KINH LĂNG GIÀ
GIẢI NGHĨA
Toàn Không
LỜI DẪN
Chúng tôi nhận thấy bản dịch Kinh Lăng Già của Hòa Thượng Thích Duy Lực rất công phu, vì có sự lựa chọn so sánh giữa các bản dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán. Bản dịch này tương đối ngắn gọn lại đầy đủ chi tiết so với các bản dịch khác, nên chúng tôi đã chọn bản dịch này để giải thích ý nghĩa lời Phật dạy.
Theo Phật giáo sử Thiền Tông, năm 528 Dương Lịch, Tổ thứ 28 là Bồ-Đề Đạt-Ma (470-543) từ Ấn-Độ qua Trung-Hoa, sau 9 năm ngồi quay mặt vào vách Thiền định chờ cơ duyên ở Thiếu Lâm Tự núi Tung Sơn. Ngài có trao truyền cho ngài Huệ-Khả (487-593) 4 quyển Kinh Lăng Già, áo Ca Sa và nói pháp rằng: “Kinh này là tâm địa pháp môn của Đức Như Lai, vậy ông phải hộ trì để sau này hoằng hóa”.
Vì sự quan trọng của Kinh Lăng Già như thế, nên chúng tôi không quản ngại tuổi cao sức yếu để tra cứu tìm hiểu, giải thích nghĩa lý của Kinh. Trước hết là để thấu triệt những điều Phật dạy, sau nữa là cống hiến đến độc giả muốn tìm hiểu nghĩa lý của Kinh này để theo đó hành trì hầu mong đạt giải thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Kinh Lăng Già chú trọng đến Nhất Thừa, tức là Như Lai Thừa, gọi là Phật Thừa, Kinh có nhiều chi tiết vô cùng bổ ích để cho người Phật tử học hành. Lại có nhiều chỗ nghĩa lý cao siêu phức tạp, nên mặc dù chúng tôi cố gắng giải thích, nhưng còn thiếu sót, ước mong qúy Thiện Tri Thức hỉ xả và bổ túc cho, người viết chân thành đa tạ vô cùng.
Toàn Không Đỗ Đăng Tiến