Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

A. Bố Cục Đại Bát Nhã (Tổng Luận Kinh Đại Bát Nhã. Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu, do Phật tử Hoàng Lan diễn đọc)

29/04/202012:12(Xem: 9466)
A. Bố Cục Đại Bát Nhã (Tổng Luận Kinh Đại Bát Nhã. Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu, do Phật tử Hoàng Lan diễn đọc)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thin Bu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha_244

 

II. PHẦN THỨ II TỔNG LUẬN

 

GIÁO LÝ BÁT NHÃ

 
Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Phật tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên








A. BỐ CỤC ĐẠI BÁT NHÃ:

 

       Kinh Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch là một đại tùng thư do Phật thuyết tại 16 pháp hội, gồm 24 tập, cả thảy có 600 quyển, chiếm hết 1/3 Đại Tạng kinh. Về kỹ thuật, một số học giả, tu sĩ, các nhà nghiên cứu Phật học, các luận sư v.v… thường phân chia ĐBN làm năm Hội chính và 11 Hội khác tiếp theo, như sau:

 

1. Phần đầu gọi là Đại Phẩm (Phạm: Zatasàhasrikà-prajĩàpàramità)(1) tức Hội thứ I, cả thảy 16 tập, tổng cộng 400 quyển. Nội dung nói về việc mở rộng và tu tập pháp quán Bát Nhã, hạnh nguyện của Bồ Tát và sự sâu xa thù thắng của Bát Nhã; tường thuật nhân duyên tán thán cúng dường của các vị Đại đệ tử, chư Thiên, Thích, Phạm và công đức rộng lớn của việc thọ trì Bát Nhã dù chỉ với một câu, đồng thời, căn cứ vào nhân duyên thọ lãnh Bát Nhã của hai Bồ Tát Thường Đề và Pháp Dũng mà nói rõ việc được nghe Bát nhã Ba la mật là việc hi hữu (phải cần cầu mới được). Cứ theo Pháp Uyển Châu lâm quyển 100 và Khai Nguyên Thích Giáo lục quyển 11 nói, thì nguyên bản tiếng Phạm của hội thứ nhất gồm có 132.600 kệ tụng, tương đương với 100.000 kệ tụng Bát Nhã.

 

2. Phần hai gọi là Đại bản (Phạm: Paĩcaviôzatisàhasrikà-prajĩàpàramità)(2) gồm 78 quyển kế tiếp, tức Hội thứ II: Về nghĩa thì giống nhau, nhưng văn thì ngắn gọn hơn, sự thay đổi các phẩm cũng khác và thiếu ba phẩm Thường Đề, Pháp Dũng v.v... Tương đương với 25.000 kệ tụng Bát Nhã hiện còn. Bản dịch Tây Tạng chia làm 76 phẩm, trong có các phẩm Thường Đề, Pháp Dũng v.v... Theo bài tựa của Hội thứ II do Ngài Huyền Tắc ở chùa Tây Minh soạn, thì các kinh như: Phóng quang Bát Nhã 20 quyển do Ngài Vô Xoa La dịch vào đời Tây Tấn, Kinh Quang Tán (thiếu nửa sau) 10 quyển do Ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Kinh Ma ha Bát nhã Ba la mật 27 quyển do Ngài Cưu ma La thập dịch vào đời Diêu Tần v.v... đều là những bản dịch khác của hội này.

 

3. Phần Ba tức Hội thứ III: Tạng giáo gọi là Zes-rab-kyi Pha-rol-tu phyin-pa khri-brgyad-stoí-pa. Gồm 31 phẩm, 59 quyển. Về chỉ thú thì gần giống với hai hội trước, nhưng các phẩm thì khác nhau và cũng thiếu 3 phẩm Thường Đề, Pháp Dũng v.v... Theo Pháp Uyển Châu lâm quyển 100 và Khai Nguyên Thích Giáo lục quyển 11, thì nguyên bản tiếng Phạm của hội thứ III gồm 18.000 kệ tụng, tương đương với 18.000 tụng Bát Nhã của bản dịch Tây Tạng. Bản dịch Tây Tạng chia làm 87 phẩm, có đủ ba phẩm Thường Đề, Pháp Dũng v.v...

 

4. Phần bốn gọi là Tiểu bản Bát Nhã (Phạm:Awỉasàhasrikà-prajĩàpàramità) tức Hội thứ IV: Gồm 29 phẩm, 18 quyển. Về yếu chỉ thì giống với ba hội trước, nhưng văn rất tỉnh lược. Theo bài Tựa hội thứ IV của Ngài Huyền Tắc và Pháp Uyển Châu lâm, Khai Nguyên Thích Giáo lục, thì các kinh như: Đạo hành Bát Nhã 10 quyển do Ngài Chi Lâu Ca Sấm dịch vào đời Hậu Hán, Kinh Đại Minh Độ 6 quyển do Ngài Chi Khiêm dịch vào đời Ngô, Kinh Tiểu phẩm Bát nhã Ba la mật, 10 quyển do Ngài Cưu ma la thập dịch vào đời Hậu Tần v.v... đều là những bản dịch khác của hội này (Kinh Phật Mẫu xuất sinh tam pháp tạng Bát nhã Ba la mật đa, 25 quyển do Ngài Thí Hộ dịch vào đời Bắc Tống cũng là cùng bản với hội này). Bản tiếng Phạm gồm 8.000 kệ tụng, tương đương với 8.000 tụng Bát Nhã hiện còn.

 

5. Phần năm nói về Chân như Quan của Thắng Thiên Vương tức Hội thứ V: Gồm 24 phẩm, 10 quyển. Nội dung rất vắn tắt so với bốn hội trước. Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục đều nói bản tiếng Phạm của hội này có 4.000 tụng.

Đó là lược tóm 5 phần chánh của ĐBN được thuyết giảng trong 5 Hội đầu, còn 11 Hội còn lại đại cương như sau:

 

6. Hội thứ VI: Gồm 17 phẩm, 8 quyển. Nội dung hội này là đức Phật nói pháp Bát Nhã và cách tu tập Bát Nhã cho Thắng Thiên Vương nghe. Hội này cùng bản với Kinh Thắng thiên vương Bát nhã Ba la mật đa 7 quyển do Ngài Nguyệt Bà Thủ Na dịch vào đời Trần thuộc Nam triều. Pháp Uyển Châu Lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói, nguyên bản tiếng Phạm của hội này là 2.500 kệ tụng.

 

7. Hội thứ VII: Phần Mạn thù Thất lợi, 2 quyển, tương đương với 700 kệ tụng Bát Nhã (Phạm: Saptazatikà-prajĩàpànamità) tiếng Phạm, không lập tên phẩm riêng. Nội dung tường thuật việc Ngài Mạn thù Thất lợi và đức Phật thuyết pháp về nhất tướng của Như Lai và của hữu tình giới là bất khả đắc, tướng của phúc điền là bất khả tư nghị, nhất tướng trang nghiêm Tam ma địa v.v... Hội này là cùng bản với Kinh Văn Thù Sư Lợi sở thuyết Ma ha Bát nhã Ba la mật 2 quyển, do Ngài Mạn Đà La Tiên dịch vào đời Lương (thu vào hội thứ 46 trong Kinh Đại bảo tích) và kinh Mạn Thù Sư Lợi sở thuyết Bát nhã Ba la mật, 1 quyển, do Ngài Tăng Già Ba La dịch (cũng vào đời Lương). Pháp Uyển Châu Lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 800 kệ tụng.

 

8. Hội thứ VIII: Phần Na già Thất lợi, 1 quyển. Nội dung tường thuật việc Bồ Tát Diệu Cát Tường thuyết giảng về các pháp thế gian như mộng huyễn chẳng phải thật có và về pháp vị vô thượng. Hội này là đồng bản với Kinh Nhu thủ Bồ Tát vô thượng thanh tịnh phân vệ, 2 quyển, do Tường Công dịch vào đời Tống. Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 400 kệ tụng.

 

9. Hội thứ IX: Năng đoạn kim cương phần, 1 quyển, tương đương với Kim cương năng đoạn Bát nhã Ba la mật đa (Phạm:Vajracchedikàprajĩàpàramità) tiếng Phạm. Nội dung đức Phật nói về việc phát tâm hướng tới Bồ Tát thừa, tu hành theo Bát Nhã và phương pháp nhiếp phục tâm cho tôn giả Thiện Hiện (Tu Bồ Đề) nghe. Các Kinh Kim cương Bát nhã Ba la mật, 1 quyển do các Ngài: Cưu ma La thập đời Diêu Tần, Bồ đề Lưu chi đời Nguyên Ngụy và Ngài Chân Đế đời Trần dịch, Kinh Kim cương năng đoạn Bát nhã Ba la mật, 1 quyển, do Ngài Cấp Đa dịch vào đời Tùy, và Kinh Năng đoạn Kim cương Bát nhã Ba la mật đa, 1 quyển, do Ngài Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường v.v... đều là đồng bản của hội này. Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói bản tiếng Phạm của hội này có 300 kệ tụng.

 

10. Hội thứ X: Phần Bát Nhã lý thú, 1 quyển, tương đương với 150 kệ tụng Bát Nhã lý thú (Phạm:Prajĩàpàramità-nayazatapaĩcàzatikà) tiếng Phạm hiện còn. Nội dung đức Phật nói về pháp môn: Nhất thiết pháp thậm thâm vi diệu Bát Nhã lý thú thanh tịnh cho các Bồ Tát nghe. Các kinh: Thực tướng Bát nhã Ba la mật do Ngài Bồ đề Lưu chi dịch vào đời Đường, Kim cương đính du già lý thú Bát Nhã do Ngài Kim Cương Trí dịch, Đại lạc Kim cương Bất không Chân thực Tam ma da do Ngài Bất Không dịch, Biến chiếu Bát nhã Ba la mật do Ngài Thí Hộ dịch vào đời Tống v.v... mỗi thứ 1 quyển, đều là cùng bản với hội này. Theo Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói, thì bản tiếng Phạm của hội này gồm 300 kệ tụng. Nhưng Chí Nguyên pháp Bảo khám đồng tổng lục, quyển 1 thì bảo hội này và nguyên bản tiếng Phạm hiện còn giống nhau, đều gồm 150 bài tụng.

 

11. Hội thứ XI: Phần Bố thí Ba la mật đa, 5 quyển. Nội dung Ngài Xá lợi Phất nói với các vị Bồ Tát là nếu đem lòng đại bi làm việc bố thí, thì sẽ được Nhất thiết trí trí, chứng Vô thượng Bồ đề. Còn đức Phật thì vì Mãn từ Tử mà nói rõ nghĩa tất cả pháp chẳng phải thực có, không có được, mất, lợi, hại, đồng thời, Ngài dùng sức thần thông khiến đại chúng thấy các Bồ Tát trong vô lượng thế giới ở 10 phương đang tu hạnh bố thí và phát tâm cầu Nhất thiết trí.

 

12. Hội thứ XII: Phần Tịnh giới Ba la mật đa, 5 quyển. Nội dung Ngài Xá lợi Phất nhờ sức thần thông của đức Phật mà nói rộng về nghĩa chân thực của tịnh giới, chỉ bảo rõ thế nào là giữ giới và thế nào là phạm giới. Như: Phát tâm Nhị thừa là phạm giới, hướng tới Vô Thượng Chánh đẳng Bồ đề là giữ giới; dính mắc vào tướng bố thí, phân biệt các pháp, xa lìa Nhất thiết trí là phạm giới v.v...

 

13. Hội thứ XIII: Phần An nhẫn Ba la mật đa, 1 quyển. Nội dung Ngài Mãn từ Tử và Xá lợi Phất nói rõ về pháp An nhẫn Vô Thượng Bồ đề, tức là nếu đem tâm tàm quí mà tu pháp quán không thì sẽ chấm dứt tâm tranh đấu, được an ổn.

 

14. Hội thứ XIV: Phần Tinh tấn Ba la mật đa, 1 quyển. Nội dung đức Phật giải thích rõ cho Mãn từ Tử về việc an trụ nơi Bát Nhã, ngăn dứt sáu tình, siêng chăm ba học: Đó là con đường dẫn đến hoàn thành hạnh Bồ Tát.

 

15. Hội thứ XV: Phần Tĩnh lự Ba la mật đa, 2 quyển. Nội dung đức Phật ở trong hội Linh sơn nói về tất cả thiền định như: Tứ thiền, Bát giải thoát, Cửu thứ đệ định v.v... đồng thời, Ngài nói về Không Bát Nhã tam muội cho các tôn giả Xá lợi Phất và Mãn từ Tử nghe. Theo Khai Nguyên Thích Giáo lục, bản tiếng Phạm của hai hội thứ XI, XII mỗi hội là 2.000 kệ tụng, hai hội XIII, XIV, mỗi hội 400 kệ tụng, hội XV có 800 kệ tụng. Nhưng Pháp Uyển Châu lâm bảo bản tiếng Phạm của hội XIV có 800 kệ tụng.

 

16. Hội thứ XVI: Phần Bát nhã Ba la mật đa, 8 quyển. Nội dung đức Phật ở trong hội Trúc lâm, thành Vương Xá nói cho Bồ Tát Thiện dũng Mãnh nghe về giải thoát Bát Nhã vô sở đắc. Pháp Uyển Châu lâm và Khai Nguyên Thích Giáo lục nói, nguyên văn bản tiếng Phạm của hội này gồm 2500 kệ tụng, tương đương tiếng Phạm hiện còn (Suvikràntavikràmiparipfcchà), bản dịch Tây Tạng chia làm 7 chương. Trong 16 hội nêu trên đây, đã có một số hội được ấn hành nguyên bản tiếng Phạm và bản dịch Tây tạng, như các hội thứ nhất, thứ tư, thứ bảy, thứ chín v.v... Sau khi kinh này được truyền dịch, Ngài Huyền Tắc ở chùa Tây Minh có viết lời tựa cho mỗi hội trong 16 hội, Ngài Khuy Cơ ở chùa Đại từ Ân soạn Đại Bát nhã Ba la mật đa kinh Lý thú phần thuật tán, 3 quyển; Ngài Nguyên Hiểu người Tân La (Triều tiên) thì soạn Đại tuệ độ kinh tông yếu 1 quyển. Ngoài ra còn có Đại Bát Nhã kinh quan pháp, 6 quyển của Ngài Đại Ẩn đời Tống; Đại Bát Nhã kinh cương yếu, 10 quyển của Ngài Cát Đỉnh đời Thanh v.v... Rồi đến Đại Tạng kinh cương mục chỉ yếu lục, quyển 1, quyển 2 thượng; Đại Tạng Thánh giáo pháp bảo tiêu mục quyển 1; Duyệt Tạng Tri tân quyển 16 đến quyển 23 v.v... cũng đều có nói về cương yếu của kinh này. Số hội, số kệ tụng, quyển thứ, số phẩm, cùng bản dịch khác, người dịch của kinh này được đồ biểu như sau: [X. Đại đường nội điển lục, Q.5; Cổ kim dịch kinh đồ kỉ, Q.4; Khai nguyên thích giáo lục, Q.8; Đại đường cố Tam tạng Pháp sư Huyền Trang hành trạng; Chí nguyên pháp bảo khám đồng tổng lục, Q.1; Phật giáo kinh điển khái thuyết; Tân Phật giáo thứ 9, mục 7 (Độ biên Hải húc, ĐBN kinh khái quan); Tông giáo nghiên cứu tân thứ 2 đoạn 4 (Can tả Long trường, Bát Nhã kinh chi chư vấn đề); Nguyên thủy Bát Nhã kinh chi nghiên cứu] (3).

 

Đó là bố cục đại cương về Đại Bát Nhã. Ngoài cách phân chia chánh yếu của ĐBN nói trên của Phật Quang Tự điển, các nhà khảo cứu và các học giả Phật học chú giải khác cho rằng: Trong 600 quyển của Kinh ĐBN thì chỉ có 481 quyển ở các Hội thứ 1, 3, 5, 11, 12, 13, 14, 15 và 16 (9 Hội) là do nhóm của Ngài Huyền Trang dịch. 119 quyển còn lại thuộc các Hội thứ: 2, 4, 6, 7, 8, 9, 10 (7 Hội) đã có các vị đi trước dịch rồi và nhóm của Ngài Huyền Trang chỉ sao lại thôi. Các nhà nghiên cứu Phật học đã dùng từ “cựu dịch và tân dịch” để chỉ cho các công trình và lối dịch thuật Kinh điển Phật giáo trước Ngài Huyền Trang (cựu dịch) và từ Ngài Huyền Trang trở về sau (tân dịch)(4).

 

 

---o0o---

 

 

Đó là toàn bộ nội dung ĐBN cũng là toàn bộ lược giải của chúng tôi. Chúng tôi lưu ý Quý vị một lần nữa: Trọng tâm chú giải của phần thứ II Tổng luận này là Hội thứ I, Hội thứ II, Hội thứ IV (tức Tiểu Bản Bát Nhã) và Hội thứ VI cho đến Hội thứ X.

Từ Hội thứ XI trở đi cho đến kết thúc Kinh ĐBN, là nói về Lục Ba la mật, chúng tôi chỉ tóm lược hoặc điểm sơ hoặc nhấn mạnh một vài khía cạnh đặc biệt của 6 Hội cuối cùng này mà thôi. Phần thứ III Tổng luận mới luận giải chi tiết sáu pháp hội cuối cùng nhất là Bát nhã Ba la mật, thành hay bại quyết định ở Hội thứ XVI này. Riêng trong 5 Hội đầu độc giả chỉ cần đọc một Hội là có thể hiểu 4 Hội khác. Nếu có thể đọc hết càng tốt. Tụng đi tụng lại nhiều lần rồi một ngày nào đó sẽ vỡ ra!

Cũng nên nói thêm rằng: Không có một sự tu học nào mà không đòi hỏi một nỗ lực và lòng kiên nhẫn lâu dài. Lục Ba la mật gọi đặc tánh này là tinh tấn Ba la mật. Có tinh tấn mới có tiến bộ. “Cố công mài sắt, có ngày nên kim”. Một lời Phật dạy là một viên ngọc, xin chớ bỏ qua!

Trước khi nhập Niết bàn, Phật bảo:

- “A Nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ bốn chúng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe pháp, và đạo ta cũng đã truyền bá khắp nơi. Bây giờ, ta có thể rời các ngươi mà ra đi. Thân hình ta, theo luật vô thường, bây giờ như một cổ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở pháp, nay xe đã vừa mòn mà pháp cũng đã lan khắp nơi, vậy ta còn luyến tiếc làm gì cái thân tiều tụy này nữa? A Nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn”.  

Rồi, trước khi nhập Niết bàn, Phật bảo tất cả đệ tử:

- “Này! Các người phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các người hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một kẻ nào khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các người”!   

- “Này! Các người đừng vì dục vọng mà quên lời ta dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí giá. Chỉ có chân lý của đạo ta là bất di, bất dịch. Hãy tinh tiến lên để giải thoát, hỡi các người rất thân yêu của ta!”   

Thích nghĩa cho phần này:

(1). Phật Quang Tự Điển gọi phần đầu 400 quyển của Kinh ĐBN là Đại phẩm (Phạm: Zatasàhasrikà-prajĩàpàramità), trong khi Thiền Luận III của Ngài D.T. Suzuki do Tuệ Sĩ dịch, lại gọi là Đại bản Bát Nhã (Satasahasrika Pr.)

(2). Phật Quang Tự Điển gọi phần hai 78 quyển của Kinh ĐBN là Đại bản (Phạm: Paĩcaviôzatisàhasrikà-prajĩàpàramità), trong khi một số tác giả lại gọi là Đại phẩm (Pancavimsati sahasrika Pr.). Các sách dịch cũng thường lẫn lộn hai danh từ Đại phẩm và Đại bản. Xin quý vị đừng quá quan tâm đến sự khác biệt về cách gọi này. Chúng cũng chỉ là danh tự phân biệt.

(3). Bố cục này được trích dẫn từ Phật Quang Từ điển.

(4). Trích dẫn từ bài “Giới thiệu Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa của Đào Nguyên”.

 

---o0o---

 

Như trên đã trình bày: Đại Bát Nhã (ĐBN) do Ngài Huyền Trang dịch thật dài rộng, khoảng hơn 7.000 trang giấy đánh máy khổ lớn(size letter 8.5’’X 11’’), lại trùng tụng quá nhiều, nên việc đọc tụng, học hỏi, thọ trì trở nên rối rắm phức tạp. Vì vậy, chúng tôi tóm lược để dễ học, dễ nhớ. Đó là lý do tại sao có thiên Tổng luận này ra đời. “Đại Bát Nhã Ba La Mật Tổng Luận” mà chúng tôi trình bày ở đây THẬT SỰ CHỈ LÀ TƯ LIỆU CÁ NHÂN, nhằm tóm tắt và chiết giải trong phạm vi hạn hẹp, để tự học hơn là lưu hành. Tuy nhiên, vì phải tra cứu và đọc tụng thường xuyên, nên chúng tôi hoàn thành nó. Đó là duyên khởi của thiên Tổng luận này. Nhưng về sau lại thấy “tánh cách hữu ích và thực dụng” của nó, nên chúng tôi viết thêm phần thích nghĩa và lược giải kèm theo. Kết quả, là thiên Tổng luận Đại Bát Nhã Ba La Mật ra đời thay thế cho quyển Đại Bát Nhã tóm lược dùng để trì tụng trước kia.

Đã có nhiều tác giả viết hay luận giải sơ về giáo lý và triết học Đại Bát Nhã rồi, nhưng không đúc kết toàn bộ đại phẩm này (kể cả bộ Đại Độ Trí Luận của Bồ Tát Long Thọ) mà chỉ rút ra một số Hội, phẩm (phần) hay quyển về các chuyên đề mà họ hiểu biết hay thích thú. Điều đó cũng dễ hiểu, vì nguyên tác Đại Bát Nhã quá dài. Vả lại muốn chiết giải một quyển Kinh, trước hết phải trình bày Kinh đó nói gì, rồi dựa vào đó thích nghĩa và lược giải. Nhưng trình bày một quyển Kinh mà ghi lại hàng trăm hay hàng ngàn trang (như Phẩm “Khó Tin Hiểu” tổng cộng có đến 103 quyển trên 1.000 trang) quá dài dòng, dễ tạo sự chán chường, mỏi mệt cho độc giả. Đó chính là lý do tại sao xưa nay không có bản chú giải nào viết trọn vẹn về Đại Bát Nhã (gồm 16 Hội) ra đời.

Đại Bát Nhã Ba La Mật Tổng Luận này, trước hết tóm lược các giáo lý chính của Đại Bát Nhã do Ngài Huyền Trang dịch, kế đến thích nghĩa và sau cùng là lược giải. Đây chỉ là viên đá nhỏ đầu tiên trong việc xây dựng lâu đài Đại Bát Nhã. Công việc của chúng tôi chỉ có thể nói là “gợi ý” cho các bậc có đạo học sâu dày trong việc truyền bá và xiển dương giáo lý Bát Nhã và đồng thời giúp ích phần nào cho những ai muốn trì tụng, học hỏi Kinh Đại Bát Nhã mà không có điều kiện nghiên cứu nguyên bản (dài 600 quyển, hơn 7000 trang đánh máy khổ lớn).

Trong kinh Đại Bát Nhã này có một nhân vật rất đáng thương, phải chẻ xương, bán tủy để cầu Bát Nhã. Đó là Bồ Tát Thường Đề hay còn gọi là “Bồ Tát Thường Khóc”. Một chữ do Phật thuyết là một hạt châu, còn mỗi chữ mà chúng tôi nặng nhọc, đào xới là một giọt mồ hôi, một giọt nước mắt (do lao động) để cống hiến độc giả. Chúng tôi chiết giải bản kinh này vào tuổi 70 (1), với hy vọng hoàn tất nó trước khi qua cõi khác (giống như Ngài Huyền Trang vậy, khi hoàn tất bản dịch Đại Bát Nhã từ Phạn sang Hán, năm kế thì Ngài qua đời). Đó cũng là ước nguyện của chúng tôi khi hoàn tất bản Tổng luận này!

Xin trở lại vấn đề: Bản tổng luận này chỉ là tư liệu nghiên cứu cá nhân, nên chỉ rút gọn lại các chi tiết rườm rà và các trùng tụng không cần thiết(2). Tuy nhiên, phần triết lý và tôn giáo chánh tông không những giữ nguyên mà chúng tôi còn triển khai nữa. Kinh ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch từ Phạn sang Hán và HT. Thích Trí Nghiêm dịch từ Hán sang Việt rất dài rộng, so với kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa do Ngài La Thập dịch, mặc dù cũng được coi là đại phẩm, nhưng vỏn vẹn chỉ 27 quyển mà thôi (3). Ngay bản tóm lược mà chúng tôi sắp trình bày đây, tuy gọi là tóm lược, nhưng đúc kết hết toàn bộ 24 tập, 600 quyển, nên có thể nói còn dài và rộng hơn MHBNBLMĐ nhiều và dĩ nhiên bản tổng luận này, nếu so với các tiểu bản khác như Tiểu Phẩm Bát Nhã của La Thập, Đạo Hành kinh do Ca Lâu Chi Sấm dịch hay Phật Mẫu Bát Nhã kinh do Thí Hộ dịch v.v… còn dài rộng hơn nhiều.

Trong khi tóm tắt, chúng tôi cố gắng giữ nguyên tác tới mức tối đa, vì kinh luận của chư Phật, Tổ mà nguỵ tạo, thay đổi… thì tội lỗi không thể nào lường nổi.

Để giữ tánh chất trung thực của kinh, chúng tôi lấy hai bản dịch chính, cùng một dịch giả là HT Thích Trí Nghiêm:

1. Là bản đăng trong Tuvienquangduc.com (cảo bản chính do HT. Thích trí Nghiêm đích thân dịch thuật, in năm 1997, đây là bản chưa nhuận văn, vì văn phong rất cổ kính) và

2. Là bản đăng trong Thuvienhoasen.org (do một nhóm tỳ kheo và cư sĩ đã nhuận văn bản gốc của cố HT Thích Trí Nghiêm, phát hành năm 2003, có vẽ Việt nhiều hơn) để tóm lược.

Kèm theo chúng tôi còn lấy bản dịch đã in thành sách, có đăng trong Quangduc.com (cũng chính do nhóm tỳ kheo và cư sĩ đã nhuận văn bản gốc của HT Thích Trí Nghiêm nói trên) để củ soát hai bản dịch trên. Trong trường hợp gặp khó khăn trong vấn về dịch thuật, chúng tôi tham khảo thêm bản kinh nguyên văn bằng chữ Hán đăng trong Hoavouu.com.

Để so chiếu thêm chúng tôi trích dẫn thêm Kinh MHBNBLMĐ do HT Thích Trí Tịnh dịch cũng như các trích dẫn của nhiều kinh sách khác (hiện có trên thị trường) thuộc hệ Bát Nhã như đã lược thuật ở phần bố cục. Ở mỗi phẩm, chúng tôi có thích nghĩa và lược giải, đồng thời trích dẫn thêm lời bình giảng trí tuệ của các Đạo sư, Thiền sư hay các học giả Phật học được xem như bậc thầy v.v... Ngoài ra, chúng tôi cố gắng lượm lặt một số kinh nghiệm thiền có liên quan đến chủ đề, cống hiến độc giả để việc học hỏi thêm phần hứng thú.

 

Thích nghĩa:

(1). Khi bắt đầu luận Kinh này chúng tôi đã 70 tuổi. Bây giờ, củ soát lại trước khi hoàn tất version mới này, tính lại chúng tôi đã ngoài 82. Hơn 12 năm nặng nhọc mới hoàn tất thiên khảo luận này. Mong rằng nó đem lại phần nào hữu ích cho những người trì tụng nó.

(2). Nói như vậy không đúng lắm, vì trùng tụng (tụng đi tụng lại nhiều lần các đoạn kinh hay kệ) trong Phật giáo Đại thừa có một chủ đích hết sức đặc biệt như pháp môn trì danh niệm Phật, hành giả không cần biết có vãng sanh hay không, chỉ một mặt tụng đi tụng lại danh hiệu Phật và phó thác dòng sanh mạng của mình cho Phật A Di Đà. Tụng tụng không dứt, tụng không xen kẽ để niệm niệm nối nhau, niệm cho đến khi thành phiến (khối), niệm cho đến nhất tâm, niệm cho đến không thấy mình là người niệm, không thấy Phật là người được niệm, năng sở, chủ khách tan hoang. Đó là chủ đích của tụng niệm. Trong các thiền đường, tịnh xá hay già lam... các sư và Phật tử tụng “Tâm kinh Bát nhã Ba la mật” cũng không ngoài chủ đích đó.

Chủ ý của Bát Nhã cũng vậy, muốn hành giả Bát Nhã quên đi những cảm quan hay ý thức dễ dãi của cuộc sống qui ước thường tục. Rồi do sự đọc tụng nhiều năm tự nhiên bùng nổ một giác quan mới, nẩy sanh từ vùng đất sâu thẳm của tâm linh chưa hề được khai phá, bây giờ trở thành vùng đất phì nhiêu cho ta những bông hoa tươi đẹp nhất. Hiện tượng này gọi là “nối kết” (neuro-connection). Nói theo “Thần kinh học” là sự kết hợp mới do kích thích cơ học hay tâm lý (shock) cho phép hệ thống dây thần kinh móc nối với một vùng não bộ, trong đó có chứa sẵn những năng khiếu chưa hề được khai phá.

Điều đó có thể tin được lắm: Cảm quan và ý thức bất cứ lúc nào cũng hiện diện, khống chế cuộc sống thường nhật. Dĩ nhiên nó lấn áp, che mờ tánh giác, và một khi các cảm quan và ý thức này bị ru ngủ, một giác quan mới nẩy sanh, sẽ nhảy vào thay thế. Đó chính là trực giác thực chứng (kinh nghiệm) mà các Thiền sư thường dùng các thủ thuật như đánh, đạp, la, hét thô tục hay nói ngược đời cốt dựng dậy cái trực giác đã ngái ngủ từ bao năm. Đó là cách hóa đạo kỳ đặc của các Ngài.

Sự trì tụng của Bát Nhã cũng như lối diễn đạt nghịch đảo táo bạo của nó cũng có tác dụng như vậy, chỉ khác là sự trì tụng đòi hỏi thời gian chứng ngộ, gọi là tiệm tu; trong khi phương tiện táo bạo của Thiền sư có thể thức tỉnh thiền sinh tức khắc hay nói là đốn ngộ.

Câu chuyện một chú bé 17 tuổi tên Lachlan Connors ở Colorado bị chấn thương não trở thành một thiên tài âm nhạc, có thể chứng minh lời chú giải này. Cậu Lachlan chơi môn thể thao tên là Lacrosse bị chấn thương hai lần: Lần thứ nhất bất tỉnh nhưng hồi phục nhanh chóng; lần thứ hai quá nặng, phải lưu lại bệnh viên một thời gian. Sau khi khôi phục, cậu không được phép chơi môn thể thao đó nữa. Lachlan tự nhiên thích nhạc và trở thành nhạc sĩ giỏi, có thể chơi hơn mười nhạc cụ khác nhau kể cả hai nhạc khí không thuộc nước Mỹ là harmonica và bagripes (“kèn tò te” của Irsh hay Scottish). Từ khi xảy ra tai nạn, Lachlan có thể nghe và chơi nhạc từ lúc hắn chưa đọc được ký hiệu nhạc(chơi mò). Từ bé mẹ hắn bảo hắn không có năng khiếu này, vì bà có mua cho cậu một cây dương cầm, cậu có tập nhưng không chơi được.

Erin Weaver, một chuyên viên nổi tiếng giảo nghiệm về thương tật não, chẩn đoán theo câu chuyện được kể, tuyên bố rằng có thể có hai trường hợp xảy ra: “Một là khả năng về nhạc cụ đã ngủ (dormant) trước khi bị chấn thương và tự nhiên được khám phá ra chúng trong thời gian Lachlan không tập trung về thể thao nữa; hai là khi bị chấn thương bằng cách nào đó đã làm cho bộ óc khôi phục khả năng (rewired his brian), nếu thật sự hắn đã mất khả năng ấy”. Lachlan kể lại cho dài CBS4: “Tôi thành thật nghĩ là có một cái gì đó đã móc nối lại. Một cái gì đó thay đổi và cám ơn Chúa đã ban cho”.

Sự “chạm dây” này có tánh cách cơ học như những người già sau khi bị đột quụy, tự nhiên có thể vẽ được, hát được… Lối trì tụng lâu dài, lối nói nghịch đảo của Bát Nhã hoặc lối la, hét, đánh, đạp, mắng, nhiếc… của các Thiền sư cũng có thể tác động làm bùng nổ hiện tượng “rewire” này.

(3). Kinh MHBNBLMĐ do HT. Thích trí Tịnh dịch gồm 3 tập, 30 quyển, có thêm 3 quyển: Bồ Tát Thường Đề, Bồ Tát Pháp Dũng và phẩm kết khuyến.

 

---o0o---

 

 

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567