HT Thích Thanh Từ
TẬP 1
5. QUỐC SƯ HUỆ TRUNG (? - 772)
Sư họ Nhiễm, quê ở Chư Kỵ, Việt Châu. Thuở nhỏ, Sư da trắng như tuyết, dáng vẻ đoan trang, mộ Phật xuất gia. Sư giới luật thanh tịnh, đức hạnh siêu nhiên, thường tìm đến các vị Thiền đức hỏi đạo.
Sau khi được tâm ấn nơi Lục tổ Huệ Năng, Sư về ở cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai, Nam Dương. Nơi đây tu hành, hơn bốn mươi năm Sư chưa từng xuống núi. Đạo hạnh của Sư được dân chúng đồn đãi đến tai nhà vua.
Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai (761 T.L.) vua Túc Tông sai Trung sử Tôn Triều Tiến mang chiếu đến thỉnh Sư về kinh đô. Sư về đến triều, Vua kính Sư làm thầy. Lúc đầu thỉnh Sư ở Tây Thiền viện tại chùa Thiên Phước, sau Vua thỉnh về chùa Quang Trạch gần nội cung. Hơn mười sáu năm, Sư tùy cơ thuyết pháp.
Một hôm, có Đại Nhĩ Tam Tạng người Ấn sang đến kinh đô, tự nói được tuệ nhãn và tha tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời ông đến ra mắt Sư. Tam Tạng đến, vừa thấy Sư, liền lễ bái khoanh tay đứng hầu bên hữu.
Sư hỏi:- Ông được tha tâm thông chăng?
Tam Tạng đáp:- Chẳng dám.
Sư hỏi:- Ông nói xem, hiện giờ Lão tăng đang ở chỗ nào?
Tam Tạng đáp:- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến Tây Xuyên xem đò đua.
Sư lại hỏi:- Ông nói xem, hiện giờ Lão tăng đang ở chỗ nào?
Tam Tạng đáp:
- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?
Sư lần thứ ba cũng hỏi y như trước. Tam Tạng lặng thinh không biết chỗ đi.
Sư nạt:- Hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào? Tam Tạng lặng câm.
Một hôm, Sư gọi: Thị giả!
Thị giả: Dạ!
Sư gọi như thế ba lần, thị giả cũng dạ ba lần.
Sư bảo:- Tưởng là ta cô phụ ngươi, nào ngờ ngươi cô phụ ta.
*
Nam Tuyền đến tham vấn, Sư hỏi:
- Ở đâu đến?
Nam Tuyền thưa:
- Ở Giang Tây đến.
- Có đem được hình của Mã sư đến chăng?
- Chỉ thế ấy.
- Ở sau lưng.
Nam Tuyền bèn lui ra.
*
Ma Cốc đến tham vấn, đi nhiễu quanh giường thiền của Sư ba vòng, rồi chống tích trượng đứng trước Sư.
Sư bảo:- Đã như thế cần gì thấy bần đạo?
Ma Cốc lại chống tích trượng.
Sư nạt:- Hồ tinh! đi đi!
Sư thường dạy chúng:
-Người học Thiền tông nên theo lời Phật, lấy Nhất thừa liễu nghĩa khế hợp với nguồn tâm của mình, kinh không liễu nghĩa chẳng nên phối hợp. Như bọn trùng trong thân sư tử, khi vì người làm thầy, nếu dính mắc danh lợi bèn bày điều dị đoan, thế là mình và người có lợi ích gì? Như người thợ mộc giỏi, búa rìu không đứt tay họ. Sức con voi lớn chở, con lừa không thể kham.
*
Có vị Tăng hỏi:- Làm sao được thành Phật?
Sư đáp:
- Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, ngay đó được giải thoát.
- Làm thế nào được tương ưng?
- Không nghĩ thiện ác tự thấy Phật tánh.
- Làm sao được chứng Pháp thân?
- Vượt cảnh giới Tỳ-lô.
- Pháp thân thanh tịnh làm sao được?
- Không chấp Phật để cầu.
- Thế nào là Phật?
- Tâm tức là Phật.
- Tâm có phiền não chăng?
- Tánh phiền não tự lìa.
- Đâu không đoạn sao?
- Đoạn phiền não tức gọi Nhị thừa. Phiền não không sanh gọi Đại Niết-bàn.
- Ngồi thiền quán tịnh là làm gì?
- Chẳng cấu chẳng tịnh đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh.
- Thiền sư thấy mười phương hư không là Pháp thân chăng?
- Lấy tâm tưởng nhận, đó là thấy điên đảo.
- Tâm tức là Phật, lại cần tu vạn hạnh chăng?
- Chư thánh đều đủ hai thứ trang nghiêm (phước tuệ) đâu có bác không nhân quả.
Sư lại nói:
-Nay tôi đáp những câu hỏi của ông cùng kiếp không hết, nói nhiều cách đạo càng xa. Cho nên nói: “Thuyết pháp có sở đắc, đây là dã can kêu; thuyết pháp không sở đắc, ấy gọi là sư tử rống.”
*
Có người cư sĩ ở Nam Dương tên Trương Phần đến hỏi:
- Được nghe Hòa thượng nói “vô tình thuyết pháp”, con chưa hiểu được ý này, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Sư đáp:
- Ông nếu hỏi vô tình thuyết pháp, hiểu vô tình kia mới được nghe tôi thuyết pháp. Ông chỉ nghe lấy vô tình thuyết pháp đi!
- Chỉ nhằm hiện nay trong phương tiện của hữu tình, thế nào là nhân duyên của vô tình?
-Hiện nay trong tất cả động dụng, nhưng hai dòng phàm thánh trọn không có ít phần khởi diệt, là ra khỏi thức, không thuộc có không, rõ ràng thấy giác, chỉ nghe không có tình thức buộc chấp kia. Sở dĩ, Lục Tổ nói:“Sáu căn đối cảnh phân biệt mà không phải thức.”
*
Có vị Tăng đến tham lễ, Sư hỏi:
- Ông chứa đựng sự nghiệp gì?
Tăng thưa:
- Giảng kinh Kim Cang.
- Hai chữ rốt đầu kinh là gì?
- Như thị.
- Là gì?
Tăng không đáp được.
*
Có người hỏi Sư:- Thế nào là giải thoát?
Sư đáp:
- Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát.
- Làm sao đoạn được?
- Đã nói với ông các pháp không đến nhau, đoạn cái gì?
*
Vua Túc Tông hỏi:- Thầy được pháp gì?
Sư đáp:- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?
- Thấy.
- Nó do đóng đinh mắc, hay cột dây mắc?
- Thế nào là mười thân của Phật?
Sư đứng dậy hỏi:
- Hội chăng?
- Chẳng hội.
- Đem tịnh bình qua cho Lão tăng.
- Thế nào là Vô tránh tam-muội?
- Đàn việt đi đạp trên đảnh Tỳ-lô.
- Ý này thế nào?
- Chớ nhận thân này, là Pháp thân thanh tịnh.
Vua lại hỏi Sư. Sư đều không nhìn Vua. Vua bảo:
- Trẫm là thiên tử nước Đại Đường, tại sao Thầy không nhìn đến?
Sư đáp:
- Bệ hạ thấy hư không chăng?
- Thấy.
- Hư không có nhìn bệ hạ không?
*
Ngư Quân Dung hỏi:
- Thầy ở núi Bạch Nhai trong mười hai giờ tu thế nào?
Sư gọi một đứa trẻ đến, vò đầu nó, bảo:
- Tỉnh tỉnh hẳn vậy tỉnh tỉnh. Rõ ràng hẳn vậy rõ ràng. Về sau chớ bị người gạt.
Một hôm, Sư hỏi Tử Lân Cung Phụng:- Phật là nghĩa gì?
Phụng thưa:
- Là nghĩa giác.
- Phật từng mê chăng?
- Chẳng từng mê.
- Dùng giác làm gì?
Cung Phụng không thể đáp được, hỏi lại Sư:
- Thế nào là thật tướng?
- Đem hư không lại!
- Hư không đâu thể đem được!
- Hư không còn không thể đem được, hỏi thật tướng làm gì?
*
Sư thấy duyên quá độ sắp mãn, giờ Niết-bàn sắp đến, bèn từ giã vua Đại Tông trở về núi.
Đại Tông hỏi:
- Thầy sau khi diệt độ, đệ tử sẽ làm gì để kỷ niệm?
Sư đáp:
- Bảo đàn việt tạo một ngôi tháp vô phùng.
- Xin Thầy cho họa đồ?
Sư lặng thinh giây lâu hỏi:
- Hội chăng?
- Không hội.
- Bần đạo đi rồi có thị giả hiệu Ứng Chơn sẽ biết việc này.
Ngày mùng chín tháng chạp năm Đại Lịch thứ mười (772 T.L.), Sư nằm nghiêng bên hữu thị tịch. Đệ tử xây tháp cạnh cốc Đảng Tử thờ Sư. Vua sắc ban hiệu là Đại Chứng Thiền sư.