Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

130. Kinh Thiên Sứ

19/05/202011:33(Xem: 8803)
130. Kinh Thiên Sứ

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập IV
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


130. Kinh  THIÊN SỨ

( Devadùta sutta )

     

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời nọ Thế Tôn Thiện Thệ 

          An trú tại Xá-Vệ thành này

              Sa-Vát-Thí  cũng là đây

       Kỳ Viên Tinh Xá  hôm mai tịnh, hòa

          Còn có tên Chê-Ta-Va-Ná

          Cấp-Cô-Độc Trưởng giả tín gia

              A-Na-Thá-Pin-Đi-Ka

       Tín thành dâng đến Phật Đà trước đây.

 

          Tại nơi này Ngài gọi Tăng Chúng :

 

    – “ Này Tăng Chúng ! Hãy khéo nghe đây ”.

 

              Chư Tỷ Kheo tại nơi này

       Vâng đáp lời Phật. Rồi Ngài thuyết ngay :

 

    – “ Chúng Tăng này ! Như nhà có cửa

          Một người đứng chính giữa nhìn ra

              Thấy những người đi vào nhà,

       Đi qua đi lại, đi ra khỏi nhà.

          Cũng vậy, Ta nhìn với thiên nhãn

          Siêu nhân và viên mãn tịnh thanh

              Thấy rõ các chúng hữu tình

       Chết đi sinh lại, hành trình chuyển di,

          Kẻ hạ liệt, người thì sang cả

          Kẻ xấu xí, người quá đẹp trai

              Tùy theo hạnh nghiệp người này

       Thiện thú, ác thú hiện ngay như vầy.

          Ta nghĩ ngay : ‘Các hữu tình đó

          Vì do họ thành tựu an lành                          

              Về thân, khẩu, ý-thiện-hành

       Không công kích bậc tịnh thanh Thánh hiền,

          Có chánh kiến, cần chuyên hành thiện

          Nghiệp phù hợp chánh kiến vô cùng,

              Sau khi thân hoại mạng chung

       Sinh lên Thiện thú, Thiên cung cõi Trời,

          Sinh làm người giàu sang phú quý.

 

          Còn hữu tình nào bị ác duyên

              Thành tựu thân-ác-hành riêng,

       Ác hành khẩu, ý liên miên thực hành

          Công kích bậc Thánh, sanh tà kiến

          Nghiệp phù hợp tà kiến xấu xa

              Sau khi thân hoại, sinh qua

       Vào cõi ngạ-qưỷ hay là bàng-sanh,

          Hoặc bị sanh ác thú, cõi dữ,

          Sinh đọa xứ, địa ngục… chốn này.

              Các Tỷ Kheo ! Tại nơi đây

       Ngưu đầu mã diện sẵn bày khảo tra

          Thừa lệnh Vua Dạ-Ma nơi ấy

          Liền bắt lấy người tội đọa sa

              Dẫn đến Diêm Vương (Dạ-Ma)   (1)

       Thưa rằng : ‘Y chẳng xứng là Sa-môn

          Không xứng Bà-la-môn cao thượng,

          Không kính bậc trưởng thượng trong nhà

              Ngài hãy trừng phạt y ta’.

 

       Các Tỷ Kheo ! Vua Dạ-Ma tức thời 

          Thẩm vấn người tội vừa nói đó :

     _____________________________

 

    (1) :  Cõi trời Yàmà (Dạ Ma) và Vua trời Dạ-Ma: Suyàma,

             thường được gọi là Diêm Vương.        

 

      - ‘Này người kia ! Ngươi có thấy qua

              Thiên Sứ thứ nhất hiện ra

       Giữa thế gian, cõi người ta không nào ?’

 

       - Thưa Diêm Vương ! Con đâu có thấy’.

 

      - ‘Ngươi có thấy trẻ nít sinh ra

              Yếu ớt nằm ngửa khóc la

       Giữa phân tiểu nó thải ra không nào ?’.

 

      - ‘Thưa ! Ban đầu người nào cũng thế’.

 

      - ‘Này người kia ! Có thể ngươi là

              Người có ý thức, tuổi già             

       Nhưng ngươi không nghĩ rằng : ‘Ta ra đời

          Bị sự sanh đồng thời chi phối

          Không thoát khỏi sự sanh cõi trần,

              Ta hãy làm thiện về thân,

       Làm thiện về khẩu & ý, cần cả ba’.

 

      - ‘Thưa Diêm Vương ! Thật là quá khó !

          Con không có thực hiện, bởi vì

              Con bị phóng dật phủ vi’.

 

       Vua Diêm vương ấy tức thì bảo y :

 

       - ‘Này người kia ! Nếu vì phóng dật

          Sự giải đải cố tật của ngươi,

              Ngươi không làm thiện mọi thời

       Về thân, khẩu, ý trong đời của ngươi  

          Chắc chắn chúng làm ngươi điên đảo

          Vì ngươi tạo ác nghiệp tự thân

              Không phải do mẹ ngươi làm

       Cha ngươi cũng chẳng dự phần nghiệp đây,

          Không do anh, chị hay bè bạn,

          Chịu ác nạn không phải do từ       

              Bà con huyết thống, gia sư,

       Không do Phạm-chí hay chư vị là

          Các Sa-môn làm ra điều ấy

          Ác nghiệp đấy do chính ngươi làm

              Cảm thọ quả báo thậm thâm’.

 

       Sau khi tra vấn tội nhân như vầy

          Về Thiên Sứ hiển bày thứ nhất,

          Vua Dạ-Ma lại cật vấn ngay

              Về vị Thiên Sứ thứ hai :

 

   - ‘Người kia ! Có thấy giữa loài người đây

          Vị Thiên Sứ thứ hai xuất hiện ?’.

 

       - ‘Thưa Ngài ! Về phương diện kể ra

              Quả thật con không thấy qua’.

 

   - ‘Người kia ! Có thấy đàn bà, đàn ông

          Tám, chín mươi hoặc trong trăm tuổi

          Thân yếu đuối, bệnh hoạn, lưng còng,

              Run rẩy, tóc bạc, răng long,

       Tuổi trẻ qua mất, sức không còn nhiều,

          Da nhăn nheo, tay chân lẩy bẩy

          Ngươi có thấy hiện tượng như vầy ?’.

 

          - ‘Thưa Ngài ! Có thấy điều đây’.

 

       Các Tỷ Kheo ! Diêm Vương này nói ngay : 

 

      - ‘Người kia ! Tuy tuổi ngươi lớn thực

          Có ý thức, nhưng chẳng nghĩ là :

             ‘Ta bị chi phối bởi già,

       Ta không thoát khỏi cái già khổ đau.

          Ta hãy mau làm điều phước thiện

          Về thân, khẩu, ý hiện rỗng không’. 

              Tội nhân ấy khi nghe xong

       Thưa rằng : ‘Điều đó con không thể làm

          Vì còn đang bị nhiều phóng dật’.

 

       - ‘Này người kia ! Nếu thật sự vầy

              Ác nghiệp ngươi tạo ra đây

       Chính ngươi phải chịu đọa đày tự thân

          Phải cảm thọ mọi phần quả báo,

          Đây ta bảo Thiên Sứ thứ hai’.

 

              Diêm vương hỏi tiếp người này :

  - ‘ Người kia ! Có thấy điều đây chăng là ?

          Giữa loài người hiện ra Thiên Sứ

          Là Thiên Sứ thứ ba hay không ?’.

 

         - ‘Thưa Ngài ! Quả thật là không’.

 

     - Người kia ! Ngươi đã từng trông thấy là

          Người đàn ông, đàn bà bệnh hoạn

          Chịu khổ nạn, đau đớn phát sinh

              Nằm trên phân tiểu của mình ?

       Cần người khác đỡ thân hình ngồi lên,

          Ở cạnh bên để dìu nằm xuống ?’.

 

      - ‘Con có thấy trạng huống như vầy’.

 

          - ‘Người kia ! Tuy rằng người này

       Đã có ý thức. lâu dài sống qua

          Nhưng không hề nghĩ là : ‘Sớm tối

          Ta bị bệnh chi phối, đeo hoài

              Ta không thoát khỏi bệnh vầy

       Ta phải làm điều thiện ngay đi nào’.

 

      - ‘Thưa Ngài ! Con không sao làm được

          Bị phóng dật sau trước bủa vây’.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Tiếp ngay

       Diêm vương nói với người này như sau :

      - ‘Người kia ! Bao bất thiện ngươi tạo

          Thân, khẩu, ý bất hảo mọi thời

              Chắc chắn quả báo đến ngươi,

       Không do ai khác, do nơi ngươi hành

          Phải cảm thọ chẳng lành quả báo,

          Đây ta bảo Thiên Sứ thứ ba’.

 

              Dạ-Ma tiếp tục hỏi tra :

      ‘Người kia ! Ngươi có thấy qua rõ ràng

          Về Thiên Sứ thuộc hàng thứ bốn ?’.

 

       - ‘Thưa Ngài ! Con đây vốn không tường’.

 

          - ‘Người kia ! Có thấy trên đường

       Giữa loài người, khi có phường sát nhân

          Hay tướng cướp muôn phần hung dữ

          Bị quan quân bắt giữ, dẫn đi

              Đến hình trường xử tức thì

       Rất nhiều hình phạt cực kỳ đớn đau

          Đánh bằng roi, dung lao đâm xóc

          Hoặc gậy gộc, tra tấn, cùm vào

              Hoặc bị đao phủ chặt đầu

       Thế ngươi có thấy trước sau điều này ?’.

 

       - ‘Kính thưa Ngài ! Con đây có thấy’.

 

          Diêm vương bảo kẻ ấy như vầy :

             ‘Tuy ngươi ý thức có đầy

       Tuổi tác cũng lớn, không rày nghĩ qua :

 

         ‘Thực sự là những ai tạo tác

          Thường làm các nghiệp ác dẫy đầy,

              Hình phạt sai khác lảnh ngay

       Ngay trong hiện tại như vầy, huống chi

          Chịu quả báo trong thì kế tiếp

          Ta phải kíp làm thiện nghiệp liền

              Về thân, khẩu, ý hiện tiền’.

 

       Người ấy liền đáp : ‘Xin riêng trình bày

          Con không thể điều này thực hiện

          Vì phóng dật bất thiện bủa vây’.

 

              Liền đó, các Tỷ Kheo này !

       Vua Dạ-Ma nói với người này như sau :

 

      - ‘ Do ngươi bị đắm vào phóng dật

          Tùy theo sự phóng dật của ngươi

              Tự thọ quả báo tức thời

       Không do ai khác, ác ngươi chẳng từ.

          Đây Thiên Sứ thứ tư xuất hiện.

 

          Rồi diễn tiến, vị vua Dạ-Ma

              Tiếp tục công việc thẩm tra

       Hỏi rằng : ‘Ngươi có thấy qua trong tầm

          Vị Thiên Sứ thứ năm hiện tới ?’.

 

      - ‘Thưa Ngài ! Với điều ấy thì không’.

 

           - Giữa loài người, ngươi thấy không ? 

       Những đàn bà hoặc đàn ông chết rồi

          Đã mấy ngày sinh sôi dòi tửa

          Sưng phồng lên rồi rửa nát ra ?’.

 

         - ‘Thưa Ngài ! Con có thấy qua’.

 

       Các Tỷ Kheo ! Vua Dạ-Ma tức thì

          Nói với y : “Ngươi tuy lớn tuổi,

          Ý thức, nhưng mê muội trầm kha

              Ngươi không có suy nghĩ là :

      ‘Ta đây không thể thoát qua tử thần

          Bị cái chết là nhân chi phối

          Gây lắm tội. Phải làm thiện ngay            

              Về thân, khẩu, ý đêm ngày”.

 

       Tội nhân liền đáp : ‘Thưa Ngài ! Không kham !

          Do phóng dật, không làm chi được’.

 

       - ‘Này tội nhân ! Từ trước đến sau

              Nếu ngươi phóng dật mắc vào

       Không làm thiện nghiệp, mặc dầu nhắc ngươi

          Chắc chắn chúng làm ngươi điên đảo

          Vì ngươi tạo ác nghiệp tự thân

              Không phải do mẹ ngươi làm

       Cha ngươi cũng chẳng dự phần nghiệp đây,

          Không do anh, chị hay bè bạn,

          Chịu ác nạn không phải do từ       

              Bà con huyết thống, gia sư,

       Không do Phạm-chí hay chư vị là

          Các Sa-môn làm ra điều ấy

          Ác nghiệp đấy do chính ngươi làm

              Cảm thọ quả báo thậm thâm

       Dù được gởi Thiên Sứ năm lần vầy’.

 

          Nói đến đây, Diêm vương im lặng

          Các ngục tốt liền dẫn người này

              Đến nơi hành phạt tội dày

       Gọi là năm cọc, đẩy ngay y nằm

          Lấy cọc sắt trong hầm nung đỏ

          Đóng cọc đó năm chỗ trên thân

              Giữa ngực, hai tay, hai chân

      (Gọi Panh-Chá-Ví-Tha-Băng-Tha-Nầng) (1)

          Người ấy chịu muôn phần thống khổ

          Y thọ lảnh vô số đớn đau

     __________________________

 

(1) : Pañcavidhabandhanam : Hình phạt năm cọc.

 

              Thọ hình khốc liệt dài lâu

       Nhưng không thể chết, khi nào nghiệp y

          Chưa đến kỳ tiêu trừ, trả đủ.

 

          Các Phích-Khú ! Ngục tốt tiếp theo

              Lại bắt kẻ ấy đem treo

       Dựng ngược đấu xuống, bèo nhèo tả tơi.

          Chúng tức thời dùng búa để chặt

          Rồi lại đặt y lên thiết xa

              Kéo chạy lui tới, lại qua

       Trên mặt đất cháy đỏ lòa chói chang

          Cháy đỏ rực, lửa càng thiêu đốt,

          Sự thống khổ cùng tột tại đây.

              Đẩy lên kéo xuống người này

       Trên sườn núi than hừng ngày lẫn đêm

          Luôn hừng hực. Rồi đem kẻ ấy

          Dựng ngược thân để thảy vào trong

              Một vạc dầu lớn bằng đồng

       Đang sôi sung sục, nấu trong vạc này.

          Thân người này nổi chìm, trôi dạt

          Y thọ lảnh cùng cực đớn đau 

              Thọ hình khốc liệt dài lâu

       Nhưng không thể chết, khi nào nghiệp y

          Chưa đến kỳ tiêu trừ, trả đủ.

 

          Các Phích-Khú ! Ngục tốt tiếp sau

              Đem tội nhân ấy quăng vào

       Trong Đại-địa-ngục rộng sâu cũng bằng,

          Bốn góc, cửa thành phần đều giống

          Chung quanh đóng tường sắt làm phên

              Có mái sắt lợp ở trên

       Nền địa ngục được tạo nên sắt dày

          Cháy đỏ rực đêm ngày nóng bỏng

          Mỗi bề rộng một trăm do-tuần.

              Từ tường Đông lửa lại tuôn

       Qua tường Tây cả do-tuần đốt thiêu,

          Lửa hai chiều tường Nam tường Bắc

          Thổi tạt giạt qua phía Bắc – Nam,

              Từ dưới ngọn lửa bất kham

       Thổi lên trên mái, càng làm nóng hơn,

          Lửa phía trên chờn vờn tạt xuống

          Với trạng huống thọ lảnh đớn đau

              Tội nhân thống khổ rất sâu

       Nhưng không thể chết, khi nào nghiệp y

          Chưa đến kỳ tiêu trừ, trả đủ.

 

          Các Phích-Khú ! Rồi rất lâu xa 

              Cửa Đông địa ngục mở ra

       Tội nhân liền chạy thật là lẹ nhanh.

          Khi người ấy chạy nhanh để trốn

          Nhưng không thể nào trốn nghiệp y

              Lớp da ngoài, trong, biểu bì

       Dây gân và thịt… đồng thì cháy đen.

 

          Dù nhiều phen trốn chạy như vậy

          Cửa vẫn đóng, chống lại tội nhân

              Tội nhân ấy cảm thọ rằng

       Cảm giác khốc liệt, muôn phần đớn đau.

          Nhưng tội nhân không sao chết được

          Khi ác nghiệp chưa được tiêu tan.

 

              Các Tỷ Kheo ! Một thời gian

       Rất lâu chịu khổ thì đàng phía Đông

          Cửa mở ra, y xông ra đấy

          Chạy thoát địa ngục ấy nhanh thay !

              Sự trốn thoát của người này

       Khỏi địa ngục ấy như vầy trải qua.

 

          Các Tỷ Kheo ! Nhưng mà Địa ngục

          Đại Phấn-Nị địa ngục, hay là

             (Ngục Gu-Tha-Ní-Ra-Da)      [ Guthaniraya ]

       Cận sát nơi ấy. Thế là tội nhân

          Rơi vào phần Đại-địa-ngục ấy,

          Tại nơi đấy có các chúng sinh

              Miệng như mũi kim tạo thành

       Vô cùng sắc bén, cắt nhanh da ngoài

          Khi cắt đứt da ngoài, lại cắt

          Đứt da trong, rồi cắt thịt, gân,

              Cắt đứt xương, tủy xương dần

       Tội nhân cảm thọ muôn phần đớn đau,

          Khốc liệt sâu, khổ chưa từng thấy

          Nhưng người ấy không thể chết ngay

              Khi nào ác nghiệp người này

       Chưa tiêu trừ dứt, nghiệp này vẫn mang.

          Tội nhân lại rơi sang lập tức

          Đại-địa-ngục Nhiệt Khối, tức là

              Kút-Kú-La-Ní-Ra-Da      [ Kukkulaniraya ]

      ‘Than Hừng’ tên ấy cũng là ngục đây.

          Tại ngục này tội nhân cảm thọ

          Những cảm giác thống khổ, đớn đau

              Vô cùng khốc liệt, dài lâu.

 

       Sau đó lại bị rơi vào lâu năm

          Trong Đại Châm Thọ Lâm quái dị

         (Săm-Ba-Lí-Va-Năng là tên)   [ Sambalivanam ]

              Cao một do-tuần mỗi bên

       Với những gai nhọn khắp liền trên cây 

          Cả rừng cây gai nhọn được tạo

          Gai nhọn dài mười sáu ngón tay

              Các gai nhọn và thân cây

       Đều cháy đỏ rực cả ngày lẫn đêm,

          Bắt người ấy leo lên, leo xuống

          Với tình huống cực kỳ đớn đau

              Thống khổ khốc liệt xiết bao !

 

       Chịu khổ mãi, thời gian sau rơi vào

          Đại Kiếm Diệp Lâm – đao gươm lá

         (Hay A-Sí-Pát-Tá-Vanh-Ta)      [ Asipattavanta ]

              Tên ‘Rừng lá gươm’ cũng là

       Ở đấy các lá cây va chạm hoài

          Do gió thổi, trong ngoài mọi mặt

          Các lá cây bén sắc, cắt ngay

              Tay chân, cắt đứt mũi, tai,

       Tại đây người ấy lâu dài trải qua

          Những cảm giác thật là khốc liệt

          Sự  thống khổ chi xiết đớn đau

              Nhưng không thể chết, khi nào

       Ác nghiệp chưa dứt, khổ sầu còn đeo.

 

          Các Tỷ Kheo ! Rồi y rơi lại  

          Sông Vôi - Đại Khôi Hà tức thì

             (Kha-Rô-Đa-Ká-Na-Đi)     [ Kharodakanadi ]

       Y chịu thống khổ do vì ác căn,

          Bị trôi lăn thuận theo dòng nước,

          Trôi ngược theo dòng nước sục sôi,

              Cảm thọ đau đớn vô hồi

       Thống khổ, khốc liệt nổi trôi sông này.

          Thời gian dài chịu khổ tai ngược

          Rồi y được ngục tốt vớt lên           

              Đoạn hỏi tội nhân nói trên :

      Người kia ! Ngươi muốn nói lên điều gì ?’.

 

      - ‘Thưa các ngài ! Tôi thì đang đói’.

 

          Nghe y nói, ngục tốt lấy ngay

              Cọc sắt nung đỏ ở đây

       Cạy miệng người ấy nhết đầy vào trong.

          Những cục đồng đã nung đỏ rực

          Cháy lập tức môi, miệng, lưỡi – và

              Cổ họng, ngực cháy lan ra

       Kéo theo cháy cả ruột già, ruột non

          Cục đồng còn trong ruột đốt cháy,

          Tiếp tục mãi đến lúc rơi ra.

              Người ấy cảm thọ tối đa

       Thống khổ khốc liệt, rất là đớn đau.

 

          Thời gian sau, ngục tốt lại hỏi

          Nghe y nói khát nước quá chừng,

              Ngục tốt đến lò than hừng

       Lấy cọc sắt đỏ đã dùng nung lâu

          Cạy miệng y, đổ vào trong miệng

          Nước đồng sôi và khiến tức thì

              Môi, miệng, lưỡi, cổ họng y

       Ruột lớn, ruột nhỏ… cực kỳ đớn đau

          Sự thống khổ không sao kể hết

          Nhưng y không thể chết dễ dàng

              Khi ác nghiệp chưa tiêu tan.

 

       Các Phích-Khú ! Do đã mang nghiệp dày

          Nên người này tiếp tục chịu khổ

          Tại nhiều chỗ Đại-địa-ngục vầy.

              Một thời, các Tỷ Kheo này !

       Diêm vương tức Dạ-Ma đây, nghĩ vầy :

         ‘Bất cứ ai tạo nhiều ác nghiệp

          Phải thọ lảnh liên tiếp cực hình

              Sai khác như đã chứng minh.

       Mong rằng ta sẽ được sinh làm người

          Nhằm vào thời bậc A-La-Hán

          Đấng Chánh-đẳng Chánh-giác, Phật Đà

              Xuất hiện ở đời, để ta

       Có thể hầu hạ Ngài và được nghe

          Đức Chánh Đẳng thuyết về Chánh Pháp

          Và ta được hiểu pháp thuyết ra’.

 

              Này các Tỷ Kheo ! Đó là

       Điều Ta nói không phải Ta nghe từ

          Một Sa-môn hay từ một vị

          Dòng Phạm-chí nào khác nói ra.     

              Điều Ta nói chỉ được Ta

       Biết, thấy, hiểu rõ, tự Ta chứng tầm ”.

 

          Đức Thế Tôn uyên thâm thuyết giảng

          Pháp viên mãn. Rồi nói them là :

 

      “ Dẫu Thiên Sứ báo động qua

        Thanh niên vẫn phóng dật và quên ngay

        Nên họ ưu buồn lâu dài,

        Sanh nơi hạ liệt, thật hoài tấm thân.

 

        Còn ở đây, bậc Chân Nhân

        Được Thiên Sứ báo, muôn phần lo âu

        Không hề có phóng dật nào

        Diệu pháp bậc Thánh nương vào hành qua

        Thấy sợ trong chấp-thủ tà

        Trong hiện hữu sinh tử mà dứt ngang

        Giải thoát chấp thủ hoàn toàn,       

        Đoạn trừ sinh tử, lạc an lâu dài

        Ngay hiện tại tịch tịnh này

        Các vị vượt thoát miệt mài trái ngang,

        Oán hận, sợ hãi tiêu tan

        Siêu thoát sầu khổ, tâm an thân lành ”.

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

*   *

 

( Chấm dứt Kinh số 130 :  THIÊN SỨ

–  DEVADÙTA  Sutta )

 

__________________________________

    

      “ Ye dhammà hetuppabhavà

             Tesam hetum Tathàgato

             Àha tesan ca yo nirodho

             Evam vàdì Mahà Samano ”.

 

          “ Vạn pháp tùng duyên sinh

             Diệc tùng nhân duyên diệt

             Ngã Phật Đại Sa Môn  

             Thường tác như thị thuyết ”.

 

  ‘ Vạn pháp theo nhân duyên sinh ’

‘ Theo nhân duyên diệt’ – đinh ninh điều này.    

   Bậc Đại Sa Môn Như Lai

  Thường dạy như vậy ; chính Thầy của tôi . 

 

   *  Chú thích xuất xứ về bài kệ này :

 

       Bài kệ do Tôn-giả Thánh Tăng A-La-Hán ASAJI  (A-Xà-

    Chí ), vị trẻ tuổi nhất trong năm vị nhóm Kiều-Trần-Như ,

    bạn đồng tu và cũng là năm Đệ tử đầu tiên của Đức Phật

    đọc lên cho Ngài Xá-Lợi-Phất khi được hỏi trong lúc Tôn-

    giả đang thường lệ khất thực tại Thành Vương Xá . 

           Nguyên thời bấy giờ , Ngài Xá-Lợi-Phất ( Sariputta )

    cùng với người bạn thân Mục-Kiền-Liên ( Moggalanna )

    là hai  thanh niên Bà-La-Môn rất nổi tiếng đương thời vì

    sức học uyên thâm, tinh thông Tam Vệ-Đà .Nhưng cả hai

    vẫn chưa thỏa mãn với những gì Tam Vệ-Đà  chuyển  tải ,

    nên ước hẹn với nhau: Ai tìm được vị Đạo Sư khả kính có

    thể giải hết những nghi ngờ trong các học thuyết cổ kim ,

    thì phải báo với người kia để cùng qui ngưỡng tu tập .

 

         Khi lần đầu tiên thấy vị Sa-Môn nghiêm tịnh, thần thái

    an nhiên tự tại đang thứ đệ khất thực tại Thành Vương-Xá

    Ngài Xá-Lợi-Phất bỗng sinh lòng kính mộ, muốn thưa hỏi

    về đường lối tu hành của Tôn-giả, nhưng tôn trọng vì Tôn

    giả đang khất thực , nên Ngài cung kính đi theo sau . Khi

    thấy vật thực đã đủ , Tôn-giả Asaji tìm một gốc cây, ngồi

    xuống thọ thực. Sau khi dùng xong, Ngài Xá-Lợi-Phất đã

    thi lễ và đặt câu hỏi với Tôn-giả : Ai là Thầy của Ngài,và

    vị ấy đã dạy như thế nào ?

 

         Tôn-giả  Asaji  đã đọc lên bài kệ  cô đọng và hàm súc

    ấy . Vừa nghe xong, Ngài Xá-Lợi-Phất  vô cùng  hoan hỷ

    hoát nhiên đại ngộ . Ngài cáo từ  sau khi  hỏi nơi  trụ xứ

    của Đức Phật , rồi vội vàng đi tìm Ngài Mục Kiền Liên ,

    đọc lại nguyên văn bài kệ ấy . Ngài  Mục-Kiền-Liên  khi

    nghe xong, lập tức đắc Tu-đà-hoàn quả . Cả hai cùng đi

    đến Trúc Lâm Tinh-Xá ( Veluvanavihàra ) đảnh lễ  Phật

    và cầu xin xuất gia trong Giáo Pháp của Đấng Thế Tôn.

    Sau khi cả hai lần lượt đắc Thánh quả  A-La-Hán , Đức

    Phật tuyên bố hai Ngài là Hai Đại Đệ Tử của Phật :

    Ngài Xá-Lợi-Phất là Đệ nhất Trí Tuệ và Ngài Mục-Kiền-

    Liên là Đệ nhất Thần Thông .

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/06/2024(Xem: 1393)
Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên.
12/06/2024(Xem: 715)
Lời người chuyển ngữ: Thông thường khi nói đến ngồi thiền hay thực hành chánh niệm chúng ta lập tức nghĩ đến việc ngồi yên, ngồi một cách nghiêm trang và chú tâm vào hơi thở hay những cách khác (tùy theo phương pháp chỉ – quán…). Tuy nhiên chúng ta cũng nghe đến tứ oai nghi đi – đứng - nằm – ngồi, nghĩa là ta có thể giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh và tư thế, điều này phụ thuộc vào năng lực, ý chí của mỗi cá nhân. Trong lá thư gởi độc giả của tạp chí Lion’s Roar (Sư Tử Hống), ngày 51/05/24 có đề cập đến việc ứng dụng và thực hành chánh niệm trong sự di chuyển động, trong lá thư này có dẫn lời của Francis Sanzaro một nhà leo núi chuyên nghiệp và cũng là một Phật tử đã áp dụng chánh niệm trong việc leo núi. Việc ứng dụng chánh niệm trong sự vận động hàng ngày đôi khi tôi cũng có chút xíu kinh nghiệm. Tôi thường chạy bộ, bơi lội… và giữ chánh niệm và cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là khi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Phật. Tôi nhận thấy mọi người ai cũng có thể áp dụng thực hành chán
12/06/2024(Xem: 692)
Sống ở đời, mọi người chúng ta ai ai cũng đã từng ít nhất một lần buộc miệng than: “Sao khổ vậy trời? Sao khổ thế này?”. Khổ là bản chất của đời sống hiện hữu, khổ là tất yếu vì sự thay đổi của vô thường. Đã sanh làm người, đã sống trong đời thì không thể tránh khỏi khổ, cho dù đó là tỷ phú cực giàu, tổng thống cực quyền hay là kẻ ăn mày khố rách áo ôm. Khổ có vô vàn nhưng chung quy lại không ngoài: Sanh, già, bệnh, chết, muốn mà không được, thương phải chia lìa, ghét phải chung đụng, thân và tâm đầy phiền não như lửa cháy. Khổ vì sanh – tử là điều bất khả kháng, khổ vì những ác nghiệp đã chín muồi thì cũng không thể tránh được, duy cái khổ của sự mong cầu, ham muốn, thèm khát là điều mà chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc tránh được.
04/06/2024(Xem: 877)
Ta lên núi, học làm Tiên nhẫn nhục, Mặc thói đời nhân ngã với thị, phi! Mây có hẹn, mà quên về cũng được, Gió có lay, trăng nghiêng ngã hề chi!
02/06/2024(Xem: 1202)
Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?
30/05/2024(Xem: 890)
Đại Trí Độ Luận nói: “Biển cả Phật pháp, tin thì vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín làm tay. Như người có tay, đến nơi trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Nếu người không tay, chẳng được thứ gì”. Cũng có câu: “Vừa vào cửa tín, liền lên Tổ vị”. “Mũi Tên Xuyên Vách” ra đời góp một niềm tin nhỏ cho người sơ cơ, chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Rất mong bạn đọc bốn phương bổ chính để được tốt hơn trong những lần tái bản tới. Xin thành thật tri ân.
24/05/2024(Xem: 8914)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.
17/05/2024(Xem: 675)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó. Bản chất thời gian là gì thì ai mà biết, nó vốn vô hình, vô tướng, vô trọng lượng, vô sắc, vô thanh… Nó không đầu không cuối và dĩ nhiên cũng không thể nào biết đâu là chặng giữa. Con người, vạn vật muôn loài và thế giới này có hình thành hay hoại diệt thì nó vẫn cứ là nó. Nó chẳng sanh ra và cũng chẳng mất đi.
17/05/2024(Xem: 1537)
Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC)
12/05/2024(Xem: 1917)
Thế là ngày lễ mẹ lại về, thế nhân rộn ràng với bao lời chúc, với hoa tươi và những món quà… Những người con lại có phút giây xao lòng hay chạnh lòng nghĩ về mẹ, tưởng nhớ mẹ. Những nghệ sĩ lại viết thêm bài nhạc, bài văn hay bài thơ mới về chủ đề mẹ. Đời sống hiện đại hôm nay vô cùng hối hả và bận rộn, nhiều khi con người ta vô tình lơ đễnh quên đi ơn nghĩa mẹ cha. Ngày lễ mẹ là một ngày lễ đầy tính nhân văn cao cả, giúp đánh động tâm mọi người, nhắc nhở mọi người nhớ về mẹ ( về đấng sinh thành nói chung).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]