Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 39 (1081 - 1091)

08/05/201320:08(Xem: 12146)
Tạp A-hàm quyển 39 (1081 - 1091)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 39 (1081 - 1091)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1081. KHỔ CHÚNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở vườn Lộc dã, tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành Ba-la-nại khất thực. Lúc ấy, cũng có Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành khất thực, đứng dưới gốc cây bên đường, vì nương vào ác tham[2] nên sanh giác tưởng bất thiện[3]. Thế Tôn thấy Tỳ-kheo đứng dưới bóng cây, sống bằng vị ác tham nên sanh giác tưởng bất thiện, bảo rằng:

“Này Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Chớ gieo trồng hạt giống đắng[4], để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra. Nếu Tỳ-kheo nào gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra, mà muốn cho ruồi nhặng không tranh nhau bu lại, thì điều đó không thể có được.”

Lúc ấy Tỳ-kheo kia tự nghĩ: “Thế Tôn đã biết được niệm ác trong tâm ta.” Chợt lòng cảm thấy sợ hãi, toàn thân lông dựng đứng.

Bấy giờ, sau khi Thế Tôn vào thành khất thực, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân, rồi vào phòng tọa thiền. Chiều hôm ấy, từ thiền tịnh dậy, Ngài vào trong Tăng, trải tòa ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:

“Sáng nay, Ta đắp y, ôm bát vào thành khất thực, thấy một Tỳ-kheo đứng dưới bóng cây, nương vào ác tham dục, phát sanh giác tưởng bất thiện. Khi Ta thấy vậy liền bảo rằng: ‘Tỳ-kheo! Tỳ-kheo! Chớ gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra. Nếu Tỳ-kheo nào gieo trồng hạt giống đắng, để rồi xông lên mùi thối, nước rỉ chảy ra, mà muốn cho ruồi nhặng không tranh nhau bu lại, thì điều đó không thể có được.’ Lúc đó, Tỳ-kheo kia liền tự nghĩ: ‘Phật đã biết được niệm của ta.’ Lòng cảm thấy hổ thẹn, sợ hãi đến nỗi lông dựng cả lên, rồi theo đường mà đi.”

Khi ấy, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dạy, sửa lại y phục, bày áo vai bên hữu, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là hạt giống đắng? Thế nào là sanh hôi thối? Thế nào là nước rỉ chảy? Thế nào là ruồi nhặng?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Phẫn nộ, phiền oán gọi là hạt giống đắng. Công đức ngũ dục gọi là sanh hôi thối. Đối với lục xúc nhập xứ không nhiếp luật nghi gọi là chất nước rỉ chảy. Và khi đã không nhiếp xúc nhập xứ, thì các tâm ác bất thiện, tham ưu tranh nhau sanh ra, đó gọi là ruồi nhặng[5].”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Tai mắt không phòng hộ,
Tham dục theo đó sanh;
Đó gọi là giống đắng,
Hôi thối, nước rỉ chảy.
Khí vị các giác quán,
Do nếm ác tham dục.
Nơi xóm làng, chỗ vắng,
Đối với ngày hoặc đêm,
Viễn ly, tu phạm hạnh,
Cứu cánh biên tế khổ.
Nếu nội tâm tịch tĩnh,
Quyết định biết chân thật.
Thức ngu thường an lạc,
Ruồi nhặng bị tận diệt.
Thân cận bậc Chánh sĩ,
Khéo nói đường Hiền thánh;
Biết rõ bát Chánh đạo,
Không tái sanh thân sau.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1082. UNG NHỌT[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, sáng sớm Thế Tôn đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong Thế Tôn trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà tọa thiền.

Khi ấy có một Tỳ-kheo cũng sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà nhập chánh thọ ban ngày[7], dưới một bóng cây. Khi Tỳ-kheo này nhập chánh thọ ban ngày, vì nương vào tâm nếm vị tham dục nên khởi lên giác tưởng bất thiện. Khi ấy có Thiên thần đang ở tại rừng An-đà tự nghĩ: “Tỳ-kheo này, thật không tốt đẹp, không thích hợp, ngồi thiền ở trong rừng An-đà mà tâm nếm vị ác tham, khởi lên giác tưởng bất thiện. Ta nên đến quở trách.” Nghĩ xong liền nói với Tỳ-kheo:

“Tỳ-kheo! Tỳ-kheo, đang nổi nhọt, bướu phải không?”

Tỳ-kheo đáp:

“Sẽ trị cho khỏi.”

Thiên thần bảo Tỳ-kheo:

“Bệnh ung nhọt như cái vạc sắt, làm sao có thể bình phục được?”

Tỳ-kheo bảo:

“Chánh niệm, chánh trí đủ có thể bình phục.”

Thiên thần bạch rằng:

“Tốt thay! Hay thay! Đó là cách trị bệnh nhọt chân thật của Hiền thánh. Trị bệnh nhọt như vậy, cuối cùng có thể bớt, mà không bao giờ phát tác nữa.”

Chiều hôm ấy, Thế Tôn từ thiền tịnh dậy, trở về vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, vào trong Tăng, trải tòa ngồi trước đại chúng và bảo các Tỳ-kheo:

“Sáng sớm nay Ta đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực, khất thực xong trở về rừng An-đà tọa thiền, nhập chánh thọ ban ngày. Có một Tỳ-kheo cũng sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong trở về tinh xá, rửa chân rồi vào rừng An-đà nhập chánh thọ ban ngày, dưới một bóng cây. Khi Tỳ-kheo này nhập chánh thọ ban ngày, vì nương vào tâm nếm vị tham dục nên khởi lên giác tưởng ác bất thiện. Khi ấy có thiên thần đang ở tại rừng An-đà tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo này, thật không tốt đẹp, không thích hợp, ngồi thiền ở trong rừng An-đà mà tâm nếm vị ác tham, khởi lên giác tưởng bất thiện. Ta nên đến quở trách.” Nghĩ xong liền nói với Tỳ-kheo: ‘Tỳ-kheo! Tỳ-kheo, đang nổi nhọt, bướu phải không?’ Nói đầy đủ như trên… cho đếnnhư vậy Tỳ-kheo: ‘Tốt thay! Hay thay! Đó là cách trị bệnh nhọt chân thật của Hiền thánh.’”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Con người[8] nổi nhọt, bướu,
Tự sanh ra bệnh khổ;
Mong cầu dục thế gian,
Tâm nương vào ác tham.
Vì sanh ra nhọt bướu,
Ruồi nhặng tranh nhau đến.
Nhọt, bướu là tham cầu,
Ruồi nhặng là ác giác,
Cùng các tâm tham nếm,
Thảy đều từ ý sanh;
Đục khoét tâm con người,
Để cầu hoa danh lợi.
Lửa dục càng hừng hực,
Vọng tưởng giác bất thiện;
Thân tâm ngày đêm suy.
Xa lìa đạo tịch tĩnh,
Nếu nội tâm vắng lặng,
Trí quyết định sáng suốt;
Không còn nhọt bướu kia,
Thấy Phật, đường an ổn,
Vết tích Chánh sĩ theo,
Hiền thánh khéo tuyên nói,
Con đường trí sáng biết,
Không còn thọ các hữu.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1083. ĂN CỦ RỄ[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nơi giảng đường Trùng các, bên ao Di-hầu, tại nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ sáng sớm, có nhiều Tỳ-kheo đắp y, ôm bát, vào thành Tỳ-xá-ly khất thực. Khi đó, có một Tỳ-kheo tuổi trẻ, xuất gia chưa bao lâu, không rành Pháp luật, nên lúc khất thực không biết thứ tự trước sau; các Tỳ-kheo khác thấy vậy nói với vị ấy:

“Thầy tuổi còn trẻ, mới xuất gia, chưa biết Pháp luật: không được đi vượt qua, không được đi ngang hàng. Đi khất thực mà trước sau không theo thứ tự, trường kỳ sẽ chịu khổ, không bao giờ được lợi ích.”

Tỳ-kheo tuổi trẻ thưa:

“Các Thượng tọa cũng vượt thứ lớp, không theo trước sau, đâu phải chỉ một mình tôi.”

Đã ba lần như vậy, vẫn không thể làm cho vị ấy dừng lại. Các Tỳ-kheo đi khất thực xong, trở về tinh xá cất y bát, rửa chân xong, đến chỗ Phật đảnh lễ dưới chân Phật, ngồi lui ra một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, sáng sớm chúng con đắp y, ôm bát vào thành Tỳ-xá-ly khất thực, có một Tỳ-kheo tuổi trẻ xuất gia nơi Pháp luật này chưa bao lâu, khi đi khất thực không theo thứ tự trước sau, lại đi ngang hàng. Các Tỳ-kheo đã ba lần can gián nhưng vẫn không chịu, mà nói rằng: ‘Các Thượng tọa cũng không có thứ tự sao lại rầy tôi?’ Các Tỳ-kheo chúng con đã ba lần răn nhắc, vẫn không chịu nghe nên đến bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn vì thương xót mà dẹp trừ điều phi pháp.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Như trong đầm không, có hồ nước lớn, có một long tượng[10] to ở trong đó, nhổ những củ rễ, rửa sạch bùn đất sau đó ăn chúng. Ăn rồi thì thân thể mập mạp, sung sức và đầy hạnh phúc. Vì lý do này nên luôn sống lạc sướng. Có một con voi thuộc chủng tộc khác[11], hình thể gầy yếu, bắt chước long tượng kia, nhổ củ rễ, nhưng rửa không sạch, còn để lẫn bùn đất mà ăn. Ăn vào không tiêu, thân thể không mập mạp mà trở thành gầy yếu, vì vậy dẫn đến chỗ chết, hoặc khổ gần chết.

“Cũng vậy, Tỳ-kheo tôn túc, đức độ, học đạo lâu ngày, không ưa thích đùa giỡn, tu phạm hạnh đã lâu, được Đại Sư khen ngợi; cũng được các vị tu phạm hạnh trí khác lại càng khen ngợi hơn. Các Tỳ-kheo này nương nơi thành ấp, làng xóm; sáng sớm đắp y, ôm bát đi khất thực, khéo giữ gìn thân miệng, khéo nhiếp các căn, chuyên tâm cột niệm, có thể khiến người nào không tin phát lòng tin, người đã có lòng tin sẽ không biến đổi. Khi được tài lợi, y phục, đồ ăn, thức uống, giường nằm, thuốc men; vị ấy không nhiễm, không đắm, không tham, không ham, không mê, không theo đuổi; mà thấy được lỗi lầm, tai hại, thấy sự xuất ly chúng, sau đó mới dùng. Ăn xong, thân tâm đều đượm vẻ an lạc, sắc được tươi, sức được khỏe. Vì nhân duyên này Tỳ-kheo luôn luôn được an lạc.

“Tỳ-kheo tuổi trẻ kia xuất gia chưa được bao lâu, chưa quen rành Pháp luật, y theo các bậc Trưởng lão, nương vào nơi làng xóm. Khi đắp y, ôm bát vào thôn khất thực, mà không khéo hộ thân, không giữ gìn các căn, không chuyên cột niệm, không thể khiến cho người chưa tin phát lòng tin và người đã tin không thay đổi. Nếu được tài lợi, y phục, đồ ăn, thức uống, ngọa cụ, thuốc men; mà sanh nhiễm, đắm, tham lam, đeo đuổi, không thấy lỗi lầm, tai hại, không thấy sự thoát ly, vì tâm tham nếm thức ăn này, nên không thể làm cho thân lạc tươi, an ổn, sung sướng được. Vì ăn như vậy nên chuyển đến cái chết, hoặc khổ giống như chết. Nói là chết có nghĩa là xả giới, hoàn tục, mất Chánh pháp, Chánh luật. Khổ giống như chết nghĩa là phạm Chánh pháp luật, không biết tội tướng, không biết trừ tội.”

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:

Long tượng nhổ rễ sen,
Nước rửa sạch rồi ăn,
Voi giống khác bắt chước,
Ăn rễ dính lẫn bùn.
Vì ăn nhằm bùn đất,
Gầy yếu bệnh đến chết.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1084. TRƯỜNG THỌ[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở giữa bãi tha ma trong rừng Lạnh[13], thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Mệnh sống rất ngắn, chỉ thoáng đã trở thành đời sau. Hãy nên siêng tu tập pháp thiện, tu các phạm hạnh. Không có gì sanh mà không chết. Nhưng người thế gian không siêng năng, nỗ lực chuyên tu pháp thiện, tu hiền, tu nghĩa.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đang trú giữa nghĩa địa trong rừng Lạnh, thành Vương xá, vì các Thanh văn nói pháp như vậy. Mệnh sống con người rất ngắn,… cho đến không tu hiền, tu nghĩa. Nay ta nên đến làm nhiễu loạn.’

Ma Ba-tuần liền hóa thành một thiếu niên đến trước Phật, mà nói kệ:

Thường bức bách chúng sanh,
Được sống lâu cõi người.[14]
Mê say tâm phóng dật,
Cũng không đến chỗ chết.

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Đây là ác ma đến làm não loạn.’ Liền nói kệ:

Thường bức bách chúng sanh,
Mạng sống thật ngắn ngủi;
Nên tinh tấn cần tu,
Như cứu lửa cháy dầu.
Chớ lười dù chốc lát,
Khiến ma chết chợt đến.
Biết ngươi là ác ma,
Mau đi khỏi nơi đây.

Thiên ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1085. THỌ MẠNG[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở giữa nghĩa địa trong rừng Lạnh, tại thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Tất cả hành là vô thường, tất cả hành không thường hằng, bất an, là pháp biến dịch, không nghỉ ngơi[16],… cho đến hãy đình chỉ tất cả hành hữu vi, yểm ly, không ưa thích, giải thoát.”

Lúc ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Nay Sa-môn Cù-đàm đang trú trong rừng Lạnh, tại thành Vương xá, vì các Thanh văn nói pháp như vầy: ‘Tất cả hành là vô thường, không thường hằng, bất an, là pháp biến dịch, không nghỉ ngơi… cho đến nên đình chỉ tất cả hữu vi, yểm ly, không ưa thích, giải thoát.’ Ta sẽ đến đó làm nhiễu loạn.” Liền hóa ra một thiếu niên đi đến chỗ Phật, đứng trước Phật mà nói kệ:

Mạng sống trôi ngày đêm,
Không lúc nào cùng tận.[17]
Mạng sống đến rồi đi,
Giống như bánh xe lăn.

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Đó là ác ma muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Ngày đêm luôn đổi dời,
Mạng cũng theo đó giảm.
Mạng người tạm tiêu mất,
Giống như dòng nước nhỏ.
Ta biết ngươi ác ma,
Hãy tự tiêu mất đi.

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1086. MA TRÓI[18]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng ngồi ngay thẳng, chuyên tâm cột niệm thiền tư. Bây giờ, ta sẽ đến làm nhiễu loạn.’ Liền hóa ra một thiếu niên đứng trước Phật nói kệ:

Tâm ta ở giữa không,
Cầm dây dài buông xuống.[19]
Nhằm muốn trói Sa-môn,
Khiến ngươi không thoát được.

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Ta nói, ở thế gian,
Năm dục, ý thứ sáu;
Đối chúng đã lìa hẳn,
Tất cả khổ đã dứt.
Ta đã lìa dục kia,
Tâm ý thức cũng diệt.
Ba-tuần, Ta biết ngươi,
Mau đi khỏi nơi đây.

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1087. NGỦ NGHỈ[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, vào ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành. Đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, nằm nghiêng bên phải, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, tại thành Vương xá… cho đến nghĩ tưởng đến thức. Bây giờ, ta sẽ đến để gây trở ngại.’ Liền hóa thành một thiếu niên đứng trước mặt Phật mà nói kệ:

Ngủ sao, vì sao ngủ?
Đã diệt, sao còn ngủ?
Nhà trống, làm sao ngủ?
Ra được, sao lại ngủ?

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ đáp:

Vì lưới ái nên nhiễm,
Không ái, ai kéo đi?
Diệt tất cả hữu dư,
Chỉ Phật được ngủ yên.
Ngươi ác Ma Ba-tuần,
Nói những gì ở đây?

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1088. KINH HÀNH[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ vào ban đêm, trời mưa bụi, có tia chớp lóe lên. Thế Tôn ra khỏi phòng đi kinh hành.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Đêm tối, trời mưa bụi, tia chớp lóe lên, Sa-môn Cù-đàm ra khỏi phòng, đi kinh hành. Bấy giờ, ta sẽ đến gây trở ngại.’ Nó cầm một khối đá to, đùa giỡn trên hai tay, đến trước Phật bóp nát thành bụi nhỏ.

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Dù núi Kỳ-xà-quật,
Trước Ta, bị bóp nát;
Thì chư Phật giải thoát,
Cũng không động mảy lông.
Giả sử trong bốn biển,
Khiến tất cả núi non;
Và thân tộc phóng dật[22],
Khiến nát thành vi trần,
Cũng không làm lay động,
Một sợi tóc Như Lai.

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1089. ĐẠI LONG[23]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy đi kinh hành, cho đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm ở trước.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong núi Kỳ-xà-quật, tại thành Vương xá, ban đêm Thế Tôn dậy đi kinh hành cho đến cuối đêm, rửa chân, vào phòng, thân ngồi ngay thẳng, cột niệm ở trước. Bây giờ, ta sẽ đến để gây trở ngại.’ Liền hóa thành một con rồng to[24] quấn Phật bảy vòng, cất đầu đến trên đảnh Phật, thân như chiếc thuyền to, đầu như cái buồm lớn, mắt đỏ như lò đồng, lưỡi như điện chớp, hơi thở dữ dội như tiếng sấm. Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Giống như ngôi nhà trống,
Tâm Mâu-ni rỗng lặng;
Chuyển xoay ở trong đó,
Thân Phật cũng như vậy.
Vô lượng rồng hung ác,
Ruồi, muỗi, rệp, côn trùng;
Tụ lại ăn thân kia,
Cũng không động lông tóc.
Dù phá nát hư không,
Nghiêng úp cả đại địa;
Tất cả loài chúng sanh,
Đều đến gây kinh sợ.
Gươm, mâu, đao, tên bén,
Cũng đến hại thân Phật;
Mọi bạo hại như vậy,
Cũng không tổn mảy lông.

Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Trong lòng cảm thấy lo buồn liền biến mất.

KINH 1090. NGỦ YÊN[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ[26], thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy, nơi đất trống hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành đến cuối đêm, rửa chân, vào thất, nằm yên nghỉ, nghiêng hông bên phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức.

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở trong thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ, thành Vương xá. Bấy giờ, ban đêm, Thế Tôn dậy, nơi đất trống, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành đến cuối đêm, rửa chân, vào thất, nằm yên nghỉ, nghiêng hông bên phải sát đất, hai chân chồng lên nhau, cột niệm vào tướng ánh sáng, chánh niệm, chánh trí, nghĩ tưởng đến thức. Bây giờ, ta sẽ đến gây trở ngại.’ Ma Ba-tuần hóa ra một thiếu niên đến đứng trước Phật, mà nói kệ:

Nhân vì ta nên ngu?
Hay là vì đời sau?
Có nhiều tiền, của báu?
Cớ sao chọn ở rừng?
Một mình không bè bạn,
Mà mê đắm ngủ nghỉ?

Bấy giờ, Thế Tôn tự nghĩ: ‘Ác Ma Ba-tuần muốn làm nhiễu loạn.’ Liền nói kệ:

Không nhân ngươi nên ngủ,
Không phải vì đời sau,
Cũng không nhiều tiền của,
Chỉ gom báu vô ưu.
Vì thương xót thế gian,
Nên nằm nghiêng hông phải,
Thức cũng không nghi hoặc
Ngủ cũng không sợ hãi.
Hoặc ngày, hoặc lại đêm,
Không tăng cũng không giảm.
Vì thương chúng sanh ngủ,
Nên không có tổn giảm.
Dù dùng trăm mũi nhọn,
Xuyên thân, luôn khuấy động,
Vẫn được ngủ an ổn,
Vì lìa gươm bên trong.
Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.’ Liền hổ thẹn, lo buồn biến mất.

KINH 1091. CÙ-ĐỀ-CA[27]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở nơi thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ[28], thành Vương xá. Bấy giờ, có Tôn giả Cù-đề-ca[29]cũng ở thành Vương xá, trong hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân[30], một mình tư duy, tu hạnh không phóng dật, tự được nhiều lợi ích, tự chứng ngộ tâm giải thoát nhất thời[31], nhiều lần bị thoái chuyển. Lần thứ nhất, thứ hai, ba, bốn, năm, sáu, trở đi, trở lại; sau khi tự thân tác chứng tâm giải thoát nhất thời, chẳng bao lâu lại thoái chuyển.

Tôn giả Cù-đề-ca tự nghĩ: ‘Một mình ta ở chỗ vắng tư duy, hành không phóng dật, tinh tấn tu tập để tự được lợi ích, khi tự thân chứng ngộ tâm giải thoát nhất thời, mà nhiều lần lại còn thoái chuyển, cho đến sáu lần vẫn còn thoái chuyển lại. Bây giờ, ta nên dùng đao tự sát chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy.’

Khi ấy, Ma Ba-tuần tự nghĩ: “Hiện tại Sa-môn Cù-đàm đang ở nơi thất đá, núi Tỳ-bà-la trong rừng Thất diệp thọ, tại thành Vương xá, có đêï tử là Cù-đề-ca cũng ở thành Vương xá, trong hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, khi tự thân tác chứng tâm giải thoát nhất thời, qua sáu lần thoái chuyển. Ông tự nghĩ: ‘Ta đã qua sáu lần phản thoái mới trở lại được, chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy. Ta hãy dùng đao tự sát chớ để cho thoái chuyển lần thứ bảy.’ Nếu Tỳ-kheo kia dùng đao tự sát, ta chớ để tự sát, mà ra khỏi cảnh giới của ta. Bây giờ ta nên đến bảo Đại Sư ông ấy.”

Bấy giờ, Ma Ba-tuần cầm đàn tỳ bà bằng lưu ly, đến chỗ Thế Tôn, vừa khảy đàn vừa nói kệ:

Đại trí đại phương tiện,
Tự tại thần lực lớn,
Được đệ tử sáng chói,
Mà nay muốn chết đi.
Đại Mâu-ni nên ngăn,
Chớ để ông tự sát.
Sao để đệ tử Phật,
Theo học Chánh pháp luật,
Học nhưng không chứng đắc,
Chỉ muốn chết cho xong?
Ma Ba-tuần nói kệ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Ba-tuần, giống phóng dật,
Vì việc mình nên đến,
Bậc đã được kiên cố,
Thường trụ diệu thiền định.
Ngày đêm chuyên tinh tấn,
Không nghĩ đến tánh mạng,
Thầy ba cõi đáng sợ,
Đoạn trừ ái dục kia.
Đã chiết phục quân ma,
Cù-đề Bát-niết-bàn.
Tâm Ba-tuần buồn lo,
Tỳ bà rơi xuống đất.
Lòng ôm ấp ưu sầu,
Liền biến mất không hiện.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông hãy cùng Ta đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, xem Tỳ-kheo Cù-đề-ca dùng đao tự sát.”

Thế Tôn cùng các Tỳ-kheo đến hang Đá đen bên sườn núi Tiên nhân, thấy Tỳ-kheo Cù-đề-ca đã tự sát nằm trên đất, bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thấy Tỳ-kheo Cù-đề-ca tự sát, thân thể nằm trên đất không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng Thế Tôn, đã thấy.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các ông có thấy chung quanh thân thể Tỳ-kheo Cù-đề-ca bốc khói đen đầy khắp bốn phía không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đã thấy.”

Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đó là ác Ma Ba-tuần ở bên thân thiện nam Cù-đề-ca, đang quanh quẩn tìm thần thức; nhưng Tỳ-kheo Cù-đề-ca với tâm vô trụ[32] mà cầm đao tự sát!”

Bấy giờ, Thế Tôn vì Tỳ-kheo Cù-đề-ca thọ ký lần đầu tiên.

Lúc ấy, Ma Ba-tuần nói kệ:

Trên dưới cùng các phương,
Tìm khắp thần thức kia,
Đều không thấy nơi này,
Cù-đề-ca để đâu?
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ:
Bậc kiên cố như vậy,
Không thể tìm ở đâu.
Nhổ sạch gốc ân ái,
Cù-đề Bát-niết-bàn.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567