Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 50 (1325 - 1335)

09/05/201312:20(Xem: 13356)
Tạp A-hàm quyển 50 (1325 - 1335)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 50 (1325 - 1335)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 1325. QUỶ ÁM[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có con trai của Ưu-bà-di[2] thọ trai tám chi[3], sau đó phạm giới, liền bị quỷ thần ám. Lúc ấy, Ưu-bà-di liền nói kệ:

Ngày mười bốn, mười lăm,
Mồng tám mỗi phần tháng[4];
Tháng điềm hiện thần thông[5],
Tám chi khéo chánh thọ.
Đối trai giới thọ trì,
Không bị quỷ thần ám.
Xưa tôi hỏi mấy lần,
Thế Tôn nói điều này.
Lúc ấy, Quỷ kia liền nói kệ:
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và mồng tám mỗi tháng;
Ứng tháng thần túc tốt,
Tu tám chi chánh thọ.
Sống trai giới thanh tịnh,
Khéo giữ gìn giới đức;
Không bị quỷ trêu đùa,
Lành thay, nghe từ Phật.
Theo những lời bà nói,
Ta sẽ thả con bà.
Ai có nghiệp hoãn mạn,[6]
Nhiễm ô hành khổ hạnh,
Phạm hạnh không thanh tịnh,
Trọn không được quả lớn.
Thí như nhổ cỏ may[7],
Nắm lỏng thì hại tay;
Sa-môn hành ác xúc,
Tất sẽ đọa địa ngục.
Thí như nhổ cỏ may,
Nắm chặt không hại tay;
Sa-môn khéo nhiếp trì,
Tất đến Bát-niết-bàn.

Khi ấy, Quỷ thần kia liền thả con Ưu-bà-di này ra. Bấy giờ, Ưu-bà-di nói kệ dạy con:

Nay con hãy nghe mẹ,
Nhắc lời quỷ thần nói.
Nếu có nghiệp hoãn mạn,
Nhiễm ô tu khổ hạnh,
Phạm hạnh không thanh tịnh,
Thì không được quả lớn.
Thí như nhổ cỏ may,
Nắm lỏng thì hại tay.
Sa-môn khởi ác xúc,
Tất sẽ đọa địa ngục;
Như nắm chặt cỏ gai,
Tất tay mình không hại.
Sa-môn khéo giữ gìn,
Tất đắc Bát-niết-bàn.

Khi ấy, con Ưu-bà-di tỉnh ngộ như vậy rồi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà, nhưng tâm không được vui, trở về nhà mình. Người mẹ từ xa thấy con liền nói kệ:

Lánh tục mà xuất gia,
Tại sao trở về làng?
Nhà cháy, của kéo ra,
Sao ném vào lửa lại?
Tỳ-kheo con Ưu-bà-di kia nói kệ đáp:
Chỉ nghĩ mẹ mạng chung,
Còn mất không gặp nhau;
Nên trở về thăm viếng,
Sao thấy con không vui?
Lúc ấy, người mẹ Ưu-bà-di nói kệ đáp:
Bỏ dục mà xuất gia,
Trở về muốn thụ hưởng;
Cho nên mẹ lo buồn,
Sợ bị Ma lung lạc.

Sau khi Ưu-bà-di đã giác ngộ con mình như vậy, như vậy rồi, người con trở lại chỗ thanh vắng, tinh cần tư duy, đoạn trừ tất cả phiền não kết buộc, chứng đắc quả A-la-hán.

KINH 1326. A-LẠP QUỶ[8]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Ma-kiệt-đề, du hành trong nhân gian, đến nghỉ đêm tại trú xứ của quỷ A-lạp[9]. Bấy giờ, quỷ A-lạp tập hội các quỷ thần. Lúc đó có quỷ Kiệt-đàm[10] thấy Thế Tôn nghỉ đêm tại trú xứ của quỷ A-lạp. Thấy vậy, đến chỗ quỷ A-lạp nói với quỷ A-lạp:

“Này thôn chủ, ông được lợi lớn. Như Lai đã nghỉ đêm tại trú xứ ông.”

Quỷ A-lạp nói:

“Hôm nay có người sống ở tại nhà tôi sao? Bây giờ phải làm cho rõ, là Như Lai hay chẳng phải là Như Lai.”

Sau khi, quỷ A-lạp cùng các quỷ thần tụ tập xong, trở lại nhà mình, nói với Đức Thế Tôn:

“Sa-môn, đi ra!”

Bấy giờ, Thế Tôn, vì là nhà người, liền ra khỏi nhà kia.

Quỷ A-lạp lại nói:

“Sa-môn, đi vào!”

Đức Phật liền vào lại, vì muốn diệt kiêu mạn kia. Diễn ra ba lần như vậy. Đến lần thứ tư, quỷ A-lạp lại nói với Thế Tôn:

“Sa-môn, đi ra.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói với quỷ A-lạp:

“Thôn chủ, đã ba lần mời rồi, bây giờ Ta không ra nữa.”

Quỷ A-lạp nói:

“Bây giờ, tôi hỏi Sa-môn. Sa-môn hãy trả lời tôi, làm cho tôi hoan hỷ thì tốt. Nếu không thể làm cho tôi hoan hỷ, tôi sẽ hủy hoại tâm của ông, làm vỡ ngực ông, làm cho máu nóng của ông từ đó vọt ra, nắm hai tay ông ném qua bờ bên kia sông Hằng.”

Thế Tôn bảo:

“Thôn chủ, Ta chưa từng thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên thần, Người đời nào mà có thể hủy hoại tâm Ta, làm vỡ ngực Ta, làm cho máu nóng của Ta từ đó vọt ra, nắm hai tay ném qua bên kia bờ sông Hằng. Song, thôn chủ, nay ông cứ hỏi, Ta sẽ vì ông mà nói, khiến cho tâm ông được hoan hỷ.”

Khi ấy, quỷ A-lạp nói kệ hỏi Phật:

Nói những gì gọi là,
Vật tối thắng của người[11]?
Thực hành những pháp gì,
Được quả báo an lạc?
Những gì là vị ngon?
Thọ mạng nào hơn cả[12]?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trong các vật của người,
Tịnh tín là tối thắng.
Hành pháp được quả vui.
Vị giải thoát tối thượng.
Trí tuệ trừ già, chết,
Là thọ mạng bậc nhất.
Khi ấy, quỷ A-lạp lại nói kệ:
Làm sao được nổi danh,
… Như kệ đã nói ở trên.[13]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Trì giới lừng danh tiếng,
… Như kệ đã nói ở trên.
Khi ấy, quỷ A-lạp nói kệ:
Mấy pháp khởi thế gian?
Mấy pháp tùy thuận nhau?
Đời mấy pháp chấp thủ?
Đời mấy pháp tổn giảm?[14]
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Đời sáu pháp nguyên khởi.
Sáu pháp tùy thuận nhau.
Đời sáu pháp chấp thủ.
Đời sáu pháp tổn giảm.
Khi ấy, quỷ A-lạp nói kệ hỏi Phật:
Ai hay qua các dòng,
Ngày đêm siêng phương tiện?
Không vin, không chỗ trụ,
Ai hay không đắm chìm?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tất cả giới đầy đủ,
Trí tuệ khéo chánh thọ.
Trong chánh niệm tư duy,
Hay qua dòng khó qua.
Không ưa nơi ngũ dục,
Cũng vượt qua sắc ái;
Không vin, không chỗ trụ,
Ấy không bị đắm chìm.
Khi ấy, quỷ A-lạp nói kệ hỏi Phật:
Dùng pháp gì qua dòng?
Làm sao qua biển lớn?
Làm sao xa lìa khổ?
Làm sao được thanh tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Dùng tín vượt qua dòng.
Không phóng dật qua biển.
Tinh tấn hay trừ khổ.
Nhờ tuệ được thanh tịnh.
Người nên hỏi điều khác,
Pháp Phạm chí, Sa-môn;
Pháp nào không sai lầm,
Chân đế, thí, điều phục[15].
Khi ấy, quỷ A-lạp lại nói kệ hỏi Phật:
Phiền gì hỏi chuyện khác,
Pháp Phạm chí, Sa-môn;
Tức nói người tối thắng,
Vì hiển đuốc pháp lớn.
Nơi Kiệt-đàm-ma[16] kia,
Thường phải báo ân này;
Bảo tôi: Đẳng Chánh Giác,
Bậc Vô Thượng Ngự Sư.
Tôi đi liền hôm nay,
Thôn nọ đến thôn kia;
Hầu hạ Đẳng Chánh Giác,
Để nghe Ngài nói pháp.

Sau khi, quỷ A-lạp nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ làm lễ, rồi ra về.

KINH 1327. THÚC-CA-LA[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Thúc-ca-la[18] ở trong chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua, được mọi người thành Vương xá cung kính cúng dường như A-la-hán.

Một hôm, nhân ngày cát tinh[19], dân chúng thành Vương xá tụ tập đại hội vui vẻ, nên ngày đó bỏ sót, không cúng dường. Lúc đó có một quỷ thần vì kính trọng Tỳ-kheo-ni ấy nên vào trong đường làng thành Vương xá, đến từng nhà nói kệ:

Nhân dân thành Vương xá,
Say sưa, ngủ mê mệt,
Không siêng cúng dường kia,
Tỳ-kheo-ni Thúc-ca.
Nhờ khéo tu các căn,
Tên gọi Thúc-ca-la;
Khéo nói pháp ly cấu,
Nơi Niết-bàn thanh lương.
Thuận nghe những lời ấy,
Suốt ngày vui không chán.
Nương trí tuệ nghe pháp,
Được qua dòng sanh tử.
Như thương nhân đi biển,
Nương vào sức Mã vương[20].

Khi ấy có một vị Ưu-bà-tắc đem y cúng Tỳ-kheo-ni Thúc-ca-la; lại có một vị Ưu-bà-tắc đem thức ăn cúng dường. Lúc ấy, vị quỷ thần kia liền nói kệ:

Ưu-bà-tắc trí tuệ,
Được phước lợi rất nhiều;
Cúng y Thúc-ca-la,
Nên lìa các phiền não.
Ưu-bà-tắc trí tuệ,
Được phước lợi rất nhiều;
Vì cúng ăn Ca-la,
Nên lìa sự tích tụ.

Sau khi vị quỷ thần kia nói kệ xong, liền biến mất.

KINH 1328. TỲ-LA[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo-ni Tỳ-la[22] ở trong chúng Tỳ-kheo-ni tại vườn vua, thành Vương xá. Nhân ngày cát tinh[23] dân chúng thành Vương xá tụ tập đại hội, nên ngày đó Tỳ-kheo-ni Tỳ-la không có người cúng dường. Lúc đó, có quỷ thần kính trọng Tỳ-kheo-ni Tỳ-la nên đi vào trong các đường làng hay đầu ngã tư đường, thành Vương xá, nói kệ:

Nhân dân thành Vương xá,
Say sưa ngủ mê mệt;
Tỳ-kheo-ni Tỳ-la,
Không người nào cúng dường.
Tỳ-kheo-ni Tỳ-la,
Dõng mãnh tu các căn;
Khéo nói pháp lìa cấu,
Pháp Niết-bàn thanh lương.
Tùy thuận điều được nói,
Suốt ngày vui không chán.
Nương trí tuệ nghe pháp,
Được qua dòng sanh tử.

Khi ấy, có một Ưu-bà-tắc đem y đến cúng Tỳ-kheo-ni Tỳ-la; lại có một Ưu-bà-tắc đem đồ ăn đến cúng dường. Khi ấy, vị quỷ thần kia liền nói kệ:

Ưu-bà-tắc trí tuệ,
Nay được phước lợi nhiều;
Vì cúng y Tỳ-la,
Nên đoạn được phiền não.
Ưu-bà-tắc trí tuệ,
Nay được phước lợi nhiều;
Vì cúng ăn Tỳ-la,
Nên lìa các hòa hiệp.

Sau khi vị quỷ thần kia nói kệ xong, liền biến mất.

KINH 1329. HÊ-MA-BA-ĐÊ[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Thiên thần Sa-đa-kỳ-lợi[25] và Thiên thần Hê-ma-ba-đê[26] cùng phát lời thề: ‘Nếu trong cung mình có vật báu xuất hiện, thì phải nói với nhau. Nếu không nói, mang tội vi ước.’

Lúc ấy, trong cung Thiên thần Hê-ma-ba-đê có xuất hiện vật báu chưa từng có là hoa ba-đàm-ma[27]. Hoa có nghìn cánh, lớn như bánh xe, cọng báu màu vàng. Lúc ấy Thiên thần Hê-ma-ba-đê sai người đến báo Sa-đa-kỳ-lợi:

“Thưa thôn chủ, hôm nay trong cung chúng tôi bỗng xuất hiện một vật báu chưa từng có là hoa ba-đàm-ma. Hoa có nghìn cánh, lớn như bánh xe, cọng báu màu vàng, mời đến xem qua.”

Thiên thần Sa-đa-kỳ-lợi liền sai người đến nhà Thiên thần Hê-ma-ba-đê nói rằng:

“Thưa thôn chủ, ba-đàm-ma trăm nghìn cánh ấy mà làm gì! Hôm nay trong cung chúng tôi có xuất hiện hoa ba-đàm-ma vĩ đại, của báu chưa từng có, tức là Đức Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Thôn chủ có thể đến phụng sự cúng dường.”

Bấy giờ, Thiên thần Hê-ma-ba-đê liền cùng với năm trăm quyến thuộc đến chỗ Thiên thần Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ hỏi:

Ngày rằm là thời tốt,
Ban đêm gặp hội vui;
Nên nói thọ trai gì,
Thọ từ A-la-hán?[28]
Lúc ấy, Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Hôm nay Phật Thế Tôn,
Tại thắng quốc Ma-kiệt,
Trụ tại thành Vương xá,
Vườn Trúc, Ca-lan-đà.
Diễn nói pháp vi diệu,
Diệt trừ khổ chúng sanh.
Khổ khổ và khổ tập,
Khổ diệt tận tác chứng;
Đường bát Thánh khỏi khổ,
An ổn đến Niết-bàn.
Nên đến để cúng dường,
Thế Tôn, La-hán tôi.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Ngài có tâm nguyện vui,
Cứu giúp chúng sanh không?
Ngài với thọ, không thọ,
Tâm tưởng bình đẳng không?[29]
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Ngài tâm từ, nguyện diệu,
Độ tất cả chúng sanh.
Đối các thọ, không thọ,
Tâm tưởng thường bình đẳng.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Bậc cụ túc minh đạt,
Thành tựu chánh hành chưa?[30]
Các lậu diệt sạch hẳn,
Không tái sanh nữa ư?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Minh đạt khéo đầy đủ,
Đã thành tựu chánh hành;
Các lậu đã dứt hẳn,
Không tái sanh đời sau.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Mâu-ni ý hành mãn,
Cùng nghiệp thân, miệng chăng?
Minh hạnh đều đầy đủ,
Đúng pháp tán thán chăng?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Tâm Mâu-ni đầy đủ,
Cùng nghiệp thân, miệng đầy;
Minh hạnh đều đầy đủ,
Đúng pháp mà tán thán.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Xa lìa hại sanh mạng,
Không cho không lấy chăng?
Có xa lìa phóng đãng,
Không rời thiền tư chăng?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Thường không hại chúng sanh,
Không cho, không lấy càn;
Xa lìa nơi phóng đãng,
Ngày đêm thường thiền tư.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Không ưa ngũ dục chăng?
Tâm không trược loạn chăng?
Có pháp nhãn thanh tịnh,
Diệt hẳn ngu si chăng?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Tâm thường không ưa dục,
Tâm cũng không trược động;
Pháp nhãn Phật thanh tịnh,
Ngu si hết không còn.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Chí thành không vọng ngữ,
Không nói lời thô chăng?
Không nói lời ly gián,
Chỉ nói chân thành chăng?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Chí thành không vọng ngữ,
Cũng không nói lời thô;
Không ly gián người khác,
Thường nói lời như pháp.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Gìn giữ giới thanh tịnh,
Chánh niệm vắng lặng chăng?
Đầy đủ pháp giải thoát,
Như Lai đại trí chăng?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Tịnh giới đều đầy đủ,
Chánh niệm thường tịch tĩnh;
Thành tựu pháp giải thoát,
Đắc đại trí Như Lai.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Minh đạt đều đầy đủ,
Chánh hạnh đã thanh tịnh;
Sở hữu các lậu hết,
Không còn tái sanh nữa?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Minh đạt đều đầy đủ,
Chánh hạnh đã thanh tịnh;
Tất cả các lậu hết,
Không còn tái sanh nữa.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Mâu-ni đủ thiện tâm,
Cùng nghiệp đạo thân, miệng;
Minh hạnh đều đầy đủ,
Nên tán thán pháp này?
Sa-đa-kỳ-lợi nói kệ đáp:
Mâu-ni đủ thiện tâm,
Cùng nghiệp đạo thân, miệng;
Minh hạnh đều đầy đủ,
Nơi pháp này tán thán.
Hê-ma-ba-đê nói kệ hỏi:
Đùi nai Y-ni-diên[31],
Thắng tướng của Tiên nhân;
Ít ăn, xả thân tham,
Chỗ Mâu-ni rừng thiền.
Nay ông hãy cùng đi,
Kính lễ Cù-đàm kia.[32]

Lúc ấy, Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê, có trăm nghìn quyến thuộc quỷ thần vây quanh, vội vàng đi đến chỗ Phật, đảnh lễ cúng dường; sửa lại y phục, trịch vai bên hữu, chắp tay kính lễ và nói kệ:

Đùi nai Y-ni-diên,
Thắng tướng của Tiên nhân;
Ít ăn, không tham đắm,
Mâu-ni ưa rừng thiền.
Hôm nay chúng con đến,
Thỉnh vấn Đức Cù-đàm.
Sư tử đi một mình,
Đại long không sợ hãi.
Nên nay đến thỉnh vấn.
Xin Mâu-ni quyết nghi:
Thế nào ra được khổ?
Làm sao giải thoát khổ?
Xin Ngài nói giải thoát,
Khổ diệt ở chỗ nào?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Năm diệu dục ở đời,
Và thứ sáu là ý[33];
Nơi dục kia không tham,
Giải thoát tất cả khổ.
Ra khỏi khổ như vậy.
Giải thoát khổ như vậy.
Nay đáp điều ông hỏi,
Khổ từ đây mà diệt.
Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê lại nói kệ hỏi:
Suối từ đâu quay về,
Đó đường ác không chuyển?
Mọi khổ lạc thế gian,
Ở đâu mà diệt hết?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
Cùng với ý nhập xứ;
Nơi kia danh và sắc,
Vĩnh viễn không còn gì.
Suối từ đó quay về,
Đó đường ác không chuyển.
Đối với khổ lạc kia,
Diệt hết không còn gì.
Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê lại nói kệ:
Thế gian mấy pháp khởi,
Mấy pháp đời hòa hợp;
Đời mấy pháp chấp thủ,
Mấy pháp khiến đời diệt?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Sáu pháp khởi thế gian,
Sáu pháp hòa hợp đời;
Sáu pháp chấp thủ đời,
Sáu pháp tổn giảm đời.
Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê lại nói kệ hỏi:
Làm sao qua các dòng,
Ngày đêm siêng phương tiện,
Không vin, không chỗ trụ,
Mà không chìm vực sâu?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Tất cả giới đầy đủ,
Trí tuệ khéo chánh thọ;
Như tư duy buộc niệm,
Thì qua được vực sâu.
Không ưa các dục tưởng,
Cũng vượt sắc trói buộc;
Không vin, không chỗ trụ,
Không chìm nơi vực sâu.
Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê lại nói kệ hỏi:
Pháp gì qua các dòng?
Làm sao vượt biển lớn?
Làm sao rời khỏi khổ?
Làm sao được thanh tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Chánh tín, qua các dòng.
Không phóng dật, vượt biển.
Tinh tấn hay dứt khổ,
Trí tuệ được thanh tịnh.
Bấy giờ, Thế Tôn lại nói kệ tiếp:
Ông có thể hỏi khác,
Pháp Phạm chí Sa-môn;
Chân thật, thí, điều phục,
Ngoài đây không pháp nào?[34]
Hê-ma-ba-đê lại nói kệ:
Cần gì hỏi chỗ khác,
Pháp Phạm chí, Sa-môn?
Hôm nay Đại Tinh Tấn,
Đã khéo léo dẫn khai.
Nay con nên báo đáp,
Ơn Sa-đa-kỳ-lợi,
Hướng dẫn đến Ngự Sư,
Bảo với chúng con rằng:
Con nên đến thôn xóm,
Theo Phật đến mọi nhà;
Thừa sự, lễ, cúng dường,
Theo Phật nghe chánh pháp.
Trăm nghìn quỷ thần này,
Đều chắp tay cung kính;
Tất cả quy y Phật,
Bậc Đại Sư Mâu-ni.
Đáng danh xưng Vô Thượng,
Ắt thấy nghĩa chân thật;
Thành tựu trí tuệ lớn,
Với dục không nhiễm trước.
Người trí nên quan sát,
Cứu giúp kẻ thế gian;
Được dấu đạo Hiền thánh,
Đó là Đại Tiên Nhân.

Phật nói kinh này xong, Sa-đa-kỳ-lợi và Hê-ma-ba-đê cùng các quyến thuộc năm trăm quỷ thần nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ, tùy hỷ lễ Phật, rồi ra về.

KINH 1330. ƯU-BA-GIÀ-TRA[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên đang trú trong núi Kỳ-xà-quật. Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất mới cạo râu tóc, có con quỷ Già-tra và Ưu-ba-già-tra[36] đi ngang qua. Quỷ Ưu-ba-già-tra thấy Tôn giả Xá-lợi-phất mới cạo râu tóc, bèn nói với quỷ Già-tra:

“Bây giờ tôi sẽ đến đánh đầu của Sa-môn kia.”

Quỷ Già-tra nói:

“Ưu-ba-già-tra, anh chớ nói vậy! Sa-môn này có thần lực, đức độ lớn, anh chớ làm vậy, sẽ chịu khổ lâu dài, không được lợi ích.” Ba lần nói như vậy, mà quỷ Ưu-ba-già-tra sau ba lần can gián vẫn không nghe lời quỷ Già-tra, liền dùng tay đánh đầu Tôn giả Xá-lợi-phất, đánh xong, rồi tự kêu lên rằng:

“Già-tra, tôi bị thiêu! Già-tra, tôi bị luộc!” Kêu lên ba lần rồi, liền bị vùi vào trong đất, đọa xuống địa ngục A-tỳ.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nghe tiếng động do con quỷ đánh Tôn giả Xá-lợi-phất, liền đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-phất, hỏi Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Thế nào, Tôn giả, có thể chịu được sự đau đớn đó không?”

Tôn giả Xá-lợi-phất trả lời:

“Tôn giả Đại Mục-kiền-liên, tuy có đau đớn, nhưng ý có thể chịu đựng, không đến nỗi đau quá.”

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:

“Kỳ diệu thay, Tôn giả Xá-lợi-phất! Thật là thần lực, đức độ lớn. Con quỷ này nếu dùng tay đánh núi Kỳ-xà-quật, sẽ khiến nát ra như cám, huống là đánh vào người mà không đau đớn?”

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất nói với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên:

“Thật ra là tôi không đau đớn lắm!”

Khi Tôn giả Xá-lợi-phất và Đại Mục-kiền-liên cùng uý lạo nhau như vậy, Đức Thế Tôn dùng thiên nhĩ nghe những lời này. Nghe xong, liền nói kệ:

Tâm kia như đá cứng,
Trụ vững không lay động;
Đã lìa tâm nhiễm trước,
Người sân không trả lại.
Nếu tu tâm như vậy,
Sao có nỗi đớn đau!

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 1331. CHÚNG ĐA[37]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có nhiều Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, kiết hạ an cư trong một khu rừng. Trong rừng này có Thiên thần ở, biết đến ngày mười lăm các Tỳ-kheo nhận tuổi[38], nên rất lấy làm buồn bã. Có vị Thiên thần khác nói với vị Thiên thần kia:

“Cớ sao anh sanh ra buồn rầu khổ não? Anh nên hoan hỷ, vì các Tỳ-kheo trì giới thanh tịnh, hôm nay nhận tuổi.”

Thiên thần trong rừng đáp:

“Tôi biết các Tỳ-kheo hôm nay mãn hạ, nhưng không giống ngoại đạo vô tu[39] nhận tuổi. Những Tỳ-kheo tinh tấn nhận tuổi, là sáng hôm sau ôm bát đi đến nơi khác, rừng này sẽ vắng vẻ.”

Sau khi các Tỳ-kheo đi rồi, Thiên thần trong rừng nói kệ:

Nay tâm tôi không vui,
Chỉ thấy rừng trống vắng.
Tâm thanh tịnh thuyết pháp,
Các Tỳ-kheo đa văn,
Đệ tử Đấng Cù-đàm,
Nay đang đến xứ nào?
Khi ấy, có Thiên tử khác nói kệ:
Người đến Ma-già-đà,
Người đến Câu-tát-la;
Hoặc đến Kim cương địa[40],
Mọi nơi, tu viễn ly.
Giống như cầm thú hoang,
Tùy sở thích dạo chơi.

KINH 1332. HAM NGỦ[41]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có các Tỳ-kheo ở nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, kiết hạ an cư trong một khu rừng. Ban ngày thì nhập chánh thọ,[42] thân thể mệt mỏi, còn đêm đến thì ngủ. Lúc đó, trong rừng kia có Thiên thần trú ngụ, tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo. Ở trong rừng vắng, ban ngày nhập chánh thọ, ban đêm lại ham ngủ nghỉ. Bây giờ ta sẽ đến thức tỉnh vị ấy.’ Lúc đó, Thiên thần đến trước Tỳ-kheo nói kệ:

Tỳ-kheo! Thầy tỉnh dậy!
Vì sao ham ngủ nghỉ?
Ngủ nghỉ có lợi gì?
Khi bệnh sao không ngủ?
Khi gai nhọn đâm thân,
Làm sao ngủ nghỉ được?
Ngài vốn xả, không nhà,
Ý muốn đi xuất gia.
Nên như ý muốn xưa,
Cầu tăng tiến ngày đêm;
Chớ rơi vào mê ngủ,
Khiến tâm không tự tại.
Dục vô thường, biến đổi,
Say mê nơi người ngu.
Người khác đều bị trói,
Nay ngài đã cởi trói,
Chánh tín mà xuất gia,
Vì sao ham ngủ nghỉ?
Đã điều phục tham dục,
Tâm kia được giải thoát.
Trí thắng diệu đầy đủ,
Xuất gia, sao ham ngủ?
Cần tinh tấn chánh thọ,
Thường tu sức kiên cố.
Chuyên cầu Bát-niết-bàn,
Tại sao mà ham ngủ?
Khởi minh, đoạn vô minh,
Diệt tận các hữu lậu.
Điều phục thân sau cùng,
Tại sao ham ngủ nghỉ?

Khi vị Thiên thần kia nói kệ, Tỳ-kheo này nghe xong, chuyên tinh tư duy đắc A-la-hán.

KINH 1333. VIỄN LY[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở trong rừng Câu-tát-la, nhập chánh thọ ban ngày, tâm khởi giác bất thiện, nương vào ác tham. Lúc đó, trong rừng này có vị Thiên thần đang trú ngụ, tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo, ở trong rừng nhập chánh thọ ban ngày, tâm khởi giác bất thiện[44], nương vào ác tham. Bây giờ ta nên đến làm tỉnh ngộ vị ấy.’ Lúc ấy, Thiên thần kia liền nói kệ:

Tâm kia muốn viễn ly,
Cư ngụ nơi rừng vắng.
Phóng tâm theo ngoại duyên,
Dong ruổi theo loạn tưởng.
Chế ngự tâm mê đời,
Luôn vui tâm giải thoát.
Nên xả tâm không vui,
Chấp thọ, sống an lạc[45].
Tư duy không chánh niệm[46],
Chớ chấp ngã, ngã sở;
Như để bụi dính đầu,
Nếu dính rất khó phủi[47].
Chớ đắm nhiễm lạc dục,
Tâm bị dục vẩn đục;
Như Thích quân[48] cỡi voi,
Ruổi nhanh, giũ sạch bụi.
Tỳ-kheo đối tự thân,
Chánh niệm, trừ trần cấu;
Trần chỉ cho tham dục,
Chẳng phải bụi thế gian.
Người trí tuệ sáng suốt,
Phải tỏ trần cấu kia;
Nơi pháp luật Như Lai,
Giữ tâm, chớ buông lung.
Trần cấu là sân nhuế,
Chẳng phải bụi thế gian;
Người trí tuệ sáng suốt,
Phải tỏ trần cấu kia.
Nơi pháp luật Như Lai,
Giữ tâm, chớ buông lung.
Trần cấu là ngu si,
Chẳng phải bụi thế gian.
Người trí tuệ sáng suốt,
Phải xả trần cấu kia;
Nơi pháp luật Như Lai,
Giữ tâm không buông lung.

Sau khi Thiên thần kia nói kệ rồi, Tỳ-kheo này nghe những gì vị kia đã nói, chuyên tinh tư duy, trừ bỏ phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1334. BẤT CHÁNH TƯ DUY[49]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, dừng nghỉ trong một khu rừng, nhập chánh thọ ban ngày, khởi tư duy bất chính[50]. Lúc đó có một Thiên thần đang ở trong rừng này, tự nghĩ: ‘Đây không phải là pháp Tỳ-kheo, ở trong rừng nhập chánh thọ ban ngày mà khởi tư duy bất chính. Bây giờ ta nên đến dùng phương tiện khéo làm tỉnh ngộ vị ấy.’ Lúc này Thiên thần kia nói kệ:

Sao tư duy bất chính,
Bị giác quán nuốt chửng?
Nên bỏ niệm bất chính,
Chuyên tu nơi chánh thọ.
Tôn trọng Phật, Pháp, Tăng,
Và tự giữ tịnh giới.
Luôn sanh tâm tùy hỷ,
Hỷ lạc càng tăng tiến.
Nhờ tâm hoan hỷ đó,
Cứu cánh, thoát khổ nhanh.

Sau khi Thiên thần kia nói kệ khuyến khích rồi, Tỳ-kheo này chuyên tinh tư duy, tận trừ các phiền não, đắc A-la-hán.

KINH 1335. GIỮA TRƯA[51]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo ở Câu-tát-la du hành trong nhân gian, ở trong một khu rừng, nhập chánh thọ ban ngày, vào lúc giữa trưa, Tỳ-kheo kia sanh tâm không vui, nói kệ:

Nơi đây trời đứng bóng,
Chim chóc đều lặng thinh;
Hoang vắng chợt có tiếng,
Làm tâm ta sợ hãi.
Lúc ấy, Thiên thần ở trong rừng kia nói kệ:
Hôm nay trời đứng bóng,
Chim chóc đều lặng thinh;
Hoang vắng chợt có tiếng,
Vì tâm ông không vui.
Hay xả tâm không vui,
Chuyên vui tu chánh thọ.

Sau khi Thiên thần kia nói kệ làm cho Tỳ-kheo này tỉnh ngộ rồi, Tỳ-kheo này chuyên tinh tư duy, trừ bỏ phiền não, đắc A-la-hán.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]