Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

82. Phẩm "Vô Sự"

17/09/202015:26(Xem: 9052)
82. Phẩm "Vô Sự"

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-455


 

PHẨM "VÔ SỰ"

Phần đầu quyển 478, Hội thứ II, ĐBN.

(Tương đương phần cuối Q.395, phẩm “Vô Tánh Tự Tánh”, Hội thứ I, ĐBN)

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Gợi ý:

Phẩm “Vô Sự” của Hội thứ II, ĐBN giống phẩm thứ 85, “Thất Dụ”(Bảy Thí Du), tập 5, quyển 95, Đại Trí Độ Luận. Hai phẩm này nội dung giống nhau đều thuyết tất cả pháp thế gian đều như mộng huyễn bèo bọc… không có tự tánh, lấy vô tánh làm tự tánh. Nhưng vô tánh tự tánh không, cũng là không. Nên tuy có hành mà không có thi vi tạo tác, nếu không có thi vi tạo tác thì cũng không có nghiệp quả, không có tác dụng. Như vậy tuy có hành mà coi như vô sự. Đó là nội dung của phẩm “Vô Sự” này.

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh; như thế vô tánh chẳng phải chư Phật làm, chẳng phải Bồ Tát làm, chẳng phải Độc giác làm, chẳng phải Thanh văn làm, cũng chẳng phải những bậc trụ quả hành hướng làm. Vì sao bày ra các pháp có khác, rằng đây là địa ngục, đây làm bàng sanh, đây là cõi quỷ, đây là người, trời Tứ đại vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, trời Phạm chúng cho đến trời sắc cứu cánh, trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ; đây là Dự lưu, đây là Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, đây là Độc giác, đây là Bồ Tát, đây là Như Lai. Do nghiệp đây nên tạo ra địa ngục, do nghiệp đây nên tạo ra bàng sanh, do nghiệp đây nên tạo ra cõi quỷ, tạo ra người, tạo ra trời Tứ đại vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, do nghiệp đây nên tạo ra trời Phạm chúng cho đến trời Sắc cứu cánh, do nghiệp đây nên tạo ra trời Không vô biên xứ cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do pháp đây nên tạo ra Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn, do pháp đây nên tạo ra A la hán, do pháp đây nên tạo ra Độc giác, do pháp đây nên tạo ra Bồ Tát, do pháp đây nên tạo ra Như Lai?

Bạch đức Thế Tôn! Pháp vô tánh nhất định không có tác dụng, sao có thể nói do nghiệp như thế nên sanh bàng sanh, do nghiệp như thế nên sanh cõi quỷ, do nghiệp như thế nên sanh trong loài người. Do nghiệp như thế nên sanh vào trời Tứ đại vương chúng cho đến trời Tha hóa tự tại, v.v… Do pháp như thế nên được quả Dự lưu, do pháp như thế nên được quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, do pháp như thế nên được Độc giác Bồ đề, do pháp như thế nên vào địa vị Bồ Tát, Bồ Tát đạo. Do pháp như thế nên được Nhất thiết tướng trí, gọi là Phật Thế Tôn, khiến các hữu tình giải thoát sanh tử?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng như ngươi đã nói. Trong pháp vô tánh chẳng thể tạo ra các pháp sai khác, không nghiệp, không quả, cũng không tác dụng. Nhưng những người ngu chẳng rõ Thánh pháp Tỳ nại da, nên chẳng như thật biết các pháp đều lấy vô tánh làm tánh, ngu si điên đảo, phát khởi nhiều thứ nghiệp thân, ngữ, ý, theo nghiệp sai khác chịu các loại thân. Dựa vào phẩm loại sai khác của thân mà có địa ngục, bàng sanh, cõi quỷ, hoặc người, hoặc trời cho đến trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Vì muốn cứu vớt những người ngu si điên đảo như thế, nên bày ra phần vị Thánh pháp Tỳ nại da sai khác. Nương vào phần vị đây mà có Dự lưu cho đến Độc giác, Bồ Tát, Như Lai, nhưng tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Trong pháp vô tánh thật không có pháp khác, không nghiệp, không quả cũng không tác dụng. Pháp vô tánh thường vô tánh vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Như ngươi đã nói, pháp vô tánh nhất định không có tác dụng, sao có thể nói do pháp như thế được quả Dự lưu, nói rộng cho đến do pháp như thế được Nhất thiết tướng trí, gọi là Phật Thế Tôn, khiến các hữu tình thoát sanh tử. Ý ngươi nghĩ sao? Các việc tu đạo là vô tánh chăng? Các quả Dự lưu, quả Nhất lai, Bất hoàn, A la hán, Độc giác Bồ đề và Bồ Tát đạo, Nhất thiết tướng trí là vô tánh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Thưa Thế Tôn! Đúng vậy! Các việc tu đạo nói rộng cho đến Nhất thiết tướng trí đều là vô tánh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Pháp vô tánh có thể được pháp vô tánh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Chẳng được.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Vô tánh và đạo là tất cả pháp đều chẳng tương ưng, chẳng phải chẳng tương ưng, vô sắc, vô kiến, vô đối, nhất tướng chỗ gọi là vô tướng. Phàm phu dị sanh ngu si điên đảo, đối với pháp vô tướng khởi tưởng có pháp, chấp đắm năm uẩn; ở trong vô thường khởi tưởng là thường, ở trong các khổ khởi tưởng là vui, ở trong vô ngã khởi tưởng là ngã, ở trong bất tịnh khởi tưởng là tịnh, ở pháp vô tánh chấp đắm có tánh. Do đây, chúng đại Bồ Tát hành sâu Bát Nhã, phương tiện khéo léo cứu vớt các loại hữu tình như thế, khiến lìa điên đảo hư vọng phân biệt; phương tiện an trú trong pháp vô tướng, khiến siêng năng tu học giải thoát sanh tử, chứng được Niết bàn thường vui rốt ráo.

Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn! Nếu việc mà phàm phu ngu si dị sanh chấp đắm có phần nào chơn thật, ngu phu ấy chấp đắm rồi, tạo tác các nghiệp, do nhân duyên này nên chìm đắm luân hồi các cõi, chẳng được thoát khổ sanh tử chăng?

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Việc phàm phu ngu si dị sanh chấp đắm, không có phần nào chơn thật thậm chí bằng đầu sợi lông. Kẻ ngu ấy chấp đắm rồi, tạo tác các nghiệp. Do nhân duyên này nên chìm đắm các cõi, chẳng thoát khỏi các khổ sanh tử được. Chỉ có hư vọng điên đảo chấp đắm. Ta nay vì ông rộng nói thí dụ, làm rõ nghĩa ấy khiến cho ông dễ hiểu. Những người có trí nhờ các thí dụ đây, đối với nghĩa mà Ta nói có thể hiểu được chơn chánh.

 

(Tác dụng của trò huyễn?)

 

Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong mộng thấy người hưởng vui năm dục. Trong mộng có chút phần nào là thật khiến cho người kia hưởng dục lạc chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Người được thấy trong mộng còn chẳng thật có, huống là có việc hưởng vui năm dục.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong mộng thật có các việc sanh tử qua lại trong các cõi chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Chẳng thật có.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong mộng thật có việc tu đạo, nương việc tu đạo ấy mà lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thật có. Vì sao? Vì các pháp trong mộng thấy được đều không thật có, chẳng có người tạo ra, chẳng có việc tạo ra, tu đạo còn không có huống là có việc nương vào sự tu đạo lìa xa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các hình tượng hiện ra trong gương… có thật sự gây nghiệp, bởi đã gây nghiệp nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng khổ vui chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Các hình tượng hiện ra trong gương… đều không thật có, chỉ gạt trẻ nít ngu si. Những hình ấy làm sao có thể gây các nghiệp, do nghiệp đã tạo nên bị đọa cõi ác, hoặc sanh loài người, trời hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các hình tượng ấy có chơn thật tu đạo, nương việc tu đạo nên lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa:

- Bạch Thế Tôn! Các hình tượng trong gương… đều không thật có, chẳng phải người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không, huống nương tu đạo lìa xa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các tiếng vang phát ra từ trong hang núi… có thật sự tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng khổ vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các tiếng vang phát ra từ trong hang núi… đều không thật có, chỉ gạt trẻ nít ngu si. Những âm thanh ấy làm sao có thể gây tạo các nghiệp, do nghiệp đã tạo nên đọa cõi ác, hoặc sanh trời người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các tiếng vang ấy có thật tu đạo, nương sự tu đạo nên lìa nhiễm, được tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì tiếng vang phát ra từ hang núi… đều không thật có, chẳng có người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không có, huống nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong quáng nắng hiện như nước… có thật sự tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng khổ vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Trong quáng nắng hiện ra nước thảy đều không thật có, chỉ gạt trẻ nít ngu si. Những hiện tượng ấy làm sao có thể gây tạo các nghiệp, do nghiệp đã tạo nên đọa cõi ác, hoặc sanh cõi trời người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Nước trong các quáng nắng có chơn thật tu đạo, nương tu đạo nên lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Không. Vì sao? Vì nước trong quáng nắng đều không thật có, chẳng có người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không có huống nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Sắc tướng hiện ra trong các ánh sáng, có thật sự tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng khổ, vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Sắc tướng hiện ra trong các ánh sáng đều không thật có, chỉ gạt trẻ nít ngu si. Các sắc tướng ấy làm sao có thể gây tạo các nghiệp, bởi nghiệp nên đọa ác thú, hoặc sanh cõi trời người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Sắc tướng trong các ánh sáng có thật tu đạo, nương sự tu đạo ấy xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thật. Vì sao? Vì sắc tướng trong các ánh sáng đều không thật có, chẳng có người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không huống nương vào sự tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Huyễn sư hóa làm bốn loại quân hùng mạnh: Quân voi, quân ngựa, quân xe, quân bộ, hoặc hóa tạo ra trâu, dê, nam, nữ và các việc lạ khác rất hiếm có. Các loại do huyễn hóa… đây có thật tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng khổ, vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Voi huyễn, ngựa huyễn… đều không thật có, chỉ gạt trẻ nít khờ dại. Những loại này làm sao có thể gây tạo các nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa ác thú, hoặc sanh trời, người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các việc huyễn hóa có thật tu đạo, nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thật. Vì sao? Vì voi huyễn, ngựa huyễn… đều không thật có, chẳng có người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không huống nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Những thân mà kẻ biến hóa ra, hóa thân ấy có thật tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng các khổ, vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các thân biến hóa đều không thật có, làm sao có thể gây tạo các nghiệp, bởi nghiệp đã tạo nên bị đọa ác thú, hoặc sanh cõi trời người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Hóa thân thật có tu đạo, nương tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thật. Vì sao? Vì các thân biến hóa đều không thật, chẳng phải người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không huống nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các vật hiện ra trong thành Tầm hương, có thật tạo nghiệp, bởi nghiệp đã gây nên đọa địa ngục, hoặc đọa bàng sanh, hoặc đọa cõi quỷ, hoặc sanh trong loài người, hoặc sanh trên trời hưởng các khổ vui chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Các vật hiện ra trong thành Tầm hương đều không thật có, làm sao có thể tạo các nghiệp, bởi nghiệp đã tạo nên đọa ác thú, hoặc sanh cõi trời người hưởng các khổ vui!

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Các vật hiện ra trong thành Tầm hương có thật tu đạo, nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Chẳng thật. Vì sao? Vì các vật hiện ra trong thành Tầm hương đều không thật, chẳng phải người tạo, chẳng do việc tạo, sự tu đạo còn không huống nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Ý ngươi nghĩ sao? Trong đây thật có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh chăng?

Thiện Hiện thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn! Trong đây không thật có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh.

Phật bảo:

- Này Thiện Hiện! Kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh thật không có. Do nhân duyên đây nên tạp nhiễm, thanh tịnh cũng chẳng thật có. Vì sao? Vì các loài hữu tình trụ ngã, ngã sở hư vọng phân biệt nói có kẻ tạp nhiễm và thanh tịnh. Do nhân duyên đây, nói có tạp nhiễm và thanh tịnh. Kẻ chẳng thấy thật, nói có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh. Còn người thấy như thật, thì biết không có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh, cũng không có tạp nhiễm, thanh tịnh thật sự để được, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy. (Q.478, ĐBN)

 

Sơ giải:

 

Phẩm “Phật Pháp” của Hội thứ II, ĐBN chúng ta vừa tụng qua Phật thuyết về Tánh không mà trong đó có ba pháp không cuối cùng quan trọng là tự tướng không, tự tánh không và vô tánh tự tánh không để chúng ta tri nhận cái không của vạn hữu là “nhất thiết pháp đều không”. Khi tri nhận được như vậy thì biết tất cả pháp không có tác dụng:

“(…) tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh. Trong pháp vô tánh thật không có pháp khác, không nghiệp, không quả cũng không tác dụng. Pháp vô tánh thường vô tánh vậy”.

Kinh bảo rằng: Các pháp không có chút phần nào chơn thật thậm chí bằng đầu mảy lông. Kẻ ngu phu dị sanh chấp đắm, khởi tạo tác mà bị rơi vào các nghiệp. Do nhân duyên này nên chìm đắm các cõi, chẳng thoát khỏi các khổ sanh tử.

Nếu hiểu các pháp đều không, thì các pháp không có ảnh hưởng, không có tác dụng, nên không thi vi tạo tác nữa. Vì vậy, phẩm này Phật bảo: Các pháp chẳng khác nào cảnh mộng, như hình tượng trong gương, như tiếng vang phát ra từ hang núi, như nước hiện trong nắng nóng, như bèo bọt sương khói, như thành tầm hương v.v… đều không thật có, chẳng phải người tạo, chẳng do ai tạo, chẳng do việc tạo, trong đây không thật có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh. Vì vậy, mới biết sự tu đạo còn không hiến chi nương vào tu đạo xa lìa tạp nhiễm, được thanh tịnh.

Phật bảo:

- “Này Thiện Hiện! Kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh thật không có. Do nhân duyên đây nên tạp nhiễm, thanh tịnh cũng chẳng thật có. Vì sao? Vì các loài hữu tình trụ ngã, ngã sở hư vọng phân biệt nói có kẻ tạp nhiễm và thanh tịnh. Do nhân duyên đây, nói có tạp nhiễm và thanh tịnh. Kẻ chẳng thấy thật, nói có tạp nhiễm, có thanh tịnh. Còn người thấy như thật, thì biết không có kẻ tạp nhiễm, kẻ thanh tịnh, cũng không có tạp nhiễm, thanh tịnh thật sự để được, vì tất cả pháp rốt ráo không vậy”.

Câu nói đáng ghi nhớ trong phẩm này là: “Trong pháp vô tánh thật không có pháp khác, không nghiệp, không quả cũng không tác dụng. Pháp vô tánh thường vô tánh vậy”. Pháp vô tánh cũng gọi là không, trong không làm gì có nghiệp, có quả, có tác dụng… Tất cả đều như cảnh mộng như trò huyễn v.v… Nếu thấy biết như thế thì lấy gì để giữ bỏ, nắm bắt! Không giữ bỏ, nắm bắt thì không chấp đắm… Nếu không chấp đắm làm gì có tạo tác thi vi mà sanh tội phước nhân quả?

Nên Đại Trí Độ Luận, phẩm thứ 85, “Thất Dụ”, tập 5, quyển 95 giải thích rằng:

“Phật nói chúng sanh do điên đảo mà khởi chấp các pháp, nhưng thật sự chẳng có sự tương đãi sai biệt giữa thật pháp và giả pháp. Vì sao? Vì hết thảy pháp đều là rốt ráo không vậy”.

Do vậy, mới có câu hỏi:

“Hỏi: Nếu nói giả pháp và thật pháp đều chẳng thật có, thì làm sao có thể được giải thoát? Ví như tay bẩn mà dùng nước bẩn để rửa tay, thì làm sao rửa cho sạch được?

Đáp: Các pháp tướng đều là rốt ráo không. Sở dĩ nói đệ nhất nghĩa thanh tịnh, vì có phàm phu điên đảo, chẳng thanh tịnh.

Pháp thanh tịnh là chẳng bị phá hoại, chẳng bị biến đổi. Do phàm phu ở nơi các pháp thật tướng mà khởi chấp, sanh phiền não, nên phải vì họ nói pháp tướng là không, là vô sanh, là vô sở hữu. Vì là vô sở hữu nên là chẳng thật.

Tuy nói hai pháp, mà cả hai đều chẳng thật. Nhưng dù đều chẳng thật mà vẫn có chỗ sai khác nhau. Ví như 10 thiện pháp và 10 bất thiện pháp đều là pháp hữu vi, đều là pháp hư dối, chẳng thật, mà giữa thiện và bất thiện vẫn có chỗ sai khác vậy. Ví như người phạm tội sát sanh bị đọa vào đường ác; người chẳng sát sanh được sanh làm người, làm trời. Ví như ở nơi vô sở hữu mà não hại chúng sanh thì bị tội; khởi tâm từ bi đối với chúng sanh thì được phước v.v…

Lại nữa, tuy các pháp đều là không, là hư dối, nhưng lại có tác dụng khác nhau. Ví như từ bi phá được sân hận, bố thí phá được xan tham v.v…

Bởi vậy nên nói các pháp chẳng có bản định thật. Để chứng minh, Phật nên lên 7 thí dụ.

Phật nêu thí dụ trong mộng thấy có người thọ 5 dục, mà cảnh mộng đó chẳng thật có. Sở dĩ Phật nêu thí dụ trên đây để phá chấp cho rằng “Nếu các pháp là không, là vô sở hữu, thì làm sao khiến mắt có thể thấy được Phật, tai có thể nghe được pháp…”

Thí dụ này cho thấy mộng tuy chẳng thật có, mà vẫn có nghe thấy, có sân hận, có vui mừng v.v…; khi tỉnh mộng rồi, thì chẳng có thấy gì nữa cả. Phàm phu do vô minh điên đảo che tâm, nên cảm thấy có sân hận có vui mừng v.v… còn các bậc thánh đã được giác ngộ rồi, thì chẳng thấy gì hết.

Hết thảy các pháp, dù là hữu lậu, vô lậu, hữu vi, vô vi v.v… đều là hư dối, chẳng thật có, đều ví như cảnh mộng vậy. Cũng như cảnh mộng, khi mê thì thấy có 6 đường sanh tử, thấy có chúng sanh qua lại 6 đường sanh tử, thấy có Thanh Văn, Bích Chi Phật, Bồ Tát… dẫn đến có Phật; khi ngộ, chẳng còn thấy gì nữa. Cũng như cảnh mộng, khi mê thì thấy các nghiệp nhân duyên dẫn đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, hoặc dẫn sanh làm người, làm trời, thấy có cấu có tịnh; khi ngộ, thì chẳng thấy có các nghiệp nhân duyên, chẳng thấy có cấu tịnh. Chỉ do điên đảo chấp  mới khởi các nghiệp nhân duyên… dẫn đến phải thọ các nghiệp quả báo; khi ngộ, thì chẳng còn thấy gì nữa.

Các chấp điên đảo là hư dối, là chẳng thật có. Nếu trừ được các chấp điên đảo rồi, là liền được đạo. Thế nhưng, khi các chấp điên đảo đã tận trừ rồi thì đạo cũng là chẳng thật có vậy. Tất cả đều là như mộng… dẫn đến đều là như bóng trong gương, như tiếng vang, như sóng nắng, như thành Càn Thát Bà, như huyễn, như hóa cả”.

Nhưng đó chỉ là lối nói theo Đệ nhất nghĩa đế. Chúng ta sống ở cõi đời này đã bị luân lý đạo đức, cái gọi là đạo làm người, đạo nhân gian ăn sâu tận xương tủy lâu đời trong máu mũ, nên phân biệt chấp trước mà nói có nghiệp quả, nhiễm tịnh trong sinh hoạt thường nhật của đời sống chúng ta? Chỉ trừ khi nào nhập được tánh không biết được tất cả pháp là vô tánh tự tánh không thì khi ấy không còn thấy nghiệp quả, uế tịnh lúc đó mới có thể tháo gỡ cái án treo đang trồng trên cỗ trong suốt cuộc đời này. Câu nói ghê gớm nhất làm chúng ta không che dấu nổi phiền muộn là “sanh ra là để trả nghiệp”. Nó đe dọa thường xuyên chúng ta khi mới vào đời và bắt đầu có ý thức về phải trái tội phước. Nhưng nếu chứng được pháp không, pháp như và sống trong Đệ nhất nghĩa đế sẽ không thấy uế tịnh, tội phước, tất được thong dong tự tại thôi.

Ở đây, thay vì Phật nói đến chứng nhập pháp không, pháp như hay sống trong Đệ nhất nghĩa đế, Phật nói nếu thấy được các pháp như huyễn như mộng, như thành tầm hương, như bèo bọc, sương khói… thì chẳng có gì để bám vúi, nên không còn quái ngại, vướng mắc nữa.

Phật bảo:

“… phàm phu ngu si dị sanh chấp đắm, không có phần nào chơn thật thậm chí bằng đầu sợi lông. Kẻ ngu ấy chấp đắm rồi, tạo tác các nghiệp. Do nhân duyên này nên chìm đắm các cõi, chẳng thoát khỏi các khổ sanh tử được. Chỉ có hư vọng điên đảo chấp đắm”.

Vì chẳng thấy chân tướng của sự vật tức chưa vào được nơi thật tướng pháp, chỉ sống trong hư vọng điên đảo chấp đắm, nên tạo tác thi vi mà bị nghiệp trói buộc, lưu đài trong ba cõi sáu đường. Phật cố gắng thức tỉnh chúng sanh nói rằng “tự tướng các pháp là không, ở nơi thật tướng các pháp là không nên không chấp cấu, chấp tịnh nữa”.

Giáo pháp rất sâu, phải tu tập, quán tưởng thực hành miên mật mới hy vọng cởi bỏ những thói quen điên đảo chấp đắm của con người thế tục. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta ngàn đời ngu phu dị sanh vẫn là ngu phu dị sanh, và không bao giờ tháo gỡ được cái án treo của nghiệp quả đã quàng lên cổ từ khi chúng ta vừa mới chào đời. Đó là nói theo thế tục.

 

Để kết luận cho phẩm này, chúng ta có thể nói: “Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp đều quán tự tướng không. Đại Bồ Tát ấy, dùng Tỳ bà xá na quán tất cả pháp tự tướng không rồi thì, hoàn toàn không thấy có tự tánh có thể an trụ trong ấy mà chứng đắc quả vị Giác ngộ tối cao. Vì sao? Vì quả vị Giác ngộ và tất cả pháp đều lấy vô tánh làm tự tánh; vô tánh như thế chẳng phải do Phật làm ra, cũng không bất cứ ai làm ra. Chỉ vì hữu tình đối với tất cả pháp chẳng biết chẳng thấy tất cả đều không, tất cả đều như huyễn mộng... Do nhân duyên này, các đại Bồ Tát tu hành Bát Nhã, phương tiện thiện xảo, vì các hữu tình như thật tuyên thuyết, khiến lìa chấp, thoát khổ sanh tử”.

Vậy, chẳng có gì chẳng không, chẳng có gì khác cảnh mộng, trò huyễn… đối với Bát Nhã. Học Bát nhã Ba la mật phải biết quán không như huyễn như mộng... Mới vào được nhân không, pháp không là không còn thấy sở tác. Không thấy sở tác, hành như vô sự, vô đạo hành, vô công dụng hạnh… Hành như vậy là không thấy tác chủ, pháp hành, sở hành… thì làm gì thấy nghiệp quả, báo chướng nữa./.

 

---o0o---

 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]