Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

52. Phẩm "Chơn Như"

31/08/202021:46(Xem: 6925)
52. Phẩm "Chơn Như"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***
buddha-440

 

PHẨM "CHƠN NHƯ"

Cuối quyển 446 cho đến phần đầu quyền 448, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương với phẩm “Chơn Như”, phần sau quyển 318 cho đến

phần đầu quyển 324, Hội thứ I, ĐBN)



Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc đều dùng bột hương chiên đàn, bột hương Đa yết la (Linh lăng hương), bột hương Đa ma la (Hoắc hương), và hoa sen xanh, đỏ, trắng, vàng trên trời một lượt đồng rải lên đức Phật, rồi đi đến chỗ đức Phật, đảnh lễ sát chân, lui đứng một bên, chấp tay cung kính thưa:

- Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật như thế rất sâu xa khó thấy, khó hiểu, không thể suy lường, vượt cảnh suy lường, vi diệu, vắng lặng, người thông tuệ mới có thể biết được, không phải thế gian ai cũng có thể tin thọ được. Chỉ có đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác sau khi chứng đắc, đối với Bát nhã Ba la mật sâu xa mới có thể tuyên nói: Sắc tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là Nhất thiết trí trí; Nhất thiết trí trí tức là thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí tức là Nhất thiết trí trí, Nhất thiết trí trí tức là Nhất thiết trí; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí tức là Nhất thiết trí trí; Nhất thiết trí trí tức là Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Vì sao? Vì hoặc sắc như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác, cũng không cùng tận; hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác, cũng không cùng tận. Như vậy, cho đến hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác, cũng không cùng tận; hoặc Đạo tướng trí như, Nhất thiết tướng trí như, hoặc Nhất thiết trí trí như, hoặc tất cả pháp như, đều một như, không hai không khác, cũng không cùng tận. (Q.446, ĐBN)

Phật bảo chư Thiên tử cõi Dục, cõi Sắc:

- Đúng vậy! Đúng như các ông đã nói! Chư Thiên nên biết, Ta quán nghĩa này nên tâm thường hướng đến vắng lặng, không muốn thuyết pháp. Vì sao? Vì pháp này sâu xa khó thấy, khó hiểu, không thể suy lường, vượt cảnh suy lường, vi diệu, vắng lặng, chỉ có người thông tuệ mới có thể biết được, không phải thế gian ai cũng có thể tin thọ được. Đó là Bát nhã Ba la mật sâu xa tức là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề mà Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đã chứng. Chư Thiên nên biết, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như thế không năng chứng, không sở chứng, không chỗ nương, không thời chứng.

Chư Thiên nên biết, pháp vi diệu nhiệm mầu này chỉ xuất hiện độc nhất, không phải chỗ thế gian có thể so lường được. Chư Thiên nên biết, hư không sâu xa nên pháp này sâu xa. Chơn như sâu xa nên pháp này sâu xa. Pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì sâu xa nên pháp này sâu xa. Vô lượng, vô biên sâu xa nên pháp này sâu xa. Không đi, không đến sâu xa nên pháp này sâu xa. Không sanh, không diệt sâu xa nên pháp này sâu xa. Không nhiễm, không tịnh sâu xa nên pháp này sâu xa. Không biết, không đắc sâu xa nên pháp này sâu xa. Không tạo, không tác sâu xa nên pháp này sâu xa. Ngã sâu xa nên pháp này sâu xa. Hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, bổ đặc già la, ý sanh, nho đồng, tác giả, thọ giả, tri giả, kiến giả sâu xa nên pháp này sâu xa. Sắc sâu xa nên pháp này sâu xa; thọ, tưởng, hành, thức sâu xa nên pháp này sâu xa. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí sâu xa nên pháp này sâu xa; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí sâu xa nên pháp này sâu xa. Tất cả Phật pháp sâu xa nên pháp này sâu xa.

Khi ấy, chư Thiên thưa:

- Bạch Thế Tôn! Pháp đã nói đây sâu xa, vi diệu các thế gian không thể vội tin thọ được. Vì sao? Vì pháp vi diệu này không vì nắm giữ sắc nên nói; không vì xả bỏ sắc nên nói, không vì nắm giữ thọ, tưởng, hành, thức nên nói; không vì xả bỏ thọ, tưởng, hành, thức nên nói. Như vậy, cho đến không vì nắm giữ Nhất thiết trí nên nói, không vì xả bỏ Nhất thiết trí nên nói; không vì nắm giữ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên nói, không vì xả bỏ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên nói. Không vì nắm giữ tất cả pháp Phật nên nói, không vì xả bỏ tất cả pháp Phật nên nói. Thế gian, hữu tình phần nhiều tu hành vì nhiếp thủ mà khởi chấp ngã, ngã sở cho sắc là ta, là của ta; chấp thọ, tưởng, hành, thức là ta, là của ta. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí là ta, là của ta; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là ta, là của ta.

Phật bảo chư Thiên:

- Đúng vậy! Đúng như các ông đã nói! Pháp này vi diệu, không vì nắm giữ sắc nên nói, không vì xả bỏ sắc nên nói; không vì nắm giữ thọ, tưởng, hành, thức nên nói, không vì xả bỏ thọ, tưởng, hành, thức nên nói. Như vậy, cho đến không vì nắm giữ Nhất thiết trí nên nói, không vì xả bỏ Nhất thiết trí nên nói; không vì nắm giữ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên nói, không vì xả bỏ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên nói. Không vì nắm giữ tất cả Phật pháp nên nói, không vì xả bỏ tất cả Phật pháp nên nói. Thế gian, hữu tình phần nhiều tu hành vì nhiếp thủ mà khởi chấp ngã, ngã sở cho sắc là ta, là của ta; thọ, tưởng, hành, thức là ta, là của ta. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí là ta, là của ta; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là ta, là của ta. Chư Thiên nên biết, nếu Bồ Tát vì nắm giữ sắc nên hành, vì xả bỏ sắc nên hành; vì nắm giữ thọ, tưởng, hành, thức nên hành, vì xả bỏ thọ, tưởng, hành, thức nên hành. Như vậy, cho đến vì nắm giữ Nhất thiết trí nên hành, vì xả bỏ Nhất thiết trí nên hành; vì nắm giữ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên hành, vì xả bỏ Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên hành thì Bồ Tát này không thể tu Bát nhã Ba la mật, cũng không thể tu tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật. Như vậy, cho đến không thể tu Nhất thiết trí, cũng không thể tu Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này thường tùy thuận tất cả pháp. Tùy thuận tất cả pháp là những pháp nào? Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này thường tùy thuận Bát Nhã, cũng thường tùy thuận tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật. Pháp sâu xa này thường tùy thuận pháp nội Không, cũng thường tùy thuận pháp ngoại Không cho đến pháp vô tánh tự tánh Không. Pháp sâu xa này thường tùy thuận chơn như, cũng thường tùy thuận pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì. Pháp sâu xa này thường tùy thuận tThánh đế, thường tùy thuận ba mươi bảy pháp trợ đạo. Pháp sâu xa này thường tùy thuận bốn tịnh lự, cũng thường tùy thuận bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Pháp sâu xa này thường tùy thuận tám giải thoát, cũng thường tùy thuận tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Pháp sâu xa này thường tùy thuận pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Pháp sâu xa này thường tùy thuận Tịnh quán địa, cũng thường tùy thuận Chủng tánh địa cho đến Như Lai địa (Bồ Tát thập vị cộng Tam thừa). Pháp sâu xa này thường tùy thuận Cực hỷ địa, cũng thường tùy thuận Ly cấu địa cho đến Pháp vân địa (Bồ Tát thập địa). Pháp sâu xa này thường tùy thuận năm loại mắt, sáu phép thần thông. Pháp sâu xa này thường tùy thuận Phật mười lực, bốn điều không sợ cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Pháp sâu xa này thường tùy thuận ba mươi hai tướng Đại sĩ, cũng thường tùy thuận tám mươi vẻ đẹp. Pháp sâu xa này thường tùy thuận pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Pháp sâu xa này thường tùy thuận Đà la ni, Tam ma địa môn. Pháp sâu xa này thường tùy thuận quả Dự lưu, cũng thường tùy thuận quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề. Pháp sâu xa này thường tùy thuận tất cả Bồ Tát hạnh, cũng thường tùy thuận quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Pháp sâu xa này thường tùy thuận Nhất thiết trí, cũng thường tùy thuận Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. (Nghĩa là tùy thuận tất cả pháp Phật).

Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này hoàn toàn không bị ngăn ngại. Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này đối với những gì là vô ngại? Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này đối với sắc là vô ngại; thọ, tưởng, hành, thức là vô ngại. Như vậy, cho đến đối với Nhất thiết trí là vô ngại; đối với Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí là vô ngại.

Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này lấy vô ngại là tướng. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì tánh hư không bình đẳng. Tánh chơn như bình đẳng. Tánh pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì bình đẳng. Tánh không, vô tướng, vô nguyện bình đẳng. Tánh không tạo, không tác bình đẳng. Tánh không nhiễm, không tịnh bình đẳng. (vì như tức là thập nhị chơn như nên nói là bình đẳng)

Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này vô sanh, vô diệt. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì sắc vô sanh, vô diệt; thọ, tưởng, hành, thức vô sanh, vô diệt. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí vô sanh, vô diệt; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí vô sanh, vô diệt. Đã là vô sanh vô diệt thì bất khả đắc!  

Bạch Thế Tôn! Pháp sâu xa này hoàn toàn không có dấu vết. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì dấu vết sắc chẳng thể nắm bắt được; dấu vết thọ, tưởng, hành, thức chẳng thể nắm bắt được. Như vậy, cho đến dấu vết Nhất thiết trí bất khả đắc; dấu vết Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí cũng chẳng thể nắm bắt được.

 

(Như Lai tùy sanh)

 

Khi ấy, chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện là chơn đệ tử đức Phật, tùy Như Lai sanh. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện đã thuyết tất cả pháp đều tương ưng với không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc:

- Chư Thiên các ông nói Thiện Hiện tôi là chơn đệ tử đức Phật, tùy Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Nghĩa là tùy Như Lai như sanh. Vì sao? Vì Như Lai như không đến, không đi, Thiện Hiện như cũng không đến, không đi, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như tức tất cả pháp như, tất cả pháp như tức Như Lai như. Như, như thế là không tánh như, cũng không phải không tánh như. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như thường trụ là tướng, Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không biến đổi, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không bị chướng ngại, tất cả pháp như cũng không bị chướng ngại. Hoặc Như Lai như, hoặc tất cả pháp như, đều đồng một như không hai, không khác, không tạo, không tác. Như, như thế là tướng thường như, không thời nào chẳng như. Vì tướng thường như, không thời nào chẳng như nên không hai, không khác. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như khắp mọi nơi không nhớ nghĩ, không phân biệt. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không đổi khác, bất khả đắc. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không lìa tất cả pháp như, tất cả pháp như không lìa Như Lai như. Như, như thế là tướng thường như, không thời nào chẳng như. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Tuy nói tùy sanh nhưng không chỗ tùy sanh, vì Thiện Hiện như không khác chư Phật.

Như Lai như không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Tất cả pháp như cũng không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Quá khứ như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị quá khứ như. Vị lai như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị vị lai như. Hiện tại như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị hiện tại như. Hoặc quá khứ như, hoặc vị lai như, hoặc hiện tại như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Sắc như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị sắc như. Thọ, tưởng, hành, thức như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị thọ, tưởng, hành, thức như. Hoặc sắc như, hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Mười hai xứ như, mười tám giới như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị mười hai xứ, mười tám giới như. Hoặc mười hai xứ như, hoặc mười tám giới như, hoặc Như Lai như đều đồng một như không hai không khác. Ngã như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị ngã như. Hữu tình, mạng giả, sanh giả, dưỡng giả, sĩ phu, Bổ đặc già la, ý sanh, nho đồng, tác giả, thọ giả, tri giả, kiến giả như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị hữu tình cho đến kiến giả như. Hoặc ngã như, hoặc hữu tình cho đến kiến giả như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Bố thí Ba la mật như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị bố thí như. Tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị tịnh giới cho đến Bát Nhã như. Hoặc bố thí Ba la mật như, hoặc tịnh giới cho đến Bát Nhã như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Pháp nội không như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức pháp nội không như cho đến Vô tánh tự tánh không như tức thị Như Lai như, Như Lai như vô tánh tự tánh không như. Hoặc pháp nội không như, hoặc pháp ngoại không cho đến pháp vô tánh tự tánh không như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Chơn như như tức Như Lai như, Như Lai như tức thị chơn như như. Pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì như. Hoặc chơn như như, hoặc pháp giới cho đến cảnh giới bất tư nghì như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Tất cả pháp Phật như tức thị Như Lai như, Như Lai như tức thị tất cả pháp Phật như. Hoặc tất cả pháp Phật như hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Thiên chúng nên biết, các đại Bồ Tát đang chứng tất cả pháp như như thế. Thưa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Con tin hiểu sâu sắc các pháp như như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh(1).

Đang lúc Thiện Hiện thuyết tướng như như vậy, ở thế giới Tam thiên đại thiên này, các núi lớn biến động sáu cách. Khi ấy, Thiên chúng cõi Dục, cõi Sắc lại dùng bột hương chiên đàn, bột hương Đa yết la, bột hương Đa ma la và hoa sen xanh, đỏ, trắng, vàng trên trời một lượt rải lên Như Lai và Thiện Hiện sau đó đồng thưa Phật:

- Bạch Như Lai! Thật là chưa từng có. Do như nên đại đức Thiện Hiện tùy Như Lai sanh.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên:

- Chư Thiên nên biết, Thiện Hiện tôi không do sắc nên tùy Như Lai sanh, không do sắc như nên tùy Như Lai sanh; không lìa sắc nên tùy Như Lai sanh, không lìa sắc như nên tùy Như Lai sanh. Không do thọ, tưởng, hành, thức nên tùy Như Lai sanh, không do thọ, tưởng, hành, thức như nên tùy Như Lai sanh; không lìa thọ, tưởng, hành, thức nên tùy Như Lai sanh, không lìa thọ, tưởng, hành, thức như nên tùy Như Lai sanh. Như vậy, cho đến không do Nhất thiết trí nên tùy Như Lai sanh, không do Nhất thiết trí như nên tùy Như Lai sanh; không lìa Nhất thiết trí nên tùy Như Lai sanh, không lìa Nhất thiết trí như nên tùy Như Lai sanh. Không do Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên tùy Như Lai sanh, không do Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như nên tùy Như Lai sanh; không lìa Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí nên tùy Như Lai sanh, không lìa Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như nên từ Như Lai sanh. Không do hữu vi nên tùy Như Lai sanh, không do hữu vi như nên tùy Như Lai sanh; không lìa hữu vi nên tùy Như Lai sanh, không lìa hữu vi như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng do vô vi nên tùy Như Lai sanh, chẳng do vô vi như nên tùy Như Lai sanh. Chẳng lìa vô vi nên tùy Như Lai sanh, chẳng lìa vô vi như nên tùy Như Lai sanh. Vì sao? Chư Thiên chúng! Tất cả pháp này đều vô sở hữu. Các kẻ tùy sanh, hoặc sở tùy sanh, do đây tùy sanh, thời tùy sanh, tùy chỗ sanh đều bất khả đắc. (Q.447, ĐBN)

Bấy giờ, Xá lợi Tử thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đều rất sâu xa. Nghĩa là trong đó sắc bất khả đắc, sắc như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó sắc còn bất khả đắc, huống nữa có sắc như khả đắc. Trong đó thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc; thọ, tưởng, hành, thức như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó thọ, tưởng, hành, thức còn bất khả đắc, huống nữa có thọ, tưởng, hành, thức như khả đắc. Như vậy, cho đến trong đó Nhất thiết trí bất khả đắc, Nhất thiết trí như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó Nhất thiết trí còn bất khả đắc, huống nữa có Nhất thiết trí như khả đắc. Trong đó Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí bất khả đắc; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí còn bất khả đắc, huống chi có Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như khả đắc.

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Các pháp chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì đều rất sâu xa. Nghĩa là trong đó sắc bất khả đắc, sắc như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó sắc còn bất khả đắc, huống nữa có sắc như khả đắc. Như thế cho đến trong đó Nhất thiết tướng trí bất khả đắc. Nhất thiết tướng trí như cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì trong đó Nhất thiết tướng trí còn bất khả đắc, huống chi có Nhất thiết tướng trí như khả đắc.

Khi đức Phật thuyết tướng Chơn như như vậy, có hai trăm Bí sô dứt hết các lậu, tâm được giải thoát, thành A la hán; lại có năm trăm chúng Bí sô ni xa lìa trần cấu, ở trong các pháp sanh pháp nhãn thanh tịnh; năm ngàn Bồ Tát sanh trong trời, người được vô sanh nhẫn; sáu ngàn Bồ Tát dứt hết các lậu, tâm được giải thoát, thành A la hán.

Bấy giờ, Phật dạy Xá lợi Tử:

- Nay trong chúng đây có sáu ngàn Bồ Tát đã ở quá khứ gần gũi cúng dường năm trăm chư Phật. Ở chỗ mỗi đức Phật, phát hoằng thệ nguyện chánh tín xuất gia. Có tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự mà không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo, liền suy nghĩ khác, hành hạnh khác. Khi tu bố thí, suy nghĩ như vầy: Đây là bố thí, đây là vật bố thí, đây là người nhận, ta hành bố thí. Khi tu tịnh giới, suy nghĩ như vầy: Đây là tịnh giới, đây là tội, là nghiệp, đây là cảnh được hộ, ta thường trì giới. Khi tu an nhẫn, suy nghĩ như vầy: Đây là an nhẫn, đây là chướng nhẫn, đây là cảnh được nhẫn, ta hành an nhẫn. Khi tu tinh tấn, suy nghĩ như vầy: Đây là tinh tấn, đây là lười nhác, đây là việc nên làm, ta thường tinh tấn. Khi tu tịnh lự, suy nghĩ như vầy: Đây là tịnh lự, đây là tán động, đây là việc nên tu, ta thường tu định. Đó là họ không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo, nương suy nghĩ và hành lục Ba la mật sai khác. Do suy nghĩ sai khác, hành sai khác. Do đó, nên không nhập Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Do không được vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, nên đắc quả Dự lưu, lần đến quả A la hán. Thế nên, Xá lợi Tử! Đại Bồ Tát dù có Bồ đề và có tùy thuận giải thoát không, vô tướng, vô nguyện mà không thọ trì Bát nhã Ba la mật và xa lìa phương tiện thiện xảo, bèn chứng thật tế, rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

Cụ thọ Xá lợi Tử lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì có những vị Bổ đặc già la Thanh văn thừa hoặc Độc giác thừa tu pháp không, vô tướng, vô nguyện không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo, bèn chứng thật tế rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác? Có những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, lại thọ trì Bát nhã Ba la mật, nương phương tiện thiện xảo, chứng thật tế được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề?

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Những vị Bổ đặc già la Thanh văn thừa hoặc Độc giác thừa xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, không thọ trì Bát nhã Ba la mật, không có phương tiện thiện xảo, tu pháp không, vô tướng, vô nguyện nên chứng thật tế, rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

Những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa chẳng xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, thọ trì Bát nhã Ba la mật, có phương tiện thiện xảo, lấy đại bi tâm làm đầu tu pháp không, vô tướng, vô nguyện, nên có khả năng vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, có khả năng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Xá lợi Tử! Thí như có con chim, thân dài lớn trăm do tuần, hoặc hai trăm, hoặc ba trăm do tuần mà không có cánh. Từ trời Ba mươi ba gieo mình rơi xuống châu Thiệm bộ, lúc rơi giữa đường liền suy nghĩ: Ta muốn trở lại trời Ba mươi ba. Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ nào? Chim này có thể về lại trời Ba mươi ba được không?

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Nhưng giữa đường chim này lại mong muốn đến châu Thiệm bộ mà thân không bị tổn thương. Xá lợi Tử! Ý ông thế nào? Sự mong muốn này có được như ý không?

Xá lợi Tử thưa:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không! Chim này khi đến châu Thiệm bộ, chắc chắn bị tổn thương, có thể mất mạng, hoặc đau đến gần chết. Vì sao? Vì thân chim này lớn, từ cao rơi xuống lại không có cánh.

Phật dạy:

- Xá lợi Tử! Đúng vậy! Đúng như ông đã nói! Xá lợi Tử! Những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa cũng lại như vậy. Tuy trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự cũng tu Bát Nhã cầu đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhưng không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo, tu pháp không, vô tướng, vô nguyện chứng thật tế, thì cũng rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác. Vì sao? Xá lợi Tử! Những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa này xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, dù trải qua vô lượng, vô số đại kiếp, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu Bát Nhã mà không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo, thì sẽ rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

Xá lợi Tử! Những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa này dù nhớ chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại có giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn, cung kính cúng dường, tùy thuận tu hành, nhưng trong đó chấp trước tướng, nên hiểu không đúng lý công đức viên mãn về giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Các Đại Bồ Tát này vì không hiểu đúng lý công đức của chư Phật, nên dù nghe đạo Vô thượng Chánh đẳng giác và pháp không, vô tướng, vô nguyện nhưng nương âm thanh này chấp trước tướng. Chấp trước tướng rồi lại hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Những vị Bồ Tát thừa này tuy hồi hướng như thế nhưng không đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, lại rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác. Vì sao? Xá lợi Tử! Những vị Bồ Tát thừa này, do không thọ trì Bát nhã Ba la mật và xa lìa phương tiện thiện xảo, nên dù đem các căn lành đã tu hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nhưng vẫn rơi vào bậc Thanh văn hoặc Độc giác.

Lại nữa, Xá lợi Tử! Có những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa, từ sơ phát tâm không xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, lấy đại bi làm đầu, siêng tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu diệu tuệ thọ trì Bát nhã Ba la mật, không xa lìa phương tiện thiện xảo, vẫn nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại nhưng không chấp trước tướng; tuy tu pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện nhưng cũng không chấp tướng. Vẫn nhớ các thứ công đức của mình và người, đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng không chấp tướng.

Xá lợi Tử! Nên biết, Bổ đặc già la Bồ Tát thừa trụ như thế thẳng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, không rơi vào bậc Thanh văn và Độc giác. Vì sao? Xá lợi Tử! Vì những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa này, từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo không xa lìa tâm Nhất thiết trí trí, trong tất cả thời luôn luôn lấy đại bi làm đầu. Vẫn tu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, cũng tu Bát Nhã nhưng không chấp tướng. Tuy nhớ giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát trí kiến uẩn của chư Phật Thế Tôn quá khứ, vị lai, hiện tại, nhưng cũng không chấp tướng. Vẫn tu đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và pháp không, vô tướng, vô nguyện cũng không chấp tướng.

Xá lợi Tử! Những vị Bổ đặc già la Bồ Tát thừa này vì có phương tiện thiện xảo nên đem tâm ly tướng tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự và Bát nhã Ba la mật. Như vậy, cho đến đem tâm ly tướng tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Do đó, quyết chắc chứng được mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Xá lợi Tử thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con đã hiểu lời Phật thuyết Đại Bồ Tát nào từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo, thọ trì Bát nhã Ba la mật, không xa lìa phương tiện thiện xảo thì Đại Bồ Tát này gần được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì Đại Bồ Tát này từ sơ phát tâm cho đến rốt ráo đều không thấy có một chút pháp nào khả đắc. Nghĩa là hoặc năng chứng, hoặc sở chứng, hoặc chỗ chứng, hoặc thời chứng, hoặc do đây chứng đều bất khả đắc. Đó là hoặc sắc, hoặc thọ, tưởng, hành, thức, cho đến hoặc Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đều bất khả đắc.

Lại nữa, Bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ… Bồ Tát thừa không thọ trì Bát nhã Ba la mật, xa lìa phương tiện thiện xảo mà cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nên biết sự mong cầu này còn nghi hoặc, do dự chỗ đắc, hoặc không đắc. Vì sao? Vì các thiện nam, thiện nữ… Bồ Tát thừa này không thọ trì Bát Nhã, xa lìa phương tiện thiện xảo, nên đối với sự tu hành sáu pháp Ba la mật chấp tướng. Như vậy, cho đến sự tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đều chấp tướng. Do đó, nên các thiện nam, thiện nữ… Bồ Tát thừa này còn nghi hoặc do dự hoặc đắc, hoặc không đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thế nên, bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, quyết định không nên xa lìa Bát nhã Ba la mật phương tiện thiện xảo. Đại Bồ Tát này an trụ Bát nhã Ba la mật phương tiện thiện xảo, dùng vô sở đắc làm phương tiện, đem tâm vô tướng tu hành sáu pháp Ba la mật. Như vậy, cho đến đem tâm vô tướng tu hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Đại Bồ Tát nào không xa lìa phương tiện thiện xảo, an trụ Bát nhã Ba la mật, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, đem tâm vô tướng tu hành tất cả Phật pháp như thế chắc chắn chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Khi ấy, Thiên chúng cõi Dục, cõi Sắc đồng thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc. Vì sao? Vì các Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp tự tướng cộng tướng đều chứng biết, nên mới có thể đạt được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhưng sự hiểu biết pháp tướng của các chúng đại Bồ Tát đều vô sở hữu bất khả đắc?

Phật bảo chư Thiên:

- Đúng vậy! Đúng như các ông đã nói. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc. Chư Thiên nên biết: Ta cũng giác ngộ tướng tất cả pháp, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, nhưng đều không đắc thắng nghĩa pháp tướng có thể gọi đây là năng chứng, đây là sở chứng, đây là chỗ chứng, đây là thời chứng, do đây mà chứng. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo vốn tịnh, hữu vi, vô vi rốt ráo không. Do đó nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Như Thế Tôn đã nói, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất khó tin hiểu, rất khó chứng đắc, nhưng con suy nghĩ quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề rất dễ tin hiểu, rất dễ chứng đắc. Vì sao? Vì nếu tin hiểu: Không có pháp năng chứng, không pháp sở chứng, không có chỗ chứng, không có thời chứng, cũng không do đây mà có chứng đắc, thì tin hiểu được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Nếu chứng biết không có pháp năng chứng, không có pháp sở chứng, không có chỗ chứng v.v… thì chứng được sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả pháp rốt ráo không. Trong rốt ráo không, đều không có pháp có thể gọi năng chứng, có thể gọi sở chứng, có thể gọi chỗ chứng, có thể gọi thời chứng, có thể gọi do đây mà có chứng đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp tánh tướng đều không, hoặc tăng, hoặc giảm đều vô sở hữu, bất khả đắc. Do đó, sự tu hành sáu pháp Ba la mật của các đại Bồ Tát đều vô sở hữu, bất khả đắc. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đều vô sở hữu, bất khả đắc.

Các Đại Bồ Tát quán sát các pháp, hoặc hữu sắc, hoặc vô sắc, hoặc hữu kiến, hoặc vô kiến, hoặc hữu đối, hoặc vô đối, hoặc hữu lậu, hoặc vô lậu, hoặc hữu vi, hoặc vô vi đều vô sở hữu, bất khả đắc. Do đó nên con suy nghĩ ý nghĩa Phật nói quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề của chư Phật rất dễ tin hiểu, rất dễ chứng đắc.

Các đại Bồ Tát không nên bảo điều này khó tin khó hiểu và khó chứng đắc. Vì sao? Vì sắc, tự tánh sắc là không; thọ, tưởng, hành, thức, tự tánh thọ, tưởng, hành, thức là không. Như vậy, cho đến Nhất thiết trí, tự tánh Nhất thiết trí là không; Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí, tự tánh cũng không. Đại Bồ Tát đối với nghĩa tự tánh không như thế, sanh lòng thâm hiểu, y như vậy mà tu hành sẽ đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

 

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo với Thiện Hiện:

- Này Đại đức! Nếu quả vị Giác ngộ tối cao rất dễ tin, dễ hiểu, rất dễ chứng, thì tại sao lại có hằng hà sa số đại Bồ Tát mặc áo giáp đại công đức phát tâm hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, na đường lại thối chuyển, mặc dù các đại Bồ Tát ấy quán tất cả pháp hoàn toàn không có tự tánh, tất cả đều không, giống như hư không. Vì vậy, nên tôi nói: Quả vị Giác ngộ tối cao rất khó tin, khó hiểu, rất khó chứng!

Cụ thọ Thiện Hiện hỏi Xá lợi Tử:

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Sắc đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Thọ, tưởng, hành, thức đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Cho đến Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Không! Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Sắc như đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa thọ, tưởng, hành, thức như có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Cho đến lìa Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa sắc có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa thọ, tưởng, hành, thức có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Cho đến lìa Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa sắc như có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa thọ, tưởng, hành, thức như có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Cho đến lìa Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí như, có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Các pháp như đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa pháp như có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

- Xá lợi Tử! Ý ông nghĩ sao? Lìa pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì có pháp đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển không?

Xá lợi Tử đáp:

- Thiện Hiện! Không!

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Xá Lợi Tử rằng:

- Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu, đều bất khả đắc, thời nói pháp nào đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề có thối chuyển?

Khi ấy, Xá Lợi Tử bảo Thiện Hiện rằng:

- Như nhân giả đã nói, trong vô sanh pháp nhẫn đều không có pháp, cũng không Bồ Tát đối với Vô Thượng Bồ đề nói có thối chuyển. Nếu vậy tại sao Phật thuyết có ba thứ bổ đặc già la trụ Bồ Tát thừa (nhất định có thối chuyển, nhất định không thối chuyển hay bất định), chỉ nên nói có một. Lại như nhân giả nói, lẽ ra không có Tam thừa Bồ Tát sai khác (Thanh văn thừa, Độc giác thừa và Vô Thượng thừa), mà chỉ nên có một là Vô Thượng thừa mà thôi?

Khi ấy, Mãn Từ Tử nói với Xá Lợi Tử rằng:

- Trước hết, nên hỏi Tôn giả Thiện Hiện có thừa nhận chỉ có một Bồ Tát thừa chăng? Nhiên hậu mới hỏi lẽ không nên kiến lập Tam thừa sai khác?

Khi ấy, Xá Lợi Tử hỏi Thiện Hiện rằng:

- Này Đại đức! Có phải chỉ chấp nhận có một Bồ Tát thừa chăng?

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện hỏi lại Xá Lợi Tử rằng:

- Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong tất cả pháp như có tướng ba thứ bổ đặc già la sai khác trụ Bồ Tát thừa là Thanh văn thừa, hoặc Độc giác thừa, hoặc Vô thượng thừa chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong tất cả pháp như, có Tam thừa (Bồ Tát thừa) sai khác chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong tất cả pháp như, thật chỉ có “nhất định bất thối chuyển Bồ Tát thừa” chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong tất cả pháp như, thật chỉ có các Bồ Tát Vô Thượng thừa chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong các pháp như có một như, có hai như, có ba như chăng(1)?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Xá Lợi Tử! Ý ông nghĩ sao trong tất cả pháp như chỉ có một pháp hoặc một Bồ Tát mà khá được chăng?

Xá Lợi Tử nói:

- Thiện Hiện! Chẳng có.

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện bảo Xá Lợi Tử rằng:

- Nếu tất cả pháp đều vô sở hữu, đều không thể nắm bắt được, tại sao Xá Lợi Tử có thể khởi nghĩ này: “Bồ Tát như thế, đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nhất định có thối chuyển; Bồ Tát như thế đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nhất định không thối chuyển; Bồ Tát như thế đối Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chẳng quyết định; Bồ Tát như thế là Thanh văn thừa; Bồ Tát như thế là Độc giác thừa; Bồ Tát như thế là Vô Thượng thừa; như thế là ba hay như thế là một”?

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, đối với tất cả pháp như, năng khéo tin hiểu đều vô sở đắc, đối với Bồ Tát cũng vô sở đắc, đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề cũng vô sở đắc. Phải biết đấy là chơn Bồ Tát.

Xá Lợi Tử! Nếu đại Bồ Tát nghe thuyết tướng các pháp như bất khả đắc, chẳng kinh chẳng hãi, chẳng nghi chẳng hối, chẳng thối chẳng chìm, Bồ Tát này mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, ở thời gian giữa nhất định không bị thối chuyển.

 

(Đoạn Kinh sau đây thuộc phẩm “Bồ Tát An Trụ”,

phần sau Q.324 đến đầu Q.325, Hội thứ I, ĐBN)

 

Bấy giờ, đức Thế Tôn khen cụ thọ Thiện Hiện:

- Hay thay! Hay thay! Nay ông vì các đại Bồ Tát giỏi thuyết pháp yếu. Pháp ông đã thuyết đều là do oai thần của Như Lai, chẳng phải ông tự thuyết.

Thiện Hiện! Nếu Bồ Tát đối với tướng pháp như bất khả đắc thậm sanh tin hiểu, biết tướng tất cả pháp không sai khác, nghe thuyết tướng các pháp như bất khả đắc như thế, chẳng kinh, chẳng hãi, chẳng nghi chẳng hối, chẳng thối, chẳng chìm. Đại Bồ Tát này mau được thành tựu sở cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Cụ thọ Xá lợi Tử thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào thành tựu pháp này thì mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề chăng?

Phật bảo Xá lợi Tử:

- Đúng vậy! Đúng như ông đã nói, đại Bồ Tát nào thành tựu pháp này thì mau thành tựu mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

 

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát nào mau thành tựu mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì phải trụ ở đâunên trụ thế nào?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì phải đối với tất cả hữu tình trụ tâm bình đẳng, không nên trụ tâm không bình đẳng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm bình đẳng, không nên sanh tâm không bình đẳng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại từ, không nên sanh tâm giận dữ. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại bi, không nên sanh tâm não hại. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại hỷ, không nên sanh tâm ganh ghét. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm đại xả, không nên khởi tâm thiên vị. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm khiêm hạ, không nên sanh tâm kiêu mạn. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm ngay thẳng, không nên sanh tâm nịnh dối. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm mềm mỏng, không nên sanh tâm cứng rắn. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm lợi ích, không nên khởi tâm vô tích sự. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm an vui, không nên khởi tâm không an vui. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm không ngăn ngại, không nên sanh tâm chướng ngại. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm như cha mẹ, như anh em... Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm bằng hữu, cũng dùng tâm này nên cùng họ nói năng, đối xử. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm như thầy, như người khuôn mẫu, như đệ tử, như bạn đồng môn. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác, Bồ Tát, Phật, cũng dùng tâm này cùng họ trau đổi nói năng. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm cúng dường cung kính, tôn trọng, ngợi khen. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm cứu vớt, thương xót, thủ hộ. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm rốt ráo Không, vô sở hữu, bất khả đắc. Phải đối với tất cả hữu tình sanh tâm không, vô tướng, vô nguyện. (Q.448, ĐBN)

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì nên tự xa lìa sự giết hại, cũng khuyên người xa lìa sự giết hại, luôn ngợi khen pháp xa lìa sự giết hại, vui mừng tán thán người xa lìa giết hại. Cho đến nên tự lìa tà kiến, cũng khuyên người lìa tà kiến, luôn ngợi khen pháp xa lìa tà kiến, vui mừng tán thán người xa lìa tà kiến.

Nên tự tu bốn tịnh lự, cũng khuyên người tu bốn tịnh lự, luôn ngợi khen pháp tu bốn tịnh lự, vui mừng tán thán người tu bốn tịnh lự. Nên tự tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc, cũng khuyên người tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc, luôn ngợi khen pháp tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc vui mừng tán thán người tu bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Nên tự viên mãn sáu pháp Ba la mật, cũng khuyên người viên mãn sáu pháp Ba la mật, luôn ngợi khen pháp viên mãn sáu pháp Ba la mật, vui mừng tán thán người viên mãn sáu pháp Ba la mật. Nên tự trụ mười tám pháp không, cũng khuyên người trụ mười tám pháp không, luôn ngợi khen pháp trụ mười tám pháp không, vui mừng tán thán người trụ mười tám pháp không. Nên tự trụ chơn như, pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì, cũng khuyên người trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, luôn ngợi khen pháp trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì, vui mừng tán thán người trụ chơn như cho đến cảnh giới bất tư nghì. Nên tự trụ bốn Thánh đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo, cũng khuyên người trụ bốn Thánh đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo, luôn ngợi khen pháp trụ bốn Thánh đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo, vui mừng tán thưởng người trụ bốn Thánh đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo. Nên tự tu ba giải thoát môn, cũng khuyên người tu ba giải thoát môn, luôn ngợi khen pháp tu ba giải thoát môn, vui mừng tán thán người tu ba giải thoát môn. Nên tự tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; cũng khuyên người tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; luôn ngợi khen pháp tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; vui mừng tán thán người tu tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ. Nên tự viên mãn thập địa Bồ Tát, cũng khuyên người viên mãn thập địa Bồ Tát, luôn ngợi khen pháp tu viên mãn thập địa Bồ Tát, vui mừng tán thán người tu viên mãn thập địa Bồ Tát. Nên tự viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; cũng khuyên người viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; luôn ngợi khen pháp viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông; vui mừng tán thán người viên mãn năm loại mắt, sáu phép thần thông. Nên tự viên mãn Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, cũng khuyên người viên mãn Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, luôn ngợi khen pháp viên mãn Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng, vui mừng tán thán người viên mãn Như Lai mười lực cho đến mười tám pháp Phật bất cộng. Nên tự viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; cũng khuyên người viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; luôn ngợi khen pháp viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả; vui mừng tán thán người viên mãn pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Nên tự khởi trí chứng quả Dự lưu mà chẳng chứng thật tế được quả Dự lưu, cũng khuyên người khởi trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu, luôn ngợi khen pháp khởi trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu, vui mừng ngợi khen kẻ khởi trí chứng quả Dự lưu và chứng thật tế được quả Dự lưu. Nên tự khởi trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề mà chẳng chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề; cũng khuyên người khởi trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề; luôn ngợi khen pháp khởi trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề; vui mừng tán thán kẻ khởi trí chứng quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề và chứng thật tế được quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề. Nên tự vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, cũng khuyên người vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, luôn ngợi khen pháp vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh, vui mừng tán thán người vào ngôi Bồ Tát Chánh tánh ly sanh. Nên tự nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; cũng khuyên người nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; luôn ngợi khen pháp nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình; vui mừng tán thán người nghiêm tịnh cõi Phật, thành thục hữu tình. Nên tự phát khởi thần thông Bồ Tát, cũng khuyên người phát khởi thần thông Bồ Tát, luôn ngợi khen pháp phát khởi thần thông Bồ Tát, vui mừng tán thán người phát khởi thần thông Bồ Tát. Nên tự phát sanh Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; cũng khuyên người phát sanh Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; luôn ngợi khen pháp phát sanh Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; vui mừng tán thán người phát sanh Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí. Nên tự đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, cũng khuyên người đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, luôn ngợi khen pháp đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau, vui mừng tán thán người đoạn tất cả phiền não tập khí nối nhau. Nên tự thọ trì viên mãn thọ mạng, cũng khuyên người thọ trì viên mãn thọ mạng, luôn ngợi khen pháp thọ trì viên mãn thọ mạng, vui mừng tán thán người thọ trì viên mãn thọ mạng. Nên tự chuyển pháp luân, cũng khuyên người chuyển pháp luân, luôn ngợi khen pháp chuyển pháp luân, vui mừng tán thán người chuyển pháp luân. Nên tự gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, cũng khuyên người gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, luôn ngợi khen pháp gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ, vui mừng tán thán người gìn giữ hộ trì Chánh pháp khiến trụ.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào muốn mau thành tựu sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thì đối với pháp như thế dùng vô sở đắc làm phương tiện và nên trụ như vậy.

Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên học Bát nhã Ba la mật sâu xa, phương tiện thiện xảo như thế. Nếu học như thế mới có thể an trụ pháp đáng trụ. Nếu học như thế, an trụ như thế, thì đối với các sắc không bị chướng ngại, đối với thọ, tưởng, hành, thức không bị chướng ngại. Cho đến đối với việc chuyển pháp luân không bị chướng ngại, đối với Chánh pháp trụ không bị chướng ngại. Vì sao? Thiện Hiện! Vì đại Bồ Tát này từ trước đến nay không nhiếp thọ sắc, không nhiếp thọ thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không nhiếp thọ chuyển pháp luân, không nhiếp thọ Chánh pháp trụ. Vì sao? Thiện Hiện! Vì sắc không thể nhiếp thọ, nếu sắc không thể nhiếp thọ thì không phải sắc; vì thọ, tưởng, hành, thức không thể thọ trì, nếu thọ, tưởng, hành, thức không thể nhiếp thọ, thì không phải thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến vì chuyển pháp luân không thể nhiếp thọ, nếu chuyển pháp luân không thể nhiếp thọ, thì không phải chuyển pháp luân. Vì chánh pháp trụ không thể nhiếp thọ, nếu Chánh pháp trụ không thể nhiếp thọ, thì không phải Chánh pháp trụ.

Khi đức Phật thuyết Bồ Tát trụ thì có hai ngàn Bồ Tát đắc Vô sanh pháp nhẫn.

 

Thích nghĩa:

(1). Không những trong đoạn kinh tóm lược này, mà hầu hết trong toàn thiên Tổng luận, chúng tôi dùng từ “như” thay thế cho “Chơn như”, chỉ trừ trường hợp bắt buộc phải gọi đích danh là chơn như. Thích nghĩa trong phần lược giải nói về “Như Lai tùy sinh” do ngài Tuệ sĩ ghi chú, được chúng tôi trích dẫn trong phẩm “Chơn như”, phần sau quyển 318 đến phần đầu quyển 324, Hội thứ I trước đây, đã đưa đến quyết định này. Từ “như” hay “như như” dùng trong trường hợp này diễn tả thật đầy đủ thế nào là chơn như, pháp giới, pháp tánh v.v… của tất cả pháp trong thế gian.

(2). Các pháp như có một như, có hai như, có ba như chăng? Tất cả pháp như là đồng một như, không hai, không khác. Đã đồng một như thì dĩ nhiên không phải hai, không phải ba, không phải khác.

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Chơn Như” của Hội thứ II tương đương với 2 phẩm của Hội thứ I, ĐBN:

1. Phẩm “Chơn Như”, phần sau quyển 318 cho đến phần đầu quyển 324, Hội thứ I, ĐBN và

2. Phẩm “Bồ Tát An Trụ”, phần sau quyển 324 đến đầu quyển 325, Hội thứ I, ĐBN.

Phẩm “Chơn Như” là phẩm rất quan trọng trong việc thấu hiểu thật tướng các pháp, nên không gì hơn chúng tôi trình bày lại phẩm “Chơn Như” của Hội thứ I một lần nữa. Như nhiều lần chúng tôi lưu ý “người nào tri kiến được chơn như tức là giác ngộ”. Vậy, phần lặp lại này không đến nỗi thừa thãi lắm. Thú thật là phải trì tụng nhiều lần, phải tư duy nhiều mới có thể hiểu pháp sâu diệu này.

 

1. Các pháp Như thật:

 

1- Chơn như của các pháp:

Phẩm “Vô Sở Đắc", quyển 69, Hội thứ I, ĐBN Ngài Huyền Trang dịch: Thiện Hiện nói với Xá Lợi Phất:

“Xá Lợi Tử! Nói tóm lại, tất cả pháp thiện chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh là như vậy. Tất cả pháp phi thiện chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu ký chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô ký chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì sao? Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu lậu chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô lậu chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp hữu vi chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì bản tánh như vậy là như vậy. Tất cả pháp vô vi chẳng phải thường, chẳng phải hoại. Vì bản tánh như vậy là như vậy.

Xá Lợi Tử! Do duyên cớ này, nên tôi nói là các pháp cũng như vậy, đều không có tự tánh”.

Tất cả pháp tuy thiên sai vạn biệt biểu hiện dưới nhiều hình tướng khác tùy theo cái nhìn (cảm quan và ý thức) của mỗi cá thể. Hình tướng có khác, nhưng tánh thì như nhau. Các pháp hiện hữu “như thực trong chơn như thật tánh”của nó. Nó như vậy bởi vì như vậy. Hòn sỏi đứng bên đường ngàn năm vẫn là hòn sỏi cũ. Nó không tự biết nó là xấu hay đẹp, to hay nhỏ, sạch hay dơ… Nó cũng không biết các hòn sỏi khác chung quanh nó. Các pháp tự tánh là không, nó không tự biết nó và cũng không biết các pháp khác, từ xưa đã vậy, nay vẫn vậy, nó là nó, nó là như như. Những biểu lộ đây kia đều là vọng tình do cảm quan và ý thức phân biệt của con người. Con người vì để dễ phân biệt vật nầy với vật khác, nên mới đặt tên: Đây là đá, đây là gạch, đây là sỏi. Một khi các pháp có tên gọi thì ngay đó có cảm thọ, có phân biệt chấp nhất, tâm từ đó “hết như”, đành theo khách trần mà lưu chuyển.

Các pháp vốn bình đẳng, chân thật, như như. Nên Phật bảo:

“Sắc tức là Bát nhã Ba la mật, Bát nhã Ba la mật tức là sắc. Nhẫn đến Nhất thiết chủng trí là Bát nhã Ba la mật, Bát nhã Ba la mật là Nhất thiết chủng trí. Sắc tướng như, nhẫn đến Nhất thiết chủng trí tướng như là một như, không hai, không khác”.

Vì vậy, có thể nói: Bát Nhã có khả năng soi thấy thế giới như thế là như thế, thấy các pháp trong bản tính như thực của chúng. Đấy là cái thấy xuyên qua tướng trạng để trực ngộ được chân tánh của vạn hữu mà tuyên bố rằng thấy như thế là thấy các pháp như trong chơn như thật tướng của chúng.

 

2- “Tùy Như Lai sinh”:

Đây là nguyên văn đoạn Kinh nói về “Như Lai tùy sinh”, phẩm “Chơn Như”, Q.447, Hội thứ II, ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch:

 

“Chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc lại thưa Phật:

- Bạch Thế Tôn! Đại đức Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Vì sao? Vì đại đức Thiện Hiện đã thuyết tất cả pháp đều tương ưng với không.

Cụ thọ Thiện Hiện bảo chư Thiên cõi Dục, cõi Sắc:

- Chư Thiên các ông nói Thiện Hiện là chơn đệ tử Phật, tùy Như Lai sanh. Thế nào là Thiện Hiện tùy Như Lai sanh? Nghĩa là tùy Như Lai như sanh. Vì sao? Vì Như Lai như không đến, không đi, Thiện Hiện như cũng không đến, không đi, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như tức tất cả pháp như, tất cả pháp như tức Như Lai như. Như, như thế là không tánh như, cũng không phải không tánh như. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như thường trụ là tướng, Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không biến đổi, không phân biệt, chuyển khắp các pháp. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không quái ngại, tất cả pháp như cũng không quái ngại. Hoặc Như Lai như, hoặc tất cả pháp như, đều đồng một như không hai, không khác, không tạo, không tác. Như, như thế là tướng thường như, không thời nào chẳng như. Vì tướng thường như, không thời nào chẳng như nên không hai không khác. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như khắp mọi nơi không nhớ nghĩ, không phân biệt. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không đổi khác, bất khả đắc. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Như Lai như không lìa tất cả pháp như, tất cả pháp như không lìa Như Lai như. Như, như thế thường như, không thời nào chẳng tướng như. Thiện Hiện như cũng lại như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Dù nói tùy sanh mà không có chỗ tùy sanh, vì Thiện Hiện như chẳng khác Phật vậy.

Như Lai như không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Tất cả pháp như cũng không quá khứ, không vị lai, không hiện tại. Thiện Hiện như cũng lại như vậy, nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh. Quá khứ như tức Như Lai như, Như Lai như tức quá khứ như. Vị lai như tức Như Lai như, Như Lai như tức vị lai như. Hiện tại như tức Như Lai như, Như Lai như tức hiện tại như. Hoặc quá khứ như, hoặc vị lai như, hoặc hiện tại như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Sắc như tức Như Lai như, Như Lai như tức sắc như. Thọ, tưởng, hành, thức như tức Như Lai như, Như Lai như tức thọ, tưởng, hành, thức như. Hoặc sắc như, hoặc thọ, tưởng, hành, thức như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như tức Như Lai như, Như Lai như tức mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền như, tứ vô sắc định như, mười tám pháp bất cộng như, Nhất thiết trí như, Đạo tướng trí như, Nhất thiết chủng trí như… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao như đều đồng một như không hai, không khác. Bồ Tát hạnh như tức Như Lai như, Như Lai như tức Bồ Tát hạnh như. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như tức Như Lai như, Như Lai như tức quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như. Hoặc tất cả Bồ Tát hạnh như, hoặc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác. Nhất thiết trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Nhất thiết trí như. Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như tức Như Lai như, Như Lai như tức Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như. Hoặc Nhất thiết trí như, hoặc Đạo tướng trí, Nhất thiết chủng trí như, hoặc Như Lai như, đều đồng một như không hai, không khác.

Thiên chúng nên biết, các Đại Bồ Tát đang chứng tất cả pháp như như thế nên gọi là Như Lai ứng Chánh Đẳng Giác. Thưa Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác! Con tin hiểu sâu sắc các pháp như như thế nên nói Thiện Hiện tùy Như Lai sanh”.

 

Để giải thích “các pháp như thật” và “Như Lai tùy sinh”, không gì hơn là chúng tôi lấy một đoạn luận giải “Bát Nhã như là soi thấy các Pháp Như thực” trong Thiền Luận III, của Thiền sư D.T. Suzuki để Quý vị thưởng thức thêm: 

“Do công năng vô chấp đó, chúng ta có thể nói rằng Bát Nhã có khả năng nhìn thấy thế giới như thế là như thế, thấy các pháp trong bản tính như thực (yathàbhùtum) của chúng. Đây là hoạt dụng đặc sắc nhất của Bát Nhã mà Bồ Tát sở đắc khi Ngài chứng ngộ rằng đến thì như thế mà đến, đến từ Bát Nhã, và do đó biết rằng Bát Nhã sinh ra Ngài cũng như sinh ra hết thảy chư Phật. Một khi đôi mắt của Bồ Tát mở ra cho sự thực này, Bồ Tát quan sát thế gian và hết thảy thiên sai vạn biệt của thế gian trong tổng trạng chân thực của chúng. Nói thế tức là, trong tầm tri giác của chúng ta, thế gian không ngừng biến đổi, chịu đủ hình thái thành và hoại. Nhưng Bồ Tát khi mà trí Bát Nhã của Ngài đã khai ngộ hoàn toàn, nhận thấy rằng, năm uẩn tạo thành thế gian này dù có những biến dịch bên ngoài của chúng, trong tự tánh (svabhava) chúng không hề bị hoại diệt, chúng không mang những hoại tướng, không bị chi phối bởi những thành hoại, không bị chi phối bởi sinh tử, không bị chi phối bởi những tham dục và phiền não.

Kinh điển Bát nhã Ba la mật vừa là một nền triết học và vừa là một nền tôn giáo, nên giáo thuyết của nó luôn luôn hỗn hợp bản thể học và tâm lý học. Sự thực, nó không nói tới sự hữu là như thế nào, nhưng nói tới những gì có nơi con người. Biết rõ thế gian tức biết rõ tinh thần của con người và những tạo tác của nó. Không có những vấn đề siêu hình nào mà cùng lúc không là những vấn đề về giải thoát và giác ngộ. Do đó khi Bồ Tát nhận thấy thế gian như là như thực (yathàbhùtam) Ngài cũng nhận thấy các loại tâm của con người như thế là như thế; thế rồi Ngài mới thi thiết các phương tiện thiện xảo (upàya) của mình. Vậy, Kinh nói, bằng con mắt của trí Bát Nhã, Bồ Tát thấy rõ các loại tâm của tất cả các loại hữu tình, và Ngài biết rõ chúng sai biệt như thế nào, sai biệt về cá tính, sai biệt về hoạt dụng, sai biệt về thọ báo, sai biệt về giá trị đạo đức, về tâm tính, vân vân. Rồi tri kiến như thực (yathàbhùtam) của Ngài thấu triệt qua những giả tướng này và nhận ra rằng các tâm của chúng; tịnh hay bất tịnh, nhiếp tâm hay loạn tâm, nhiễm tâm hay ly nhiễm tâm, tất cả đều không tự tánh, không thủ trước, không phân biệt. Đấy được coi là nhìn vạn hữu trong chân như tướng của chúng, trong đó mọi sai biệt tan biến hết, đồng thời tự hiển lộ tự thân như thực trong ánh sáng của trí Bát Nhã.

Do đó, đương nhiên tri kiến như thực trong các Kinh Bát nhã Ba la mật có nghĩa là tri kiến xuyên qua bức màn trùng điệp phủ tối đôi mắt chúng ta, và rồi dùng trí Bát Nhã nắm lấy vạn hữu trong chân như của chúng. Chân như (tathatà) là một chữ quá lạ, nhưng trong thuật ngữ Phật giáo, nó là một trong những chữ ý vị nhất. Hiểu rõ nghĩa của nó là hiểu toàn bộ hệ thống tư tưởng của đạo Phật. Chân như là như như và đừng có hiểu lộn thành như nhau hay như một. Khi người ta nói đến vô dị tướng, thì có thể tưởng rằng các dị tướng bị biến thành vô sở tri hay vô sở hữu, để bộc lộ cái tướng như một của chúng. Nhưng cái mà các hành giả Bát Nhã muốn nói là những cái được thấu hiểu trong những tương quan chân thực của chúng, không chỉ tương quan giữa cái này với cái kia mà tương quan với lý tính hiện hữu của chúng.

“Kinh Bát Nhã có một đoạn dành cho Tu Bồ Đề (Subhùti) luận về Như lai Tùy sinh (Tathàgata-anujata). Tùy sinh (Anujàta) có nghĩa, sinh sau hay “sinh ra tùy theo”. Chính Tu Bồ Đề (Subhuti), người nói triết học Bát Nhã, sinh ra sau Như lai, tức em ruột của Như lai, hay nói đúng hơn, Tu Bồ Đề được sinh ra tùy theo tự tướng của Như lai. Đó là một trong các đoạn quan trọng nhất của Bát Nhã, nhất là khi xét tới liên hệ với giáo thuyết Chân như. Như Lai (Tathagata) thông thường được coi như là một biệt hiệu của Phật, nghĩa đen hoặc “người đến như thế” hoặc “người đi như thế”. Điểm quan trọng ở đây là ý nghĩa của chữ Như (tatha) hơn là Lai (agata, đến hay gata, đi); hình như tác giả của Kinh Bát Nhã nhấn mạnh trên chữ tatha coi đó là chìa khóa để hiểu giáo pháp Tathata (Chân như) hay Yathabhutam (Như thực). Khi ông nói tới Chân như của Như Lai (tathagata- tathata), ông muốn nói lý tánh, căn nguyên, hay lý tắc cho sự xuất hiện có thể có của Như Lai trong thế gian. Vì vậy, Tu Bồ Đề mà được sinh ra sau (anujata) Chân như của Như Lai, thì có nghĩa là Tu Bồ Đề và Như Lai cùng đến từ bào thai vũ trụ mà Kinh Lăng già (Lankavatara) và các Kinh Phật khác gọi là Như Lai tạng (tathagatagarbha). Với giải thích sơ khởi này, đoạn dưới đây nói về Tùy sinh (Anujata) và Như Lai (Tathagata) sẽ trở nên dễ hiểu hơn.

“Khi nói Tu Bồ Đề sinh ra sau Như Lai, nói thế có nghĩa như vầy: Như của Như Lai là Như của Tu Bồ Đề, Như Như không hai không khác, vì Chân Như là một trong hết thảy các loại hữu tình và ở đây không hai tưởng, không phân biệt, không phân đôi; trong hết thảy Chân Như không có đến và cũng không có đi vì bản lai vô sinh; chúng không chỗ trụ nơi chúng thường trụ như là những pháp sai biệt; chúng là vô tác, vì có nghĩa rằng chúng không phải là sở tri như là đang hoạt dụng trong một phương thế quyết định nào đó để biểu lộ những tự tướng sai biệt của chúng; thế nhưng chúng cũng không phải là thường tịch và vô sở tác; chúng luôn luôn như Như trong tất cả mọi xứ sở, trong tất cả mọi thời gian, trong tất cả mọi cảnh giới, trong tất cả mọi tụ tập nhân duyên; trong chúng không từng có quá khứ, không từng có hiện tại, không từng có vị lai mặc dù chúng hữu tình được coi như đang hiện hữu, tồn tại và biến mất; chúng không lệ thuộc sự phân biệt, không sắc tướng sai biệt, là bất khả đắc; và sau hết dù với những phẩm tính đó chúng vẫn xuất hiện như là những thực tại, có thể được định danh, được định nghĩa và được phân biệt, mặc dù như thế chúng không còn là Chân như nữa. Vì những lý do đó, Chân như của Tu Bồ Đề là Chân như của Như Lai, và Chân như của Như Lai là Chân như của hết thảy các pháp, cả hai không hai không khác. Chân như nhất như hiển hiện ở đây, nhưng ngay khi nói về Chân như như thế, Chân như không còn là Chân như nữa. Chân như chỉ là giả danh, nhưng nếu không có giả danh đó không có Như Lai, không có Tu Bồ Đề, không có Phật, không có A la hán, không có các loại hữu tình. Duy chỉ Như Lai mới thấu triệt như thế, không một chúng sinh nào có thể nắm nổi lý này. Tu Bồ Đề, vì Ngài thấu hiểu, nên có thể diễn nói những huyền diệu sâu xa của Bát nhã Ba la mật đa, và vì lý do đó, Ngài là Tùy sinh của Như Lai”.

 

Thêm nữa, chúng ta đọc trong chương XVII, “Tướng Bất thối chuyển của Bồ Tát” (Avinivartaniyakaralinganimitta parivarta):

“Phật tử hành đạo trải qua các giai đoạn khác nhau của tâm linh, nhưng ở trong Chân như chúng không hai, không phân biệt. Bồ Tát từ Chân như nhất tướng đó mà có thể nhập vào Pháp tánh (nói gọn: Chân lý). Sau khi nhập vào Pháp tánh, ở đó cũng không sinh ra phân biệt. Dù khi nghe những giáo pháp khác, Bồ Tát cũng không hủy báng, vì biết rằng có nhiều pháp môn sai khác dẫn vào Pháp tánh. Dù khi nghe những danh tướng và ngôn thuyết, Bồ Tát cũng không sinh nghi hoặc đối với công năng thù thắng của Chân như mà Ngài đang hộ trì trong mình.

Một trong những hoạt dụng của Bát Nhã, vậy thì, chính là tri nhận các pháp Như thực hay thấy Chân như tướng của chúng. Trong Chân như đó, thấy rằng hết thảy mọi loài, mọi sự hữu, không bị nhiễm ô, do đó chúng là một với chư Phật và trong phương diện đặc biệt này có thể gọi các Ngài là chư Như Lai. Vì tất cả là một như thế, nên tất cả cùng là anh em (anujatà) với nhau, kể cả chư Phật và Bồ Tát. Cái thai mẹ sinh ra hết thảy những anh em này đích danh là Như Lai tạng (Tathagata- garbha). Vai trò làm mẹ của Bát Nhã ở đây thành xác chứng hơn bao giờ hết, và ý nghĩa đó thường được dùng để tán dương Bát Nhã càng là tự nhiên”.

 

3- Chân Như Quan Bát Nhã:

Giữa hai lập trường vạn hữu là đổi dời, biến động hay là thường hằng, bất biến hay nói khác nó là tương đối hay tuyệt đối. Tương đối mà Bát Nhã thường diễn đạt là sinh tử, tuyệt đối là Niết bàn. Bát Nhã cũng diễn đạt thế giới tục đế là thế giới tương đối, thế giới Thánh đế hay đệ nhất nghĩa đế là tuyệt đối. Nhưng cho dù là tương đối hay tuyệt đối, dù nhiễm hay tịnh, dù đa thù hay nhất thể, dù thường hằng hay bất biến cũng phát suất từ một cái tâm. Tâm sinh diệt, đổi dời là sinh tử, tâm tịch tịnh bất biến là Niết bàn hay gọi là chân như.

Vấn đáp sau đây giữa Phật và Tu Bồ Đề, phẩm “Phương Tiện Thiện Xảo”, quyển 330, Hội thứ I, ĐBN, nói lên quan điểm đó như sau:

“Thiện Hiện! Theo ý ngươi, chân như tức là tâm chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, rời chân như có tâm chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, tâm tức chân như chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, rời tâm có chân như chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, chân như thấy chân như chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, nếu đại Bồ Tát năng hành như thế, là hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Nếu đại Bồ Tát năng hành như thế là hành Bát nhã Ba la mật thậm thâm.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, nếu Bồ Tát năng hành như thế là hành chỗ nào?

Thiện Hiện đáp rằng: Nếu đại Bồ Tát năng hành như thế đều không chỗ hành. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì nếu đại Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật không tâm hiện hành, không chỗ hiện hành. Bạch Thế Tôn! Vì trụ trong chân như đều không hiện hành và chỗ hiện hành vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, đại Bồ Tát khi hành Bát Nhã là hành ở chỗ nào?

Thiện Hiện đáp rằng: Nếu đại Bồ Tát hành Bát Nhã là hành ở trong thắng nghĩa đế, trong đây hiện hành và chỗ hiện hành đều vô sở hữu, vì năng lấy bị lấy chẳng thể được vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, nếu đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật là hành trong thắng nghĩa đế, tuy chẳng lấy tướng mà hành tướng chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã Ba la mật là hành trong thắng nghĩa đế vì hoại tướng mà hành chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật bảo: Thiện Hiện! Theo ý ngươi, đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật, hành trong thắng nghĩa đế vì hoại tướng tưởng chăng?

Thiện Hiện đáp rằng: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải vậy.

Phật hỏi: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nầy khi tu hành Bát nhã Ba la mật vì sao chẳng hoại tướng, cũng chẳng hoại tướng tưởng?

Thiện Hiện đáp rằng: Đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, chẳng liền nghĩ: Ta sẽ hoại tướng, cũng chẳng liền nghĩ: Ta sẽ hoại tướng và hoại tướng tưởng, cũng chẳng liền nghĩ: Ta sẽ hoại vô tướng và hoại vô tướng tưởng. Vì đối tất cả pháp không có phân biệt”.

 

Cảm quan và ý thức phân biệt đưa đến chấp trước. Bát Nhã là vô trước mà vô trước thì tâm như như bất động. Tâm như như bất động thì chân như thật tướng hiện tiền.

 

Vì vậy, Chân Như Quan rốt cuộc được coi là pháp tối cao của Phật đạo. Người nào hiểu được chân như người đó được coi là giác ngộ. Cuộc đối thoại giữa Phật và Thiện Hiện ở quyển 320, ĐBN, chứng tỏ điều này:

“Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sao gọi là quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Chân như của các pháp là quả vị Giác ngộ tối cao.

Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch: Bạch Thế Tôn! Chân như của pháp nào mà nói là tất cả pháp như là quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy: Này Thiện Hiện! Sắc như là quả vị Giác ngộ tối cao; thọ, tưởng, hành, thức như là quả vị Giác ngộ tối cao; mười hai xứ như, mười tám giới như, tứ thiền, tứ vô sắc định, mười tám pháp bất cộng như là quả vị Giác ngộ tối cao; Nhất thiết trí như… cho đến Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác như là quả vị Giác ngộ tối cao. Sanh tử như là quả vị Giác ngộ tối cao; cho đến Niết bàn như là quả vị Giác ngộ tối cao”.

Khi thấy tất cả pháp đều như tức nhập pháp giới, thì pháp giới chính là các ông, các ông chính là pháp giới pháp giới không hai không khác. Vì vậy, Tăng Triệu mới bảo “người hội muôn vật làm mình tức là Thánh nhân”.

Và kinh cũng thường lặp đi lặp lại câu nói: “Người biết các pháp như như thế thì gọi là Như Lai” không khác.

 

2. Bồ Tát an trụ:

 

Câu hỏi được đặt ra là: Đại Bồ Tát mau thành tựu mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thì phải trụ ở đâunên trụ thế nào?

 

Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 54, “Đại Như”, tập 4, quyển 72, dựa vào lời Tu Bồ Đề do Phật dạy, giải thích rằng:

“Ban vui, cứu khổ cho hết thảy chúng sanh là bổn nguyện của Bồ Tát. Bởi vậy nên tâm Bồ Tát duyên khắp chúng sanh, lo cho chúng sanh, làm các việc lợi ích cho chúng sanh.

Muốn thực hiện những nguyện ước như vậy, Bồ Tát phải hoàn thành một số điều kiện căn bản như sau:

 

“1- Khởi tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát tự niệm rằng: Hết thảy pháp hữu vi đều vô thường, hết thảy chúng sanh đều thứ lớp sanh diệt. Chẳng nên phân biệt là đại nhân hay là tiểu nhân. Người thế gian điên đảo chấp các pháp có tướng sai khác, mà chẳng biết rằng các pháp đều chẳng có định tướng.

Ví như nước, lửa, tùy thời, tùy duyên mà có khi lớn, có khi nhỏ, chẳng thể định được. Cũng như vậy, chúng sanh tùy theo duyên nghiệp, có thể nay bần cùng hạ tiện, mà ở đời sau có thể trở thành giàu sang phú quý .

Lại nữa, Bồ Tát tuy có đầy đủ công đức, mà vẫn biết rõ công đức là tánh không, là như mộng, như huyễn nên chẳng chấp trước, chẳng nghĩ công đức của mình là lớn, là nhỏ.

Lại nữa, ở nơi Phật đạo, chúng sanh như thế nào thì chỉ có Phật mới biết rõ được. Bởi vậy Bồ Tát thường tự niệm rằng: Nếu ta dấy niệm khinh chê người hạ tiện, tướng mạo khó thương, tài năng thấp kém, thì như vậy là ta đã khinh chê Phật rồi vậy.

Bởi nhân duyên như vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường giữ tâm bình đẳng, chẳng có phân biệt.

 

2- Khởi tâm đại từ bi đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát thường tự niệm: Ta đã phát thệ nguyện rộng độ hết thảy chúng sanh. Nếu ta chẳng làm được gì lợi ích cho chúng sanh, thì như vậy là ta đã thối tâm rồi vậy.

Bồ Tát dụng tâm bình đẳng, vô phân biệt, làm những việc rất khó làm để đem lại niềm vui cho chúng sanh, và làm vơi nỗi khổ của họ.
Bởi nhân duyên vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường trải rộng tâm từ bỉ.

 

3-Khởi tâm khiêm tốn đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát biết rõ rằng tâm tự cao là nhân duyên dẫn sanh sân hận, đốt sạch rừng công đức.

Như người chủ nhà khi có khách đến thăm, phải khiêm tốn, tự hạ mình để cung tiếp khách, nếu chẳng có gì để phục vụ khách, làm vui lòng khách thì người chủ nhà phải tự thẹn với mình. Cũng như vậy, đối với Bồ Tát, chúng sanh là những vị khách mà Bồ Tát phải phục vụ trong suốt quá trình hành Bồ Tát đạo. Đối với chúng sanh, Bồ Tát thường rất khiêm tốn, tạo nhân duyên dẫn dắt chúng sanh vào đạo.

Lại nữa, Bồ Tát tự niệm rằng: Khởi hạ tâm có rất nhiều lợi ích cho việc tu hành. Nếu ta tự cao tự đại, thì khi bị chúng sanh đến mắng nhiếc nhục mạ, dẫn đến hành hung..., ta sẽ khởi sân nhuế, chẳng thể viên thành đạo nghiệp được.

Bởi nhân duyên vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường khởi tâm khiêm tốn.

 

4- Khởi tâm an ổn đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát xem chúng sanh như cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, như thiện tri thức của mình, đem đến cho chúng sanh niềm vui rốt ráo ở đời này, và cả ở đời sau.

Cha mẹ chỉ đem lại cho con cái niềm vui ở đời hiện tại. Còn Bồ Tát dụng tâm bình đẳng, tâm từ bi tâm khiêm tốn, nên đem lại cho chúng sanh niềm an lạc trong nhiều đời.

Bởi nhân duyên vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường giữ tâm an ổn, khiến chúng sanh được an ổn.

 

5- Khởi tâm vô ngại đối với hết thảy chúng sanh.

Trong lúc hành Bồ Tát hạnh, nếu gặp những người đến phỉ báng, chẳng tin theo lời mình, cho là mình dối trá, cầu danh, chẳng phải thật sự tu hành, thì Bồ Tát biết đó chỉ là ma sự nhằm thử thách lòng mình.

Do biết rõ như vậy nên đối với những kẻ ác tâm, Bồ Tát vẫn vận dụng tâm bình đẳng vô ngại.

Do được tâm vô ngại nên dù chúng sanh có phạm trọng tội, Bồ Tát vẫn muốn làm lợi ích cho họ mà chẳng khởi sanh phiền não.
Bởi nhân duyên vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường giữ tâm bình thản, vô ngại.

 

6- Khỏi tâm vô não đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát thương xót chúng sanh nên trong lời nói, trong việc làm, chẳng bao giờ làm não hại chúng sanh cả.

Lại nữa, vì muốn an ổn chúng sanh nên Bồ Tát tự mình cũng chẳng khởi sanh phiền não, làm não loạn tâm chúng sanh.

Bởi nhân duyên vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường giữ tâm vô não.

 

7- Khởi tâm ái kính đối với hết thảy chúng sanh.

Bồ Tát xem chúng sanh như cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, như thiện tri thức của mình. Đối với người lớn tuổi thì tôn trọng, cung kính như người con có hiếu, tôn trọng, cung kính, hết lòng thương yêu, lo lắng cho cha mẹ. Đối với người ngang tuổi hay kém tuổi, thì cũng thương yêu lo lắng như thương yêu lo lắng cho anh chị em mình, chẳng dấy tâm xằng bậy. Đối với tất cả mọi người, Bồ Tát đều ái kính, xem họ như bà con, bạn bè, thiện tri thức của mình cả.

Bồ Tát vì chúng sanh thường giữ tâm từ hòa ái kính như vậy, nên vào được “chúng sanh nhẫn”, là sơ môn của pháp nhẫn vậy.

Bởi nhân duyên như vậy, nên đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát thường giữ tâm ái kính. Vận dụng các tâm nêu trên đây đối với hết thảy chúng sanh, Bồ Tát lại còn tu tập hết thảy các thiện pháp, dạy cho chứng sanh tu tập hết thảy các thiện pháp, tán thán các thiện pháp ấy, và hoan hỷ tán thán người thành tựu các thiện pháp ấy.

- Bồ Tát tu tập 10 thiện đạo, vì tự nghĩ rằng: Dù có Phật hay chẳng có Phật, thì ở thế gian vẫn thường có các thiện pháp. Bởi vậy nên phải y theo 48 hạnh nguyện mà tu tập 10 thiện đạo. Ta phải thâm niệm thiện pháp, thâm niệm từ tâm, thâm niệm chúng sanh, thâm niệm ly dục, thâm niệm ly thế gian pháp.

- Bồ Tát cũng tự quán thuận và quán nghịch 12 nhân duyên, y theo 48 hạnh nguyện mà tu tập 6 pháp Ba La Mật, tu tập 4 thiền, 4 vô lượng tâm, 4 vô sắc dịnh, tu tập 37 Phẩm Trợ Đạo, tu tập 18 pháp không... dẫn đến tu tập 18 bất cộng pháp. Bồ Tát lại tự mình thành tựu các quả Thanh Văn, Bích Chi Phật, thành tựu Bồ Tát vị, dẫn đến thành tựu pháp trụ. Vì sao? Vì Bồ Tát tự nghĩ rằng: Mặc dù hết thảy các pháp đều là ngoại pháp, nhưng đều do Phật thuyết, ta phải tu tập đầy đủ hết thảy các pháp, để hiển dụng phương tiện cứu độ chúng sanh.

Trên đây đã nói rõ Bồ Tát hành đầy đủ hết thảy các thiện pháp, gồm căn bản nội pháp và ngoại pháp.

Như vậy nên ở hiện đời, Bồ Tát được đầy đủ các thiện căn công đức, được trí huệ minh liễu, vô ngại, đến khi xả bỏ sắc thân thì sẽ được pháp thân vô ngại, thanh tịnh, tùy nguyện ứng biến, chu khắp 10 phương để giáo hóa chúng sanh”.

 

“Qua thời pháp vi diệu này, Phật đã chỉ dạy cho chư vị Bồ Tát tu tập đầy đủ cả về “thiện môn” lẫn “trí môn”, dẫn đến liễu đạt được về “như pháp”. “Phật dạy Bồ Tát phải nhiếp thân tâm, hành đầy đủ cả hai pháp, mới vào được vô sanh pháp nhẫn”.

 

Dẫn chứng trên của Đại trí Độ Luận đủ giải thích phần sau của phẩm này có tên là “Bồ Tát An Trụ”, quý vị có thể đọc tụng chánh văn để bổ túc thêm, nếu muốn. Lược giải phẩm này như vậy là quá dài, quá đủ, nên xin tạm ngưng tại đây./.

 

---o0o---

  


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567