Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

15. Phẩm "Nhị Hạnh"

28/01/202112:17(Xem: 7513)
15. Phẩm "Nhị Hạnh"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-546


 

 XV. PHẨM NHỊ HẠNH.

Phần giữa quyển thứ 573, Hội thứ VI, ĐBN.

(Tương đương với phẩm 14: "Nói Về Hai Hạnh", Kinh TTVBN)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

Tóm lược:  

 

Bấy giờ, Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Nếu đại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã thâm sâu thì phải hoàn thành toàn diện Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát có hai loại hạnh: 1. Thành tựu Bát Nhã,  2. Giáo hóa hữu tình.

 

Thế nào là thành tựu Bát Nhã, giáo hóa hữu tình?

 

Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thế nào là đại Bồ Tát thành tựu Bát Nhã, giáo hóa hữu tình?

Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Đại Bồ Tát từ khi mới hành Bát Nhã cho đến rốt ráo đều lìa tâm dụng công, thuyết pháp không cùng tận, không gián đoạn, làm cho hữu tình thoát khỏi cảnh giới ác của ba cõi, để họ an trú cảnh giới lành, hoặc giúp họ chứng được Thánh quả Tam thừa.

Mạn Thù Thất Lợi! Đây gọi là các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, giáo hóa hữu tình. Mạn Thù Thất Lợi! Nếu đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật thành tựu vô biên, vô vi Bát Nhã. Đây gọi là các đại Bồ Tát tự hành Bát Nhã. Vì sao? Vì hành như vậy có thể viên mãn tất cả công đức.

 

(Những pháp nào cùng với Bát Nhã và đại Bồ Tát tương ưng?)

 

Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, tu hành pháp nào để tương ứng với Nhất thiết trí?”

 

Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Nhất thiết trí là pháp chân thật, xa lìa suy lường, vi diệu, không tướng, đạo lý sâu xa, không thể thấy được, khó có thể thông đạt, thường trú tịch tĩnh, trong mát cùng khắp, không có phân biệt, không vướng, không ngăn, tùy thuận lý đạo, không thể nắm bắt, cực kỳ tịch tĩnh; trong tất cả pháp là vô thượng nhất, không gì ngang bằng.

Mạn Thù Thất Lợi! Đó là đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật sẽ cùng Nhất thiết trí tương ưng.

Mạn Thù Thất Lợi lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bồ Tát ở cảnh giới nào hành Bát nhã Ba la mật?

 Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Các đại Bồ Tát quyết định hành sâu Bát nhã Ba la mật với cảnh giới thâm sâu, cảnh giới rộng lớn, cảnh giới công đức.

Mạn Thù Thất Lợi! Cảnh giới thâm sâu là bản thể vô vi, không thể xa rời, không vướng hai bên, vượt qua các chướng, tự tính thanh tịnh, không thể suy lường, không thể tính biết, không cùng chung với Thanh Văn và Độc giác.

Mạn Thù Thất Lợi! Cảnh giới rộng lớn: Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, tất cả công đức của chư Phật Như Lai, hai pháp Bát Nhã và Đại bi là thể, lìa tướng phân biệt, tâm vô công dụng, lợi ích chúng sinh, đều hợp ý họ, không lúc nào tạm bỏ.

Mạn Thù Thất Lợi! Cảnh giới công đức là các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật tương ứng với tất cả công đức: Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tùy theo căn cơ các hữu tình ưa muốn tánh hành và các hình tướng khác nhau thế nào thì năng lực oai thần của Phật đều thị hiện như vậy. Nghĩa là thị hiện lên trời Đổ sử đa, hoặc thị hiện từ cõi trời hạ sanh xuống châu Thiệm bộ, hoặc thị hiện ở trong thai, hoặc thị hiện lúc sơ sinh, hoặc thị hiện đồng tử, hoặc thị hiện cảnh đi dạo, hoặc thị hiện xuất gia, hoặc thị hiện tu khổ hạnh, hoặc thị hiện đến ngồi dưới cội Bồ đề, hoặc thị hiện sự chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề, hoặc thị hiện chuyển xe pháp, hoặc thị hiện nhập Niết bàn. Thị hiện các tướng khác nhau như vậy đều vì sự giải thoát sanh tử của hữu tình. Mạn Thù Thất Lợi! Đó gọi là các đại Bồ Tát đã tu hành cảnh giới của Bát Nhã thâm sâu.

Mạn Thù Thất Lợi liền thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Thật hy hữu. Bát Nhã thâm sâu này của Bồ Tát là cảnh giới không thể nghĩ bàn của đức Phật.

Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi:

- Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như ngươi nói. Bát Nhã thâm sâu là pháp bất cộng, không thể nghĩ bàn. Vì sao? Vì tất cả phàm phu, Thanh văn, Độc giác không thể thông suốt, chẳng phải cảnh giới của họ; ngoài đức Phật Thế Tôn không ai có thể đạt được. Vì sao? Vì nghĩa Như như (chơn như) các pháp rất thậm thâm, tự tại, chẳng dao động, thâu nhiếp cả cõi vô lậu, làm cho các loài hữu tình được trọn vẹn an lạc. Cho nên gọi là cảnh giới của chư Phật, vượt qua đường ngôn ngữ, thâu nhiếp thắng nghĩa đế, xa lìa sự tìm tòi, phân biệt, nghĩ bàn, pháp thế gian chẳng thể nào so sánh, ví dụ nổi, là thượng phẩm trong tất cả các pháp, không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ Niết bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Khi hành Bát Nhã thâm sâu, các đại Bồ Tát có năm việc không thể nghĩ bàn:

1- Là tự tánh, 2- Là phương xứ, 3- Là các trụ, 4- Là nhất dị, 5- Là lợi lạc.

Mạn Thù Thất Lợi! Thế nào là tự tánh không thể nghĩ bàn?

Tức là sắc như cầu không thể được, lìa sắc như cầu cũng không thể được. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Mười hai xứ như, mười tám giới như cầu không thể được, lìa 12 xứ như, 18 giới như cầu không thể được. Thủy, hỏa, phong, không, thức giới cũng như vậy. Pháp hữu như cầu không thể được, pháp vô như cầu không thể được. Nên nói tự tánh không thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Thế nào là phương xứ không thể nghĩ bàn?

Như như này nếu trụ cõi Dục thì không thể nghĩ bàn, nếu lìa cõi Dục cũng không thể nghĩ bàn. Đối với cõi Sắc và cõi Vô sắc cũng như vậy. Hoặc trụ phương Đông không thể nghĩ bàn, hoặc lìa phương Đông không thể nghĩ bàn. Phương Nam, Tây, Bắc, bốn góc và phương trên, phương dưới cũng như vậy. Nên nói phương xứ không thể nghĩ bàn.    

Mạn Thù Thất Lợi! Thế nào là các trụ không thể nghĩ bàn?

Hoặc trụ an lạc không thể nghĩ bàn, hoặc trụ vắng lặng không thể nghĩ bàn, hoặc trụ có tâm không thể nghĩ bàn, hoặc trụ vô tâm không thể nghĩ bàn. Nên nói các trụ không thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Thế nào gọi là nhất dị không thể nghĩ bàn? Ba đời Như Lai đồng ở một chỗ, tự tánh thanh tịnh, thâu nhiếp cõi vô lậu, hoặc là một, hoặc sai khác đều không thể nghĩ bàn. Nên nói nhất dị không thể nghĩ bàn.

Mạn Thù Thất Lợi! Thế nào là lợi lạc không thể nghĩ bàn?

Thần lực trí tuệ đồng một pháp giới. Bát nhã Ba la mật và phương tiện hai tướng bình đẳng, có thể làm cho hữu tình được vô lượng lợi lạc, không thể nói được, vượt qua cảnh giới ngôn ngữ nhưng thuận theo căn tánh khác nhau của chúng sanh, tạo ra nhiều cách nói và nhiều kiểu thị hiện: Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, tùy theo tâm hữu tình mà thị hiện.

Mạn Thù Thất Lợi thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì gọi là 32 tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?

Phật bảo Bồ Tát Mạn Thù Thất Lợi:

- Thiện nam tử! Tướng tốt của Như Lai vô lượng, vô biên, nếu Ta nói rộng ra không thể hết được, nhưng theo sở thích của thế gian chỉ nói gồm 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp.

 

Thế nào gọi là ba mươi hai tướng Đại sĩ?

 

1. Dưới bàn chân Như Lai đầy đặn, vững chãi khéo đẹp giống như đáy hộp. Đất dù cao hay thấp nhưng khi chân Ngài đạp lên thảy đều bằng phẳng và đều tiếp xúc chân Ngài.

2. Dưới bàn chân Như Lai có vằn nghìn căm xe và hình vành trục xe tròn trịa.

3. Tay chân Như Lai đều mềm mại như bông vải, hơn tất cả.

4. Ngón tay, chân Như Lai đều thon dài tròn đẹp hơn người, biểu lộ sự trường thọ.

5. Giữa kẽ mỗi ngón tay, chân của Như Lai có màng lưới da dính nhau, có đường vân như bức thêu màu vàng ròng, giống chim nhạn chúa.

6. Gót chân Như Lai rộng dài tròn đầy tương xứng với mu chân, khác hơn các hữu tình.

7. Mu chân Như Lai nổi cao đầy đặn, xinh đẹp mềm mại tương xứng với gót chân.

8. Hai bắp chân Như Lai thon tròn như bắp đùi nai chúa.

9. Hai cánh tay Như Lai dài thẳng tròn đầy như vòi voi chúa. Nếu đứng thẳng thì tay rờ tới đầu gối.

10. Âm tàng của Như Lai ẩn kín như ngựa, rồng, voi chúa.

11. Mỗi lỗ chân lông có một sợi lông mềm nhuận xanh biếc và xoay vòng bên phải.

12. Lông, tóc Như Lai mướt đều, uốn lên và xoay về bên phải, mềm nhuận xanh biếc, thân thể vàng rực, trang nghiêm rất khả ái.

13. Da thân Như Lai mỏng láng mịn trơn, đất bụi nước đều không bám vào được.

14. Da thân Như Lai đều màu vàng ròng, chói sáng như đài Diệu Kim, trang nghiêm bằng các thứ báu. Mọi người đều ưa nhìn.

15. Bảy chỗ: hai lòng bàn tay, hai lòng bàn chân, hai vai và đỉnh đầu của Như Lai đều đầy đặn, sáng láng mềm mại rất dễ ưa thích.

16. Cổ vai Như Lai tròn đầy đẹp lạ.

17. Vai nách Như Lai đều đầy đặn, chắc nịch.

18. Dung nghi Như Lai ngay ngắn hùng dũng.

19. Thân tướng Như Lai cao rộng đoan nghiêm.

20. Thể tướng Như Lai ngang rộng tương xứng, tròn đầy như cây Nặc cù đà.

21. Cằm, ngực và thân trên của Như Lai bằng phẳng, oai dung rộng lớn như sư tử chúa.

22. Ánh sáng từ thân Như Lai phát ra xung quanh một tầm.

23. Như Lai đủ bốn mươi chiếc răng đều nhau, khít, trắng hơn ngọc kha tuyết.

24. Bốn răng cửa của Như Lai trắng trong bén sắc.

25. Như Lai thường được thượng vị trong các mùi vị, vì mạch yết hầu thẳng nên có thể dẫn thượng vị vào nghìn gân mạch chi tiết trong thân.

26. Tướng lưỡi Như Lai rộng dài, mỏng sạch, phủ tới mặt cho đến mé tai.

27. Giọng nói Như Lai có âm vang to lớn thanh nhã, dù chúng nhiều hay ít đều được nghe. Phát âm vang rền giống như tiếng trống trời, lời nói dịu dàng trong trẻo như chim Tần ca.

28. Lông mi Như Lai như trâu chúa, xanh biếc ngang đều chẳng rối.

29. Mắt Như Lai xanh biếc, trong sáng phân minh.

30. Khuôn mặt Như Lai tròn đầy như trăng, tướng lông mày sáng xanh, cong như cung Thiên đế.

31. Giữa mày Như Lai có tướng lông trắng xoáy quanh theo chiều bên phải, mềm mại như bông vải trắng, đẹp như ngọc kha tuyết.

32. Trên đỉnh đầu Như Lai có cục thịt tròn nổi cao như búi tóc.

Đây gọi là ba mươi hai tướng của Như Lai.

 

Thế nào là tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc?

 

1. Móng tay Như Lai hẹp dài, mỏng và láng bóng như hoa đồng đỏ.

2. Ngón tay, chân Như Lai tròn, thon dài, ngay thẳng, mềm mại, đốt xương không lộ.

3. Ngón tay, chân Như Lai đều ngang bằng không so le, ở các kẽ ngón đều đầy đặn.

4. Tay chân Như Lai tròn đầy như ý, mềm sạch sáng láng như hoa sen.

5. Gân mạch Như Lai kết lại bền chắc nhưng ẩn kín không lộ ra.

6. Mắt cá Như Lai ẩn kín.

7. Như Lai bước đi vững chãi, dáng vẻ ung dung như voi chúa.

8. Như Lai bước đi nghi ung nghiêm trang như sư tử chúa.

9. Như Lai bước đi bình an chừng mực, không dài không ngắn, giống như trâu chúa.

10. Như Lai bước đi oai nghi, tiến dừng như con thiên nga chúa.

11. Khi ngó lại, Như Lai đều quay về bên hữu chuyển cả toàn thân như voi chúa, như rồng.

12. Lóng đốt Như Lai lần lượt tròn đều, một sự sắp xếp khéo léo tuyệt hảo.

13. Đốt xương Như Lai kết khít không hở như rồng cuộn.

14. Đầu gối Như Lai rắn chắc tròn đẹp.

15. Chỗ kín của Như Lai có văn rất đẹp, đầy đủ uy thế, hoàn toàn sạch sẽ.

16. Thân Như Lai nhuận trơn, mềm mại, bóng bẩy, sạch đẹp, bụi đất chẳng dính.

17. Nghi dung Như Lai oai nghiêm, không sợ sệt, cũng chẳng khiếp nhược.

18. Các phần của Như Lai đều rắn chắc, dày dặn, ăn khớp với nhau.

19. Thân thể Như Lai an định viên mãn, chẳng khuynh động, trọn vẹn không hư hoại.

20. Thân tướng Như Lai như Tiên vương, đoan nghiêm, sáng rực chẳng mờ.

21. Thân Như Lai có hào quang xung quanh, khi đi v.v… thân Như Lai luôn tỏa sáng.

22. Bụng Như Lai vuông thẳng không khuyết, mềm mại, chẳng lộ.

23. Rốn Như Lai sâu tròn, xoay quanh bên phải, thanh tịnh sáng rỡ.

24. Rốn Như Lai sâu, chẳng lồi, chẳng lõm, chung quanh đẹp đẽ.

25. Da của Như Lai hoàn toàn không có bệnh ghẻ lở, cũng không có nét xấu như nốt ruồi, tàn nhang, bướu v.v...

26. Lòng bàn tay Như Lai đầy đặn mềm mại, dưới lòng bàn chân bằng thẳng.

27. Vân tay Như Lai sâu dài rõ thẳng, nhuận trơn không đứt đoạn.

28. Môi Như Lai đỏ như quả Tần-bà, hai vành môi cân xứng.

29. Khuôn mặt Như Lai chẳng dài chẳng ngắn, chẳng lớn, chẳng nhỏ, đầy đặn trang nghiêm.

30. Lưỡi Như Lai mềm mỏng, rộng, dài, màu như đồng đỏ.

31. Âm thanh Như Lai vang trầm như voi chúa rống, oai chấn tất cả.

32. Âm vận Như Lai mỹ diệu đầy đủ, như tiếng vang trong hang sâu.

33. Mũi Như Lai cao dài, ngay thẳng, lỗ mũi không lộ.

34. Răng Như Lai vuông, ngay thẳng, trắng đẹp.

35. Các răng Như Lai tròn trắng, sáng sạch, bén sắc.

36. Mắt Như Lai trong, xanh, và trắng phân minh.

37. Mắt Như Lai rộng dài như lá hoa sen xanh, rất đẹp khả ái.

38. Lông mi Như Lai trên dưới ngang thẳng, dày dặn, không trắng.

39. Đôi mày Như Lai dài, rậm, nhỏ, mềm mại, không trắng.

40. Đôi mày Như Lai mịn màng thứ tự, xanh biếc như lưu ly.

41. Đôi mày Như Lai cao, sáng như hình trăng non.

42. Tai Như Lai dày, rộng, lớn dài, hai trái tai tròn rủ xuống.

43. Hai tai Như Lai ngang bằng đẹp lạ, tránh xa lỗi lầm.

44. Dung nghi Như Lai có thể khiến mọi người thấy đều ái kính, không có sự tổn hại, không có sự ô nhiễm.

45. Trán Như Lai rộng, tròn đầy, bằng phẳng, hình tướng đẹp lạ.

46. Thân trên của thân Như Lai viên mãn như như sư tử chúa, oai nghiêm đầy đủ.

47. Tóc đầu Như Lai dài, dày dặn, xanh biếc không trắng.

48. Tóc Như Lai thơm, sạch, nhỏ, mềm, trơn, xoắn tròn.

49. Tóc Như Lai dài đều, không rối cũng chẳng kết đùm.

50. Tóc Như Lai bền chắc, chẳng đứt, hoàn toàn không rụng.

51. Tóc Như Lai trơn láng, sáng rực đẹp lạ, chẳng dính bụi bẩn.

52. Thân Như Lai vững vàng, rắn chắc như thân Na la diên.

53. Thân thể Như Lai cao lớn ngay thẳng.

54. Các lỗ trên thân Như Lai thanh tịnh tròn đẹp.

55. Thân Như Lai có năng lực thù thắng không ai sánh bằng.

56. Thân tướng Như Lai ngắm hoài không chán.

57. Khuôn mặt Như Lai tròn đầy dài rộng đúng cỡ, sáng trong rực rỡ như trăng rằm mùa Thu.

58. Nhan sắc Như Lai thư thái sáng rỡ, tươi nhuận, luôn mỉm cười trước khi nói, chỉ có thuận không trái.

59. Diện mạo Như Lai rực sáng vui tươi, không bao giờ nhăn nhó, cáu gắt v.v...

60. Thân Như Lai trong sạch không bẩn, không hôi dơ.

61. Các lỗ chân lông của Như Lai thường tỏa ra mùi thơm vi diệu.

62. Miệng Như Lai luôn tỏa ra mùi hương thơm ngát tối thượng.

63. Tướng đầu Như Lai tròn đẹp như quả Mạt đạt na, cũng giống như cái lọng trời.

64. Lông thân Như Lai xanh biếc, sáng sạch như lông cổ chim công, như trang sức lụa màu đồng đỏ.

65. Âm thanh thuyết pháp của Như Lai tùy theo chúng sanh lớn nhỏ nhưng chẳng tăng, chẳng giảm, đúng lý không chấp trước.

66. Tướng đỉnh đầu Như Lai không ai thấy được.

67. Ngón tay, ngón chân của Như Lai thon, phân minh, trang nghiêm đẹp đẽ như màu đồng đỏ.

68. Khi đi, chân Như Lai cách đất bốn tấc nhưng có hiện ấn văn trên đất.

69. Thân Như Lai rắn chắc, chẳng dựa vào người khác, thân không khinh động cũng không uốn éo.

70. Oai đức Như Lai vang xa chấn động tất cả, kẻ ác tâm nghe thì vui mừng, người sợ hãi thấy được yên.

71. Âm thanh của Như Lai tùy theo ý chúng sanh mà ban lời hòa nhã vui vẻ, chẳng cao, chẳng thấp.

72. Như Lai thường tùy theo ngôn ngữ và ý muốn của chúng sanh mà thuyết pháp.

73. Như Lai thuyết pháp cùng một âm thanh nhưng tuỳ theo căn cơ của mỗi chúng sanh đều hiểu được cả.

74. Như Lai thuyết pháp theo thứ tự, tất cả đều có nhân duyên, không lời nào không hoàn hảo.

75. Như Lai coi chúng sanh bình đẳng: Gặp thiện thì khen, gặp ác thì chê nhưng không có ưa ghét.

76. Phàm làm việc gì, Như Lai đều xem xét trước rồi làm sau, đúng theo qui tắc để người phân biệt một cách thanh tịnh hoàn toàn.

77. Tướng hảo của Như Lai, tất cả hữu tình ngắm không cùng tận.

78. Xương đỉnh đầu Như Lai cứng chắc tròn đầy.

79. Dung nhan Như Lai trẻ mãi không già, lớp mới luôn thay lớp cũ.

80. Tay chân và trước ngực Như Lai đều là tướng đức cát tường xoay tròn (chữ Vạn), đường vân như bức lụa thêu, màu ngọc châu đỏ.

Đây gọi là tám mươi vẻ đẹp của Như Lai.

 

Sơ giải:

 

Đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật tức hoàn thành hai hạnh: 1. Thành tựu Bát Nhã, 2. Giáo hóa hữu tình.

Thành tựu Bát Nhã là giác ngộ, được Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, và đắc Nhất thiết trí trí. Đó là thượng cầu giác ngộ, là tâm nguyện tiên khởi của Bồ Tát, gọi là hạnh nguyện thứ nhất. Đồng thời tu phước đức trí tuệ viên mãn mới có thể chuyển pháp luân, thành thục chúng sanh, thanh tịnh Phật độ, gọi là hạnh nguyện thứ hai. Nếu không hoàn thành 2 hạnh này thì không thể bước lên vai vị Bồ Tát mà bị rơi rụng vào bậc Thanh văn hay Độc giác.

Nếu tròn đầy được hai hạnh này thì Bồ Tát sẽ nhập vào cảnh giới thâm sâu, cảnh giới rộng lớn, cảnh giới công đức của chư Phật. Tất cả phàm phu, Thanh văn, Độc giác không thể nhập, vì chẳng phải cảnh giới của họ. Ngoài đức Phật Thế Tôn không ai có thể đạt được. Vì sao? Vì nhờ Bát nhã Ba la mật nên Phật thâm nhập được pháp như (Chơn như thật tướng của tất cả pháp), được tự tại, thâu nhiếp tất cả cõi vô lậu, làm cho các loài hữu tình trọn vẹn an vui. Vì vậy, gọi là cảnh giới của chư Phật. Cảnh giới này vượt đường ngôn ngữ, xa lìa tầm cầu phân biệt, pháp thế gian chẳng thể nào so sánh thí dụ nổi, còn gọi là Đệ nhất nghĩa đế, là thượng phẩm trong tất cả các pháp, không ở trong sanh tử cũng chẳng trụ Niết bàn.

Vì do học Bát nhã Ba la mật mà Bồ Tát đạt được 5 sự không thể nghĩ bàn, là: 1. Tự tánh, 2. Phương xứ, 3. Các trụ, 4. Nhất dị, 5. Lợi lạc:

- Biết uẩn, xứ, giới như (chơn như của uẩn xứ giới), các đại chủng như, pháp hữu vi như, vô vi như tầm cầu không thể được, dứt tầm cầu nên tự tánh không thể nghĩ bàn.

- Không lệ thuộc phương cõi (10 phương, ba cõi). Nên nói phương xứ không thể nghĩ bàn.

- Không trụ an lạc hay vắng lặng, không hữu tâm hay vô tâm, chẳng trụ nhị nguyên... tức vô sở đắc. Không ai có thể làm được như vậy, nên nói các trụ không thể nghĩ bàn.

- Ba đời Như Lai tánh tướng thể dụng thanh tịnh, không đây kia sai khác. Nên nói nhất dị không thể nghĩ bàn.

- Tùy thuận căn tánh khác nhau của chúng sanh, thị hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẽ đẹp, phương tiện hóa đạo, mang lại lợi lạc cho tất cả hữu tình, không ai bằng. Nên nói là lợi lạc không thể nghĩ bàn!

 

Tất cả cái gì gọi là nhị hạnh đều nằm trong đó, nhất là các pháp gọi là như (hay chơn như). Phẩm này cần nhớ nhị hạnh là:

1. Thượng cầu giác ngộ; và 

2. Hạ hóa chúng sanh (khi chúng sanh được thuần thục thì quốc độ sẽ thanh tịnh).

Giáo pháp, giáo nghĩa trình bày rõ ràng trong chánh văn, chẳng có gì mà không hiểu, nên không cần giải thích thêm nữa./.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com