Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 91: Kinh Lăng Già giải nghĩa (hết)

16/07/202007:43(Xem: 3062)
Bài 91: Kinh Lăng Già giải nghĩa (hết)

KINH LĂNG GIÀ

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

MỤC 8:

VẤN ĐỀ ĂN THỊT:

 

     Khi ấy, Đại Huệ Bồ Tát dùng kệ nói rằng:

Các bậc Bồ Tát kia,
Lập chí cầu Phật Đạo.
Rượu thịt và ngũ tân,
Ăn uống như thế nào?
Cúi xin Phật thương xót,
Vì đại chúng giải thích.
Do phàm phu tham dục,
Ham ăn đồ hôi thúi.
Sở thích như cọp sói,
Đồ gì mới nên ăn?
Ăn thứ nào có lỗi?
Cúi xin vì con nói.
Người ăn hoặc không ăn,
Có những tội phước gì?

     Đại Huệ Bồ Tát thuyết kệ xong, lại bạch Phật rằng:

- Cúi xin Thế Tôn vì chúng con nói công đức và tội lỗi của người ăn thịt và không ăn thịt. Con và các Bồ Tát nơi hiện tại vị lai sẽ vì những chúng sanh ham thích ăn thịt phân biệt thuyết pháp, khiến họ hướng về từ tâm. Đắc Từ Tâm rồi, đối với các Trụ Địa phiền não, thanh tịnh thấu hiểu, chóng đắc Cứu Cánh Vô Thượng Bồ Đề. Thanh Văn, Duyên Giác nơi Địa tự chứng ngưng nghĩ đã rồi, cũng được tiến lên mau thành Vô Thượng Bồ Đề. Bọn ngoại đạo tác ác lập luận, chấp kiến đoạn thường, điên đảo so đo, còn có Pháp Giá (như Giá Giới của Phật) không cho ăn thịt, huống là Như Lai thành tựu chánh pháp, cứu hộ thế gian mà ăn thịt ư?

     Phật bảo Đại Huệ:

- Lành thay, lành thay! Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

     Đại Huệ Bồ Tát bạch Phật rằng:

- Cúi xin thọ giáo.

     Phật bảo Đại Huệ:

- Có vô lượng nhân duyên chẳng nên ăn thịt, nay Ta sẽ vì ông sơ lược giải thích. Tất cả chúng sanh từ xưa đến nay, lần lượt theo nhân duyên làm lục thân quyến thuộc với nhau, suy nghĩ thịt này là người thân kiếp trước của mình, do đó không nên ăn thịt.

- Thịt lừa, la, lạc đà, chồn, chó, trâu, ngựa, người, thú v.v... vì nhiều hàng thịt bán lẫn lộn, do đó không nên ăn thịt.

- Như thợ săn, đồ tể, cầm thú ngửi mùi họ liền sanh kinh sợ, chó thấy oán ghét sủa vang, do đó không nên ăn thịt.

- Vì khiến người tu hành chẳng sanh khởi từ tâm, do đó không nên ăn thịt. Phàm phu ham thích hôi thúi bất tịnh, có tiếng tăm xấu xa, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người trì chú chẳng thành tựu, do đó không nên ăn thịt.

- Vì người sát sanh thấy hình súc sinh khởi thức phân biệt, ham đắm mùi vị, do đó không nên ăn thịt. Kẻ ăn thịt bị chư Thiên chê bỏ, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến miệng hôi hám, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người có nhiều ác mộng, do đó không nên ăn thịt.

- Vì đến chỗ rừng hoang vắng lặng, cọp sói ngửi được mùi hương gây sự nguy hiểm, do đó không nên ăn thịt. Vì làm cho ăn uống thất thường, do đó không nên ăn thịt. Vì khiến người tu hành chẳng sanh chán lìa, do đó không nên ăn thịt. Ta thường nói rằng: Khi muốn ăn uống, nên nghĩ đây là thịt của con mình hoặc nghĩ là thuốc độc, do đó không nên ăn thịt. Cho Phật tử ăn thịt là không có chỗ đúng.

- Lại nữa, Đại Huệ! Xưa kia có vua tên Sư Tử Đô Đà Ta, ăn đủ thứ thịt, dần dần cho đến ăn thịt người, dân chúng chịu không nổi, tụ tập mưu phản, vua liền bị lật đổ, người ăn thịt có lỗi như thế, do đó không nên ăn thịt.

- Lại nữa, Đại Huệ! Những người sát sanh vì ham tài lợi mà sát sanh buôn bán cá thịt, bọn ngu si ăn thịt chúng sanh, dùng tiền làm lưới mà bắt lấy các thứ thịt. Người sát sanh ăn thịt, hoặc dùng tài vật, hoặc dùng câu lưới bắt lấy những chúng sanh bay trên trời, lội dưới nước và đi trên bờ, đủ thứ giết hại, mua bán cầu lợi, gieo nhân chịu quả, sẽ thọ ác báo. Đại Huệ! Ta dạy Phật tử nên dùng Pháp thực, không dạy ăn thịt, cho đến không mong cầu, không nghĩ tưởng đến những cá thịt, do nghĩa này không nên ăn thịt.

- Đại Huệ! Ta có khi phương tiện nói Giá Pháp (1), cho ăn năm thứ tịnh nhục (2) hoặc là mười thứ, nay ở Kinh này xóa bỏ tất cả phương tiện, bất cứ lúc nào, chủng loại nào, phàm thuộc loài thịt chúng sanh, thảy đều đoạn đứt. Đại Huệ! Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác còn chẳng ăn phi thời và tạp thực, huống là ăn cá thịt ư? Tự không ăn cũng chẳng bảo người khác ăn. Dùng tâm Đại bi dẫn đầu, xem tất cả chúng sanh như con một của mình, do đó chẳng ăn thịt con.

     Khi ấy, Thế Tôn lặp lại nghĩa này mà thuyết kệ rằng:

1. Tất cả thịt chúng sanh,
Xưa kia là quyến thuộc.
Hoặc hôi thúi hỗn tạp,
Sanh trưởng nơi bất tịnh.

2. Hoặc ngửi mùi kinh sợ,
Uống rượu với giết hại,
Và Ngũ tân (3) vân vân,
Tu hành nên xa lìa.
3. Rượu thịt sanh buông lung,
Buông lung sanh mê đắm.
Mê đắm sanh tham dục,
Do đó không nên ăn.
4. Do ăn sanh tham dục,
Tham dục khiến tâm mê.
Say mê nuôi ái dục,
Sinh tử chẳng giải thoát.
5. Vì lợi giết chúng sanh,
Dùng tài bắt cá thịt.
Hai thứ gây ác nghiệp,
Chết đọa ngục Kêu La.
6. Ta thường dạy Phật tử,
Nên dùng những pháp thực.
Chẳng dạy ăn chúng sanh,
Chẳng vô nhân tự có.
7. Ăn thịt gây thù oán,
Do đó không nên ăn.
Giết hại, ăn chúng sanh,
Người tu nên xa lìa.
8. Mười phương chư Như Lai,
Đều quở trách việc này.
Nếu người tin nhân quả,
Chớ ăn nuốt lẫn nhau.
9. Chết đọa loài cọp sói,
Thọ sanh thường ngu si.
Đồ tể và thợ săn,
Khiến cầm thú kinh sợ.
10. Ắt phải chịu ác quả,
Có tánh ham ăn thịt,
Phải đọa loài súc sinh,
Cũng như mèo chồn kia.
11. Trong các Kinh Đại Thừa,
Như Phược Tượng, Đại Vân.
Cho đến Kinh Niết Bàn,
Và Kinh Lăng Già này
12. Ta đều khuyến người tu,
Nên đoạn dứt ăn thịt.
Bồ Tát và Thanh Văn,
Chư Phật đều quở trách.
13. Người giết hại ăn thịt,
Ăn thịt chẳng hổ thẹn.
Đời đời thường ngu dốt,
Trước nói kiến văn nghi.
14. Đã dứt tất cả thịt,
Người vọng tưởng chẳng biết.
Thọ sanh loài ăn thịt,
Do lỗi họ tham dục.
15. Chướng ngại sự giải thoát.
Rượu thịt và ngũ tân,
Thảy đều chướng Thánh đạo.
Chúng sanh đời vị lai,
16. Ngu si mới ăn thịt.
Hoặc có người chấp trước,
Ăn tịnh nhục vô tội,
Vì Phật đã cho ăn.
17. Họ lại quên lời Phật,
Ghi trong nhiều kinh điển.
Có lời nói như thế:
Ăn thịt như ăn con.
18. Cũng như uống thuốc độc.
Khiến người tu chán lìa.
Thường theo hạnh khất thực,
An trụ nơi từ tâm.
19. Những ác thú cọp sói,
Có thể cùng dạo chơi.
Nếu ăn loài máu thịt,
Chúng sanh đều kinh sợ.
20. Cho nên người tu hành,
Từ tâm chẳng ăn thịt.
Ăn thịt mất trí huệ,
Trái hẳn chánh giải thoát.
21. Nghịch tướng mạo bậc Thánh,
Do đó không nên ăn.
"Được sanh dòng Phạm Chí,
Và các chỗ tu hành,
Nhà giàu sang trí huệ,
Đều do chẳng ăn thịt".
Là lời ta thường thuyết.

 

GIẢI NGHĨA:

(1) Giá Pháp:Là Giới luật, gồm: Khai: Là khai báo, Giá: Là có sự hợp lý, Trì (Chỉ trì): Là giữ giới, Phạm (Tác trì): Là cần làm mà không làm là phạm giới.

(2) 5 THỨ TỊNH NHỤC:Tự chết, chẳng nghe bị giết, chẳng thấy bị giết, chẳng vì mình bị giết, cầm thú ăn còn dư.

(3) Ngũ tân: Là ngũ vị tân, là năm thứ có chất kích dục là Hành, Hẹ, Tỏi, Nén (kiệu), Cừ.

 

     Mở đầu Mục 8 Quyển 4, Bồ Tát Đại Huệ nói kệ đại ý thỉnh Phật giảng về người lập chí cầu đạo đối với việc ăn thịt và Ngũ vị tân như thế nào, và tội báo ra sao?

     Đức Phật giảng đại ý rằng: Có vô lượng nhân duyên chẳng nên ăn thịt, tất cả chúng sinh từ vô lượng kiếp xưa đến nay, lần lượt theo nhân duyên làm sáu thân luân chuyển trong sáu cõi làm quyến thuộc với nhau. Hãy suy nghĩ thịt này là người thân trong những kiếp trước của mình, do đó không nên ăn thịt.

- Không nên giết hại để ăn thịt các loài như Lừa, La, Lạc đà, Chồn, Chó, Trâu, Ngựa, Bò, Dê, Lợn, v.v... và tất cả Cầm Thú, vì khi chúng thấy hoặc ngửi mùi những người thợ săn đồ tể, liền sinh kinh hãi khiếp sợ, Chó thấy oán ghét sủa vang. Ăn thịt chúng sinh khiến người tu hành chẳng sinh khởi lòng từ bi và khiến người trì chú chẳng hiệu nghiệm, do đó không nên ăn thịt.

- Người sát sinh thấy hình hài súc sinh khởi ham đắm mùi vị, ăn rồi khiến miệng hôi tanh, khiến có nhiều ác mộng khi ngủ; kẻ ăn thịt bị chư Thiên chê bỏ lánh xa, khi đến chỗ rừng hoang vắng lặng, cọp sói thú d ngửi được mùi gây sự nguy hiểm tính mạng. Đức Phật thường nói rằng: Khi muốn ăn uống sinh vật, nên nghĩ đây là thịt của con mình hoặc nghĩ là thuốc độc, do đó cho Phật tử ăn thịt là không đúng.

- Lại nữa, xưa kia có vua tên Sư Tử Đô Đà Ta, ăn đủ thứ thịt, dần dần cho đến ăn thịt Người, dân chúng chịu không nổi, tụ tập phản lại vua liền bị lật đổ, người ăn thịt có lỗi như thế, do đó không nên ăn thịt.

- Lại nữa, những người ham tài lợi mà sát sinh buôn bán cá thịt, dùng tiền mua, làm bẫy săn bắn, hoặc dùng câu lưới bắt những chúng sinh bay trên trời, lội dưới nước và đi trên đất, làm đủ thứ để giết hại, sẽ bị nhận nghiệp qủa báo khổ. Ngài dạy Phật tử nên dùng thực vật, không nên ăn thịt cá.

- Đức Phật ít khi nói Giá Pháp mà chỉ nói lúc ban đầu cho ăn năm thứ thịt cá từ: tự chết, chẳng nghe bị giết, chẳng thấy bị sát hại, chẳng vì mình mà bị giết, cầm thú ăn còn dư (5 thứ tịnh nhục) là do thói quen ăn thịt cá chưa bỏ ngay được. Nhưng về sau ở những Kinh khác và Kinh này Ngài xóa bỏ tất cả phương tiện đó, bất cứ lúc nào chủng loại nào, phàm thuộc loại thịt chúng sinh thảy đều đoạn đứt. Ngài bảo: “Hãy tự không ăn thịt cá, cũng chẳng bảo người khác ăn thịt cá các loài, dùng tâm Đại bi dẫn đầu, xem tất cả chúng sinh như con một của mình, do đó chẳng ăn thịt con mình”.

     Đức Thế Tôn kết lại bằng kệ đại ý rằng: Tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc của nhau từ nhiều kiếp xưa kia. Thịt cá hôi tanh bất tịnh ghê sợ, người tu hành xa lìa ăn thịt cá, hành, hẹ, tỏi, kiệu, hưng cừ (ngũ vị tân) và rượu; vì sinh buông lung, mê đắm ái dục, khiến tâm mê nuôi, phải chịu sinh tử trầm luân.

     Vì lợi ích kỷ mà giết chúng sinh, dùng mưu bắt cá giết cầm thú gây nghiệp xấu, khi chết đọa vào Địa ngục Kêu La khổ sở trăm bề, chẳng phải không nhân mà tự có. Đức Phật thường dạy Phật tử nên dùng những rau củ qủa, Ngài chẳng dạy ăn chúng sinh; giết hại ăn thịt chúng sinh gây thù oán.

     Mười phương Chư Phật đều quở trách việc ăn thịt chúng sinh, người tin nhân quả chớ ăn nuốt lẫn nhau. Chết đọa loài cọp sói nhiều đời, khi tái sinh thành người ngu si; đồ tể và thợ săn khiến cầm thú kinh sợ, có tánh ham ăn thịt ắt chịu quả khổ, phải đọa loài súc sinh như mèo chồn cáo.

     Trong các Kinh như Phược Tượng, Đại Vân, Niết Bàn, Lăng Nghiêm, v.v… cho đến Kinh Lăng Già này, Phật đều khuyên người tu đoạn dứt ăn thịt. Bồ Tát, Thanh Văn và Chư Phật đều quở trách, đời đời thường ngu dốt, khi chết thọ sinh vào loài súc vật ăn thịt.
     Rượu thịt và ngũ vị tân thảy đều chướng ngại sự giải thoát, người ngu si ăn thịt, họ chấp trước ăn tịnh nhục vô tội vì Phật đã cho ăn. Họ quên lời Phật được ghi trong nhiều kinh điển rằng: “Ăn thịt như ăn con, như uống thuốc độc, khiến người tu xa lìa từ tâm, sẽ sinh vào những loài ác thú cọp sói…”.
     Nếu ăn loài máu thịt, chúng sinh đều kinh sợ; cho nên người tu hành từ tâm chẳng ăn thịt làm mất trí huệ, trái với chánh giải thoát, nghịch tướng mạo bậc Thánh, do đó không nên ăn thịt. Phật thường nói: "Được sinh dòng Phạm Chí và các chỗ tu hành, vào nhà giàu sang có học thức trí huệ, đều do chẳng ăn thịt".

 

     Đức Phật đã dạy đầy đủ cho phần không ăn thịt cá, người viết xin nêu lên các điểm lưu ý như sau:

 

1). Lý do con người giết sinh vật để ăn:

   Từ thuở tái lập địa do đại tai, loài người sinh ra đầu tiên, rồi các thứ nấm xuất hiện con người ăn nấm, sau đó các loại cây có hạt, tới cỏ cây xuất hiện, con người ăn hạt và cỏ cây. Tiếp sau, do tham sân si tạo nghiệp ác của con người sinh ra, các sinh vật muôn loài dần dần xuất hiện, và về sau con người ăn thịt cá là do:

1. Bắt chước các loài thú ăn thịt:

   Khi súc sinh xuất hiện trên trái đất, có những loài ăn thịt, con người thấy các loài ấy ăn nuốt các con vật khác, nên bắt chước ăn dần dần thành thói quen. Nhưng cấu trúc răng móng và bộ phận tiêu hóa của chúng đều khác với loài người và loài vật ăn hoa lá rau cỏ. Do đó không nên bắt chước ăn thịt.

2. Các thức ăn bằng thực vật khan hiếm:

   Khi các thức ăn bằng thực vật khan hiếm, không đủ cho con người ăn, nên đã ăn các loài động vật. Ngày nay với kỹ thuật trồng trọt tân tiến, có đủ các loại hạt rau củ qủa của thảo mộc đủ chất dinh dưỡng tốt cho sống thọ. Lại được Đức Phật khai thị đường ngay lẽ phải, được các nhà Khoa học thí nghiệm, phân tích lợi ích của ăn chay và tai hại của ăn thịt. Do đó không nên giữ thói quen ăn thịt.

3. Có cảm tưởng sai lầm về ăn uống:

   Nhiều người có thành kiến sai lầm tưởng rằng chỉ có thịt cá mới đủ chất đạm cho sức khỏe vì họ chưa biết ăn thịt gây tai hại và ăn chay có lợi cho sức khỏe; do đó chúng ta không nên giữ tà kiến ăn thịt.

 

2). Ăn chay thể hiện từ bi bình đẳng,

tránh nghiệp báo và tránh bệnh tật:

1. Ăn chay thể hiện từ bi bình đẳng:

    Nếu có bố thí làm lành thì đây là điều tốt mang lại phúc đức, nhưng lại ăn thịt chúng sinh là gây ác nghiệp, như thế lành ác đều có thì chẳng thể gọi là người từ bi bình đẳng. Do đó nên ăn chay.

2. Ăn chay tránh nghiệp báo:

   Ăn thịt nợ thịt, giết mạng đền mạng không thể tránh được ở kiếp sau, Đức Phật cũng dạy trong Kinh Lăng Nghiêm: “Hễ giết mạng phải trả mạng, tâm giết hại chẳng dứt trừ không thể nào ra khỏi khổ não được”. Do đó nên ăn chay.

3. Ăn chay tránh bệnh tật:

   Các nhà khoa học nghiên cứu chất dinh dưỡng đều đồng ý: Trong các chất thịt, tôm, cua v.v… là nguồn gốc gây ra bệnh như béo phì, cao mỡ, áp huyết cao, dị ứng, tim mạch, ung thư v.v… Khi ăn thịt các con vật bị bệnh (hoặc có vi khuẩn, ký sinh trùng nằm trong con vật), sẽ mang bệnh vào người; ngoài ra, lúc con vật bị giết thường kêu la phản đối, trong khi tức giận, nó tiết ra chất độc ở trong máu và các thớ thịt. Ăn thịt bị nhiễm độc hay con vật bị bệnh có thể phát bệnh sớm, hoặc khi đủ nhân duyên, bệnh sẽ tấn công một cơ quan, lúc ấy khó mà cứu chữa! Do đó nên ăn chay.

 

GIẢI NGHĨA KINH LĂNG GIÀ

HẾT

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567