- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
***
III. PHẦN THỨ III TỔNG LUẬN:
TÁNH KHÔNG BÁT NHÃ
(Với những nguyên lý chỉ đạo của nó)
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
LUẬN #8. THẾ NÀO LÀ THÔNG ĐẠT BÁT NHÃ?
Ở trên có đặt câu hỏi thế nào gọi là Bát Nhã và làm sao nắm bắt được Bát Nhã(Luận #5)? Câu trả lời là muốn nắm bắt Bát Nhã thì phải lập phương tiện và phải thỏa mãn một số điều kiện khác kèm theo nữa(Luận #6) thì mới có hy vọng Giác ngộ, đạt Chánh giác và đắc Nhất thiết trí trí(Luận #7). Khi chứng đắc ba mục tiêu đó rồi, lúc đó mới có thể nói là thông đạt Bát Nhã(Luận #8). Vậy:
1. Thế nào là thông đạt Bát Nhã hay thông đạt tuệ?
Đây là vấn đề chính, vấn đề sinh tử của hành giả Bát nhã Ba la mật. Mục đích của việc tu hành là Giác ngộ, đạt huệ hay nói khác là đạt Bát Nhã Trí hay Nhất thiết trí trí và sang được bờ kia. Một khi đạt được trí này thì có thể hóa độ chúng sanh. Nhưng câu hỏi được đặt ra trong mục này là: Nếu cái gì cũng không, thì làm sao thông đạt Bát Nhã?
Phần “Bát Nhã Ba La Mật”, quyển 593, Hội thứ XVI, ĐBN trả lời rằng:
“Nghĩa là Bát Nhã này không có sự thông đạt. Nếu Bát Nhã này có sự thông đạt tức là giả lập. Nếu là giả lập thì không gọi là Bát Nhã thông đạt. Nghĩa là đối với trong này hoàn toàn không có gì cả. Không có ở đây, không có ở kia, cũng không ở giữa, không có được thông đạt, không có bị thông đạt, không chỗ thông đạt, không thời thông đạt, không người thông đạt, nên gọi là thông đạt.
Lại ở trong này hoàn toàn vô sở hữu, không có người hành, không có chốn hành, không đây, không kia, cũng không ở giữa, nên gọi thông đạt, lại là thông đạt tuệ. Nói thông đạt là thông đạt tuệ. Thông đạt này hoàn toàn vô sở hữu, không trên, không dưới, không chậm, không mau, không tiến, không lùi, không qua, không lại nên gọi là thông đạt.
Này Thiện Dũng Mãnh! Tuệ thông đạt là thông đạt cái gì? Nghĩa là có cái thấy hoàn toàn thông đạt.
Do cái gì thông đạt? Do Bát Nhã thông đạt.
Bát Nhã làm sao thông đạt? Là tướng giả lập mà có thông đạt. Các tướng giả lập tất cả là phi tướng. Như vậy, phi tướng gọi là tướng giả lập.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ai thành tựu Bát Nhã như vậy tức là có thể như thật thông đạt ba cõi. Như thật thông đạt ba cõi là thế nào? Nghĩa là không phải ba cõi gọi là ba cõi.
Vì sao? Vì trong này không có cõi để thông đạt. Thông đạt ba cõi tức chẳng phải cõi. Do thông đạt ba cõi nên gọi là thành tựu thông đạt Bát Nhã.
Thế nào là thành tựu thông đạt Bát Nhã? Là không có việc nhỏ nào mà không thông đạt hoàn toàn. Đối với tất cả việc hoàn toàn thông đạt nên gọi là thông đạt Bát Nhã. Như vậy, Bát Nhã đối với tất cả việc đều siêu việt. Nếu thành tựu Bát Nhã như vậy thì những điều thấy, nghe, ngửi, nếm, biết đều thông đạt”.
Trước tiên, Bát Nhã nói: Không có ở đây, không có ở kia, cũng không ở giữa, không có sự thông đạt, không bị thông đạt, không chỗ thông đạt, không thời thông đạt, không người thông đạt. Tất cả đều giả lập... tất cả đều rỗng không! Nếu như thật hiểu như thế tức là thông đạt, thông đạt tuệ. Cái gì không thể hiểu, không thể biết, không thể nghĩ tưởng nổi theo tri kiến thường tục; muốn cho người khác hiểu biết, nghĩ tưởng nổi thì chỉ còn cách là thí dụ, giả nói, giả lập hay thi thiết. Không có giả lập, không có thi thiết thì không thể hiểu pháp. Đó là phương tiện quyền biến của Phật, phải là người đã chứng ngộ mới có thể hiểu biết thi thiết được. Trước khi Phật xuất hiện, chúng ta không biết đến ba cõi: Dục, sắc và vô sắc. Phật thi thiết có ba cõi, chúng sanh luân hồi không thoát khỏi ba cõi này. Nhờ Phật giả nói do tội chướng mà chúng sanh phải lưu đày trong ba cõi, nên chúng ta biết được ba cõi.
Vậy, câu nói: Tất cả đều giả lập... tất cả đều rỗng không. Nếu như thật hiểu như thế tức là thông đạt, thông đạt tuệ. Không có gì bí ẩn ở đây. Rốt ráo, tất cả là giả nói, rỗng không, chẳng có gì thông đạt ở đây, hiểu như vậy là thông đạt tuệ! Hiểu thế nào là giả nói, giả thi thiết thì đó chính là thông đạt tuệ.
Ghi nhớ thuộc ký ức tức phải qua trung gian của thức. Nhưng ký ức chỉ có thể cất giữ trong một thời gian ngắn, rồi lần lần tàn lụn với thời gian. Còn thâm hiểu, thông đạt tức khắc bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào nó là tuệ, tuệ không cần nhớ, không cần kêu gọi đến ký ức, nó trở thành máu mủ trong tự thể, sẵn sàng phát chiếu. Nó là một thứ trực giác thực chứng không qua trung gian của bất cứ thứ gì. Biết liền biết, bén nhạy nhanh chóng như tia điện chớp. Đó là cái diệu dụng hiện tiền của tuệ. Còn chần chừ so đo, suy nghĩ là sai, đó là thức. Thức thì không bao giờ vói tới huệ nổi. Muốn với tới tuệ thì phải có sự chuyển y và bất cứ sự chuyển y nào cũng đều bắt nguồn từ thông đạt Bát Nhã.
Phần sau của đoạn kinh này cho chúng ta cái nhìn cụ thể hơn: Căn cứ vào cái gì mà nói là thông đạt? Nhờ Bát Nhã chiếu soi sau bao năm miệt mài tu tập mới thành tựu trí này, có trí này nên nói là thông đạt. Hay nói khác là nhờ Bát Nhã biết khắp, biết hoàn toàn, nên nói là thông đạt. Biết khắp dù bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào, nên nói Bát Nhã đối với tất cả đều siêu việt. Nếu tu tập và thành tựu Bát Nhã đến mức siêu việt như thế, thì thấy nghe nếm ngửi... đều là mắt tuệ Phật, nên nói là thông đạt tuệ.
Ở đây không cần tưởng hay phi tưởng mà nói là thông đạt. Chỉ cần biết Bát nhã Ba la mật biết khắp, biết hoàn toàn không trừ bất cứ chi tiết nhỏ nhặt nào, siêu xuất khắp trần gian, thì được xem là thông đạt. Biết hết tất cả vô minh thì hết vô minh, biết hết tất cả trí thì được vô tận trí. Biết tất cả vô minh, biết tất cả trí, đó gọi là thông đạt. Và thông đạt này dĩ nhiên phải xuyên qua Bát nhã Ba la mật, không qua bất cứ phương tiện nào khác.
Đây chỉ là trình bày thế nào là thông đạt Bát Nhã. Có người tu Bát Nhã và có pháp tu là Bát Nhã. Khi năng tu(chủ) và sở tu(Bát nhã Ba la mật) chỉ là một, tình trạng phân hai chủ khách (năng sở) không còn, bức màn phân cách được dỡ lên, tình trạng hợp nhất được thực hiện: Người tu chứng lấy Bát Nhã, khi ấy người tu là một với Bát Nhã, một Bát Nhã bằng xương bằng thịt, có đi đứng nằm ngồi. Đó gọi là thông đạt, thông đạt tuệ.
Cũng cùng đoạn kinh trên, Phật thuyết tiếp:
“Thông đạt cái gì? Nghĩa là vô thường, khổ, bệnh, ung nhọt, tên bắn, không, trở ngại, hại, khác, hoại, hoại pháp, động, mau diệt, không ngã, không sanh, không diệt, không tướng v.v…
Này Thiện Dũng Mãnh! Ai thông đạt như vậy thì gọi là tự nhiên như giải được tên độc. Như có vị lương y giỏi trị được tên độc, chỗ bị tên, ông ta đều có thể chữa lành, chất độc không còn tác hại nữa. Vì nhờ công lực của dược thảo mà trừ khử được hết. Nếu các Bí sô thành tựu được pháp giải tên độc này, gọi là thành tựu thông đạt Bát Nhã. Nếu đầy đủ sáu hằng tánh thông đạt Bát Nhã này, thì xa lìa tất cả nhiễm trước ba cõi, vượt khỏi lưới của tất cả ác ma.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ví như Kim cương khoan được các vật, khoan chỗ nào cũng xuyên qua. Cũng vậy, nếu các Bí sô v.v… đạt được Kim cương dụ, do được tuệ thông đạt dung nạp, nên quán pháp gì cũng đều thông đạt. Tuệ thông đạt này được định Kim cương dụ bảo hộ, quán đến pháp nào cũng đều thông đạt. Nếu ai thành tựu trí tuệ thông đạt này, có thể xuất thế gian, diệt hết các khổ, dù đạt đến các khổ đã tận nhưng không bị đắm nhiễm. Tuệ thông đạt này cũng gọi là ba minh(1).
Này Thiện Dũng Mãnh! Gọi là minh là vĩnh viễn diệt trừ vô minh. Đây cũng gọi là biết khắp vô minh, cũng gọi là ý niệm diệt khổ uẩn.
Như vị lương y thông minh biết rộng, làm điều gì cũng xem xét rõ ràng, nhờ thế mà thành tựu trí tuệ giảo nghiệm vi diệu, biết rõ các thuốc, hiểu rõ nguyên nhân của bệnh, biết rõ bệnh tướng có thể chữa nhiều chứng bệnh khổ. Bất cứ bệnh tật nào cũng chữa lành. Vì sao? Vì người ấy thông thạo về thuốc, nguyên nhân, tướng trạng của bệnh, phương pháp hòa hợp thuốc, cho nên có thể trừ tất cả bệnh khổ. Nếu ai có thể thành tựu minh thứ ba (lậu tận minh), thì có thể diệt các vô minh, dứt tất cả khổ, trừ tất cả sanh, già, bệnh, chết và các pháp sầu than, khổ, ưu, não. Đây gọi là thông đạt Bát Nhã xuất thế.
Này Thiện Dũng Mãnh! Ta nương nghĩa này mật ý nói: Tất cả thế gian tuệ là hơn hết, nghĩa là thông đạt thật tánh các pháp. Nhờ chánh tri này làm cho chấm dứt sanh vào các cõi”.
Ở đây Phật lấy lương y giỏi làm thí dụ (đó là giả thi thiết) để giải thích thế nào là thông đạt. Kinh ví người thông đạt Bát Nhã như lương y giỏi có thể chữa lành vết thương do tên độc gây ra. Lương y biết nguyên nhân của bệnh, biết sức công phá và tác hại của độc chất, biết cái khổ của người trúng tên. Lương y lại thông thạo phương pháp chẩn bệnh, biết cách hòa hợp thuốc, nên có thể giải trừ độc chất, làm giảm đau cho người trúng phải tên. Tất cả những thứ đó do kinh nghiệm tạo thành và thực chứng từ bản thân. Do kinh nghiệm và thực chứng này mà người đó trở thành một lương y giỏi.
Những ai thông đạt Bát nhã Ba la mật cũng lại như thế, có thể diệt trừ vô minh, các phiền não lậu tận, các sầu than, ưu, não khác v.v... Diệt trừ hết vô minh mê muội thì sáng suốt, nên nói là có tam minh. Khi có tam minh thì điều gì cũng thông suốt. Vì vậy, Phật mật ý nói rằng: “Tất cả thế gian tuệ là hơn hết, nghĩa là thông đạt thật tánh các pháp”. Thông đạt thật tánh các pháp thì không ai có thể so sánh, không ai bì kịp, nên nói là xuất thế gian. Người chánh trí này không những tự mình có thể mà còn có khả năng chấm dứt các khổ qua lại trong ba cõi sáu đường cho những chúng sanh khác!
2.Thông đạt Bát Nhã là thông đạt thật tánh tất cả pháp:
Phẩm “Thông Đạt”, cuối quyển 566, Hội thứ VI, ĐBN. Phật bảo Tối Thắng:
- “Thiên vương nên biết! Các đại Bồ Tát tu học một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp, pháp đó là Bát nhã Ba la mật. Nếu đại Bồ Tát tu học Bát nhã Ba la mật thì có thể thông đạt bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, phương tiện thiện xảo, diệu nguyện, lực, trí Ba la mật”. Không những thông đạt thập Ba la mật mà người hành trì Bát Nhã còn thông đạt tất cả pháp thế gian và xuất thế gian.
Kết luận:
(Thế nào là thông đạt Bát Nhã)
Một khi thông đạt Bát Nhã là xong hết. Vì có thể dùng Bát Nhã để thông đạt tất cả pháp khác. Nên nói, thông đạt Bát Nhã là dùng một pháp mà có thể thông đạt tất cả pháp. Bát Nhã có khả năng siêu việt như vậy!
Thông đạt tuệ sẽ mở ra một chân trời mới, nghĩa là có thể dùng trí tuệ để hiểu biết thật tướng tất cả pháp mà truyền đạt cho người. Ông khách(Bát Nhã) một vị thầy giỏi và chủ(người thọ trì Bát Nhã) là một đệ tử ngoan ngoãn, sẵn sàng tùng phục. Sự dạy bảo trao truyền đã đạt đến cao độ. Bất cứ thứ gì thầy dạy từ tư duy đến hành động, đệ tử đều rập khuôn. Những gì thầy truyền đạt, đệ tử đều thông suốt hết. Tình trạng phân cách không còn nữa, chỗ gọi là hợp nhất: Bát Nhã và người thọ trì chỉ là một. Sứ mạng của Bát nhã Ba la mật hoàn thành. Đó là thông đạt hay nói khác là chứng đắc Bát Nhã Trí. Bây giờ, người thọ trì sẽ trở thành một Bát Nhã sống, có đủ vô vàn quyền năng công đức có thể đem lại an lạc giải thoát cho tất cả mọi chúng sanh khác.
Thích nghĩa cho phần “Làm sao thông Đạt Bát Nhã”:
(1). Ba minh hay tam minh: Trividyā (S), Ti- vijjā (P), gồm: Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh. Đã thích nghĩa rồi!
---o0o---