Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

70. Phẩm “Bất Khả Động" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

28/07/202015:14(Xem: 7592)
70. Phẩm “Bất Khả Động" (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Phật tử Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Phật tử Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***



Phẩm Bất Khả Động_photo

PHẨM “BẤT KHẢ ĐỘNG"



Phần cuối quyển 386 đến phần đầu quyển 390, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương tương với phẩm “Thật Tế” quyển thứ 28, MHBNBLM)



Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu

Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh

Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước

 






Gợi ý:

Hai phẩm trước nói về “Các Tướng Công Đức” và “Các Pháp Bình Đẳng”. Học các pháp này sẽ chứng biết được cái “như tánh, như tướng chỗ gọi là vô tướng của vạn hữu, mà có cái thấy biết bình đẳng đối với muôn sự muôn vật”, nên tâm bất động mà chứng được chân như thật tướng. Phẩm “Bất Khả Động” này không nói về tâm mà Phật nói đến hai vấn đề: Vấn đề thứ nhất là Thật tế và Chúng sanh tế và vấn đề thứ hai nói về Bản tánh không, trong khi phẩm tương đương với phẩm này, Kinh MHBNBLMĐ lấy tên là “Thật Tế”.

Chúng tôi không dám phê bình Kinh trong vấn đề đặt tên phẩm, chỉ nêu ý kiến để độc giả tự thẩm định. Cũng xin đừng nhầm lẫn phẩm “Bất Khả Động” này (bắt đầu từ quyển 386 cho đến hết phần đầu quyển 390) với phẩm “Pháp Tánh Vô Động” ở cuối quyển 397. Phẩm “Bất Khả Động” nói: Vì thấy tất cả pháp Không (Tánh Không hay Bản tánh không) nên tâm không động. Phẩm “Pháp Tánh Vô Động” lại nói: Vì soi thấy tất cả pháp như huyễn như hóa v.v... nên tâm rỗng không, bất động. Cách diễn tả có khác nhưng ý không khác.

Chứng được Tánh Không, Chân như, Thật tế... tức là chứng được cái biên tế thật sự của tất cả pháp thì thành La hán, Bồ Tát, Phật, nên tâm bất động. Cũng vậy, nếu thấy các pháp như huyễn như hóa... thì pháp không chuyển được tâm, do đó thấy biết pháp tánh vô động. Pháp tánh vô động thì pháp không chuyển được tâm mà ngược lại tâm có thể chuyển được pháp. Hai phẩm có tiến trình khác nhau nhưng kết quả chỉ là một.

Nói tóm lại, ba phẩm “Các Tướng Công Đức”, “Các Pháp Bình Đẳng” và “Bất Khả Động”được xem là kết luận chung của giáo lý Bát Nhã Tánh Không, kết thúc 400 quyển trong số 600 quyển ĐBN mà Phật thuyết để kết thúc pháp hội thứ I này. Học và hành các giáo lý này thì chứng ngộ, nên ba phẩm này có thể coi là cốt tủy của Đại Bát Nhã.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình và sự an lập của hữu tình đều rốt ráo chẳng thể nắm bắt được thì các Đại Bồ-tát vì ai mà tu Bát Nhã?

Phật bảo: Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát lấy thật tế làm lượng, nên tu hành Bát nhã Ba la mật. Thiện Hiện! Nếu hữu tình tế(1) cùng thật tế(2) ấy có khác, các đại Bồ Tát chẳng nên tu hành Bát nhã Ba la mật. Vì hữu tình tế chẳng khác thật tế. Vậy nên, đại Bồ Tát vì các hữu tình hành Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật, vì chẳng hoại pháp thật tế, an lập hữu tình nơi trong thật tế.

 

(Khi nhập pháp pháp không, pháp như rồi, sống trong đệ nhất nghĩa đế thì tất cả pháp đều bình đẳng như như không khác. Vì sao? Vì trong cùng một pháp giới không hai không hai phần).

 

Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu các hữu tình tế tức là thật tế, đại Bồ Tát làm sao khi tu hành Bát nhã Ba la mật, vì chẳng hoại pháp thật tế, an lập hữu tình nơi trong thật tế? Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật, an lập hữu tình nơi thật tế ấy thời là an lập thật tế nơi thật tế? Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật an lập thật tế nơi thật tế ấy, thời là an lập tự tánh nơi tự tánh, nhưng chẳng lẽ an lập tự tánh nơi tự tánh? Bạch Thế Tôn! Làm sao nói được đại Bồ Tát ấy, khi tu hành Bát nhã Ba la mật vì chẳng hoại pháp thật tế, an lập hữu tình nơi thật tế?

Phật bảo: Thiện Hiện! Chẳng thể an lập thật tế nơi thật tế, cũng chẳng thể an lập tự tánh nơi tự tánh. Nhưng các đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo năng an lập hữu tình nơi thật tế, mà hữu tình tế chẳng khác thật tế. Như vậy, Thiện Hiện! Hữu tình tế cùng thật tế không hai không phần.

Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Những gì là đại Bồ Tát phương tiện khéo léo, đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật do sức phương tiện khéo léo đây nên an lập hữu tình nơi thật tế mà năng chẳng hoại tướng thật tế?

 

(Tất cả pháp bản tánh không).(3)

 

- Thiện Hiện! Các nhà Đại thừa tức các Bồ Tát tu hành Bát Nhã, từ lúc mới phát tâm, đã thành tựu phương tiện thiện xảo như thế. Do sức phương tiện thiện xảo này, nên an lập hữu tình ở trong bố thí, đã an lập rồi, vì họ tuyên thuyết bố thí khoảng trước, sau, giữa không có tướng sai biệt: Bố thí như thế khoảng trước, sau, giữa tất cả đều không. Người thí, kẻ thọ, kết quả sự bố thí đều không. Tất cả hoàn toàn vô sở hữu, bất khả đắc. Như thế, chớ chấp bố thí có sự sai khác và kẻ thí, người thọ, kết quả bố thí, thật tế có sự sai khác. Nếu chẳng chấp thì phước đức tu bố thí sẽ đưa đến quả vị Cam lồ.Khi tu bố thí này chớ chấp thủ sắc, chớ chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức; chớ chấp thủ mười hai xứ, mười tám giới, chớ chấp thủ tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến chớ chấp thủ Bồ Tát hạnh; chớ chấp thủ quả vị Giác ngộ tối cao; chớ chấp thủ pháp thế gian, chớ chấp thủ pháp xuất thế; chớ chấp thủ pháp hữu lậu pháp vô lậu; chớ chấp thủ pháp hữu vi pháp vô vi. Vì sao? Vì tất cả bố thí và tánh bố thí là không; tất cả người thí và tánh người thí là không; tất cả người thọ và tánh người thọ là không; tất cả kết quả bố thí và tánh của kết quả bố thí cũng không; trong cái không bố thí chẳng thể nắm bắt được, người thí chẳng thể nắm bắt được, người thọ chẳng thể nắm bắt được, kết quả bố thí chẳng thể nắm bắt được. Vì sao? Vì tự tánh của các pháp rốt ráo không. Trong cái rốt ráo không(4), tất cả đều chẳng thể nắm bắt được.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, từ lúc mới phát tâm đã thành tựu phương tiện thiện xảo như thế; do sức phương tiện thiện xảo này, nên an lập hữu tình ở trong tịnh giới; đã an lập rồi, nay đối với các hữu tình nên thương xót sâu xa, xa lìa sự giết hại, xa lìa dâm dục, tà hạnh, xa lìa lời nói hư dối, xa lìa lời nói ly gián, xa lìa lời nói thô ác, xa lìa lời nói hỗn tạp, xa lìa tham dục, xa lìa sân nhuế, xa lìa tà kiến. Vì sao? Vì các pháp như thế hoàn toàn không có tự tánh, nếu pháp không có tự tánh thì gọi là vô tánh, nên chẳng phân biệt chấp trước.

Thiện Hiện! đại Bồ Tát này khi hành Bát nhã Ba la mật trọn nên phương tiện khéo léo như thế, nên hay khéo thành thục các loài hữu tình, vì nói quả bố thí và tịnh giới đều chẳng khá được, khiến biết quả bố thí và tịnh giới tự tánh đều không. Các Bồ Tát đã rõ biết sở tu quả bố thí và tịnh giới tự tánh đều không rồi, mà năng đối trong ấy chẳng sanh chấp trước. Do chẳng chấp trước tâm không tán loạn. Vì không tán loạn, nên năng phát sanh diệu huệ. Nhờ diệu huệ đây dứt hẳn thùy miên tùy miên và các ràng buộc rồi mới vào Vô dư Niết bàn. Thiện Hiện! Như vậy là nương thế tục mà nói chẳng nương thắng nghĩa. Vì sao? Vì trong không, không có chút pháp khá được, hoặc đã Niết bàn, hoặc sẽ Niết bàn, hoặc nay Niết bàn, hoặc kẻ Niết bàn, hoặc do đây nên được Niết bàn, tất cả như thế đều vô sở hữu, rốt ráo đều không. Tánh rốt ráo không tức là Niết bàn, lìa Niết bàn đây không riêng có pháp khác.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Các Bồ Tát tu hành Bát Nhã từ lúc mới phát tâm, đã thành tựu phương tiện thiện xảo như thế; do sức phương tiện thiện xảo này thấy các hữu tình tâm nhiều sân hận, vô cùng thương xót, phương tiện dạy bảo: Nên tu an nhẫn, ưa pháp an nhẫn, chế ngự tâm mình, thọ hạnh an nhẫn. Tại sao phải sân hận? Vì sao sân hận? Sân hận ai? Các pháp ấy, bản tánh đều không; pháp bản tánh không chưa từng chẳng không; tánh không như thế chẳng phải Như Lai tạo ra, chẳng phải Độc giác tạo ra, chẳng phải Thanh văn tạo ra, chẳng phải Bồ Tát tạo ra, cũng chẳng phải trời, rồng, thần tiên tạo ra, cũng chẳng phải chư thiên trong cõi Dục, Sắc hay Vô sắc tạo ra. Tất cả pháp như thế, bản tánh đều không, chẳng phải trong tánh không có sân hận, cho nên cần phải an nhẫn để đem lại lợi ích mình người.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ Tát tu hành Bát Nhã, từ lúc mới phát tâm đã thành tựu phương tiện thiện xảo như thế; do sức phương tiện thiện xảo này, thấy các hữu tình thân tâm giải đãi, thối thất tinh tấn, phương tiện khuyên bảo, dẫn dắt, khiến họ phát khởi thân tâm tinh tấn, tu các thiện pháp. Trong bản tánh không, không có pháp giải đãi, không có người giải đãi, không xứ giải đãi, không thời giải đãi, không do việc này phát sanh giải đãi, biếng nhác. Tất cả pháp ấy đều bản tánh không, chẳng vượt lý không. Phải phát khởi thân tâm tinh tấn, từ bỏ giải đãi, siêng tu thiện pháp, đó là lục Ba la mật; hoặc tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Chớ sanh giải đãi; nếu sanh giải đãi thì phải chịu nhiều thống khổ. Tất cả pháp ấy, bản tánh đều không, không có các chướng ngại, trong cái không chướng ngại, không có giải đãi, không có người giải đãi, xứ, thời, duyên của việc này cũng chẳng thể nắm bắt được.

Bồ Tát ấy, khi hành Bát Nhã, thành tựu phương tiện thiện xảo như thế, có khả năng khéo léo thành thục hữu tình, vì họ mà nói quả bố thí, tịnh giới, an nhẫn và tinh tấn hoàn toàn chẳng thể nắm bắt được, khiến họ biết quả bố thí, tịnh giới, an nhẫn và tinh tấn tự tánh đều không. Khi họ đã hiểu rõ quả bố thí, tịnh giới… tự tánh đều không rồi, thì có thể đối với pháp ấy chẳng sanh chấp trước, do chẳng chấp trước, tâm không tán loạn, do không tán loạn, có thể phát diệu tuệ, do diệu tuệ này đoạn trừ vĩnh viễn thùy miên và các triền rồi, nhập cảnh giới Niết bàn tuyệt đối.

Như vậy là nương vào thế tục mà nói, chẳng y cứ vào thắng nghĩa. Vì sao? Vì trong không, không có một pháp nhỏ nào có thể nắm bắt được; hoặc đã Niết bàn, hoặc sẽ Niết bàn, hoặc hiện Niết bàn, hoặc người Niết bàn, hoặc do đó mà đắc Niết bàn, tất cả như thế, hoàn toàn vô sở hữu, rốt ráo đều không; tánh không rốt ráo tức là Niết bàn, lìa Niết bàn này không có một pháp riêng khác.

Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ Tát tu hành Bát Nhã, từ lúc sơ phát tâm, thành tựu phương tiện thiện xảo như thế; do sức phương tiện thiện xảo này, thấy các hữu tình, tâm nhiều loạn động, đối với các cảnh dục chẳng thể nhiếp tâm, nên dạy bảo khuyến dẫn tu thiền định, nhập các Tam ma địa thù thắng. Vì tất cả pháp đều bản tánh không; trong bản tánh không, không có pháp có thể nắm bắt, có thể gọi là tán loạn, hoặc gọi là nhất tâm. Nếu có thể an trụ định thù thắng này thì có thể viên mãn tất cả các thiện pháp. Nhờ viên mãn các thiện pháp thù thắng, nên có thể từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, cung kính cúng dường, tôn trọng ngợi khen chư Phật Thế Tôn; ở chỗ các đức Phật, nghe, thọ chánh pháp, bỏ thân thọ thân, trải vô lượng kiếp cho đến đắc quả vị Giác ngộ tối cao, ở khoảng giữa, chẳng bao giờ quên mất.

 

Lại nữa, Thiện Hiện! Bồ Tát tu hành Bát Nhã, từ lúc mới phát tâm đã thành tựu phương tiện thiện xảo như thế. Do sức phương tiện thiện xảo này an trụ bản tánh không, thấy các hữu tình trí tuệ bạc mỏng, ngu si điên đảo, tạo các nghiệp ác, nên phương tiện khuyến dẫn siêng tu Bát Nhã, quán tất cả pháp bản tánh không tịch, tu hành các nghiệp thân, ngữ, ý đều hướng đến Niết bàn; đắc quả Niết bàn quyết dùng Niết bàn mà tạo dựng đời sau. Tất cả pháp đều bản tánh không. Trong bản tánh không, hữu tình và pháp tuy chẳng thể nắm bắt được, nhưng việc tu hành cũng không thối thất. Vì sao? Vì trong bản tánh không, không có pháp tăng giảm, không có người tăng giảm. Vì lý của bản tánh không chẳng phải có tự tánh, chẳng phải không có tự tánh, lìa phân biệt, dứt các hý luận, cho nên ở trong đó, không tăng, không giảm.

Như vậy, Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo, tự tu hành nghiệp lành thường không biếng bỏ, dạy bảo dạy trao các loại hữu tình khiến tu nghiệp lành thường không biếng bỏ. Thiện Hiện! Đấy gọi là đại Bồ Tát khi tu hành Bát nhã Ba la mật phương tiện khéo léo. Các đại Bồ Tát do sức phương tiện đây, nên an lập hữu tình trong thật tế mà chẳng hoại tướng.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp bản tánh đều không. Trong bản tánh không, hữu tình và các pháp đều chẳng khá được. Do ở trong đấy cũng không có phi pháp, đại Bồ Tát làm sao vì các hữu tình cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề thường làm nhiêu ích?

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Như vậy. Như ngươi đã nói, có bao nhiêu pháp bản tánh đều không. Trong bản tánh không, hữu tình và các pháp đều chẳng khá được. Do ở trong đây cũng không phi pháp.

Thiện Hiện! Nếu tất cả pháp bản tánh chẳng không, thì khi Bồ Tát tu hành Bát Nhã chẳng thể an trụ lý bản tánh không, tu chứng quả vị Giác ngộ tối cao, vì lợi ích hữu tình, thuyết bản tánh không. Vì tất cả pháp đều bản tánh không, nên Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, an trụ đạo lý đó, tu chứng quả vị Giác ngộ tối cao, vì lợi ích hữu tình thuyết bản tánh không.

 

(Những pháp nào bản tánh không?)

 

Thiện Hiện! Những pháp nào bản tánh đều không mà đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã như thật rõ biết bản tánh không rồi, trụ nơi bản tánh không, vì hữu tình thuyết pháp?

Thiện Hiện! Sắc bản tánh không; thọ, tưởng, hành, thức bản tánh không; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã như thật rõ biết các uẩn bản tánh không như thế rồi, an trụ bản tánh không, vì các hữu tình, tuyên thuyết bản tánh không; mười hai xứ, mười tám giới bản tánh không, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao bản tánh không; đại Bồ Tát khi hành Bát Nhã, như thật rõ biết bản tánh không rồi, an trụ bản tánh không, vì các hữu tình, tuyên thuyết bản tánh không như thế.

Nếu bản tánh của tất cả pháp chẳng không, thì các đại Bồ Tát chẳng vì các hữu tình thuyết tất cả pháp đều bản tánh không; thuyết như thế là hoại bản tánh không. Nhưng bản tánh không, lý chẳng thể hoại, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Vì sao? Vì lý bản tánh không không phương, không xứ, không từ đâu đến, cũng không về đâu. Lý không như thế cũng gọi là pháp tánh(5). Trong ấy không có pháp, không tụ, không tán, không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không nhiễm, không tịnh; tất cả pháp ấy vốn là tánh an trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, cầu đạt quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thấy các pháp có chỗ hướng đến, không chỗ hướng đến, vì tất cả pháp hoàn toàn không sở trụ, cho nên gọi là pháp trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, tu hành Bát Nhã, thấy tất cả pháp bản tánh không rồi, nhất định hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, được bất thối chuyển. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp có thể gây chướng ngại. Vì thấy tất cả pháp không chướng ngại nên đối với quả vị Giác ngộ tối cao chẳng sanh nghi hoặc, vì vậy nên không bao giờ thối thất.

Trong bản tánh không, ngã chẳng thể nắm bắt được, hữu tình chẳng thể nắm bắt được, sự an lập hữu tình chẳng thể nắm bắt được; dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng, khả năng làm việc, khả năng khiến người làm việc, khả năng tạo nghiệp, khả năng khiến người tạo nghiệp, khả năng thọ quả báo, khả năng khiến người thọ quả báo, cái biết, cái thấy cũng chẳng thể nắm bắt được.

Trong bản tánh không, sắc chẳng thể nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được. Trong bản tánh không, mười hai xứ, mười tám giới chẳng thể nắm bắt được. Trong bản tánh không, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao cũng chẳng thể nắm bắt được. Trong bản tánh không, pháp sắc phi sắc chẳng thể nắm bắt được; pháp hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thiện Hiện! Như bốn chúng mà Phật hóa ra là Tỳ kheo nam, Tỳ kheo nữ, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, giả sử có hóa Phật, trải qua trăm ngàn, triệu kiếp, vì bốn chúng ấy tuyên thuyết pháp yếu, hóa chúng ấy cũng chẳng thể đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, hoặc đắc quả vị Độc giác, hay quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì hóa chúng đó hoàn toàn không phải thật, nên không thể đắc quả. Các pháp cũng vậy, đều bản tánh không, hoàn toàn không thật có thì làm sao có thể đắc quả. Đại Bồ Tát, vì hữu tình gì, nói pháp gì khiến hữu tình có thể đắc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn v.v…?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát tuy vì hữu tình tuyên thuyết các pháp bản tánh không, nhưng các hữu tình, thật chẳng thể hiểu biết được, thương xót họ rơi vào điên đảo, nên cứu vớt khiến an trụ pháp không điên đảo, không điên đảo nghĩa là không phân biệt; không phân biệt thì không điên đảo, nếu có phân biệt thì có điên đảo vì chúng đồng loại.

Thiện Hiện! Trong cái không phân biệt, không điên đảo, không có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng… cho đến cái biết, cái thấy; cũng không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; cũng không có mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Cũng không có pháp sắc phi sắc, không có pháp hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi; cũng không có ba mươi hai tướng Đại sĩ, không có tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc.

Như vậy, nói lược là “tất cả đều không”: Không ngã, không chúng sanh, không mạng giả… cho đến  không có cái thấy cái biết, không có sắc thọ tưởng hành thức, không có xứ giới, không có tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, không có tập diệt đạo, không có vô minh cũng không hết vô minh, không có già chết cũng không hết già chết, cũng không có pháp không nội, không có pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, pháp không bản tánh, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh, cũng không có đạo, không có quả, cũng không có chứng đắc v.v…Tất cả đều không sở hữu, nếu không sở hữu thì gọi là bản tánh không. Các đại Bồ Tát khi hành Bát Nhã, an trụ trong đó thấy các hữu tình đọa vào tưởng điên đảo, phương tiện thiện xảo khiến được giải thoát. Giải thoát những gì? Giải thoát những trói buộc: Không có ngã, tưởng có ngã; không có chúng sanh, tưởng có chúng sanh… cho đến không có cái thấy cái biết, tưởng có thấy biết. Cũng giải thoát những trói buộc: Không có sắc, tưởng có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, tưởng có thọ, tưởng, hành, thức. Cũng khiến giải thoát những trói buộc: Không có xứ, giới, tưởng có xứ, giới, không có tất cả pháp Phật, tưởng có tất cả  pháp Phật. Cũng khiến giải thoát những trói buộc: Không có pháp sắc, phi sắc mà tưởng có pháp sắc phi sắc; không có pháp hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, mà tưởng có pháp hữu kiến vô kiến cho đến hữu vi vô vi.

Còn Đệ nhất nghĩa đế thì không sanh, không diệt, không tướng, không tác, không hý luận, không phân biệt. Thắng nghĩa đế tức là bản tánh không. Bản tánh không này tức là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo. Trong ấy chúng sanh bất khả đắc, cho đến người thấy, người biết bất khả đắc; sắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc cho đến tám mươi tùy hình hảo bất khả đắc. Tại sao? Vì đại Bồ Tát chẳng phải vì đạo pháp mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Đại Bồ Tát vì chư pháp thật tướng tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Tánh không ấy, tiền tế, hậu tế và trung tế đều tánh không! Thường là tánh không, chưa từng chẳng không. (Q.388, ĐBN)

Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát(trụ) bản tánh không, vì muốn giải thoát các loại hữu tình nên hành Đạo tướng trí. Bồ Tát này hành Đạo tướng trí tức là hành tất cả đạo: Thanh văn, hoặc Độc giác, hoặc Bồ Tát hay Như Lai đạo. Đại Bồ Tát này đối tất cả đạo được viên mãn rồi, mới năng thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, cho đến khi chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Đã chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề nên khiến Phật nhãn thường không đoạn hoại. Phật nhãn là gì? Tức là bản tánh không.

Thiện Hiện! Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ đều dùng bản tánh không, gọi là Phật nhãn. Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vị lai đều dùng bản tánh không làm Phật nhãn. Hiện tại mười phương vô biên thế giới có bao nhiêu Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều dùng bản tánh không làm Phật nhãn. Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nào lìa bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời. Chư Phật xuất thế đều thuyết bản tánh không; hữu tình được giáo hóa cần phải lắng nghe Phật thuyết lý bản tánh không, mới có thể nhập Thánh đạo, chứng quả Thánh đạo; lìa bản tánh không, không có phương tiện nào khác. Cho nên, các đại Bồ Tát muốn chứng quả vị Giác ngộ tối cao, cần phải an trụ vững vàng lý bản tánh không, tu hành Bát nhã Ba la mật và các Bồ Tát hạnh. Nếu an trụ vững vàng lý bản tánh không, tu hành Bát Nhã và Bồ Tát hạnh thì chẳng bao giờ thối thất Nhất thiết trí trí.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Như vậy, các đại Bồ Tát thật hi hữu! Tuy hành tất cả pháp bản tánh không nhưng chẳng phá hoại các pháp, đó là chẳng chấp sắc khác với bản tánh không, cũng chẳng chấp thọ, tưởng, hành, thức khác với bản tánh không; chẳng chấp mười hai xứ, mười tám giới khác với bản tánh không, chẳng chấp tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ khác với bản tánh không.

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Như vậy. Như ngươi vừa nói. Các đại Bồ Tát rất là hiếm có. Tuy hành tất cả pháp bản tánh đều không, mà đối bản tánh không chẳng hoại các pháp. Thiện Hiện! Sắc tức là bản tánh không, bản tánh không tức là sắc; thọ, tưởng, hành, thức tức là bản tánh không, bản tánh không tức là thọ, tưởng, hành, thức; mười hai xứ, mười tám giới tức là bản tánh không, bản tánh không tức là mười hai xứ, mười tám giới; tất cả pháp Phật tức là bản tánh không, bản tánh không tức là tất cả pháp Phật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu sắc khác bản tánh không, bản tánh không khác sắc; sắc chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng phải sắc. Nếu thọ, tưởng, hành, thức khác bản tánh không, bản tánh không khác thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng phải thọ, tưởng, hành, thức. Nếu 12 xứ, mười tám giới khác bản tánh không, bản tánh không khác mười hai xứ, mười tám giới; mười hai xứ, mười tám giới chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng phải mười hai xứ, mười tám giới v.v… cho đến nếu quả vị Giác ngộ tối cao khác bản tánh không, bản tánh không khác quả vị Giác ngộ tối cao; quả vị Giác ngộ tối cao chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng phải quả vị Giác ngộ tối cao thì các đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã chẳng nên quán tất cả pháp đều bản tánh không, để chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Thiện Hiện! Vì sắc chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác sắc; sắc tức là bản tánh không, bản tánh không tức là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác thọ, tưởng, hành, thức; thọ, tưởng, hành, thức tức là bản tánh không, bản tánh không tức là thọ, tưởng, hành, thức. Vì mười hai xứ, mười tám giới chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác mười hai xứ, mười tám giới; mười hai xứ, mười tám giới tức là bản tánh không, bản tánh không tức là mười hai xứ, mười tám giới v.v… Quả vị Giác ngộ tối cao chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác quả vị Giác ngộ tối cao; quả vị Giác ngộ tối cao tức là bản tánh không, bản tánh không tức là quả vị Giác ngộ tối cao, nên các đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, quán tất cả pháp đều bản tánh không, nên chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì lìa bản tánh không, không có một pháp nào là thật, là thường, có thể hoại, có thể đoạn. Trong bản tánh không, cũng không có một pháp nào là thật, là thường, có thể hoại, có thể đoạn, chỉ có những kẻ ngu si mê muội, điên đảo mới khởi tưởng sai khác, đó là chấp sắc khác bản tánh không, hoặc chấp thọ, tưởng, hành, thức khác bản tánh không; hoặc chấp mười hai xứ, mười tám giới khác bản tánh không; hoặc chấp tất cả pháp Phật khác bản tánh không.

Thiện Hiện! Các phàm phu ngu si ấy chấp các pháp khác bản tánh không rồi, chẳng như thật biết sắc: Chẳng như thật biết thọ, tưởng, hành, thức; vì do chẳng biết nên chấp trước sắc, chấp trước thọ, tưởng, hành, thức; vì do chấp trước nên đối với sắc chấp có ngã và ngã sở, đối với thọ, tưởng, hành, thức chấp có ngã và ngã sở; vì do vọng chấp nên đắm vào vật trong ngoài, thọ nhận sắc, thọ, tưởng, hành, thức của thân sau. Do đó, chẳng có thể giải thoát sanh, lão, bệnh, tử… qua lại ba cõi luân chuyển không cùng. Do nhân duyên ấy, các đại Bồ Tát an trụ bản tánh không Ba la mật, tu hành Bát Nhã, chẳng chấp thọ sắc, cũng chẳng hoại sắc, hoặc không, hoặc chẳng không; chẳng chấp thọ, tưởng, hành, thức, cũng chẳng hoại thọ, tưởng, hành, thức hoặc không, hoặc chẳng không.

Thiện Hiện! Thí như hư không chẳng hoại hư không(6), cảnh giới hư không nội chẳng hoại cảnh giới hư không ngoại(7); cảnh giới hư không ngoại chẳng hoại cảnh giới hư không nội. Như vậy, sắc chẳng hoại không, không chẳng hoại sắc; thọ, tưởng, hành, thức chẳng hoại không, không chẳng hoại thọ, tưởng, hành, thức. Vì sao? Vì các pháp như thế đều không có tự tánh, chẳng thể hoại nhau, đây là không, đây là bất không.

 

(Tất cả pháp không, không có hai tướng, không phân biệt).

 

Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều bản tánh không, mà trong bản tánh không hoàn toàn không sai biệt thì các đại Bồ Tát an trụ ở đâu mà phát khởi tâm cầu quả vị Giác ngộ tối cao với lời nguyện: Ta sẽ chứng đắc quả vị đại giác ngộ? Bạch Thế Tôn! Quả vị Giác ngộ tối cao không có hai hành tướng, để có thể chứng quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy:

- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, quả vị Giác ngộ tối cao không có hai hành tướng, chẳng phải hai hành tướng có thể chứng quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì Bồ đề không hai, cũng không phân biệt. Nếu đối với Bồ đề mà hành hai tướng, có phân biệt thì chắc chắn không có thể chứng. (Q. 388, ĐBN)

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát đối với Bồ đề, chẳng hành hai tướng, cũng chẳng phân biệt, hoàn toàn không trụ vào đâu, mà phát khởi tâm cầu quả vị Giác ngộ tối cao. Các đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, chẳng hành hai tướng, cũng chẳng phân biệt, hoàn toàn không có sở hành thì có thể chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao.

Này Thiện Hiện! Sở cầu của các đại Bồ Tát là quả vị Giác ngộ tối cao chẳng phải hành hai tướng mà có thể chứng đắc. Các đại Bồ Tát sở hữu quả vị giác ngộ, hoàn toàn không có sở hành. Đó là chẳng hành sắc, cũng chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng hành xứ giới, chẳng hành tất cả pháp kể cả quả vị Giác ngô tối cao. Vì sao? Vì các đại Bồ Tát sở hữu quả vị giác ngộ, chẳng duyên vào danh vị chấp ngã, ngã sở, nghĩa là chẳng nghĩ: Ta hành sắc, ta hành thọ, tưởng, hành, thức; cũng chẳng nghĩ là ta hành xứ giới. ta hành tất cả pháp Phật kể cả quả vị Giác ngộ tối cao. Các đại Bồ Tát sở hữu quả vị Giác ngộ, cũng chẳng phải thủ mà hành, cũng chẳng phải xả mà hành.

Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã chẳng thủ, chẳng xả mà hành, hoàn toàn không có chỗ hành, nghĩa là chẳng hành sắc, cũng chẳng hành thọ, tưởng, hành, thức; chẳng hành mười hai xứ mười tám giới, chẳng hành tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến chẳng hành quả vị Giác ngộ tối cao thì làm sao chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề?

Phật bảo: Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát sở hữu quả vị Giác ngộ tuy không có chỗ hành nhưng vẫn phải hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát Nhã; vẫn phải hành mười tám pháp không, vẫn phải hành ba mươi bảy pháp trợ đạo; phải hành Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo; cần phải hành bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc; cần phải hành tám giải thoát, tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; cần phải hành tất cả pháp môn Đà la ni, Tam ma địa; cần phải hành tam giải thoát môn; cần phải hành Bồ Tát thập địa; cần phải hành ngũ nhãn, lục thần thông; cần phải hành Phật mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt v.v… cần phải hành Nhất thiết trí, Đạo tướng trí, Nhất thiết tướng trí; cần phải an trụ thần thông thù thắng, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật mới có thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề.

 

(Không có chỗ hành có nghĩa là không hành được mất, có không, thủ xả…. Không có chỗ hành cũng có nghĩa là không vì lợi danh mà hành. Hạnh nguyện của Bồ Tát là làm đẹp thế gian này, nên chỗ nào có khổ thì chỗ đó có Bồ Tát, dù chỗ đó là tận cùng thế giới đầy dầù xôi lửa bỏng. Các Ngài luôn ước nguyện: “Kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ cuồng được nhớ, kẻ loạn được định, kẻ nghèo được giàu, kẻ trần được áo, kẻ đói được ăn, kẻ khát được uống, kẻ bệnh được lành, kẻ xấu được đẹp, kẻ tàn tật được đầy đủ, kẻ căn khuyết được vuông tròn, kẻ mê lầm được tỉnh ngộ và kẻ mỏi mệt được thư thới”. Vì vậy, những ai phát tâm cầu Vô Thượng Bồ đề, phải an trụ tất cả Phật pháp mới có thể hành Bồ Tát đạo, thực thi các hạnh nguyện cao cả nhằm phục vụ lợi ích chúng sanh. Đó là không chỗ hành nhưng vẫn phải hành. Hành như vô sự hay gọi là vô đạo hành!)

 

(Bản tánh không là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo).

 

Nếu đại Bồ Tát muốn đắc Vô Thượng Bồ đề thì phải an trụ tất cả pháp Phật. Mà an trụ tất cả pháp Phật tức là an trụ bản tánh không của sắc, an trụ bản tánh không của thọ tưởng hành thức; an trụ bản tánh không của mười hai xứ mười tám giới; an trụ bản bản tánh không của tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến an trụ quả vị Giác ngộ tối cao. Nói gọn, là phải an trụ tất cả pháp Phật. Kinh nói “bản tánh không là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo”, “Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nào lìa bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời”. Vậy, bản tánh không là Như Lai Ứng Cúng Đẳng giác, là Vô Thượng Bồ đề, là Phật Đạo.

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nương vào thế tục mà nói, phô diễn các pháp như thật rõ biết bản tánh không rồi, chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao, chứ chẳng phải như chơn thắng nghĩa. Vì sao? Vì trong chơn thắng nghĩa, không có sắc có thể nắm bắt được, cũng không có thọ, tưởng, hành, thức có thể nắm bắt được; không có nhãn xứ có thể nắm bắt được…; cũng không có quả vị Giác ngộ tối cao có thể nắm bắt được; không có người hành Bồ Tát hạnh có thể nắm bắt được, cũng không có người hành quả vị Giác ngộ tối cao có thể nắm bắt được.

Thiện Hiện! Các pháp như thế, đều nương vào ngôn từ thế tục mà phô diễn, chẳng y cứ vào thắng nghĩa.

Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, từ lúc mới phát tâm, tuy rất hăng hái vì các hữu tình hành Bồ đề đạo, nhưng đối với tâm này hoàn toàn không có sở đắc, đối với các hữu tình cũng không có sở đắc, đối với Bồ đề cũng không có sở đắc, đối với Phật, Bồ Tát cũng không có sở đắc. 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp hoàn toàn không sở đắc, đều chẳng thể nắm bắt được, thì tại sao đại Bồ Tát hành hạnh Bồ đề có thể đắc quả vị Giác ngộ tối cao?

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao? Khi trước ông nương vào Bồ đề mà đoạn các phiền não, được căn vô lậu an trụ định vô gián, đắc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn, hay A la hán, thì khi ấy, ông có thấy hữu tình, hoặc tâm hoặc đạo, hoặc quả chăng?

Thiện Hiện đáp:

- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Nếu khi đó ông hoàn toàn không có sở đắc thì tại sao nói là đắc quả A la hán?

Thiện Hiện đáp:

- Vì nương vào thế tục mà nói, chẳng y cứ vào thắng nghĩa.

Phật dạy:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ông nói. Các đại Bồ Tát cũng giống như thế, nương vào thế tục mà nói hành đạo Bồ đề và đắc quả Giác ngộ, chứ chẳng y cứ vào thắng nghĩa.

Này Thiện Hiện! Vì nương vào thế tục nên đặt bày có sắc, đặt bày có thọ, tưởng, hành, thức; vì nương vào thế tục nên đặt bày có mười hai xứ, mười tám giới; vì nương vào thế tục nên đặt bày tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… đặt bày có quả vị Giác ngộ tối cao; vì nương vào thế tục nên đặt bày có hữu tình, đặt bày có Bồ Tát, chư Phật Thế Tôn, chẳng y cứ thắng nghĩa.

Này Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát chẳng thấy có pháp nào có thể đối với quả vị Giác ngộ có tăng có giảm, có ích có tổn, vì tất cả pháp, bản tánh không vậy.

Các đại Bồ Tát đối với tất cả pháp, quán bản tánh không còn chẳng thể nắm bắt được, huống là mới phát tâm mà có cái có thể nắm bắt được, huống là tu lục Ba la mật mà có cái có thể nắm bắt được, huống là tu mười tám pháp không, tứ Thánh đế, ba mươi bảy pháp trợ đạo mà có cái có thể nắm bắt được; huống là tu mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến huống là tu quả vị Giác ngộ tối cao mà có cái có thể nắm bắt được.

Các đại Bồ Tát nếu có sở đắc, đối với sở tu mà có thể an trụ tất cả pháp Phật là điều không thể có!

 

Thích nghĩa:

(1). Hữu tình tế: HT Thích Trí Nghiêm dịch là hữu tình tế khi dịch Đại Bát Nhã. HT Thích Trí Tịnh dịch là chúng sanh tế khi dịch Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, cả hai như nhau. Chúng tôi dùng chúng sanh tế.

(2). Thật tế là một từ trong thập nhị chân như: (十二真如) Cũng gọi Thập nhị vô vi, Thập nhị không. Chỉ cho 12 tên gọi của Chân như. 1. Chân như: Chân là chân thực, như là thường như. Thể tính của các pháp chân thực thường như. 2. Pháp giới: Giới nghĩa là chỗ nương. Chân như là chỗ nương của các pháp. 3. Pháp tính: Tức là thể tính của các pháp. 4. Bất hư vọng tính: Pháp tính chân thực, xa lìa hư vọng. 5. Bất biến dị tính: Tức pháp thể không biến đổi. 6. Bình đẳng tính: Lìa tướng sai biệt của các pháp, bình đẳng không hai. 7. Ly sinh tính: Tức lìa sinh diệt. 8. Pháp định: Tức pháp tính thường trụ.9. Pháp trụ: Trụ trong pháp vị chân như.10. Thực tế (hay thật tế): Thực lý chân như rất mực, đến mé cùng cực. 11. Hư không giới: Tức lý thể của chân như cùng khắp. 12. Bất tư nghị giới: Lý thể chân như dứt bặt mọi suy tư nói năng, không thể nghĩ bàn. [X. KinhĐại Bát Nhã 360]. (xt. Chân Như). - Phật Quang Từ điển.

Phụ chú: Đại cương chân như (Phạm: Bhùta-tathatà hoặc tathatà) chỉ bản thể chân thực tràn khắp vũ trụ - là nguồn gốc của hết thảy muôn vật. Còn gọi Như như, Như thực, Pháp giới, Pháp tính, Thật tế, Tánh không, Thực tướng, Như lai tạng, Pháp thân, Phật tính, Tự tính thanh tịnh thân, Nhất tâm,Cảnh giới hư không, Cảnh giới đoạn, Cảnh giới ly, Cảnh giới diệt, Cảnh giới vô tánh, Cảnh giới vô tướng, Cảnh giới vô tác, Cảnh giới vô vi, Cảnh giới an ổn, Cảnh giới tịch tịnh, Cảnh giới Niết bàn, Bổn vô v.v…

Niết bàn với thập nhị chân như chỉ là một, vì Niết bàn bao gồm tất cả nghĩa. Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm vẫn giữ y nguyên văn của bản chữ Hán như trong Hoavouu.com là thật tế, nghĩa là chẳng dịch gì cả. Trong khi bản dịch củ soát của Quangduc.com của một số cư sĩ lại dịch là Niết bàn. Chúng tôi theo bản dịch của HT. Thích Trí Nghiêm, không dịch gì cả, giữ y nguyên văn là thật tế. TB

(3). Bản tánh Không: Phẩm “Biện Đại Thừa” quyển 51, Hội thứ I; phẩm “Tam Ma Địa” quyển 417, Hội thứ II và phẩm “Thiện Hiện” quyển 488, Hội thứ III, ĐBN do Ngài Huyền Trang dịch, định nghĩa “bản tánh không” như sau:

Thiện Hiện bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là bản tánh không?

Phật dạy: Thiện Hiện! Bản tánh nghĩa là bản tánh của tất cả pháp, hoặc tánh của pháp hữu vi, hoặc tánh của pháp vô vi, đều chẳng phải Thanh văn làm ra, chẳng phải Độc giác làm ra, chẳng phải Bồ Tát làm ra, chẳng phải Như Lai làm ra, cũng chẳng phải ai khác làm ra. Bản tánh này gắn liền với cái không của bản tánh. Vì sao? Vì chẳng phải thường, chẳng phải hoại, bản tánh là như vậy. Thiện Hiện! Đó là bản tánh không”.

Định nghĩa này quá tổng quát, khó nắm.

Thiền sư DT. Suzuki định nghĩa khái quát bản tánh không là:

“Prakriti (bản tánh) là cái làm cho lửa nóng và nước lạnh, nó là bản chất nguyên sơ của mỗi vật thể cá biệt. Khi nói rằng nó Không, có nghĩa không có Tự ngã (Atman) bên trong nó để tạo ra bản chất nguyên sơ của nó, và ý niệm đích thực về bản chất nguyên sơ là một ý niệm Không. Chúng ta đã ghi nhận rằng không có tự ngã cá biệt nơi hậu cứ của cái chúng ta coi như vật thể cá biệt, bởi vì vạn hữu là những sản phẩm của vô số nhân và duyên và chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ nó độc lập, đơn độc, tự hữu. Tất cả là Không triệt để và nếu thật sự có thứ bản chất nguyên sơ nào đó, thì bằng cách nào cũng vẫn là Không”.

(4). Rốt ráo không hay tất cánh không:(cái Không tối hậu, Atyanta-sunyata), Thiền sư D.T.  Suzuki giải thích: “Chỗ này nhấn mạnh ý niệm tất cả “các pháp” đều Không một cách tuyệt đối. “Cứu cánh” tức “Tuyệt đối”. Phủ nhận thực tại tính khách quan nơi tất cả các pháp ở đây được chủ trương một cách đương nhiên, không điều kiện thắc mắc. “Không của Không”, trên thực tiễn, cũng chỉ cho một cái như nhau. Phòng được quét sạch là nhờ chổi; nhưng nếu còn chổi thì không phải là Không tuyệt đối. Quả vậy, phải gạt sang một bên cái chổi, cùng với người quét, mới mong đạt tới ý niệm về Tất cánh Không (Atyanta-sunyata). Còn giữ lại dù chỉ một pháp, một vật hay một người, là còn có điểm chấp để từ đó sản xuất một thế giới của những sai biệt rồi kéo theo những ước muốn và đau khổ. Tánh Không vượt ngoài mọi quyết định tính có thể có, vượt ngoài chuỗi quan hệ bất tận; đó là Niết bàn”.

(5). Lý không như thế cũng gọi là pháp tánh: Như chúng ta biết thập nhị chân như còn gọi là thập nhị không mà trong đó pháp tánh cũng là không. Nói rộng tánh không cũng chính là chân như, pháp giới, pháp tánh, thật tế… không hai không khác.

(6). Hư không chẳng hoại hư không: Từ hư không theo Kinh này là: Một trong sáu đại chủng hay sáu giới: Địa giới, thủy giới, phong giới, hỏa giới, không giới và thức giới. Không giới là thành phần thứ năm còn gọi là hư không. Con người có tất cả năm thành phần kia như thiếu không gian thì không thể hoạt động được. Khoảng không gian thấy được này là không giới, thuộc hữu vi. Nhưng khi nói “Hư không chẳng hoại hư không”, có ý muốn nói đến không giới (hữu vi) và hư không (vô vi) như một số Bộ phái chủ trương theo định nghĩa sau đây của Phật Quang từ điển. Hư không(虛空), Phạm là Àkàza, dịch âm là A ca xá:

 

1- Hư Không: Chỉ cho pháp vô vi thanh tịnh, không bị chướng ngại. Là 1 trong 3 vô vi của Thuyết nhất thiết hữu bộ và Kinh lượng bộ, 1 trong 9 vô vi của Đại chúng bộ và Hóa địa bộ, 1 trong 6 vô vi của luận Bách pháp minh môn và luận Thành duy thức, 1 trong 4 vô vi của luận Đại thừa ngũ uẩn, 1 trong 8 vô vi của luận Du già sư địa và luận A tì đạt ma tạp tập, v.v...

2- Hư Không: Khoảng không bao la, gồm có 5 nghĩa: Trùm khắp, thường hằng, không bị ngăn ngại, không phân biệt, dung nạp hết thảy muôn vật. Còn theo Tông kính lục quyển 6, thì Hư không có 10 nghĩa: Không chướng ngại, cùng khắp, bình đẳng, rộng lớn, vô tướng, thanh tịnh, bất động, hữu không, không không, vô đắc. [X. luận Đại tỳ bà sa Q.75; luận Câu xá Q.1, Q.6; luận Ngoại đạo tiểu thừa niết bàn, luận Du già sư địa Q.53; luận A tỳ đạt ma tạng hiển tông Q.1; luận Thuận chính lý Q.1; Đại thừa nghĩa chương Q.2; Câu xá luận bảo sớ Q.1]. (xt. Hư Không Vô Vi).

3- Hư Không: Tên khác của Không giới. Chỉ cho khoảng không gian, nơi tồn tại của tất cả các pháp, 1 trong 6 giới. Tuy nhiên, cứ theo Thuyết nhất thiết hữu bộ, thì giữa hư không và không giới có sự khác nhau, bộ này cho rằng Hư không chẳng phải sắc, còn Không giới thì là sắc; Hư không không thấy được, Không giới thì thấy được; Hư không vô lậu, Không giới hữu lậu; Hư không vô vi, Không giới hữu vi. Cái không mà chúng ta thấy đó là không giới, chứ chẳng phải Hư không. Nhưng trong các Kinh thì phần nhiều không phân biệt 2 từ này mà dùng thay cho nhau. Ngoài ra, Hữu bộ còn cho rằng sắc của Không giới lấy sáng, tối làm thể, là có thật. Nhưng các bộ phái khác thì không công nhận thuyết này. [X. luận Du già sư địa Q.54; luận Đại tỳ bà sa Q75; luận Câu xá Q.1; luận Pháp uẩn túc Q.10; luận Thuận chính lý Q.2; Đại thừa nghĩa chương Q.2; Du già luận ký Q.14 phần dưới]. Còn thế nào là hư không chẳng hoại hư không? thích nghĩa kế tiếp sẽ giải đáp.

Một số tác giả thường lẫn lộn từ hư không này. Định nghĩa thứ ba(3-)của Phật Quang tự điển, chúng tôi cho là đứng đắn nhất. Thích nghĩa thứ (6). kế tiếp nói rõ hai loại hư không này.

(6). Cảnh giới hư không nội chẳng hoại cảnh giới hư không ngoại. Kinh chia ra làm hai loại hư không: Hư không nội và hư không ngoại. Hư không nội thuộc về vô sắc thể(vô vi), theo Tông kính lục quyển 6, thì Hư không có 10 nghĩa: “Không chướng ngại, cùng khắp, bình đẳng, rộng lớn, vô tướng, thanh tịnh, bất động, hữu không, không không, vô đắc”. Hư không ngoại tức thuộc sắc thể (hữu vi) là không giới nói trên, nó cũng là một cảnh định gọi là Không vô biên xứ định trong Tứ không định hay tứ định vô sắc. Khoảng không mà chúng ta có thể thấy được mặc dù không có biên giới tức là hư không ngoại hay không giới. Trong Kinh không phân biệt hai thứ hư không này, vì dù là tâm hay vật cũng không thể lấn áp, hoại diệt lẫn nhau, nên Kinh nói: “Hư không chẳng hoại hư không, cảnh giới hư không nội chẳng hoại cảnh giới hư không ngoại. Cảnh giới hư không ngoại chẳng hoại cảnh giới hư không nội. Như vậy, sắc chẳng hoại không, không chẳng hoại sắc…” Sắc có ý nói về sắc thể tức là Vật(hữu vi), Không ý nói vô sắc thể tức là Tâm(vô vi). Cho nên, Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật có câu “Sắc chẳng khác Không, Không chẳng khác Sắc. Sắc tức là Không, Không tức là Sắc”.

Với những giải thích tỉ mỉ trên có thể giúp độc giả hiểu phẩm này dễ dàng hơn.

 

Lược giải:

 

Đây là một đoạn kinh rất dễ lẫn lộn nhất từ cách dịch cho đến cách dùng danh từ. Sau khi tham khảo nhiều bản dịch, chúng tôi dùng phẩm “Thật Tế” quyển thứ 28, Kinh MHBNBLMĐ tương đương với phẩm “Bất Khả Động” này của ĐBN (vì nó rất phù hợp với bản gốc bằng chữ Hán trong Hoavouu.com), ghi lại cuộc đối thoại giữa Ngài Tu Bồ đề và đức Phật, trong phần mở đầu phẩm này để chiết giải:

“Ngài Tu Bồ Đề bạch đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn! Nếu chúng sanh rốt ráo bất khả đắc thì Bồ Tát vì ai mà thực hành Bát nhã Ba la mật?”.

Đức Phật bảo Ngài Tu Bồ Đề: “Bồ Tát vì thật tế(1) mà hành Bát nhã Ba la mật.

Này Tu Bồ Đề! Nếu thật tế cùng chúng sanh tế(2) dị biệt thì Bồ Tát chẳng hành Bát nhã Ba la mật. Nhưng vì thật tế, chúng sanh tế chẳng dị biệt nên đại Bồ Tát vì lợi ích chúng sanh mà hành Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, này Tu Bồ Đề! Lúc hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát vì chẳng phá hoại thật tế mà kiến lập chúng sanh trong thật tế.

- Bạch Thế Tôn! Nếu thật tế tức là chúng sanh tế thì đại Bồ Tát kiến lập thật tế ở nơi thật tế. Nếu kiến lập thật tế ở nơi thật tế có nghĩa là kiến lập tự tánh ở nơi tự tánh. Nhưng chẳng thể kiến lập tự tánh nơi tự tánh. Bạch Thế Tôn! Tại sao lúc hành Bát nhã Ba la mật, đại Bồ Tát kiến lập chúng sanh nơi thật tế?

- Này Tu Bồ Đề! Thật tế chẳng thể kiến lập thật tế, tự tánh chẳng thể kiến lập tự tánh. Nay đại Bồ Tát lúc hành Bát Nhã vì sức phương tiện nên kiến lập chúng sanh ở thật tế. Thật tế chẳng khác chúng sanh tế. Thật tế cùng chúng sanh tế không hai, không khác”.

“… các đại Bồ Tát hành sâu Bát nhã Ba la mật, vì có phương tiện thiện xảo, nên có khả năng an lập hữu tình khiến trụ thật tế, mà hữu tình không khác với thật tế, hữu tình tế và thật tế không hai, không khác”.

Đoạn kinh này không khác với các đoạn kinh được dịch trong Tuvienquangduc.com, hay bản dịch đã củ soát trong Quangduc.com, chỉ khác là dùng các từ mà thôi. Sở dĩ, chúng tôi dùng đoạn kinh này là vì chúng tôi thấy các từ trong đoạn kinh này hợp với nguyên bản bằng chữ Hán và dễ hiểu hơn.

 

1. Thật tế và chúng sanh tế:

 

Để giải thích cho đoạn kinh mở đầu ở trên, Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 80, “Thật Tế”, tập 5, quyển 90, luận rằng:

“Lại nữa, kinh dạy : Nếu thật tế và chúng sanh sai khác nhau, thì Bồ Tát chẳng hành Bát nhã Ba la mật. Nhưng vì thật tế và chúng sanh đều là rốt ráo không, nên Bồ Tát mới vì lợi ích chúng sanh mà hành Bát nhã Ba la mật.

Nếu chúng sanh là thật có, thì Bồ Tát chẳng có thể vì chúng sanh tu thật tế được. Vì chúng sanh là rốt ráo không, và thật tế cũng là rốt ráo không, chúng sanh và thật tế chẳng có sai khác, nên Bồ Tát mới có thể vì chúng sanh mà hành thật tế vậy.

Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật mới có thể đưa chúng sanh ra khỏi điên đảo, kiến lập họ nơi thật tế, mà chẳng phá hoại thật tế vậy.

Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu chúng sanh tế và thật tế chẳng có sai khác nhau, thì kiến lập chúng sanh nơi thật tế là kiến lập thật tế nơi thật tế vậy.

Thật chẳng thể là như vậy được. Ví như ngón tay chẳng có thể tự chỉ ngón tay được vậy.

Phật dạy: Đúng như vậy. Chẳng có thể kiến lập thật tế nơi thật tế. Thế nhưng Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, dùng các lực phương tiện mà kiến lập chúng sanh nơi thật tế. Ở nơi thật tế, thì chúng sanh tế cùng thật tế chẳng sai khác nhau, vì đều là bất khả đắc cả.

Chúng sanh và thật tế chỉ là một tánh, nên chúng sanh tế chẳng phá hoại thật tế vậy.

Bồ Tát biết rõ hai pháp đó chẳng phải một, chẳng phải hai, là rốt ráo thanh tịnh, chẳng có hý luận.

Bởi vậy nên Bồ Tát vì thương xót chúng sanh mà muốn giáo hóa họ, nhằm đưa họ ra khỏi các chấp điên đảo”.

Luận Đại Trí Độ đã giải thích xong “Chẳng có thể kiến lập thật tế nơi thật tế. Thế nhưng Bồ Tát hành Bát nhã Ba la mật, dùng các lực phương tiện mà kiến lập chúng sanh nơi thật tế. Ở nơi thật tế, thì chúng sanh tế cùng thật tế chẳng sai khác nhau”. Bây giờ, chúng ta luận tại sao Chúng sanh tế cùng Thật tế chẳng sai khác nhau?

 

Thế nào là Chúng sanh tế, thế nào là Thật tế?

 

1- Cái thấy biết của người chưa chứng ngộ (nói theo Tục đế):

Tri kiến của mỗi người về nhân sinh và vũ trụ khác nhau hay nói theo thuật ngữ ngày nay gọi chung tri kiến đó là văn hóa. Thứ văn hóa (bao gồm khoa học kỹ thuật, văn chương, mỹ thuật, luân lý, đạo đức, thói quen tập tục cũng như quan điểm sống v.v...) của mỗi cá nhân đều khác nhau tùy theo hoàn cảnh sống và sự thâu thập hay học hỏi của mỗi cá nhân đó. Người ít học, quê mùa thì có văn hóa thấp; người thông minh, lanh lợi, chịu khó học hỏi thâu lượm có văn hóa cao hơn. Ta có thể biểu thị văn hóa của mỗi phần tử đó trong xã hội bằng những vòng tròn khác nhau: Các vòng tròn đều có giới hạn của nó: Vòng tròn nhỏ tiêu biểu cho người ít học và vòng tròn lớn tiêu biểu cho người học rộng hiểu nhiều. Giới hạn của các vòng tròn lớn nhỏ đó có thể xem là biên tế tri thức của mỗi người. Danh từ tri thc có thể xem là sự hiểu biết của mỗi cá nhân mà thiền ngữ thường gọi là kiến văn giác tri(thấy nghe hay biết), cái giác tri của hữu sư trí, lượm lặt từ ngoài vào để tạo thành văn hóa riêng cho từng cá thể:

 

Hai vòng tròn có thể lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp tùy theo văn hóa của mỗi người, có thể không gặp nhau, không đồng quan điểm với nhau. (Hình 1).

Hai vòng tròn có thể giao thoa ở một điểm, chỗ giao thoa duy nhất đó là chỗ tư tưởng gặp nhau(Hình 2). Chỗ gặp nhau này rất là hạn hẹp.

Hai vòng tròn có thể tiếp xúc với nhau ở nhiều điểm, đó là chỗ tương đồng văn hóa(Hình 3). Chỗ của hai thứ văn hóa này tuy tương đồng ở một số điểm, nhưng cũng rất giới hạn.

Hai vòng tròn có thể chồng lên nhau, nghĩa là văn hóa gặp gở tương thông rất nhiều điễm(Hình 4), nhưng chắc chắn là hai vòng tròn không thể chập khít lên nhau và có cùng một tâm điểm, trừ hợp các chư Như Lai với nhau.                                                                                                       

 

 Hoi-1-Pham-70

   

                

Chỗ mà hai vòng tròn không tiếp xúc với nhau (không chập lên nhau) đó là chỗ sai biệt tư tưởng của hai cá thể. Sự sai biệt trở thành tất nhiên trong thế giới Tục đế này. Giới hạn của các tư tưởng tương đồng và dị biệt đó có thể tạm gọi là biên tế tri kiến của hữu tình hay gọi là chúng sanh tế trong thế giới đa thù đa dạng này. Đó là quan niệm của cái nhìn của chúng sanh từ cái thấy là Tục đế.

 

2- Cái thấy biết của bậc chứng ngộ pháp không, pháp như:

Chư Phật, chư Bồ Tát do sự tu tập và hành trì các diệu pháp chứng Bát Nhã Trí, nên thấy biết được cái bản thể rốt ráo chân thường của vạn pháp (thật pháp hay chơn như thật tướng của tất cả pháp) là “không”, là “như” nên bảo là chứng được giới hạn chung cùng của hết thảy thực tại, gọi là thật tế. Ngộ rồi thì cùng có một thứ tri kiến như như, như pháp giới, như pháp tánh, như thật tế v.v... không sai khác. Đó là nói theo Đệ nhất nghĩa đế, vì chơn như hay thật tế không phải hai không phải khác.

Biên tế của Thực tại”, bhùta: Thực (thực tại), và koti: Tế (biên tế). Không phải chiết tự là như thế, nhưng chư Phật bằng Phật nhãn (đồng hóa với trí Bát Nhã, tiêu biểu bằng con mắt thứ ba giữa trán) soi thấy cái biên tế chung cùng thực tại tuyệt đối của vạn hữu không ngoài bản tánh Không, hay Như như. Bản tánh Không hay Như như là thật tướng của tất cả pháp, nó chính là cái biên tế tuyệt đối, cùng đích của hết thảy thực tại. Thật tế (Bhutakoti) cũng là một dụng ngữ khác chỉ cho Tuyệt Đối. Vậy thật tế tức Không” hay “Như như”Không hay “Như như” tức là thật tế.(3)

Cái thấy biết của chư Phật với chư Phật đối với mọi vật thể trần gian là bình đẳng. Cái thấy biết trong sát na chứng ngộ của chư Phật rộng lớn như hư không, không có biên giới, không có tiền tế, không có trung tế, không có hậu tế, vô giới hạn... tạm gọi là thật tế. Biên tế của Phật này không khác với biên tế của Phật kia hay nói khác biên tế của tất cả chư Phật không hai không khác.

Cái thấy biết của chúng sanh do nghiệp dư nói theo đạo Phật hay do hoàn cảnh huân tập nói theo Tục đế, biểu hiện bằng những vòng tròn có giới hạn lớn nhỏ khác nhau, tạm gọi là chúng sanh tế như din tả trên.

Sự phân biệt giữa thật tế và chúng sanh tế là do chúng sanh sống trong mê muội, còn chư Bồ Tát, chư Phật cũng là chúng sanh, nhưng khác với chúng sanh là giác ngộ nên được gọi là hữu tình giác ng. Do đâu mà chư Bồ Tát chư Phật giác ngộ, vì chư Bồ Tát chư Phật không còn phân biệt chấp trước nữa, tâm như như bất động nên nhìn thấy muôn sự muôn vật trong chơn như thật tướng (bhùtatathatà) của nó hay nói khác là nhìn thấy biên tế tột cùng của thực tại nên nói là chứng thật tế.

Nếu hữu tình có cái thấy biết cùng đích trên hết thảy mọi thực tại như chư Phật thì hữu tình không còn là hữu tình nữa. Vì chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp trụ, pháp vị, tánh không, thật tướng, Như lai tạng, pháp thân, Phật tính, tự tính thanh tịnh thân, nhất tâm, cảnh giới hư không, cảnh giới đoạn, cảnh giới ly, cảnh giới diệt, cảnh giới vô tánh, cảnh giới vô tướng, cảnh giới vô tác, cảnh giới vô vi, cảnh giới an ổn, cảnh giới tịch tịnh, cảnh giới Niết bàn, bổn vô, bản thể, thật tế, v.v… của hữu tình và chư Phật đều không hai, không khác. Bổn thể(4) tức Lý và hiện thực(5) tức Sự chỉ là một, trong một thế giới mà ở đó tất cả các pháp hoàn toàn dung hợp trong pháp không và pháp như. Đó là nói theo Đệ nhất nghĩa đế. Vì trong pháp không, pháp như cũng là không, thì Phật không, Bồ Tát không, chúng sanh không, không hai không khác. Chỉ có chúng sanh không nhập được pháp không, pháp như nên phân biệt chấp trước mà thấy có sai khác nên sanh nhiều khổ lụy, chư Phật chư Bồ Tát thuyết Bát nhã Ba la mật cứu độ chúng sanh ra khỏi.(6)

 

--o0o--

 

Phàm phu trong cõi mê nếu lột được cái vỏ triền phược, cũng có khả năng thể hiện cảnh giới mà chư Phật giác ngộ, trong đó hiện tượng tức thực tại, sai biệt tức bình đẳng, nghĩa là thật tế cũng đồng nghĩa với chúng sanh tế nếu tu học Bát nhã Ba la mật, chứng được chơn như thật tướng của tất cả pháp.

Trên thực tế, cảnh giới mà chư Phật đạt được là do tu tập Bát nhã Ba la mật trong nhiều kiếp... không ai có thể kiến lập cho chư Phật và khi chư vị chứng đắc giác ngộ cũng không thể kiến lập cho chúng hữu tình. Chỉ có hữu tình, không ai khác hơn hữu tình tự kiến chiếu vào tự tánh, vươn lên trong ánh sánh giác ngộ để chứng lấy thật tế. Đó là đứng về “tu sanh”, thế tục trí mà nói.

 

--o0o--

 

Chúng sanh phân biệt nên lúc nào cũng thấy thế giới phân hai có mê là có ngộ, có chúng sanh là có Phật, có Tục đế là có Thắng nghĩa đế v.v... Vì vậy, Bát Nhã lúc nào cũng chỉ cho chúng sanh thấy hai chiều đối lập để chúng sanh tự tìm lấy lối thoát giữa những bế tắt đó. Còn chư Phật chư Bồ Tát sống trong Đệ nhất nghĩa đế nên vượt qua và vượt trên cả hai nên không còn ngăn ngại.

 

--o0o--

 

Nhưng, Phật với cái nhìn bao dung khi thuyết pháp nói rằng hữu tình tâm đồng tâm Phật, cảnh giới của hữu tình đồng với cảnh giới Phật, thật tế chẳng khác hữu tình tế để khuyến khích chúng sanh quay về “bản hữu” của chính mình..

Phần “Mạn Thù Thất lợi”(7), quyển 574, Hội thứ VII, ĐBN. Mạn Thù bạch Phật:

- “Bạch Thế tôn! Hữu tình tâm đồng tâm Phật, tánh chẳng nghĩ bàn ư?

Phật bảo Mạn Thù Thất Lợi:

- Đồng Tử! Như vậy, như ngươi đã nói. Vì sao? Vì Phật, hữu tình, tâm và tất cả pháp thảy đều bình đẳng chẳng nghĩ bàn vậy”.

Trong Thắng nghĩa đế không có phân biệt. Tất cả đều cùng một Phật tánh, bản hữu bình đẳng như nhau nên nói hữu tình sanh ra từ bào thai của vũ trụ hay cùng trong một Như Lai tạng tánh vì cùng là anh em với nhau.

 

--o0o--

 

Tất cả dẫn chứng trên cốt thâu vào một mối: Khi thâm nhập Bát nhã Ba la mật rồi thì không phân biệt phàm Thánh, thật tế hay chúng sanh tế. Tất cả đều bình đẳng như như nằm trong cùng một pháp giới, cũng gọi là chơn như, pháp tánh, thật tế v.v...

Để dẫn chứng cho luận giải này tôi lấy một đoạn Kinh trong phẩm “Các Tướng Bình Đẳng”, quyển 384, ĐBN làm thí dụ:Tất cả pháp là pháp giới. Tất cả pháp đều nhập vào pháp giới. Như Lai dù có ra đời, hoặc chẳng ra đời, các pháp vẫn như vậy, đều nhập pháp giới, không có tướng sai biệt, chẳng phải do Phật thuyết. Vì sao? Vì tất cả pháp thiện hoặc pháp phi thiện, hoặc pháp hữu ký hoặc pháp vô ký, hoặc pháp hữu lậu hoặc pháp vô lậu, hoặc pháp thế gian hoặc pháp xuất thế gian, hoặc pháp hữu vi hoặc pháp vô vi, đều nhập pháp giới tánh không, vô tướng, vô vi. Cho nên, đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã, muốn học pháp giới, nên học tất cả pháp. Nếu học tất cả pháp tức là học pháp giới. Nếu phân biệt pháp tức là phá hoại pháp”.

Như vậy, pháp giới cũng là Chơn như, là Pháp tánh, Bất hư vọng tánh, Bất biến dị tánh, Bình đẳng tánh, Ly sanh tánh, Pháp định, Pháp trụ, Thật tế… Hữu tình tế hay chúng sanh tế cũng phải thu gọn trong đó, vì tất cả pháp đều nằm trong pháp giới. Tất cả pháp đều nhập vào pháp giới, bình đẳng, vì là anh em với nhau trong cùng bào thai của Như Lai Tạng nên nói thật tế tức hữu tình tế không hai không khác.

 

2. Đó là luận về phần đầu của phẩm “Thật Tế”, Hội thứ I, ĐBN.

Phần sau của phẩm này nói về bản tánh không, nội dung như sau:

 

1- Những pháp nào bản tánh đều không? 

“Phật bảo cụ thọ:

- Thiện Hiện! Sắc bản tánh không, thọ, tưởng, hành, thức bản tánh không; đại Bồ Tát khi tu hành Bát Nhã như thật rõ biết các uẩn bản tánh không như thế rồi, an trụ bản tánh không, vì các hữu tình, tuyên thuyết bản tánh không; mười hai xứ, mười tám giới bản tánh không, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao bản tánh không; đại Bố tát khi hành Bát Nhã, như thật rõ biết bản tánh không rồi, an trụ bản tánh không, vì các hữu tình, tuyên thuyết bản tánh không như thế.

Nếu bản tánh của tất cả pháp chẳng không, thì các đại Bồ Tát chẳng vì các hữu tình thuyết tất cả pháp đều bản tánh không; thuyết như thế là hoại bản tánh không. Nhưng bản tánh không, lý chẳng thể hoại, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn. Vì sao? Vì lý bản tánh không không phương hướng, không xứ sở, không từ đâu đến, cũng không về đâu. Lý không như thế cũng gọi là pháp tánh. Trong ấy không có pháp tụ-tán, tăng-giảm, sanh-diệt, nhiễm-tịnh; tất cả pháp ấy vốn là tánh an trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, cầu đạt quả vị Giác ngộ tối cao chẳng thấy các pháp có chỗ hướng đến, không chỗ hướng đến, vì tất cả pháp hoàn toàn không sở trụ, cho nên gọi là pháp trụ. Các đại Bồ Tát an trụ trong đó, tu hành Bát Nhã, thấy tất cả pháp bản tánh không rồi, nhất định hướng đến quả vị Giác ngộ tối cao, được bất thối chuyển. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy chẳng thấy có pháp có thể gây chướng ngại. Vì thấy tất cả pháp không chướng ngại nên đối với quả vị Giác ngộ tối cao chẳng sanh nghi hoặc, vì vậy nên không bao giờ thối thất.

Trong bản tánh không, ngã chẳng thể nắm bắt được, hữu tình chẳng thể nắm bắt được, sự an lập hữu tình chẳng thể nắm bắt được; dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi... cho đến cái biết, cái thấy cũng chẳng thể nắm bắt được.

Trong bản tánh không, sắc chẳng thể nắm bắt được; thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng thể nắm bắt được; mười hai xứ, mười tám giới chẳng thể nắm bắt được; mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao cũng chẳng thể nắm bắt được. Trong bản tánh không, pháp sắc-phi sắc chẳng thể nắm bắt được; pháp hữu kiến-vô kiến, hữu đối-vô đối, hữu lậu-vô lậu, hữu vi-vô vi cũng chẳng thể nắm bắt được.

Thiện Hiện! Như bốn chúng mà Phật hóa ra là Tỳ kheo nam, Tỳ kheo nữ, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ, giả sử có hóa Phật, trải qua trăm ngàn, triệu kiếp, vì bốn chúng ấy tuyên thuyết pháp yếu, hóa chúng ấy cũng chẳng thể đắc quả Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, hoặc đắc quả vị Độc giác, hay quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì hóa chúng đó hoàn toàn không phải thật, nên không thể đắc quả. Các pháp cũng vậy, đều bản tánh không, hoàn toàn không thật có thì làm sao có thể quả đắc. Đại Bồ Tát, vì hữu tình gì, nói pháp gì khiến hữu tình có thể đắc quả Dự lưu, hoặc quả Nhất lai, hoặc quả Bất hoàn v.v…?

Thiện Hiện! Đại Bồ Tát tuy vì hữu tình tuyên thuyết các pháp bản tánh không, nhưng các hữu tình, thật chẳng thể hiểu biết được, thương xót họ rơi vào điên đảo, nên cứu vớt khiến an trụ pháp không điên đảo, không điên đảo nghĩa là không phân biệt; không phân biệt thì không điên đảo, nếu có phân biệt thì có điên đảo vì chúng đồng loại.

Thiện Hiện! Trong cái không phân biệt, không điên đảo, không có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi… cho đến cái biết, cái thấy; cũng không có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức; cũng không có mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, ba mươi bảy pháp trợ đạo, mười tám pháp bất cộng, Nhất thiết trí… cho đến quả vị Giác ngộ tối cao. Cũng không có pháp sắc phi sắc, không có pháp hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi; cũng không có ba mươi hai tướng Đại sĩ, không có tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc.

Như vậy, nói (tóm)lược là “tất cả đều không”: Không ngã, không chúng sanh, không mạng giả… cho đến  không có cái thấy cái biết; không có sắc thọ tưởng hành thức; không có xứ giới; không có tứ thiền, tứ vô lượng, tứ định vô sắc, không có tập diệt đạo, không có vô minh cũng không hết vô minh, không có già chết cũng không hết già chết, cũng không có pháp không nội, không có pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn... cho đến pháp không không tánh tự tánh, cũng không có đạo, không có quả, cũng không có chứng đắc v.v… Tất cả đều không có sở hữu, nếu không có sở hữu thì gọi là bản tánh không. Các đại Bồ Tát khi hành Bát Nhã, an trụ trong đó thấy các hữu tình đọa vào tưởng điên đảo, phương tiện thiện xảo khiến được giải thoát. Giải thoát những gì? Giải thoát những trói buộc: “Không có ngã, tưởng có ngã; không có chúng sanh, tưởng có chúng sanh… cho đến không có cái thấy cái biết, tưởng có thấy biết. Cũng giải thoát những trói buộc: Không có sắc, tưởng có sắc, không có thọ, tưởng, hành, thức, tưởng có thọ, tưởng, hành, thức. Cũng khiến giải thoát những trói buộc: Không có xứ, giới, tưởng có xứ, giới, không có tất cả pháp Phật, tưởng có tất cả  pháp Phật. Cũng khiến giải thoát những trói buộc: Không có pháp sắc phi sắc mà tưởng có pháp sắc phi sắc; không có pháp hữu kiến vô kiến, hữu đối vô đối, hữu lậu vô lậu, hữu vi vô vi, mà tưởng có pháp hữu kiến, vô kiến cho đến hữu vi, vô vi”.

Tất cả pháp đều không, cho đến cái thấy cái biết cũng không. Vì thấy biết không nên mới được giải thoát. Giải thoát không có nghĩa đi lên thiên đàng hay đi đâu cả mà giải thoát có nghĩa là chặt đứt được những trói buộc do cảm thọ hay thức vọng gây ra. Nếu thấy biết của chúng sanh (Tục đế) là không thì cái thấy biết này ngang đồng với cái thấy biết của Thánh giả (Thắng nghĩa đế). Nên Phật bảo:

“Còn Đệ nhất nghĩa đế thì không sanh, không diệt, không tướng, không tác, không hý luận, không phân biệt. Thắng nghĩa đế tức là bản Tánh Không. Bản Tánh Không này tức là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo. Trong ấy chúng sanh bất khả đắc, cho đến người thấy, người biết bất khả đắc; sắc, thọ, tưởng, hành, thức bất khả đắc cho đến tám mươi tùy hình hảo bất khả đắc. Tại sao?Vì đại Bồ Tát chẳng phải vì đạo pháp mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Đại Bồ Tát vì chư pháp thật tướng tánh không mà cầu Vô Thượng Bồ Đề. Tánh không ấy, tiền tế, hậu tế và trung tế đều tánh không! Thường là tánh không, chưa từng chẳng không”.

 

Để giải thích đoạn Kinh này, phẩm “Thật Tế” của Đại Trí Độ Luận, nói:

“Ngài Tu Bồ Đề hỏi: Nếu hết thảy pháp đều là tánh không, mà trong tánh không thì chẳng có pháp, chẳng có phi pháp, cũng chẳng có chúng sanh; Như vậy, Bồ Tát làm sao có thể trú trong tánh không, mà cầu nhất thiết chủng trí được?

Phật dạy: Do Bồ Tát thường an trú trong tánh không nên mới thường hành bố thí.

Ngài Tu Bồ Đề lại hỏi: Ở trong tánh không thì hết thảy pháp đều bị phá, chẳng còn gì nữa cả. Như vậy Bồ Tát làm sao có thể an trú trong tánh không để thường hành bố thí?

Phật dạy: Do nhân duyên, Bồ Tát biết rõ thật tướng của các pháp và an trú trong đó, tức là an trú trong tánh không, mà được Vô Thượng Bồ Đề. Bồ Tát vì chúng sanh thuyết pháp, nói hết thảy các pháp đều là tánh không, nói sắc, thọ, tưởng, hành, thức là tánh không... dẫn đến nói nhất thiết chủng trí là tánh không.

Tánh không chẳng có trú xứ, nên được gọi là pháp tánh thường trú, chẳng có sanh diệt, chẳng có cấu tịnh, chẳng có tăng giảm. Tánh không cũng được gọi là thật tướng pháp. Bồ Tát trú nơi tánh không chẳng thấy có chướng ngại, chẳng thấy có pháp chướng ngại, nên dù biết rõ chúng sanh là rốt ráo không, mà vẫn có thể dùng các lực phương tiện độ thoát chúng sanh.

Hỏi: Nếu pháp và chúng sanh bản lai đều là không, thì ai dùng lực phương tiện? Ai được độ thoát?

Đáp: “Tánh không” chẳng có tánh tướng. Nếu chấp “tánh không” có tánh tướng, mới nên nạn hỏi.

Lại nữa, khi đã vào được thật tướng pháp rồi, thì vào được tánh không; Biết rõ trong tánh không là chẳng có pháp, chẳng có chúng sanh.

Chỉ vì phàm phu chưa vào được thật tướng, nên mới ức tưởng phân biệt, chấp thật có các pháp hữu vi. Bồ Tát vì chúng sanh mà nói có các pháp, có phân biệt, rồi dần dần đưa chúng sanh vào nơi thật tướng pháp, tức là nơi tánh không vậy. Bồ Tát an trú trong tánh không, mà chẳng chấp tánh không, nên mới dùng lực phương tiện độ thoát chúng sanh.

Trong kinh, Phật dạy: Trong tánh không đó, thì chúng sanh là bất khả đắc, sắc... dẫn đến 80 vẻ đẹp đều là bất khả đắc cả.

Thế nhưng vì muốn kiến lập chúng sanh nơi thật tế, nên Bồ Tát phải vì chúng sanh nói thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa đế vậy.

 

--o0o--

 

Phật hỏi: Các người hóa có được đạo chăng?

Ngài Tu Bồ Đề đáp: Chẳng được vậy. Vì các người hóa chẳng có căn bản thật sự. Hết thảy pháp đều là tánh không, nên cũng chẳng có căn bản thật sự.

Phật dạy: Bồ Tát hóa độ chúng sanh cũng là như vậy. Chúng sanh và các pháp đều chẳng có căn bản thật sự, mà chúng sanh điên đảo chấp là có. Nay Bồ Tát muốn đưa chúng sanh ra khỏi các chấp điên đảo, nên vì họ nói pháp “không điên đảo”. Ở chỗ “không điên đảo” chẳng có ngã, chẳng có chúng sanh... dẫn đến chẳng có trí giả, chẳng có kiến giả.

Các pháp tuy chỉ một tướng (nhất tướng) mà chúng sanh điên đảo chấp có rất nhiều tướng.

Bồ Tát trú trong tánh không, phá các vọng chấp của chúng sanh mà chẳng phá chúng sanh; Ở ngay nơi tướng chúng sanh điên đảo, mà độ chúng sanh ra khỏi tướng điên đảo, ra khỏi các pháp hữu lậu, và an trú họ trong pháp vô lậu.

Các pháp vô lậu mà Bồ Tát dùng để giáo hóa chúng sanh, như bốn niệm xứ... dẫn đến tám thánh đạo v.v..., đều y theo thế đế sanh diệt mà nói ra, nên chẳng bằng được đệ nhất nghĩa đế vậy”.

 

2- Bản tánh không là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo.

“Tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ, vị lai, hiện tại mười phương đều dùng bản tánh không, làm Phật nhãn. Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nào lìa bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời. Chư Phật xuất thế đều thuyết bản tánh không; hữu tình được giáo hóa cần phải lắng nghe Phật thuyết lý bản tánh không, mới có thể nhập Thánh đạo, chứng quả Thánh đạo; lìa bản tánh không, không có phương tiện nào khác”.

“... Nếu đại Bồ Tát muốn đắc Vô Thượng Bồ đề thì phải an trụ tất cả pháp Phật, mà an trụ tất cả pháp Phật tức là an trụ bản tánh không... “Bản tánh không là sở chứng của chư Phật, cũng gọi là Phật đạo”. “Nhất định không có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác nào lìa bản tánh không mà có thể xuất hiện ở đời”. Vậy, bản tánh không là Như Lai Ứng Cúng Đẳng giác, là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, là Phật Đạo”.

 

Kết luận:

 

Nếu thấy tất cả pháp bản tánh không thì không phân biệt, không phân biệt tức không chấp. Không chấp tức vô thức thì được vô niệm vô tâm, nên nói là chứng tánh. Chứng tánh đó là tánh gì? Tánh đó tức là Tánh không. Chỗ cao nhất của Bát Nhã. Nhưng thật ra chứng mà chẳng có gì để chứng nên bảo là không. Tất cả đều vô sở hữu, bất khả đắc, rỗng không, trong suốt. Đỉnh cao của giáo lý Bát Nhã ở chỗ đó!

Tất cả nổ lực của chúng ta là học ở cái rỗng không trong suốt này. Câu nói trong Truyền Đăng Lục “Vin vào cái có mà chẳng có, tựa vào cái không mà chẳng không” chỉ là câu nói trào lộng đối với hành giả Bát Nhã mà thôi! Nói Có nói Không trong Đế nhất nghĩa đế là hý luận.

Đây là bài pháp rất mắc mỏ, khó nuốt khó tiêu hóa nhưng hay vô cùng. Tất cả Bát Nhã Tánh Không đều được gói trọn trong đó. Cố gắng đọc tụng thọ trì thôi!

Thích nghĩa cho phần lược giải này:

(1). Thật tế: Bản dịch ĐBN của HT Thích Trí Nghiêm trong Tuvienquangduc.com dùng từ thật tế, bản dịch của cùng một tác giả nhưng được củ soát trong thuvienhoasen.org dịch là Niết bàn. Nguyên bản bằng chữ Hán trong hoavouu.com âm là thật tế (實際). Chúng tôi dùng từ thật tế, vì từ này cũng được HT Thích Trí Tịnh dùng để dịch Kinh MHBNBLMĐ, tức là kinh Đại Bát Nhã do Phật thuyết ở Hội thứ II cũng còn gọi là đại phẩm như nhiều lần giải thích.

Thực tế hay thật tế là một trong những từ khó giải thích nhất mà Bát nhã Ba la mật thường lặp đi lặp lại nhiều lần. Tùy các tông phái, tùy theo trình độ tu tập, công phu hành trì của mỗi cá nhân, mỗi nhà, mỗi tông có những nhận định khác nhau. Trong văn chương Phật học thường đặt từ này ngang hàng hay có thể thay thế với các từ như chân như, pháp giới, pháp tánh, pháp định, pháp trụ, hư không giới, bất tư nghì giới, Phật tánh, bình đẳng tánh, ly sanh tánh, như như, Niết bàn, Như lai tạng v.v… như đã giải thích ở trên.

Từ điển Phật học Việt Anh - Minh Thông giải thích Thật tế (S: Bhùtakoti): Reality-limit. Chân thật tế cực, chỉ Niết bàn thật chứng lìa hẳn hư vọng. Từ này được thích nghĩa nhiều lần ở các phẩm trước. Ở đây giải thích này của từ điển Minh Thông rất phù hợp với các bản Việt dịch ĐBN, nên được nêu ra để độc giả nắm vững vấn đề.

(2). Chúng sanh tế: Từ này được HT. Thích Trí Tịnh dùng khi dịch Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa; Tuvienquangduc.com dịch là hữu tình tế; Quangduc.com cũng dịch là hữu tình tế, trong khi thuvienhoasen.org dịch là cõi hữu tình; nguyên văn bản chữ Hán trong hoavouu.com âm là hữu tình tế 有情際. Chúng tôi dùng cụm từ chúng sanh tế hay hữu tình tế.

Cái cùng đích biên tế của hết thảy mọi thực tại gọi là thật tế, riêng con người thì gọi là chúng sanh tế hay hữu tình tế. Cũng như nói chơn như của chúng sanh thì gọi là chúng sanh như, thực tế của chúng sanh gọi là chúng sanh tế. Trong phần lược giải trên đã giải thích rộng rồi. Ở đây lặp lại với khía cạnh khác, để giải thích rộng thêm. TB

(3). Định nghĩa Thật tế này của Thiền sư D.T. Suzuki trích từ Thiền luận III.

(4). Bản thể, bổn thể, bản chất (本體): Thông thường, các nhà triết học phương Tây giải thích bản thể: Bản thể là cái tự nó tồn tại đích thực đối lập với hiện tượng. Trong Phật giáo, danh từ pháp thể được dùng để diễn đạt ý nghĩ tương đồng như thế, tức chỉ cái thể tính các pháp, hoặc những danh từ như bản chất các pháp, bản tính, pháp tính, chân như v.v... là những dụng ngữ đồng loại. Trước thời Phật giáo, người Ấn độ cổ đại nhận bản thể của vũ trũ là Phạm (Phạm: brahman), bản thể của cá nhân là Ngã (Phạm: àtman) và cho rằng bản chất của Phạm và Ngã là một (Phạm ngã nhất như). Về bản thể ngã của cá nhân, thì Phật giáo lập thuyết Vô ngã, chủ trương hết thảy các pháp đều do mối quan hệ tương y tương hỗ (nhân duyên) mà tồn tại; trong Phật giáo Đại thừa tư tưởng này còn triệt để hơn nữa mà sản sinh tư tưởng không (Phạm:sùnya). Trong các phái thuộc Phật giáo Bộ phái, có những phái như Độc tử, Pháp thượng, Chính lượng v.v... khẳng định sự tồn tại của ngã thể chủ quan (phi tức phi ly uẩn ngã), cũng khẳng định các pháp hiện tượng giới, các phái này thuộc tông Pháp ngã câu hữu (ngã pháp đều có). Lại như Thuyết nhất thiết hữu bộ cho rằng, thể tính của vạn hữu là thường hằng bất diệt suốt trong quá khứ, hiện tại và vị lai, đây tức là thuyết Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu (ba đời thực có, pháp thể hằng có), nhưng ở một mặt khác, thì lại không thừa nhận sự tồn tại của Ngã, vì thế thuộc tông Ngã không pháp hữu (ngã không pháp có). Còn các phái Kinh lượng, Hóa địa, Pháp tạng, Đại chúng, Kê dận, Tây sơn trụ, Bắc sơn trụ v.v... thì chủ trương các pháp quá khứ và vị lai không có thể tính, duy chỉ pháp hiện tại là thực có, đây tức là thuyết Quá vị vô thể (quá khứ vị lai không có thể tính). Lại như Thuyết giả bộ, thì không những chỉ nhận quá vị vô thể, mà ngay cả đối với các pháp hiện tại cũng chủ trương có giả có thực. Theo Thuyết giả bộ nói, thì vạn hữu chia làm năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, trong đó năm uẩn là thực thể, nhưng mười hai xứ, mười tám giới là những pháp sở y, sở duyên, thuộc pháp tích tụ, là có giả, đây tức là thuyết Hiện pháp giả thực (pháp hiện tại có giả có thực). Ngoài ra, Thuyết xuất thế bộ thì cho các pháp thế gian đều là có giả, duy chỉ pháp xuất thế gian là có thực thể, đây tức là thuyết Tục vọng chân thực (tục đế vọng chân đế thực). Nhất thuyết bộ thì chủ trương hết thảy vạn hữu, dù là pháp thế gian hay xuất thế gian, đều chỉ có giả danh chứ không có thực thể, đây tức là thuyết Chư pháp đãn danh (các pháp chỉ có cái tên). Vào giữa thế kỷ thứ IV Tây lịch, Ha lê bạt ma (Phạm: Harivarman), viết luận Thành thực 16 quyển, nêu cao tư tưởng không, phản đối thuyết Tam thế thực hữu, pháp thể hằng hữu của Nhất thiết hữu bộ, không những chỉ phủ nhận sự tồn tại của ngã thể chủ quan, mà còn bác luôn cả sự tồn tại của pháp thể vạn tượng khách quan, đây tức là thuyết Ngã pháp câu không (cả ngã và pháp đều là không). Giáo hệ Phật giáo có liên quan đến vấn đề bản thể tính tướng, mở đầu tự Hữu không luận của Tiểu thừa, biến chuyển mà thành Hữu không luận của Đại thừa, như giáo nghĩa Duy thức dùng thuyết Tam tính, Tam vô tính để trình bày hữu không quan về vạn hữu, và khảo sát thực lý Hữu, Không, Trung đạo. Tức dựa vào ba tính Biến kế sở chấp, Y tha khởi, Viên thành thực, từ phương diện có thuyết minh tự tính của vạn hữu, đồng thời, dựa vào ba vô tính: Tướng vô tính, Sinh vô tính, Thắng nghĩa vô tính, từ phương diện không hiển bày cái chí lý các pháp đều không, cho nên nhấn mạnh hiện tượng tuy là không hoặc có giả, nhưng thực thể thì là có thật, đây tức là luận Hữu Không Trung Đạo. Tông Tam luận thì bác bỏ loại tư tưởng có, không tương đối ấy, mà lấy cái Không tuyệt đối bất khả đắc làm lý tưởng cùng cực, cho nên đem Tứ trùng nhị đế, Bát bất trung đạo để thuyết minh chân đế pháp tính siêu việt tình chấp, bặt hết tư lự, đây tức là luận Vô tướng giai không. Tư tưởng Không này của tông Tam luận bị coi là Bản thể luận tiêu cực; đối lại, được coi là Bản thể luận tích cực, phát huy giáo chỉ cao nhất của Đại thừa, là luận Chư pháp thực tướng của tông Thiên thai. Tông Thiên thai dựa vào Kinh Pháp hoa và mấy câu kệ trong phẩm Quán Tứ đế của Trung luận (Đại 30, 33 trung): Các pháp nhân duyên sinh, Tôi bảo đó là không, cũng tức là giả danh, cũng là nghĩa trung đạo, và câu nói trong luận Đại trí độ Trong một tâm được ba trí, mà thuyết minh cái lý mầu nhiệm Không, Giả, Trung ba đế viên dung, và nêu tỏ thể tính của các pháp xưa nay vốn viên dung vô ngại. Đồng thời, chủ trương nếu người ta phá tan được khối mê vọng thì lập tức bước vào cảnh giới thông suốt sáng chói, thể nhận hết thảy các pháp thuần là thực tướng, ngoài thực tướng ra, không có một pháp nào khác. Pháp giới muôn tượng la liệt, mỗi mỗi đều là thực tướng, vì thế sai biệt tức là bình đẳng, hiện tượng tức là thực thể, sự tướng và thực thể chẳng hai chẳng khác, muôn pháp là nhất như. Trong Phật giáo Đại thừa, ngoài luận Chư pháp thực tướng của tông Thiên thai ra, như Pháp giới duyên khởi của tông Hoa nghiêm, Lục đại duyên khởi của Mật tông, đều là tư tưởng lí luận chủ trương hiện tượng tức là bản thể. Tóm lại, cái Không mà Phật giáo Đại thừa thuyết minh, tức là cái trạng thái không thể chấp trước. Bát Nhã tâm Kinh (bản dịch của Ngài Huyền trang) dùng những tiếng sau đây để thuyết minh mối quan hệ giữa bản thể và hiện tượng (Đại 8, 848 hạ): Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc; sắc tức là không, không tức là sắc. Trong Kinh Phổ biến trí tạng Bát nhã Ba la mật đa tâm do Ngài Pháp nguyệt dịch, trước hai câu trên đây, còn có hai vế (Đại 8, 849 thượng): Sắc tính là không, không tính là sắc. Thông thường người ta dùng hiện tượng để nắm bắt vật chất tồn tại. Nhưng cái gọi là hiện tượng, tức phải dựa vào vô số nguyên nhân, điều kiện và luôn luôn biến hóa; trên đời tuyệt không có một hiện tượng nào là không biến hóa, vì biến hóa không ngừng nên mới có hiện tượng sản sinh, cho nên người ta mới mong nắm bắt sự tồn tại của chúng, đây tức là thế giơi Sắc tính là không, không tính là sắc, tương đương với cái Không trong ba đế Không Giả Trung do đại Sư Trí khải lập ra. Cái thế giới hỗn độn không chủ thể, chưa chia thành chủ khách, là thế giới duy nhất, toàn nhất, thế giới một tức hết thảy, hết thảy tức một, người ta nên nắm bắt cái thế giới ấy. Nhưng, muốn đạt được cảnh giới ấy, người ta không thể không dựa vào hiện tượng làm cơ sở. Duy có điều là một hiện tượng tuyệt không có bản thể, mà do nhiều hiện tượng và hết thảy pháp hỗ tương quan hệ mới có thể thành lập được; đồng thời, cũng thể nhận được thế giới duyên khởi tất cả đều do nguyên nhân và điều kiện hỗ tương y tồn mà vận hành. Giả sử hiện tượng Ngã không hoạt động, thì hãy quan sát mối liên quan với người khác, lúc đó có thể hiểu hiện tượng Ngã thường không phải do Ngã mà do các nhân tố ngoại lai người khác thêm vào khiên chế mà dần dần khác với cái Ngã hiện tại. Đứng trên lập trường lý luận mà nói, cũng có thể lý giải hết thảy sự vật ngoại tại không ngừng phủ định tự kỷ, hoặc đối lập với tự kỷ, và trong những điều kiện như thế, người ta phải hạn định quan hệ để khẳng định tự kỷ, đây tức là thế giới Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, tương đương với thế giới Giả của tông Thiên thai. Đã có thể nắm bắt được sự thể nghiệm ở giai đoạn thứ nhất, thứ hai trên đây mà bàn đến giai đoạn thứ ba, nếu thuyết minh bằng lời nói, thì hoàn toàn tương đồng với giai đoạn trước. Song, trong Kinh nghiệm sinh động của nhân loại, trên thực cảm, xác thực có cái thế giới có thể nắm bắt được và so với giai đoạn thứ hai thì thế giới ấy cao hơn, đó tức là thế giới Sắc tức là không, không tức là sắc, tương đương với thuyết Trung của tông Thiên thai. Nói theo nghĩa cùng tột thì ba đế Không Giả Trung không có thứ tự trước sau cách lịch, mà là viên dung vô ngại, một tức ba, ba tức một, đó là nghĩa đích thực của Viên giáo tam đế viên dung trong tông Thiên thai. Mà tư tưởng ấy không những chỉ là một trong những giáo nghĩa trung tâm của tông Thiên thai, mà cũng là chứng minh của Phật pháp Đại thừa đối với bản thể viên thục nhất của muôn pháp. (xt. Không, Không Hữu Luận Tranh)- Từ điển Phật Quang.

Lối giải thích này chỉ có người thâm cứu dùng mà thôi. Chúng ta chỉ cần biết bản thể là bản chất của các pháp, bản tính của tất cả pháp. Nhưng theo Bát Nhã thì chẳng có gì là bản chất hay bản tánh trong tất cả pháp, tất cả đều giả lập tức là không.

(5). Hiện thực hay hiện tượng (現象): Đối lại với Bản thể, bản chất. Cái trạng thái của sự vật mà người ta có thể cảm và biết được hiện bày ra trước mắt (nói theo Sự). Trong Phật giáo, các hiện tượng được xem là có giả, mà bản thể, bản chất, hoặc gọi là tự tính, bản tính mới là có thật (nói theo ). Tông Duy thức gọi đối tượng của nhận thức là ảnh tượng (bóng dáng), gọi thực chất của ảnh tượng là bản chất, còn cái hiện tượng biểu hiện trong thực tại thì được gọi là Hiện hành. Những hiện tượng mà người ta thấy chỉ là bóng huyễn do nhận thức sai lầm mà có. Ngoài ra, bản thể nhất như gọi là lý, hiện tượng sai biệt gọi là sự . (xt. Sự Lí)- Từ điển Phật Quang.

Hiểu được hiện thực và bản thể là hiểu được Tục đế (hiện thực-tương đối) và Đệ nhất nghĩa đế (bản thể-tuyệt đối) tức hiểu được sự và lý. Vượt qua và vượt trên lý và sự, tức hiểu được tánh bình đẳng của tất cả pháp tức thâm nhập được Bát nhã Ba la mật.

(6). “Do thế tục pháp, nên nói có Bồ Tát, có hết thảy các sắc pháp. Trái lại, ở nơi Bồ Đề thì chẳng có một định pháp nào cả, chẳng có Phật, chẳng có Bồ Tát, chẳng có chúng sanh, cũng chẳng có Bồ Đề vậy”. Phẩm thứ 80. “Thật Tế”, tập 5, quyển 90, Đại Trí Dộ Luận.

(7). Mạn Thù Thất Lợi có tên khác là Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát cùng với Phổ Hiền Bồ Tát, hai vị hộ pháp này giúp Phật giáo hóa chúng sanh trong cõi Sa Bà. Mạn Thù Thất Lợi là nhận vật chánh trong Hội thứ VII, ĐBN.

Những thích nghĩa này tuy dài dòng nhưng rất hữu ích cho sự hiểu biết không những cho phẩm này mà còn cho các phẩm khác nữa./.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567