Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 15 (365 - 375)

08/05/201313:18(Xem: 11779)
Tạp A-hàm quyển 15 (365 - 375)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 15 (365 - 375)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 365. THUYẾT PHÁP[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Gọi là ‘Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại[2].’ Vậy thế nào là Như Lai nói về Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là căn bản của pháp, là con mắt của pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Cúi xin vì chúng con mà nói về Niết-bàn ngay trong đời hiện tại. Các Tỳ-kheo nghe xong sẽ y theo lời dạy mà thực hành.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói. Nếu có Tỳ-kheo đối với già, bệnh, chết sanh nhàm tởm, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm khéo giải thoát, đó gọi là Tỳ-kheo Bát-niết-bàn ngay trong đời hiện tại.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 366. TỲ-BÀ-THI[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Đức Phật Tỳ-bà-thi[4] khi chưa thành Chánh giác, một mình ở chỗ vắng vẻ chuyên cần tinh tấn thiền định tư duy và nghĩ như vầy: ‘Tất cả thế gian đều nhập vào trong sanh tử, tự sanh, tự chín, tự diệt và tự chìm mất[5], nhưng những chúng sanh này chẳng biết như thật về con đường xuất thế gian, vượt qua khỏi già chết.’ Ngài liền tự quán sát: ‘Do duyên gì mà có già chết này?’ Ngài quán sát tư duy chân chánh như vậy, đạt được hiện quán như thật[6], khởi lên biết: ‘Vì có sanh nên có già chết này, vì duyên vào sanh nên có già chết.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Do duyên gì nên có sanh này?’ Ngài lại chân chánh tư duy nên đạt được hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do duyên hữu nên có sanh.’ Ngài lại chân chánh tư duy: ‘Vì duyên gì nên có hữu?’ Ngài lại chân chánh tư duy, phát khởi hiện quán như thật, biết rằng: ‘Do có thủ nên có hữu.’ Ngài lại tư duy chân chánh: ‘Do duyên gì nên có thủ?’ Ngài lại tư duy chân chánh, phát khởi hiện quán như thật, quán sát thấy chấp thủ pháp, đắm trước vị, tham luyến, ái được tăng trưởng do duyên xúc. Nên biết, duyên ái nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có lão, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn như vậy. Ví như nhờ vào dầu và tim đèn nên đèn sáng. Nếu người kia lúc nào cũng châm thêm dầu và khơi tim, thì đèn kia luôn sáng, thắp sáng không ngừng.’ Chi tiết như thí dụ về cái thành trước đây[7].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-bà-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca Mâu-ni, Phật Ca-diếp[8] đều nói chi tiết như trên.

KINH 367. TU TẬP[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo phải siêng năng phương tiện tu tập thiền định, tư duy, nội tâm tĩnh lặng. Vì sao? Vì Tỳ-kheo cần phải tinh tấn siêng năng phương tiện thiền định, tư duy, khiến nội tâm tĩnh lặng, hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết được hiển hiện như thật[10], sự tập khởi của già chết, sự diệt tận của già chết, con đường đưa đến sự diệt tận của già chết được hiển hiện như thật. Sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức, hành được hiển hiện như thật; sự tập khởi của hành, sự diệt tận của hành, con đường đưa đến sự diệt tận của hành được hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 368. TAM-MA-ĐỀ[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nên tu vô lượng tam-ma-đề, chuyên cần tinh tấn cột niệm tu vô lượng Tam-ma-đề, khi đã chuyên cần tinh tấn cột niệm rồi, thì sẽ hiển hiện như thật như vậy. Thế nào là hiển hiện như thật? Già chết hiển hiện như thật, cho đến hành hiển hiện như thật. Các pháp này vốn vô thường, hữu vi, hữu lậu, được hiển hiện như thật như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 369. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (1)[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Thuở xưa Đức Phật Tỳ-bà-thi khi chưa thành Chánh giác, trụ chỗ Bồ-đề[13] không bao lâu thì thành Phật. Rồi đến dưới cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa ngồi kiết già, ngồi thẳng, chánh niệm. Ngồi suốt bảy ngày, đối với mười hai duyên khởi, quán sát thuận nghịch như vầy: ‘Do cái này có nên cái kia có, vì cái này khởi nên cái kia khởi; duyên vô minh nên có hành… cho đến, duyên sanh nên có già chết và tụ tập thuần một khối khổ lớn và thuần một khối khổ lớn diệt.”

Đức Phật Tỳ-bà-thi sau đúng bảy ngày tịnh tọa, từ tam-muội tỉnh giác nói kệ này:

Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên sanh.
Nếu biết nhân sanh khổ,
Biết các thọ diệt tận,
Biết pháp nhân duyên hết,
Thì biết hữu lậu hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết có nhân sanh khổ.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết các thọ diệt hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết pháp nhân duyên hết.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Lìa hẳn các nghi hoặc,
Biết hết các hữu lậu.
Các pháp sanh như thế,
Phạm chí siêng thiền tư,
Chiếu sáng khắp thế gian,
Như mặt trời giữa không,
Phá tan các quân ma,
Biết các kết giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như Phật Tỳ-bà-thi; cũng vậy Phật Thi-khí, Phật Tỳ-thấp-ba-phù, Phật Ca-la-ca-tôn-đề, Phật Ca-na-ca ¬Mâu-ni, Phật Ca-diếp[14] cũng nói như vậy.

KINH 370. THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN (2)

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tòa đại Bồ-đề[15], bên bờ sông Ni-liên-thiền, tại Uất-tỳ-la[16], thì sau đó một thời gian ngắn Ngài thành Chánh giác. Ngài đến dưới bóng cây Bồ-đề trải cỏ làm tòa, ngồi kiết già, chánh thân, chánh niệm. Nói đầy đủ như trên.

KINH 371. THỰC[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức[18]. Bốn loại thức ăn này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc[19] gì? Bốn loại thức ăn này do ái là nhân, ái là tập, ái là sanh, ái là xúc. Ái này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Ái do thọ là nhân, thọ là tập, thọ là sanh, thọ là xúc. Thọ này do nhân gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Thọ do xúc là nhân, xúc là tập, xúc là sanh, xúc là xúc. Xúc này do nhân là gì, tập gì, sanh gì, xúc gì? Xúc do sáu nhập xứ là nhân, sáu nhập xứ là tập, sáu nhập xứ là sanh, sáu nhập xứ là xúc. Khi sáu nhập xứ tụ tập thì xúc tụ tập, xúc tụ tập thì thọ tụ tập, thọ tụ tập thì ái tụ tập, ái tụ tập thì thức ăn tụ tập. Vì thức ăn tụ tập nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai tụ tập và thuần một khối khổ lớn tụ tập như vậy. Ngược lại nếu sáu nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thức ăn diệt. Vì thức ăn diệt nên sanh, lão, bêïnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai cũng diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập cũng bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 372. PHẢ-CẦU-NA[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Khi ấy, có Tỳ-kheo tên là Phả-cầu-na[21] đang đứng sau, quạt hầu, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn ai ăn thức này[22]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ăn thức[23]. Nếu Ta nói có người ăn thức, thì ngươi nên hỏi câu ấy. Ở đây Ta nói thức là thức ăn, vậy ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà có thức ăn của thức?’ Ta sẽ đáp: ‘Thức ăn của thức, có thể chiêu cảm hữu trong vị lai khiến cho nó tiếp tục sanh; do có hữu nên có sáu nhập xứ; do sáu nhập xứ làm duyên nên có xúc.’”

Phả-cầu-na lại hỏi:

“Ai xúc?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người xúc. Nếu Ta nói có người xúc thì ngươi nên hỏi câu này: ‘Ai xúc?’ Ở đây ngươi nên hỏi như vầy: ‘Do nhân duyên gì mà sanh xúc?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do sáu nhập xứ làm duyên nên sanh xúc; do xúc làm duyên nên sanh thọ.’”

Lại hỏi:

“Ai thọ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thọ. Nếu Ta nói có người thọ, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thọ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có thọ?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do xúc làm duyên nên có thọ; thọ làm duyên nên có ái.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai ái[24]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người ái. Nếu Ta nói có người ái, thì ngươi nên hỏi: ‘Ai ái?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do nhân duyên gì nên có ái?’ Ta sẽ đáp như vầy: ‘Do duyên thọ nên có ái; do ái làm duyên nên có thủ.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai thủ?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người thủ. Nếu Ta nói có người thủ thì ngươi nên hỏi: ‘Ai thủ?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Vì duyên gì nên có thủ?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên ái nên có thủ; do thủ làm duyên nên có hữu.’”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, ai hữu[25]?”

Phật bảo Phả-cầu-na:

“Ta không nói có người hữu. Nếu Ta nói có người hữu thì ngươi nên hỏi: ‘Ai hữu?’ Ở đây ngươi nên hỏi: ‘Do duyên gì nên có hữu?’ Ta sẽ đáp: ‘Do duyên thủ nên có hữu; có thể chiêu cảm sự chuyện hiện của hữu[26] trong vị lai.’ Đó gọi là do có hữu nên có sáu nhập xứ; sáu nhập xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và thuần một khối khổ tụ tập như vậy. Ngược lại nếu lục nhập xứ diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não diệt và thuần một khối khổ lớn đã tụ tập bị diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 373. TỬ NHỤC[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn từng nắm như thế nào?

“Ví như hai vợ chồng chỉ có một đứa con để thương yêu nuôi nấng. Họ muốn vượt qua con đường hiểm trong hoang mạc, chỗ có tai nạn. Lương thực thì đã hết sạch, đói khát cùng cực, không còn kế sách nào để cứu vãn, họ bàn nhau: ‘Chúng ta có một đứa con rất mực là thương yêu; nếu ăn thịt con thì mới có thể thoát qua cơn hiểm nạn này. Chớ để cả ba ở đây cùng chịu chết!’ Suy tính như vậy xong, họ ngậm ngùi thương xót rơi lệ, liền giết chết con, gượng ăn thịt con để đi qua khỏi hoang mạc. Thế nào, các Tỳ-kheo, vợ chồng người kia cùng nhau ăn thịt con há vì để nhận vị ngọt hay vì ham thích ngon sướng mà ăn?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy!”

Lại hỏi:

“Này các Tỳ-kheo, có phải vợ chồng người kia gượng ăn thịt con để vượt qua khỏi đường hiểm trong hoang mạc chăng?”

Đáp:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Phàm ăn thức ăn vo nắm nên quán như vậy. Khi quán như vậy thì thức ăn vo nắm được đoạn, được biết; thức ăn vo nắm được đoạn, được biết[28] rồi, đối với năm công đức của dục, tâm tham ái sẽ đoạn trừ. Đối với ngũ dục tâm tham ái đã đoạn trừ, Ta không thấy đa văn Thánh đệ tử kia trên năm công đức của dục còn có một kết sử nào mà không dứt. Bởi vì còn có một kết sử trói buộc thì sẽ tái sanh lại cõi đời này.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng xúc chạm như thế nào? Ví như con bò bị lột da sống, khắp mọi nơi trên thân bị các sâu bọ rút rỉa, đất cát, bụi bặm, cây cỏ châm chích. Nếu như nằm nơi đất thì bị trùng ở đất ăn, nếu nằm nơi nước thì bị trùng ở nước ăn, nếu ở nơi hư không thì bị phi trùng ăn; nằm xuống đứng lên thường bị đau đớn thân mình. Như vậy, Tỳ-kheo đối với xúc thực nên quán như thế. Khi quán như thế thì xúc thực được đoạn, được biết. Người đã đoạn đã biết xúc thực, thì ba thọ ắt sẽ đoạn trừ. Ba thọ đã được đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn bằng ý chí như thế nào? Ví như ven làng xóm hay thành ấp bốc lửa, nhưng không có khói, không có ngọn lửa. Bấy giờ có người thông minh, có trí tuệ, xả bỏ khổ, hướng đến an vui, chán chết, thích sống, liền nghĩ như vầy: ‘Nơi kia có lửa lớn, nhưng không khói, không ngọn, người đi qua phải tránh, chớ để bị lạc vào trong đó, chắc chắn sẽ chết, không nghi gì nữa.’ Suy nghĩ như vậy rồi người này thường mong ước phải bỏ đi xa. Quán ý tư thực cũng như vậy. Người nào quán như vậy thì ý tư thực được đoạn; người trừ được ý tư thực thì ba ái chắc chắn sẽ dứt. Ba ái đã đoạn trừ, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.

“Tỳ-kheo quán sát thức ăn của thức như thế nào? Ví như quốc vương có quân lính tuần phòng bắt được trộm cướp, trói lại đem đến chỗ nhà vua. (Như trong kinh Tu-thâm đã nói ở trước). Vì nhân duyên này nên phải chịu ba trăm mũi giáo, bị đau đớn khổ sở suốt ngày đêm. Quán sát thức thực cũng lại như vậy. Người nào quán như vậy thì thức thực được đoạn, được biết. Thức thực đã đoạn, đã biết rồi thì danh sắc sẽ được đoạn, được biết. Danh sắc đã đoạn, đã biết, đa văn Thánh đệ tử không còn điều gì cần phải làm thêm nữa, vì những việc cần làm đã làm xong.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 374. HỮU THAM (1)[29]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích cho chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời. Những gì là bốn? Đó, một là thức ăn thô từng nắm; hai là thức ăn tế bằng xúc chạm; ba là thức ăn bằng ý chí; bốn là thức ăn của thức. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn cách ăn này mà có hỷ, có tham thì thức ăn sẽ trụ và tăng trưởng. Do thức trụ và tăng trưởng nó nên nhập vào danh sắc[30]. Vì nó nhập vào danh sắc nên các hành tăng trưởng. Vì hành tăng trưởng nên hữu đời sau sẽ tăng trưởng. Vì hữu đời sau tăng trưởng nên tụ tập sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não và tụ tập thuần một khối khổ lớn.

“Nếu đối với bốn loại thức ăn mà không tham, không hỷ thì vì không tham không hỷ nên thức ăn không trụ, không tăng trưởng; vì thức ăn không trụ, không tăng trưởng nên nó không nhập vào danh sắc; vì không nhập vào danh sắc nên hành không tăng trưởng; vì hành không tăng trưởng nên hữu đời sau không sanh, không lớn; vì hữu đời sau không sanh không lớn nên không khởi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai và thuần một khối khổ đã tụ tập sẽ diệt.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 375. HỮU THAM (2)[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bốn loại thức ăn giúp ích chúng sanh, khiến được nuôi lớn và sống còn ở đời, đó là: một đoàn thực, hai là xúc thực, ba là ý tư thực, bốn là thức thực. Nếu các Tỳ-kheo nào đối với bốn loại thức ăn này mà có tham, có hỷ, thì ắt phải có ưu bi, có trần cấu. Nếu đối với bốn loại thức ăn này mà không tham, không hỷ, thì ắt không có ưu bi, cũng không có trần cấu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567