- Thư Ngỏ
- Nội Dung
- I. Phần thứ I Tổng luận ( Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)
- II. Phần thứ II Tổng luận:
- III. Phần Thứ III: Tánh Không Bát Nhã
- Tán thán công đức quý Phật tử đã đóng góp (đợt 2) tịnh tài để ấn tống Tổng Luận Đại Bát Nhã 🌹🥀🌷🌸🏵️🌻🌼
- Hình ảnh tạ lễ công đức phiên dịch Kinh Bát Nhã của Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm và chúc mừng Lão Cư Sĩ Thiện Bửu (80 tuổi ở San Jose, California, Hoa Kỳ) đã hoàn thành luận bản chiết giải bộ Kinh khổng lồ này sau 10 năm ròng rã
- Link thỉnh sách Tổng Luận Đại Bát Nhã qua Amazon
- Tập 01_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 1) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 02_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 2) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 03_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 3) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 04_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 4) do Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 05_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 5) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 06_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 6) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 07_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 7) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
- Tập 08_Tổng Luận Đại Bát Nhã (tập 8) do Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm dịch và Cư Sĩ Thiện Bửu chiết giải
TỔNG LUẬN
KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT
Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu
Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022
XXVI. PHẨM “HUYỄN DỤ”
Phần giữa quyển 553, Hội thứ IV, TBBN.
Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le
Tóm lược:
(Công đức tùy hỷ đối với người phát tâm Vô Thượng Bồ đề)
Bấy giờ trời Đế Thích nghĩ: Nếu đại Bồ Tát nào tu hành Bát nhã Ba la mật thì còn hơn tất cả loài hữu tình, huống là đạt được quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nếu các hữu tình nào nghe thuyết về danh tự của Nhất thiết trí trí càng tin hiểu thì còn được lợi lành trong loài người và được đời sống tối thắng ở thế gian, huống là phát tâm quả vị Vô Thượng Bồ đề, hoặc thường lắng nghe Bát Nhã sâu xa. Nếu các hữu tình nào thường phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, lắng nghe Kinh điển Bát Nhã sâu xa thì các hữu tình khác nên nguyện ưa thích công đức đạt được. Thế gian, trời, người, A tu la v.v… hoàn toàn không thể sánh kịp.
Khi ấy, Thế Tôn biết tâm niệm của trời Đế Thích nên bảo Đế Thích:
- Đúng như vậy! Như điều ngươi nghĩ!
Bấy giờ trời Đế Thích vui mừng hớn hở, hóa làm hương hoa mầu nhiệm trên cõi trời, dâng lên đức Như Lai và các Bồ Tát. Dâng hoa xong, phát nguyện:
“Các thiện nam tử Bồ Tát thừa v.v... nào cầu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì xin đem công đức căn lành đã phát của tôi làm cho tâm nguyện của các người kia đạt công đức thù thắng, làm cho sự cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của người kia mau được viên mãn, làm cho sự cầu các pháp tương ưng với Nhất thiết trí trí của người kia mau được viên mãn, khiến cho sở cầu tự nhiên pháp của người kia mau được viên mãn, khiến làm cho sự cầu Thánh pháp vô lậu của người kia mau được viên mãn, khiến làm cho tất cả ước muốn nghe pháp của người kia đều được như ý. Nếu người nào cầu Thanh văn, Độc giác thừa thì cũng làm cho sở nguyện của họ mau được đầy đủ”.
Phát nguyện như vậy xong, bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam tử Bồ Tát thừa nào đã phát tâm quả vị Vô Thượng Bồ đề, thì con hoàn toàn không sanh một niệm ý khác làm cho người kia thối lui tâm đại Bồ đề. Con hoàn toàn không sanh một niệm ý khác làm cho các chúng đại Bồ Tát nhàm chán, xa lìa quả vị Vô Thượng Bồ đề, lui rớt nơi địa vị Thanh văn, Độc giác v.v… Con hoàn toàn không sanh một niệm tâm khác làm cho các chúng đại Bồ Tát lui mất ý nghĩ tương ưng với Đại Bi. Nếu đại Bồ Tát nào đã hết lòng ưa muốn quả vị Vô Thượng Bồ đề thì con nguyện tâm của người ấy càng thêm tinh tấn để mau chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nguyện các đại Bồ Tát kia thấy các thứ khổ trong sanh tử, rồi vì muốn lợi ích an vui cho thế gian, trời, người, A tu la v.v… cho nên phát khởi vô số nguyện lớn bền chắc: Một khi Con đã qua được biển lớn sanh tử, cũng phải siêng năng độ người chưa qua. Con đã tự mở trói sanh tử rồi, cũng phải siêng năng mở cho người chưa được mở. Một khi Con đã được an ổn đối với các thứ sợ hãi về sanh tử, cũng phải siêng năng đem an ổn cho người chưa được an ổn. Một khi Con đã chứng đắc Niết bàn hoàn toàn rồi, cũng phải siêng năng làm cho người chưa chứng đồng chứng đắc.
Kính bạch Thế Tôn! Nếu loài hữu tình nào hết lòng tùy hỷ đối với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm thì được bao nhiêu phước? Hết lòng tùy hỷ đối với công đức của Bồ Tát đã từ lâu phát tâm tu các thắng hạnh thì được bao nhiêu phước? Hết lòng tùy hỷ đối với công đức của Bồ Tát ở địa vị Bất thối chuyển thì được bao nhiêu phước? Hết lòng tùy hỷ đối với công đức của Bồ Tát chỉ còn ràng buộc 1 đời thì được bao nhiêu phước?
Khi ấy, Phật bảo trời Đế Thích:
- Kiều thi ca! Có thể biết được số cân lượng của núi chúa Diệu Cao, nhưng số lượng phước đức của loài hữu tình này do tâm tùy hỷ sanh ra thì không thể biết được hạn lượng.
Kiều thi ca! Có thể biết được số cân lượng của cõi bốn đại châu, nhưng số lượng phước đức của loài hữu tình này do tâm tùy hỷ sanh ra thì không thể biết được hạn lượng.
Kiều thi ca! Có thể biết số cân lượng của thế giới Tiểu thiên, nhưng số lượng phước đức của loài hữu tình này do tâm tùy hỷ sanh ra thì không thể biết được hạn lượng.
Kiều thi ca! Có thể biết được số cân lượng của thế giới Trung thiên, của Tam thiên đại thiên, nhưng số lượng phước đức của loài hữu tình này do tâm tùy hỷ sanh ra thì không thể biết được hạn lượng.
Kiều thi ca! Giả sử Tam thiên đại thiên thế giới hợp lại làm thành một biển, có người lấy một sợi lông chẻ làm một trăm phần, rồi cầm đầu của một sợi chấm vào trong nước biển đó cho đến khi cạn hết, có thể biết được số giọt. Nhưng số lượng phước đức của loài hữu tình này do tâm tùy hỷ sanh ra thì không thể biết được hạn lượng.
Khi ấy, trời Đế Thích bạch Phật:
- Nếu các hữu tình chẳng sanh tùy hỷ đối với vô biên công đức thù thắng của các đại Bồ Tát từ sơ phát tâm cho đến chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, hoặc do tâm tùy hỷ đối với phước đức đã phát sanh của Bồ Tát kia, hoặc chẳng nghe, chẳng biết đến, chẳng thèm nhớ nghĩ, chẳng sanh tùy hỷ, thì nên biết những người như vậy đều bị ma khống chế, bị ma nắm giữ, là bè đảng của ma, chết ở cõi Thiên ma và sanh đến nơi này. Vì sao? Nếu đại Bồ Tát cầu tới Vô Thượng Bồ đề, tu các Bồ Tát hạnh, nếu có phát tâm đối công đức kia rất sanh tùy hỷ, hoặc có người đối với công đức tùy hỷ hết lòng nhớ nghĩ sanh ý tùy hỷ, đều năng phá hoại được tất cả ma quân cung điện, bè lũ, mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề năng tận vị lai lợi vui tất cả thế gian.
Kính bạch Thế Tôn! Nếu hữu tình nào hết lòng kính mến Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo, sanh ra ở chỗ nào cũng thường muốn được thấy Phật, nghe Pháp, gặp Tăng thì đối với công đức căn lành của các chúng đại Bồ Tát nên hết lòng tùy hỷ. Tùy hỷ xong rồi hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ đề nhưng không nên sanh ý tưởng có hai, không hai. Nếu người nào thường làm được như vậy thì sẽ mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phá dẹp các quân ma, lợi ích hữu tình.
Khi ấy, Phật bảo trời Đế Thích:
- Đúng như vậy! Như lời ngươi nói!
Kiều thi ca! Nếu các hữu tình nào đối với công đức căn lành của các chúng đại Bồ Tát, hết lòng tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì các hữu tình này mau được viên mãn các Bồ Tát hạnh, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Nếu các hữu tình nào đối với công đức căn lành của các chúng đại Bồ Tát hết lòng tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì các hữu tình này có đầy đủ oai lực, thường luôn phụng thờ tất cả các đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và thiện tri thức, hằng nghe Kinh điển Bát Nhã sâu xa và biết rõ nghĩa thú.
Các hữu tình này thành tựu công đức căn lành, tùy hỷ hồi hướng như vậy thì sanh ra ở chỗ nào cũng thường được tất cả thế gian, trời, người, A tu la v.v... cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi. Chẳng thấy sắc xấu, chẳng nghe tiếng đục, chẳng ngửi mùi hôi, chẳng nếm vị đắng, chẳng xúc chạm nhám nhuốc, chẳng nghĩ pháp ác, chẳng đọa nẻo tà, sanh trong trời người thường hưởng vô số các việc vui tươi tốt đẹp, nhưng không đắm nhiễm, thường không xa lìa chư Phật Thế Tôn; từ nước Phật này đến nước Phật khác được gần gũi chư Phật, trồng các căn lành, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật.
Vì sao? Này Kiều thi ca! Vì các hữu tình này đối với vô lượng công đức căn lành của các chúng Bồ Tát hết lòng tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nhờ nhân duyên này, căn lành tăng trưởng, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề xong, thường như thật lợi ích cho vô lượng, vô số, vô biên hữu tình cùng tận đời vị lai, làm cho trụ cảnh giới Vô dư Niết bàn.
Vì thế nên, này Kiều thi ca! Các thiện nam tử trụ Bồ Tát thừa v.v… đối với công đức căn lành của các Bồ Tát đều nên tùy hỷ hồi hướng quả vị Vô thượng Bồ đề. Ngay khi tùy hỷ và hồi hướng không nên chấp trước. Ngay nơi tâm, lìa tâm, tùy hỷ hồi hướng, không nên chấp trước. Ngay nơi tâm tu hành, lìa tâm tu hành. Nếu người nào không chấp trước như vậy và tùy hỷ hồi hướng, tu Bồ Tát hạnh thì mau chứng quả vị Vô thượng Bồ đề, độ các hàng trời, người, A tu la v.v... thoát khỏi sanh tử, đắc Bát Niết bàn. Nhờ nhân duyên này, các loài hữu tình đối với công đức căn lành của các Bồ Tát đều nên phát tâm tùy hỷ hồi hướng, có thể khiến cho vô lượng, vô biên hữu tình trồng các căn lành, đạt được lợi ích an vui lớn.
(Tâm như huyễn làm sao chứng Vô Thượng Giác ngộ)
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật:
- Kính bạch Thế Tôn! Tâm hoàn toàn như huyễn thì đại Bồ Tát làm sao có thể chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ngươi thế nào? Ngươi thấy có tâm như huyễn không?
Thiện Hiện bạch:
- Thưa không, bạch Thế Tôn!
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ngươi thế nào? Ông thấy có huyễn không?
Thiện Hiện bạch:
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Con không thấy huyễn, cũng không thấy có tâm như huyễn.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ngươi thế nào? Nếu ngươi không thấy huyễn, không thấy tâm như huyễn, hoặc có chỗ không huyễn, không tâm như huyễn, thì ngươi thấy có tâm như vậy có thể đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề không?
Thiện Hiện bạch:
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Con hoàn toàn chẳng thấy có chỗ không huyễn, không tâm như huyễn, lại có tâm như vậy có thể đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Phật bảo Thiện Hiện:
- Ý ngươi thế nào? Hoặc chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, ngươi thấy có pháp như vậy có thể đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề không?
Thiện Hiện bạch:
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Con hoàn toàn không thấy có chỗ lìa huyễn, lìa tâm như huyễn, lại có pháp như vậy có thể đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Con hoàn toàn không thấy ngay nơi pháp lìa tâm có thể nói những pháp là có, là không, bởi tất cả pháp hoàn toàn lìa vậy. Nếu tất cả pháp hoàn toàn lìa thì không thể nói là có hay là không. Nếu pháp nào không thể nói là có, là không, thì không thể nói có thể đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề. Vì chẳng phải pháp vô sở hữu có thể đắc Bồ đề được. Vì sao? Vì tất cả pháp đều vô sở hữu, tánh của nó bất khả đắc, không nhiễm, không tịnh, hoàn toàn lìa pháp vô sở hữu, nên không thể đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thế nên Bát nhã Ba la mật cũng hoàn toàn lìa. Nếu pháp hoàn toàn lìa thì pháp đó không nên tu tập, cũng không nên lìa bỏ, lại cũng không nên nêu lên?
Kính bạch Thế Tôn! Bát Nhã sâu xa đã hoàn toàn lìa thì vì sao có thể nói các đại Bồ Tát nương Bát Nhã sâu xa để chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?
Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng hoàn toàn lìa, thì vì sao pháp hoàn toàn lìa lại có thể đắc pháp hoàn toàn lìa? Thế nên Bát nhã Ba la mật đúng ra là không thể nói có chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Lành thay! Đúng như vậy! Đúng như lời ngươi nói! Bát Nhã sâu xa đã hoàn toàn lìa; quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật cũng hoàn toàn lìa.
Thiện Hiện nên biết! Bát Nhã sâu xa hoàn toàn lìa, nên được lìa hoàn toàn quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Bát Nhã sâu xa chẳng phải hoàn toàn lìa thì đúng ra chẳng phải là Bát nhã Ba la mật, vì Bát Nhã sâu xa hoàn toàn lìa nên mới được gọi là Bát nhã Ba la mật.
Thế nên, này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát chẳng phải không nương tựa Bát Nhã sâu xa mà chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.
Thiện Hiện nên biết! Tuy chẳng phải lìa pháp hay là được pháp lìa mà đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Chẳng phải không y chỉ Bát nhã Ba la mật sâu xa mà đắc được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Thế nên, các đại Bồ Tát đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì phải nên siêng năng tu học Bát nhã Ba la mật sâu xa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát sở hành nghĩa thú cực kỳ sâu thẳm?
Phật bảo Thiện Hiện:
- Đúng như vậy! Các đại Bồ Tát sở hành nghĩa thú cực kỳ sâu thẳm.
Thiện Hiện nên biết! Các đại Bồ Tát thường làm việc khó làm. Tuy thực hành nghĩa thú sâu xa như vậy nhưng đối với pháp của Thanh văn, Độc giác có thể không chứng đắc.
Bấy giờ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Như con hiểu nghĩa Phật dạy, việc làm của các đại Bồ Tát không khó, đúng ra không nên nói những vị đó thường làm được việc khó làm. Vì sao? Vì sở chứng nghĩa thú của các đại Bồ Tát hoàn toàn bất khả đắc, sở chứng Bát Nhã cũng bất khả đắc. Pháp chứng, người chứng, sở chứng, thời chứng cũng bất khả đắc.
Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát nào nghe lời như vậy, tâm không chìm đắm, cũng không lo buồn, ăn năn, không kinh, không sợ thì chính là hành Bát nhã Ba la mật.
Bạch Thế Tôn! Khi đại Bồ Tát này thực hành như thế, chẳng thấy các tướng, chẳng thấy ta hành, chẳng thấy chẳng hành, chẳng thấy Bát Nhã là sở tu hành của ta, chẳng thấy quả vị Vô Thượng Bồ đề là sở chứng của ta, cũng chẳng thấy nơi chứng, thời chứng v.v…
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đối với việc như vậy cũng không thấy thì tức là hành Bát nhã Ba la mật, liền gần quả vị Vô Thượng Bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đối với việc như vậy cũng chẳng thấy thì tức là hành Bát nhã Ba la mật, liền xa lìa địa vị Thanh văn, Độc giác.
(Bát Nhã sâu xa đối với tất cả pháp không phân biệt)
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đối với việc như vậy cũng không phân biệt. Tuy thực hành Bát nhã Ba la mật nhưng không nghĩ: Ta hành Bát nhã Ba la mật, gần gũi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, xa lìa địa vị Thanh văn, Độc giác v.v...
Bạch Thế Tôn! Ví như hư không không nghĩ: Ta cách việc kia hoặc xa hoặc gần. Vì sao? Vì hư không không di động, cũng không phân biệt. Vì không phân biệt nên các đại Bồ Tát cũng như vậy, thực hành Bát Nhã sâu xa không nghĩ: Ta xa địa vị Thanh văn, Độc giác; ta gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa đối với tất cả pháp không phân biệt vậy.
Kính bạch Thế Tôn! Ví như người được biến hóa chẳng nghĩ: Vật biến hóa, thầy biến hóa cách ta gần; người xem v.v… cách ta xa. Vì sao? Vì người được biến hóa ra không phân biệt vậy.
Các đại Bồ Tát cũng như vậy, thực hành Bát Nhã sâu xa không nghĩ: Ta xa địa vị Thanh văn, Độc giác; ta gần quả vị Vô Thượng Bồ đề. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa không phân biệt đối với tất cả pháp vậy.
Bạch Thế Tôn! Ví như bóng không nghĩ: Ta với bóng kia gần; gương hay nước v.v... cách ta xa. Vì sao? Vì bóng hiện ra không phân biệt vậy.
Các đại Bồ Tát cũng như vậy, thực hành Bát Nhã sâu xa không nghĩ thế này: Ta xa địa vị Thanh văn, Độc giác; ta gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa đối với tất cả pháp không phân biệt vậy.
Bạch Thế Tôn! Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với tất cả pháp không ưa, không ghét. Vì sao? Vì Như Lai đã đoạn trừ tất cả sự ưa ghét, phân biệt vậy.
Các đại Bồ Tát cũng như vậy, thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa nên đối với tất cả pháp không ưa, không ghét. Vì sao? Vì giống như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đắc Bát nhã Ba la mật, đoạn trừ hẳn tất cả vọng tưởng phân biệt nên đối với các pháp không ưa, không ghét. Các đại Bồ Tát thực hành Bát nhã Ba la mật khuất phục được tất cả vọng tưởng phân biệt nên đối với các pháp không ưa, không ghét.
Kính bạch Thế Tôn! Như những người do các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hóa hiện ra, không nghĩ: Ta xa địa vị Thanh văn, Độc giác, ta gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì những người được hóa hiện ra đó không phân biệt vậy.
Các đại Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa cũng như vậy, không nghĩ: Ta xa địa vị Thanh văn, Độc giác, ta gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa không phân biệt đối với tất cả vậy.
Bạch Thế Tôn! Như các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác muốn tạo ra hóa nhân và sai bảo những người được hóa hiện ra đó làm những việc kia. Nhưng những người được biến hóa không nghĩ: Ta thường làm ra sự nghiệp như vậy. Vì sao? Vì những người được biến hóa đó không phân biệt đối với sự nghiệp đã tạo dựng.
Các đại Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa cũng như vậy, vì có sự việc cần phải làm nên siêng năng tu học. Tu học xong, tuy thành tựu sự nghiệp đã tạo nhưng không có sự phân biệt đối với việc đã làm. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa không phân biệt đối với tất cả pháp vậy.
Bạch Thế Tôn! Ví như người thợ khéo, hoặc học trò của ông ta, vì có việc cần làm nên tạo ra người hoặc nam, hoặc nữ, hoặc voi, ngựa v.v... bằng máy. Các máy móc này tuy có hành động nhưng đối với việc làm đó hoàn toàn không phân biệt. Vì sao? Vì máy móc không phân biệt vậy.
Các đại Bồ Tát thực hành Bát Nhã sâu xa cũng như vậy, có việc cần làm nên phải làm. Làm xong, tuy thành tựu các sự nghiệp khác nhau nhưng đối với sự việc ấy hoàn toàn không phân biệt. Vì sao? Vì Bát Nhã sâu xa là như vậy, không phân biệt đối với tất cả pháp vậy.
1. Tùy hỷ:
Tùy hỷ phước nghiệp có bao nhiêu công đức? Tùy hỷ phước nghiệp thì có vô vàn công đức, không có gì có thể sánh bằng. Núi Diệu Cao, cõi Tứ Thiên Hạ dù to lớn nhưng cũng có thể đo lường, cân lượng được, cả đến cõi Tam thiên đại thiên thế giới vô cùng rộng lớn không thể tưởng tượng được cũng có thể so lường cân lượng được. Công đức tùy hỷ của bất cứ ai dù ở giai vị nào cũng không thể nào tính đếm so lường nổi. Giả sử Tam thiên đại thiên thế giới hiệp lại làm một biển, rồi nếu có người có thể lấy một sợi tóc chẻ ra làm trăm phần, lấy đầu của một phần chấm vào nước biển ấy, có thể đếm biết số giọt cho đến khi biển cạn, nhưng phước đức tùy hỷ thì chẳng thể tính đếm hết. Vì sao? Vì phước đức tùy hỷ của các người ấy không ngằn mé, không giới biên.
Đối với chư Bồ Tát, nếu các người có tâm tùy hỷ hồi hướng như vậy thì thường gặp chư Phật. Người đó trọn chẳng thấy sắc xấu, chẳng nghe tiếng đục, chẳng ngửi mùi hôi, chẳng ăn vị đắng, chẳng xúc chạm nhơ nhuốc, chẳng theo niệm ác, trọn chẳng xa rời chư Phật. Người đó sẽ sanh từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, luôn gần gũi Phật, gieo trồng căn lành. Tại sao? Vì người nầy ở vô lượng kiếp đã chứa nhóm thiện căn, gieo trồng công đức tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề. Do nhân duyên căn lành nầy nên người đó mau gần Vô Thượng Bồ Đề. Và khi được Vô Thượng Bồ Đề rồi sẽ độ thoát vô lượng vô biên chúng sanh.
Vì vậy, các thiện nam tín nữ đối với Bồ Tát mới phát tâm hay đối với các vị Bồ Tát đã phát tâm từ lâu hoặc đối với Bồ Tát Nhất sanh bổ xứ, phải tùy hỷ hồi hướng Vô Thượng Bồ Đề. Khi hồi hướng, chẳng nên chấp trước tức tâm hay lìa tâm tu hành. Nếu không chấp trước như thế, tùy hỷ hồi hướng thì mau chứng Vô Thượng Bồ đề, độ các trời, người, A tu la v.v... thoát khỏi sanh tử, được vui Niết bàn.
2. Tâm như huyễn làm sao chứng Vô Thượng Giác ngộ?
“Rồi cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Tâm như huyễn làm sao có thể chứng đắc Vô thượng Giác ngộ?
“Phật bảo Thiện Hiện: Ý ông nghĩ sao, ông thấy có tâm như huyễn chăng?
“Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch, không thấy có.
“Phật nói: Ông thấy có huyễn chăng?
“Thiện Hiện: Không thấy có.
“Phật: Khi ông không thấy có huyễn, không thấy có tâm như huyễn, ý ông nghĩ sao, có pháp nào ngoài huyễn tâm và huyễn tướng mà chứng đắc Vô Thượng Giác ngộ chăng?
“Thiện Hiện: Thưa không. Con không thấy có pháp nào như vậy. Nếu có pháp nào ngoài tâm như huyễn, pháp ấy cũng không thể nói là hữu hay là vô. Tất cả là tất cánh viễn ly (atantavivikta), và trong tất cánh viễn ly(1) đó không có pháp nào có thể nói là hữu hay là vô; không có pháp nào gọi là phải tu, không có pháp nào gọi là phải chứng. Vì lý do đó, Bát nhã Ba la mật là tất cánh viễn ly. Vô thượng giác ngộ cũng vậy. Giữa hai tất cánh viễn ly không thể có liên hệ nào; chúng ta không thể nói cái này như là phương tiện để chứng đắc cái kia; cũng không phải cái kia như là cái sở đắc. Bồ Tát mà chứng đắc Vô Thượng Giác ngộ là do bởi Bát nhã Ba la mật. Nhưng Bồ Tát cũng là pháp (dharma) tất cánh viễn ly, và chúng ta không thể dựng lên một khẳng định nào cho sự chứng đắc đó, ngay cả giác ngộ.
“Phật: Hay thay, Thiện Hiện! Đúng như lời ông nói! Tất cánh viễn ly là hết thảy các pháp (dharma): Bồ Tát, Bát nhã Ba la mật và Vô Thượng Giác ngộ. Nhưng Bồ Tát ở trong pháp tất cánh viễn ly đó mà như thật biết rõ Bát nhã Ba la mật và đạt tới tri kiến rằng Bát nhã Ba la mật là tất cánh viễn ly cho nên Bát nhã Ba la mật tức phi Bát nhã Ba la mật. Quả thực Bồ Tát do Bát nhã Ba la mật mà chứng đắc Vô Thượng Giác ngộ nhưng ở trong đó không pháp nào là khả thủ, là khả đắc; do không thủ, không đắc, nên Bồ Tát tuy chứng đắc Vô thượng giác ngộ mà không phải là do viễn ly chứng đắc viễn ly”.(2)
Đoạn kinh này dịch quá rõ ràng, diễn tả được thế nào là tánh “tất cánh viễn ly” của Bát Nhã: “Quả thực Bồ Tát do Bát nhã Ba la mật mà chứng đắc Vô Thượng Giác ngộ nhưng ở trong đó không pháp nào là khả thủ, là khả đắc; do không thủ, không đắc, nên Bồ Tát tuy chứng đắc Vô Thượng Giác ngộ mà không phải là do viễn ly chứng đắc viễn ly”.
3. Phân biệt và vô phân biệt:
Vì tất cả pháp đều xa lìa, đều không thể nắm bắt được. Bát nhã Ba la mật cũng vậy, vô sở hữu, bất khả đắc, không năng sở: Không người chứng, không pháp để chứng, không xứ chứng, thời chứng… tất cả đều không thể nắm bắt được.
Các Bồ Tát quán biết tất cả pháp là không là bất khả đắc, thì có gì có thể làm sở chứng? Có gì có thể làm năng chứng? Có gì có thể thi thiết pháp chứng, người chứng, xứ chứng, thời chứng? Đã vậy thì tại sao có thể chấp do đây mà chứng đắc quả vị Thanh văn, Độc giác. Quả vị Thanh văn, Độc giác còn chẳng thể chứng, huống là chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề? Đó gọi là hạnh vô sở đắc của Bồ Tát. Nếu Bồ Tát có khả năng tu hành hạnh vô sở đắc như thế, thì đối với tất cả pháp không bị chướng ngại.
Nếu Bồ Tát nghe lời nói ấy, tâm chẳng chìm đắm, chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng lo buồn hối tiếc là hành Bát nhã Ba la mật. Các Bồ Tát ấy, khi hành như thế, chẳng thấy các tướng, chẳng thấy mình tu, chẳng thấy chẳng tu, chẳng thấy Bát Nhã là sở hành, chẳng thấy quả vị Giác ngộ tối cao là sở chứng, cũng chẳng thấy xứ chứng, thời chứng v.v…
Nên khi hành Bát nhã Ba la mật, các Bồ Tát chẳng nghĩ rằng: Thanh Văn, Độc giác cách xa tôi, Nhất thiết chủng trí gần tôi. Như hư không kia chẳng nghĩ rằng có pháp cách xa nó hay gần nó, vì hư không vô phân biệt. Cũng vậy, các Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật chẳng nghĩ rằng: Thanh văn, Độc giác cách tôi xa, Nhất thiết chủng trí gần tôi. Vì Bát nhã Ba la mật là vô phân biệt.
Như người được biến hóa chẳng nghĩ huyễn sư gần tôi, người xem cách tôi xa. Vì người được biến hóa không phân biệt. Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát Nhã chẳng nghĩ là gần hay xa, vì vô phân biệt vậy.
Như bóng trong gương chẳng nghĩ hình vật sở nhơn gần mình, các thứ khác thì xa mình. Vì bóng không thể phân biệt bóng. Cũng vậy, đại Bồ Tát hành Bát Nhã chẳng nghĩ là gần, là xa, vì vô phân biệt vậy.
Đức Thế Tôn không thương cũng không ghét. Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật cũng không thương, không ghét. Vì Bát nhã Ba la mật vô phân biệt. Như đức Phật, tất cả phân biệt, tưởng niệm đã dứt. Đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật cũng vậy, tất cả phân biệt, tưởng niệm đều dứt. Vì rốt ráo không vậy.
Như chư Như Lai muốn làm việc gì, hóa ra hóa nhân để làm việc đó, nhưng hóa nhân đó chẳng nghĩ thế này: Ta có thể tạo nên việc làm như thế. Vì sao? Vì hóa nhân là những hình nộm, làm sao phân biệt được. Bát nhã Ba la mật sâu xa cũng như thế, vì có việc cần làm nên tinh cần tu tập, đã tu tập rồi, tuy có thể hoàn thành công việc, nhưng đối với việc làm ấy, hoàn toàn không phân biệt. Vì sao? Vì Bát Nhã là vô phân biệt.
Thí như người thợ mộc hay học trò của ông ta, có thể tạo ra các cơ quan hoặc nam hay nữ, hoặc voi ngựa v.v… Các cơ quan này tuy có thể hoàn thành công việc nhưng đối với việc làm ấy hoàn toàn không phân biệt. Vì sao? Vì các máy móc không cảm thọ, nên không phân biệt. Bát nhã Ba la mật sâu xa cũng giống như thế, vì có việc phải làm nên làm. Tuy có thể hoàn thành các việc, nhưng đối với việc đã làm, hoàn toàn không phân biệt. Vì sao? Vì Bát Nhã đối với tất cả pháp, không phân biệt vậy. Bao nhiêu thí dụ như vậy quá đủ. Nên:
“Cụ thọ Xá lợi Tử hỏi Thiện Hiện:
- Thưa Tôn giả Thiện Hiện! Có phải chỉ có Bát nhã Ba la mật không phân biệt, hay tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí cũng không phân biệt?
Thiện Hiện đáp:
- Thưa Tôn giả! Chẳng phải chỉ có Bát nhã Ba la mật không phân biệt mà tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí cũng không phân biệt.
Cụ thọ Xá lợi Tử lại hỏi Thiện Hiện:
- Thưa Tôn giả Thiện Hiện! Có phải sắc cũng không phân biệt, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phân biệt chăng? Có phải mười hai xứ, mười tám giới cũng không phân biệt? Có phải tứ thiền bát định, mười tám pháp bất cộng… cho đến Nhất thiết trí cũng không phân biệt? Có phải tất cả Bồ Tát hạnh cũng không phân biệt, quả vị Vô Thượng Giác ngộ của chư Phật cũng không phân biệt chăng? Có phải cảnh giới hữu vi cũng không phân biệt, cảnh giới vô vi cũng không phân biệt chăng?
Thiện Hiện đáp:
- Thưa Ngài Xá lợi Tử! Sắc cũng không phân biệt, thọ, tưởng, hành, thức cũng không phân biệt. Thưa Ngài! Mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền bát định, mười tám pháp bất cộng… cho đến Nhất thiết trí cũng không phân biệt. Tất cả Bồ Tát hạnh cũng không phân biệt, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác cũng không phân biệt. Thưa Ngài! Cảnh giới hữu vi, cảnh giới vô vi cũng không phân biệt.
Xá lợi Tử lại hỏi:
- Thưa Tôn giả Thiện Hiện! Nếu tất cả pháp đều không phân biệt, thì tại sao có năm cõi sai khác là địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, người, trời? Tại sao lại có các bậc tu hành khác nhau như Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Bồ Tát, Phật?
Thiện Hiện đáp:
- Thưa Tôn giả! Bởi vì, hữu tình điên đảo, phiền não tạo tác đủ các loại nghiệp thân, ngữ, ý; do đó chiêu cảm nghiệp quả dị thục do dục làm căn bản, nương vào đó mà tạo ra năm thứ sai khác là địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, người, trời. Còn tại sao nói các bậc tu hành lại có quả vị sai khác như Dự lưu, Nhất lai v.v… thì thưa Tôn giả! Vì không phân biệt nên mới có tu Dự lưu và quả Dự lưu, vì không phân biệt nên có tu Nhất lai và quả Nhất lai v.v…, vì không phân biệt nên có tu Bồ Tát và Bồ Tát đạo, vì không phân biệt nên có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và quả vị Giác ngộ tối cao.
Thưa Tôn giả! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ do không phân biệt, vì dứt phân biệt nên mới khá an lập. Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vị lai cũng không phân biệt, vì dứt phân biệt nên mới khá an lập. Mười phương chư Phật thế giới, tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện tại đang thuyết pháp cũng không phân biệt, vì dứt phân biệt nên mới khá an lập.
Thưa Tôn giả! Do nhân duyên đây mới biết tất cả pháp đều không phân biệt. Đem không phân biệt chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế làm định lượng(3) vậy. Bồ Tát nên hành tướng không phân biệt Bát nhã Ba la mật thẩm sâu như thế. Nếu hành tướng không phân biệt như thế, bèn năng chứng được tướng không phân biệt sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”. (4).
Bồ Tát sở dĩ đạt đạo được trí vô ngại, trí vô phân biệt, trí vô trước... vì Bồ Tát thấu rõ thế gian nầy có vô vàn hình thái sai biệt, sai biệt về nguyện vọng, sai biệt về tâm hành và các tạo tác thi vi… Rồi Bồ Tát với tâm bình đẳng, vô phân biệt mới thực thi các chương trình hành động cứu rỗi chúng sanh. Bồ Tát như vậy, sống trong sai biệt mà không phân biệt, hay nói khác là sống phân biệt mà không vướng mắc mới có thể làm được những việc khó làm, mang nhiều phúc lợi cho toàn thể chúng sanh. Đó chính là cái khó, cái sâu sắc của Bồ Tát hạnh: Sống trong sai biệt mà vô phân biệt hay sống trong phân biệt mà không thấy sai biệt, dính mắc.
Sống giữa thiên sai vạn biệt của cuộc đời thường mà không tâm phân biệt. Đó là mới là khó, đó là chỗ thâm áo của Bồ Tát Bát nhã Ba la mật. Vì không phân biệt nên vô chấp. Do công năng vô chấp, Bồ Tát mới đạt được chỗ thâm áo này.
Hữu tình sống bằng thức nên lúc nào cũng phân biệt trước tướng. Hành giả Bát Nhã đạt được pháp không, pháp như rồi sống trong đệ nhất nghĩa đế, nhập chơn như thật tướng của tất cả pháp, thấy tất cả pháp đều không, đều như, đều bình đẳng… thì được thanh tịnh. Nên không còn phân biệt chấp trước nữa.
Thích nghĩa của phần lược giải này:
(1). Tất cánh viễn ly: Tất cánh có nghĩa là rốt ráo. Viễn ly là xa lìa. Rốt ráo xa lìa hữu vô (có không) là tuyệt đối xa lìa nhị biên đối đãi. Có xa lìa thì không bị lệ thuộc vào nó, không bị trói buộc bởi nó.
(2). Đoạn Kinh này dịch không theo khuôn xáo, hình thức... nên diễn đạt quá hay. Vì vậy, chúng tôi trích dẫn từ Thiền Luận quyển hạ của Ngài D.T. Suzuki do Tuệ Sĩ dịch. Nội dung của nó không khác với đoạn Kinh trong phẩm “Tùy Hỷ”, thuộc quyển thứ 21, Kinh MHBNBLMĐ. Đoạn Kinh này cũng được đề cập trong phẩm “Huyễn Dụ”, quyển 342 hoặc phẩm “Gốc Chồi” quyển 564, Kinh ĐBN.
(3). Định lượng: Như một qui ước định sẵn làm tiêu chuẩn đo lường.
(4). Đoạn kinh này trích trong quyển 342, phẩm “Nguyện Dụ”, Hội thứ I, ĐBN./.
---o0o---