ trì mười thiện nghiệp đạo(5), hoặc khuyên tu hành sơ thiền, hoặc khuyên tu hành đệ Nhị, đệ Tam, đệ Tứ thiền(6) hoặc khuyên tu hành Từ vô lượng, hoặc khuyên tu hành Bi, Hỷ, Xả vô lượng(7).

Hoặc khuyên tu hành định Không vô biên xứ, hoặc khuyên tu hành định Thức vô biên xứ, hoặc khuyên tu hành định Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ(8). Hoặc khuyên tu hành Phật tùy niệm, hoặc khuyên tu hành Pháp tùy niệm, hoặc khuyên tu hành Tăng tùy niệm, giới tùy niệm, xả tùy niệm, thiên tùy niệm(9), hoặc khuyên tu hành quán bất tịnh(10), hoặc khuyên tu nhớ đếm hơi thở(11). Hoặc khuyên tu hành tưởng vô thường, hoặc khuyên tu hành tưởng khổ vô thường, tưởng khổ vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nhàm ăn, tưởng tất cả thế gian chẳng đáng vui, tưởng chết, tưởng đoạn, tưởng lìa, tưởng diệt(12). Hoặc khuyên tu hành Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo (13).

Hoặc khuyên tu hành Không Tam ma địa, hoặc khuyên tu hành Vô tướng, Vô nguyện Tam ma địa(14). Hoặc khuyên tu hành Không giải thoát môn, hoặc khuyên tu Vô tướng, Vô nguyện giải thoát môn(15). Hoặc khuyên tu hành tám giải thoát(bát bội xả), hoặc khuyên tu hành tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ(16). Hoặc khuyên tu hành bố thí Ba la mật, hoặc khuyên tu hành tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát Nhã, phương tiện xảo, nguyện, lực, trí Ba la mật(17). Hoặc khuyên an trụ khổ thánh đế, hoặc khuyên an trụ tập diệt đạo thánh đế(18).

Khuyên an trụ nội không; hoặc khuyên an trụ ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán không, vô biến dị không, bổn tánh không, tự tướng không, cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tánh không, vô tánh tự tánh không(19). Hoặc khuyên an trụ chơn như, hoặc khuyên an trụ pháp giới, pháp tánh, bất hư vọng tánh, bất biến dị tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, hư không giới, bất tư nghì giới (20).

Hoặc khuyên tu hành tất cả Đà la ni môn, hoặc khuyên tu hành tất cả Tam ma địa môn (21). Hoặc khuyên tu hành Cực hỷ địa, hoặc khuyên tu hành Ly cấu địa, Phát quang địa, Diệm huệ địa, Cực nan thắng địa, Hiện tiền địa, Viễn hành địa, Bất động địa, Thiện huệ địa, Pháp vân địa (22). Hoặc khuyên tu hành năm nhãn, hoặc sáu thần thông (23).

Hoặc khuyên tu hành Như Lai mười lực, hoặc khuyên tu hành bốn vô sở úy, bốn vô ngại giải, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng (24). Hoặc khuyên tu hành đại từ, hoặc khuyên tu hành đại bi, đại hỷ, đại xả (25); hoặc khuyên tu hành pháp không quên mất, hoặc khuyên tu hành tánh luôn luôn xả (26); Hoặc khuyên tu hành Nhất thiết trí, hoặc tu hành Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí (27).

Hoặc khuyên tu hành ba mươi hai tướng đại sĩ, hoặc khuyên tu hành tám mươi tướng tùy hảo (28). Hoặc khuyên tu hành quả Dự lưu; hoặc khuyên tu hành quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề (29). Hoặc khuyên tu hành tất cả hạnh Bồ Tát Ma ha tát(30). Hoặc khuyên tu hành chư Phật Vô thượng Chánh đẳng Bồ đề” (31).

Đoạn kinh này có thể coi là một bản liệt kê gần đủ tất cả các thiện pháp hay Phật pháp hay còn gọi là các pháp mầu Phật đạo, các pháp hy hữu, tư lương Bồ đề Bồ Tát… mà hành giả tu Phật từ sơ phát tâm cho đến khi thành chánh quả phải trải qua. Nếu tiệm tu(1), hành giả phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp(2) như Phật Thích Ca Mâu Ni chẳng hạn.

Tuy nhiên, quyển 380, phẩm “Các Tướng Công Đức” thuộc Hội thứ I không phân chia các pháp mầu Phật đạo làm hai phần: Các pháp tu thế gian và các pháp tu xuất thế gian. Quyển 530, phẩm “Diệu Tướng”, Hội thứ III ghi rõ phạm trù của pháp thế gian là:

Pháp thí thế gian của đại Bồ Tát là gì? Đó là khi đại Bồ Tát hành Bát Nhã sâu xa, vì các hữu tình mà tuyên nói, chỉ bày phân biệt rõ ràng diệu pháp thế gian. Đó là quán bất tịnh, hoặc niệm hơi thở, hoặc bốn tĩnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc, hoặc lục thần thông, hoặc các pháp thế gian và dị sanh khác. Đây gọi là pháp thí thế gian”.

Thích nghĩa:

(1). Tiệm tu: Pháp tu có thứ lớp, tu từng bậc từ thấp tới cao, tu dần dần qua các pháp môn Phật học theo một diễn trình. Trong lịch sử Phật học có nói đến Thần Tú, đệ tử của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn tu theo lối này. Ngược lại với tiệm tu là đốn tu. Đốn tu là thấy, nghe, hiểu biết... đạt ngộ tức thời không qua một tiến trình nào cả như trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng, cũng là môn đồ của Ngũ Tổ, tu cùng thời với Thần Tú dưới trướng của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn.

(2). Ba a tăng kỳ kiếp (còn gọi là Tam a tăng kỳ, Tam kỳ, Tam vô số đại kiếp, Tam vô số kiếp…): Ba kiếp A tăng kỳ, tức là khoảng thời gian mà vị Bồ Tát phải trải qua kể từ khi phát tâm tu hành đến khi đạt thành Chánh quả. A tăng kỳ (Phạm: Asaôkhya) nghĩa là vô lượng số; kiếp là đơn vị thời gian rất lâu xa, có đại kiếp, trung kiếp và tiểu kiếp khác nhau. Theo thuyết của Nhiếp đại thừa luận bản quyển hạ, được lưu ý nhất, thì: 1). Kiếp A tăng kỳ thứ nhất: Bồ Tát Địa tiền, tức tu hành trải qua 40 giai vị: Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng. 2). Kiếp A tăng kỳ thứ hai: Các Bồ Tát vào Thập địa, tu từ Sơ địa đến Thất địa. 3). Kiếp A tăng kỳ thứ ba: Bồ Tát tu từ Bát địa tới Thập địa rồi vào Đẳng giác, Diệu giác tức thành Phật. Phật thích Ca Mâu Ni theo lịch sử Phật đạo còn ghi lại đã trải qua các chặng đường như trên mới thành Chánh quả.

(3). Cận sự: Chỉ người phụng sự Tam bảo, gần gũi Phật pháp để ngăn ngừa tội lỗi, nên gọi là cận sự. Cận sự có hai: Cận sự nam (Phạm: Upàsaka. Dịch âm là Ưu bà tắc, Ô ba sách ca. Còn gọi là Thanh tín sĩ) và Cận sự nữ (Phạm: Upàsikà. Dịch âm: Ưu bà di, Ưu ba tư ca). Chỉ người nữ tu tại gia giữ năm giới, có nghĩa là gần gũi Tam bảo, phụng thờ Như Lai, thụ ba qui y và giữ năm giới cũng như người cận sự nam.

(4). Cận trụ (Phạm, Pàli: Upavàsa. Dịch âm: Ô ba bà sa, Ưu ba bà sa): Còn gọi là Thiện túc. Chỉ các nam nữ tu tại gia thọ trì tám giới. Vì gần gũi với Tam bảo, cho nên gọi là Cận trụ, Thiện túc. Người nam thọ trì tám giới gọi là Cận trụ nam; người n thọ trì tám giới gọi là Cận trụ nữ.

 

pdf
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com