Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 34 (940 - 949)

08/05/201319:09(Xem: 13008)
Tạp A-hàm quyển 34 (940 - 949)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 34 (940 - 949)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 940. THẢO MỘC[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ[2] sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ[3] của khổ. Các Tỳ-kheo, ý các ông nghĩ thế nào? Tất cả loại cỏ cây trên mặt đất này, nếu xẻ ra làm thẻ bằng bốn ngón tay dùng để đếm cha mẹ của các ông đã trải qua sanh tử luân hồi, thì số thẻ tre đã hết, nhưng số cha mẹ các ông vẫn còn không hết.

“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo hãy học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 941. THỔ HOÀN LIỆP[4]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Thế nào, các Tỳ-kheo? Nếu đem hết bùn đất nơi đại địa này vo lại thành viên như trái bà-la[5] để đếm cha mẹ của các ông đã trải qua sanh tử luân hồi, thì số viên đất đã hết, nhưng số cha mẹ các ông vẫn còn không hết.

“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.



KINH 942. AN LẠC[6]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, các ông thấy các chúng sanh hưởng thụ khoái lạc an ổn, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng ta mãi mãi ở trong sanh tử luân hồi, cũng đã từng hưởng thụ khoái lạc kia, thú vui kia vô lượng.’

“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 943. KHỔ NÃO[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, nếu thấy các chúng sanh chịu các khổ não, thì nên nghĩ rằng: ‘Ta từ vô thỉ sanh tử luân hồi mãi cho đến nay, cũng đã từng chịu khổ như vậy, đến số vô lượng.’

“Này các Tỳ-kheo, từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi như vậy, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo nên học như vầy: ‘Hãy siêng năng tinh tấn, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 944. KHỦNG BỐ[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Này các Tỳ-kheo, các ông thấy các chúng sanh mà sanh lòng sợ hãi, dựng đứng chân lông; nên nghĩ rằng: ‘Quá khứ chúng ta chắc chắn đã từng sát sanh, đã từng làm tổn thương, đã từng làm hại, đã từng làm ác tri thức, mãi mãi ở trong sanh tử luân hồi vô thủy, không biết biên tế tối sơ của khổ.’

“Các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Hãy đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 945. ÁI NIỆM[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử luân chuyển mãi, mà không biết biên tế tối sơ của khổ. Các Tỳ-kheo, nếu thấy chúng sanh mà khởi ái niệm hoan hỷ, thì nên nghĩ rằng: ‘Chúng sanh như vậy, trong đời quá khứ chắc chắn đã từng là cha mẹ, anh em, vợ con, quyến thuộc, thầy bạn, tri thức của chúng ta, cứ mãi mãi luân chuyển sanh tử như vậy, không biết biên tế tối sơ của khổ. Cho nên các Tỳ-kheo, nên học như vầy: Hãy nỗ lực tinh cần, đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành

KINH 946. HẰNG HÀ[10]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Ba-la-môn đến chỗ Phật, cung kính thăm hỏi, sau khi chào hỏi xong ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Thưa Cù-đàm, đời vị lai sẽ có bao nhiêu Đức Phật?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Phật đời vị lai có vô lượng như số cát sông Hằng.”

Bấy giờ, Bà-la-môn nghĩ rằng:

“Các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác đời vị lai sẽ có vô lượng như số cát sông Hằng, ta sẽ theo các Ngài tu phạm hạnh.”

Bà-la-môn sau khi đã nghe những gì Đức Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về. Trên đường về, Ba-la-môn vừa đi vừa nghĩ: “Hôm nay ta chỉ hỏi Sa-môn Cù-đàm về chư Phật đời vị lai chứ chưa hỏi chư Phật quá khứ.” Liền trở lại hỏi Thế Tôn:

“Thế nào Cù-đàm, đời quá khứ có bao nhiêu Đức Phật?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Phật đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng.”

Lúc ấy Bà-la-môn liền nghĩ: “Chư Phật Thế Tôn trong đời quá khứ cũng có vô lượng như số cát sông Hằng, mà ta chưa từng thân cận. Giả sử vô lượng các Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác trong đời vị lai như số cát sông Hằng, cũng sẽ không thân cận vui vầy, thì trong hiện tại ta nên ở chỗ Sa-môn Cù-đàm tu hành phạm hạnh.” Nhân đó chắp tay bạch Phật:

“Nguyện xin Thế Tôn cho phép con xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh pháp luật.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Chấp thuận cho ông xuất gia tu phạm hạnh, được làm Tỳ-kheo trong Chánh pháp luật.”

Bấy giờ, Bà-la-môn liền được xuất gia thọ cụ túc, sau khi xuất gia một mình ở nơi thanh vắng tư duy về nguyên nhân làm cho người thiện nam, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,... cho đến đắc A-la-hán.

KINH 947. LỤY CỐT[11]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở núi Tỳ-phú-la, thành Vương xá[12]. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có một người[13], ở trong một kiếp sanh tử luân hồi, xương trắng chồng chất không bị mục nát, như núi Tỳ-phú-la. Nếu vị Thánh đệ tử nào biết như thật về Thánh đế khổ này, biết như thật về sự tập khởi của khổ này, biết như thật về sự diệt tận của khổ này, biết như thật về con đường đưa đến sự diệt khổ này; sau khi vị ấy biết như vậy, thấy như vậy, tất đoạn trừ ba kết: thân kiến, giới thủ và nghi. Khi đoạn trừ được ba kết này, đắc Tu-đà-hoàn, không rơi vào pháp đường ác, quyết định hướng thẳng Chánh giác, chỉ còn bảy lần qua lại Trời, Người, cứu cánh thoát khổ.”

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Một người, trong một kiếp,
Chồng chất xương cốt khô;
Để lâu không mục nát,
Như núi Tỳ-phú-la.
Nếu các Thánh đệ tử,
Chánh trí thấy chân đế;
Khổ cùng nguyên nhân khổ,
Lìa khổ được tịch diệt.
Tu tập tám con đường,
Hướng thẳng đến Niết-bàn;
Chỉ còn trải bảy lần,
Qua lại sanh trời người.
Sạch hết tất cả kết,
Giải thoát bờ mé khổ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 948. THÀNH TRÌ[14]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:

“Bach Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ta có thể vì ông mà nói, nhưng ông khó mà biết được!”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Ngài có thể nói thí dụ không?”

Phật bảo:

“Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như thành trì bằng sắt, vuông vức một do-tuần, từ trên xuống dưới cũng như vậy, bên trong đầy hạt cải. Cứ một trăm năm có người lấy một hạt cải. Số hạt cải kia có thể hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Cũng vậy Tỳ-kheo, kiếp kia dài lâu như vậy. Kiếp dài cả trăm, ngàn, vạn, ức khổ lớn nối tiếp nhau, mà xương trắng chất thành gò, máu mủ chảy thành sông, trong các đường ác địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ. Tỳ-kheo, đó gọi là từ vô thỉ sanh tử mãi luân hồi, không biết nguồn gốc khổ. Cho nên Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 949. NÚI[15]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, tại nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Chúng sanh từ vô thỉ sanh tử, mãi luân chuyển, không biết biên tế tối sơ của khổ.”

Bấy giờ, có một Tỳ-kheo từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai phải, đảnh lễ Đức Phật, quỳ gối sát đất, chắp tay bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, kiếp dài lâu như thế nào?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ta có thể vì ông mà nói, nhưng ông khó biết được!”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Ngài có thể nói thí dụ không?”

Phật bảo:

“Có thể nói. Này Tỳ-kheo, thí như núi đá lớn không bị vỡ, không bị lở sụt, vuông vức một do-tuần. Nếu có người nào dùng mảnh lụa ca-thi kiếp-bối[16], cứ một trăm năm phủi qua một lần; phủi không ngừng nghỉ. Núi đá mòn hết, nhưng kiếp vẫn còn chưa hết. Này Tỳ-kheo, kiếp kia dài lâu như vậy, cả đến trăm, ngàn, vạn, ức kiếp chịu các khổ não... cho đến các Tỳ-kheo, nên học như vầy: ‘Đoạn trừ các hữu, chớ cho tăng trưởng.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567