Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

136. Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt

19/05/202011:35(Xem: 10759)
136. Đại Kinh Nghiệp Phân Biệt

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


136. Đại Kinh NGHIỆP PHÂN BIỆT

(Mahàkammavibhanga sutta)

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả

          Trú Vương Xá – Rá-Chá-Ga-Ha

              Tinh Xá Vê-Lú-Va-Na         ( Veluvanavihàra )

       Trúc Lâm Tinh Xá cũng là nơi đây.

 

          Lúc bấy giờ, ở đây có vị

          Tôn-giả Sa-Mít-Thí đã từng            ( Samiddhi )

              Trú tại cái cốc trong rừng.

       Một hôm có du sĩ dừng chân đây,

          Du sĩ ngoại đạo này, tên gã

          Là Pô-Ta-Li-Pút-Tá thành danh.   ( Potaliputta )

              Tiêu dao tản bộ du hành,

       Đến gặp Tôn-giả thiền hành nói trên.

          Du sĩ liền thốt lên lời nói

          Để thăm hỏi thân hữu, xã giao

              Rồi y một bên ngồi vào

       Thưa qua Tôn-giả một câu hỏi là :

 

     – “ Biết chăng Sa-Mít-Thi Hiền-giả !

          Trước mặt vị Giác Giả Phật Đà

              Tự thân tôi đã nghe qua,

       Tự thân ghi nhận sâu xa lời Ngài :

         ‘Thân nghiệp này là hư vọng vậy !

          Khẩu nghiệp ấy cũng hư vọng rồi,

              Chỉ ý nghiệp chân thật thôi ! 

       Có một thiền chứng từ nơi điều này    

          Thành tựu thiền chứng đây sẽ đạt

          Không có một cảm giác xảy ra ”.

 

         – “ Này Pô-Ta-Li-Pút-Ta !

       Hiền giả chớ có nói ra như vầy.

          Chớ có phỉ báng Ngài Thiện Thệ,

          Phỉ báng đức Thiện Thệ Phật Đà

              Là không tốt, thật xấu xa !

       Phật không hề nói như là điều trên

          Mà ông vừa nói lên, quấy quá ! ”.

 

    – “ Này Hiền-giả ! Xin hỏi một câu

              Ngài xuất gia đã bao lâu ? ”.

 

 – “ Tôi xuất gia cũng chỉ vào ba năm ”.  

 

    – “ Tôi sẽ tầm các vị Phích-Khú

          Là Trưởng Lão kỳ cựu, hỏi rằng : 

             ‘Làm gì khi Tỷ Kheo tân

       Nghĩ phải bảo vệ nghiêm cần Đạo Sư ?

          Thưa Hiền-giả ! Còn như ai đó

          Khi đã có sẵn dụng ý là

              Thân & khẩu & ý nghiệp làm ra

       Người ấy có cảm giác qua là gì ? ”.

 

    – “ Hiền-giả Pô-Ta-Li-Pút-Tá !

          Khi y đã có dụng ý là

              Thân & khẩu & ý nghiệp làm ra

       Cảm giác đau khổ xảy ra tức thì ”.

 

          Pô-Ta-Li-Pút-Ta nghe đoạn

          Không tán thán, không phản đối gì

              Lời Tôn-giả Sa-Mít-Thi

       Đang ngồi đứng dậy, rồi đi tức thời.

          Khi du-sĩ đã rời trú xá 

          Sa-Mít-Thí Tôn-giả đi qua

              Chỗ Tôn-giả A-Nan-Đa

       Thuật lại câu chuyện xảy ra những gì.

          Nghe lời Sa-Mít-Thi thuật tả

          A-Nan-Đa Tôn-giả bảo là :

 

        – “ Hiền-giả Sa-Mít-Thi à !

       Đề tài Sư đã thuật qua như vầy

          Cần phải yết kiến ngay Điều Ngự,

          Theo thứ tự chuyện này trình bày

              Để Phật rõ ý nghĩa này,

       Tùy lời Ngài dạy, theo đây thọ trì ”.

 

          Tôn-giả Sa-Mít-Thi đồng ý

          Cùng với vị Tôn-giả A-Nan

              Nhắm hương thất Phật đi sang,

       Hai vị đảnh lễ nghiêm trang Phật Đà

          Rồi ngồi xuống bên tòa Điều Ngự,

          Ngài A-Nan thứ tự trình lên

              Về câu chuyện đã nói trên

       Du sĩ ngoại đạo có tên đủ là

          Pô-Ta-Li-Pút-Ta – dừng nghỉ  

          Gặp Sư Sa-Mít-Thí, nói là :

 

             ‘Tự thân tôi đã nghe qua,

       Tự thân ghi nhận sâu xa lời Ngài :

         ‘Thân nghiệp này là hư vọng vậy !

          Khẩu nghiệp ấy cũng hư vọng rồi,

              Chỉ ý nghiệp chân thật thôi ! 

       Có một thiền chứng từ nơi điều này    

          Thành tựu thiền chứng đây sẽ đạt

          Không có một cảm giác xảy ra’.

              Rồi y cũng lại hỏi là :

 

      ‘Thân & khẩu & ý nghiệp làm ra, vậy thì

          Người ấy sẽ có gì cảm giác ?’

          Sa-Mít-Thi đã đáp lại là :

             ‘Một người dụng ý làm ra

       Thân & khẩu & ý nghiệp trải qua như vầy

          Thời người này cảm giác đau khổ’.

          Du sĩ ấy từ chỗ đang ngồi

              Bỏ đi, không nói một lời ”.

 

       Thế Tôn nghe vậy, tức thời nói ngay :

 

    – “ A-Nan này ! Ta chưa từng thấy

          Du sĩ ngoại đạo ấy, tức là

              Gã Pô-Ta-Li-Pút-Ta

       Thời xảy chuyện ấy vốn là từ đâu ?

          A-Nan-Đa ! Với câu hỏi ấy

          Đáng lý phải trả lời đàng hoàng

              Có sự phân tích rõ ràng

       Để du-sĩ ấy dễ dàng tường tri,

          Lại được kẻ ngu si thiểu trí

          Sa-Mít-Thí trả lời một chiều ”. 

 

              Nghe vậy, một vị Tỷ Kheo

       Tên U-Đa-Dí do theo việc này

          Bạch Thế Tôn : “ Xin Ngài giảng nghĩa

          Nếu đây là ý nghĩa dựa trên

              Sư Sa-Mít-Thi nói lên

       Gì là cảm giác do nên thọ này

          Là cảm giác có đầy đau khổ ? ”.

 

          Đấng Giác Ngộ Thế Tôn nghe qua  

              Bảo Tôn-giả A-Nan-Đa :

 

 – “ Hãy xem đạo lộ thật là lầm sai

 

          Của U-Đa-Di này là kẻ

          Nói ra với lời lẽ ngu si

              Ta biết rằng nếu mà y

      (Tức U-Đa-Dí) mọi thì trải qua

          Mở miệng ra khi cần đề cập

          Vấn đề gì, thì vấp đụng vào

              Thật không như lý chút nào.

       Này A-Nan ! Điểm khởi đầu của y

         (Pô-Ta-Li-Pút-Ta) hỏi đó

          Là về ba cảm thọ mọi thì.

              Nếu kẻ ngu Sa-Mít-Thi

       Thông hiểu, đáp lại tức thì như sau :

 

         ‘Này Hiền-giả ! Người nào dụng ý

          Làm thân nghiệp, khẩu & ý nghiệp này

              Khả năng lạc thọ đạt ngay

       Y cảm giác lạc thọ đầy xảy ra.

          Pô-Ta-Li-Pút-Ta Hiền-giả !

          Nếu tam nghiệp có khả năng là

              Đưa đến khổ thọ xấu xa

       Y cảm giác khổ thọ ra như vầy.

          Hiền-giả này ! Nếu ai dụng ý

          Thân & khẩu & ý nghiệp đó thực hành

              Có khả năng đưa đến nhanh

       Bất khổ bất lạc thọ sanh tức thời

          Y cảm giác bất khổ bất lạc’.

          Nên trả lời dứt khoát như vầy.

              Kẻ ngu Sa-Mít-Thí này

       Phải đáp chân chánh đủ đầy trải qua

          Cho gã Pô-Li-Ta-Pút-Tá.

 

          A-Nan-Đa ! Hoặc giả những người

              Du-sĩ ngoại đạo khắp nơi

       Ngu si, kém học hiểu lời Như Lai

          Hiểu được ngay ‘đại phân biệt nghiệp’

          Của Như Lai, có dịp nghe qua,

              Nếu ông, này A-Nan-Đa !

       Nghe Ta phân tích rõ ra nghiệp này ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Xin Ngài bi mẫn

          Giảng tường tận ý nghĩa sâu xa

              Phân tích đại phân biệt qua

       Về nghiệp – Tăng Chúng hiểu ra, thọ trì ”.

 

    – “ A-Nan-Đa ! Vậy thì nghe kỹ

          Và hãy khéo tác ý, nhớ ghi ”.

 

        – “ Thưa vâng, bạch đấng Toàn Tri ! ”.  

 

       Thế Tôn liền giảng uy nghi như vầy :

 

    – “ A-Nan này ! Loài người có bốn

          Có mặt, sống ở đời  như vầy.

              Sao là bốn hạng người này ?

    * A-Nan ! Phải biết ở đây có người

          Thường sát sanh, hoặc người trộm cướp,

          Sống tà hạnh trong các dục tà,

              Nói láo, hai lưỡi, ba hoa

       Phù phiếm, ác khẩu, nói ra bao lần,

          Có tham dục, hận sân, tà kiến,

          Khi thân hoại sinh đến tức thì

              Địa ngục, đọa xứ hiểm nguy.

 

    * Nhưng cũng có kẻ sau khi chết rồi 

          Sanh thiện thú, cõi đời, Thiên giới.

 

       * A-Nan-Đa ! Còn với người mà

              Từ bỏ sát sanh cùng là

 

       Từ bỏ trộm cướp, tránh xa hạnh tà,

          Cũng tránh xa ác khẩu, lưỡng thiệt,

          Quyết tận diệt lời nói ba hoa,

              Sau khi thân hoại, sinh qua

       Thiên giới, thiện thú, sinh qua cõi đời.

 

       * Nhưng đồng thời, một số người khác

          Từ bỏ sát, trộm đạo, dâm tà,

              Ác khẩu, hai lưỡi, ba hoa…

       Nhưng sau khi chết, trải qua khổ sầu

          Sinh cõi dữ hoặc vào địa ngục,

          Hoặc đọa xứ thằng thúc dẫy đầy.

 

              A-Nan-Đa ! Nhưng ở đây

       Có vị Phạm Chí hay thầy Sa-Môn

          Nhờ nhiệt tâm, dụng công tinh tấn

          Nhờ cần mẫn, không phóng dật gì,

              Nhờ chánh tác ý mọi thì

       Nên tâm nhập định, và khi định thần

          Nhờ thiên nhãn siêu nhân thanh tịnh

          Vị ấy chính tự thấy đành rành

              Có người trộm cướp, sát sanh

       Tà hạnh trong các dục dành truy hoan,

          Nói dối gian, hai lưỡi, ác khẩu…

          Do quả báo ác đã thực hành

              Sau khi thân hoại, đọa sanh

       Địa ngục hoặc cõi chẳng lành, khổ đau.

 

          Vị ấy nói như sau : “ Thật sự

          Có ác nghiệp, quả dữ ác hành,

              Chắc chắn những kẻ sát sanh

       Trộm cướp, dối trá, lưu manh dâm tà,

          Có tham dục hoặc là sân hận,

          Có tà kiến… khi tận mạng rồi

              Phải sinh cõi dữ mà thôi !

       Đọa xứ, địa ngục… là nơi sinh vào ! ”.

          Những người nào hiểu biết như vậy

          Là người ấy hiểu biết chánh chân.

              Ngược lại, họ thuộc thành phần

       Tà trí, vì họ không phân chánh tà.

          A-Nan-Đa ! Như vậy vị ấy

          Tự mình biết, tự thấy, hiểu vầy

              Vị ấy nắm giữ, chấp ngay

       Tuyên bố : ‘Chỉ có điều này đúng thôi !

          Ngoài ra thời đều là hư vọng’.

 

          Có những vị không phóng dật gì

              Nhờ chánh tác ý, tinh cần

       Tâm liền nhập định, dần dần thấy ngay

          Thấy được như có ai thực hiện

          Sát, đạo, dâm, tà kiến, dục, sân,

              Nhiều ác hạnh khẩu, ý, thân

       Nhưng khi thân hoại được phần tốt tươi

          Sinh Thiên giới, cõi đời giàu có.

          Các vị đó lên tiếng tức thì :

             ‘Thật sự không ác nghiệp gì,

       Không có quả báo, chẳng chi ác hành’.

          Và các vị đinh ninh chấp trước

          Nắm giữ, tuyên bố được ra lời :

             ‘Như vậy là chân thực rồi !

       Ngoài ra đều hư vọng thôi !’. Hiểu vầy.

 

      *  A-Nan-Đa ! Ở đây các vị    

          Sa-môn hay Phạm-chí nhiệt tâm

              Nhờ sự nỗ lực, tinh cần 

 

       Nên tâm nhập định, mắt thần siêu nhân

          Thấy được rằng có người từ bỏ

          Sự sát sanh, không có tham gian,

              Ngũ giới vâng giữ nghiêm trang

       Lại có chánh kiến. Giữa đàng mệnh chung

          Sanh thiện thú, sống cùng Thiên giới

          Hoặc cõi đời tài lợi biết bao.

 

              Vị ấy liền nói như sau :

      ‘Thật sự thiện nghiệp đáo đầu có đây !

          Quả báo thiện hạnh này là có,

          Ta thấy có sự kiện rõ bày.

              Những ai hiểu, biết như vầy

       Là sự hiểu, biết tròn đầy, chánh chân.

          Những ai biết khác phần như vậy

          Trí người ấy là tà trí đây !’.

              Tự biết, thấy, hiểu như vầy

       Vị ấy nắm giữ, chấp ngay, nói là :

         ‘Chỉ như vậy mới là chân thật,

          Ngoài ra tất hư vọng mà thôi !’.

 

          *  Này A-Nan-Đa ! Đồng thời  

       Sa-môn, Phạm-chí do nơi tinh cần,

          Nhờ nhiệt tâm, nhờ chánh tác ý

          Nên nhập định, tâm trí siêu trần,

              Nhờ vào thiên nhãn, thấy rằng

       Có kẻ đức hạnh, tự thân tu hành

          Không sát sanh, trộm cướp, tà hạnh,

          Không dối trá, có chánh kiến cùng

              Nhưng khi thân hoại mệnh chung

       Sinh vào địa ngục hãi hùng, hoặc sa

          Vào cõi dữ hay là đọa xứ…

          Vị ấy nói : ‘Thật sự đó là

              Không có những thiện nghiệp, và

       Quả báo thiện hạnh cũng là số không’.

 

          Như vậy, trong điều vị ấy biết 

          Tự thấy, hiểu cá biệt ở đây

              Vị ấy nắm giữ, chấp ngay

       Tuyên bố : ‘Chỉ có điều này đúng thôi !

          Ngoài ra thời đều là hư vọng’.

 

          A-Nan ! Trong đời sống cơ cầu

              Sa-môn, Bà-la-môn nào

       Nói rằng : ‘Các ác nghiệp sau kiếp này

          Chắc chắn là người vay phải trả’

          Ta chấp nhận nhân quả như vầy.

              Hoặc là vị ấy nói ngay :

      ‘Tôi thấy những kẻ lòng đầy ác nhân

          Thực hiện phần sát sanh, trộm đạo

          Tà hạnh và nói láo, ác ngôn,

              Hai lưỡi, phù phiếm bông lơn

       Tham sân si độc vẫn còn gia tăng  

          Khi mãn phần, sinh vào cõi dữ,

          Vào đọa xứ, địa ngục khổ đầy’.

              Ta cũng chấp nhận điều này.

 

       Còn như vị ấy  như vầy nói ra :

         ‘Chắc chắn là những kẻ làm ác

          Khi mệnh chung đọa lạc tức thì

              Cõi dữ, địa ngục âm ti…’

       Ta không chấp nhận điều ni. Hoặc là

          Họ nói ra : ‘Những ai biết vậy,

          Những vị ấy đã biết đúng ngay,

              Những ai biết khác như vầy    

       Họ thuộc tà trí’. Điều này Như Lai

          Không chấp nhận mảy may. Hoặc giả

          Vị ấy đã tự biết, thấy ngay

              Tự mình hiểu rõ điều này,

       Nắm giữ, chấp trước trình bày ở đây :

         ‘Chỉ như vầy mới là đúng đấy !

          Khác như vậy, hư vọng cả thôi !’

              Như Lai phủ nhận tức thời

       Vì sao như vậy ?  Khác nơi trí này.

          A-Nan ! Trí Như Lai quả thiệt

         ‘Đại phân biệt về nghiệp’ sâu xa.

 

              Ở đây, này A-Nan-Đa !   

       Cũng như khi có vị Bà-la-môn

          Hay Sa-môn nào nói quả quyết :

        ‘Chắc chắn không ác nghiệp mọi thì

              Không quả báo ác hạnh gì’. 

       Ta không chấp nhận điều ni. Nhưng mà  

          Khi vị ấy nói là chính họ

          Đã thấy có người ác sát sanh,

              Trộm cướp, khẩu nghiệp chẳng lành,

       Tà dâm, tam độc thực hành ngày đêm,

          Nhiều ác hạnh lại thêm tà kiến

          Khi chết, lại cõi thiện tái sinh

              Sinh vào Thiên giới, đời lành…

       Nhưng Như Lai chấp nhận nhanh điều này.

 

          Còn ở đây nếu mà họ nói :  

        ‘Chắc chắn người làm mọi ác hành

              Khi mạng chung, được tái sanh

       Vào nơi Thiên giới, cõi lành, nhân gian’

          Thời Như Lai sẵn sàng phủ nhận.

          Còn họ vẫn cứ tuyên bố ra :

            ‘Những ai biết vậy mới là

       Sự biết chân chánh, ngoài ra là tà’.

 

          Hoặc cho là những ai tự biết

          Tự thấy thiệt, hiểu rõ điều này

              Vị ấy nắm giữ, chấp ngay

       Và tuyên bố : ‘Chỉ như vầy đúng thôi !’

          Như Lai thời phủ nhận điều ấy,

          Vì sao vậy ? Khác biệt ở đây

              Là do trí của Như Lai

      ‘Đại phân biệt về nghiệp’ này sâu xa.

 

          A-Nan-Đa ! Còn như có vị 

          Sa-môn hay Phạm-chí nói là :

            ‘Chắc chắn có thiện nghiệp mà !

       Quả báo thiện nghiệp xảy ra đúng thì’,

          Ta chấp nhận cho vì nói ấy.

          Hay nói : ‘Tôi đã thấy có vì

              Nghiêm mật ngũ giới thọ trì

       Và có chánh kiến, sau khi chết rồi

          Sinh tức thời thiện thú, Thiên giới

          Hoặc cõi đời phúc lợi đủ đầy’.

              Như Lai chấp nhận điều này.

       Nhưng nói : ‘Chắc chắn những ai mọi thì

          Gắng thọ trì ngũ giới, chánh kiến

          Khi thân hoại, thuộc diện tái sanh

              Thiện thú, Thiên giới, cõi lành’.

       Ta không chấp nhận ý sanh khởi này.

 

          Hay vị khác ở đây nói tiếp :

         ‘Chắc chắn không thiện nghiệp nào đâu !

              Không quả báo thiện hạnh nào’.

 

       Ta không chấp nhận nhằm vào điều đây.

          Nhưng vị này nói rằng thấy rõ

          Người từ bỏ ác hạnh, kiến tà

              Sau khi mạng tận, sinh qua

       Cõi dữ, địa ngục hoặc là súc sanh’.

          Ta tán thành, chấp nhận điều đấy.

 

          Nhưng vị ấy nói : ‘Chắc chắn là

              Những ai thiện hạnh trải qua,

       Chánh kiến, nhưng chết đọa sa chẳng lành

          Vào địa ngục, súc sanh, cõi dữ

          Vào ác thú, đọa xứ nơi đây’.

              Ta không chấp nhận điều này.

 

       Nếu vị ấy nói như vầy ở đây :

         ‘Những ai biết điều này, chứng tỏ

          Vị ấy có hiểu biết đúng ngay,

              Còn ai biết khác điều này

       Họ thuộc tà trí’. Như vầy Như Lai

          Không chấp nhận điều này của họ.

          Nếu vị ấy tự biết, thấy vầy

              Tự mình hiểu rõ ở đây

       Vị ấy nắm giữ, chấp rày điều trên,

          Tuyên bố lên : ‘Như vầy đích thực

          Mới chân thực, ngoài ra đều sai’.

              Ta cũng phủ nhận vị này.

       Vì sao ? Trí của Như Lai mọi bề

         ‘Đại phân biệt thuộc về nghiệp’ đó.

 

          A-Nan-Đa ! Người có ác hành

              Trộm cướp, tà hạnh, sát sanh

       Khẩu nghiệp, tà kiến… sẵn dành đọa sa

          Vào ác thú hoặc là cõi dữ    

          Vào địa ngục, đọa xứ chẳng dời

              Hoặc một ác nghiệp, tức thời

       Có cảm giác khổ thọ nơi người này.

          Làm trước, hay một ác nghiệp khác

          Đưa cảm giác khổ thọ do vào

              Người ấy thực hiện về sau,

       Hay trong lúc chết dựa vào, bám ngay

          Một tà kiến người này chấp chặt,

          Do vậy, sau khi mất sinh qua

              Địa ngục, cõi dữ đọa sa.

       Và ai bất luận gần xa, khi mà

          Hành ác hạnh hoặc là tà kiến

          Phải lãnh thọ bất thiện quả này,

              Hiện tại định khởi lên ngay

       Hay một đời khác trả vay thuận tùy.

     

          A-Nan-Đa ! Một khi người nọ

          Đã từ bỏ ác hạnh mọi thời

              Chánh kiến, sau khi chết rồi

      Sanh vào thiện thú, cõi đời, chư Thiên 

         Hoặc do một nghiệp duyên thiện có

         Đưa cảm giác lạc thọ đến ngay

             Do người này làm trước đây,

 

       Hay một thiện nghiệp người này, đưa ngay 

          Cảm giác đầy lạc thọ lan mãi

          Do người ấy thực hiện về sau.

              Hay trong khi chết, nương vào

       Một chánh kiến được nhận mau, chấp liền

          Do vậy khi tận duyên thân hoại

          Liền sinh lại thiện thú, cõi đời

              Hay sinh lên các cõi Trời.                          

 

       Với ai thiện hạnh từ lời, ý, thân

          Có chánh kiến, thì phần phải có

          Là lãnh thọ quả báo khởi mau

              Hiện tại hay những đời sau.

 

       A-Nan ! Còn những người nào ở đây  

          Các thiện hành đêm ngày thực hiện

          Từ bỏ chuyện sát, đạo, dâm hành,

              Nói với bốn khẩu nghiệp lành,

       Chánh kiến. Nhưng chết lại sanh đọa đày

          Cõi dữ hay đọa xứ, địa ngục,

          Vì là lúc một ác nghiệp nào

              Đưa cảm giác khổ thọ mau

       Do người ấy đã làm vào trước đây.

 

          Hay một ác nghiệp rày đưa tới  

          Cảm giác khổ thọ với chính y

              Làm về sau. Hay trong khi

       Mệnh chung, một tà kiến gì đến ngay

          Được người này chấp nhận, bám chặt

          Do vậy sau khi mất phải sa

              Cõi dữ, ác thú hay là

       Đọa xứ, địa ngục trải qua lâu dài.

          Và ở đây, những ai dứt mạnh

          Các ác hạnh, có chánh kiến tuyền

              Người ấy phải lãnh thọ liền

       Quả báo được khởi hiện tiền xảy ra

          Ngay, hay là trong các đời tiếp.

 

          A-Nan-Đa ! Có nghiệp ở đây   

              Vô-hữu tợ vô-hữu, hay

       Có nghiệp vô hữu cũng tày hữu đây,

          

 

          Có nghiệp hữu giống rày với hữu

          Có nghiệp hữu giống vô hữu này ”.

 

              Thế Tôn thuyết giảng như vầy

       A-Nan tín thọ, theo đây hành trì ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*

*  *

 

(  Chấm dứt Đại Kinh số 136 :  NGHIỆP PHÂN BIỆT  –  MAHÀKAMMAVIBHANGA  Sutta  )  

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2024(Xem: 1393)
Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên.
12/06/2024(Xem: 715)
Lời người chuyển ngữ: Thông thường khi nói đến ngồi thiền hay thực hành chánh niệm chúng ta lập tức nghĩ đến việc ngồi yên, ngồi một cách nghiêm trang và chú tâm vào hơi thở hay những cách khác (tùy theo phương pháp chỉ – quán…). Tuy nhiên chúng ta cũng nghe đến tứ oai nghi đi – đứng - nằm – ngồi, nghĩa là ta có thể giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh và tư thế, điều này phụ thuộc vào năng lực, ý chí của mỗi cá nhân. Trong lá thư gởi độc giả của tạp chí Lion’s Roar (Sư Tử Hống), ngày 51/05/24 có đề cập đến việc ứng dụng và thực hành chánh niệm trong sự di chuyển động, trong lá thư này có dẫn lời của Francis Sanzaro một nhà leo núi chuyên nghiệp và cũng là một Phật tử đã áp dụng chánh niệm trong việc leo núi. Việc ứng dụng chánh niệm trong sự vận động hàng ngày đôi khi tôi cũng có chút xíu kinh nghiệm. Tôi thường chạy bộ, bơi lội… và giữ chánh niệm và cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là khi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Phật. Tôi nhận thấy mọi người ai cũng có thể áp dụng thực hành chán
12/06/2024(Xem: 692)
Sống ở đời, mọi người chúng ta ai ai cũng đã từng ít nhất một lần buộc miệng than: “Sao khổ vậy trời? Sao khổ thế này?”. Khổ là bản chất của đời sống hiện hữu, khổ là tất yếu vì sự thay đổi của vô thường. Đã sanh làm người, đã sống trong đời thì không thể tránh khỏi khổ, cho dù đó là tỷ phú cực giàu, tổng thống cực quyền hay là kẻ ăn mày khố rách áo ôm. Khổ có vô vàn nhưng chung quy lại không ngoài: Sanh, già, bệnh, chết, muốn mà không được, thương phải chia lìa, ghét phải chung đụng, thân và tâm đầy phiền não như lửa cháy. Khổ vì sanh – tử là điều bất khả kháng, khổ vì những ác nghiệp đã chín muồi thì cũng không thể tránh được, duy cái khổ của sự mong cầu, ham muốn, thèm khát là điều mà chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc tránh được.
04/06/2024(Xem: 877)
Ta lên núi, học làm Tiên nhẫn nhục, Mặc thói đời nhân ngã với thị, phi! Mây có hẹn, mà quên về cũng được, Gió có lay, trăng nghiêng ngã hề chi!
02/06/2024(Xem: 1202)
Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?
30/05/2024(Xem: 890)
Đại Trí Độ Luận nói: “Biển cả Phật pháp, tin thì vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín làm tay. Như người có tay, đến nơi trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Nếu người không tay, chẳng được thứ gì”. Cũng có câu: “Vừa vào cửa tín, liền lên Tổ vị”. “Mũi Tên Xuyên Vách” ra đời góp một niềm tin nhỏ cho người sơ cơ, chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Rất mong bạn đọc bốn phương bổ chính để được tốt hơn trong những lần tái bản tới. Xin thành thật tri ân.
24/05/2024(Xem: 8914)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.
17/05/2024(Xem: 675)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó. Bản chất thời gian là gì thì ai mà biết, nó vốn vô hình, vô tướng, vô trọng lượng, vô sắc, vô thanh… Nó không đầu không cuối và dĩ nhiên cũng không thể nào biết đâu là chặng giữa. Con người, vạn vật muôn loài và thế giới này có hình thành hay hoại diệt thì nó vẫn cứ là nó. Nó chẳng sanh ra và cũng chẳng mất đi.
17/05/2024(Xem: 1537)
Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC)
12/05/2024(Xem: 1917)
Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà… Những người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói chung).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]