Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 40 (1104 - 1114)

08/05/201320:15(Xem: 17045)
Tạp A-hàm quyển 40 (1104 - 1114)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 40 (1104 - 1114)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1104[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu người nào có khả năng thọ trì bảy thọ[2], chỉ nhờ nhân duyên này, người ấy sẽ được sanh lên cõi Thiên đế Thích. Thiên đế Thích xưa kia lúc còn làm người thường, phụng dưỡng cha mẹ cùng các bậc tôn trưởng trong gia tộc, với gương mặt hài hòa, lời nói mềm mỏng, không nói dữ, không nói hai lưỡi, thường nói chân thật. Đối với thế gian keo kiệt, người này tuy ở tại gia, nhưng không keo lẫn; thực hành giải thoát thí[3], siêng bố thí, thường ưa hành bố thí, mở hội bố thí cúng dường, bố thí bình đẳng tất cả”.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Phụng dưỡng cho cha mẹ
Và tôn trưởng gia tộc;
Lời nhu hòa, cung kính,
Tránh lời thô, hai lưỡi.
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật,
Trời Tam thập tam kia,
Thấy người hành bảy pháp;
Tất cả đều nói rằng,
Tương lai sanh cõi này.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1105. MA-HA-LY[4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, có người dòng Ly-xa tên là Ma-ha-lợi[5], đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, Ngài có thấy Thiên đế Thích không?”

Phật đáp:

“Thấy.”

Ly-xa lại hỏi:

“Thế Tôn có thấy con quỷ giống hình Thiên đế Thích không?”[6]

Phật bảo Ly-xa:

“Ta biết Thiên đế Thích. Cũng biết có quỷ giống Thiên đế Thích. Cũng biết pháp Thiên đế Thích kia, nhờ duyên thọ trì những pháp này nên được sanh chỗ Thiên đế Thích. Này Ly-xa, Đế Thích xưa kia, khi còn làm con người, hay phụng dưỡng cha mẹ,… cho đến hành xả bình đẳng.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Phụng dưỡng cho cha mẹ
Và tôn trưởng gia tộc;
Lời nhu hòa, cung kính,
Lìa lời thô, hai lưỡi.
Điều phục tâm keo kiệt,
Thường nói lời chân thật,
Trời Tam thập tam kia,
Thấy người hành bảy pháp;
Tất cả đều nói rằng,
Tương lai sanh cõi này.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ ra về.

KINH 1106. DO NHÂN GÌ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại nước Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Thích Đề-hoàn Nhân[8]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia, khi làm người, hành thí nhiệt thành[9], bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn, người bần cùng khốn khổ, người đi đường, người đi ăn xin, bằng các thứ đồ ăn, thức uống, tiền của, thóc gạo, lụa là, hoa hương, vật dụng trang nghiêm, giường nằm, đèn đuốc. Vì có khả năng làm như vậy, nên gọi là Thích Đề-hoàn Nhân[10].”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Phú-lan-đà-la[11]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thường hay hành thí y phục, đồ ăn thức uống,… cho đến đèn đuốc. Vì những nhân duyên này, nên gọi là Phú-lan-đà-la.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Nhân gì, duyên gì mà được gọi là Ma-già-bà[12]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân khi còn làm người tên là Ma-già-bà[13], do đó Ma-già-bà là tên cũ của Thích Đề-hoàn Nhân.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Nhân gì, duyên gì mà lại có tên là Bà-sa-bà[14]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn là người luôn luôn đem áo bà-tiên-hòa[15] bố thí, cúng dường, vì nhân duyên này nên Thích Đề-hoàn Nhân có tên Bà-sa-bà.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Kiều-thi-ca[16]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, là người dòng họ Kiều-thi[17]. Vì nhân duyên này, nên Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Kiều-thi-ca.”

Tỳ-kheo hỏi Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân được gọi là Xá-chỉ-bát-đê[18]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nữ A-tu-la Xá-chỉ là đệ nhất thiên hậu của Thiên đế Thích. Cho nên Đế Thích được gọi là Xá-chỉ-bát-đê.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân lại có tên là Thiên Nhãn[19]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thông minh trí tuệ, ngồi một chỗ mà suy nghĩ cả ngàn thứ nghĩa, xem xét, cân nhắc. Vì nhân duyên này nên Thiên đế Thích còn gọi là Thiên Nhãn.”

Tỳ-kheo lại bạch Phật:

“Nhân gì, duyên gì mà Thích Đề-hoàn Nhân còn có tên là Nhân-đề-lợi[20]?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thiên đế Thích kia đối với cõi trời Tam thập tam là vua, là chủ. Vì nhân duyên này nên Thiên đế Thích được gọi là Nhân-đề-lợi.”

Phật lại bảo Tỳ-kheo:

“Song Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, thọ trì bảy thứ thọ, vì nhân duyên này nên được làm Thiên đế Thích. Những gì là bảy thọ? Thích Đề-hoàn Nhân xưa kia khi còn làm người, phụng dưỡng cha mẹ… cho đến hành thí. Đó là bảy thứ thọ, vì nhân duyên này nên được làm Thiên đế Thích.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Nói đầy đủ như trên.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1107. DẠ-XOA[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở giảng đường Trùng các, bên ao Di hầu, tại Tỳ-xá-ly.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào đời quá khứ, có một con quỷ Dạ-xoa[22] xấu xí, ngồi trên chỗ ngồi trống của Đế Thích. Khi chư Thiên Tam thập tam thấy quỷ xấu xí này ngồi trên chỗ ngồi trống của Đế Thích rồi, mọi người đều nổi sân. Lúc chư Thiên nổi sân như vậy, thì cứ theo cái sân như vậy, như vậy, con quỷ kia dung mạo dần dần trở nên xinh đẹp. Khi ấy chư Thiên Tam thập tam đến chỗ Đế Thích, tâu Đế Thích rằng: “Kiều-thi-ca, nên biết cho, có một con quỷ xấu xí ngồi trên chỗ ngồi trống của Thiên vương. Khi chư Thiên chúng tôi thấy con quỷ xấu xí ngồi trên chỗ ngồi trống của Thiên vương thì nổi giận vô cùng và tùy theo sự nổi giận của chư Thiên chúng tôi, con quỷ kia theo đó càng trở nên xinh đẹp.”

Thích Đề-hoàn Nhân bảo chư Thiên Tam thập tam:

“Chính sự sân nhuế kia có thể đối trị con quỷ.”

Bấy giờ, Đế Thích tự đến chỗ con quỷ kia, sửa lại y phục, bày vai hữu, chắp tay xưng tên ba lần rằng:

“Nhân giả, tôi là Thích Đề-hoàn Nhân.”

Theo sự cung kính khiêm hạ như vậy của Thích Đề-hoàn Nhân, mà con quỷ kia cũng tùy thuộc vào như vậy, như vậy, dần dần trở lại xấu xí, liền biến mất. Khi ấy, Thích Đề-hoàn Nhân tự an tọa rồi nói kệ:

Người chớ nên sân nhuế.
Bị sân chớ đáp sân;
Đối ác chớ sanh ác.
Nên phá hoại kiêu mạn.
Không sân cũng không hại,
Gọi là chúng Hiền thánh,
Tội ác khởi sân hận,
Trụ vững như núi đá.
Nên giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng.
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.
Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân ở cõi trời Tam thập tam là vua Tự tại, khen ngợi không sân nhuế. Cũng vậy, các ông chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà, cũng nên khen ngợi không sân nhuế. Nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1108. ĐƯỢC MẮT[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, vào sáng sớm, Thế Tôn đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, cầm tọa cụ vắt lên vai phải, vào rừng An-đà, trải tọa cụ ngồi d��ới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày.

Khi ấy, trong tinh xá Kỳ-hoàn, có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mạ lỵ, một người im lặng. Người mạ lỵ liền hối cải, đến xin lỗi vị kia, mà Tỳ-kheo kia không nhận sự sám hối của vị này. Vì không nhận sự sám hối, nên trong tinh xá khi ấy, các Tỳ-kheo cùng đến khuyên can; lớn tiếng ồn ào.

Bấy giờ, Thế Tôn bằng tịnh thiên nhĩ hơn tai người, nghe trong tinh xá Kỳ-hoàn đang lớn tiếng ồn ào. Nghe vậy, từ thiền tịnh dậy, trở về tinh xá, trải tọa cụ ngồi trước đại chúng, bảo các Tỳ-kheo:

“Sáng nay Ta đi khất thực trở về, vào rừng An-đà ngồi thiền, nhập chánh thọ ban ngày, nghe trong tinh xá, cao tiếng, lộn xộn, ồn ào, rốt cuộc là ai vậy?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Trong tinh xá này có hai Tỳ-kheo tranh chấp. Một người mắng, một người im lặng. Khi ấy Tỳ-kheo mắng đến sám hối, vị kia không nhận. Vì không nhận nên nhiều người khuyên can, cho nên mới có lớn tiếng, cao tiếng, ồn ào.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Thế nào, Tỳ-kheo ngu si? Người đến sám hối mà không nhận sự sám hối của người ta. Nếu có người sám hối mà người nào đó không nhận, thì đó là ngu si, bị khổ não lâu dài, không có lợi ích.”

Này các Tỳ-kheo, vào thời quá khứ, có chư Thiên Tam thập tam tranh chấp nhau. Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ dạy rằng:

Với người, tâm không hại
Sân cũng không trói buộc,
Không ôm lòng hận lâu,
Vì không trụ sân nhuế.
Tuy lại nổi giận dữ,
Không nói ra lời thô,
Không tìm người trút giận,
Nêu cái dở của người.
Luôn luôn tự phòng hộ,
Bên trong tỉnh sát nghĩa,
Không giận cũng không hại,
Thường câu hữu Hiền thánh.
Nếu câu hữu người ác,
Cứng rắn như núi đá,
Tự giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng,
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.
Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân đối với trời Tam thập tam là vua Tự tại, thường hành nhẫn nhục, cũng lại khen ngợi người hành nhẫn nhục. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia học đạo, không nhà, cũng nên hành nhẫn nhục và khen ngợi người hành nhẫn nhục. Nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1109. ĐƯỢC THIỆN THẮNG[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, chư Thiên và A-tu-la bày trận muốn đánh nhau. Thích Đề-hoàn Nhân nói với A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la:

“Chúng ta không được sát hại nhau, chỉ nên dùng lý luận nghị để khuất phục.”

Vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói:

“Giả sử cùng nhau luận nghị, nhưng ai sẽ làm chứng để biết lý đó là thông suốt hay bế tắc?”

Thiên đế Thích trả lời:

“Trong chúng chư Thiên tự có người trí tuệ sáng suốt, sẽ ghi nhận điều này. Trong chúng A-tu-la cũng lại tự có người sáng suốt ghi nhận.”

A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói:

“Được vậy.”

Thích Đề-hoàn Nhân nói:

“Các ông có thể lập luận trước, sau tôi sẽ theo đó lập luận, thì không khó.”

Khi ấy, vua A-tu-la là Tỳ-ma-chất-đa-la liền nói kệ lập luận:

Nếu tôi hành nhẫn nhục,
Thì việc này thiếu sót,
Người ngu si sẽ bảo,
Vì sợ nên nhẫn nhục.
Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ đáp:
Giả sử người ngu si,
Nói vì sợ nên nhẫn.
Và kẻ không nói kia,
Tổn thương gì đạo lý?
Nên tự xét nghĩa này,
Cũng nên xét nghĩa kia,
Ta, người đều được an,
Nhẫn nhục là tối thượng.
A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la lại nói kệ:
Nếu không chế ngu si
Thì ngu si hại người.
Giống như trâu hung dữ,
Chạy xông theo húc người.
Cầm roi mà áp chế,
Vì sợ, sẽ khuất phục.
Cho nên giữ chặt roi,
Chiết phục kẻ ngu kia.
Đế Thích lại nói kệ:
Tôi thường xem xét họ,
Chiết phục kẻ ngu kia,
Người ngu nổi sân nhuế,
Người trí giữ điềm tĩnh.
Không sân cũng không hại,
Thường câu hữu Hiền thánh,
Tội ác khởi sân nhuế,
Cứng chắc như núi đá.
Tự giữ cơn giận lại,
Như điều xe ngựa sổng,
Ta nói người khéo điều,
Chẳng phải người cầm dây.

Bấy giờ, trong chúng trời có vị trời trí tuệ, trong chúng A-tu-la cũng có vị A-tu-la trí tuệ, đối với kệ này suy xét, cân nhắc, quan sát, tự nghĩ: ‘Bài kệ của A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la nói cuối cùng lúc nào cũng chỉ khởi lên chiến đấu, tranh tụng. Nên biết vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la luôn luôn dạy người chiến đấu, tranh tụng, còn bài kệ của Thích Đề-hoàn Nhân cuối cùng lúc nào cũng muốn dứt chiến đấu, tranh tụng, nên biết trời Đế Thích luôn luôn dạy người đừng chiến đấu, tranh tụng. Nên biết Đế Thích khéo lập luận thù thắng.’

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân nhờ nghị luận đúng nên hàng phục được A-tu-la. Này các Tỳ-kheo, Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của cõi trời Tam thập tam, an trú nơi thiện nghị luận, khen ngợi những thiện nghị luận. Cũng nên như vậy, Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên an trú nơi thiện nghị luận và khen ngợi những thiện nghị luận. Nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1110. CỘT TRÓI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ có Thiên đế Thích và A-tu-la bày trận muốn đánh nhau. Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân nói với chư Thiên cõi trời Tam thập tam:

“Hôm nay chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, nếu chư Thiên thắng, A-tu-la bại, thì sẽ bắt sống vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, trói chặt năm chỗ, đem về Thiên cung.”

A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bảo các A-tu-la:

“Hôm nay chư Thiên cùng A-tu-la đánh nhau, nếu A-tu-la thắng, chư Thiên bại, thì sẽ bắt sống Thích Đề-hoàn Nhân, trói chặt năm chỗ, đem về cung A-tu-la.”

Đang lúc họ đánh nhau, chư Thiên đắc thắng, A-tu-la bị bại. Khi ấy, chư Thiên bắt được vua A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la, lấy dây trói lại năm chỗ đem về Thiên cung, cột dưới cửa, trước điện Đoán pháp[26] của Đế Thích. Khi Đế Thích ra vào cửa này, A-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la bị cột ở bên cửa tức giận, mạ lỵ. Lúc đó người hầu cận của Đế Thích thấy vua A-tu-la thân bị trói năm vòng, cột bên cửa, thấy Đế Thích ra vào thì nổi giận mạ lỵ, liền làm bài kệ:

Nay Đế Thích sợ nó,
Vì không đủ sức chăng,
Nên nhẫn A-tu-la,
Mắng chưởi trước mặt mình?
Đế Thích liền đáp:
Không vì sợ nên nhẫn,
Không phải sức không đủ.
Có người trí tuệ nào,
Tranh cãi với kẻ ngu.
Người hầu cận lại tâu:
Nếu chỉ hành nhẫn nhục,
Sự việc tất thiếu sót.
Kẻ ngu si sẽ bảo,
Vì sợ nên nhẫn nhục.
Cho nên phải khổ trị,
Dùng trí chế ngu si.
Đế Thích đáp:
Ta thường xem xét kia,
Chế ngự kẻ ngu kia.
Thấy người ngu nổi sân,
Trí dùng tĩnh chế phục.
Không sức mà dùng sức,
Là sức kẻ ngu kia.
Ngu si trái xa pháp,
Thời với đạo không có.
Giả sử có sức mạnh,
Hay nhẫn đối người yếu,
Thì nhẫn này tối thượng.
Không sức sao có nhẫn?
Bị người mạ nhục quá,
Người sức mạnh hay nhẫn,
Đó là nhẫn tối thượng.
Không sức làm sao nhẫn?
Đối mình và với người,
Khéo làm chủ sợ hãi,
Biết kia nổi sân nhuế,
Mình lại giữ an tĩnh.
Đối hai nghĩa đều đủ,
Lợi mình cũng lợi người.
Gọi là kẻ ngu phu,
Do vì không thấy pháp.
Ngu bảo mình thắng nhẫn,
Càng tăng thêm lời ác.
Chưa biết nhẫn mạ lỵ,
Đối kia thường đắc thắng.
Nhẫn đối người hơn mình,
Đó là nhẫn do sợ.
Hành nhẫn, đối người bằng,
Đó là nhẫn tránh nhẫn,
Hành nhẫn, đối người thua,
Đó là nhẫn tối thượng.
Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của trời Tam thập tam, thường hành nhẫn nhục, khen ngợi nhẫn nhục. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên nhẫn nhục như vậy và khen ngợi nhẫn nhục, nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1111. KÍNH PHẬT[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, Thích Đề-hoàn Nhân muốn đi thăm công viên, sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa để đi thăm vườn. Người đánh xe vâng lệnh liền sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa, rồi tâu với Đế Thích:

“Thưa Câu-thi-la, đã sửa soạn xe cộ xong, xin vua biết thời.”

Đế Thích liền bước xuống điện Thường thắng[28], hướng về phía Đông chắp tay lễ Phật. Bấy giờ, người đánh xe thấy vậy liền sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất. Khi ấy, Đế Thích thấy người đánh xe sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất, liền nói kệ:

Ông thấy gì lo sợ
Để roi ngựa rớt đất?
Người hầu cận nói kệ tâu Đế Thích:
Thấy vua Thiên đế Thích,
Là chồng của Xá-chỉ[29],
Cho nên sanh sợ hãi,
Roi ngựa rớt xuống đất!
Thường thấy Thiên đế Thích,
Được toàn thể đại địa,
Vua lớn, nhỏ, trời, người,
Cùng bốn Chúa hộ thế[30],
Thiên chúng Tam thập tam,
Thảy đều lễ cung kính.
Còn nơi nào tôn hơn,
Đáng tôn đối Đế Thích?
Mà nay hướng về Đông,
Chắp tay để kính lễ.
Lúc ấy, Đế Thích nói kệ đáp:
Thật, ta đối tất cả,
Vua lớn, nhỏ thế gian,
Cùng bốn Chúa hộ thế
Thiên chúng Tam thập tam,
Tối tôn, Chúa của họ,
Nên họ đến cung kính.
Nhưng thế gian lại có,
Đấng Chánh Giác tùy thuận,
Là Thầy cả chư Thiên,
Nên ta cúi đầu lễ.
Người đánh xe lại tâu:
Đó chắc hơn thế gian,
Nên khiến Thiên đế Thích,
Cung kính mà chắp tay,
Cúi đầu lễ hướng Đông.
Nay con cũng nên lễ,
Đấng vua Trời đã lễ.

Khi ấy Đế Thích, chồng của Xá-chỉ, nói kệ lễ Phật như vậy, rồi lên xe ngàn ngựa đến dạo xem vườn.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam còn cung kính Phật, cũng lại khen ngợi sự cung kính Phật. Tỳ-kheo cácông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên cung kính Phật như vậy, cũng nên khen ngợi sự cung kính Phật. Nên học như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1112. KÍNH PHÁP[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Nói đầy đủ như trên nhưng chỉ có sự sai khác là:

Bấy giờ, Thiên đế Thích bước xuống điện Thường thắng, chắp tay hướng về hướng Đông kính lễ Tôn pháp… cho đến Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Tôi nghe như vầy[32]:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Nói đầy đủ như trên nhưng chỉ có sự sai khác là:

Bấy giờ, Thiên đế Thích nói ra kệ trả lời người đánh xe:

Ta thật Vua cõi đất,
Vua lớn nhỏ thế gian,
Và bốn Chúa hộ thế
Thiên chúng Tam thập tam.
Được tất cả như vậy,
Đều tôn trọng, cung kính.
Nhưng có tịnh giới kia,
Luôn luôn vào chánh thọ,
Với chánh tín xuất gia,
Rốt ráo các phạm hạnh.
Nên ta đối với kia,
Tôn trọng cung kính lễ.
Lại điều phục tham, nhuế,
Vượt cảnh giới ngu si.
Tu học không buông lung,
Nên cung kính, lễ kia,
Tham dục, sân nhuế, si,
Đều dứt hẳn không đắm.
Lậu tận, A-la-hán,
Lại nên kính lễ kia,
Nếu người ở tại gia,
Phụng trì giới thanh tịnh,
Đúng như pháp Bố-tát[33]
Cũng lại nên kính lễ.
Người đánh xe tâu Đế Thích:
Người này chắc hơn đời
Nên Thiên vương kính lễ.
Tôi cũng nên như vậy,
Kính lễ theo Thiên vương.

“Này các Tỳ-kheo, Thiên đế Thích chồng của Xá-chỉ kia kính lễ Pháp, Tăng, cũng còn khen ngợi người kính lễ Pháp, Tăng. Các ông đã chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà, cũng nên kính lễ Pháp, Tăng và khen ngợi người kính lễ Pháp, Tăng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1113. KÍNH TĂNG[34]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, Thích Đề-hoàn Nhân muốn đi thăm công viên, sai người đánh xe sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa để đi thăm vườn. Người đánh xe vâng lệnh liền sửa soạn cỗ xe ngàn ngựa, rồi tâu với Đế Thích:

“Thưa Câu-thi-la, đã sửa soạn xe cộ xong, xin vua biết thời.”

Đế Thích liền bước xuống điện Thường thắng[35], hướng về phía Đông chắp tay lễ. Bấy giờ, người đánh xe thấy vậy liền sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất. Khi ấy, Đế Thích thấy người đánh xe sanh lòng kinh hãi, lông dựng đứng, roi ngựa rớt xuống đất, liền nói kệ:

Các phương chỉ có người,
Do thai sanh, xú uế,
Thần ở trong thây thối,
Đói khát thường thiêu đốt.
Tại sao Kiều-thi-ca,
Tôn trọng người không nhà?
Vì tôi nói nghĩa này,
Khao khát xin muốn nghe.
Lúc ấy, Thiên đế Thích nói kệ đáp:
Ta chân thành kính lễ,
Người xuất gia không nhà,
Tự tại dạo khắp nơi,
Không kể nơi đi, ở.
Cảnh thành ấp, quốc độ,
Không thể lụy tâm kia,
Không chứa chất tư hữu,
Một đi, không cố định.
Bước đi không mong cầu,
Chỉ vô vi là vui,
Lời đã nói, là làm,
Không nói, là tịch tịnh.
Chư Thiên, A-tu-la,
Họ cùng kình chống nhau,
Nhân gian tranh giành nhau,
Nghịch nhau cũng như vậy.
Chỉ có người xuất gia,
Không tranh giữa người tranh;
Với tất cả chúng sanh,
Buông bỏ mọi đao gậy.
Đối tài, lìa tài sắc,
Không say, không mê đắm,
Xa lìa tất cả ác,
Cho nên kính lễ kia.
Lúc ấy, người đánh xe lại nói kệ:
Người được Thiên vương kính,
Chắc là bậc hơn đời.
Nên từ hôm nay con
Sẽ lễ người xuất gia.

Nói như vậy rồi, Thiên đế Thích lễ tất cả Tăng ở các phương, xong rồi leo lên xe ngựa dạo xem vườn rừng.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thiên đế Thích kia là vua Tự tại của trời Tam thập tam mà thường cung kính chúng Tăng, cũng thường khen ngợi công đức cung kính Tăng. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên cung kính chúng Tăng và cũng nên khen ngợi công đức cung kính chúng Tăng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1114. TÚ-TỲ-LÊ[36]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Vào thời quá khứ, vua A-tu-la khởi bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh muốn đánh nhau với chư Thiên trời Tam thập tam. Lúc ấy, Thích Đề-hoàn Nhân nghe vua A-tu-la khởi bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, muốn đến gây chiến. Nghe rồi liền bảo Thiên tử Tú-tỳ-lê[37]:

“Bố[38] biết không, A-tu-la đem bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, muốn gây chiến với trời Tam thập tam? Bố hãy ra lệnh chư Thiên cõi trời Tam thập tam đem bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, cùng đánh với A-tu-la kia.”

Bấy giờ, Thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Đế Thích trở về Thiên cung; biếng nhác, lơi lỏng, không nỗ lực chuẩn bị. Quân A-tu-la đã ở đường lộ. Đế Thích nghe như vậy lại bảo Thiên tử Tú-tỳ-lê:

“Này Bố, quân A-tu-la đã ra giữa đường lộ, Bố hãy cấp tốc ra lệnh khởi bốn binh chủng ra đánh với A-tu-la.”

Thiên tử Tú-tỳ-lê vâng lệnh Đế Thích trở lại Thiên cung, biếng nhác, lơi lỏng. Khi ấy vua A-tu-la đem quân áp sát. Thích Đề-hoàn Nhân nghe quân A-tu-la đã áp sát, lại bảo với Thiên tử Tú-tỳ-lê:

“Bố có biết chăng? Quân A-tu-la đã áp sát. Bố hãy cấp tốc ra lệnh chư Thiên khởi bốn binh chủng.”

Khi ấy Thiên tử Tú-tỳ-lê liền nói kệ:

Nếu có nơi không khởi[39]
Vô vi mà an vui;
Người được chỗ như vậy,
Không làm, cũng không lo[40].
Hãy cho tôi chỗ ấy,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích nói kệ đáp lại:
Nếu có chỗ không khởi,
Vô vi mà an vui;
Nếu người được chỗ ấy,
Không làm, cũng không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Nếu nơi không phương tiện[41],
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Hãy cho tôi chốn này,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu nơi không phương tiện,
Không khởi, cũng không vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Nếu nơi không buông lung,
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nên cho tôi nơi ấy,
Để tôi được an ổn.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu nơi không buông lung,
Không khởi, mà an vui;
Nếu ai được chỗ ấy,
Thì không tạo, không lo.
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Biếng nhác, không phấn khởi,
Không biết làm, đã làm;
Nhưng hành dục hội đủ,
Nên cho tôi chỗ ấy
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Biếng nhác, không phấn khởi,
Mà rốt ráo an vui;
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Thiên tử Tú-tỳ-lê lại nói kệ:
Không việc vẫn an vui,
Không làm, cũng không lo;
Nếu cho tôi chỗ ấy,
Để tôi được an vui.
Lúc ấy, Đế Thích lại nói kệ:
Nếu thấy hoặc lại nghe,
Chúng sanh không làm gì;
Nếu ông được chỗ ấy,
Hãy đưa ta đến đó.
Ông nếu sợ việc làm,
Chẳng nghĩ đến hữu vi;
Hãy nhanh chóng trừ sạch,
Là đường tắt Niết-bàn[42].

Khi ấy, Thiên tử Tú-tỳ-lê chuẩn bị bốn binh chủng là tượng binh, mã binh, xa binh, bộ binh, cùng đánh với A-tu-la, diệt hết quân A-tu-la. Chư Thiên đắc thắng trở về cung trời.

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thích Đề-hoàn Nhân khởi bốn binh chủng cùng chiến đấu với A-tu-la, nhờ tinh cần nên thắng trận. Này các Tỳ-kheo, Thích Đề-hoàn Nhân là vua Tự tại của trời Tam thập tam, thường nhờ phương tiện tinh cần, cũng thường khen ngợi đức tinh cần. Tỳ-kheo các ông chánh tín, xuất gia, học đạo, không nhà cũng nên tinh cần tinh tấn và khen ngợi tinh cần.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]