Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 12 (294 - 303)

08/05/201312:44(Xem: 16490)
Tạp A-hàm quyển 12 (294 - 303)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 12 (294 - 303)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 294. NGU SI HIỆT TUỆ[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Kẻ phàm phu ngu si không học bị vô minh che lấp, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân[40] này. Bên trong thân có thức này, ngoài thân có danh sắc. Hai nhân duyên này sanh ra xúc. Bị xúc chạm sáu xúc nhập[41] này, phàm phu ngu si không học cảm nghiệm các cảm thọ khổ lạc, nhân đây khởi lên các thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người có trí thông bác, bị vô minh che mờ, ái duyên ràng buộc nên có được thức thân này. Như vậy, bên trong có thức thân, ngoài có danh sắc. Hai duyên này sanh ra sáu xúc nhập xứ. Bị xúc chạm bởi sáu xúc, người trí cảm nghiệm các cảm thọ khổ và lạc, nhân đây khởi lên những thứ sai biệt. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ.

“Người ngu tối và người trí tuệ, hai hạng người này ở nơi Ta tu các phạm hạnh, có cái gì sai khác không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, bạch Thế Tôn, cúi xin diễn nói, các Tỳ-kheo nghe xong, sẽ lãnh thọ và thực hành.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, đối với kẻ phàm phu ngu si không học vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Vô minh chẳng dứt, ái duyên chẳng hết, nên sau khi chết rồi lại tái sanh. Vì trở lại thọ thân nên không được giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Vì sao? Vì kẻ phàm phu ngu si vốn chẳng tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết trở lại tái sanh. Bởi thọ thân trở lại nên không giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não.

“Người trí tuệ vì bị vô minh che khuất, ái duyên ràng buộc, nên có được thức thân này. Kia vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch. Do vô minh dứt trừ, ái duyên hết sạch, nên sau khi chết không còn tái sanh nữa. Vì chẳng thọ sanh trở lại nên giải thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Vì sao? Vì người này trước đây đã tu phạm hạnh, chân chánh hướng đến dứt sạch khổ, tận cùng của mé khổ, nên người này sau khi chết không tái sanh trở lại. Bởi không thọ thân nên giải thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não. Đó là chỗ sai khác giữa phàm phu và người trí tuệ khi ở nơi Ta tu các phạm hạnh.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 295. PHI NHỮ SỞ HỮU[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, nơi thành Vương xá Bấy giờ Đức Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thân này chẳng phải sở hữu của các ông, chẳng phải là sở hữu của người khác. Nghĩa là sáu xúc nhập xứ, vốn do ước nguyện mà tu hành trước kia[43] nên thọ được thân này. Những gì là sáu? Nhãn xúc nhập xứ; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc nhập xứ. Đa văn Thánh đệ tử đối với các duyên khởi mà khéo tư duy, quán sát chân chánh là có sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân này. Nghĩa là vì cái này có nên sẽ có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong tương lai và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Đó gọi là có nhân có duyên để tập khởi thế gian. Trái lại, nếu cái này không, thì sáu thức thân không; sáu xúc thân, sáu thọ thân, sáu tưởng thân, sáu tư thân cũng không. Nghĩa là vì cái này không, nên không có sanh, già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não trong tương lai, thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng diệt.

“Đa văn Thánh đệ tử, nếu đối với sự tập khởi của thế gian, sự diệt tận của thế gian, mà chánh trí như thật, khéo léo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập, thì đó gọi là Thánh đệ tử chiêu cảm được pháp lành này, đạt được pháp lành này, biết pháp lành này, nhập pháp lành này; giác ngộ biết, giác ngộ thấy được sự sanh diệt của thế gian; thành tựu được sự xuất ly của Hiền thánh, dứt sạch khổ và đến nơi tận cùng của mé khổ một cách chân chánh. Vì sao? Vì đa văn Thánh đệ tử đã biết như thật về sự tập khởi của thế gian, về sự diệt tận của thế gian, nên khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 296. NHÂN DUYÊN[44]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói pháp nhân duyên và pháp duyên sanh.

“Thế nào là pháp nhân duyên[45]? Là cái này có nên cái kia có, như duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức, cho đến, tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy.

“Thế nào là pháp duyên sanh[46]? Là vô minh, hành,... dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới[47]. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: Duyên vô minh có hành, cho đến, duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Dù Phật có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp này vẫn thường trụ, pháp trụ, pháp giới. Pháp này Như Lai đã tự giác tri, thành Đẳng chánh giác, vì người diễn nói, chỉ dạy, hiển bày rằng: duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não.

“Các pháp này, pháp trụ, pháp không[48], pháp như, pháp nhĩ, pháp chẳng lìa như, pháp chẳng khác như, chân đế, chân thật, không điên đảo. Tùy thuận duyên khởi như vậy, đó gọi là pháp duyên sanh[49]. Tức là: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Đó gọi là pháp duyên sanh.

“Đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh này bằng chánh tri mà thấy rõ như thật, không truy tìm về đời trước[50] mà nói rằng: ‘Tôi trong đời quá khứ hoặc có, hay không có? Tôi trong quá khứ là loài gì, tôi trong quá khứ như thế nào[51]?’ Không truy tìm tương lai mà nói rằng: ‘Tôi ở đời vị lai hoặc có, hay không có? Tôi là loài gì, tôi sẽ như thế nào?’ Bên trong chẳng do dự[52]: ‘Đây là những thứ gì? Tại sao có cái này? Trước đây chúng là cái gì? Sau này chúng sẽ là cái gì? Chúng sanh này từ đâu đến? Ở đây mất rồi sẽ đi về đâu[53]?’

“Nếu các Sa-môn, Bà-la-môn nào khởi các kết sử kiến[54] phàm tục, tức là, kết sử của ngã kiến, kết sử của chúng sanh, kết sử của thọ mệnh, hoặc kết sử của kiến chấp cữ kiêng tốt xấu[55]. Khi tất cả những điều đó được đoạn tận, được biến tri, cắt đứt gốc rễ, như chặt ngọn cây đa-la, ở đời vị lai thành pháp bất sanh. Đó gọi là đa văn Thánh đệ tử đối với pháp nhân duyên và pháp duyên sanh bằng chánh trí mà như thật khéo thấy, khéo tỉnh giác, khéo tu tập, khéo thể nhập.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 297. ĐẠI KHÔNG PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu[56], Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ vì các ông nói pháp, khoảng đầu, khoảng giữa và khoảng sau cùng đều thiện; thiện nghĩa, thiện vị, thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh trong sạch; đó gọi là kinh Đại không pháp. Các Tỳ-kheo hãy lắng nghe, khéo tư duy. Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là kinh Đại không pháp? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là duyên vô minh nên có hành, duyên hành nên có thức,… cho đến tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Vì duyên sanh nên có già chết. Nếu có người hỏi: ‘Ai già chết, già chết thuộc về ai?’ Người ấy sẽ đáp: ‘Ngã chính là già chết, nay già chết thuộc về ngã, già chết là ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘Mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu thấy rằng ‘Mệnh tức là thân’, với người tu phạm hạnh, điều này không có. Hoặc lại thấy rằng ‘Mệnh khác, thân khác’, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung đạo. Hiền thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là duyên sanh nên có già chết…

“Cũng vậy sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, lục nhập xứ, damh sắc, thức, hành; do duyên vô minh nên có hành. Nếu lại hỏi: ‘Cái gì là hành, hành thuộc về ai?’ Người này sẽ đáp: ‘Hành là ngã, hành là của ngã.’ Điều được nói rằng: ‘Mệnh tức là thân,’ hoặc nói ‘Mệnh khác, thân khác,’ thì đây chỉ có một nghĩa mà lại nói có nhiều loại. Nếu thấy rằng ‘Mệnh tức là thân’, với người tu phạm hạnh, điều này không có. Hoặc lại thấy rằng ‘Mệnh khác, thân khác’, với người tu phạm hạnh, điều này cũng không có. Đối với hai bên này, tâm chẳng theo bên nào, mà chân chánh hướng Trung đạo. Hiền thánh xuất thế chánh kiến như thật, chẳng điên đảo, nghĩa là vô minh duyên hành. Nếu các Tỳ-kheo, ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai già chết, già chết thuộc về ai? Khi già chết đã dứt trừ, thì biết là đã dứt hẳn cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời vị lai không thể tái sanh.

“Nếu Tỳ-kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thì còn ai sanh, sự sanh thuộc về ai, cho đến ai hành, hành thuộc về ai? Khi hành đã chắc chắn dứt trừ, thì biết là đã dứt cội gốc của nó, như chặt ngọn cây đa-la, đời sau không thể tái sanh.

“Nếu Tỳ-kheo nào ly nhiễm đối với vô minh mà sanh minh, thời khi vô minh này diệt, hành cũng diệt, cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn cũng bị diệt. Đó gọi là kinh Đại không pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 298. PHÁP THUYẾT NGHĨA THUYẾT[57]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ thuyết pháp, thuyết nghĩa[58] về pháp duyên khởi, các ông hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Thế nào là thuyết pháp về pháp duyên khởi? Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn. Đó gọi là pháp thuyết về pháp duyên khởi.

“Thế nào là thuyết nghĩa? Tức là, duyên vô minh nên có hành. Thế nào là vô minh? Nếu chẳng biết tiền tế, chẳng biết hậu tế, chẳng biết cả tiền hậu tế; chẳng biết trong, chẳng biết ngoài, chẳng biết cả trong lẫn ngoài; chẳng biết nghiệp, chẳng biết báo, chẳng biết nghiệp báo; chẳng biết Phật, chẳng biết Pháp, chẳng biết Tăng; chẳng biết Khổ, chẳng biết Tập, chẳng biết Diệt, chẳng biết Đạo; chẳng biết nhân, chẳng biết pháp sanh khởi bởi nhân; chẳng biết thiện, bất thiện, có tội, không tội, tập, không tập; hoặc kém, hoặc hơn; nhiễm ô, hoặc thanh tịnh; phân biệt duyên khởi, tất cả đều chẳng biết; đối với sáu xúc nhập xứ không giác tri như thật, đối với các pháp này không thấy không biết, không hiện quán[59], bị si ám, không có minh, tối mù mịt, đó gọi là vô minh.

“Duyên vô minh nên có hành. Thế nào là hành? Hành gồm có thân hành, miệng hành, ý hành.

“Duyên hành nên có thức. Thế nào là thức? Chỉ sáu thức thân: nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân.

“Duyên thức có danh sắc; thế nào là danh? Chỉ bốn ấm vô sắc: thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm. Thế nào là sắc? Chỉ bốn đại, sắc do bốn đại tạo thành. Sắc này hợp cùng với danh đã nói ở trên, gọi là danh sắc.

“Duyên danh sắc nên có sáu nhập xứ. Thế nào là sáu nhập xứ? Sáu nội nhập xứ; nhãn nhập xứ, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý nhập xứ.

“Duyên sáu nhập xứ nên có xúc. Thế nào là xúc? Chỉ sáu xúc thân: nhãn xúc thân, nhĩ xúc thân, tỷ xúc thân, thiệt xúc thân, thân xúc thân, ý xúc thân.

“Duyên xúc nên có thọ. Thế nào là thọ? Ba thọ: thọ khổ, thọ vui, thọ chẳng khổ chẳng vui.

“Duyên thọ nên có ái. Thế nào là ái? Ba ái: dục ái, sắc ái, vô sắc ái.

“Duyên ái nên có thủ. Thế nào là thủ? Bốn thủ: dục thủ, kiến thủ, giới thủ, ngã thủ.

“Duyên vào thủ nên có hữu. Thế nào là hữu? Ba hữu: dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu.

“Duyên hữu nên có sanh. Thế nào là sanh? Nếu mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia[60], siêu việt, hòa hợp, xuất sanh[61], được ấm, được giới, được nhập xứ, được mệnh căn. Đó gọi là sanh.

“Duyên sanh nên có già chết. Thế nào là già? Như tóc bạc đầu hói, da nhăn, các căn suy sụp, tay chân yếu ớt, lưng còm, đầu cúi, rên rỉ, hơi thở ngắn, mệt nhọc, chống gậy đi, thân thể đen sạm, tay chân nổ ban đốm, lú lẫn, làm việc gì cũng khó khăn, kém cỏi. Đó gọi là già. Thế nào là chết? Là mỗi mỗi chúng sanh kia nơi mỗi mỗi chủng loại thân kia chết đi, tuổi thọ chấm dứt, thân hoại, đổi dời, hơi ấm lìa thân, mệnh sống kết thúc, là đã đến lúc từ bỏ cái ấm thân. Đó gọi là chết. Chết này cùng già đã nói trước, gọi chung là già chết. Đó là thuyết nghĩa duyên khởi.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 299. DUYÊN KHỞI PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, pháp duyên khởi mà Ngài nói, là do Thế Tôn làm ra hay do người khác làm ra?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp duyên khởi chẳng phải do Ta tạo ra, cũng chẳng phải do người khác tạo ra. Nhưng dù Như Lai có xuất hiện hay chưa xuất hiện ở thế gian thì pháp giới này vẫn thường trụ. Như Lai tự giác ngộ pháp này, thành Đẳng chánh giác, vì tất cả chúng sanh mà phân biệt, diễn nói, chỉ dạy hiển bày; đó là: Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi. Tức là do duyên vô minh nên có hành, … cho đến việc tụ tập thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành cũng diệt,… cho đến việc thuần một khối khổ lớn tụ tập cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 300. THA[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại xóm Điều ngưu, Câu-lưu-sưu. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật; cùng Đức Thế Tôn đón chào vui vẻ. Sau khi vui vẻ chào hỏi, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng[63]?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta nói điều này không khẳng định. Tự mình làm và tự mình cảm thọ, điều này không được khẳng định[64].”

Bà-la-môn hỏi:

“Bạch Cù-đàm, người khác làm và người khác cảm thọ chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Người khác làm và người khác cảm thọ; điều này không khẳng định[65].”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Tôi hỏi, tự mình làm và tự mình cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định. Tôi hỏi, người khác làm và người khác cảm thọ chăng? Ngài đáp không khẳng định, nghĩa này như thế nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nếu tự mình làm và tự mình cảm thọ thì sẽ rơi vào thường kiến. Nếu người khác làm và người khác cảm thọ thì sẽ rơi vào đoạn kiến. Thuyết nghĩa, thuyết pháp là lìa hai bên này, Ta thuyết pháp ở nơi Trung đạo. Tức là nói rằng: ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, duyên vô minh nên có hành… cho đến thuần một khối khổ lớn tụ tập. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, cho đến việc thuần một khối khổ lớn bị diệt.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 301. CA-CHIÊN-DIÊN[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại nhà khách trong rừng sâu, xóm Na-lê[67]. Bấy giờ Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên[68] đi đến chỗ Phật, đảnh lễ, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như Ngài nói ‘Chánh kiến.’ Vậy thế nào là chánh kiến? Bạch Thế Tôn, vì sao Thế Tôn thi thiết chánh kiến?”

Phật bảo Tán-đà Ca-chiên-diên:

“Thế gian có hai sở y, hoặc có hoặc không[69], bị xúc chạm bởi thủ. Do bị xúc chạm bởi thủ nên hoặc y có hoặc y không. Nếu không có chấp thủ này vốn là kết sử hệ lụy của tâm và cảnh[70]; nếu không thủ, không trụ, không còn chấp ngã, thì khi khổ sanh là sanh, khổ diệt là diệt, đối với việc này không nghi, không hoặc, không do người khác mà tự biết; đó gọi là chánh kiến. Đó gọi là chánh kiến do Như Lai thi thiết. Vì sao? Thế gian tập khởi, bằng chánh trí mà quán sát như thật, thì thế gian này không phải là không[71]. Thế gian diệt, bằng chánh trí mà thấy như thật, thế gian này không phải là có. Đó gọi là lìa hai bên, nói pháp theo Trung đạo. Nghĩa là, ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi; tức là, duyên vô minh nên có hành,… cho đến, thuần một khối khổ lớn. Do vô minh diệt nên hành diệt,… cho đến, thuần một khối khổ lớn diệt.’”

Phật nói kinh này xong, Tôn giả Tán-đà Ca-chiên-diên nghe những gì Phật đã dạy, chẳng khởi các lậu, tâm được giải thoát, thành A-la-hán.

KINH 302. A-CHI-LA[72]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật, thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, mang bát ra khỏi núi Kỳ-xà-quật, vào thành Vương xá khất thực. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp[73] có chút việc đi ra khỏi thành Vương xá, hướng về núi Kỳ-xà-quật, từ xa trông thấy Đức Phật, vọâi vàng đi đến, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho không?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nay không phải là lúc để bàn luận. Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Ca-diếp lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này?[74] Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho[75].”

Phật bảo A-chi-la Ca-diếp:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

A-chi-la Ca-diếp bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ, lạc có phải do tự tác không?”

Phật đáp:

“Nói khổ, lạc do tự tác, điều này Ta không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào khổ, lạc là do người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do ngưới khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Khổ, lạc do tự mình và người khác làm ra chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nói khổ do tự mình và người khác làm ra, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp lại hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Khổ chẳng phải tự, chẳng phải tha, vô nhân tác, điều này Ta cũng không khẳng định.”

Ca-diếp hỏi:

“Bạch Cù-đàm, thế nào, tôi hỏi khổ tự tác chăng? Ngài đáp không ký thuyết. Tôi hỏi khổ tha tác, tự tha tác chăng? Chẳng phải tự, tha, vô nhân tác chăng? Ngài cũng đáp là không ký thuyết. Vậy, nay không có cái khổ này chăng?”

Phật bảo Ca-diếp:

“Chẳng phải không có cái khổ này, mà thật có cái khổ này.”

Ca-diếp bạch Phật:

“Lành thay, bạch Cù-đàm! Ngài nói có cái khổ này. Vậy xin vì tôi thuyết pháp khiến cho tôi biết khổ, thấy khổ.”

Phật bảo Ca-diếp:

“Nếu thọ tức là tự cảm thọ[76], thì Ta mới có thể nói nói khổ do tự tạo. Nếu người khác thọ người khác tức là thọ giả[77], thì Ta nói là tha tạo. Nhưng nếu nói thọ, vừa tự thọ vừa cái khác cảm thọ rồi mang lại khổ, như thế thì tự làm vừa do người khác làm, nhưng Ta cũng chẳng nói như vậy. Hoặc chẳng phải nhân tự, tha, mà là vô nhân sanh ra khổ, Ta cũng chẳng nói như vậy. Như Lai thuyết pháp lìa hai bên này mà nói Trung đạo; tức là ‘Cái này có nên cái kia có, cái này khởi nên cái kia khởi, nghĩa là duyên vô minh nên có hành,… cho đến thuần một khối khổ lớn. Nếu vô minh diệt thì hành diệt,… cho đến thuần một khối khổ lớn bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, A-chi-la Ca-diếp liền lìa trần cấu, được mắt pháp thanh tịnh. Bấy giờ, A-chi-la Ca-diếp thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, thâm nhập pháp, vượt qua mọi hồ nghi, không do người khác mà biết, chẳng do người khác độ thoát, đối với Chánh pháp luật, tâm được không sợ hãi.

Ca-diếp chắp tay bạch Phật:

“Thế Tôn, nay con đã được Phật hóa độ, từ hôm nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, suốt đời làm Ưu-bà-tắc, xin Ngài chứng tri cho con.”

A-chi-la Ca-diếp nghe Phật dạy xong, vui mừng, hài lòng làm lễ mà đi.

A-chi-la Ca-diếp sau khi từ giã Phật đi không lâu, thì bị một con nghé đực húc chết. Lúc mạng chung, các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng.

Bấy giờ, Thế Tôn vào thành khất thực. Lúc ấy cũng có nhiều Tỳ-kheo vào thành Vương xá khất thực, nghe đồn A-chi-la Ca-diếp được nghe pháp từ Thế Tôn; sau khi từ giã Phật chẳng bao lâu bị một con nghé đực húc chết, khi mạng chung các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Các Tỳ-kheo khất thực xong trở về, thu cất y bát, rửa chân, đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm nay nhiều Tỳ-kheo vào thành khất thực, nghe chuyện A-chi-la Ca-diếp, sau khi được nghe pháp luật, ra về chẳng bao lâu bị tai nạn một con nghé đực húc chết. Lúc từ trần các căn thanh tịnh, sắc mặt tươi sáng. Bạch Thế Tôn, A-chi-la Ca-diếp sanh vào loài nào, thọ sanh nơi đâu và có sở đắc gì?”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Ông ấy đã thấy pháp, biết pháp và thứ pháp[78], không còn chấp thủ nơi pháp, đã đạt đến Bát-niết-bàn. Các ông nên đến cúng dường thân A-chi-la Ca-diếp.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn thọ ký A-chi-la Ca-diếp bậc nhất.

KINH 303. ĐIẾM-MÂU-LƯU[79]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ vào lúc sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, dọc đường gặp tu sĩ ngoại đạo tên là Điếm-mâu-lưu[80], có chút việc đi đến núi Kỳ-xà-quật, từ xa trông thấy liền đi đến chỗ Thế Tôn; hai bên chào đón ân cần xong, rồi đứng sang một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, tôi có vài điều muốn hỏi, Ngài có rảnh để giải đáp cho chăng?”

“Nay không phải là lúc để bàn luận; Ta đang vào thành khất thực. Chờ khi trở về, Ta sẽ nói cho ông nghe.”

Đức Phật nói như vậy lần thứ hai.

Điếm-mâu-lưu lại bạch lần thứ ba.

“Bạch Cù-đàm, sao lại làm khó tôi! Tại sao có sự khác biệt này? Nay tôi có điều muốn hỏi, xin Ngài giải đáp cho.”

Phật bảo Điếm-mâu-lưu:

“Vậy thì tùy ý ông hỏi.”

Xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu liền hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Bạch Ngài, khổ, lạc do tự tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Bảo khổ, lạc do tự tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, lạc có phải do người khác tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, lạc do người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Sa-môn Cù-đàm:

“Khổ, lạc tự người khác tạo chăng?”

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói khổ, lạc do tự người khác tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Lại hỏi Cù-đàm:

“Khổ, lạc chẳng phải do tự, chẳng phải do người khác, vô nhân tác chăng?

Phật bảo xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu:

“Nói rằng khổ, lạc chẳng phải tự, chẳng phải người khác, vô nhân tạo, điều này Ta không ký thuyết.”

Phật dạy đầy đủ như kinh A-chi-la Ca-diếp ở trên, cho đến Thế Tôn thọ ký cho xuất gia ngoại đạo Điếm-mâu-lưu đầu tiên.




CHÚ THÍCH

[1]. Nguyên Đại Chánh quyển 12. Ấn Thuận xếp lại, đưa xuống quyển 13, Tương ưng nhập xứ sẽ tiếp tục từ kinh 304, tụng iii Tạp nhân tụng. Quốc Dịch, cũng quyển 13, bắt đầu tụng iii. Nhân duyên tụng. Tương đương Pāli, S. ii. Nidāna-vaggo. Tương ưng Nhân duyên, Ấn Thuận, Quốc Dịch đồng, gồm các kinh, Đại Chánh: 283-303, 343-378. Tương đương Pāli, S. 12. Nidāna-saṃyutta. Trồng cây, Phật Quang, kinh 321. Pāli, S. 12. 57. Taruṇa.

[2]. Pāli: saṃyujaniysu dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati. Sống với sự tìm kiếm vị ngọt trong các pháp bị kết buộc, thì khát ái tăng trưởng.

[3]. Cây lớn. Pāli, S. 12. 55-56. Mahārukkha.

[4]. Pāli, upādāniyesu, bhikkhave, dhammesu assādānupassino viharato taṇhā pavaḍḍhati; taṇhāpaccayā upādānaṃ, sống tìm kiếm vị ngọt trong các pháp bị chấp thủ thì ái tăng trưởng. Duyên ái có thủ.

[5]. Pāli, S. 12. 10 Gotama.

[6]. Pāli: kicchaṃ vatāyaṃ loko āpanno, quả thật, thế gian này đang rơi vào khổ nạn.

[7]. Thượng cập sở y 上及所依; không rõ nghĩa. Pāli: atha ca panimassa dukkhassa nissaraṇaṃ nappajānāti jarāmaṇassa, nhưng lại không biết sự thoát ly của khổ già và chết này. Trong bản Hán, nissaraṇana (thoát ly), được đọc là nissaya, sở y.

[8]. Pāli: yoniso manasikārā ahu paññāya abhisamayo, bằng như lý tác ý, bằng trí tuệ, ta có hiện quán (chứng nghiệm thực tế).

[9]. Pāli, S. 12. 52. Upādāna.

[10]. Pāli, S. 12. 65. Nagaraṃ.

[11]. Xem cht.8 kinh 285.

[12]. Pāli: paccudāvattati kho idaṃ viññāṇaṃ nāmarūpamhā na paraṃ gacchati, rồi thức này quay trở lại; nó không đi quá danh sắc.

[13]. Pāli: adhigato mayhaṃ maggo bodhāya, Ta đã đến con đường dẫn đến giác ngộ.

[14]. Lau sậy. Pāli, S. 12. 67. Naḷakalāpiya.

[15]. Nghĩa biện 義辯, hay nghĩa biện tài, một trong bốn biện tài hay vô ngại giải (Pāli: paṭisambhidā).

[16]. Không nghe, chỉ phàm ngu không được nghe chánh pháp. Pāli, S. 12. 61. Assutavā.

[17]. Nguyên Hán: vô văn 無聞. Pāli: assutavā.

[18]. Tức ở nơi tâm, ý, thức.

[19]. Pāii: etaṃ mama, esohamasmi, eso me attā ti, cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi (là cái tôi của tôi: Hán dịch, tương tại?).

[20]. Pāli, S. 12. 62. Assutavā.

[21]. Pāli. S. 12. 66. Sammasaṃ.

[22]. Nội xúc pháp 內觸法, sự tiếp xúc bằng nội tâm. Pāli: sammasatha no tumhe bhikkhave antaraṃ sammasanti, các ông có nắm bắt sự tiếp xúc của tâm ý chăng?

[23]. Thủ ?, lấy hay nhận lấy, ở đây hiểu là tư duy, nghiệm xét. Pāli: sammasati, tiếp xúc bằng tâm ý, phán xét. Danh từ phát xuất: sammasa, Hán dịch là nội xúc.

[24]. Trong bản: xúc 觸, Theo văn đoạn dưới, nên sửa lại là chuyển 轉 . Xem chú thích 27 ở dưới. Có lẽ chính xác là duyên ? , trong bốn hành tướng của tập đế, theo Hữu bộ (nhân, tập, sanh duyên). Pāli: idaṃ kho dukkhaṃ kiṃnidānaṃ kiṃsamaudayaṃ kiṃ jātikaṃ kiṃ pabhavaṃ, khổ này, cái gì là nguyên do (nhân duyên), cái gì là tập khởi, cái già là sanh, cái gì là hiện khởi.

[25]. Ức-ba-đề nhân 億波提因. Pāli: upadhi-nidānaṃ. Nghĩa gốc của upadhi là cơ bàn hay cơ sở; theo nghĩa kinh, là sở y của tồn tại. Hán dịch: y, vật, sự, uẩn, tư, tham ái, phiền não.

[26]. Nhân, tập, sanh, chuyển 因集生轉. Pāli: nidānaṃ, sanudayaṃ, jātikaṃ, pabhavaṃ.

[27]. Trong bản: xúc 觸. Theo trên, sửa lại là chuyển. Pāli: taṇhānidānaṃ taṇsamudayaṃ taṇhājātikaṃ taṇhāpabhavaṃ.

[28]. Trong bản: đế chánh chi sắc 諦正之色, Ấn Thuận sửa lại là đoan chánh chi sắc 端[06]政之色

###[29]. Hán: ái sanh nhi sanh, hệ nhi hệ, trú nhi trú 於彼愛生而生. 繫而繫. 住而住. . Pāli: etthesā taṇhā uppajjamānā uppajjati ettha nivisamānā nivasati.

[30]. Pāli, S. 12. 51. Parivīmaṃsana.

[31]. Xem cth.24 kinh 291 trên.

[32]. Hán: hướng thứ pháp 向次法. Pāli: tahā paṭipanno ca hoti anudhamamma-carī, thực hành như vậy là người tùy pháp hành (tùy thuận pháp).

[33]. Có ba loại hành: phước hành và phi phước hành (thiện và bất thiện Dục giới) và bất động hành (thiện thượng giới). Xem Trường A-hàm 7 (kinh Chúng tập); Pāli, D. 33. Saṅgīti, tayo saṅkhārā: puññābhisaṃkhāro, apuññābhisaṃkhāro, āneñjābhisaṃkhāro.

[34]. Vô sở hữu hành 無所有行, tức bất động hành, thiện do tu tập thiền định. Pāli: āneñjābhisaṃkhāra.

[35]. Pāli: so avijjāvirāgā vijuppādā, vị ấy, do ly nhiễm đối với vô minh và minh phát sanh...

[36]. Nghĩa là, có còn tạo các nghiệp thiện, bất thiện và phước báo do thiền định để tái sanh hay không?

[37]. Pāli: kāyapariyantikam vedanaṃ vedayamāno.

[38]. Trong bản, in dư một chữ diệt 滅.

[39]. Pāli, S. 12. 19. Bālena paṇḍito.

[40]. Thức thân, chỉ thân có thức. Pāli: taṇhāya samyuttassa evamayaṃ kāyo samudāgato, do bị hệ phược bởi ái, thân này sanh khởi.

[41]. Xúc nhập, tức xúc nhập xứ, hay xúc xứ. Pāli: phassa-āyatana.

[42]. Không phải của ngươi. Pāli, S. 12. 37. Natumha.

[43]. Pāli: purāṇaṃ kammaṃ, nghiệp đời trước.

[44]. Pāli, S. 12. 20. Paccaya.

[45]. Nhân duyên pháp, hay lý duyên khởi. Pāli: paṭiccasamuppāda.

[46]. Duyên sanh pháp, hay duyên dĩ sanh. Pāli: paṭiccasamuppanna dhamma, pháp đã sanh bởi duyên.

[47]. Pāli: uppādā vā tathāgatānaṃ anuppādā vā tathāgatānaṃ, ṭhitā va sā dhātu dhammaṭṭhitatā dhammaniyāmatā idappaccayatā, các Như Lai xuất hiện hay không xuất hiện, giới này (đạo lý này) vốn thường trú; đó là tánh an trụ của pháp (pháp trụ tánh), tính quyết định của pháp (pháp vị tánh) và tánh y duyên (tương y tương duyên).

[48]. Pháp trụ, pháp không 法住,法空, trong bản Pāli: dhammāṭṭhitatā (pháp trụ tánh), dhammaniyāma (pháp vị tánh, pháp định tánh).

[49]. Pāli: katame ca, bhikkhave, paṭiccasamuppannā dhammā? jarāmaraṇaṃ, bhikkhave, aniccaṃ saṃkhataṃ paṭiccasamuppannaṃ khayadhammṃ vayadhammaṃ virāgadhammaṃ nirodhadhammaṃ, các pháp duyên sanh (duyên sanh pháp) là gì? Già chết là vô thường, hữu vi, do duyên mà khởi, chịu quy luật đào thải, tiêu vong, ly tham, diệt tận.

[50]. Hán: tiền tế 前際, Pāli: pubbantaṃ

[51]. Pāli: ahosiṃ nu kho ahaṃ atītamaddhānaṃ, nanu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ nu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kathaṃ nu kho ahosiṃ atītamaddhānaṃ, kiṃ hutvā kiṃ ahosi nu kho ahaṃ aittāmaddhānaṃ: Quá khứ tôi hiện hữu hay không hiện hữu? Quá khứ tôi là gì, tôi là thế nào? Quá khứ, do hiện hữu cái gì mà tôi hiện hữu?

[52]. Pāli: etarahi paccuppannaṃ addhānaṃ ajjhattaṃ kathaṃkathī bhavissati, hoặc ở đây trong đời hiện tại mà bên trong có nghi hoặc.

[53]. Pāli: ahaṃ nu kho’smi, no nu kho’ smi, kiṃ nu kho’smi, kathaṃ nu kho’smi, ayaṃ nu hko sattā kuto āgato, so kuhiṃ gamissatī’ti, ta đang hiện hữu, hay không đang hiện hữu? Ta đang là cái gì? Ta đang là thế nào? Chúng sanh này từ đâu đến? Rồi nó sẽ đi đâu?

[54]. Hán: kiến sở hệ 見所繫. Pāli: diṭṭhi-saṃyojana.

[55]. Nguyên Hán:kỵ húy cát khánh kiến sở hệ 忌諱吉慶見所繫.

[56]. Điều ngưu tụ lạc 調牛聚落, chỗ khác dịch là Bác ngưu 博牛, Mục ngưu 牧牛

[57]. Pāli, S. 12. 1. Desanā; 2. Vibhaṅga.

[58]. Hán: nghĩa thuyết 義說. Pāli: vibhajjssāmi, Ta sẽ phân tích (phân biệt).

[59]. Nguyên Hán: vô vô gián đẳng 無無間等.

[60]. Bỉ bỉ thân chủng loại sanh 彼彼身種類一生. Pāli: taṃhi taṃhi sattanikaye jāti, sự sanh nơi từng bộ loại của chúng sanh kia.

[61]. Pāli: sañjāti okkanti nibbatti abhinibbatti, xuất sanh, nhập thai, sản sanh, chuyển sanh.

[62]. Pāli, S. 12. 46. Aññataraṃ (Người khác).

[63]. Pāli: so karoti so paṭisaṃvedayati, tự tác tự thọ.

[64]. Vô ký 無記 . Pāli: ayaṃ eko anto, đây là một cực đoan.

[65]. Pāli: ayaṃ dutiyo anto, đây là cực đoan thứ hai.

[66]. Pāli, S. 12. 15. Kaccāyanagotta.

[67]. Na-lê tụ lạc thâm lâm trung đãi khách xá 那梨聚落深林中待賓舍; địa danh kinh 926: Na-lê tụ lạc Thâm cốc tinh xá; kinh 1037: Na-lê tụ lạc Khúc cốc tinh xá. Pāli: Nadika Giñjakāvasatha.

[68]. Tán-đà Ca-chiên-diên [跳-兆+散]陀迦旃延.

[69]. Pāli: dvayanissito... atthitañ ceva natthitañca, hai sở y... tồn tại và không tồn tại.

[70]. Tâm cảnh hệ trước sử 心境繫著使. Pāli: cetaso adhiṭṭhānaṃ abhinivesānysayaṃ, (vốn là) tùy miên tham đắm nắm giữ chặt tâm.

[71]. Pāli: lokasamudayaṃ kho, kaccāna, yathābhūtaṃ sampaññāya passato yā loke natthitā sā na hoti, bằng chánh trí mà quán sát như thật sự tập khởi của thế gian, thì thế gian không phải không tồn tại. Hán dịch: Nhược thế gian vô giả bất hữu 若世間無者不有, tức Pāli: yā loke natthitā sā na hoti, trong thế gian này không tồn tại cái không (nghĩa là: thế gian này có).

[72]. Pāli, S. 12. 17. Acela.

[73]. A-chi-la Ca-diếp 阿支羅迦葉 . Pāli Acela-Kassapa, Ca-diếp lõa thể.

[74]. Ý nói: đối xử không giống với người khác.

[75]. Bản Pāli: na kho... bahudeva pucchitukāmā ti, tôi không muốn hỏi nhiều đâu.

[76]. Thọ tức tự thọ giả 受即自受 者 . Pāli: sā vedanā so vedayatī ‘ti (S. 12. 18), thọ tự nó cảm thọ.

[77]. Pāli: aññā vedanā añño vedayatī ti(S. 12. 18), thọ là cái khác, cảm thọ là cái khác (thọ và hành vi cảm thọ là hai cái khác nhau).

[78]. Pháp thứ pháp 法, 次法, tức pháp và tùy pháp. Pāli: dhammānudhamma.

[79]. Pāli, S. 12. 18. Timbaruka.

[80]. Điếm-mâu-lưu 玷牟留. Pāli: Timbaruka.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567