Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

53. Phẩm "Bất Thối Chuyển"

31/08/202021:50(Xem: 6884)
53. Phẩm "Bất Thối Chuyển"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-441



PHẨM "BẤT THỐI CHUYỂN"

Phần sau quyển 448 đến phần đầu quyển 449, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Bất Thối Chuyển”, quyển 325 cho đến

hết quyển 327, Hội thứ I, ĐBN)



Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le


 

 

Gợi ý:

Thông thường, vì một lý do nào đó làm thối thất đạo Bồ đề thì gọi là thối chuyển. Nhưng nếu nguyên nhân đó dù trắc trở, gian nan cách mấy cũng không thể lung lạc, không làm cho Bồ Tát thay lòng đổi dạ thì Bồ Tát ấy được gọi là bất thối chuyển. Đó là lối suy nghĩ cũng như cách diễn đạt của người hiện đại. Nhưng Kinh MHBNBLMĐ quyển thứ 18, phẩm “Bất Thối Chuyển”, Tu Bồ Đề lại bạch Phật:

- “Bạch đức Thế Tôn! Vì bất chuyển mà gọi là bất thối chuyển hay là vì chuyển mà gọi là bất thối chuyển?

- Nầy Tu Bồ Đề! Vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”.

Câu trả lời của Phật: “vì bất chuyển, vì chuyển cũng gọi là bất thối chuyển”, làm chúng ta lẫn lộn với cách nói của người hiện nay. Thế nào là chuyển, thế nào là bất thối chuyển? Lìa hết xấu tức là tốt; lìa hết mê tức là ngộ; ly hết phiền não tức được Bồ đề. Trong một tâm không có hai thứ. Nếu có hai thứ thì có thể nói chuyển từ mê sang ngộ, từ phiền não thành Bồ đề, chuyển phàm thành Thánh. Bát Nhã nói các pháp không có chuyển có xoay. Đó là lý do Phật bảo vì chuyển và vì bất chuyển cũng gọi là bất thối chuyển. Thí dụ trong một lu nước đục, muốn có nước trong, người ta dùng phèn đánh lên, quậy mạnh nhiều lần để lắng lại vài ngày thì có nước trong. Hớt hết nước trong để dùng, nước bẩn đổ đi. Vậy trong lu không phải có hai thứ nước: Nước đục tức nước trong, nước trong tức nước đục. Nếu có hai thứ tức có chuyển, chuyển từ dơ sang sạch hay từ sạch sang dơ.

Tu hành cũng thế chẳng thấy tốt xấu, phàm Thánh, mê ngộ… bổn thể chỉ là một: Bỏ xấu tức tốt, lìa phàm tức Thánh, hết mê tức ngộ. Nếu hiểu như vậy, thì có thể nói “vì chuyển” hay “vì bất chuyển” cũng gọi là bất thối chuyển.

Nói rộng ra, Kinh Phật bảo: “Chúng sanh đã thành Phật từ lâu”. Chỉ cần lìa mê tức giác, cái sẳn có từ trước khi cha mẹ sanh gọi là bản hữu. Vậy, đừng dùng lối suy nghĩ hôm nay để diễn giảng ý của người xưa.

 

Tóm lược:

 

(Thế nào gọi là thối chuyển, thế nào gọi là Bất thối chuyển?)

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chúng con phải do hành động tướng trạng nào mà biết là Bồ Tát Bất thối chuyển?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát có khả năng như thật biết các bậc dị sanh(phàm phu), các bậc Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát, Như Lai. Các bậc như thế tuy nói có khác, mà đối trong các pháp chơn như không biến khác, không phân biệt, đều không hai không hai phần. Bồ Tát này tuy thật ngộ vào các pháp chơn như(cũng gọi là pháp như), mà đối chơn như không sở phân biệt, vì đem vô sở đắc làm phương tiện vậy. Bồ Tát này đã thật ngộ vào các pháp chơn như, tuy nghe chơn như cùng tất cả pháp không hai không riêng mà không trệ ngại. Vì sao? Vì chơn như cùng các pháp chẳng thể nói một, chẳng thể nói khác, chẳng thể nói đồng hay chẳng đồng vậy. Pháp giới cho đến bất tư nghì giới cũng lại như thế. Bồ Tát này trọn chẳng vội vã mà thốt ra lời, những lời nói ra đều dẫn nghĩa lợi, nếu không nghĩa lợi trọn chẳng phát lời. Bồ Tát này trọn chẳng xem tốt xấu hay dở của kẻ khác, bình đẳng thương xót mà vì thuyết pháp. Bồ Tát này chẳng xem chủng tánh tốt xấu của Pháp sư, chỉ cầu pháp sở thuyết nhiệm mầu mà thôi.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển đủ các hành động tướng trạng như thế v.v… Do các hành động tướng trạng như thế nên biết là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Những gì gọi là các hành động tướng trạng?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Các pháp không hành, không trạng, không tướng; phải biết đấy là hành động tướng trạng.(1)

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Nếu tất cả pháp không hành, không tướng, không trạng, đại Bồ Tát này đối pháp nào chuyển nên gọi Bất thối chuyển?

Phật nói :

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển(2). Đối mười hai xứ cho đến mười tám giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối nhĩ tỷ thiệt thân ý xúc làm duyên sanh ra các thọ chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối bố thí Ba la mật chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối nội không chuyển nên gọi Bất thối chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối ngoại không cho đến vô tánh tự tánh không chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối chơn như chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối pháp giới cho đến bất tư nghì giới chuyển nên gọi Bất thối chuyển. Đối với Tứ đế cho đến Vô Thượng Chánh đảng Chánh giác hay nói rộng ra, đối với tất cả pháp Phật chuyển nên gọi là bất thối chuyển. Vì sao?

Thiện Hiện ! Vì tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chẳng chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ Tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

(Do chẳng trụ nên chẳng bị lay chuyển, do chẳng lay chuyển nên được gọi danh là Bồ Tát Bất thối chuyển)

 

Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển quyết không ưa xem hình tướng, nói năng của ngoại đạo, Sa môn, Bà la môn... Vì các Sa môn, Bà la môn… đối với chỗ biết pháp thật tri, thật kiến, hoặc kiến lập pháp môn chánh kiến... điều đó không thể có được.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển đối với Luật tạng đức Phật đã tuyên thuyết không sanh nghi hoặc. Đối với việc thế gian không theo giới cấm thủ(3), không đọa ác kiến, không chấp nhận các việc cát tường(4) của thế tục, chẳng thờ phụng, tế lễ, cúng dường các thiên thần và các ngoại đạo.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế nên biết là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển không đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, A tu la. Cũng không sanh vào dòng họ ti tiện như hàng thịt, gánh thây chết... Cũng không thọ thân không đủ năm căn, biến đổi căn, không hình, hai hình hay nữ nhân. Cũng lại không thọ thân mù điếc, câm ngọng, cùi cụt, hủi lác, v.v...

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thường ưa thích thọ trì mười thiện nghiệp đạo: Tự xa lìa sự giết hại, cũng khuyên người xa lìa sự giết hại, luôn ngợi khen pháp xa lìa giết hại, vui mừng ngợi khen người lìa giết hại. Cho đến tự lìa tà kiến, cũng khuyên người lìa tà kiến, luôn ngợi khen pháp xa lìa tà kiến, vui mừng ngợi khen người xa lìa tà kiến. Đại Bồ Tát này, cho đến trong mộng cũng không phát khởi mười ác nghiệp, huống chi lúc thức.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển khắp vì lợi ích tất cả hữu tình, lấy vô sở đắc làm phương tiện, luôn tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật thường không gián đoạn.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển, đã thọ trì tư duy, đọc tụng: Khế Kinh, Ứng tụng, Ký biệt, Phúng tụng, Tự thuyết, Duyên khởi, Bổn sanh, Bổn sự, Phương quảng, Hy pháp, Thí dụ, Luận nghị, tất cả đều rốt ráo thông thạo, thường ưa bố thí pháp như thế cho tất cả hữu tình và luôn luôn suy nghĩ: Làm sao cho các loài hữu tình nguyện cầu Chánh pháp đều được toại nguyện, lấy vô sở đắc mà làm phương tiện; lại đem thiện căn pháp thí như thế cùng các hữu tình bình đẳng chung có, rồi hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển đối với pháp môn sâu xa của Phật đã thuyết, hoàn toàn không sanh nghi hoặc, do dự. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này không thấy có pháp hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức có thể nghi hoặc, do dự. Như vậy, cho đến không thấy có pháp, hoặc Bồ Tát hạnh, hoặc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thể nghi hoặc, do dự ở trong đó.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp nhu hòa, đối với các hữu tình tâm không ngăn ngại. Luôn luôn thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp nhu hòa. Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển đối với các vật thọ dụng như đồ nằm, y phục đều thường thơm sạch, không có các mùi hôi, cũng không có chí rận dơ bẩn. Thân không tật bệnh, tâm ưa thanh tịnh.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thân tâm thanh tịnh, không phải như thân thường nhân luôn bị tám vạn hộ trùng xâm hại. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát này thiện căn tăng thượng vượt khỏi thế gian, thọ thân hình trong ngoài thanh tịnh, nên không bị các loại trùng xâm phạm. Thiện căn như thế lần lần tăng trưởng. Như vậy, thân tâm càng thanh tịnh. Do đó thân tâm các Bồ Tát này trở nên kiên cố như kim cương, không bị nghịch duyên xâm hại. Đó là các thứ nóng lạnh, đói khát, muỗi mòng, gió nắng, trùng độc, dao gậy và các trói buộc không thể xâm hại được.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển như thế làm sao thanh tịnh được thân, ngữ, ý?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thiện căn như thế lần lần tăng trưởng. Như vậy, thanh tịnh thân, ngữ, ý. Do năng lực thiện căn phát sanh nên đời vị lai tam ác nghiệp hoàn toàn được đoạn trừ. Vì vậy, thường được thanh tịnh thân, ngữ, ý.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này hiện tại có diệu hạnh về ba việc của thân, bốn việc của ngữ, ba việc của ý, nên luôn luôn thanh tịnh thân, ngữ, ý. Do sự thanh tịnh này nên vượt khỏi bậc Thanh văn và Độc giác vào Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, không chứng thật tế, thường muốn thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Do đó, thường được thanh tịnh thân, ngữ, ý, trụ vào ngôi Bồ Tát kiên cố bất động.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển không trọng danh lợi. Đối với các thứ ăn uống, y phục, đồ nằm, phòng nhà, của cải đều không tham đắm. Tuy thọ mười hai công đức Đỗ đa (hạnh Đầu đà) nhưng không kiêu mạn, trong đó hoàn toàn không sanh tâm tương ưng với xan tham, phá giới, giận dữ, lười nhác, tán loạn, ngu si và các thứ phiền não ràng buộc khác.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành tướng động trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển có trí tuệ minh mẫn, giác ngộ sâu xa, lắng nghe Chánh pháp, cung kính tin thọ, chánh niệm tư duy, nghĩa lý rốt ráo. Pháp thế gian và xuất thế gian đã được nghe đều có phương tiện hội nhập nghĩa lý Bát Nhã sâu xa; tạo sự nghiệp thế gian cũng nương Bát Nhã hội nhập pháp tánh, không thấy một việc nào dù nhỏ nhiệm ra ngoài pháp tánh.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

(Ý chí và hành động của Bồ Tát Bất thối chuyển)

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển, dù có bị ác ma khuyến dụ hay dọa dẫm, tâm không động, cũng không lo sợ nghi hoặc, chỉ suy nghĩ: Không có việc đại Bồ Tát được thọ ký Bất thối chuyển mà bị đọa địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, A tu la. Vì sao? Vì ngôi Bồ Tát Bất thối chuyển quyết định không có nghiệp thiện cũng không có nghiệp bất thiện khiến rước lấy quả vui khổ. Chư Phật quyết định không nói lời dối gạt. Như Lai nói ra điều gì đều mang lợi ích an vui cho tất cả hữu tình do tâm đại từ bi lưu xuất.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu có ác ma giả dạng Sa môn đến chỗ Bồ Tát nói như vầy: “Trước kia ông đã nghe: Nên tu bố thí Ba la mật sẽ mau viên mãn; nên tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật sẽ mau viên mãn. Như vậy, cho đến nên chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đã nghe như thế đều là tà thuyết, nên mau bỏ, chớ bảo là chơn thật. Lại nữa, trước kia ông đã nghe: Nên đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác và các đệ tử ở quá khứ, vị lai, hiện tại từ sơ phát tâm cho đến pháp trụ, trong đó có công đức thiện căn, đều sanh tùy hỷ nhóm hợp tất cả, ban cho hữu tình một cách bình đẳng cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đã nghe như thế cũng là tà thuyết nên mau từ bỏ, đừng cho là chơn thật. Ta sẽ dạy ông Phật pháp chơn thật mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Những gì đã nghe trước kia chẳng phải lời chơn thật của Phật. Đó là văn tụng thế gian của người soạn tập để dối gạt. Lời ta nói ra là lời chơn thật của Phật, làm cho ông mau chứng sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nghe lời như thế tâm động, nghi sợ, nên biết Bồ Tát đó chưa được thọ ký Bất thối chuyển. Đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề còn do dự, chưa quyết định, chưa được gọi là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào nghe lời như thế tâm không động, cũng không nghi sợ, chỉ theo pháp tánh vô tác, vô tướng, vô sanh mà trụ. Đại Bồ Tát này có làm việc gì đều không tin, không nghe theo người khác mà tu bố thí Ba la mật; không tin, không nghe theo người khác mà tu tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Cho đến không tin, không nghe theo người khác mà hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nên biết đại Bồ Tát như thế đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề sẽ được Bất thối chuyển.

Thiện Hiện! Như bậc lậu tận A la hán có làm việc gì đều không tin, không nghe lời người, chứng đắc pháp tánh không lầm, không nghi, tất cả ác ma không khuynh đảo được. Như vậy, tất cả Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo, ác ma v.v... không thể phá hoại, đè dẹp tâm Bất thối chuyển, khiến họ thối thất đạo Bồ đề.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này quyết chắc đã trụ bậc Bất thối chuyển, sở hữu sự nghiệp đều tự suy nghĩ, không phải tin người mà làm ngay. Cho đến lời dạy của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác còn không tín thọ, phụng hành ngay, huống nữa tin lời Thanh văn, Độc giác, ngoại đạo, ác ma v.v... Không có việc các Bồ Tát làm việc gì cũng tin người mà làm theo. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này không thấy có pháp có thể tin mà hành. Vì sao? Thiện Hiện! Vì các Bồ Tát này không thấy có sắc có thể tin mà hành; không thấy có thọ, tưởng, hành, thức có thể tin mà hành. Cũng không thấy có sắc như có thể tin mà hành; không thấy thọ, tưởng, hành, thức như có thể tin mà hành. Như vậy, cho đến không thấy quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thể tin mà hành, cũng không thấy quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như có thể tin mà hành.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển, nếu có ác ma giả dạng Bí sô đến chỗ Bồ Tát nói lời như vầy: “Việc làm của các ông là pháp sanh tử, không phải việc làm của Bồ Tát, do đây sẽ không được Nhất thiết trí trí. Nay các ông nên tu đạo hết khổ, mau hết khổ, chứng Niết bàn. Khi ấy ác ma thuyết pháp tương tự đạo sanh tử. Đó là quán tưởng về chín giai đoạn tan rã của thây chết (cửu tưởng quán); hoặc bốn tịnh lự, hoặc bốn vô lượng, hoặc bốn định vô sắc”. Ác ma lại bảo Bồ Tát: “Đây là chơn đạo, chơn hạnh. Ông dùng đạo này, hạnh này sẽ được quả Dự lưu cho đến sẽ được quả Độc giác Bồ đề. Ông nhờ đạo này, hạnh này, nên mau dứt được sanh, lão, bệnh, tử. Cần gì phải chịu khổ sanh tử lâu dài. Hãy tự nghĩ kỹ và bỏ những gì đã tin trước kia”.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này khi nghe lời ác ma nói tâm không động, cũng không kinh sợ, nghi hoặc, mà suy nghĩ như vầy: Nay Bí sô này đem lợi ích cho ta, vì ta mà thuyết đạo pháp tương tự, làm ta hiểu biết đạo này không chứng quả Dự lưu cho đến không chứng Độc giác Bồ đề được, huống chi chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đại Bồ Tát này suy nghĩ vậy rồi, rất vui mừng, lại suy nghĩ tiếp: Nay Bí sô này đem lợi ích cho ta không ít, phương tiện vì ta thuyết pháp chướng đạo, làm ta hiểu biết pháp chướng đạo nên đối với Tam thừa tự tại tu học.

Thiện Hiện! Khi ác ma kia lại nói tiếp: “Khốn thay nam tử! Nay ông muốn thấy các đại Bồ Tát hành việc vô ích chăng? Đó là các chúng đại Bồ Tát trải qua hằng hà sa số đại kiếp, lại đem vô lượng thứ thượng diệu, y phục, thức ăn nước uống, đồ nằm, thuốc thang, của cải, hoa hương, cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen hằng hà sa số chư Phật Thế Tôn. Lại ở chỗ hằng hà sa số chư Phật, tu sáu pháp Ba la mật cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Chúng đại Bồ Tát này cũng thân cận phụng sự hằng hà sa số chư Phật, ở chỗ chư Phật thỉnh hỏi đạo Vô thượng Chánh đẳng giác, hỏi: Thế nào là đại Bồ Tát an trụ đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề? Thế nào là đại Bồ Tát tu hành bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. An trụ pháp nội không cho đến pháp vô tánh tự tánh không. An trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. An trụ tất cả pháp Phật. Như lời chư Phật dạy bảo an trụ tu học trải qua vô lượng kiếp, dõng mãnh tinh tấn, còn không chứng được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, huống chi nay việc tu, việc học của các ông mà chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề được ư”?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này dù nghe lời ma kia nhưng tâm không đổi, không kinh, không sợ, không nghi, không lầm, vui mừng gấp bội và nghĩ: Nay Bí sô này làm nhiều lợi ích cho ta, dùng phương tiện vì ta thuyết pháp chướng đạo, làm ta biết pháp chướng đạo này quyết chắc không chứng được quả Dự lưu cho đến không chứng được quả Độc giác Bồ đề, huống chi chứng được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Khi ác ma kia biết tâm Bồ Tát này không thối lui, không lầm, không nghi, ngay đó giả dạng vô lượng Bí sô bảo Bồ Tát: “Các Bí sô chúng tôi ở quá khứ đều cần cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, trải qua vô lượng kiếp tu hành nhiều hạnh khó hành mà không chứng được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nay đều lui chứng quả A la hán, các lậu đã hết không còn khổ nữa, các ông làm sao chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thấy nghe như vậy rồi, liền suy nghĩ: Quyết chắc là ác ma giả dạng Bí sô này đến nhiễu loạn tâm ta, thuyết đạo pháp chướng ngại tương tự; chắc chắn không có đại Bồ Tát nào tu hành Bát nhã Ba la mật đến ngôi viên mãn, mà không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, lại rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

Bấy giờ, Bồ Tát lại suy nghĩ tiếp: Chắc chắn không có việc đại Bồ Tát tu hành sáu pháp Ba la mật, đến ngôi viên mãn mà không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Cho đến chắc chắn không có việc tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đến ngôi viên mãn mà không chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển luôn suy nghĩ như vầy: Đại Bồ Tát nào như lời chư Phật dạy, tinh tấn tu học, thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng sở nhiếp diệu hạnh bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí; thường đem phương tiện khuyên dẫn các hữu tình tinh siêng tu học sáu pháp Ba la mật. Đại Bồ Tát này quyết định chẳng lui sáu Ba la mật, cho đến quyết định chẳng lui Nhất thiết tướng trí, tất chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển luôn suy nghĩ như vầy: Bồ Tát nào hiểu biết ma sự, không theo ma sự; hiểu biết bạn ác, không theo lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, không theo cảnh giới chuyển. Bồ Tát này quyết định không thối lui sáu pháp Ba la mật. Cho đến quyết định không thối lui Nhất thiết tướng trí, chắc chắn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển nghe Phật Thế Tôn thuyết pháp yếu, sanh tâm vui mừng, cung kính, tin thọ, hiểu biết ý nghĩa rốt ráo, tâm kiên cố hơn kim cương, không thể lay chuyển, không thể tước đoạt. Thường tinh tấn tu học sáu pháp Ba la mật, tâm không nhàm chán, cũng khuyên người khác học sáu pháp Ba la mật, tâm không mệt mỏi.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này chỉ gọi là bất thối chuyển hay cũng gọi là thối chuyển?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này, gọi là bất thối chuyển, cũng được gọi là thối chuyển.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này, vì sao được gọi là bất thối chuyển, vì sao cũng được gọi là thối chuyển?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này, chắc chắn không lui lại bậc Thanh văn, Độc giác v.v... quyết chứng được quả vị Vô Thượng Bồ đề. Do nhân duyên này gọi là bất thối chuyển. Nhưng đối với các pháp có tưởng thối chuyển, nên cũng được gọi là thối chuyển.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đối với pháp nào có tưởng thối chuyển mà cũng gọi là thối chuyển?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối với sắc có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển; đối với thọ, tưởng, hành, thức có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với mười hai xứ, mười tám giới có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với sáu xúc có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với các thọ do sáu xúc làm duyên sanh ra có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với tham, sân, si có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với các kiến thú có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với sáu pháp Ba la mật có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với mười tám  pháp không có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với chơn như có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Nói rộng ra, cho đến đối với tất cả pháp Phật có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển. Đối với các dị sanh, Thanh văn, Độc giác, Bồ Tát và Phật có tưởng thối chuyển nên cũng gọi là thối chuyển.

Nếu, Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này dùng tự tướng không để quán tất cả pháp. Đã vào ngôi Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, cho đến chẳng thấy chút pháp nào có thể đắc. Vì bất khả đắc nên không tạo tác. Vì không tạo tác nên rốt ráo chẳng sanh. Vì rốt ráo không sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn. Do chứng được vô sanh pháp nhẫn này nên gọi là Đại Bồ Tát Bất thối chuyển. (Q.449, ĐBN)

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Có những ác ma đến chỗ đại Bồ Tát này muốn làm cho Bồ Tát nhàm chán bỏ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nói với Bồ Tát: Nhất thiết trí trí ngang bằng với hư không, tự tướng vốn không, lấy vô tánh làm tánh. Các pháp cũng vậy, tự tướng vốn không, lấy vô tánh làm tánh, ngang bằng với hư không, như vậy tất cả ngang cùng hư không. Trong tánh tướng không ấy, không có pháp nào được gọi là năng chứng, cũng không pháp nào có thể gọi là sở chứng, chỗ chứng, thời chứng và do đây mà chứng, tất cả đều bất khả đắc. Biết tánh tướng tất cả pháp đều không và ngang bằng với hư không rồi, vì sao các ông luống chịu khổ cực cần cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Trước đây, các ông đã nghe các chúng Bồ Tát cần cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, đều là lời ma nói, chẳng phải lời Phật. Các ông nên bỏ đại nguyện Bồ đề, đừng vì lợi lạc của tất cả hữu tình mà tự chịu khổ cực lâu dài. Dù hành các thứ khổ hạnh khó hành mong cầu Bồ đề nhưng rốt cuộc không thể đắc, vì sao các ông luống chịu nhọc nhằn?

Thiện Hiện! Khi nghe những lời quở trách này rồi, các đại Bồ Tát này luôn quán sát suy nghĩ kỹ lời nói của ác ma này: Họ muốn phá hoại và làm thối lui tâm Bồ đề của ta. Ta nay chẳng nên tin nhận lời họ nói. Mặc dù tất cả pháp ngang đồng với hư không, tánh tướng đều không. Nhưng các hữu tình chẳng biết, chẳng thấy chịu nhiều kiếp sanh tử, do điên đảo buông lung nên chịu nhiều khổ não. Ta phải mang giáp mũ công đức: Tánh tướng đều không như hư không, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, vì các hữu tình thuyết pháp tương ưng khiến họ giải thoát khổ lớn sanh tử, chứng được quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hoặc quả A la hán, hoặc Độc giác Bồ đề, hoặc chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát này từ sơ phát tâm đã nghe pháp đây, nơi tâm kiên cố chẳng lay chẳng chuyển. Nương vào tâm kiên cố chẳng lay chuyển này luôn tu hành đúng bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật. Do sáu Ba la mật này, vị ấy viên mãn theo từng phần. Nhập vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, lại chính tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tiến, tĩnh lự, Bát nhã Ba la mật. Do đây được trụ bậc Bất thối chuyển. Vậy nên, các ác ma dù làm các phương tiện để thối hoại mà chẳng thể thối Bồ đề tâm mà Bồ Tát phát nguyện.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này vượt các bậc Thanh văn, Độc giác v.v… tất cả ma sự chẳng thể thối chuyển sở cầu Vô Thượng Bồ đề, nên gọi tên Bất thối chuyển. Xa lìa tất cả sở chấp hư vọng phân biệt các pháp bậc Nhị thừa đây, nên cũng gọi tên Thối chuyển. Nên Bồ Tát đây được hai thứ tên, chẳng phải như các ngôi khác chỉ có tên thối chuyển.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển muốn nhập vào sơ tịnh lự cho đến đệ tứ tịnh lự liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào Từ vô lượng cho đến Xả vô lượng liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào định Không vô biên xứ cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào ba mươi bảy pháp trợ đạo liền vào ngay. Muốn nhập vào sơ giải thoát cho đến diệt tưởng thọ giải thoát liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào sơ thắng xứ cho đến thắng xứ thứ tám liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào định sơ tịnh lự cho đến định diệt thọ tưởng liền tùy ý vào được ngay. Muốn nhập vào sơ biến xứ cho đến biến xứ thứ mười liền tùy ý vào ngay. Muốn nhập vào ba pháp môn giải thoát liền tùy ý vào ngay. Muốn phát khởi năm thần thông liền tùy ý phát khởi.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tuy nhập vào bốn tịnh lự cho đến phát khởi năm thần thông nhưng chẳng thọ quả ấy. Do nhân duyên này nên chẳng theo tịnh lự, vô lượng mà sanh, cho đến thế lực của diệt định và các công đức khác mà sanh. Cũng chẳng chứng quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, hoặc Độc giác Bồ đề. Vì muốn lợi lạc các hữu tình nên tùy theo ý muốn thọ thân ở nơi nào thì sở nguyện ấy đều được như ý.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thành tựu tác ý Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề, luôn không xa lìa tâm Bồ đề. Chẳng ưa chuộng sắc, chẳng ưa chuộng thọ, tưởng, hành, thức. Chẳng quý trọng mười hai xứ cho đến mười tám giới. Chẳng quý trọng nhãn xúc cho đến ý xúc. Chẳng quý trọng các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra cho đến các thọ do ý xúc làm duyên sanh ra. Chẳng quý trọng các tướng, chẳng quý trọng chỗ nương tựa, chẳng quý trọng bạn giúp đỡ. Chẳng quý trọng bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Chẳng quý trọng mười tám không. Chẳng quý trọng chơn như cho đến bất tư nghì giới. Chẳng quý trọng bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn vô sắc định. Chẳng quý trọng bốn niệm trụ cho đến tám Thánh đạo chi. Chẳng quý trọng tám giải thoát, tám thắng xứ, chín thứ đệ định, mười biến xứ. Chẳng quý trọng không, vô tướng, vô nguyện giải thoát môn. Chẳng quý trọng bốn Thánh đế. Chẳng quý trọng thập địa. Chẳng quý trọng năm nhãn, sáu thần thông. Chẳng quý trọng Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Chẳng quý trọng pháp vô vong thất, tánh hằng trụ xả. Chẳng quý trọng Đà la ni, Tam ma địa môn. Chẳng quý trọng Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Chẳng quý trọng Thanh văn địa, Độc giác địa, Bồ Tát địa, Như Lai địa. Chẳng quý trọng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Chẳng quý trọng tất cả Bồ Tát hạnh, chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Chẳng quý trọng thấy nhiều chư Phật. Chẳng quý trọng sự gieo trồng các căn lành. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này hiểu rõ tất cả pháp: Tánh tướng đều không, ngang bằng với hư không và hoàn toàn bất khả đắc. Chẳng thấy có pháp nào để sanh quý trọng. Năng sanh, sở sanh, thời sanh, chỗ sanh hay do đây mà sanh đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả pháp này ngang bằng với hư không, tự tướng vốn không, lấy vô tánh làm tánh.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thành tựu tác ý Vô thượng Bồ đề, thường chẳng xa lìa tâm Bồ đề. Bốn oai nghi của thân, ra vào qua lại, đưa chân cất bước, tâm không tán loạn, oai nghi đi đứng ngồi nằm tiến dừng thao tác, làm việc đều trụ trong chánh niệm.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Vì muốn làm lợi ích cho các hữu tình, nên phương tiện thiện xảo thị hiện sống tại gia như người thường, dù hưởng thụ năm thứ dục lạc nhưng trong ấy chẳng sanh đắm nhiễm, đều vì giúp ích cho các hữu tình. Nghĩa là vì các hữu tình cần ăn cho ăn, cần uống cho uống, cần y cho y, cần xe cho xe. Cho đến tất cả vật chất cần dùng đều cung cấp đầy đủ để họ được như ý.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tự hành bố thí Ba la mật, cũng khuyên người hành bố thí Ba la mật, thường khen ngợi pháp hành bố thí Ba la mật, hoan hỷ tán thán người hành bố thí Ba la mật. Cho đến tự hành Bát nhã Ba la mật, cũng khuyên người hành Bát nhã Ba la mật, thường khen ngợi pháp hành Ba la mật, hoan hỷ tán thán người hành Bát nhã Ba la mật.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thị hiện sống tại gia, dùng sức thần thông, hoặc năng lực đại nguyện nắm giữ các thứ của cải bảy báu đầy cả châu Thiệm bộ, cho đến đầy thế giới Tam thiên đại thiên, dùng để cúng dường Phật, Pháp, Tăng bảo và bố thí cho các hữu tình nghèo khổ.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thị hiện ở tại gia, nhưng thường tu phạm hạnh, quyết không thọ dụng các cảnh dục lạc. Tuy đang hưởng thụ các thứ quí báu, nhưng trong ấy chẳng sanh đắm nhiễm. Vả lại với khi nhiếp thọ các đồ dục lạc và của báu, trọn chẳng bức bách các loại hữu tình khiến sanh sầu khổ.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển được thần Dược xoa cầm chày kim cang thường âm thầm theo hai bên gia hộ, nghĩ: Đại Bồ Tát này chẳng bao lâu sẽ chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Ta nguyện luôn âm thầm theo hộ vệ, cho đến khi vị ấy chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thường có năm bộ thần cầm chày kim cang theo sát bảo vệ không lúc nào rời bỏ. Loài phi nhơn v.v… không thể hại được, các trời Ma Phạm và các thế gian cũng không ai có thể dùng phép phá hoại tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Do nhân duyên này, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thân tâm an ổn thường không rối loạn. Năm căn thế gian của đại Bồ Tát này thường không khuyết giảm, đó là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Năm căn xuất thế gian gồm lòng tín, tinh tấn, niệm, định, tuệ cũng không khuyết giảm. Thân thể của đại Bồ Tát này viên mãn, tướng hảo trang nghiêm. Các công đức của tâm niệm tăng tiến cho đến chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thường làm thượng sĩ, chẳng làm hạ sĩ.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Vì sao nói đại Bồ Tát này thường làm thượng sĩ, chẳng làm hạ sĩ?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả phiền não của đại Bồ Tát này không còn hiện tiền, công đức tăng tiến trong từng sát na cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Bất cứ lúc nào tâm cũng không tán loạn. Thế nên, ta nói thường làm thượng sĩ, chẳng làm hạ sĩ.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thành tựu tác ý Vô thượng Bồ đề, thường không xa lìa tâm Bồ đề. Luôn tu thanh tịnh thân mạng, không hành chú thuật, y dược, xem bói và các việc tà mạng. Chẳng dùng chú thuật của các quỷ thần nhập vào nam nữ hỏi điềm tốt xấu; cũng chẳng dùng chú cấm cho nam nữ lớn nhỏ, bàng sanh, quỷ thảy hiện ra việc hiếm có. Cũng chẳng xem tướng, tuổi thọ dài ngắn, tiền tài, địa vị và các việc thiện ác. Cũng chẳng đoán trước lạnh nóng, được mùa mất mùa, lành dữ tốt xấu làm não loạn mê hoặc hữu tình. Cũng chẳng dùng chú cấm hòa hợp thuốc thang, trị bệnh tà đạo, kết hảo với quý nhân. Cũng không vì người làm sứ mạng thông giao, hiện tướng thân hữu, theo lợi cầu danh. Chẳng nhiễm tâm nhìn ngắm nam nữ, nói cười đùa giỡn, huống có những việc khác. Cũng chẳng cung kính cúng dường quỷ thần. Thế nên ta nói thường làm thượng sĩ, chẳng làm hạ sĩ. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này biết tất cả pháp tánh tướng đều không, trong tánh tướng không ấy, không thấy có tướng. Vì không thấy tướng nên xa lìa các tội tà mạng, chú thuật, y dược, xem tướng; chỉ cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thường làm lợi ích cho các hữu tình mà thôi.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! đối với các văn chương, kỹ nghệ thế gian, tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển tuy rất thiện xảo nhưng chẳng ưa đắm. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này thấu rõ tánh tướng tất cả pháp đều không. Trong tánh tướng không này, thế gian có được bao thứ văn chương kỹ nghệ đều chẳng nắm bắt được. Vả lại văn chương, kỹ nghệ thế gian đều là thứ tạp uế, thuộc về tà mạng. Thế nên Bồ Tát biết mà chẳng làm.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tuy biết rất giỏi thơ luận thế tục, ngoại đạo, nhưng chẳng đắm trước. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này thấu rõ tất cả pháp đều rốt ráo không. Trong rốt ráo không ấy, tất cả thơ luận đều chẳng nắm bắt được. Vả lại, phần nhiều sự lý đã nói trong các thơ luận của thế tục và ngoại đạo có thêm bớt, không phù hợp Bồ Tát đạo, đều thuộc vào những lời hý luận tạp uế, nên các Bồ Tát biết mà chẳng ưa.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển còn có những hành động tướng trạng khác nữa để nhận biết. Ta sẽ phân biệt giải nói. Ông hãy lắng nghe, suy nghĩ cho kỹ.

Thiện Hiện thỉnh:

- Cúi xin Đức Thế Tôn nói cho. Đại chúng, chúng con dốc lòng muốn nghe!

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển tu hành Bát nhã Ba la mật hiểu rõ các pháp đều vô sở hữu, nhưng không xa lìa tác ý Bồ đề. Chẳng ưa xem xét luận nói về các uẩn, xứ, giới. Vì sao? Vì đại Bồ Tát đối với lý uẩn, xứ, giới, tánh tướng đều không, đã suy nghĩ rốt ráo và thông suốt hoàn toàn. Đại Bồ Tát này chẳng ưa xem xét luận nói về việc quần chúng. Vì sao? Vì đối với tất cả quần chúng, tánh tướng đều không, Đại Bồ Tát này đã suy nghĩ rốt ráo và thông suốt rốt ráo. Đại Bồ Tát này chẳng ưa xem xét luận nói về việc vua. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ bản tánh không, chẳng thấy có chút pháp nào có tướng hơn thua sang hèn. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc giặc. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ tự tướng không, chẳng thấy chút pháp có tướng được mất, ban cho hay cướp đoạt. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc quân. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ bản tánh không, không thấy tướng các pháp có nhiều có ít nhóm tan vậy. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc chiến tranh. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này an trụ hoàn toàn vào chơn như tất cả pháp không, chẳng thấy chút pháp tướng có mạnh yếu thương giận. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc thành ấp. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ vào không của hư không giới, chẳng thấy chút pháp tướng có thuộc chẳng thuộc, tốt hay xấu. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về chuyện xóm làng. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ tất cả pháp không, chẳng thấy có chút pháp tướng có thêm có bớt hợp lìa vậy. Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc quốc độ. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này an trụ thật tế, chẳng thấy tướng các pháp có nhiếp thuộc chẳng nhiếp thuộc đây kia vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc của ta, hữu tình cho đến người biết, người thấy. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này trụ rốt ráo không, hoàn toàn không thấy tướng sai khác của ta cho đến người thấy hoặc có, hoặc không.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc tướng hảo. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này hoàn toàn an trụ vô tướng, không thấy các pháp có tướng đẹp, tướng xấu khác nhau.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này chẳng muốn xem xét luận nói về việc thế gian như vậy v.v... chỉ ưa xem xét luận nói về Bát nhã Ba la mật. Vì sao? Vì Bát Nhã thâm sâu, xa lìa các tướng, chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Bồ Tát này thường không xa lìa tác ý tương ưng Nhất thiết trí trí, tu hành bố thí Ba la mật, lìa xan tham. Tu hành tịnh giới Ba la mật, lìa phá giới. Tu hành an nhẫn Ba la mật, lìa giận dữ. Tu hành tinh tấn Ba la mật, lìa biếng nhác. Tu hành tịnh lự Ba la mật, lìa tán loạn, dao động. Tu hành Bát nhã Ba la mật, lìa ác tuệ.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tuy hành tất cả pháp là không nhưng ưa muốn Chánh pháp, chẳng ưa phi pháp, hằng nguyện làm lợi ích cho tất cả hữu tình.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tuy hành bất khả đắc không, nhưng thường khen ngợi công đức Tam bảo, làm lợi ích an vui cho tất cả hữu tình.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này tuy hành tướng chơn như các pháp và pháp giới đồng một vị, nhưng thích khen ngợi các loại công đức của chơn như, pháp giới.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này biết các pháp rốt ráo đều không, nhưng lại mến bạn lành, chẳng mến bạn ác. Bạn lành là chư Phật, Bồ Tát, hoặc các Thanh văn, Độc giác thừa v.v... có thể giáo hóa và an lập hữu tình một cách hoàn hảo, khiến họ hướng tới quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên cũng gọi là bạn lành.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thường ưa gần gũi tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, nếu nghe Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở thế giới khác liền dùng nguyện lực sanh qua thế giới ấy, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen, lắng nghe và lãnh thọ chánh pháp.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này hoặc ngày, hoặc đêm thường không xa lìa tác ý niệm Phật, thường không xa lìa tác ý nghe pháp. Do nhân duyên này dù đức Phật Thế Tôn hiện đang thuyết chánh pháp ở quốc độ nào, vị ấy liền nương vào nguyện lực sanh đến nước đó, hoặc dùng thần thông đến đó nghe pháp. Do nhân duyên ấy mà các Bồ Tát này đời đời kiếp kiếp dù sanh đến chỗ nào cũng chẳng xa Phật, thường được nghe chánh pháp không gián đoạn.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này luôn vì lợi lạc các hữu tình, nên dù thường hiện khởi sơ tịnh lự cho đến định Phi tưởng phi phi tưởng xứ nhưng vẫn phương tiện thiện xảo khởi sanh tâm về cõi Dục, để dạy mười thiện nghiệp đạo cho các hữu tình, cũng tùy theo nguyện lực sanh vào quốc độ hiện có đức Phật thuộc cõi Dục để cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và lắng nghe chánh pháp, tu các hạnh thù thắng.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển thường tu bố thí cho đến Bát nhã Ba la mật. Thường hành pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không. Thường hành chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Thường hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Thường tu bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo. Thường tu bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Thường tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Thường tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Thường tu năm loại mắt, sáu phép thần thông. Thường tu tất cả pháp môn Đà la ni, Tam ma địa. Thường tu Phật mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Thường tu pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Thường tu Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Thường tu Bồ Tát hạnh. Thường tu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thường đối với tự địa(5) mình tu không khởi nghi: Ta là bậc Bất thối chuyển, ta không phải bậc Bất thối chuyển. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này chẳng thấy có chút pháp nào để nói là có thối chuyển, hoặc không thối chuyển đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đối pháp tự địa không lầm không nghi. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này đối với pháp tự địa đã hiểu một cách rốt ráo, đã thông suốt hoàn toàn.

Thiện Hiện! Như bậc Dự lưu trụ quả Dự lưu không nghi hoặc đối với pháp của chính quả ấy; bậc Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Bồ Tát và các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều trụ quả của riêng mình và cũng không nghi hoặc đối với pháp của chính quả ấy. Đại Bồ Tát này cũng như vậy, đối với các pháp thuộc địa vị Bất thối chuyển mà chính vị ấy đang trụ thì biết rõ, thấy rõ, không còn mê hoặc nghi ngờ.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát trụ trong địa vị này để thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, tu các công đức. Nếu có việc ma khởi lên liền được giác tri nhưng không theo thế lực của việc ma mà chuyển đổi. Có thể đánh dẹp hoàn toàn các việc ma làm cho công đức tu hành không bị chướng ngại.

Thiện Hiện! Như có người tạo nghiệp vô gián, tâm vô gián kia luôn đeo đuổi vị ấy cho đến lúc mạng chung cũng chẳng rời bỏ. Vì sao? Thiện Hiện! Vì nó hay phát sanh để tạo nghiệp vô gián, do thế lực tăng thêm, nên chuyển biến cho đến khi qua đời cũng không thể chế phục nổi. Giá như có tâm tốt khác cũng không thể ngăn chặn được. Đại Bồ Tát này cũng như thế, khi an trụ địa vị tự chứng, tâm chẳng dao động và không có sự phân biệt, nên không bị trời, người, A tu la v.v... trong thế gian xoay chuyển được. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tâm đại Bồ Tát này vững vàng, vượt qua trời, người, Ma vương, Phạm thiên vương, A tu la v.v... trong thế gian, đã nhập vào ngôi Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, trụ bậc Bất thối, đã được thần thông thù thắng của Bồ Tát để thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cúng dường cung kính, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn và các đệ tử Phật, lắng nghe chánh pháp, ở chỗ chư Phật gieo trồng căn lành, thỉnh hỏi pháp nghĩa mà Bồ Tát đã học.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này an trụ địa vị tự chứng tu hành Bát nhã Ba la mật và các pháp lành. Nếu có việc ma hiện ra liền biết, quyết không chuyển đổi, dùng phương tiện thiện xảo diệt trừ, còn đối với pháp tự chứng cũng không mê hoặc, nghi ngờ. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này biết tất cả pháp đều vào thật tế, thông suốt thật tế chẳng phải một, chẳng phải nhiều. Ở trong thật tế không có sự phân biệt, vì không còn mê hoặc, nghi ngờ đối với thật tế, đối với pháp tự chứng cũng không còn do dự.

Thiện Hiện! Nếu có chuyển thân thọ sanh thì đại Bồ Tát này cũng chẳng thối lui đối với thật tế, quyết không phát khởi tâm hướng tới Thanh văn, Độc giác. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này biết tự tướng tất cả pháp đều không. Trong cái không này, chẳng thấy có pháp nào hoặc sanh, hoặc diệt, hoặc nhiễm, hoặc tịnh.

Thiện Hiện! Cho đến khi chuyển thân đại Bồ Tát này cũng chẳng nghi ngờ: Ta sẽ được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề hay không được. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thông suốt tự tướng tất cả pháp đều không, tức là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này an trụ địa vị tự chứng chẳng theo duyên bên ngoài. Đối với pháp tự chứng không ai có thể phá hoại được. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thành tựu trí không dao động, trí không thối chuyển, tất cả ác duyên không thể khuynh đảo được.

Thiện Hiện! Nếu có ác ma giả hình tướng Phật đi đến chỗ Bồ Tát này mà nói: “Nay ông nên cầu quả A la hán, chấm dứt các lậu, chứng nhập Niết bàn. Ông chưa được thọ ký đại Bồ đề, cũng chưa chứng được vô sanh pháp nhẫn. Nay ông chưa thành tựu đủ các bậc Bất thối chuyển, Như Lai không thể thọ ký Vô thượng Bồ đề cho ông. Ông phải thành tựu đủ các bậc Bất thối chuyển mới có thể mong chư Phật thọ ký Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề”.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này nghe những lời này rồi, tâm không thay đổi, không thối lui, không sửng sốt, không sợ hãi. Đại Bồ Tát này phải tự chứng biết: Chắc chắn ta đã được chư Phật Thế Tôn trong quá khứ thọ ký. Vì sao? Vì Bồ Tát đã thành tựu các thắng pháp như vậy thì nhất định chư Phật Thế Tôn sẽ thọ ký đại Bồ đề.

Thiện Hiện! Đối với đại Bồ Tát này, nếu có ác ma hoặc sứ giả ma giả làm Phật đến chỗ Bồ Tát này và thọ ký bậc Thanh văn cho Bồ Tát, hoặc thọ ký bậc Độc giác cho Bồ Tát, bảo Bồ Tát: Thiện nam tử! Ông cần gì quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà chịu khổ lớn lâu dài, luân hồi sanh tử, hãy mau chứng vô dư Niết bàn, hãy chấm dứt sanh tử, an vui rốt ráo. Đại Bồ Tát nghe lời ấy rồi, bèn nghĩ: Chắc chắn đây là ác ma hoặc sứ giả của ma giả làm Phật để quấy nhiễu tâm ta, thọ ký cho ta bậc Thanh văn và Độc giác, khiến ta thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì nhất định không có chư Phật nào dạy các Bồ Tát hướng tới Thanh văn hoặc bậc Độc giác mà lìa bỏ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thiện Hiện! Đối với đại Bồ Tát này, nếu có ác ma hoặc sứ giả của ma giả hình tướng Phật nói với Bồ Tát: “Kinh điển Đại thừa mà ông đã thọ trì chẳng phải Phật thuyết, cũng chẳng phải đệ tử Phật thuyết. Đó là các ác ma, hoặc các ngoại đạo vì dối gạt ông nên nói như thế. Ông không nên thọ trì, đọc tụng”. Đại Bồ Tát này nghe lời ấy rồi, bèn nghĩ: Chắc chắn đây là ác ma hay quyến thuộc của ma khiến ta chán bỏ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề đã cầu, nên nói Kinh điển Đại thừa sâu xa kia chẳng phải Phật thuyết, cũng không phải đệ tử Như Lai đã thuyết. Vì sao? Vì lìa Kinh điển này mà có thể chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì chắc chắn không có lẽ đó.

Thiện Hiện nên biết: Đại Bồ Tát này đã an trụ bậc Bất thối chuyển, được chư Phật quá khứ thọ ký đại Bồ đề lâu rồi. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thành tựu đầy đủ các hành động tướng trạng của bậc Bất thối chuyển.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Khi hành Bát Nhã thâm sâu, tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển nhiếp thọ chánh pháp, hộ trì chánh pháp chẳng tiếc thân mạng, huống gì của cải bà con. Đại Bồ Tát này thường nghĩ: Ta thà lìa bỏ bà con, bạn bè, của cải và thân mạng mình, quyết không lìa bỏ chánh pháp của chư Phật. Vì sao? Vì bà con, bạn bè, của cải và thân mạng mình đời đời thường có, rất là dễ được. Còn chánh pháp của chư Phật trăm ngàn muôn ức kiếp mới được gặp một lần. Gặp được chánh pháp đã lâu, được lợi lạc lớn nên ta nhất định phải siêng năng hộ trì.

Thiện Hiện! Khi hộ trì chánh pháp đại Bồ Tát này phải nghĩ: Ta không những hộ trì chánh pháp của một hay hai đức Phật cho đến trăm ngàn đức Phật, mà còn hộ trì chánh pháp của tất cả chư Phật khắp mười phương ba đời làm cho chánh pháp không bao giờ bị tổn giảm.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Những gì là chánh pháp chư Phật? Tại sao đại Bồ Tát này hộ trì chẳng tiếc thân mạng?

 

(“Pháp không” là chánh pháp của chư Phật)

 

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, giác ngộ đã nói tất cả pháp không. Như vậy gọi là chánh pháp của chư Phật. Có hạng ngu si chê bai hủy báng: Đây chẳng phải pháp, chẳng phải Tỳ nại da, chẳng phải Thánh giáo mà đấng Thiên Nhân Sư đã nói. Tu hành pháp này chẳng chứng quả vị Vô thượng Bồ đề, chẳng chứng Niết bàn rốt ráo an vui.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này hộ trì pháp này chẳng tiếc thân mạng, thường nghĩ: Chư Phật đã nói: Tất cả pháp không là chỗ quay về nương tựa của các hữu tình. Bồ Tát tu học pháp này mau chứng quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Bồ đề, cứu các hữu tình khỏi sanh, lão, bệnh, tử, giúp họ đạt được Niết bàn an vui rốt ráo. Nên phải hộ trì chẳng tiếc thân mạng.

Lại suy nghĩ: Ta cũng ở trong số các đức Phật tương lai. Đức Phật đã thọ ký đại Bồ đề cho ta. Do nhân duyên này, chánh pháp của chư Phật tức là chánh pháp của ta, ta phải hộ trì, chẳng tiếc thân mạng. Ở đời vị lai khi thành Phật ta cũng sẽ vì hữu tình thuyết các pháp Không như vậy.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này thấy được lợi ích và ý nghĩa việc hộ trì chánh pháp mà Như Lai đã thuyết nên chẳng tiếc thân mạng, cho đến quả vị Vô thượng Bồ đề thường không lười bỏ.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Lại nữa, Thiện Hiện! Tất cả đại Bồ Tát Bất thối chuyển nghe chánh pháp mà các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã thuyết không có mê hoặc, nghi ngờ. Nghe rồi thọ trì, thường không quên mất, cho đến khi chứng được quả vị Vô thượng Bồ đề. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này đã chứng được Đà la ni một cách rốt ráo.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đã chứng được những Đà la ni nào mà nghe chánh pháp của các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã thuyết không có mê hoặc, nghi ngờ, nghe rồi thọ trì không quên mất?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này đã được Vô tận tạng Đà la ni, Hải ấn Đà la ni, Liên hoa chúng tạng Đà la ni v.v... nên nghe các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết chánh pháp không có mê hoặc, nghi ngờ, nghe rồi thọ trì thường chẳng quên mất.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Đại Bồ Tát này chỉ nghe chánh pháp của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thuyết không có mê hoặc, nghi ngờ, nghe rồi thọ trì thường chẳng quên mất; hay còn nghe chánh pháp Bồ Tát, Độc giác, Thanh văn, trời, rồng, Dạ xoa, A tu la v.v... thuyết cũng không mê hoặc, nghi ngờ, nghe rồi thọ trì thường chẳng quên mất?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát này nghe tất cả âm thanh, ngôn ngữ, văn tự, nghĩa lý của tất cả hữu tình và hiểu rõ được hết, không có mê hoặc, nghi ngờ, đến tận cùng đời vị lai cũng chẳng quên mất. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này đã được Vô tận tạng Đà la ni v.v... giữ gìn điều đã thuyết làm cho không quên mất.

Thiện Hiện! Bồ Tát nào thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Thích nghĩa:

(1). Cũng cùng một ý như vậy, nhưng Kinh MHBNBLMĐ do Ngài Cưu Ma La Thập diễn tả rõ ràng hơn:

Ngài Tu Bồ Đề bạch Phật: Bạch thế Tôn! Dùng hạnh như thế nào, loại như thế nào, tướng mạo như thế nào, để biết Bồ Tát nào đã được bất thối chuyển?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát, ở nơi hết thảy pháp, chẳng có hạnh (vô hạnh), chẳng có loại (vô loại), chẳng có tướng mạo (vô tướng mạo), thì phải biết đó là bậc Bồ Tát bất thối chuyển.

(2). Đoạn Kinh ghi đậm nét này được HT Thích Trí Nghiêm trong tuvienquangduc.com, dịch như sau:

Bấy giờ, Thiện Hiện lại thưa Phật rằng: Những gì gọi là các hành trạng tướng?

Phật nói:

- Thiện Hiện! Các pháp không hành, không trạng, không tướng; phải biết đấy là hành trạng tướng.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Nếu tất cả pháp không hành trạng tướng, Bồ Tát Ma ha tát này đối pháp nào chuyển nên gọi Bất thối chuyển ?

Phật nói :

- Thiện Hiện! Bồ Tát Ma ha tát này đối sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển, đối thọ tưởng hành thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển”.

- Nguyên văn đoạn Kinh trên bằng chữ Hán trong hoavouu.com, như sau:

nhĩ thời thiện hiện phục bạch Phật ngôn đẳng danh vi chư hành trạng tương/tướng

Phật ngôn

thiện hiện chư pháp hành trạng tướng đương tri thị vi chư hành trạng tương/tướng

cụ thọ thiện hiện phục bạch Phật ngôn

nhược nhất thiết pháp hành trạng tương/tướng thị Bồ Tát Ma Ha Tát ư chuyển cố danh bất 退thối chuyển

Phật ngôn.

thiện hiện thị Bồ Tát Ma Ha Tát ư sắc chuyển cố danh bất 退thối chuyển ư thọ tưởng hành thức chuyển cố danh bất 退thối chuyển”

- Bản dịch đã nhuận văn trong thuvienhoasen.org và quangduc.com, cũng dịch như trên.

Cả ba bản dịch trên (tuvienquangduc.com, thuvienhoasen.org và quangduc.com) không có gì sai khác. Chỗ làm thắc mắc là câu trả lời của Phật: “Đại Bồ Tát này đối với sắc chuyển nên gọi Bất thối chuyển; đối với thọ, tưởng, hành, thức chuyển nên gọi Bất thối chuyển”.

Thông thường nói đối với sắc bị lôi cuốn, sa ngã thì gọi là thối chuyển. Nhưng nếu dịch “đối với sắc chuyển nên gọi là bất thối chuyển” trở thành khó hiểu. Đó là điểm làm chúng ta thắc mắc. Động từ “chuyển” ở đây tùy theo điều kiện hay tình trạng tốt hay xấu mà trở thành thối chuyển hay bất thối chuyển! Hội thứ I cũng dịch như vậy, Hội này và các Hội kế tiếp dịch như vậy, nên chúng tôi cũng ghi lại như vậy. Xin xác định dịch như vậy không có gì sai quấy cả.

Nhưng cuối đoạn Kinh này, Phật bảo: “Vì tự tánh sắc vô sở hữu, tự tánh thọ tưởng hành thức vô sở hữu. Như vậy, cho đến tự tánh chư Phật Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề vô sở hữu. Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chẳng chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu đại Bồ Tát có khả năng biết như thế, đấy gọi Bồ Tát Bất thối chuyển”. Đối với tất cả pháp mà chẳng trụ, nên gọi là chẳng chuyển. Vì sao chẳng trụ? Vì tất cả pháp là biến hoại vô thường tức là không, thì bám trụ làm gì? Do không bám trụ, nên chẳng chuyển thì gọi là Bất thối chuyển. Câu trả lời của Phật cũng xác định như vậy: “Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chẳng chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển”. Đó là tư tưởng của người xưa.

Đoạn Kinh này đã được thích nghĩa rồi trong phẩm “Bất Thối Chuyển”, phần sau quyển 325 đến hết quyển 327, Hội thứ I, ĐBN. Ở đây, được lặp lại một lần nữa để tránh thắc mắc!

Quyển 448, phẩm “Bất Thối Chuyển”, Hội thứ II, ĐBN. Thiện Hiện bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này chỉ gọi là bất thối chuyển hay cũng gọi là thối chuyển?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này, gọi là bất thối chuyển, cũng được gọi là thối chuyển”.

Câu trả lời của Phật sau cùng cho biết Bất thối chuyển này được gọi là bất thối chuyển hay cũng gọi là thối chuyển, nghĩa là gọi thối chuyển hay bất thối chuyển cũng được. Tại sao? Chẳng có gì gọi là chuyển hay chẳng chuyển. Hết xấu tức là tốt, hết mê tức ngộ, hết phiền não tức Bồ đề. Sanh tử Niết bàn chỉ là một, Bồ Tát chúng sanh không hai, triền phược, tội phước cũng vậy như đã gợi ý  ở trên.

Chuyển hay bất thối chuyển, được hay mất, thành hay bại, đắc hay vô đắc… trong một tâm chẳng có gì khác, tất cả cũng chỉ là danh tự, ngôn thuyết thế gian. Lìa triền phược(trói buộc) tức giải thoát, diệt hết tội lỗi thì gọi là thánh nhân. Chả có gì là chuyển hay bất thối chuyển ở đây, mỗi người chỉ có một tâm: Hết nhiễm tức tịnh, hết xấu tức tốt. Vào được Bát nhã Ba la mật biết tất cả pháp là không rồi thì không trụ, không trụ thì không chuyển. Nên Kinh MHBNBLMĐ, trong phẩm “A Bệ Bạt Trí”(Bất Thối Chuyển), Phật dạy: “Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát ở trong sắc mà chuyển... dẫn đến ở trong Vô Thượng Bồ đề mà chuyển, thì gọi là Bồ Tát bất thối chuyển. Vì sao? Vì sắc là tánh không... dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề là tánh không, thì Bồ Tát đâu có chỗ nào để trú!”

 (3). Giới cấm thủ: Ôm cứng những giới luật và cho là đúng mặc dù được người khác cho là sai lầm nhưng không nghe, không theo.

(4). Cát tường: Điềm lành. Trong bói toán, đoán mộng, xem sao, gieo quẻ v.v… nói về điềm lành dữ.

(5). Tự địa: Tu trị địa nghiệp mà mình đang tu. Bồ Tát thập địa, ở mỗi địa Bồ Tát phải tu tất cả pháp của địa vị ấy, như Bồ Tát trụ đệ ngũ Cực nan thắng địa (Phạm: Sudurjayàbhùmi), ở địa nghiệp này, nên xa lìa mười pháp: Xa lìa gia cư, nên xa lìa nữ tu sĩ, xa lìa nhà tham lam ganh ghét, nên xa lìa chỗ hội đàm gây gổ giận hờn, xa lìa khen mình chê người, xa lìa mười đạo bất thiện nghiệp, xa lìa tăng thượng mạn, xa lìa điên đảo, xa lìa do dự, xa lìa tham sân si. Đó là tu tự địa mà mình đang tu. Để bỏ được mười thứ xấu thì phải tu mười thứ tốt. Đó là tu tất cả pháp của địa vị ấy. (Xem lại phẩm “Biện Đại Thừa”, cuối quyển 53 cho đến đầu quyển 55, tập 03, Hội thứ nhất, Kinh ĐBN).

 

Sơ giải:

 

1. Làm thế nào để biết Bồ Tát Bất thối chuyển?

 

Chủ đề chánh của phẩm này làm nằm ở câu hỏi: Làm sao biết hành động tướng trạng của Bồ Tát Bất thối chuyển? Một khi xác định được hành động tướng trạng của Bồ Tát Bất thối chuyển rồi theo đó mà học mà hành, chắc chắn sẽ trở thành Bồ Tát Bất thối chuyển.

Kinh MHBNBLMĐ, phẩm “A Bệ Bạt Trí”(Bất Thối Chuyển) Tu Bồ Đề bạch Phật:

- “Bạch thế Tôn! Dùng hạnh như thế nào, loại như thế nào, tướng mạo như thế nào, để biết Bồ Tát nào đã được bất thối chuyển?

Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát, ở nơi hết thảy pháp, chẳng có hạnh (vô hạnh), chẳng có loại (vô loại), chẳng có tướng mạo (vô tướng mạo), thì phải biết đó là bậc Bồ Tát bất thối chuyển”.

Ai cũng cần biết hạnh, loại, mạo của Bồ Tát Bất thối chuyển mà Phật trả lời ngược đời là đối với tất cả pháp mà chẳng có hạnh (vô hạnh), chẳng có loại (vô loại), chẳng có tướng mạo (vô tướng mạo), thì phải biết đó là bậc Bồ Tát bất thối chuyển. Vậy làm sao biết ai là Bồ Tát Bất thối chuyển?

Câu trả lời: Những ai đối với tất cả pháp biết rõ là không, Bồ Tát cũng không, không có hạnh loại tướng mạo gì cả thì đó chính là Bồ Tát Bất thối chuyển. Nếu ở nơi hết thảy pháp đều chẳng có hạnh, chẳng có loại, chẳng có tướng mạo, thì Bồ Tát lấy pháp gì chuyển mà gọi là bất
thối chuyển?

“Phật dạy: Này Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát ở trong sắc mà chuyển... dẫn đến ở trong Vô Thượng Bồ đề mà chuyển, thì gọi là Bồ Tát bất thối chuyển. Vì sao? Vì sắc là “tánh không”... dẫn đến Vô Thượng Bồ Đề là “tánh không”, thì Bồ Tát đâu có chỗ nào để trú!”

Câu trả lời quá rõ là tất cả pháp đều không kể cả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng không, nên không trụ trong đó. Đại Bồ Tát này đối trong chẳng trụ, nên gọi là chẳng chuyển. Do chẳng chuyển nên gọi danh Bồ Tát Bất thối chuyển. Vậy, yếu tố chánh để trở thành Bồ Tát Bất thối chuyển chính là do diệu dụng của Tánh không Bát Nhã: Biết tất cả pháp không, không có định tính là pháp không. Trong rỗng không, không có định tính thì lấy gì để bám víu, nên không trụ. Do không trụ nên không bị động chuyển. Vì vậy, gọi là bất thối chuyển.

Đó là ý chính của phẩm này, nhưng trong thật tế những hành động, tướng trạng sau đây của các Bồ Tát cho biết:

- Bồ Tát nào không ưa xem hình tướng, nói năng của ngoại đạo, Sa môn, Bà la môn..., đối với Luật tạng đức Phật đã tuyên thuyết không sanh nghi hoặc; đối với việc thế gian không theo giới cấm thủ, không đọa ác kiến, không chấp nhận các việc cát tường của thế tục, chẳng thờ phụng, tế lễ, cúng dường các thiên thần và các ngoại đạo.

- Bồ Tát nào chẳng đọa địa ngục, bàng sanh, quỷ giới, A tu la; cũng không sanh vào dòng họ ti tiện như hàng thịt, gánh thây chết; cũng không thọ thân không đủ năm căn, biến đổi căn, không hình, hai hình hay nữ nhân; cũng lại không thọ thân mù điếc, câm ngọng, cùi cụt, hủi lác…

- Bồ Tát nào thường ưa thích thọ trì mười thiện nghiệp đạo, tự xa lìa sự giết hại cho đến tự lìa tà kiến cho đến trong mộng cũng không phát khởi mười ác nghiệp, huống chi lúc thức; thường thọ trì đọc tụng 12 bộ kinh để làm bố thí pháp cho hữu tình, đối với pháp môn sâu xa do Phật đã thuyết, hoàn toàn không sanh nghi hoặc, do dự.

- Bồ Tát nào thành tựu thân, ngữ, ý nghiệp nhu hòa, đối với các vật thọ dụng như đồ nằm, y phục đều thường thơm sạch, không có các mùi hôi, cũng không có chí rận, thân không tật bệnh, tâm ưa thanh tịnh.

- Bồ Tát nào chỉ quý Phật đạo, chẳng quý lợi dưỡng, chẳng thủ chấp pháp, tuy hành hạnh đầu đà  mà chẳng quý chốn A lan Nhã, không kiêu mạn, không sanh tâm tương ưng với xan tham, phá giới, giận dữ, lười biếng, tán loạn, ngu si và các thứ phiền não ràng buộc khác.

- Bồ Tát nào có tuệ giác kiên cố, có khả năng ngộ nhập sâu xa chánh pháp, tùy theo pháp thế gian và xuất thế đã nghe, đều có khả năng dùng phương tiện hội nhập nghĩa thú Bát nhã Ba la mật.

Bồ Tát nào đã thành tựu các hành động tướng trạng như thế, nên biết là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

2. Ý chí và hành động của Bồ Tát Bất thối chuyển.

 

Nếu ác ma hóa hiện tám đại Địa ngục, trong đó có ngàn ức vạn Bồ Tát đang bị đốt nấu thống khổ. Ác ma bảo đại Bồ Tát nầy rằng: Những người trong Địa ngục đây toàn là bậc đại Bồ Tát Bất thối chuyển đã được đức Phật thọ ký mà đọa vào đây, nếu Ngài được đức Phật thọ ký bậc Bất thối chuyển cũng sẽ đọa vào đại Địa ngục nầy. Chi bằng xả bỏ tâm Bồ Tát thì chẳng bị đọa mà sẽ được sanh lên cõi Trời. Dù thấy nghe như vậy, Bồ Tát nầy vẫn chẳng nao núng, chẳng nghi, chẳng sợ, chẳng thối. Dù cho ác ma trấn áp, dẫn dụ, khuynh đảo bằng cách nầy hay cách khác, Bồ Tát ấy cũng không bị lung lạc, thối chuyển mà trái lại khi nghe những lời dối trá huyễn hoặc của ác ma lại lấy làm hoan hỷ cho rằng nhờ lời nói này ta biết đâu là chánh đạo đâu là tà đạo, dễ tiến tu mau thành đạo nghiệp. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là bậc Bất thối chuyển.

Vị này thường hành Bát nhã Ba la mật, luôn luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát theo lời Phật dạy, tinh cần tu học thường chẳng xa lìa diệu hạnh đã nhiếp thọ là bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật; thường chẳng xa lìa tác ý tương ưng với Nhất thiết trí trí; thường dùng phương tiện khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật. Đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chẳng từ bỏ 37 pháp trợ đạo, chẳng từ bỏ tứ Thánh đế; chẳng từ bỏ Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí... cho đến quyết định chẳng từ bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình trạng tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Vị này thường hành Bát nhã Ba la mật và luôn nghĩ: Nếu đại Bồ Tát hiểu biết việc ma, chẳng theo việc ma; hiểu biết bạn ác, chẳng nghe lời bạn ác; hiểu biết cảnh giới, chẳng chuyển theo cảnh giới; đại Bồ Tát ấy quyết định chẳng từ bỏ lục Ba la mật; quyết định chẳng từ bỏ 18 pháp không; chẳng từ bỏ chơn như pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác v.v… cho đến chẳng bỏ quả vị Giác ngộ tối cao. Nếu thành tựu các hình, trạng, tướng mạo như thế, thì nên biết đó là đại Bồ Tát Bất thối chuyển.

Khi nghe pháp yếu mà chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã nói, thâm tâm hoan hỷ, cung kính tín thọ, khéo hiểu nghĩa thú; lại có tâm kiên cố như kim cương chẳng thể lay chuyển, chẳng thể lung lạc, thường siêng tu học lục Ba la mật, cũng khuyên các hữu tình tinh cần tu học lục Ba la mật v.v… Đó là ý chí và hành động tạo thành tinh thể bất diệt của Bồ Tát nói riêng và Bồ Tát hạnh hay Bồ Tát đạo nói chung, gọi là Bồ Tát Bất thối chuyển trong tương lai được Phật thọ ký thay Phật làm Phật sự trong tam thiên đại thiên này.

 

3. “Pháp không” là chánh pháp của chư Phật.

 

Kinh nói:

- “Nếu, Đại Bồ Tát Bất thối chuyển này dùng tự tướng không để quán tất cả pháp. Đã vào ngôi Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, cho đến chẳng thấy chút pháp nào có thể đắc. Vì bất khả đắc nên không tạo tác. Vì không tạo tác nên rốt ráo chẳng sanh. Vì rốt ráo không sanh nên gọi là vô sanh pháp nhẫn. Do chứng được vô sanh pháp nhẫn này nên gọi là Đại Bồ Tát Bất thối chuyển”.

- “Vì đại Bồ Tát này hiểu rõ tất cả pháp: Tánh tướng đều không, ngang bằng với hư không và hoàn toàn bất khả đắc. Chẳng thấy có pháp nào để sanh quý trọng. Năng sanh, sở sanh, thời sanh, chỗ sanh hay do đây mà sanh đều chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Thiện Hiện! Vì tất cả pháp ngang đồng hư không, tự tướng vốn không, lấy vô tánh làm tánh”.

- “Vì đại Bồ Tát này biết tất cả pháp tánh tướng đều không, trong tánh tướng không ấy, không thấy có tướng”.

Vì trong không, không thấy tướng, nên không tạo tác thi vi nữa, mới không bị tướng chuyển.  Không bị tướng chuyển, nên gọi là Bồ Tát Bất thối chuyển. Vì vậy, ngồi tại đạo tràng mà có thể chuyển pháp luân khắp 10 phương thế giới.

Phật bảo:

- “Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, giác ngộ đã nói tất cả pháp không. Như vậy gọi là chánh pháp của chư Phật”.

Vì nhập được pháp không rồi thì thấy nhân không, pháp không thì không còn thi vi tạo tác nữa. Chư Phật đã tuyên nói pháp không như thế. Đó gọi là chánh pháp của chư Phật. Phật rát hầu rã họng nói pháp không này ròng rã trong 22 năm trời. Hãy tin nhận phụng hành nếu muốn trở thành Bồ Tát Bất thối chuyển được trời người A tu la… cung kính cúng dường, chư Phật thủ hộ, ở giữa đại chúng tuyên dương công đức.

 

 Bài pháp này Phật dạy không phải dành riêng cho Bồ Tát muốn trở thành Bồ Tát Bất thối chuyển, nó chỉ một phần. Phần lớn là áp dụng cho toàn thể chúng sanh, những sanh linh đang oằn oại trong cuộc sống đọa đầy biến động hôm nay. Nếu thực hiện được pháp tu này thì “tâm mới bất biến giữa dòng đời vạn biến”!

Kinh A Tỳ Đàm và luận Tỳ Bà Sa có nói: “Bồ Tát trải qua 3 A-tăng-kỳ kiếp tu tập mới vào được Bất Thối Chuyển địa”. Nếu biết thời gian là phi thời gian, số kiếp là phi số kiếp, thì ba A tằng kỳ kiếp không phải là dài, luân hồi sanh tử mới dài, hãy cố gắng tu để giải thoát./.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567