- 01. Tổ Đình Sắc Tứ Liên Hoa Tự tại Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 02. Chùa Tổ Đình Thiên Quang, thôn Phú Lộc Tây, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 03. Chùa Kim Quang tại Thủy Tú, Vĩnh Thái, Nha Trang
- 04. Chùa Long Quang, Xã Vĩnh Hiệp, Thành Phố Nha Trang
- 05. Chùa Lộc Thọ, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 06. Chùa Hải Ấn, Xã Vĩnh Phước, Thành Phố Nha Trang
- 07. Linh Phong Cổ Tự , phường Phương Sơn, thành phố Nha Trang.
- 08. Minh Phước Ni Tự, thị trấn Thành, Diên Khánh, Khánh Hòa
- 09. Chùa Huệ Quang, xã Diên Thủy, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa
- 10. Kỳ Viên Trung Nghĩa , số 160 Đường Sinh Trung, phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang
- 11. Chùa Sắc Tứ Kim Sơn, Ngọc Hội, Vĩnh Ngọc, Nha Trang
- 12. Chùa Hoa Quang, Vĩnh Điềm Trung, Vĩnh Hiệp, thành phố Nha Trang
- 13. Chùa Long Sơn, Vạn Phú, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 14. Tu Viện Giác Hải, Vạn Hưng, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 15. Tịnh Xá Ngọc Phước ở Thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh
- 16. Tịnh Xá Ngọc Sơn ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang
- 17. Tịnh Xá Ngọc Tòng, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hòa.
- 18. Tịnh Xá Ngọc Pháp, phường Phước Hòa, TP Nha Trang
- 19. Tịnh Xá Ngọc Trang, phường Ngọc Hiệp, thành phố Nha Trang
- 20. Chùa Long Cảnh ở thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh
- 21. Chùa Lương Hải, làng Cát Ném, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 22. Chùa Diên Thọ ở Thị Trấn Diên Khánh, Khánh Hòa
- 23. Chùa Pháp Hoa ở Vạn Lương, Vạn Ninh, Khánh Hòa
- 24. Vạn Thạnh Ni Tư, Ngôi chùa Sư Nữ đầu tiên của Thị xã Nha Trang
- 25. Chùa Kim Sơn, Lương Hoà, Vĩnh Lương, Nha Trang, Khánh Hoà
- 26. Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, Nha Trang
- 27. Bửu Liên Hoa Viện, Đại Điền Đông 1, xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.
- 28. Chùa Linh Sơn Phước Điền, xã Phước Đồng (Đồng Bò xưa), TP. Nha Trang.
- 29. Chùa Long Thọ ở thôn Phú Thạnh, xã Vĩnh Thạnh, thành phố Nha Trang
- 30. Chùa Linh Ứng trên đèo Rọ Tượng, Ninh Hòa, Khánh Hòa
- 31. Chùa Cổ Đại Phước ở Diên Điền, Diên Khánh
- 32. Chùa Phú Hải ven biển Nha Trang
- 33. Chùa Long Hòa, tọa lạc tại thôn Vinh Huề, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
- 34. Chùa Lộc Sơn, Đắc Lộc, Vĩnh Phương, Nha Trang
- 35. Chùa Hoa Tiên, Thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà
- 36. Chùa Thiên Bình, xã Cam Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hoà.
- 37. Chùa Linh Sơn Pháp Tạng (xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà)
- 38. Chùa Tân Chánh ở Thị trấn Diên Khánh, Tỉnh Khánh Hòa
- 39. Chùa Phổ Tế, Ngọc Hiệp, Nha Trang, Khánh Hòa
- 40. Chùa Phước Điền - Nha Trang và các Bảo Tháp trong khuôn viên Chùa
- 41. Chùa Đông Phước (đường Đông Phước, P. Phước Long, Tp. Nha Trang)
- 42. Chùa Phước Huệ toạ lạc tại số 27 đường Phước Huệ, phường Vĩnh Hải, thành phố Nha Trang.
- 43. Chùa Linh Thứu ở Thành phố Nha Trang
- 44. Chùa Kim Long từ ngôi già lam suy tàn hoang lạnh trở thành di tích cấm xâm phạm
- 45. Chùa Bảo Long ở thôn Thạnh Mỹ, xã Ninh Quang, Thị xã Ninh Hoà
- 46. Chùa Quảng Đức, Ngôi chùa đầu tiên của huyện miền núi Khánh Vĩnh - Khánh Hoà
- 47. Chùa Phú Quang: Nơi nương tựa của những mảnh đời bất hạnh
- 48. Hoa Quang Ni Tự, cửa Từ Bi luôn rộng mở độ sanh
- 49. Chùa Long Tuyền ở thôn Khánh Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm
- 50. Chùa Linh Sơn Pháp Quang, Đất Lành, Vĩnh Thái, Nha Trang
TỔ ĐÌNH SẮC TỨ HỘI PHƯỚC
Tổ đình Sắc tứ Hội Phước, còn được gọi với tên dân gian gần gũi là Chùa Cát, tọa lạc tại 153/2 đường Hoàng Văn Thụ, phường Phương Sài, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ngày xưa, chùa ở trên đồi Hoa Sơn (Núi Một) với tên là Phước Am, do Tổ Phật Ấn và Tịch Viễn khai sáng năm 1680, là một trong những chùa cổ nhất ở tỉnh Khánh Hòa.
Hai Ngài Phật Ấn và Tịch Viễn thuộc Thiền phái Lâm Tế, dòng Đạo Mân-Mộc Trần và dòng Trí Thắng Bích Dung, đời thứ 35. Ban đầu, hai Ngài dựng một am tranh để tu hành và đặt tên là Phước Am.
Đến năm 1742, ngài Đại Thông (Tổ thứ tư) đã dời chùa xuống đất bằng, cách đồi Hoa Sơn khoảng 500m đường chim bay về hướng Bắc, trên một bãi cát mênh mông nên người dân thường gọi là Chùa Cát. Sau, chùa được đổi tên, an danh là Hội Phước.
Cùng với chùa Hải Đức vào thời kỳ xa xưa đó, hai ngôi chùa nằm hai bên con lộ nhỏ chạy cắt ngang qua, được người Pháp đặt tên là “Rue des deux Pagodes”, có nghĩa là "đường Hai Chùa" (sau năm 1975, đường đổi tên thành Tô Vĩnh Diện).
Năm 1940, Tổ đình được sắc phong “Sắc tứ Hội Phước tự” năm Bảo Đại thứ 15.
Sau hơn 340 năm xây dựng và phát triển, Tổ đình được truyền thừa qua các đời Tổ Sư trụ trì:
Tổ thứ 3: Tế Điền - Như Bổn (1716-1741),
Tổ thứ 4: Đại Thông - Chánh Niệm (1741-1810),
Tổ thứ 5: Đạo An - Phổ Nhuận (1810-1841),
Tổ thứ 6: Tánh Minh - Trí Quang (1841-1853),
Tổ thứ 7: Như Huệ - Thiền Tâm(1895-1905),
Tổ thứ 8: Thanh Minh- Huệ Châu (1905-1914),
Tổ thứ 9: Chơn Hương- Thiên Quang (1915-1917).
Tổ thứ 10: Thanh Chánh – Phước Tường (1917-1920), bổn sư của Bồ tát Thích Quảng Đức.
Tổ thứ 11: Thị Thọ - Nhơn Hiền (1920-1929),
Tổ thứ 12: Ấn Ngân - Tín Thành (1929-1949),
Tổ thứ 13: Đồng Kỉnh - Tín Quả (1949-1978).
Năm 1977, Ngài Đồng Kính - Tín Quả chính thức truyền cử thầy Chúc Thọ kế thế trụ trì, qua năm 1978 thì Ngài viên tịch.
Thầy Chúc Thọ - Quảng Thiện trụ trì từ năm 1978 đến nay.
Chùa Hội Phước trải qua các cuộc trùng tu: Ngài Tánh Minh – Trí Quang trùng tu vào nửa đầu thế kỷ XIX, Ngài Phước Tường trùng tu vào năm 1917, Hoà thượng Chúc Thọ - Quảng Thiện có công lớn trong việc đại trùng tu qua thời gian hơn 30 năm kể từ năm khởi công 1994.
Sau bao biến đổi thăng trầm, đất chùa ngày xưa đã thu hẹp lại do bị lấn chiếm bởi dân cư ngày càng đông đúc, cổng tam quan hai tầng mái của chùa hiện nay nằm sâu vào bên trong một con hẻm hẹp, nhà chùa phải dựng một cổng chào phía ngoài mặt tiền đầu hẻm. Qua cổng tam quan vào sân là chiêm bái được tôn tượng đức Quán Thế Âm lộ thiên, phía sau kế tiếp là hai bên dãy nhà Đông, nhà Tây, ở giữa là ngôi Chánh điện tạo thành hình chữ U. Ngôi bửu điện 3 tầng: tầng trệt là Tổ đường thờ chư Tổ và chư vị trụ trì qua các đời; tầng 2 là Chánh điện thờ Đức Bổn Sư Thích Ca ở giữa, nhị vị Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí hai bên tả hữu, phía trước thiết đặt hương án thờ dức Phật A Di Đà tĩnh toạ kích cỡ nhỏ với nhị vị Hộ Pháp đứng hầu hai bên, ngoài ra còn có hương án tôn trí hai tượng lớn của Tiêu Diện Đại Sĩ và Vi Đà Hộ Pháp trấn hai bên bên trong cửa chính của điện; tầng 3 là cổ lầu thờ đức Phật A Di Đà, và tôn trí pho tượng Phật Di Lặc ở phía mặt trước hướng ra cổng tam quan.
Nằm ở góc phải trong khuôn viên chùa là ngôi "Bảo Tháp Liên Hoa" với 7 tầng được hoàn thành vào năm 1997 thờ xá lợi (linh cốt) của chư lịch đại Tổ sư được cung di từ các bảo tháp xưa an trí trong đất chùa, cũng như nằm xen lẫn giữa nhà dân nhập về an vị nơi trang nghiêm trường tồn, là ngôi bảo tháp đầu tiên và cao nhất nằm trong lòng thành phố Nha Trang. Tầng trệt của bảo tháp có thiết đặt hương án thờ thánh tượng của Quan Công, là pho tượng của các đời Tổ xưa truyền lại.
Tổ đình Sắc tứ Hội Phước hiện còn lưu giữ nhiều tượng Phật quý và chuông cổ từ thời Hậu Lê và Minh Mạng, cùng các pháp khí cổ như:
- Chuông báo chúng được chú tạo vào năm Nhâm Tuất, Gia Long nguyên niên (1802), cao 0,63m, đường kính ở miệng chuông là 0,25m.
- Chuông báo chúng không rõ niên đại, có khắc chữ nổi “Hội Phước Tự Thọ”, với chiều cao 0,62m, đường kính ở miệng là 0.6m. Trên chuông có 2 mặt trượng trưng cho ngày và đêm và điêu khắc nổi theo hình lưỡng nghi.
- Đại hồng chung được Tổ Đạo An - Phổ Nhuận chú tạo vào năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mạng thứ 3 và Tổ Như Huệ-Thiền Tâm tái tạo vào năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái thứ 14 (1902), với chiều cao 1,15m, đường kính ở miệng chuông là 0,5m.
- Văn bản đồng có kích thước 0.41m x 0.41m có khắc chữ Phạn-đàn, không ghi năm chú tạo nên chưa xác định được niên đại.
- Bảng hiệu chùa được sắc phong năm Canh Thìn, niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940), với kích thước 1,98m x 0,80m, giữa bảng ghi “Sắc tứ Hội Phước tự”, hàng chữ bên trái ghi “Lễ công bộ đại thần Tôn Thất Quảng nhật tạo”, hàng chữ bên phải ghi: “Bảo Đại thập ngũ niên, kiết nguyệt nhật tạo”.
Ngoài ra, chùa còn bảo tồn được một số “Chánh pháp Nhãn tạng” của chư Tổ sư lâu đời, như:
- Tổ Đạo An-Phổ Nhuận phó chúc cho Tổ Tánh Lý-Trí Minh kế thế trụ trì chùa Linh Sơn (tức chùa Tân Long) ở Diên Khánh.
- Tổ Hải Hội phó chúc cho Tổ Thanh Minh- Huệ Châu.
- Tổ Chơn Hương phó chúc cho Tổ Đồng Kỉnh- Hoằng Đạo.
- Tổ Phước Tường phó chúc cho Tổ Nhơn Hiền- Thị Thọ.
- Tổ Nhơn Hiền phó chúc cho Tổ Chúc Nghiêm-Tín Liên.
- Tổ Nhơn Hiền phó chúc cho Tổ Đồng Kỉnh-Tín Quả.
- Tổ Đồng Kỉnh- Tín Quả phó chúc cho Hoà thượng Quảng Thiện- Chúc Thọ.
… cùng một số Chánh pháp Nhãn tạng khác đều còn nguyên vẹn, rõ chữ rõ danh.
Qua bao đời của chư Tổ, pháp môn chủ đạo Thiền-Tịnh-Mật được truyền đạt và hành trì miên mật, vận dụng hiệu quả để đối trị với các căn bệnh về tâm linh mang tính huyền bí, mang lại sự an lành cho cuộc sống, làm cho biết bao người tín thành gần xa tìm đến được giải nghiệp cho thân hết tật bệnh, tâm được bình an, nên ngôi chùa như một đàn tràng giải nghiệp oan khiên. Với đạo hạnh và năng lực của mình, chư Tổ bao đời đã làm lợi lạc cho đời và tạo mối quan hệ thân thiết giữa đạo và đời, qua từng năm tháng, qua từng đời trụ trì, thiện nam tín nữ khắp nơi đã về Tổ đình Hội Phước để quý kính phụng sự Tam Bảo, xin thế phát xuất gia tu học, cũng như xin quy y thọ tam quy ngũ giới, trở thành những người cọn Phật thuần thành dưới sự hộ trì và hướng dẫn tu tập của chư Tổ chư Tăng.
Đặc biệt nhất, Chùa Cát trở thành cái nôi gìn giữ sự bình an cho hàng nghìn, hàng vạn trẻ em khó nuôi từ khắp nơi được các bậc phụ huynh mang đến chùa để thỉnh cầu chư Tăng hộ trì kinh chú, cho trẻ được nghe tiếng chuông chùa truyền âm vào tâm thức mà giải trừ bớt nghiệp chướng…
Năm 1995, Chùa được Bộ Văn hóa công nhận là "Di tích Lịch sử Văn hóa cấm xâm phạm”!
Tâm Không Vĩnh Hữu