Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 49 (1294 - 1304)

09/05/201312:01(Xem: 12419)
Tạp A-hàm quyển 49 (1294 - 1304)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 49 (1294 - 1304)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1294. SỞ CẦU[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Sức lớn, vui tự tại,
Mọi sở cầu đều được;
Ai vượt trên vị kia,
Mọi mong cầu thỏa mãn?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Sức lớn, vui tự tại,
Vị kia không sở cầu.
Nếu ai có mong cầu,
Thì khổ chẳng phải lạc.
Tìm cầu đã qua rồi,
Vị kia chỉ có lạc.
Lúc ấy, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn ái ân đời.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1295. XE[2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Xe khởi từ chỗ nào?
Ai có thể chuyển xe?
Xe chuyển đến nơi nào?
Cớ sao biến hoại mất?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Xe khởi từ các nghiệp.
Tâm thức chuyển dịch xe.
Tùy nhân mà chuyển đến.
Nhân hoại thì xe mất.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1296. SANH CON[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Lúc ấy, Thiên tử kia bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, con gái của vua Câu-lâu-đà là Tu-ba-la-đề-sa[4], hôm nay sanh con.”

Phật bảo Thiên tử:

“Đây là điều không tốt lành, chẳng phải là tốt lành!”

Thiên tử kia liền nói kệ:

Người sanh con là vui.
Thế gian có con vui.
Cha mẹ tuổi già yếu,
Cần con để phụng dưỡng.
Vì sao Cù-đàm nói,
Sanh con là không tốt?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nên biết luôn vô thường,
Uẩn thuần không, chẳng con.
Sanh con thường bị khổ,
Người ngu nói là vui.
Cho nên Ta nói rằng,
Sanh con là chẳng tốt;
Không tốt mà như tốt,
Như yêu, chẳng đáng yêu.
Thật khổ, dáng tợ vui,
Bị phóng dật dẫm đạp.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1297. SỐ [5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Thế nào số được đếm?
Thế nào số không ẩn?
Thế nào số trong số?
Thế nào thuyết ngôn thuyết?[6]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Phật pháp khó đo lường,
Hai dòng không hiển hiện.
Nếu danh và sắc kia,
Diệt tận hết không còn;
Đó là số được đếm.
Số kia không ẩn tàng.
Đó là số trong số,
Đó là thuyết danh số.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1298. VẬT GÌ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Vật gì nặng hơn đất?
Vật gì cao hơn không?
Vật gì nhanh hơn gió?
Vật gì nhiều hơn cỏ?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Giới đức nặng hơn dất.
Mạn cao hơn hư không.
Hồi tưởng nhanh hơn gió.
Tư tưởng nhiều hơn cỏ.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1299. GIỚI GÌ[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ:

Giới gì, oai nghi gì?
Đắc gì, nghiệp là gì?
Người tuệ làm sao trụ?
Làm sao sanh về trời?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Xa lìa việc sát sanh,
Vui trì giới tự phòng;
Không sanh tâm gia hại,
Đó là đường sanh Thiên.
Không lấy của không cho,
Vui nhận của được cho;
Đoạn trừ tâm trộm cướp,
Đó là đường sanh Thiên.
Không phạm vợ người khác;
Xa lìa việc tà dâm;
Bằng lòng vợ riêng mình,
Đó là đường sanh Thiên.
Tự vì mình và người,
Vì của và cười đùa;
Không nói dối lừa gạt,
Là con đường sanh Thiên.
Đoạn trừ nói hai lưỡi,
Không ly gián bạn người;
Thường nghĩ hòa kia đây,
Là con đường sanh Thiên.
Xa lìa lời thô lỗ,
Lời dịu, không hại người;
Thường nói lời hay tốt,
Là con đường sanh Thiên.
Không nói lời phi giáo,
Không nghĩa, không lợi ích;
Thường nói lời thuận pháp,
Là con đường sanh Thiên.
Tụ lạc hoặc đất trống,
Thấy lợi, nói của ta;
Không hành tưởng tham này,
Là con đường sanh Thiên.
Tâm từ không tưởng hại,
Không hại các chúng sanh;
Tâm thường không oán kết,
Là con đường sanh Thiên.
Nghiệp khổ và quả báo,
Cả hai đều tịnh tín;
Thọ trì nơi chánh kiến,
Là con đường sanh Thiên.
Những thiện pháp như thế,
Mười con đường tịnh nghiệp;
Đều giữ gìn kiên cố,
Là con đường sanh Thiên.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn,
Đã đạt Bát-niết-bàn;
Qua rồi mọi sợ hãi,
Vượt hẳn đời ái ân.

Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1300. MẠNG[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thích Đề-hoàn Nhân, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ Thích Đề-hoàn Nhân nói kệ hỏi Phật:

Pháp gì mạng không biết?
Pháp gì mạng không tỏ?[10]
Pháp gì xiềng xích mạng?
Pháp gì trói buộc mạng?[11]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Sắc pháp mạng không biết,
Các hành mạng không tỏ;
Thân xiềng xích mạng kia,
Ái trói buộc mạng này.
Thích Đề-hoàn Nhân lại nói kệ:
Sắc chẳng phải là mạng,
Chư Phật đã từng nói.
Làm sao thuần thục được,
Nơi tạng sâu thẳm kia?
Làm sao trụ khối thịt,
Làm sao biết mạng thân?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ban đầu ca-la-la,[12]
Từ ca-la sanh bào;[13]
Từ bào sanh khối thịt,
Khối thịt thành dày cứng.
Thịt dày sanh tứ chi,
Và những thứ lông tóc;
Các căn tình gồm sắc,
Dần dần thành hình thể.
Nhờ người mẹ ăn uống,
Nuôi lớn bào thai kia.

Sau khi Thích Đề-hoàn Nhân nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1301. TRƯỜNG THẮNG[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Trường Thắng[15] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ:

Khéo học lời vi diệu,
Gần gũi các Sa-môn;
Một mình không bạn bè,
Chánh tư duy tĩnh mặc.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Khéo học lời vi diệu,
Gần gũi các Sa-môn;
Một mình không bạn bè,
Tịch mặc tĩnh các căn.

Sau khi Thiên tử Trường Thắng kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1302. THI-TÌ[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Thi-tì[17] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:

Nên sống chung với ai?[18]
Cộng sự cùng những ai?
Nên biết những pháp gì,
Càng thù thắng, phi ác?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Với Chánh sĩ cùng ở.[19]
Cùng Chánh sĩ cộng sự.
Nên biết pháp Chánh sĩ,
Càng thù thắng, phi ác.

Sau khi Thiên tử Thi-tì kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1303. NGUYỆT TỰ TẠI[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Nguyệt Tự Tại[21] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử Nguyệt Tự Tại kia nói kệ:

Kia sẽ đến cứu cánh,
Như muỗi nương theo cỏ.[22]
Nếu được chánh hệ niệm,
Nhất tâm khéo chánh thọ.[23]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Kia sẽ đến bờ kia,
Như cá cắn rách lưới.
Trụ thiền định đầy đủ,
Tâm thường đạt hỷ lạc.

Sau khi Thiên tử Nguyệt Tự Tại kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

KINH 1304. VI-NỰU[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Thiên tử Tỳ-sấu-nữu[25] dung sắc tuyệt diệu, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà. Bấy giờ, Thiên tử kia nói kệ:

Cúng dường Đức Như Lai,
Thường tăng trưởng hoan hỷ.
An vui Chánh pháp luật,
Theo học không phóng dật.
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Nếu nói pháp như vậy,
Phòng hộ không phóng dật;
Vì nhờ không phóng dật,
Không bị ma chế ngự.

Thiên tử Tỳ-sấu-nữu kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ dưới chân Phật, liền biến mất.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567