Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 8 (199 - 209)

08/05/201312:02(Xem: 11570)
Tạp A-hàm quyển 8 (199 - 209)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 8 (199 - 209)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 199. LA-HẦU-LA (2)[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá.

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La-hầu-la:

“Biết như thế nào, thấy như thế nào, để nơi nội thức thân này cùng ở nơi tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin vì các Tỳ-kheo mà dạy đầy đủ nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Lành thay! Hãy lắng nghe cho kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Những gì thuộc về mắt, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, hãy quán sát chân chánh như vậy.

“Này La-hầu-la, đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy.

“Này La-hầu-la, biết như vậy, thấy như vậy, nơi nội thức thân này cùng ở nơi tất cả những tướng bên ngoài không sanh ngã, ngã mạn, ngã sở và ngã mạn kết sử.”

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy vượt cả hai[49], xa lìa các tướng, tịch diệt, giải thoát.

“Này La-hầu-la, Tỳ-kheo như vậy đoạn trừ các ái dục, chuyển kết sử, cứu cánh biên tế khổ.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.



Cũng như nói về “nội nhập,” cũng vậy, “ngoại nhập,” cho đến “ái[50] phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc,” cũng nói chi tiết như vậy.



KINH 200. LA-HẦU-LA (3)[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tôn giả La-hầu-la đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Thế Tôn! Xin vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp, một mình con ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, không buông lung. Sau khi sống một mình ở nơi thanh vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, con sẽ tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử[52] cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, tu trì phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được[53], nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã từng truyền dạy năm thọ ấm cho người chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói năm thọ ấm.”

Khi La-hầu-la nghe lời dạy của Phật rồi, sau đó vì người khác diễn nói về năm thọ ấm. Nói xong trở lại chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn con đã vì người khác nói về năm thọ ấm rồi, xin Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong rồi sẽ ở một mình chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung và… cho đến ‘tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại xét thấy tâm của La-hầu-la Tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói về sáu nhập xứ chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác diễn nói về sáu nhập xứ.”

Rồi, vào một lúc khác, La-hầu-la lại diễn nói sáu nhập xứ cho người khác nghe. Sau khi nói sáu nhập xứ xong, đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con đã vì người khác mà diễn nói sáu nhập xứ rồi. Xin Đức Thế Tôn vì con mà nói pháp. Sau khi con nghe pháp xong sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, … cho đến ‘tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát chưa thuần thục, chưa có thể nhận lãnh pháp tăng thượng được, nên hỏi La-hầu-la:

“Ngươi đã vì người khác nói pháp Ni-đà-na[54] chưa?”

La-hầu-la bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, chưa.”

Phật bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên vì người khác mà diễn nói pháp Ni-đà-na đi.”

Rồi, vào môt lúc khác, La-hầu-la lại vì người khác nói đầy đủ pháp Ni-đà-na xong, đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi đứng lui sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn vì con mà nói pháp, sau khi con nghe pháp xong, sẽ ở một mình nơi chỗ vắng chuyên tinh suy nghĩ, sống không buông lung, … cho đến ‘tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát vẫn chưa thuần thục, … cho đến bảo La-hầu-la:

“Ngươi nên đối với những pháp đã nói ở trên, ở một mình nơi vắng vẻ chuyên tinh suy nghĩ, mà quán sát nghĩa lý của chúng.”

Bấy giờ, La-hầu-la vâng lời Phật dạy, như pháp đã nói, như pháp đã được nghe, suy nghĩ cân nhắc, quán sát nghĩa lý của chúng, tự nghĩ: “Các pháp này, tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ[55] Niết-bàn.

Rồi, một lúc khác, La-hầu-la đi đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi lui đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đối với pháp đã được nói, pháp con đã được nghe như trên, con đã ở một mình nơi vắng vẻ, tư duy cân nhắc và quán sát nghĩa lý của chúng, thì biết những pháp này tất cả đều thuận hướng Niết-bàn, lưu nhập Niết-bàn, cuối cùng an trụ Niết-bàn.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn xét thấy tâm của La-hầu-la tuệ giải thoát đã được thuần thục, có thể nhận lãnh được pháp tăng thượng, nên bảo La-hầu-la[56]:

“Tất cả đều vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc v.v… đều vô thường (chi tiết như các kinh trước).”

Tôn giả La-hầu-la sau khi nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Sau khi La-hầu-la đã vâng theo lời Phật dạy rồi, một mình ở nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tinh tư duy về mục đích mà một thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, chuyên tu phạm hạnh cho đến… ngay trong đời này, tự tri tự tác chứng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Thành bậc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

Phật nói kinh này xong, La-hầu-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 201. LẬU TẬN[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, làm lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận?”[58]

Đức Thế Tôn bảo Tỳ-kheo kia:

“Hãy quán sát chân chánh về vô thường. Những pháp nào là vô thường? Mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý hãy quán sát là vô thường. Pháp, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, tất cả chúng cũng đều là vô thường. Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy thì để lần lượt nhanh chóng chứng đắc lậu tận.”

Khi Tỳ-kheo kia đã nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.



Như kinh Đức Phật đã dạy cho Tỳ-kheo trên, nhưng có điểm sai biệt ở chỗ:

- Biết thế nào, thấy thế nào, để lần lượt dứt sạch các kết sử[59],

- Đoạn trừ tất cả những hệ phược[60],
- Đoạn trừ tất cả những sử[61],
- Đoạn trừ tất cả những tùy phiền não[62],
- Đoạn trừ tất cả những kết[63],
- Đoạn trừ những lưu[64],
- Đoạn trừ những ách[65],
- Đoạn trừ những thủ[66],
- Đoạn trừ những xúc,
- Những ngăn che (cái) được đoạn trừ,
- Đoạn trừ các triền phược,
- Đoạn trừ những cấu uế,
- Đoạn trừ những ái,
- Đoạn trừ những ý,
- Đoạn trừ những tà kiến, sanh chánh kiến,
- Đoạn trừ vô minh sanh minh. (… )

“Này Tỳ-kheo, quán sát mắt là vô thường như vậy, cho đến… biết như vậy, thấy như vậy lần lượt vô minh được đoạn trừ để sanh ra minh.”

Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy rồi vui mừng, làm lễ mà lui.





KINH 202. NGÃ KIẾN ĐOẠN[67]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh?”

Phật bảo Tỳ-kheo kia:

“Đối với mắt mà chánh quán vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã. Cũng vậy, cho đến, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, kia cũng chánh quán là vô ngã.

“Này Tỳ-kheo, biết như vậy, thấy như vậy, thì sẽ lần lượt ngã kiến được đoạn trừ, vô ngã kiến phát sanh. Khi Tỳ-kheo kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng làm lễ mà lui.





KINH 203. NĂNG ĐOẠN NHẤT PHÁP[68]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la[69] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu có Tỳ-kheo nào, đoạn trừ được một pháp, thì sẽ đạt được chánh trí[70] và có thể tự tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Cúi xin diễn nói. Các Tỳ-kheo sau khi nghe xong sẽ vâng theo lời chỉ dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, thế nào là đoạn trừ một pháp cho đến… không còn tái sanh đời sau nữa? Đó là vô minh, ly dục, minh phát sanh, đạt được chánh trí và có thể tự tuyên bố: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa’.”

Lúc ấy có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai hữu, đảnh lễ Phật, gối phải quỳ sát đất, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, biết thế nào, thấy thế nào để vô minh ly dục, minh phát sanh?”[71]

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy quán sát chân chánh mắt là vô thường. Sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy quán sát là vô thường. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, cũng như vậy. Tỳ-kheo nào biết như vậy, thấy như vậy đối với vô minh ly dục, minh phát sanh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 204. NHƯ THẬT TRI KIẾN[72]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la[73] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Tôn giả A-nan:

“Đối với mắt, hãy biết như thật, thấy như thật. Hoặc sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, hãy biết như thật, thấy như thật. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Khi đã biết như thật về chúng, đã thấy như thật về chúng rồi, đối với mắt sanh ra nhàm tởm. Đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc, cũng sanh ra nhàm tởm. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy. Do nhàm tởm mà không ái lạc. Do không ái lạc mà được giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 205. ƯU-ĐÀ-NA[74]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la[75] tại Tỳ-xá-ly. Bấy giờ Đức Thế Tôn nói những bài kệ Ưu-đà-na rồi, bảo Tôn giả A-nan:

“Mắt là vô thường, khổ, là pháp biến dịch, dễ phân[76]; sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc; chúng cũng vô thường, khổ, là pháp biến dịch, dễ phân. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Đa văn Thánh đệ tử nên quán sát như vậy, đối với mắt sẽ được giải thoát; đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc cũng được giải thoát. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý, pháp, ý, ý thức, ý xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là ý xúc, cũng sẽ được giải thoát. Ta bảo người này sẽ giải thoát được sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả A-nan nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 206. NHƯ THẬT TRI[77]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly[78]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy chuyên cần phương tiện thiền tư[79] để được nội tâm tịch tĩnh.Vì sao? Này các Tỳ-kheo, do phương tiện thiền tư, được nội tâm tịch tĩnh, nên tri kiến như thật, như vậy được hiển hiện[80]. Hiển hiện như thật tri về cái gì? Hiển hiện như thật tri đối với mắt. Hiển hiện như thật tri đối với sắc, nhãn thức, nhãn xúc, cảm thọ với khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ, phát sanh bởi nhân duyên là nhãn xúc. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý lại cũng như vậy. Các pháp này là vô thường, hữu vi cũng được hiển hiện như thật tri như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 207. TAM-MA-ĐỀ[81]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly[82]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy tu tập vô lượng Tam-ma-đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ. Vì sao? Vì do tu tập vô lượng Tam-ma-đề, chuyên cần tập trung ý nghĩ mà được như thật hiển hiện[83]. Như thật hiển hiện cái gì? Như thật hiển hiện đối với mắt.”

Chi tiết như trên... cho đến:

“Các pháp này là vô thường, hữu vi, cũng được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.





KINH 208. VÔ THƯỜNG[84]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly[85]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Mắt quá khứ, vị lai là vô thường, huống chi là mắt hiện tại. Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy, sẽ không hoài niệm mắt quá khứ, không ham cầu mắt vị lai và đối với mắt hiện tại thì nhàm tởm, không ham muốn, ly dục, hướng đến chán bỏ[86]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



Như vô thường, đối với khổ, không, vô ngã cũng thuyết như vậy[87].

Như bốn kinh nội nhập xứ, thì bốn kinh ngoại nhập xứ, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp và bốn kinh nội ngoại nhập xứ cũng thuyết như vậy[88].



KINH 209. LỤC XÚC NHẬP XỨ[89]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Am-la của thầy thuốc Kỳ-bà Câu-ma-la tại Tỳ-xá-ly[90]. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu xúc nhập xứ. Những gì là sáu? Đó là, nhãn xúc nhập xứ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với sáu xúc nhập xứ này mà không biết như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly, thì biết rằng Sa-môn, Bà-la-môn này cách xa pháp, luật của Ta như trời và đất.”

Lúc ấy, có Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Con có đầy đủ tri kiến như thật về sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, sự tai hại và sự xuất ly của sáu nhập xứ này.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Bây giờ, Ta hỏi ngươi, hãy theo câu hỏi của Ta mà trả lời. Này Tỳ-kheo, ngươi có thấy nhãn xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Đối với nhãn xúc nhập xứ này là chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, người nào thấy, biết như thật, thì sẽ không khởi lên các lậu hoặc, tâm sẽ không nhiễm đắm, tâm được giải thoát. Đó gọi là xúc nhập xứ đầu tiên đã đoạn trừ, đã biết rõ, đã đoạn trừ cội gốc của nó như chặt ngọn cây đa-la, đối với pháp vị lai, nhãn thức và sắc vĩnh viễn không khởi lên lại.

“Ngươi có thấy tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ là ngã, khác ngã, ở trong nhau không?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc nhập xứ, chẳng phải là ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau, người nào biết, thấy như thật như vậy, thì sẽ không khởi lên các lậu hoặc, tâm không đắm nhiễm, tâm đạt được giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo đối với sáu xúc nhập xứ, đã đoạn trừ được, đã biết rõ, đã đoạn trừ được cội gốc này như chặt ngọn cây đa-la, ý thức và pháp sẽ không còn sanh trở lại ở đời vị lai nữa.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567