Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

79. Tiểu Kinh Sakuludàyi

19/05/202010:51(Xem: 10405)
79. Tiểu Kinh Sakuludàyi

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRUNG BỘ KINH

( Majhima  Nikàya )


Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli

Chuyển thể Thơ :

Giới Lạc  MAI LẠC HỒNG  tự TUỆ NGHIÊM

 ( Huynh Trưởng Cấp Tấn  - GĐPTVN tại Hoa Kỳ )

Email : [email protected]


79. Tiểu Kinh SAKULUDÀYI

( Cùla Sakuludàyi sutta :

Thiện Sanh – Ưu-Đà-Di )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

          Một thời, Đức Thế Tôn Giác Giả

          Trú Vương Xá – Rá-Chá-Ga-Ha  (1)

                 Tinh Xá Vê-Lú-Va-Na  (2)

       Tại Ka-Lanh-Đa-Ka-Nì-Vá-Pa  (3)

       ( Nơi đây là chỗ nuôi dưỡng sóc )

          Lúc ấy một Du-sĩ, danh tri

              Là Sa-Kú-Lú-Đa-Di (4)

       Đang sống tại Mô-Ra-Ni-Vá-Pà  (5) 

        ( Khổng Tước Lâm ), cũng là trú xứ

          Nơi cư ngụ Du-sĩ số đông.

 

              Bình minh ló dạng phương đông,

       Đắp y mang bát, Thế Tôn định là

          Vào Ra-Chá-Ga-Ha khất thực.

          Nhưng Thế Tôn bỗng trực nghĩ ra :

             ‘Nay còn quá sớm để Ta

       Vào thành khất thực từng nhà nơi đây.

          Hãy đến ngay nơi vị Du-sĩ

          Sa-Ku-Lú-Đa-Dí sống qua

    ___________________________

 

 (1) & (2)  : Thành Vương-Xá – Rajagaha  của nước Magadha 

       ( Ma-Kiệt-Đà ) và  Trúc Lâm Tinh Xá – Veluvanavihàra .

(3) : Kalandakanivapa  ( chỗ nuôi dưỡng sóc ).

(4) & (5) :Xem chú thích ở trang 001 của Đại Kinh Sakuludàyi .

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  050

 

              Tại Mô-Ra-Ní-Va-Pa’.

       Nghĩ vậy nên Đức Phật Đà liền đi

          Đến trú xứ các vì Du-sĩ.

 

          Sa-Ku-Lú-Đa-Dí đang ngồi

              Cùng các du-sĩ đồng thời

       Theo như thường lệ, nhiều lời thốt ra,

          Họ lớn tiếng để mà tranh luận   

          Nhiều vấn đề lôi cuốn, sa đà

              Phù phiếm – cãi vả nổ ra

       Câu chuyện vua chúa, hoàng gia, đại thần,

          Chuyện ăn trộm, thần dân bách tính,

          Chuyện binh lính, chiến trận hãi hùng  

              Chuyện ăn uống, chuyện kiếm cung,

       Giường nằm, đồ mặc, chuyện dùng vòng hoa,

          Chuyện hương liệu, chuyện bà con họ,

          Chuyện xe cộ, làng xóm, thị thành, 

              Chuyện thị trấn, chuyện chiến tranh,

       Chuyện về quốc độ, chuyện dành đàn ông,

          Chuyện đàn bà, rồi dông dài mãi

          Chuyện lề đường, chỗ lấy nước dùng,

              Câu chuyện về vị anh hùng,

       Chuyện người đã chết, chuyện vùng biên cương,

          Về hiện trạng đại dương, thế giới,

          Chuyện tạp thoại lui tới lòng vòng,

              Chuyện về hiện hữu và không…

 

       Các du sĩ ấy nói trong ồn ào.

          Đức Thế Tôn đi vào chỗ ngụ

          Sa-Ku-Lú-Đi-Dá chợt nhìn

              Liền khuyến cáo Chúng của mình :

 

 – “ Các Tôn-giả ! Hãy lặng thinh, đừng ồn !

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  051

 

          Nay Sa-môn Gô-Ta-Ma đó

          Thuộc giòng họ Sắc-Dá xuất gia

              Đang đến, nhìn thấy từ xa.

       Vị Tôn-giả Gô-Ta-Ma  hiện thời

          An trú nơi Trúc Lâm Tinh Xá. 

          Vị Tôn Giả ưa mến lặng im,

              Thiền tịnh trong sự lặng im,

       Tán thán trầm lặng và tìm tịnh an.

          Nếu thấy chúng ta đang lặng lẽ

          Có thể Ngài sẽ ghé thăm đây ”.  

 

              Các vị du-sĩ nghe vầy

       Thảy đều im lặng đợi Ngài ghé qua.

 

          Khi Phật Đà uy nghiêm vừa tới

          U-Đa-Dí thưa với Ngài là : 

 

        – “ Bạch Thế Tôn Gô-Ta-Ma !

       Lành thay ! Ngài lại ghé qua chốn này.

          Đã lâu rồi mà Ngài không đến,

          Nay đã đến, xin thỉnh Ngài ngồi

              Vào chỗ đã soạn sẵn rồi ”.

 

       Thế Tôn an tọa vào nơi được mời.

          U-Đa-Dí  thì ngồi trên ghế

          Kê thấp hơn và kế một bên.

 

              Rồi Đức Thế Tôn hỏi liền :

 – “ Này U-Đa-Dí (1) ! Nhân duyên thế nào

          Mà các vị họp nhau bàn luận,

          Và bàn luận về vấn đề gì ?

              Chuyện bị gián đoạn là chi ? ”.

 

    ___________________________

 

(1) :Đức Phật gọi du-sĩ Sakuludayi là Udayi , một lối gọi tắt .

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  052

 

– “ Bạch Ngài ! Chẳng có chuyện chi lớn mà !

          Hãy gác qua một bên chuyện đó,

          Lát nữa có dịp sẽ nêu ra.

              Bạch Thế Tôn ! Câu chuyện là

       Khi con có việc đi xa chuyện cần

          Không họp bàn với Chúng Du-sĩ,

          Thì họ chỉ ngồi nói với nhau

              Những chuyện phù phiếm, tào lao.

       Khi con có mặt, cùng vào họp chung,

          Thì họ cùng nhìn vào con, nghĩ :

         ‘Sa-môn Ưu-Đà-Dí giảng gì

               Chúng ta sẽ nghe tức thì !’.

       Còn khi gặp Thế Tôn thì Chúng đây

          Và cả con, nhìn ngay Ngài, nghĩ :

 

        ‘Ngài thuyết pháp và chỉ dẫn gì

              Chúng ta sẽ nghe tức thì ! ”.

 

 – “ Vậy U-Đa-Dí ! Chuyện gì ở đây

          Vấn đề gì Như Lai có thể

          Nói chuyện để tất cả hiểu ra ? ”.

 

        – “ Bạch Thế Tôn ! Thuở xưa xa

       Bậc biết tất cả, thấy qua mọi điều

          Tự nhận mình có nhiều tri kiến

          Không dư thừa : ‘Ta hiện đứng, đi,

              Hay khi ngủ, thức mọi thì

       Tri kiến tồn tại không khi nào ngừng

          Và thường hằng. Ông từng mô tả,

          Nhưng khi con hỏi quá khứ thời

              Vị ấy tránh né trả lời

       Lảng qua chuyện khác, nói nơi ngoài đề.

          Hỏi lại về quá khứ, tỏ lộ

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  053

 

          Sự phẫn nộ, sân hận, bất bình.

              Do vậy, bạch Phật cao minh !

       Con khởi niệm về uy linh của Ngài :

        ‘Thật hoan hỷ vì Ngài toàn hảo,

          Bậc Thế Tôn thiện xảo pháp này ”.

 

        – “ U-Đa-Dí ! Hãy cho hay

       Vị nào là bậc biết ngay khôn cùng,

          Thấy tất cả muôn trùng sự kiện,

          Có tri kiến không dư thừa gì :

             ‘Khi ta ngủ, thức, đứng, đi,

       Tri kiến tồn tại mọi thì, liên miên,

          Và thường hằng’. Ai lên tiếng vậy ?

          Khi hỏi quá khứ lại né dần,

              Nói lảng chuyện khác, lần khân,

       Tỏ lộ phẫn nộ, hận sân, bất bình ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Phát sinh do cả

          Ni-Ganh-Thá Ná-Tá-Pút-Ta

              Trưởng Ni-Kiền-Tử nói ra ”.

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Trải qua nhiều đời  

          Vị nào nhớ các đời quá khứ

          Về các thứ chi tiết, đại cương,

              Hoặc là các vị này thường

   *  Hỏi Ta quá khứ, tri tường ra sao ?

          Hay Ta hỏi họ vào câu đấy,

          Rồi vị ấy làm thỏa mãn Ta

              Với câu trả lời hài hòa.

       Hoặc Ta đáp, họ tỏ ra hài lòng.

 

          U-Đa-Di ! Chính trong điểm đó,       

          Vị nào có thiên nhãn siêu nhân,

              Thuần tịnh, biết rõ về phần

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  054

 

       Sự sống, sự chết phàm trần chúng sinh.

          Biết chúng sinh cao sang, hạ liệt,

          Người đẹp đẽ, người thiệt xấu thay !

              Kẻ bất hạnh, kẻ gặp may…

       Đều do hạnh nghiệp hằng ngày làm ra.

 

      *  Về tương lai, gặp Ta để hỏi,

          Hoặc Ta hỏi họ chuyện tương lai.

              Rồi họ làm cho Như Lai

       Thỏa mãn lời đáp đúng ngay, bao hàm.

          Hoặc Ta làm tâm họ thỏa mãn

          Với lời giảng minh triết, trình bày.

 

              Nhưng thôi, U-Đa-Di này !

       Hãy dừng quá khứ, tương lai. Miễn bàn

          Ta sẵn sàng vì ông thuyết rõ :

         ‘Cái này có, cái kia có ngay’,

             ‘Do cái này sinh ở đây

       Cái kia cũng sẽ sinh’ ngay như vầy,

         ‘Cái kia không, cái này không có’,

         ‘Cái này diệt, cái đó diệt đi ”.

 

        – “ Bạch Thế Tôn ! Trong phạm vi   

       Kinh nghiệm với tự ngã ni mặc lòng

          Con còn không có thể nhớ hết

          Các chi tiết, các nét đại cương.

              Từ đâu con có thể thường

       Nhớ đến quá khứ đã nương nhiều đời ?            

          Thời tương lai các đời sau ấy

          Làm sao con biết, thấy tự con ?

 

              Con còn không thấy được con 

       Phiêu phong quỷ từ đâu còn định phân

          Với thiên nhãn siêu nhân, thuần tịnh 

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  055

 

          Có thể thấy như chính Phật Đà

              Tuệ tri chúng sinh, rõ là

       Kẻ đẹp đẽ, người xấu xa - sinh tồn

          Như Thiện Thệ Thế Tôn thấy, biết.

 

          Bạch Điều Ngự ! Còn việc như vầy

              Khi Ngài nói ra điều này :

       Hãy dừng quá khứ, tương lai. Miễn bàn

          Ta sẵn sàng vì ông thuyết rõ :

         ‘Cái này có, cái kia có ngay’,

             ‘Do cái này sinh ở đây

       Cái kia cũng sẽ sinh’ ngay như vầy,

         ‘Cái kia không, cái này không có’,

         ‘Cái này diệt, cái đó diệt đi’.

              Như lời đức Chánh Biến Tri

       Thời con lại chẳng biết chi bội phần.

          Kính bạch đấng Thiên Nhân Sư trưởng !

          Tuy vậy, hướng có thể khiến Ngài

              Thỏa mãn với sự kiện như

       Trả lời về vị Đạo Sư của mình ”.

 

    – “ U-Đa-Dí ! Thuyết minh giảng dạy

          Đạo Sư ông đã dạy những gì ? ”.  

 

        – “ Kính bạch đức Chánh Biến Tri !

       Đạo Sư con dạy nhớ ghi như vầy :

         ‘Chính Sắc này nó là tối thượng !,

          Sắc này là tối thượng, không sai’.

              Đạo Sư con dạy điều này,

       Và con tin tưởng lời Thầy xưa nay ”.

 

    – “ U-Đa-Dí ! Khi Thầy ông dạy

          Là ‘Sắc ấy tối thượng’, vậy thì

             ‘Sắc tối thượng’ là sắc gì ? ”.         

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  056

 

 – “ Bạch Ngài ! Khi một sắc chi kể vào

          Không một sắc khác nào hơn hắn

          Cao thượng và thù thắng trội hơn

              Thời sắc ấy là tối tôn ”.

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Theo ông nói vầy

          Thời sắc này là sắc nào vậy ?

          Để sắc ấy là sắc tối cao ?

              Khi không có một sắc nào

       Cao thượng, thù thắng, thâm sâu hơn nhiều ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Một điều biết chắc 

          Khi một sắc không có sắc nào

              Cao thượng, thù thắng hơn sâu

       Đó chính là sắc tối cao tột vời ”.

 

    – “ U-Đà-Di ! Như lời ông nói

          Về sắc loại chỉ thế thôi à ?

              Ông phải giải thích rộng ra

       Nếu ông nói : ‘Sắc nào mà tỏ ra

          Cao thượng và thù thắng hơn cả,

          Mọi sắc bị đốn ngã, thua xa

              Là sắc tối thượng, tinh hoa,

       Nhưng ông không chỉ rõ ra sắc này.

          U-Đa-Dí ! Như vầy ví dụ 

          Có một người thường cứ nói là :

            “ Tôi yêu, ái luyến thiết tha

       Một cô gái đẹp, nết na vùng này ”.

 

          Có người hỏi : “ Hỡi này ông bạn !

          Ông có biết tường tận người yêu ?

              Thuộc giai cấp nào ?  Giàu nghèo ?

       Quê quán, tên tuổi, mỹ miều ra sao ?

          Người bậc trung hay cao hoặc thấp ?

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  057

 

          Thân ốm mập, da dẻ thế nào ?

              Đen sẫm hay là hồng hào ?

       Ở thành hay ở làng nào, gần xa ? ”.

 

          Nghe hỏi vậy, anh ta ngơ ngẩn

          Trả lời rằng : “ Tôi chẳng biết chi ! ”

              Có người hỏi lại tức thì :

     “ Có phải anh đã yêu vì thiết tha

          Thật ái luyến người mà chưa biết

          Chưa từng gặp, cũng tuyệt thấy đâu ? ”.

              Nghe hỏi, anh ta gật đầu.

 

   –  Này U-Đa-Dí ! Nghĩ sao việc này ?

           Sự kiện đây, phải chăng người ấy

          Nói vô lý, trật bậy phải không ?

       

          –  “ Vâng phải, bạch đức Thế Tôn !

       Sự kiện như vậy thật không đúng rồi !

          Không hiệu năng, đồng thời vô lý ”.

       

      –“ Cũng vậy, U-Đa-Dí ! Khi ông

              Phát biểu ý tưởng vừa xong :

      ‘Một sắc nào đó, mà không sắc nào

          Thù thắng hơn hay cao thượng hẳn

          Thời chắc chắn là sắc tối cao’

              Nhưng không chỉ rõ sắc nào ”.

 

 – “ Bạch Thế Tôn ! Con ví vào như sau :

          Một lưu ly bảo châu tuyệt sắc

          Có tám mặt, trong suốt, khéo mài,

              Đặt trên tấm màn, đêm ngày

       Chói lọi và bừng sáng ngay tự mình.

          Nên đinh ninh với sắc như vậy     

          Tự ngã ấy không bệnh tật chi

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  058

 

              Sau khi nó đã chết đi ”.

 

 – “ Nghĩ thế nào ? U-Đa-Di ! Mặc dầu

          Một lưu ly bảo châu tuyệt sắc

          Có tám mặt, trong suốt, khéo mài,

              Chói lọi, bừng lên sáng ngời,

       Nhưng so quang sắc giữa trời đêm thâu

          Với ánh sáng con sâu đom đóm,

          Thì quang sắc đom đóm & lưu ly

              Cái nào thù thắng, diệu vi ? ”. 

 

 – “ Bạch Phật ! Sáng đom đóm thì trội hơn

          Vi diệu hơn, thù thắng hơn hẳn

          Giữa hai chặng quang sắc kể vào ”.

 

        – “ U-Đa-Dí ! Nghĩ thế nào

       Giữa con đom đóm sáng vào ban đêm

          Và ánh sáng ngọn đèn dầu thắp

          Trong đêm đen tối khắp làng thôn,

              Quang sắc nào thù thắng hơn ? ”.

 

 – “ Thưa ! Quang sắc thù thắng hơn là đèn

          Trong đêm đen so với đom đóm ”.

 

    – “ Nếu ông nhóm đống lửa cháy bừng

              Trong đêm tối, cháy sáng trưng

       Sánh đèn dầu ấy, hình dung thế nào ? ”.

 

    – “ So sánh giữa đèn dầu & đống lửa, 

          Quang sắc của đống lửa hơn xa ”.

 

        – “ Vậy ông nghĩ sao điều là :

       Đống lửa lớn cháy sáng lòa đêm đen

          Với sao mai bao phen sáng tỏ

          Trong bầu trời không có mây mù

              Vào lúc bình minh êm ru,

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  059

 

       Sáng nào vi diệu và thù thắng hơn ? ”.

 

     – “Đống lửa không thể hơn sao sáng

          Trong bầu trời quang đãng không mây

              Vào lúc bình minh đầu ngày ”.

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Sánh rày sao mai

          Với mặt trăng tròn đầy sáng tỏa

          Đêm U-Pô-Sa-Thá  này nhằm

             (Lễ Bố-Tát) vào ngày rằm,

       Quang sắc nào thù thắng, thần diệu hơn ? ”.

 

    – “ Thù thắng hơn là mặt trăng sáng

          Trong bầu trời quang đãng không mây

              Vào ngày Bố-Tát trăng đầy ”.

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Nghĩ ngay thế nào ?

          Khi sánh vào mặt trời đứng bóng

          Giữa trưa nóng, quang đãng không mây,

              Với quang sắc mặt trăng đầy

       Trong đêm Bố-Tát như vầy thì sao ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Nói vào điểm đó

          Mặt trời lúc đúng ngọ chói chang,

              Quang sắc mặt trời rõ ràng

       Vi diệu, thù thắng hơn đàng mặt trăng

          Trong ngày rằm, dù trăng sáng tỏa ”.

 

    – “ U-Đa-Dí ! Hơn cả, vượt xa 

              Những quang sắc vừa kể ra,

       Sáng hơn cả mặt trời và mặt trăng,

          Là ánh sáng của hàng Thiên Chúng

          Và Ta cũng biết Chư Thiên đây.

              Nên Ta không nói điều này :

      ‘Không một quang sắc nào hay hơn, mà

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  060

 

          Vi diệu và thù thắng hơn cả

          So quang sắc trước đã từng ghi.

              Còn ông, này U-Đa-Di !

       Lại nói : ‘Quang sắc này thì kém hơn,

          Yếu đuối hơn quang sắc đom đóm,

          Quang sắc ấy thâu tóm, tối cao .

              Nhưng ông không chỉ sáng nào ”.

 

 – “ Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện rồi !    

          Thiện Thệ thời cắt đứt câu chuyện! ”. 

 

    – “ U-Đa-Dí ! Sao khiến cho ông

              Lại nói rằng : ‘Chính Thế Tôn

       Cắt đứt câu chuyện . Ý trong thế nào ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Từ lâu, các vị

          Đạo Sư con đã chỉ dạy vầy :

             ‘Quang sắc này tối thượng thay !

       Quang sắc này tối thượng’ đầy diệu siêu.

          Nhưng có điều các Đạo Sư ấy

          Khi gặp phải vấn nạn của Ngài,

              Bị Thế Tôn cật vấn ngay

       Tỏ ra thất bại, trí rày trống không ”.   

 

    – “ U-Đa-Dí ! Thế ông biết tới

          Một thế giới nhất-hướng-lạc không ?

              Đường nào hợp lý thuận đồng

       Dẫn đến chứng đắc vào trong cõi này ?

        ( Thế giới đây nhất-hướng-lạc vậy ) ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Con thấy các vì

              Đạo Sư chúng con mọi thì

       Thường dạy : ‘Có thế giới ni chính là

          Nhất-hướng-lạc. Có ra đạo lộ

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  061

 

          Đưa đến chỗ chứng đắc cõi này ”.

 

        – “ U-Đa-Dí ! Đạo lộ đây

       Đưa đến chứng đắc cõi này có nên

          Thế giới tên là nhất-hướng-lạc

          Đạo lộ đạt hợp lý là gì ? ”.

 

        – “ Kính bạch đức Chánh Biến Tri !

       Có người đoạn diệt tức thì sát sanh,

          Đoạn trừ nhanh tà dâm, trộm cắp,

          Đoạn trừ gấp nói láo thị phi,

              Hay người ấy sống sau khi

       Một loại khổ hạnh thọ trì trải qua.

          Bạch Thế Tôn ! Đó là đạo lộ

          Hợp lý, đưa đến chỗ chứng ngay

             ‘Thế giới nhất-hướng-lạc’ này ”.

 

 – “ Này U-Đa-Dí !Nghĩ ngay thế nào ? 

          Khi diệt mau sát sanh ; từ bỏ

          Sự sát sanh. Khi đó biết ngay

              Tự ngã : nhất-hướng-lạc này,

       Hay cả lạc & khổ như vầy, xảy ra ? ”. 

 

    – “ Bạch Phật Đà ! Cả khổ cả lạc ”.

    – “ U-Đa-Dí ! Còn các điều do :

              Đoạn trừ lấy của không cho,

       Tà dâm, nói láo cũng lo đoạn trừ,

          Người ấy từ bỏ đều như vậy,

          Trong khi ấy tự ngã này thì    

              Là nhất-hướng-lạc cấp kỳ

       Hay cả lạc & khổ đồng thì xảy ra ? ”.

 

    – “ Bạch Phật Đà ! Cả khổ cả lạc ”.  

 

    – “ U-Đa-Dí ! Điều khác thế nào ?

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  062

 

              Trong khi sống thọ trì vào

       Một loại khổ hạnh gắt gao, khi mà

          Tự ngã là nhất-hướng-lạc ấy,

          Hay cả lạc & khổ vậy xảy ra ? ”.

 

       – “ Cả lạc & khổ, bạch Phật Đà ! ”.  

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Nghĩ qua thế nào ? 

          Đạo lộ để chứng vào thế giới

          Nhất-hướng-lạc, hướng tới ra sao ?

              Xen lẫn lạc & khổ với nhau ? ”.

 

 – “ Thế Tôn đã cắt đứt câu chuyện rồi !

          Thiện Thệ thời cắt đứt câu chuyện !

 

    – “ U-Đa-Dí ! Sao khiến cho ông

              Lại nói rằng : ‘Chính Thế Tôn

       Cắt đứt câu chuyện. Ý trong thế nào ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Từ lâu, các vị

          Đạo Sư con đã chỉ dạy là :

             ‘Có một thế giới xảy ra

       Nhất-hướng-lạc ; có ra con đường

          Hợp lý, thường để chứng đắc tới

          Một thế giới nhất-hướng-lạc’ đây.

              Nhưng các vị Đạo Sư này

       Khi bị vấn nạn của Ngài Thế Tôn,

          Bị Thế Tôn đối nạn, cật vấn,

          Thì hụt hẫng, tỏ ra trống không. 

              Nhưng xin thưa Đức Thế Tôn !

       Thế giới nhất-hướng-lạc ròng có không ?

          Một đạo lộ nào đồng hợp lý

          Đưa các vị chứng đắc, đạt xong

              Thế giới nhất-hướng-lạc không ? ”.  

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  063

 

 – “ Này U-Đa-Dí ! Chính trong điều này

          Đã có ngay thế giới như vậy

          Nhất hướng lạc ; ở đấy có ngay

              Một đạo lộ hợp lý này

       Đưa đến chứng đắc đủ đầy có ra

          Thế giới là nhất-hướng-lạc đấy ”.

 

    – “ Bạch Phật ! Đạo lộ ấy thế nào ? ”.

 

        – “ Vị Tỷ Kheo khi quán sâu   

       Với năm triền-cái đưa vào xả ly

          Do xả ly, tức thì hoan hỷ

          Do hoan hỷ, tâm được khinh an

             Lạc thọ sinh do khinh an

       Đạt được như thế, tâm an định liền

          Ly ác pháp, Tỷ Kheo ly dục

          Chứng và trú vào mục Nhất Thiền

             Trạng thái hỷ lạc tự tâm

       Sinh do ly dục, với Tầm, Tứ đây.

 

          U-Đa-Di !  Như vầy tiếp nữa

          Vị Tỷ Kheo vào cửa định thiền

             Diệt Tầm, diệt Tứ được yên

       Thì chứng và trú vào Thiền thứ Hai

          Trạng thái ngoài tầm & tứ, xác định

          Do Định sinh, nội tỉnh nhất tâm.

 

             Ly hỷ trú xả âm thầm

       Chánh niệm tỉnh giác, thì thân cảm liền

          Sự lạc thọ, thánh hiền gọi đủ

          Là ‘xả niệm lạc trú’ tâm chuyên

             Chứng và an trú Tam Thiền.

 

       Này U-Đa-Dí ! Diệt phiền đạt an,

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  064

 

          Là đạo lộ minh quang hợp lý

          Đưa các vị chứng đắc được ngay

              Thế giới nhất-hướng-lạc này ”.

 

 – “ Bạch Thế Tôn ! Đạo lộ Ngài nói ra

          Chưa phải là thế giới cần đạt

          Nhất hướng lạc. Chứng đắc như vầy

              Có phải vậy chăng ? Thưa Ngài !

       Nhất-hướng-lạc thế giới này là đây ? ”.

 

    – “ U-Đa-Di ! Như vầy chứng đắc

          Chưa phải là chứng đắc, đạt vào

             ‘Thế giới nhất hướng lạc’ đâu !

       Đạo lộ ấy chỉ giúp mau điều mà

          Hợp lý và đưa đến chứng đắc

          Thế giới nhất-hướng-lạc’ đó ngay ”. 

 

              Khi nghe Phật nói như vầy    

       Cả hội chúng Du-sĩ này xôn xao

          Họ lớn tiếng và cao giọng nói :

         ‘Ở đây, mọi điều được nghe qua  

              Từ các Đạo Sư chúng ta

       Chúng tôi không biết gì là khác hơn ! ”.

 

          Du-sĩ Sa-Ku-Lu-Đa-Dí    

          Khuyên các vị du-sĩ lặng yên.

              Rồi ông bạch Thế Tôn liền :        

 

 – “ Phải đến mức hành nên thế nào

          Mới bước vào, chứng đắc thế giới

          Nhất-hướng-lạc, đạt tới an nhiên ? ”.

 

        – “ Tỷ Kheo xả lạc & khổ liền

       Diệt hỷ ưu, cảm thọ tuyền trước đây

          Chứng, trú ngay vào Thiền Đệ Tứ

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  065

 

          Không khổ & lạc, không giữ niệm nào,

              Thuần tịnh, trong sáng tiêu dao.

       Nhiều Chư Thiên được sinh vào nơi đây,

        ( Vào nhất-hướng-lạc này thế giới )

          Tỷ Kheo cùng đứng với Chư Thiên,

              Cùng nói chuyện, đàm luận riêng,

       Đến mức độ thế, mới liền chứng ngay

          Thế giới này nhất-hướng-lạc vậy ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Có phải chỉ vì     

              Muốn chứng đắc thế giới ni

      (Nhất hướng lạc) mà các vì Tỷ Kheo

          Sống Phạm hạnh, thuận theo chỉ dẫn

          Của Thế Tôn, tinh tấn hành trì ? ”.

 

        – “ Không phải vậy, U-Đa-Di ! 

       Không phải họ đến Ta vì nhân duyên

          Muốn chứng liền thế giới như vậy

          Mà họ phải sống Phạm hạnh hoài

              Dưới chỉ dẫn của Như Lai.

       Này U-Đa-Dí ! Lành thay ! Như vầy :

          Có những pháp khác đầy cao thượng

          Thù thắng hơn. Do hướng vọng vào

              Chứng các pháp ấy thanh cao

       Mà các Phích-Khú cần-cầu xuất gia

          Sống Phạm-hạnh, nương Ta tu tập ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Những pháp mà Ngài 

              Vừa mới nêu ra ở đây

       Cao thượng, thù thắng như vầy là chi ? ”.

 

    – “ U-Đa-Di ! Cõi đời xuất hiện     

          Bậc Như Lai phương tiện độ sinh

             Với mười tôn hiệu quang minh

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  066

 

       Người đời kính ngưỡng, thật tình tôn xưng

          Bậc Trí tuệ, tâm chân diệu ngữ :

          Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu,

              Phật, Thế Tôn, Thiên Nhân Sư,

       Chánh Đẳng Chánh Giác đại từ uy linh

          Vô Thượng Sĩ  hay Minh Hạnh Túc,

          Bậc Thiện Thệ, Ứng Cúng, Như Lai,

             Do sự chứng ngộ tự ngài

       Rồi lại tuyên thuyết, hoằng khai Pháp mầu

          Thuyết Sơ Thiện, rồi sau Trung Thiện

          Thuyết Hậu Thiện, văn nghĩa đủ đầy

             Truyền dạy Phạm hạnh từ đây

       Pháp thân thanh tịnh, bậc Thầy Nhân Thiên.

 

          Có gia trưởng trong miền thôn ấp

          Hoặc một người giai cấp tiện dân

             Duyên lành nghe pháp thậm thâm

       Sinh lòng ngưỡng mộ, kiếm tầm chân như

          Tự suy nghĩ : ‘Đời như cát bụi

          Sống dẫy đầy trói buộc não phiền

             Luân hồi sinh tử triền miên

       Đời sống xuất thế lụy phiền tránh xa

          Ta nay phải xuất gia viên mãn

          Đời xuất gia phóng khoáng hư không

             Cuộc sống thế gian chất chồng

       Phạm hạnh thanh tịnh thật không dễ gìn’.

          Y trưởng dưỡng đức tin vững chắc

          Cạo râu tóc, thân đắp ca-sa

             Biệt gia quyến, bỏ cửa nhà

       Ba y một bát, xuất gia tu hành.

 

          Sống chế ngự, thực hành phạm hạnh

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  067

 

          Giữ oai nghi, tự tánh sáng lòa

             Giới bổn Pa-Tí-Mốc-Kha  (1)

       Thọ trì nghiêm mật, tránh xa điều tà

          Thân, khẩu, ý  từ hòa thanh tịnh

          Giới cụ túc, thức tỉnh nhiếp tâm

             Biết tri túc, giữ các căn

       Là Sa-môn hạnh, pháp đăng soi đường.

*

          U-Đa-Dí ! Sao tường thuần thục

          Là Tỷ Kheo cụ túc giới điều ?

             Phải thấy nguy hiểm mọi chiều

       Lỗi lầm nhỏ nhặt triệt tiêu dần dần

          Bỏ trượng kiếm, sát sanh tránh hẳn      

          Đại từ tâm, bình đẳng, nhẫn kham

             Có tâm hổ thẹn là Tàm

       Ghê sợ là Quý, không làm nghiệp sai

          Hành phạm hạnh, bản lai thanh tịnh

          Không trộm cướp, chẳng tính so đo

             Quyết không lấy của không cho

       Đó là giới hạnh, thước đo Giới điều.

 

          Vị Tỷ Kheo mong điều giải thoát

          Không tà hạnh, dâm ác thấp hèn

 

             Không nói dối trá đua chen

       Không nói hai lưỡi chê khen dối lòng

          Không lường gạt cũng không ly gián

          Sống hòa hợp giữa nạn rẽ chia

             Sống đời chân thật sớm khuya

       Tránh lời độc ác nọ kia lỗi lầm.

_______________________________

 

    (1) : Patimokkhasanvarasìla : Biệt biệt giải thoát thu thúc giới 

         ( trong Tứ Thanh Tịnh Giới của Luật Tỷ Kheo ).

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  068

 

              Là giới hạnh trong tầm Giới Luật

              Vị Tỷ Kheo thuần thục thọ trì.

 

            Cả đến hạt giống, cỏ cây

       Cũng đều thấm nhuận đức dày Sa-Môn

          Chỉ ăn ngọ , sống tồn tri túc

          Không múa hát, trang sức, kịch ca

             Sống thanh đạm, tránh xa hoa

       Không dùng hương liệu, dầu thoa thơm nồng

 

          Lại cũng không giường nằm cao rộng    

          Cũng không nhận thịt sống, bạc vàng

             Nô tỳ trai, gái – từ nan

       Đàn bà, con gái – không màng lưu tâm

          Cừu, dê, heo, gia cầm, voi, ngựa

          Ruộng, đất, vườn, nhà cửa không cần

             Từ bỏ gian lận bằng cân

       Từ bỏ môi giới, không phần gian tham

          Không áp bức, không làm thương tổn

          Không câu thúc, vây khổn, cừu thù

              Đó là giới hạnh đặc thù

              Nằm trong Giới Luật chân tu thọ trì.   

 

          U-Đa-Di ! Thế nào biết đủ ?

          Hạnh Tri Túc luôn giữ chỉnh tề

             Bằng lòng ba y để che

       Bình bát khất thực dễ bề cúng dâng

          Y và bát luôn gần bên cạnh

          Cũng như chim, đôi cánh luôn mang

             Đó là Tỷ Kheo giới toàn

       Với Thánh Giới Uẩn minh quang tựu thành.

          Nội tâm lành an hưởng lạc thọ

          Và không có khuyết phạm mọi phần.        

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  069

 

              U-Đa-Dí ! Hãy lắng tâm   

       Tỷ Kheo bảo hộ các căn thế nào ?

          Mắt thấy sắc nhưng nào giữ tướng

          Tướng chung, riêng chẳng nắm giữ gì

             Mắt không chế ngự tại chi

       Khiến bất thiện pháp ưu bi khởi vào

          Nên tham ái dâng trào đủ thứ

          Vị Tỷ Kheo chế ngự nguyên nhân

             Hộ trì tích cực nhãn căn

       Cũng như hộ trợ nhĩ căn cũng cần

          Tai nghe tiếng hay thân cảm xúc

          Mũi ngửi hương, nhận thức : ý căn

             Tỷ Kheo hộ trì các căn

       Nên hưởng lạc thọ, nội tâm sáng ngời.

      

          U-Đa-Dí ! Thời thời tĩnh giác

          Giữ chánh niệm, an lạc tự tâm

             Tỷ Kheo đi, đứng, ngồi, nằm

       Đều giữ tỉnh giác, trong tâm biết liền

          Khi tới, lui ; biết mình lui, tới

          Khi nhìn quanh, biết bởi mình làm

             Hay khi co duỗi tay chân

       Mặc y, đi bát, hay cần uống ăn

          Khi nhai, nuốt, nói năng : Tỉnh giác

          Đại, tiểu tiện, nhổ khạc : Biết mình

             Như vậy Tỷ Kheo tâm minh

       Chánh niệm tỉnh giác, an bình nào hơn.

 

          Với Giới uẩn chánh chơn cao quý

          Với các căn nhiếp kỹ, hộ trì

             Chánh niệm tỉnh giác trí tri

       Thêm hạnh tri túc, còn gì quý hơn.

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  070

 

          Trang bị đủ những gì cao quý

          Vị ấy lựa vị trí lặng yên

             Như rừng tĩnh mịch, lâm viên

       Gốc cây, khe núi hoặc liền tha ma.

*

          Thời ngọ thực đã qua, rửa bát

          Ngồi kiết già, an lạc, thẳng lưng

             An trú chánh niệm, lâng lâng

       Tham ái từ bỏ, thoát dần ái tham

          Bỏ sân hận, từ tâm thương xót

          Chúng hữu tình mỗi một cảnh riêng

             Từ bỏ hôn trầm, thụy miên

       Thoát ly khỏi chướng thụy miên, hôn trầm

          Giữ tịnh tâm, hướng về ánh sáng

          Cùng chánh niệm, tỉnh giác, tâm yên

             Gột rửa chúng, được an nhiên

       Từ bỏ  trạo cử thì liền tịnh thân

          Hết nghi ngờ, phân vân lưỡng lự

          Gột rửa hết  trạo cử, hôn trầm

             Gột rửa tham ái, hận sân

       Đối với thiện pháp, tự thân hành trì.

 

          U-Đa-Di ! Chính nhờ quán niệm

          Vị Tỷ Kheo tự nghiệm, tự tri

             Năm Triền Cái chưa xả ly

       Như là món nợ, Bệnh  hay Ngục đường,

          Như Nô lệ, con đường Sa mạc.

 

          Vị Tỷ Kheo tỉnh giác, tinh cần,

             Chừng nào khi quán tự thân

       Với năm triền cái  đã cần xả ly

          Do xả ly, tức thì hoan hỷ

          Do hoan hỷ, tâm được khinh an

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  071

 

             Lạc thọ sinh do khinh an

       Đạt được như thế, tâm an định liền

          Ly ác pháp, Tỷ Kheo ly dục

          Chứng và trú vào mục Nhất Thiền

             Tiếp tục ; Nhị Thiền, Tam Thiền

       Rồi chứng và trú Tứ Thiền uy nghi.

 

          U-Đa-Di ! Những pháp cao thượng

          Thù thắng hơn. Do hướng vọng vào

              Chứng các pháp ấy thanh cao

       Mà các Phích-Khú cần-cầu xuất gia

          Luôn tinh tấn, nương Ta tu tập

          Mong chứng đắc, nên khắp Tỷ Kheo

              Sống đời Phạm-hạnh vâng theo

       Do Ta hướng dẫn, sống nghèo độc cư.

 

      *  Vị Tỷ Khưu hướng tâm đến với

          Túc Mạng Trí, nhớ tới nhiều đời

             Quá khứ với một, hai đời

       Năm chục, ba bốn trăm đời đã qua

          Một ngàn đời hay là hơn nữa

          Một trăm ngàn đời thuở lâu xa

             Hoại kiếp, thành kiếp trải qua

       Vị ấy nhớ lại như là mới đây.

          Tại nơi ấy, tên này ta có

          Thuộc giai cấp, giòng họ thế này

             Uống, ăn, thọ khổ, lạc  rày

       Tuổi thọ như thế, chết ngày ra sao

          Ta tái sinh, nhằm vào làng đó

          Có tên tuổi, giòng họ thế nào

             Cứ thế , nhớ lại biết bao

       Tiền kiếp, tái kiếp  không sao đếm vầy .

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  072

 

       * Vị Tỷ Kheo thẳng ngay, thuần tịnh

          Tâm định tỉnh, không nhiễm não phiền

             Nhu nhuyến, vững chắc – theo thiền

       Bình thản như vậy, chẳng phiền chẳng ưu.

 

          Vị Tỷ Khưu hướng tâm đến với

           Sinh Tử Trí, dẫn tới tuệ minh

             Xét về sinh tử chúng sinh

       Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy liền

          Vị ấy biết mối giềng Nghiệp quả

          Người hạ liệt, kẻ cả giàu sang

             Người đẹp đẽ, kẻ thô hèn

       Đều do hạnh nghiệp trắng đen họ hành.

 

          Là những pháp tịnh thanh, cao thượng,

          Thù thắng hơn. Do hướng vọng vào

              Chứng các pháp ấy thanh cao

       Mà các Phích-Khú cần-cầu xuất gia

          Sống Phạm-hạnh, nương Ta tu tập.

 

      *  Vị Tỷ Kheo diệt gấp não phiền

             Nhu nhuyến, vững chắc – theo thiền

       Bình thản như vậy, chẳng phiền chẳng ưu.

 

          Vị Tỷ Khưu hướng tâm đến với

            Lậu Tận Trí, dẫn tới biết rành

             Bốn Thánh Đế  biết ngọn ngành

       Đây là sự Khổ, nguyên nhân đưa vào

          Đây Khổ Diệt, đường nào diệt khổ

          Biết như thật lậu-hoặc loại này

             Nguyên nhân lậu-hoặc là đây

       Diệt trừ lậu-hoặc, biết ngay con đường.

*

          Nhờ hiểu biết, tận tường nhận thức

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  073

 

          Tâm vị ấy rất mực sáng trong

             Dục-lậu, hữu-lậu thoát xong

       Thoát vô-minh-lậu, khỏi vòng trói trăn

          Liền hiểu rõ : ‘Tự thân giải thoát

          Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành

             Việc cần làm, đã thực hành

       Sau đời hiện tại, Vô sanh hiển bày.

          U-Đa-Di ! Pháp này cao thượng

          Thù thắng hơn. Do hướng vọng vào

              Chứng các pháp ấy thanh cao

       Mà các Phích-Khú cần-cầu xuất gia

          Luôn tinh tấn, nương Ta tu tập

         (Và thu thập kết quả diệu kỳ )”.

   

              Ông Sa-Kú-Lú-Đa-Di

       Khi nghe đức Chánh Biến Tri giảng rành

          Du-sĩ ấy tâm thành hoan hỷ

          Hướng Đại Trí Chánh Giác, thưa ngay :

 

           “ Bạch Thế Tôn ! Vi diệu thay !

       Như người dựng vật lăn quay ngã nằm   

          Chỉ hướng kẻ sai lầm lạc lối

          Đem đèn sáng vào tối như bưng

              Để ai có mắt mở bừng

       Có thể thấy được sáng trưng sắc màu.

 

          Cũng như vậy, nhiệm mầu Chánh Pháp

          Được Thế Tôn phân tách, trình bày

              Con xin quy ngưỡng từ nay

       Quy y đức Phật, nương ngay Pháp mầu,

          Quy y Tăng thanh cao đức cả

          Nối tiếp nhau hoằng hóa Pháp môn.

              Mong Thế Tôn nhận cho con

Trung Bộ (Tập 3) Tiểu Kinh 79 : SAKULUDÀYI   *  MLH –  074

 

       Được phép nhập chúng, vuông tròn lợi tha

          Thọ Đại giới  xuất gia Cụ Túc

          Thành Tỷ Kheo thu thúc tu trì ”.

 

              Chúng Du-sĩ tại nơi ni

       Nghe Sa-Ku-Lú-Đa-Di nói vầy

          Liền lên tiếng : “ Xin ngài Tôn-giả

          U-Đa-Di chớ ngã tâm qua

              Chớ sống đời sống xuất gia

       Phạm-hạnh với Gô-Ta-Ma vị này.

          Ngài đã là bậc Thầy đương thứ

          Chớ có làm đệ tử một ai !

              Như một ghè nước tốt thay

       Bị thủng một lỗ, chảy hoài nước đi.

          Tôn-giả U-Đa-Di cũng vậy !

          Không thể lạy nương tựa, kính tôn

              Với Gô-Ta-Ma Sa-môn,

       Vì Tôn-giả là vị Tôn Sư rồi ! ”.

 

          Như vậy từ những lời ngăn trở     

          Chúng Du-Sĩ, làm lỡ dịp may,

              Là chướng-ngại-pháp sâu dày

       Cho U-Đa-Dí, cản ngay con đường

          Hướng đến đấng Pháp Vương Vô thượng

          Sống Phạm-hạnh, trưởng dưỡng tịnh, hòa

              Được hướng dẫn bởi Phật Đà.

     ( Phước duyên chưa đủ bỏ tà theo chân ) ./-

 

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  (3L )

 

*  *  *

 

(  Chấm dứt  Kinh số 79  : Tiểu Kinh Thiện Sinh  SAKULUDÀDI  –  SAKULUDÀDI Sutta )




***
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
21/06/2024(Xem: 3155)
Trong lúc dọn dẹp lại thư viện kinh sách bé nhỏ của mình, người viết vừa nâng niu, vừa bâng khuâng xao xuyến khi nhìn kỹ lại hơn 50 tác phẩm được biên soạn bằng chính năng lực, trí tuệ của quý danh tăng của thế kỷ 20 -21 đã ký tặng( mà người viết cho đấy là sách giáo khoa hàn lâm về Phật Giáo ) với những dòng chữ thật trân quý đầy tinh thần nhân văn cao cả của lý tưởng, lại mang đậm các giá trị đạo đức truyền thống trong Phật Giáo mà trong suốt đời tu học, khoảng 10 năm gần đây người viết mới được tiếp xúc những bậc hiền triết này.
15/06/2024(Xem: 1441)
Sau khi bang Niedersachsen của ông Tiến sĩ Albrecht thu nhận hơn 1.000 thuyền nhân từ chiếc tàu Hải Hồng, phân phối đi các vùng trong bang nhưng đông nhất vẫn là thành phố thủ phủ Hannover. Các thuyền nhân tỵ nạn này vừa từ cõi chết đi lên, nên rất cần một chỗ dựa cho tâm linh. Sau chuyến vượt biên thoát nạn, họ đã cầu nguyện Đức Mẹ Maria cứu vớt nếu là người Công giáo. Còn Phật giáo họ sẽ niệm Mẹ hiền Quán Thế Âm, hai hình tượng đã in sâu vào tâm thức, họ tin chắc hai Vị này đã ra tay cứu độ đưa họ đến bến bờ bình yên.
12/06/2024(Xem: 768)
Lời người chuyển ngữ: Thông thường khi nói đến ngồi thiền hay thực hành chánh niệm chúng ta lập tức nghĩ đến việc ngồi yên, ngồi một cách nghiêm trang và chú tâm vào hơi thở hay những cách khác (tùy theo phương pháp chỉ – quán…). Tuy nhiên chúng ta cũng nghe đến tứ oai nghi đi – đứng - nằm – ngồi, nghĩa là ta có thể giữ chánh niệm trong mọi hoàn cảnh và tư thế, điều này phụ thuộc vào năng lực, ý chí của mỗi cá nhân. Trong lá thư gởi độc giả của tạp chí Lion’s Roar (Sư Tử Hống), ngày 51/05/24 có đề cập đến việc ứng dụng và thực hành chánh niệm trong sự di chuyển động, trong lá thư này có dẫn lời của Francis Sanzaro một nhà leo núi chuyên nghiệp và cũng là một Phật tử đã áp dụng chánh niệm trong việc leo núi. Việc ứng dụng chánh niệm trong sự vận động hàng ngày đôi khi tôi cũng có chút xíu kinh nghiệm. Tôi thường chạy bộ, bơi lội… và giữ chánh niệm và cảm thấy thoải mái dễ chịu hơn là khi ngồi nghiêm trang trước bàn thờ Phật. Tôi nhận thấy mọi người ai cũng có thể áp dụng thực hành chán
12/06/2024(Xem: 740)
Sống ở đời, mọi người chúng ta ai ai cũng đã từng ít nhất một lần buộc miệng than: “Sao khổ vậy trời? Sao khổ thế này?”. Khổ là bản chất của đời sống hiện hữu, khổ là tất yếu vì sự thay đổi của vô thường. Đã sanh làm người, đã sống trong đời thì không thể tránh khỏi khổ, cho dù đó là tỷ phú cực giàu, tổng thống cực quyền hay là kẻ ăn mày khố rách áo ôm. Khổ có vô vàn nhưng chung quy lại không ngoài: Sanh, già, bệnh, chết, muốn mà không được, thương phải chia lìa, ghét phải chung đụng, thân và tâm đầy phiền não như lửa cháy. Khổ vì sanh – tử là điều bất khả kháng, khổ vì những ác nghiệp đã chín muồi thì cũng không thể tránh được, duy cái khổ của sự mong cầu, ham muốn, thèm khát là điều mà chúng ta có thể làm giảm thiểu hoặc tránh được.
04/06/2024(Xem: 946)
Ta lên núi, học làm Tiên nhẫn nhục, Mặc thói đời nhân ngã với thị, phi! Mây có hẹn, mà quên về cũng được, Gió có lay, trăng nghiêng ngã hề chi!
02/06/2024(Xem: 1341)
Một trong những lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sĩ thường được đời sau nhắc tới là hãy phản quan tự kỷ. Đó là pháp yếu Thiền Tông. Nghĩa là, nhìn lại chính mình. Câu hỏi chúng ta nêu ra nơi đây là, phản quan tự kỷ thế nào?
30/05/2024(Xem: 939)
Đại Trí Độ Luận nói: “Biển cả Phật pháp, tin thì vào được”. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tín làm tay. Như người có tay, đến nơi trân bảo, tùy ý nhặt lấy. Nếu người không tay, chẳng được thứ gì”. Cũng có câu: “Vừa vào cửa tín, liền lên Tổ vị”. “Mũi Tên Xuyên Vách” ra đời góp một niềm tin nhỏ cho người sơ cơ, chắc không tránh khỏi lỗi lầm. Rất mong bạn đọc bốn phương bổ chính để được tốt hơn trong những lần tái bản tới. Xin thành thật tri ân.
24/05/2024(Xem: 9088)
Hình ảnh Thầy Minh Tuệ xuất hiện trên các mạng xã hội y hệt như một trận bão truyền thông, làm dâng tràn những cảm xúc và suy tưởng. Những bước chân đơn độc của Thầy đã đi bốn vòng đất nước trong nhiều năm qua, để tu hạnh đầu đà là điều khó làm, không phải ai làm cũng được. Một hình ảnh chưa từng nhìn thấy, dù là trong tiểu thuyết hay phim ảnh: hàng trăm người dân, có khi hàng ngàn người dân, cùng ra phố bước theo Thầy, lòng vui như mở hội, niềm tin vào Chánh pháp kiên cố thêm.
17/05/2024(Xem: 742)
Bảo rằng mới, ừ thì là mới nhưng thật sự thì tháng năm đã từ vô thủy đến giờ. Tháng năm là tháng năm nào? Năm nào cũng có tháng năm, nếu bảo mọi tháng đều là tháng năm thì cũng chẳng sai. Năm, tháng, ngày, giờ… là cái khái niệm con người chế ra, tạm gọi là thế, tạm dùng để đo, đếm cái gọi là thời gian. Bản thân thời gian cũng là một khái niệm như những khái niệm dùng để đo lường nó. Bản chất thời gian là gì thì ai mà biết, nó vốn vô hình, vô tướng, vô trọng lượng, vô sắc, vô thanh… Nó không đầu không cuối và dĩ nhiên cũng không thể nào biết đâu là chặng giữa. Con người, vạn vật muôn loài và thế giới này có hình thành hay hoại diệt thì nó vẫn cứ là nó. Nó chẳng sanh ra và cũng chẳng mất đi.
17/05/2024(Xem: 1617)
Phần này ghi lại vài nhận xét về bản chữ quốc ngữ Sấm Truyền Ca và Lập Quốc Kinh, qua lăng kính của chữ quốc ngữ từ thời LM de Rhodes và các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo. Đây là lần đầu tiên cách dùng này hiện diện trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh/Bồ (chữ quốc ngữ), điều này cho ta dữ kiện để xem lại một số cách đọc chính xác hơn cùng với các dạng chữ Nôm đồng thời. Rất tiếc là chưa tìm ra bản Nôm Sấm Truyền Ca hay Lập Quốc Kinh, do đó bài này phải dựa vào các dạng chữ quốc ngữ viết tay còn để lại. Tài liệu tham khảo chính của bài viết này là các tài liệu chép tay của LM Philiphê Bỉnh (sđd) và bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]