Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 09. Kinh Lăng Già giải nghĩa

21/12/201819:04(Xem: 4635)
Bài 09. Kinh Lăng Già giải nghĩa

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

2). BA THỨ TƯỚNG

   VÀ BA THỨ THỨC:

- Đại Huệ! Có ba thứ tướng Tương tục diệt và có ba thứ thức.

Ba thứ tướng gọi là Chuyển tướng (1), Nghiệp tướng (2) và Chân tướng (3), nói rộng có tám thứ tướng.

Ba thứ thức ấy là: Chân thức, Hiện thức (4) và Phân biệt sự thức (5). Đại Huệ! Ví như gương sáng hiện những sắc tướng, chỗ hiện của Hiện thức cũng như thế.

 - Đại Huệ! Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức này tướng hoại và chẳng hoại làm nhân với nhau; sự huân tập (6) bất tư nghì (7) và sự chuyển biến bất tư nghì là cái nhân của hiện thức nhận lấy các cảnh trần và huân tập vọng tưởng (8) từ vô thỉ (9) là cái nhân của phân biệt sự thức (ý thức).

- Đại Huệ! Nếu mỗi mỗi sự hư vọng chẳng thật che khuất chân thức đều tiêu diệt thì tất cả căn thức đều diệt, ấy gọi là tướng diệt.

 

GIẢNG GIẢI:

(1) Chuyển tướng: hữu vi chuyển biến: Tất cả sự vật trong thế gian đều do nhân duyên sinh, rồi cũng theo nhân duyên mà diệt, sinh diệt chuyển biến không ngừng, gọi là nhân duyên tạo tác (Hữu vi) chuyển biến. Luận Thành duy thức quyển 2 nói: Do sức nhân duyên tạo tác của tất cả sự vật (Pháp hữu vi) mà xưa Không nay Có, tạm thời Có rồi lại Không. Muốn cho thấy khác với không tạo tác (Vô vi), mà giả lập 4 tướng (Sinh, Trụ, Dị, Diệt); mới có gọi là Sinh, sau không gọi là Diệt, sinh rồi giống nhau và nối nhau không dứt gọi là Trụ, sự nối nhau chuyển biến ấy gọi là Dị, vì thế 4 tướng đều là giả lập. Căn cứ vào những điều được trình bày trên đây, ta có thể biết pháp hữu vi do nhân duyên mà sinh, có đủ 4 tướng Sinh, Trụ, Dị, Diệt, vì chúng chuyển biến vô thường nên các nhà Duy thức cho rằng 4 tướng đều là tạm thời giả lập, đó chính là nghĩa “Hữu vi chuyển tướng”. Ngoài ra, theo sự giải thích trong Luận Câu Xá quyển 4, thì chuyển tướng tức là sự biến đổi khác nhau giữa trước và sau trong quá trình lưu chuyển tương tục.

(2) Nghiệp tướng: Từ chữ Sanskrit: karma-añjana: Sự biểu hiện của nghiệp. Trong Khởi Tín Luận: Dựa vào Căn bản vô minh mà chân tâm bắt đầu hoạt động. Gồm: 1. Là một trong Tam tướng vi tế (Vô minh nghiệp tướng, Năng kiến tướng, và Cảnh giới tướng). 2. Chỉ sự tỉnh thức của tâm thanh tịnh tuỳ vào Căn bản vô minh. 3. Đặc tính của nghiệp.

(3) Chân tướng: Là Thật tướng, Thực tướng: Chữ Phạn: Dharmatà bhùta-tathatà. Vốn có nghĩa là bản thể, thực thể, bản tính...; từ đó được khai triển để chỉ cho thể tướng chân thực bất hư của muôn pháp, hoặc lí pháp chân thực, lí bất biến, chân như, pháp tính... Đây hàm ý là chân thực bản nhiên; tất cả danh từ: Nhất như, thật tính, thực tế, chân tính, Niết bàn, vô vi, vô tướng... đều là tên khác của Chân tướng; vì hết thảy hiện tượng mà thế tục nhận biết đều là giả tướng, chỉ khi nào thoát khỏi sự nhận biết của thế tục mới hiển bày được cái tướng trạng chân thực thường trụ bất biến của các pháp, cho nên gọi là Chân tướng.

(4) Hiện thức: Tên khác của thức A lại da. Thức A lại da hàm chứa tất cả chủng tử (hạt giống) thiện ác và có khả năng hiển hiện hết thảy cảnh giới, cho nên còn gọi là Hiển thức. Theo luận Hiển thức có 9 loại thức là:

1. Thân thức: Là tâm thức nương gá vào thân căn để nhận biết đối tượng tiếp xúc.

2. Ứng thụ thức: Là các kinh nghiệm, thường được gọi là Chuyển thức.

3. Chính thụ thức: Là thức đạt tình trạng tập trung tư tưởng.

4. Thế thức: Là thức sinh tử lưu chuyển 3 đời quá khứ, hiện tại và vị lai.

5. Số thức: Là thức số lượng.

6. Xứ thức: Là thức nơi chốn.

7. Ngôn thuyết thức: Thức nói năng, bàn luận, diễn thuyết.

8. Tự tha sai biệt thức: Thức sai khác mình và người.

9. Thiện ác lưỡng đạo sinh tử thức: Thức thiện ác thay đổi. Tất cả đều do thức A lại da biến hiện ra.

(5)  Phân biệt sự thức: Gọi tắt là Sự thức, tên khác của Ý thức là Thức thứ sáu. Luận Đại thừa khởi tín gọi chung 6 thức: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và Ý thức; Ý thức này có khả năng khởi tác dụng nhận thức và phân biệt đối với các cảnh quá khứ, hiện tại, vị lai và những sự tướng của nội căn ngoại trần, vì thế gọi là Phân biệt sự thức.

(6) Sự huân tập: Phạn: Vàsanà, Pravfti, Abhyàsa: Dịch là xông, ướp, gọi tắt là huân. Cũng giống như người dùng mùi thơm để xông ướp quần áo, thế lực của các pháp nhiễm tịnh, mê ngộ (đặc biệt chỉ cho các hành vi của 3 nghiệp: Thân, Miệng, Ý) in sâu vào tâm thức của con người. Theo tông Duy thức thì pháp năng huân (cái do thân, khẩu, ý hiện ra) là Hiện hành mà chỗ (sở) huân là Tâm, tác dụng huân tập lưu lại các chủng tử như Tàn khí, Tập quán, Tập khí, v.v... huân nơi tâm. Duy thức cho rằng sự hiện hành của 7 chuyển thức đầu là pháp năng huân, còn thức A lại da thức thứ 8 là nơi huân chứa chất các chủng tử. Mối quan hệ giữa sở huân và năng huân này là lý nhân quả nối nhau của thức A lại da.

(7) Bất tư nghì: Bất tư nghị: Không thể hiểu được, không thể suy nghĩ nhận thức, vượt ra ngoài sự diễn tả bằng suy luận ngôn ngữ.

(8) Vọng tưởng: Là suy nghĩ việc nọ chuyện kia, chia ra 2 loại vọng tưởng: 1. Suy nghĩ sai, tính toán lầm lẫn, 2. Suy nghĩ chương trình, phác họa kế hoạch trong đầu.

     Theo Năm Uẩn có 5 vọng tưởng, đó là:

1. Kiên cố vọng tưởng: Tức Sắc uẩn. Thể, tâm và mệnh của chúng sinh đều là sự kết hợp của các tướng vọng tưởng, sự kết hợp này rất chặt chẽ bền chắc mà thành sắc thân, vì thế sắc thân được gọi là Kiên cố vọng tưởng.

2. Hư minh vọng tưởng: Tức Thụ uẩn. Chúng sinh do dục tưởng mà 2 tướng tốt xấu, lợi hại thường hiện, đó là Thụ uẩn; Thụ uẩn vốn không có thực thể, chỉ là hư vọng, vì thế gọi là Hư minh vọng tưởng.

3. Dung thông vọng tưởng: Tức Tưởng uẩn, tâm là hư dối nhưng lại có thể sai khiến thân thể hiện có, thân và tâm này do tưởng mà dung thông nhau, cho nên gọi là Dung thông vọng tưởng.

4. Tác Uẩn vọng tưởng: Tức Hành uẩn, chúng sinh trong 1 đời, thân thể biến hóa từng giây từng tíc tắc, không lúc nào tác động dừng nghỉ; tuy vậy mà chúng sinh vẫn u mê không biết, vì thế gọi là Tác Uẩn vọng tưởng.

5. Điên đảo vọng tưởng, cũng gọi Vi tế tinh tưởng: Tức là Thức uẩn. Tâm thức chúng sinh hư vọng điên đảo, biến chuyển không ngừng, nhưng rất nhỏ nhiệm không thể thấy được; giống như dòng nước, trông xa tựa hồ phẳng lặng, nhưng thực thì đang ngấm ngầm chảy xiết, vì thế gọi là Điên đảo vọng tưởng (Kinh Thủ Lăng Nghiêm).

(9) Vô thỉ: Là không có điểm khởi đầu.

 

     Đoạn 2, Mc 1, Quyển 1 này Đức Phật giảng:

1- BA THỨ TƯỚNG:

1. CHUYỂN TƯỚNG: Là tất cả vạn vật đều theo nhân duyên sinh và diệt, tướng biến đổi không ngừng nên gọi là Chuyển tướng.

2. NGHIỆP TƯỚNG: Sự biến đổi của tướng trạng hình dạng là do nghiệp chi phối nên gọi là Nghiệp tướng.

3. CHÂN TƯỚNG: Là bản thể chân thực bất hư gọi là Chân tướng.

 

2- BA THỨ THỨC: Gồm:

1. CHÂN THỨC: Là bản thể, thực thể, chân tướng, bản tính...; từ đó được khai triển để chỉ cho thể tướng chân thực bất hư của tất cả muôn pháp, hoặc lí pháp chân thực, lí bất biến, chân như, pháp tính...

2. HIỆN THỨC: Là Thức A lại da hàm chứa tất cả hạt giống (chủng tử) thiện ác và có khả năng hiển hiện hết thảy các cảnh giới.

3. PHÂN BIỆT SỰ THỨC: Là Ý thức có khả năng khởi tác dụng nhận thức và phân biệt đối với các cảnh quá khứ, hiện tại, vị lai và những sự tướng của nội căn ngoại trần.

 

     Đức Phật giảng rằng: “Hiện thức và phân biệt sự thức, hai thức này tướng hoại và chẳng hoại làm nhân với nhau; sự huân tập (6) bất tư nghì (7) và sự chuyển biến bất tư nghì là cái nhân của hiện thức nhận lấy các cảnh trần và huân tập vọng tưởng (8) từ vô thỉ (9) là cái nhân của phân biệt sự thức”. Nghĩa là các tướng hoại diệt và chẳng hoại diệt của Ý thức (Phân biệt sự thức) và A Lại Da thức (Hiện thức) làm nhân với nhau, huân tập chuyển biến không thể bàn luận (bất tư nghì), là cái nhân của A Lại Da Thức nhận lấy các cảnh trần, các cảnh này huân tâp trở thành vọng tưởng từ vô thủy, là cái nhân vọng tưởng của Ý thức. Tóm lại, Ý thức và A Lại Da thức làm nhân với nhau, huân tập ngấm ngầm, chúng chuyển biến như sóng ngầm triền miên từ vô thủy đến nay không ngừng nghỉ tạo thành vọng tưởng như suối chảy.

     Đức Phật dạy rằng: “Nếu các vọng tưởng hư vọng (do Ý thức và A Lại Da huân tập làm nhân với nhau sinh ra) che lấp chân thức bị tiêu diệt thì tất cả căn thức đều bị tiêu diệt, đó gọi là tướng diệt”; thì lúc đó chân tướng, thực tướng hiện ra.

 

3). TƯƠNG TỤC DIỆT:

 (Còn tiếp)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com