ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 12: Giới Quy Y
4’ Sau khi quy y, các giai đoạn giữ giới
a” Các giới này được ghi lại như thế nào trong Quyết Định Yếu Luận
1”Tập hợp phân chi thứ nhất
(a) Nương tựa nơi bậc xuất chúng
(b) Lắng nghe giáo pháp siêu việt
(c) Định tâm đúng mức vào các giáo pháp này
(d) Trau dồi thực hành tương hợp với giáo pháp
2” Tập hợp phân chi thứ hai
(a) Đừng kích thích các giác quan
(b) Thọ giới một cách đúng đắn
(c) Có lòng bi mẫn đối với chúng sinh
(d) Gắng sức cúng dường định kỳ lên Tam Bảo
b” Các giới này được trình bày như thế nào trong truyền thống khẩu truyền
1” Giới đặc biệt
(a) Giới cấm
(b) Giới tập quán
2” Các giới tổng quát
(a) Bằng cách nhớ lại những điểm ưu việt và những phẩm hạnh cao quý của Tam Bảo, không ngừng quy y
(b) Bằng cách nhớ lại lòng từ quảng đại của Tam Bảo, nỗ lực thờ phụng Tam Bảo không ngừng và dâng lên Tam Bảo miếng ăn, thức uống trước tiên
(c) Khiến các chúng sinh khác được thuần thục trong cách hành trì này bằng cách thương xót chiếu cố đến họ
(d) Bất cứ làm việc gì với bất cứ mục đích gì, cúng dường và khẩn cầu Tam Bảo, từ bỏ mọi phương pháp thế gian khác
(e) Sau khi đã hiểu những lợi ích, quy y ba lần ban ngày và ba lần ban đêm
(i) Những lợi ích được trình bày trong Quyết Định Yếu Luận
(a’) Tập hợp đầu tiên gồm bốn lợi ích
(1’) Tạo được rất nhiều phước đức
(2’) Được hỷ lạc và hỷ lạc tối thượng
(3’) Đạt được định
(4’) Đạt được sự thanh tịnh
(b’) Tập hợp thứ hai gồm bốn lợi ích
(1’) Sẽ nhận được nhiều hộ trì
(2’) Làm giảm, chấm dứt và hoàn toàn tiêu trừ mọi ngăn che xuất phát từ niềm tin không chân chính
(3’) Được liệt vào bậc xuất chúng, người thực sự thành tựu tình trạng siêu phàm
(4’) Làm vui lòng và được sự chấp thuận của thầy và bạn đạo, và của chư thần hoan hỷ nơi giáo pháp
(ii) Những lợi ích được trình bày trong các chỉ dạy riêng
(a’) Được kể là Phật tử
(b’) Xứng đáng được thọ trì tất cả các giới
(c’) Làm giảm và diệt trừ những ngăn che do nghiệp báo đã tích lũy trước đây
(d’) Tích lũy được rất nhiều phước đức
(e’) Không bị rơi vào các cõi khổ
(f’) Không bị các chướng ngại nhân hoặc phi nhân ngăn trở
(g’) Thành tựu mọi điều ước muốn
(h’) Mau chóng đạt được Phật quả
(i’) Giữ gìn quy y và không từ bỏ Tam Bảo ngay cả khi nói đùa hoặc phải mất mạng
–––\–––
4’ Các giai đoạn giữ giới sau khi quy y
Giới được giải thích bằng hai cách:
1. Cách thức giới được trình bày trong Quyết Định Yếu Luận
2. Cách thức giới được trình bày trong truyền thống khẩu truyền
a” Giới được trình bày như thế nào trong Quyết Định Yếu Luận[1]
Ở đây giới được giải thích bằng hai tập hợp 2 nhóm nhỏ
1” Tập hợp phân chi thứ nhất
(a)Nương tựa nơi bậc thiện nhân
Như đã giải thích trước đây, quý vị nương tựa nơi các bậc thiện sư khi quý vị thấy các vị thầy này là nguồn gốc của tất cả các phẩm hạnh cao quý, bởi vì quý vị đã quy y Đức Phật do đó quý vị tôn dương vị thầy dẫn đường làm chỗ quy y. Thực hành tương hợp với điều này là thực sự nương tựa vào vị thầy dạy đạo.
(b)Lắng nghe giáo pháp siêu việt, và (c)Định tâm đúng mức vào các giáo pháp này
Quý vị nên nghe bất cứ những gì thích hợp trong kinh điển và những giảng dạy tương tự. Đây là những giáo pháp siêu việt bởi vì Đức Phật và các đệ tử đã giảng giải. Thêm vào đó, hãy tập trung sự chú ý cố định vào bất cứ những gì giúp xua tan những phiền não, bởi vì quý vị đã học giáo lý về quy y và như thế đã nhận trách nhiệm để thực chứng được cả các giáo pháp truyền khẩu lẫn các giáo pháp được chứng ngộ. Hành trì tương hợp với điều này là lắng nghe và định tâm đúng mức vào giáo pháp siêu việt.
(d)Tu tập tương hợp với giáo pháp
Quý vị nên thực hành theo những giảng dạy về giải thoát tối hậu {niết-bàn}. Khi quý vị đến với tăng đoàn để quy y, như thế quý vị đã coi những người cùng đi trên con đường giải thoát là bạn đồng hành vốn đi trên lộ trình đến niết-bàn. [144] Hành trì phù hợp với điều này là việc tu tập theo cách thức của người có quyết ý giải thoát.
2” Tập hợp phân chi thứ hai
(a)Đừng khích động các căn
Khi các giác quan lôi kéo tâm lơ đễnh tới các đối tượng bên ngoài, quý vị phải coi sự khích động liên quan đến đối tượng giác quan này là một lầm lỗi, và thu nhiếp tâm lại.
(b)Thọ lãnh đúng các giới
Quý vị cần bắt tay thực hành các tu tập mà Đức Phật đã đề ra – càng nhiều càng tốt
(c)Có lòng thương xót đối với chúng sinh
Điểm nổi bật trong giáo pháp của Đấng Điều Ngự là lòng thương xót. Do đó, một khi quý vị đã quy y giáo pháp của ngài, quý vị cũng phải có lòng thương xót đối với chúng sinh và từ bỏ việc gây hại chúng sinh.
(d)Gắng sức cúng dường định kỳ lên Tam Bảo
Mỗi ngày quý vị nên cúng dường lên Tam Bảo.
b” Các giới này được trình bày như thế nào trong truyền thống khẩu truyền
1” Giới đặc biệt
Những giới này được giải thích dưới dạng giới cấm và giới tập quán
(a)Giới cấm
Kinh Đại Bát-niết-bànnói:[2],
Ai quy y Tam Bảo
Sẽ tới gần bậc chân đức hạnh;
Những người ấy không bao giờ
Quy y thần linh nào khác.
Ai quy y Giáo Pháp tối thượng
Không nuôi dưỡng ý nghĩ đả thương, giết hại.
Ai quy y Tăng Già
Không thân cận các triết gia ngoại đạo
Như thế, có ba giới cấm: không quy y nơi các thần linh khác, thôi không làm hại và dứt bỏ ác tâm đối với các chúng sinh, không thân cận các triết gia ngoại đạo.
Không quy nơi các thần linh khác được giải thích như sau: bởi vì quý vị không tôn sùng những thần thể thế gian như Hắc Thiên (skt. Rudra) {thần gió bão} và Tỳ Ni Thiên (skt. Viṣṇu) {vị thánh tối cao trong đạo Bà-la-môn} làm chỗ quy y tối hậu, huống chi phải nhắc đến long thần {skt. Naga} và những thần địa phương vốn chỉ là quỷ đói? Điều không chính đáng là phó thác bản thân mình cho những thần linh này mà không có niềm tin trọn vẹn nơi ba quy y {Phật, Pháp và Tăng}, điều đúng đắn là chỉ tìm sự phù trợ của những thần linh này vì một mục đích tôn giáo tạm thời nào đó; chẳng hạn, cũng giống như quý vị tìm sự trợ giúp của một mạnh thường quân để có phương tiện sinh sống, hoặc đi bác sĩ để chữa trị một căn bệnh. [145]
Giới cấm thứ hai đòi hỏi phải kiềm chế không làm hại hoặc thương tổn các chúng sinh bằng ý nghĩ hoặc hành động. Điều này bao gồm các hành động đối với người và loài vật, chẳng hạn như đánh đập, trói buộc, cầm tù, xỏ mũi, và bắt khiêng chở quá sức, v.v.... Giới cấm thứ ba đòi hỏi không được tán đồng với những người không tin Tam Bảo là chốn đáng quy y và những người phủ nhận Tam Bảo.
(a)Giới tập quán
Có ba giới tập quán. Giới đầu tiên là xem hình tượng Phật là những đối tượng tôn kính – coi hình tượng như chính bản thân đấng Đạo Sư vậy – không vạch ra những lỗi lầm của các hình tượng bất kể phẩm chất của chúng, và không bày tỏ sự bất kính hoặc đối xử khinh thường bằng cách để hình tượng ở những chỗ thiếu tôn nghiêm, hoặc đem cầm cố hình tượng, v.v.. Tác phẩm Bằng Hữu Thư viết:
Cũng như người thông thái phụng thờ hình tượng của đấng Thiện Thệ,
Bất kể hình tượng đó được làm bằng vật liệu gì, dù ngay cả bằng gỗ…
Giới Luật Phân Giải Luận[3]kể lại rằng Mânavakapila, người đã dùng mười tám cách khác nhau để phỉ báng cộng đồng những nhà thiện tri thức và những bậc vô lậu học {không còn gì để học} – nói những lời, chẳng hạn như: “Ngươi biết gì về giáo pháp hoặc phi giáo pháp, gã Đầu Voi?” – tái sinh thành một con cá kỳ quái gớm ghiếc với 18 cái đầu khác nhau, mãi làm thân thú vật từ thời Phật Ca-diếp {skt. Kâúyapa} tới thời Vua của dòng tộc Thích-ca [Đức Phật]. Cơ Sở Giới Luật Tạp Luận (skt.Vynaya-kṣudraka-vastsu)[4]kể lại sau khi đấng Đạo Sư Câu-Lưu-Tôn Đại Phật {skt. Krakucchanda}[5]nhập niết-bàn, Vua Karumat ra lệnh xây một đại bảo tháp. Một người thợ rủa bảo tháp hai lần, thốt lời: “Chúng ta sẽ không bao giờ hoàn thành được một tháp lớn như thế này!” [146] Sau đó, khi bảo tháp đã hoàn thành mỹ lệ, ông ta ân hận về những lời rủa của mình và dùng tiền lương để làm một cái chuông bằng vàng rồi an trí trên bảo tháp. Kết quả ông ta tái sinh thành Supriyavat {Diệu Âm}, với làn da xấu xí và thân hình nhỏ thó, nhưng có giọng nói tuyệt vời. Như thế, quý vị không bao giờ nên tranh cãi về phẩm chất của hình tượng, khinh thường người khác vì họ sử dụng vật liệu tốt để làm hình tượng và những điều tương tự như vậy hoặc vì họ làm hình tượng to lớn, làm nản lòng và khiến những người xây cất không hoàn tất được công việc, và những điều tương tự như vậy.
Chuyện kể rằng đại hành giả du-già [Chang-Chup-Rin-Chen] có lần đưa pho tượng Văn–thù-sư-lợi cho Trưởng Lão để xem xét. Vị hành giả du-già hỏi: “Pho tượng này tốt ra sao? Nếu tốt, tôi sẽ mua bằng bốn đồng tiền vàng mà Rong-ba-gar-gay-wa (Rong-pa-mgar-dge-ba) đã cho tôi”. Trưởng Lão trả lời: “Thân ngài tôn giả Văn-thù-sư-lợi không có khuyết điểm nào – người thợ điêu khắc khả năng vào bậc trung”, rồi đặt pho tượng lên đầu. Người ta nói Trưởng Lão đều làm như vậy với mọi hình tượng đã hoàn tất.
Giới cấm tập quán thứ hai là không bao giờ tỏ lòng bất kính đối với những bài viết về các giáo pháp, ngay cả với các bài chỉ vỏn vẹn có bốn chữ mà thôi. Hơn nữa, quý vị không nên đem cầm cố kinh sách, coi kinh sách như hàng hóa, để kinh sách trên đất trơ trụi hoặc ở những chỗ thiếu trang trọng, mang kinh sách cùng với giày dép, dẫm lên kinh sách, v.v. Hãy đối xử với kinh sách bằng tấm lòng tôn kính, như kinh sách chính là Pháp Bảo vậy. Người ta kể rằng bất cứ khi nào Geshe Jen-Nga-Wa thấy có người cầm kinh sách, ông luôn đứng dậy, chắp hai tay lại ở đằng trước, cử chỉ cung kính. Ở cuối đời, khi không thể đứng lên được nữa, ông chắp hai tay lại. Người ta cũng kể rằng Trưởng Lão có lần gặp một hành giả mật chú ở Nga-ri, người mà lúc đầu từ chối không chịu nghe Trưởng Lão giảng dạy. Tuy nhiên, một ngày kia Trưởng Lão chứng kiến một người sao chép các bản viết tay chà xát mảnh đá răng từ răng người này vào một trang sách giáo pháp. Không thể chịu nổi, ngài la lên: “Này! Đừng làm như vậy, đừng làm như vậy!” – kết quả của việc làm này là hành giả mật chú khởi được niềm tin nơi Trưởng Lão và chịu nghe Trưởng Lão giảng dạy. Hơn thế nữa, Sha-ra-wa nói: “Chúng ta cứ đùa cợt lên giáo pháp bằng nhiều cách. Tỏ lòng bất kính đối với giáo pháp và các vị thầy dạy giáo pháp làm tiêu tan trí tuệ của chúng ta. Hiện tại chúng ta đã quá đủ ngu dại rồi - đừng tạo thêm sụ ngu dại nữa! Nếu chúng ta thành ngu dại hơn, chúng ta sẽ có thể làm được gì?”
Giới tập quán thứ ba là không bao giờ chửi rủa hoặc khinh thị tăng ni, những người từ bỏ thế tục, hoặc những người chỉ mang những biểu tượng của người thực hành đức hạnh [người trang phục giống như tăng hoặc ni mà không thọ giới]. Quý vị cũng không thể xử sự như trên với những vật chỉ là biểu tượng [một mảnh cà-sa] của những hành giả này. Không bao giờ, dù bằng bất cứ cách nào, tách mình và người khác thành những phenhóm đối nghịch và coi người kia như thù địch. [147] Đối với tăng ni, luôn luôn xử sự với lòng tôn kính như thể chính họ là Tăng Bảo vậy.
Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Kinh nói:[6]
Những ai cư trú trong rừng, muốn những phẩm hạnh tốt lành,
Không nên xét nét lỗi lầm của người khác.
Họ không nên nghĩ,
“Tôi siêu đẳng; tôi tốt nhất”-
Lòng cao ngạo như vậy là cội rễ của mọi điều bất trị.
Đừng khinh thị những tăng sĩ thấp hơn mình,
Bằng không trong một đại kiếp nữa ngươi cũng không được giải thoát.
Đó là đường lối của giáo pháp này.
Quý vị phải tự rèn luyện mình để thực hành giống như Đạo Sư Tôn Giả [Drom-dön-ba] và Nal-jor-ba-chen-bo, khi thấy dù chỉ một mảnh vải vàng trên đường, những vị này sẽ không đạp lên mà sẽ phủi sạch bụi trên mảnh vải đó rồi mang tới để ở một chỗ sạch sẽ. Bởi vì, quý vị tôn kính Tam Bảo bao nhiêu thì các chúng sinh cũng sẽ kính trọng quý vị bấy nhiêu. Định Vương Kinh:[7]
Ngươi sẽ nhận được một quả tương tự như
Các loại nghiệp ngươi làm.
2” Giới tổng quát
Có sáu giới tổng quát:
1. Bằng cách nhớ lại những khác biệt và những phẩm chất cao quý của Tam Bảo, hãy tiếp tục quy y lặp lại không ngừng.
2. Bằng cách nhớ lại lòng từ quảng đại của Tam Bảo, nỗ lực thờ phụng Tam Bảo không ngừng và dâng lên Tam Bảo miếng ăn, thức uống đầu tiên.
3. Khiến các chúng sinh khác xác lập cách hành trì này bằng cách chiếu cố đến họ với lòng bi mẫn.
4. Bất cứ làm việc gì, và bất cứ vì mục đích gì, hãy cúng dường và khẩn cầu Tam Bảo, từ bỏ mọi phương pháp thế tục khác.
5. Sau khi đã hiểu những lợi ích, hãy quy y ba lần ban ngày và ba lần ban đêm.
6. Giữ gìn quy y và không từ bỏ Tam Bảo ngay cả khi đùa giỡn hoặc khi phải mất mạng.
(a)Bằng cách nhớ lại những khác biệt và những phẩm chất cao quý của Tam Bảo, quy y đi quy y lại không ngừng
Như đã giải thích trước đây, quý vị phải lặp đi lặp lại trong trí nhớ những điểm khác biệt giữa những người không phải là Phật tử và Phật tử, những phân biệt bên trong Tam Bảo, và những phẩm chất cao quý của Tam Bảo.
(b)Bằng cách nhớ lại lòng từ quảng đại của Tam Bảo, nỗ lực thờ phụng Tam Bảo không ngừng và dâng lên Tam Bảo miếng ăn, thức uống đầu tiên
Định Vương Kinh dạy:[8]
Mặc dù nhờ nơi công đức của các Đức Phật mà có được thức ăn,
Những người ngây dại như trẻ con không đền đáp lại lòng từ đó.
Như thế, biết rằng mọi hạnh phúc tạm thời và điều tốt lành chắc chắn mà quý vị được hưởng, được tượng trưng bằng thực phẩm, là do lòng từ của Tam Bảo, quý vị phải cúng dường với ý định đền đáp lại lòng từ đó.
Về việc cúng dường, quý vị có (1) các hành động cúng dường và (2) các thái độ. Mục thứ nhất bao gồm mười loại sau đây: [148]
1) Cúng dường thân Đức Phật có nghĩa là cúng dường lên sự biểu hiện thật sự của Đức Phật dưới dạng sắc tướng.
2) Cúng dường bảo thápcó nghĩa là vì Đức Phật quý vị cúng dường lên bảo tháp và làm những hành vi tương tự.
3) Cúng dường một đối tượng cảm thấy được có nghĩa là cúng dường lên hai đối tượng được đề cập ở trên khi các đối tượng này thị hiện ra trước các giác quan của chính quý vị.
4) Cúng dường một đối tượng không cảm thấy được để chỉ việc cúng dường dâng lên một Đức Phật hoặc các bảo tháp của Đức Phật này trong khi Đức Phật và bảo tháp không thật sự hiện diện ở đó, và vì tất cả các Đức Phật và bảo tháp mà cúng dường như vậy. Vì Đức Phật mà cúng dường lên một hoặc nhiều hình tượng và các bảo thápsau khi Đức Phật đã nhập niết-bàn cũng được coi là cúng dường lên một đối tượng không lĩnh hội được {bất khả tư nghì}. Khi quý vị cúng dường một Đức Phật không lĩnh hội được hoặc các bảo thápkhông lĩnh hội được của Đức Phật này, thì quý vị cũng đồng thời cúng dường lên cả hai đối tượng lĩnh hội được, bởi vì thực tại hoặc tánh Không của một thân Phật hoặc một bảo tháp là thực tại của tất cả thân Phật và các bảo tháp. Chuẩn mức thông thường là cúng dường lên cả đối tượng nhận lĩnh hội được và không lĩnh hội được với ý nghĩ: “Tôi cúng dường lên tất cả chư Phật trong ba đời và các bảo tháptrong mười phương vũ trụ vô biên”. Người ta nói rằng cúng dường lên các đối tượng lĩnh hội được sẽ tạo ra phước đức to tát và cúng dường lên các đối tượng không lĩnh hội được sẽ tạo ra phước đứcto tát hơn nữa; cúng dường lên tất cả Đức Phật và bảo thápsẽ tạo ra phước đức to lớn hơn thế rất nhiều. Như vậy, điều quan trọng là khi quý vị cúng dường lên chỉ một Đức Phật hoặc hình tượng của ngài và những thứ tương tự, quý vị hãy nhớ tới tính bất khả phân của thực tại và phát ra ý nghĩ là quý vị đang cúng dường lên tất cả Đức Phật, tất cả hình tượng.
5) Cúng dường các món tự quý vị làm ra những món cúng dường do chính tay quý vị làm ra. Đừng bảo người khác làm cho mình vì lười biếng, thờ ơ, hoặc cẩu thả.
6) Những món cúng dường quý vị giúp người khác dâng cúng để chỉ những món cúng dường mà quý vị, vì lòng từ bi, khiến người khác dâng cúng. Điều này xảy ra khi quý vị có một vài món nhỏ để cúng dường và quý vị nghĩ: “Những chúng sinh khổ não này, những người có ít phước đức và không có gì để cho cả, sẽ được hạnh phúc bằng cách cúng dường những phẩm vật này”. Hơn nữa, phước đức từ những phẩm vật do quý vị và người khác mà quý vị giúp cúng dường được chia cho cả hai bên, sự khác biệt về tầm mức của những quả phước đức của ba điều này cũng tương tự như đã được bàn luận trên đây trong phần 4.[149]
7) Các vật phẩm cúng dường của cải và việc làm là những món cúng dường dâng lên một Đức Phật hoặc bảo thápcủa Đức Phật bao gồm quần áo, thực phẩm, giường nằm, ghế ngồi, thuốc men, những vật cần thiết cá nhân, hương thơm, bột thơm và dầu xức, tràng hoa, âm nhạc, và các loại đèn khác nhau. Cũng có cúng dường lời nói kính ngưỡng, lễ lạy, đứng lên trước khi người khác đứng, hai tay chắp lại cung kính, các lời tán tụng, tỏ lòng tôn kính với tay chân và đầu đụng đất, và đi nhiễu theo chiều kim đồng hồ. Hơn nữa, có thể dâng lên những món cúng dường không bao giờ cạn kiệt như đồng ruộng, cũng như có thể cúng dường các món trang sức bằng kim hoàn, bông tai, vòng đeo tay, và những món tương tự. Ít nhất, quý vị có thể cúng dường chuông, tiền xu bằng bạc, hoặc những ống chỉ.
8) Cúng dường rộng lớn có nghĩa là cúng dường của cải và việc làm nói trên trong một thời gian lâu dài. Hơn nữa, những cúng dường này có bảy phẩm chất: dồi dào, tuyệt hảo, cả cảm thấy được và không cảm thấy được, do chính quý vị và người khác làm ra, được cúng dường với lòng hoan hỷ xuất phát từ sâu trong tâm khảm, ước vọng nhiệt thành, và với phước đức được hồi hướng cho giác ngộ toàn hảo.
9) Cúng dường không bị cấu nhiễm bởi các phiền não là những cúng dường có sáu phẩm chất
(1) do chính tay quý vị làm, không bảo người khác làm vì khinh thị, cẩu thả, hoặc lười biếng; (2) hết lòng tôn kính; (3) không xao lãng tâm trí; (4) không vướng lụy phiền não trong ý nghĩa cúng dường không bị pha trộn với tham luyến và những thứ tương tự; (5) không trông chờ nhận được của cải và sự giúp đỡ của vua chúa và những nhân vật quyền thế có niềm tin nơi Đức Phật; và (6) với những món vật chất thích hợp đi kèm. Những món vật chất thích hợp đi kèm bao gồm bất cứ món gì không bị vướng nhiễm những thứ không thích hợp, cũng như bao gồm những hành vi thích đáng chẳng hạn như xoa một vật gì đó bằng dầu thuốc bala (ba-bla), nhúng vào trong bơ đã được lọc trong, đốt một chất nhựa thơm gugul, dâng hiến hoa arkamàu trắng, v.v.... Nếu quý vị không tự mình chuẩn bị những phẩm vật cúng dường này hoặc không yêu cầu người khác cung cấp, thì quý vị phải hoan hỷ với tất cả các thứ cúng dường thích hợp hiện hữu trong khắp vũ trụ và dâng lên các Đức Như Lai, tưởng tượng những món này rộng lớn, tràn ngập khắp chốn, và vui mừng trong việc người khác cúng dường. [150] Đã cúng dường to lớn, vô lượng như vậy, quý vị sẽ chẳng khó khăn gì mà tích lũy được những món tư lương cần thiết để đạt giác ngộ. Hãy không ngừng nỗ lực làm việc này với tâm hài lòng, hạnh phúc. Như được đề cập trong Bảo Vân Kinhvà Tam Muội Hoa Nghiêm Mật Điển[9]quý vị cũng có thể cúng bông hoa, trái cây, cây cối, châu báu, và những thứ tương tự vốn không thuộc về ai cả.
10) Cúng dường tu tập đòi hỏi tưởng nhớ bốn tâm vô lượng {Tứ Vô Lượng Tâm}, bốn điểm cô đọng của giáo pháp {Tứ Pháp Ấn} [(1) mọi hiện tượng cấu hợp {hiện tương có được do các duyên} đều vô thường, (2) mọi thứ cấu nhiễm đều khổ, (3) mọi hiện tượng đều vô ngã, và (4) niết-bàn là tịch tịnh và an lạc], ba quy y {Tam Quy}, và các ba-la-mật; ngưỡng mộ tánh Không thâm diệu và đặt tâm ở nơi đó mà không khởi ý niệm; điều phục tâm bằng giới luật; thiền quán và nỗ lực về các giác chi {các nhân tố của giác ngộ}, các ba-la-mật, và bốn cách thâu nhiếp đệ tử, thực hành tất cả những điểm này ít nhất cũng trong khoảng thời gian vắt sữa một con bò [mười tới mười lăm phút].
Cúng dường Tam Bảo mười thứ trên là cúng dường đầy đủ.
Khía cạnh thứ hai của cúng dường, các thái độ, được trình bày như sau. Khi quý vị cúng dường mười thứ này, có sáu thái độ sẽ khiến cho kết quả của việc cúng dường dù chỉ một phẩm vật nhỏ lên bất kỳ đối tượng nào trong Tam Bảo cũng trở thành vô lượng. Quý vị nên cúng dường với ý nghĩ như sau:
(1) không có ruộng điền phước hạnh nào cao hơn;
(2) không có thí chủ {người cúng dường} nào cao hơn;
(3) ngài là đấng thiện hảo nhất trong tất cả mọi chúng sinh;
(4) ngài cực kỳ hy hữu, giống như hoa ưu đàm vậy;[10]
(5) bởi vì chỉ có một Đức Phật xuất hiện trong một tam thiên đại thiên thế giới, ngài là duy nhất; và
(6) ngài là nền tảng của mọi điều thiện lành cả ở thế gian lẫn xuất thế gian.
Tôi đã viết về mười loại cúng dường và sáu thái độ này như được trình bày trong Bồ-Tát Địa[11]
Quý vị nên luôn luôn cúng dường những thứ tốt nhất có thể được. Với hết khả năng của mình, cúng những món đặc biệt tốt vào những dịp cát tường và những ngày lễ. Hơn nữa, bởi vì quý vị thường xuyên phải ăn uống, hãy luôn luôn cúng dường phần ăn và phần thức uống đầu tiên. [151] Nếu quý vị làm việc này không sai chạy, quý vị sẽ dễ dàng thu thập được phước đức to lớn. Như thế, từ đáy lòng mình, quý vị hãy luôn luôn cúng dường phần đầu tiên của bất cứ món ăn thức uống nào, ngay cả nước nữa.
Hơn nữa, Sha-ra-wa nói:
Đừng cúng dường những thứ như phô-ma ngọt đã mọc nấm và lá đã vàng úa, nhưng dùng những thứ quý vị có mà vẫn còn tốt. Cúng lượt nước trà đầu tiên sẽ chẳng đem lại lợi lạc gì nếu làm việc này giống như để rửa sạch bụi bặm thôi.
Kinh có nói:
Thí dụ, gieo hạt giống vào đất màu mỡ mà không đúng mùa sẽ không đem lại kết quả. Vậy điều thích hợp là liên tục trong suốt bốn mùa gieo hạt hạnh phúc tạm thời và hạt thiện lành chắc chắn vào trong đất màu mỡ để sinh ra tất cả hạnh phúc tạm thời và thiện lành chắc chắn trong đời này và các đời tương lai – nhưng ngươi hãy canh tác thửa ruộng này với lưỡi cày tín tâm.
Nếu quý vị không làm việc này, phước đức của quý vị sẽ vô cùng thiển bạc. Do đó, nhưTán Tụng Vinh Danh Thế Tôn nói:[12]
Không phước điền nào như ngài
Có ở trong tam giới-
Ngài là đấng ứng cúng tối thượng
Bậc thanh tịnh khiến cho lớp lớp chúng tăng được thanh tịnh.
Giống như chiều cao và bề rộng
Của vòm trời không có ngằn mé,
Quả của việc làm giúp ngài hoặc làm hại ngài
Cũng không có ngằn mé.
Bởi vì sự hành trì của quý vị có ngần đó nên quý vị ngay cả không thể nghĩ tới một phước điền tối thượng như quý vị nghĩ về một thửa ruộng bình thường, quý vị nên luôn nỗ lực cúng dường Tam Bảo. Làm như vậy năng lực của tâm liên quan đến các giai đoạn trên đường đạo sẽ gia tăng do kết quả của sức mạnh các thiện căn được vun trồng trong phước điền tuyệt hảo này. Do đó, khi năng lực của tâm quý vị còn yếu đến nỗi quý vị không thể ghi nhớ được từ ngữ khi học hỏi, không hiểu được ý nghĩa khi suy ngẫm, hoặc đạt được sự hiểu biết khi thiền quán, quý vị cần nương tựa vào năng lực của phước điền. Đây là một huấn thị cá nhân. Trong cùng nguồn cảm hứng này này, Úrî Mâtṛceṭa{Bảo Trang Mẫu Hầu} cũng nói:[13]
Bằng cách nương tựa nơi ngài, [Đấng Thế Tôn]
Tâm con, dù yếu cũng đà rộng mở
Như dòng sông vào mùa mưa,
Đạt được kỹ năng lớn trong sáng tác thi ca. [152]
Quý vị được dạy rằng việc cúng dường được xác định không phải bằng đối tượng vật chất đem cúng dường, mà bằng niềm tin. Như thế, nếu quý vị không có các sở hữu vật chất để cúng dường, thì cúng dường maṇḍala[14]và nước, hoặc những món không được xem là của cải và những thứ tương tự, cũng đủ nếu quý vị có niềm tin. Có người có các vật sở hữu nhưng không thể nào đem cho những món này, như trích dẫn câu kệ[15]: “Vì không có phước đức nên tôi rất nghèo; tôi không có của cải nào khác để cúng dường”. Điều này, như Bo-da-wa nói, cũng giống như người mù muốn đánh lừa người sáng mắt bằng cách bỏ một chút hương cỏ vào trong một cái chén hôi hám làm bằng vỏ ốc tù và rồi nói: “Đây là nước được làm thơm bằng trầm và long não”.
Pu-chung-wa nói: “Đầu tiên tôi cúng hương cỏ có mùi hăng. Kế đến tôi kiếm những nén hương dài, thơm làm bằng bốn chất đem dâng cúng. Bây giờ tôi cúng akaru, turuskacó mùi thơm và những thứ tương tự”. Cho nên nếu quý vị khinh thường những món cúng dường nhỏ và không đem cúng, toàn bộ cuộc đời mình sẽ trôi qua giống như thế. Tuy nhiên, nếu quý vị sốt sắng cố gắng trong từng giai đoạn, bắt đầu với những món nhỏ, tình trạng sẽ cải tiến. Quý vị nên thực hành giống như Pu-chung-wa. Người ta nói rằng có lần Pu-chung-wa đã tạo sư chuẩn bị cho một cúng dường hương trị giá 22 đồng tiền vàng.
Những bậc đại nhân có khả năng điều khiển được vật chất thị hiện ra hàng trăm ngàn thân, mỗi thân lại thị hiện ra hàng trăm ngàn tay. Đến thăm tất cả các cõi Phật, những vị này cúng dường các Đấng Điều Ngự trong nhiều kiếp lượng. Các bậc đại nhân có thể làm được tất cả những việc này, trong khi người khác chỉ nghĩ đến những thành tựu nhỏ trông như là đã tốt, và nói: “Tôi không trông chờ được giác ngộ qua việc cúng dường”. Đây là điều vô lý của những người chỉ học hỏi được một chút ít giáo pháp. Như thế, quý vị nên làm như Bảo VânKinh:[16]
Học hỏi bất kỳ những cúng dường rộng lớn và những hành động phục vụ trong những kinh điển giống như kinh này. Với quyết ý toàn tâm tối thượng, trước chư Phật và Bồ-Tát thành khẩn hồi hướng những cúng dường và những hành động phục vụ này.
(c)Khiến các chúng sinh khác được thuần thục trong cách hành trì này bằng cách chiếu cố đến họ với lòng bi mẫn [153]
Điều này có nghĩa là quý vị nên dùng mọi phương tiện sẵn có, quan tâm chăm sóc khiến các chúng sinh khác được thuần thục trong việc thực hành quy y.
(d)Khi tiến hành bất cứ việc gì, và với bất cứ mục đích gì, hãy cúng dường và khẩn cầu Tam Bảo, hãy từ bỏ mọi phương pháp thế gian khác
Khi tiến hành bất cứ việc gì, với bất cứ vì mục đích gì, hãy nương tựa nơi Tam Bảo và làm những điều phù hợp với Tam Bảo, chẳng hạn như cúng dường Tam Bảo. Không bao giờ làm điều gì không phù hợp với Tam Bảo, chẳng hạn như nương tựa nơi đạo Bon. Luôn giao phó thân mình cho Tam Bảo.
(e)Sau khi đã hiểu những lợi ích, hãy quy y ba lần ban ngày và ba lần ban đêm
Những lợi ích của việc quy y trước hết được giải thích theo Quyết Định Yếu Luận và sau đó theo những huấn thị các nhân.
(i)Những lợi ích như được trình bày trong Quyết Định Yếu Luận
Những lợi ích này được giải thích thành hai nhóm mỗi nhóm có bốn lợi ích
(a’)Nhóm bốn lợi ích đầu tiên
(1’)Quý vị sẽ tạo được rất nhiều phước đức
Như Luật Về Nhịp Trống Bất Tử (’Chi med rnga sgra’i gzungs)nói:[17]
Đức Thế Tôn thật không thể nghĩ bàn.
Giáo pháp siêu tuyệt cũng không thể nghĩ bàn.
Tăng-già cao quý không thể nghĩ bàn.
Ai có niềm tin nơi những điều không thể nghĩ bàn
Thì kết quả cũng không thể nghĩ bàn.
Cũng vậy, Ba-la-mật-đa Tập Luận (Paramitâ-samâsa)của ngài Thánh Dũng nói:[18]
Nếu công đức của việc quy y có sắc tướng,
Ngay cả ba cõi này cũng quá nhỏ không thể chứa hết công đức đó được –
Bàn tay chụm lại không thể đong đo
Đại dương, kho tích trữ nước.
(2’)Quý vị sẽ được cả hỷ lạc lẫn hỷ lạc tối thượng
Tự Thuyết Kinh nói:[19]
Những ai tưởng nhớ Đức Phật
Cả ngày lẫn đêm,
Quy y nơi ngài,
Hưởng được lợi thế của kiếp người.
Quý vị cũng cần áp dụng việc làm này cho hai bảo {Pháp và Tăng bảo} còn lại. Như thế những ai về nương tựa ba nơi quy y này sẽ được hỷ lạc hơn với ý nghĩ: “Ta thật sự đã được cái đáng để được!”
(3’)Quý vị sẽ đạt được định và (4’)đạt được sự thanh tịnh
Quý vị sẽ được giải thoát qua việc tu tập thiền định và trí tuệ.
(b’)Nhóm bốn lợi ích thứ hai
(1’)Quý vị sẽ được bảo vệ
Phần này sẽ được giải thích sau
(2’)Quý vị sẽ làm giảm, chấm dứt và hoàn toàn hủy diệt mọi ngăn che xuất phát từ niềm tin không chân chính
Quý vị sẽ làm giảm và thanh trừ những nghiệp xấu tích lũy do nơi quý vị đã tin theo những người thầy xấu, giáo pháp không chân chính và bạn hữu xấu và coi đó là chốn quy y.
(3’)Quý vị sẽ được liệt vào bậc xuất chúng, người thực sự thành tựu tình trạng siêu phàm
Quý vị được kể là bậc xuất chúng.
(4’)Quý vị làm vui lòng và được sự chấp thuận của thầy và bạn đạo, và của chư thần hoan hỷ nơi giáo pháp
Quý vị làm vui lòng thầy và bạn đạo. Chư giác thể hoan hỷ như thế nào? Chư giác thể ca hát tán tụng những người như vậy, hoan hỷ nghĩ: “Người có tên như thế này, người này giống như quý vị, đã quy y, sẽ quá vãng và sẽ tái sinh ở đây. Bởi vì người này đã quy y và đã thuần thục trong quy y, người này sẽ là bằng hữu của quý vị”.
(ii)Những lợi ích như được trình bày trong các huấn thị cá nhân
Như được trình bày trong các huấn thị cá nhân, những lợi ích của quy y gồm có 8 điều.
(a’)Quý vị được kể là các Phật tử
Nói chung, có nhiều cách để phân biệt một Phật tử và một người không phải là Phật tử. Tuy nhiên, bởi vì cách phân biệt theo các quy y của Trưởng Lão và Santipa được nhiều người công nhận, quý vị nên kể xem những ai đã quy y và không từ bỏ quy y là những Phật tử. Như thế để sơ khởi được liệt vào hàng Phật tử, quý vị phải bảo lưu việc tôn Tam Bảo làm thầy, v.v... Không có điều này, quý vị không được liệt vào hàng Phật tử cho dù quý vị đã vun trồng được bất cứ phẩm hạnh gì.
(b’)Quý vị xứng đáng được thọ trì tất cả các giới
Vi Diệu Pháp Tự Thích nói:[20]
Quy y là ngưỡng cửa dẫn tới việc thọ nhận mọi giới.
Cũng vậy, Thất Thập Kệ Tam Quy Y Hạnhcủa ngài Nguyệt Xứng nói:[21]
Này các hành giả cư sĩ, quy y Tam Bảo là cơ sở để thọ nhận tám giới.[22],[155]
Ý nghĩa muốn nói ở đây của các đoạn văn này là quý vị củng cố vững chắc ước nguyện đạt tới niết-bàn bằng cách quy y, và mọi giới đều từ đó mà khởi ra.
(c’)Làm giảm và diệt trừ những ngăn che do nghiệp đã tích lũy trước đây
Trong phần dạy rằng quy y sẽ thanh trừ các tội chướng, Bồ-tát Học Luận dạy:[23]
Ở đây quý vị nên lấy câu chuyện đầy tính cách giáo dục nói về con heo làm thí dụ.
Như thế, cũng như một vị trời sắp sửa phải tái sinh làm một con heo đã tránh được kiếp tái sinh như vậy bằng cách quy y, quý vị cũng có thể diệt trừ điều kiện để tái sinh trong một cõi khốn khổ bằng cách quy y. Do đó, có câu nói:
Những ai quy y Đức Phật
Không phải đi tới những cõi khốn khổ.
Sau khi bỏ thân người,
Họ được thân giác thể.
Giáo huấn này cũng áp dụng cho quy y Pháp và Tăng: một số tội chướng tích lũy trước đây được giảm đi, và một số được diệt trừ.
(d’)Quý vị sẽ tích lũy được phước đức to tát
Điều này đã được giải thích trước đây.
(e’)Quý vị sẽ không bị rơi vào các cõi khổ
Quý vị nên hiểu được điều này qua các giải thích trước đây.
(f’)Quý vị sẽ không bị các chướng ngại nhân hoặc phi-nhân ngăn trở
Như kinh có nói[24]
Chúng sinh, những người hoảng sợ
Hầu hết quy y nơi thần núi, rừng, đền đài,
Và cây cối ở những nơi chốn thiêng liêng.
Những chỗ quy y này không phải là trước hết;
Những chỗ quy y này không phải là tối thượng.
Nếu nương tựa nơi quy y như vậy,
Các ngươi sẽ không thoát khỏi mọi khổ não.
Khi quy y Đức Phật,
Giáo pháp và Tăng-già,
Với trí tuệ các ngươi sẽ thấy
Bốn Chân lý Cao cả -
Khổ, nguồn gốc của khổ,
Cách Đúng đắn vượt khổ,
Bát Chánh Đạo an lạc
Để đưa tới niết-bàn
Đây là chỗ quy y đứng đầu;
Đây là chỗ quy y tối thượng.
Nếu về nương tựa nơi quy y như vậy,
Các ngươi sẽ thoát khỏi mọi khổ não.
Ở đây quý vị nên dùng làm thí dụ những câu chuyện về một người ngoại đạo đã sai khiến được sợi dây thần, v.v....[25][156]
(g’)Quý vị sẽ thành tựu mọi ước muốn
Trước khi thực hiện một việc làm tôn giáo, nếu quý vị cúng dường Tam Bảo, quy y, và cầu nguyện để được thành công, quý vị sẽ dễ dàng thành tựu việc làm đó.
(h’)Quý vị sẽ mau chóng đạt được Phật quả
Sư Tử Cầu Vấn Kinh (Siṃha-paripṛcchâ-sûtra)nói:[26]
Bằng niềm tin ngươi vượt qua tình trạng thiếu an lạc.
Như thế, ai có được sư an lạc đặc biệt, gặp được chốn quy y, và tu tập theo con đường đặc biệt sẽ thành tựu Phật quả không chậm trễ.
Mỗi ngày, hãy tưởng nhớ tới các lợi ích theo cách trên đây. Rồi quy y ba lần ban ngày và ba lần ban đêm.
(i’)Giữ gìn quy y và không từ bỏ Tam Bảo ngay cả khi đùa giỡn hoặc phải mất mạng
Phải mất thân này, cuộc sống này và các phương tiện vật chất là điều không thể nào tránh được. Nhưng nếu vì những thứ này mà quý vị từ bỏ Tam Bảo, thì quý vị phải chịu khổ đau liên tục trong nhiều kiếp. Như thế, quý vị phải liên tục phát nguyện rằng cho dù việc gì xảy ra quý vị cũng sẽ không từ bỏ Tam Bảo – ngay cả không thốt ra những lời này trong lúc đùa giỡn.
Những vị thầy xưa nói có một giới là quý vị nên thực hành việc quy y đức Như Lai của bất cứ phương nào mà quý vị đang đi tới. Tôi chưa thấy từ nguồn nào về lời khuyên này.
Tôi đã trình bày sáu giới tổng quát theo cách các giới này xuất hiện trong Bồ-đề Đạo Đăng Luận của ngài Atiśa. Ba giới đầu tiên trong các giới đặc biệt được giải thích trong các kinh, ba giới còn lại được giải thích trong Lục Chỉ Quy Y Hành (Saḍ-aṅga-śaraṇa-gamana):[27]
Một hình tượng, một câu kệ hoặc
Một mảnh vụn vải vàng bị vất đi:
Do niềm tin và lòng tin tưởng, hãy xem đó là đấng Đạo Sư;
Đừng nhầm lẫn phủ nhận bất cứ điều gì ngài nói,
Nên để vật đó lên đảnh đầu;
Hãy coi người thanh tịnh và người bất tịnh
Như thể họ đều là người cao quý. [157]
Về những giới được rút ra từ Quyết Định Yếu Luận,[28]những câu của ngài Ga-ma-pa nói: “Neu-sur-ba không dạy những điều này [giới quy y], nhưng ngài và ta cùng nhận chúng từ ngài Gon-ba-wa”. Những giới quy y cũng có trong trình bày về các giai đoạn của đường đạo được truyền từ ngài Gon-ba-wa tới ngài Lum-ba-wa (Lum-pa-ba).
Bằng cách nào mà việc vi phạm những giới này sẽ làm suy yếu sự quy y và khiến quý vị từ bỏ quy y được giải thích như sau. Một số người khẳng định rằng nếu quý vị phạm phải sáu trong số các giới quy y – ba giới đặc biệt đầu tiên, cộng với các giới thường xuyên quy y, không từ bỏ quy y ngay cả phải mất mạng, và cúng dường Tam Bảo – tức là quý vị đã từ bỏ quy y. Những người khác lại bao gồm thêm ba giới đặc biệt sau cùng và khẳng định rằng vi phạm chín giới cấu thành việc từ bỏ quy y. Vi phạm những giới còn lại làm suy yếu quy y.
Tuy nhiên, thật sự từ bỏ quy y có nghĩa là quý vị đã vi phạm giới không được từ bỏ quy y cho dù phải mất mạng. Tương tự, ngay cả khi quý vị không từ bỏ Tam Bảo, nhưng nếu quý vị vừa theo Tam Bảo lại vừa theo một người thầy, giáo pháp, và giáo đoàn đi ngược lại Tam Bảo, thì quý vị vi phạm giới không nhìn nhận những quy y khác. Bởi vì quý vị không hoàn toàn phó thác mình để quy y, thì quý vị đã từ bỏ quy y. Tôi nghĩ rằng nếu không phạm hai điều này, những vi phạm khác chỉ là vi phạm mà thôi, chứ không phải là các nguyên nhân của việc từ bỏ quy y.
Như vậy, quy y là cánh cửa chính dẫn tới giáo pháp của Đức Phật. Nếu quý vị quy y không phải chỉ bằng ngôn từ, quý vị sẽ không bị khuất phục bởi những trở ngại bên trong và bên ngoài bởi vì quý vị đang nương tựa vào năng lực cao cả nhất. Bởi vì những phẩm chất tốt phát triển dễ dàng và khó bị suy thoái, chúng chỉ có thể tiếp tục tăng trưởng mà thôi. Do đó, điều cực kỳ quan trọng, như được giải thích trước đây, là giữ gìn các quy y bởi ý nghĩa của việc sợ khổ não, việc nhớ tới các phẩm chất cao quý của đối tượng quy y, v.v..., và việc cố gắng không vi phạm giới.
Câu hỏi: Như thế khi quý vị phát sinh sợ hãi thông qua chánh niệm về cái chết và qua suy nghĩ rằng, sau khi chết, quý vị sẽ tái sinh vào cảnh giới khổ não, chốn quy y che chở cho quý vị khỏi nỗi khổ này là Tam Bảo. Quý vị giữ gìn Tam Bảo làm chốn quy y và không phạm giới quy y. Tuy nhiên, bằng cách nào các quy y có thể bảo vệ quý vị?
Trả lời:Vô Vấn Tự Thuyết Phẩm (Tiểu Bộ kinh)nói:[29]
Ta, Như Lai, bậc Đạo Sư,
Chỉ cho các ngươi
Con đường chấm dứt khổ đau của kiếp sống;
Các ngươi cần phải theo con đường đó. [158]
Như thế, Đức Phật là thầy chỉ dạy quy y, và Tăng Già giúp quý vị thành tựu quy y, nhưng nơi quy y thật sự là Pháp Bảo, bởi vì một khi quý vị thành tựu Pháp, thì quý vị được giải thoát khỏi sợ hãi. Liên quan đến điều này, Pháp Bảo tối hậu được định nghĩa là sự hoàn thành đặc biệt của việc tăng trưởng tiệm tiến hai sự việc - sự xóa bỏ chỉ một phần những lỗi lầm của hành giả sơ cơ, và sự hiểu biết của hành giả này mang lại chỉ một phần phẩm chất thiện lành. Đây không phải là một việc xảy ra ngẫu nhiên.
[1]BA332 Vs, P5539: 17.2.4-5; cf. phần sau này: LRCM: 156.19.
[2]BA333 Mahâparinirvâṇa-sûtra V787:184.1.1-2.
[3]BA335 Vinaya-vibhaṅga {Phân Giải Về Giới Luật} (Lung mam ‘byed), P1032: 205.2.7-8.
[4]BA336 Vynaya-kṣudraka-vastsu(Lung phran tshegs) (Những phần nhỏ hơn của truyền thống này) là phần 3 của Luật Tạng. Chúng ta cũng thấy câu chuyện này trong mDzang lun zhe bya ba’i mdo (Dama-mûko-nâma-sûtra {Hiền Ngu Kinh}), P1008:106.3.6-107.1.3, ở đó tên nhà vua là Kri Kri, chứ không phải Carumat.
[5]Câu-lưu-tôn Phật là vị phật thứ tư trong bảy vị Phật quá khứ được mô tả trong Trường A-hàm Kinh(skt. Dîrgha Âgama– nghĩa là thánh điển dài), Thất Bộ Phật Kinhvà các văn điển Phật giáo khác. Ba vị Phật đầu được biết là đã thị hiện trong thời Trang Nghiêm Kiếp (skt. Vyûha Kalpa) tức là kiếp lượng trước kiếp lượng hiện tại bao gồm các vị Phật là Câu-lưu-tôn (skt. Krakucchanda), Câu-na-hàm-mâu-ni (skt. Kanakamuni), Ca-diếp (skt. Kashyapa), và vị Phật thứ tư chính là đức Thích-ca-mâu-ni (skt. Shakyamuni) là vị phật thuộc về thời Hiền Kiếp (skt. Bhadrâ Kalpa). (Wise Kalpa. Soka Gakkai International. SGI Dictionary of Buddhism.
<http://www.sgilibrary.org/>. Truy cập 31/05/2011).
[6]BA337 Adhyâúaya-saṃcodana-nâma-mahâyânâ-sûtra, {Thâm Tâm Cảnh Tỉnh Đại Thừa Kinh} P760: 59.4.2-4 Skt. Có trong Vaidya 1960b: 62-63.
[7]BA338 SR: 24.41ab;P795:308.4.6-7.
[8]BA339 Ibid: 9.58cd;P795: 284.3.5-6.
[9]BA340 Ârya-ratna-megha-nâma-mahâyânâ-sûtra, {Bảo Vân Đại Thừa Kinh– nghĩa là Kinh Đại Thừa Về Mây Báu Vật} P897: 218.5.6-7; Tri-samaya-vyûha-râja-tantra{còn có tên là Để-lí Tam-muội-da Bất Động Tôn Thánh Giả Niệm Tụng Mật Pháp}, P134: 101.2.8-101.3.3. Được trích dẫn trong Vaidya 1960b: 152, ở đây tên chỉ là Tri-samaya-raja{dịch: Tam-muội Bảo}.
[10]BA341 Hoa ưu-đàm {skt. uḍumbara} là một loại hoa rất lớn và có hương thơm tỏa khắp. Hoa này ra đời khi Đức Phật đản sinh và biến mất khi Đức Phật nhập niết-bàn.
[11]BA342 Bbh: P5538:187.4.4-190.2.2.
[12]BA343 Varṇârha-varṇe-stotra{tên Phạn đầy đủ: Varṇâ-varṇe-bhagavato-buddhasya-stotre-úâkya-stava} P2029:48.3.4-5.
[13]BA344 Varṇârha-varṇa-stotra{Xưng Tụng Tôn Kính Tán Dương}, P2029: 48.5.1-2. Tiếng Tây Tạng là dPal ldan ma khol.
[14]Trường hợp ở đây maṇḍalalà biểu tượng của hệ thống vũ trụ với núi Tu-di ở giữa, bốn châu lớn ở bốn hướng chính và tám châu nhỏ ở các hướng phụ. Cúng dường maṇḍalalà cúng dường toàn thể vũ trụ và những thứ tốt đẹp trong đó như cây như ý, bảo châu, v.v. Lối cúng dường trong trường hợp này biểu thị bằng một loại thủ ấn đặc biệt. The Meaning and Use of a Mandala. Alexander Berzin. 2003.
<http://www.berzinarchives.com/web/en/archives/advanced/tantra/level1_getting_started/meaning_use_mandala.html>. Truy cập 06/06/2011.
[15]BA345 BCA: 2.7ab; P5272:245.5.6.
[16]BA346 Ratna-megha-sûtra, P897: 183.5.8-184.1.1.
[17]BA347 ’Chi med rnga sgra’i gzungs (P359, vol. 7) được trì tụng cùng với Tri-ratnânusmṛti{Tam Bảo Tưởng Nhớ Kinh, tên đầy đủ: Ârya-tri-ratnânusmṛti-sûtra} trước khi dùng bữa.
[18]BA348 Paramitâ-samâsa-ratna, {Ba-la-mật-đa Tập Bảo Luận} P5340:11.5.1.
[19]BA349 Ud {còn gọi làVô Vấn Tự Thuyết hayTán Thán Kinh}: 15.9: P992: 94.5.1-3.
[20]BA350 Akbh: 630; P5591: 201.3.5.
[21]BA351 Tri-sarana-[gamana]-saptati; P5478: 281.1.2-3.
[22]BA352 Tám giới là các giới của tăng, ni, sa-di, sa-di ni, người tại gia nam, người tại gia nữ, người giữ giới một ngày nam và nữ.
[23]BA353 Vaidaya 1960:b: 98;P5336: 228.5.4. Câu chuyện này cũng có trong Sukarikavadana-nama-sutra ({Chúng Sinh Thí Dụ Kinh}– Kinh Khai Trí về loài Heo), và là đoạn 14 của Divyavadana (Vaidaya 1959b).
[24]BA354 Những câu kệ này tương tự như những câu kệ trong Ud, được trích dẫn trong Akbh: 3.32 (Shastri 1973: 630); P5591: 201.1.1-5.
[25]BA355 Lochö Rimbochay kể câu chuyện về một người, vốn không phải là Phật Tử, thắng được bất kỳ ai mà ông ta không thích bằng một sợi dây thừng phép thuật, nhưng khi ông ta dùng sợi dây này với một Phật Tử mà sau đó người này quy y Tam Bảo, sợi dây trở thành vô dụng.
[26]BA356 Ârya-siṃha-paripṛcchâ-nâma-mahâyânâ-sûtra, {Sư Tử Cầu Vấn Đại Thừa Kinh} Vaidya 1960b: 6, P760:149.2.5. Đây là phần 27 của Ratna-kûṭa{Bảo Hằng Tập Kinh}.
[27]BA357 Saḍ-aṅga-śaraṇa-[gamana], {Lục Chỉ Quy Y Hành tức là 6 tôn chỉ về việc quy y}P5637:176.2.5.
[28]BA358 Vs, 5539:17.2.1-17.4.2.
[29]BA359 Ud: 12.10; P992:93.5.3.