- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
XX. PHẨM “CĂNG GIÀ THIÊN”(1)
Phần giữa quyển 550, Hội thứ IV, TBBN.
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
Bấy giờ, trong hội chúng có một Thiên nữ tên Căng già thiên, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, kéo phủ vai trái, chân phải quỳ sát đất, chấp tay hướng về Phật thưa:
- Bạch Thế Tôn! Con ở những chỗ đó cũng không sợ hãi, đối với các pháp cũng không nghi ngờ. Vào đời tương lai, con cũng vì các hữu tình nói pháp không sợ hãi, không nghi ngờ!
Khi ấy, đức Thế Tôn liền mỉm cười, từ miệng Ngài phóng ra ánh sáng màu vàng chiếu khắp mười phương vô biên thế giới, rồi chiếu trở lại cõi Phạm Thế, hiện đại thần thông, trở về nhiễu quanh bên phải Phật ba vòng xong, nhập vào trong đảnh(2) Phật.
Khi ấy, Căng già thiên thấy sự việc này, rất hoan hỷ phấn chấn, lấy hoa bằng vàng xinh đẹp chí thành cung kính rải lên đức Như Lai. Nhờ thần lực của Phật, làm cho hoa vàng này phóng lên và bay phất phới trong không trung.
Tôn giả A nan đà thấy nghe như vậy, liền đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, y phủ vai trái, gối phải quỳ sát đất, chấp tay cung kính thưa:
- Bạch Thế Tôn! Nguyên nhân nào mà Ngài hiện tướng mỉm cười? Vì Phật mỉm cười chẳng phải không có nguyên do?
Thế Tôn bảo Khánh Hỷ:
- Thiên nữ này vào đời vị lai sẽ thành Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, kiếp tên Tinh Tú, Phật hiệu Kim Hoa.
Khánh Hỷ nên biết: Đây là lần thọ thân cuối cùng của Thiên nữ. Sau khi xả bỏ thân này liền thọ thân nam, tận đời tương lai không làm thân nữ trở lại. Từ đây qua đời sanh về thế giới Bất Động Như Lai ở phương Đông. Nơi cõi Phật đó, Thiên nữ siêng năng tu phạm hạnh, có tên là Kim Hoa. Từ thế giới Bất Động qua đời rồi sanh phương khác, nơi thế giới có Phật. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, thường không xa lìa chư Phật Thế Tôn. Như vua Chuyển luân, từ cung điện này đến cung điện khác, hưởng lạc vui chơi cho đến qua đời, chân chưa hề chạm đất. Bồ Tát Kim Hoa cũng như vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, sanh ra nơi nào thường không rời Phật.
Tôn giả A nan đà thầm nghĩ: Lúc đó, Bồ Tát Kim Hoa được làm Phật, chắc cũng thuyết giảng Bát nhã sâu xa. Không biết chúng Bồ Tát trong hội đó có bao nhiêu? Có giống như chúng Bồ Tát trong hội Phật hôm nay hay không?
Phật biết tâm niệm của Tôn giả A nan đà nên bảo:
- Khánh Hỷ! Đúng vậy! Như ông đã nghĩ! Bồ Tát Kim Hoa lúc được làm Phật cũng vì hội chúng thuyết giảng Bát Nhã này. Chúng đại Bồ Tát trong hội đó số lượng cũng như chúng Bồ Tát trong hội Phật hôm nay.
Khánh Hỷ nên biết: Bồ Tát Kim Hoa lúc được làm Phật, số đệ tử Thanh văn đạt Niết bàn rất nhiều không thể tính kể, nghĩa là không thể đếm hết, hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ức v.v… chỉ nói tổng số là vô lượng, vô biên.
Khánh Hỷ nên biết: Bồ Tát Kim Hoa lúc được làm Phật, nơi cõi Phật đó không có thú dữ, quỷ ác, cũng không có nạn oán tặc, thiếu nước, đói kém, tật dịch v.v...
Khánh Hỷ nên biết: Lúc Bồ Tát Kim Hoa chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, hữu tình nơi cõi Phật đó không có những sợ hãi và không có các thứ tai ương, tội lỗi.
Khánh Hỷ lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiên nữ này trước đây bắt đầu phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng với đức Phật nào?
Phật dạy:
- Này Khánh Hỷ! Thiên nữ này trước đây ở nơi đức Phật Nhiên Đăng thời quá khứ bắt đầu phát tâm Vô Thượng Bồ đề, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng. Lúc ấy, Thiên nữ cũng đem hoa vàng tung lên đức Phật, cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Khánh Hỷ nên biết: Ta ở chỗ Phật Nhiên Đăng quá khứ, đem năm cành hoa dâng rải lên đức Phật đó và phát nguyện hồi hướng. Khi ấy, Ta liền chứng đắc Vô sanh pháp nhẫn. Đức Như Lai Nhiên Đăng Ứng Chánh Đẳng Giác biết Ta căn tánh thành thục, nên thọ ký: Ông ở đời sau sẽ được làm Phật hiệu Năng Tịch, cõi nước tên Kham Nhẫn, kiếp tên Hiền. Bấy giờ, Thiên nữ nghe Phật thọ ký cho Ta được giác ngộ lớn, nàng vui mừng phấn chấn, liền đem hoa vàng dâng rải lên đức Phật, phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành phát nguyện hồi hướng: Đời sau, khi Bồ Tát này (chỉ Phật Thích Ca) được làm Phật, cũng như đức Phật hiện tại, khiến cho con được thọ ký đại Bồ đề. Thế nên hôm nay Ta thọ ký cho Thiên nữ này.
Khánh Hỷ nghe đức Phật dạy, hoan hỷ phấn chấn, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thiên nữ này từ lâu đã phát tâm hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trồng các căn lành và phát nguyện hồi hướng, nay được thành thục. Cho nên đức Như Lai thọ ký cho Thiên nữ.
Phật dạy:
- Này Khánh Hỷ! Đúng vậy! Đúng như lời ngươi nói. Thiên nữ ấy nhờ căn lành được thành thục, nên Ta thọ ký đại Bồ đề.
Thích nghĩa:
(1). Căng già thiên, Kinh MHBNBLMĐ gọi là Hằng Già Đề Bà và Kinh Phật Mẫu Bát Nhã gọi là Ngang Nga Nĩ Phược. Tuy có ba tên nhưng cùng chỉ một nhân vật.
(2). Đảnh hay đỉnh: Tức đỉnh đầu. Phẩm “Các Tướng Công Đức” quyển 380, Hội thứ I, ĐBN ghi: “Trên đỉnh Thế Tôn có cục thịt nổi cao tròn trịa giống như lọng trời, đó là tướng tốt thứ ba mươi hai”.
Lược giải:
Kinh “Tiểu Bản Bát Nhã” trong pháp hội thứ IV hay “Phật Mẫu Bát Nhã Kinh” do Thí Hộ dịch hoặc Kinh “Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa” do La Thập dịch, đưa ra một nhân vật, tên là Căng Già Thiên hay Hằng Già Đề Bà hoặc Ngang Nga Nĩ Phược được Phật thọ ký thành Như Lai Chánh Đẳng giác. Sự kiện nầy có lẽ làm độc giả ngạc nhiên không ít.
Nhân vật này không phải là những đại Bồ Tát như đức đại từ đại bi Quán Thế Âm, đức Từ Thị Di Lặc, đại trí như Văn Thù Sư Lợi, đại hạnh như Phổ Hiền Bồ Tát… Nhân vật này cũng không phải là đại đệ tử trí tuệ của Phật như Xá Lợi Phất, thần thông biến hóa như Mục kiền Liên, Biện tài vô ngại như Phú Lâu Na, hay người giải không bật nhất như Tu Bồ đề hoặc có trí nhớ siêu diệt như ngài A Nan v.v… thường xuất hiện trong kinh điển Phật học. Nhân vật Căng Già Thiên này chỉ là một người bình thường như những chúng sanh bình thường khác.
Tuy nhiên, thiên nữ này đã chứa nhóm thiện căn công đức, lại phát nguyện rộng lớn tu hành tất cả pháp mầu Phật đạo nhất là sáu phép Ba la mật liền được Phật thọ ký Vô Thượng Bồ đề. Điều đó chứng tỏ bất cứ ai tu Bát nhã Ba la mật chứa nhóm công đức thiện căn, thờ phụng Thiện hữu tri thức, cúng dường nhiều đời Phật, nhất là phát Bồ đề tâm(1) rộng lớn đều có cơ hội được thọ ký như trường hợp của Thiên nữ này.
Đây là một phẩm quá ngắn dựng lên câu chuyện về một Thiên nữ rất bình thường nhưng trở thành đặc biệt. Đặc biệt vì Thiên nữ này biết tích tụ thiện căn công đức, tôn thờ bạn lành, cung kính cúng dường chư Phật mười phương…như đã nói trên. Biết nguyện vọng thiện căn công đức của Thiên nữ này đã chín mùi, nên Phật Thích Ca Mâu Ni thọ ký đời sau thiên nữ này sẽ trở thành Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Nếu bất cứ chúng sanh nào tu tập, thọ trì sáu pháp Bát nhã Ba la mật, tu tất cả các pháp mầu Phật đạo, lại thệ nguyện rộng lớn tích tụ thiên căn công đức như Thiên nữ này, đều có cơ hội.
Đây chỉ là một thí dụ đặc trưng cho những ai phát Bồ đề tâm thượng cầu Chánh Đẳng Chánh giác, hạ hóa chúng sanh! Thí dụ này cho thấy rằng bất cứ chúng sanh nào cũng có phần, nếu tiến tu như Thiên nữ này!
Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không phải độc quyền của Phật mà nó là phần thưởng của Thế Tôn dành sẵn cho bất cứ ai kể từ khi Phật giác ngộ.
Thích nghĩa cho phần chú giải:
(1). Phát Bồ đề tâm: Phát tâm Bồ đề hay Bồ đề tâm: Phạm: bodhi-citta. Gọi đủ: A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm. Cũng gọi là Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Đạo tâm, Đạo ý, Đạo niệm, Giác ý. Tức là tâm cầu Bồ đề vô thượng (cầu thành Phật). Tâm Bồ đề là hạt giống sinh ra hết thẩy chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn các pháp trong sạch. Nếu phát khởi tâm nầy mà tu hành tinh tiến, thì sẽ mau chóng được Bồ đề vô thượng. Cho nên biết tâm Bồ đề là chỗ bắt đầu của tất cả thệ nguyện chân chính, là gốc của Bồ đề, là chỗ dựa của đại bi và Bồ Tát hạnh. Bồ Tát Đại thừa trước hết cần phải phát tâm rộng lớn, gọi là phát tâm Bồ đề, phát tâm, phát ý; mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm, tâm phát ý. Người cầu sanh về Tịnh độ, cũng phải phát tâm Bồ đề. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ nói, ba bậc người cầu vãng sanh đều phải phát tâm Vô thượng Bồ đề. Về thể tính của tâm Bồ đề, Kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Trụ tâm nói, biết tâm mình một cách như thực, đó là Bồ đề. Tức tâm tự tính trong sạch sẵn có là tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề nhờ vào nhiều duyên mà phát khởi. Theo Kinh Bồ Tát Địa trì quyển 1, thì có bốn thứ: 1- Thấy nghe thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn của chư Phật và Bồ Tát mà phát tâm. 2- Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ đề và Bồ Tát tạng mà phát tâm. 3- Tuy chưa nghe pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn giữ gìn pháp mà phát tâm. 4- Tuy không thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh đời ô trọc bị phiền não quấy phá khó phá được nên mình phát tâm. Lại Phát Bồ đề Tâm Kinh luận quyển thượng phẩm Phát tâm cũng nói có bốn duyên: 1- Tư duy về chư Phật. 2- Quán xét lỗi lầm của thân. 3- Thương xót chúng sinh. 4- Cầu quả tối thắng. Vô Lượng Thọ Kinh tông yếu lấy bốn thệ nguyện rộng lớn làm tâm Bồ đề và chia làm hai loại là Tùy sự phát tâm (do những việc cụ thể mà phát) và Thuận lý phát tâm (do chân lý phổ thông mà phát). Đại thừa Nghĩa chương quyển 9 thì lập ba loại phát tâm: 1- Tướng phát tâm, thấy tướng sinh tử và Niết bàn, nhàm chán sinh tử mà phát tâm cầu Niết bàn. 2- Tức tướng phát tâm, biết bản tính của sinh tử vắng lặng không khác gì Niết bàn; lìa tướng sai biệt mới khởi tâm bình đẳng. 3- Chân phát tâm, biết bản tính Bồ đề là tự tâm mình, Bồ đề tức là tâm, tâm tức là Bồ đề, mà quay về tâm gốc của chính mình. Ma Ha Chỉ Quán quyển 1 thượng nói, các Bồ Tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, cho đến Viên giáo đều do suy lường về cái lý của Sinh diệt Tứ đế, Vô sinh Tứ đế, Vô lượng Tứ đế, Vô tác Tứ đế mà phát tâm, cho nên gọi là suy lý phát tâm. Luận Đại thừa Khởi tín thì nói ba loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hành phát tâm, và Chứng phát tâm. Trong tín thành tựu phát tâm mà sinh khởi Trực tâm, Thâm tâm, Đại bi tâm thì cũng gọi là ba loại phát tâm. Mật giáo chủ trương phát tâm là một trong năm lần chuyển biến của chữ A, và dựa vào ba thứ tâm Bồ đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam ma địa trong luận Bồ đề tâm mà lập bốn loại phát tâm: 1- Tín tâm, chỉ cho tâm đối với việc cầu Vô thượng Bồ đề không một mảy may ngờ vực. Vì tâm này là nền tảng của muôn hạnh nên cũng gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch). 2- Đại bi tâm, sau khi phát Bạch tịnh tín tâm, lại lập bốn thệ nguyện rộng lớn, tâm này cũng gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện Bồ đề tâm. 3- Thắng nghĩa tâm, trong các giáo pháp, chọn lựa giáo pháp chân thực. Tâm này cũng gọi là Thâm Bát nhã tâm, Thắng nghĩa Bồ đề tâm. 4- Đại Bồ đề tâm, ngay lúc quyết định bỏ phần kém, chọn phần hơn, thì chư Phật mười phương liền hiện ở trước mặt để chứng minh, các ma thấy thế sợ mà rút lui. Đại Bồ đề tâm này cũng gọi Tam ma địa Bồ đề tâm. Tuy chia ra bốn tâm như trên, nhưng vốn là một thể, cho đến lúc thành quả Phật cũng không giây phút nào rời nhau. Được như thế là nhờ tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian tu tam mật của chư tôn mà ra, nên gọi là Hữu tướng Bồ đề tâm. Nhưng vì xưa nay vốn có tướng tức không tướng, cũng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ đề tâm. Trong tông Tịnh độ Nhật bản, Ngài Nguyên không có soạn Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, cho Bồ đề tâm là tạp hành, nên loại bỏ. Căn cứ vào lý này, phái Trấn Tây thuộc tông Tịnh độ mới chia tâm Bồ đề thành Bồ đề tâm Thánh đạo môn và Bồ đề tâm Tịnh độ môn, và cho rằng Bồ đề tâm là Tổng an tâm, Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, vì thế chủ trương cần phải phát tâm Bồ đề. Lại nữa, phái Tây sơn thuộc tông Tịnh độ chia Bồ đề tâm làm Bồ đề tâm hành môn và Bồ đề tâm quán môn, chủ trương không cần Bồ đề tâm hành môn là vì trong Bồ đề tâm quán môn đã đầy đủ tam tâm rồi. Còn Tịnh độ chân tông thì chia Bồ đề tâm thành Tự lực Bồ đề tâm và Tha lực Bồ đề tâm. Trong hai tâm này, Phật dùng thệ nguyện gốc cho chúng sinh tâm tin ưa, tức là tín tâm chân thực vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha cứu độ hết thảy chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực Bồ đề tâm, Tịnh độ đại Bồ đề tâm. [X. Kinh Đại phẩm Bát nhã Q.9; Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.9; Kinh Ưu bà tắc giới Q.1; Kim cương đính liên hoa bộ tâm niệm tụng nghi quỹ; Đại nhật Kinh sớ Q.1, Q.14; Ma ha chỉ quán Q.1 hạ]. - Từ điển Phật Quang.
Lưu ý:
Muốn hiểu về ý nghĩa Bồ đề tâm, một tiêu đề vĩ đại trong mạch sống Đại thừa, xin xem Luận Bốn: “Gandavỳuha và mong cầu giác ngộ” của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận III, trang 163 trở đi hay trên mạng do Ngài Tuệ Sĩ trích dịch từ Thiền luận của thiền sư D.T. Suzuki như đã nói trên./.
---o0o---