- Lời Trần Tình (của Hòa Thượng Thích Đỗng Minh về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tiểu Sử Dịch Giả: Pháp Sư Huyền Trang và HT Thích Trí Nghiêm
- Thừa Sự Tăng Sai (dịch giả Kinh Đại Bát Nhã, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tựa Hồi Đầu
- Tập 01
- Tập 02
- Tập 03
- Tập 04
- Tập 05
- Tập 06
- Tập 07
- Tập 08
- Tập 09
- Tập 10
- Tập 11
Tập 09
Quyển 440
Phẩm Phương Đông Bắc 03
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí
Xá-lợi Tử! Khi nghe ta thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, thì tâm của các thiện nam tử, thiện nữ nhơn Đại thừa vui mừng, được diệu pháp rộng lớn, cũng có thể an lập vô lượng chúng sanh ở trong pháp thắng thiện, làm cho họ hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Xá-lợi Tử! Nay ở trước Ta, các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này phát hoằng thệ nguyện: Tôi sẽ an lập vô lượng trăm ngàn loài hữu tình, làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tu các hạnh Đại Bồ-tát và chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt, làm họ vui mừng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển, an trụ quả vị Bồ-tát Bất thối chuyển.
Xá-lợi Tử! Đối với nguyện kia, Ta rất tùy hỷ. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì Ta xem các thiện nam tử, thiện nữ nhơn trụ Bồ-tát thừa phát nguyện rộng như thế, tâm ngữ hợp nhất. Tương lai, các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia quyết định an lập được vô lượng trăm ngàn loài hữu tình, làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tu các hạnh Đại Bồ-tát, và chỉ dạy khuyến khích dẫn dắt, làm họ vui mừng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển, an trụ quả vị Bồ-tát Bất thối chuyển.
Xá-lợi Tử! Thời quá khứ ở trước vô lượng Phật, các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này cũng phát hoằng thệ nguyện: Tôi sẽ an lập vô lượng trăm ngàn loài hữu tình, làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng giác, tu các hạnh Đại Bồ-tát và chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt làm họ vui mừng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển, an trụ quả vị Bồ-tát Bất thối chuyển.
Xá-lợi Tử! Đối với nguyện kia, chư Phật quá khứ cũng rất tùy hỷ. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì chư Phật quá khứ cũng xem các thiện nam tử, thiện nữ nhơn trụ Bồ-tát thừa phát hoằng nguyện như thế, tâm ngữ hợp nhất. Tương lai các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia quyết định an lập vô lượng trăm ngàn loài hữu tình, làm cho họ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát và chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt làm họ vui mừng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, cho đến được thọ ký Bất thối chuyển, an trụ quả vị Bồ-tát Bất thối chuyển.
Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này có lòng tin hiểu rộng lớn, nương sắc, thanh, hương, vị, xúc vi diệu để tu bố thí rộng lớn. Tu bố thí này rồi lại vun trồng thiện căn rộng lớn. Nhờ thiện căn này mà thu được quả báo rộng lớn. Thu được quả báo rộng lớn như thế chỉ vì lợi ích cho tất cả hữu tình. Xả bỏ tất cả sở hữu nội ngoại cho tất cả hữu tình, hồi hướng thiện căn đã trồng như thế, nguyện sanh đến thế giới chư Phật ở phương khác có Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đang tuyên thuyết pháp vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Họ nghe pháp vô thượng Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế rồi, lại an lập trong cõi Phật ấy vô lượng trăm ngàn loài hữu tình, làm cho phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các hạnh Đại Bồ-tát và chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt làm cho chúng sanh vui mừng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề được Bất thối chuyển. Do đại nguyện đã phát viên mãn nên mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Khi ấy, Xá-lợi Tử lại thưa Phật:
- Lạ thay! Đấng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đối với các pháp thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại đều chứng biết; đối với tất cả pháp chơn như, pháp giới, pháp tánh, thật tế, cảnh giới hư không v.v... đều chứng biết; đối với giáo của các pháp khác nhau đều chứng biết; đối với tâm hành khác nhau của hữu tình đều chứng biết; đối với các Đại Bồ-tát đời quá khứ đều chứng biết; đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đời quá khứ đều chứng biết; đối với đệ tử chư Phật và các cõi Phật ở quá khứ đều chứng biết; đối với các Đại Bồ-tát vị lai đều chứng biết; đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đời vị lai đều chứng biết; đối với đệ tử chư Phật và các cõi Phật đời vị lai đều chứng biết; đối với các Đại Bồ-tát trong hiện tại ở mười phương tu hành khác nhau đều chứng biết; đối với tất cả Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hiện đang thuyết pháp ở vô lượng, vô số, vô biên thế giới trong mười phương đều chứng biết; đối với đệ tử chư Phật và các cõi Phật trong hiện tại đều chứng biết.
Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ-tát nào dõng mãnh tinh tấn, thường không ngừng mong cầu sáu pháp Ba-la-mật-đa này thì vị ấy chứng đắc sáu pháp Ba-la-mật-đa có tùy thuộc vào thời gian hay không tuỳ thuộc vào thời gian?
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia, thường dõng mãnh tinh tấn, không ngừng mong cầu sáu pháp Ba-la-mật-đa này thì không lúc nào mà không chứng đắc. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Vì các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia thường dõng mãnh tinh tấn, không ngừng mong cầu sáu pháp Ba-la-mật-đa này nên được chư Phật và Bồ-tát thường hộ niệm.
Xá-lợi Tử thưa:
- Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia, nếu chẳng đắc sáu pháp Ba-la-mật-đa tương ưng với kinh thì làm sao có thể nói họ chứng đắc sáu pháp Ba-la-mật-đa này?
Phật dạy:
- Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia, đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa, thường dõng mãnh tin cầu chẳng kể thân mạng, mà chẳng đắc sáu Ba-la-mật-đa đây tương ưng với kinh thì điều này không có. Vì sao? Này Xá-lợi Tử! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia, vì cầu Chánh đẳng Bồ-đề nên chỉ dạy, khuyến khích, dẫn dắt các loài hữu tình, làm họ đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa đây tương ưng với kinh mà vui thích thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập. Do căn lành này, nên sanh ra chỗ nào cũng thường được sáu pháp Ba-la-mật-đa, tương ưng với kinh điển mà thọ trì, đọc tụng dõng mãnh tinh tấn như pháp tu hành, làm cho hữu tình được thành tựu, nghiêm tịnh cõi Phật; tuy chưa chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng trong thời gian đó chưa từng phế bỏ dù chỉ giây lát.
Tập 09
Quyển 440
Phẩm Ma Sự
Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Ngài đã khen các thiện nam tử, thiện nữ nhơn thành tựu công đức, hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, dõng mãnh tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã ba-la-mật-đa, làm cho hữu tình được thành tựu, nghiêm tịnh cõi Phật. Bạch Thế Tôn! Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này khi tu các hạnh hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm sao biết được những ma sự trở ngại?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào muốn tuyên nói pháp yếu cho hữu tình nhưng đợi đến thời mới nói, biện tài diễn nói không phát sanh liền thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Do duyên gì mà Đại Bồ-tát muốn vì hữu tình tuyên nói pháp yếu nhưng đợi đến thời mới nói, biện tài diễn nói không phát sanh liền, gọi là ma sự?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát khi tu hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, do nhân duyên tu Bát-nhã ba-la-mật-đa cho đến bố thí Ba-la-mật-đa khó được viên mãn, nên nói Đại Bồ-tát muốn vì hữu tình tuyên nói pháp yếu nhưng đợi đến thời mới nói, biện tài diễn nói không phát sanh liền, đó là ma sự.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào thích tu thắng hạnh, mà biện tài diễn nói phát sanh liền thì nên biết đó là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Do duyên gì mà Đại Bồ-tát thích tu thắng hạnh, mà biện tài diễn nói phát sanh liền, gọi là ma sự?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Các Đại Bồ-tát tu hành bố thí Ba-la-mật-đa cho đến Bát-nhã ba-la-mật-đa mà không có phương tiện thiện xảo, biện tài diễn nói phát sanh liền, thì bỏ sự tu tập hạnh kia. Do vậy gọi là Đại Bồ-tát thích tu thắng hạnh, biện tài diễn nói phát sanh liền, đó là ma sự.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, mà nhăn rên, ợ ngáp, ngã nghiêng cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm rối loạn, sai lầm văn cú, lờ mờ nghĩa lý, chẳng được thấm nhuần thâm ý, chợt bỏ ngang việc, ghi chép không thành. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, nói, nghe kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà nhăn rên, ợ ngáp, ngã nghiêng cười giỡn, khinh lấn lẫn nhau, thân tâm rối loạn, sai lầm văn cú, lờ mờ nghĩa lý, chẳng được thấm nhuần thâm ý, chợt bỏ ngang việc, việc ấy không thành. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa phát khởi ý nghĩ: Đối với kinh này, ta chẳng thấm nhuần thâm ý thì cần gì phải chịu khổ nhọc để được nghe kinh này. Suy nghĩ vậy rồi liền bỏ đi. Thọ trì, đọc tụng, tư duy, tu tập, ghi chép, giải thích cũng như vậy?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Quá khứ, do các thiện nam tử, thiện nữ nhơn này tu hành Bát-nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tinh giới, bố thí Ba-la-mật-đa một cách cạn cợt, nên khi lắng nghe, thọ trì… Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này chẳng được thấm nhuần thâm ý, không kham nhẫn nổi liền bỏ đi.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi nghe kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa suy nghĩ: Ta không được thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì cần gì phải lắng nghe, thọ trì kinh như thế. Do nhân duyên đó, tâm họ không thanh tịnh, không được nghĩa lí sâu xa, nên rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, không thọ ký Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề cho các thiện nam, thiện nữ, làm họ không thể kham nhẫn, chán nản bỏ đi?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bồ-tát chưa vào Chánh tánh ly sanh thì không nên thọ ký đại Bồ-đề, nếu thọ ký cho họ, thì họ sẽ tăng thêm kiêu mạn, gây tổn hại không ích gì, nên không thọ ký.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa suy nghĩ: Trong đây không nói đến danh tự của chúng ta, cần gì chúng ta phải nghe. Tâm họ không thanh tịnh, không được thấm nhuần, liền rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không nói đến danh tự của Bồ-tát kia?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bồ-tát chưa thọ ký đại Bồ-đề, thì tất nhiên không nói đến danh tự của họ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Khi nghe thuyết kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa suy nghĩ: Trong đây không nói đến nơi sanh, thành ấp, xóm làng của chúng ta, cần gì chúng ta phải nghe. Tâm họ không thanh tịnh, không được thấm nhuần, liền rời tòa đứng dậy, chán nản bỏ đi. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này không nói đến nơi sanh, thành ấp, xóm làng của Bồ-tát kia?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu chưa nói đến danh tự của Bồ-tát kia thì không nên nói nơi sanh sai khác của họ.
Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ-tát nào khi nghe thuyết Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, tâm không thanh tịnh, không thấm nhuần mà bỏ đi, thì tùy theo họ sanh tâm không thanh tịnh, chán bỏ kinh này, đi bao nhiêu bước thì giảm bấy nhiêu kiếp số công đức, bị bấy nhiêu kiếp tội chướng Bồ-đề. Chịu tội ấy rồi, trải qua một thời gian, phát tâm tinh tấn cầu đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, tu các khổ hạnh khó hành của Bồ-tát, thì mới có thể phục hồi được. Vì thế, Bồ-tát nào muốn mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì không nên chán bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, vứt bỏ kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh khác. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát. Vì sao? Thiện Hiện! Vì các thiện nam, thiện nữ này vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, căn bản của trí nhất thiết tướng, mà vin vào các kinh điển cành lá khác, thì quyết không thể được đại Bồ-đề.
Cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Những kinh nào giống như cành lá không thể phát sanh trí nhất thiết tướng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Nếu thuyết pháp tương ưng với bậc Thanh văn và Độc giác, đó là bốn niệm trụ, bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo và pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện v.v... thuộc các kinh; nếu các thiện nam, thiện nữ nào tu học trong đó, đạt được quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất hoàn, quả A-la-hán, Độc giác Bồ-đề mà không đạt được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì đó gọi các kinh khác giống như cành lá, không thể phát sanh trí nhất thiết tướng. Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, quyết định phát sanh trí nhất thiết tướng, có sức mạnh và công năng lớn giống như cội cây. Các thiện nam, thiện nữ này vứt bỏ kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, cầu học kinh khác, thì quyết không thể được trí nhất thiết tướng. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa sanh ra pháp công đức thế gian, xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát. Do vậy, Đại Bồ-tát nào tu học kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, là tu học tất cả thiện pháp công đức thế gian và xuất thế gian của chúng Đại Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Thí như con chó đói, bỏ thức ăn của chủ lại theo tôi tớ cầu xin ăn. Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp căn bản của tất cả Phật pháp, để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa cũng như vậy. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Thí như người muốn tìm voi chúa. Được voi rồi, lại bỏ đi tìm dấu chân nó, ý ông thế nào, người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp căn bản của tất cả Phật pháp, để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa cũng như vậy. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Thí như người muốn thấy biển lớn, khi thấy biển rồi, lại bỏ đi tìm nước trong dấu chân trâu và suy nghĩ: Lượng nước trong biển lẽ nào lại sâu rộng như thế này hay sao? Ý ông thế nào? Người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa là pháp căn bản của tất cả Phật pháp, để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa cũng như vậy. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Thí như có người thợ hoặc đệ tử của người thợ muốn dựng một cung điện lớn, như cung điện thù thắng của trời Đế Thích. Họ thấy cung điện ấy rồi, nhưng lại thiết kế theo cung điện mặt trăng, mặt trời. Ý ông thế nào? Người thợ hoặc đệ tử người thợ có thể dựng cung điện lớn như cung điện thù thắng của trời Đế Thích được không?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Không! Bạch Thiện Thệ! Không!
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Ý ông thế nào? Người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh, là người ngu si.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mà vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa thì cũng như vậy, quyết chắc họ không đạt được sự mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như người muốn diện kiến Chuyển luân Thánh vương. Khi được diện kiến, không nhìn kỹ hình tướng rồi bỏ đi đến nơi khác, thấy hình tướng tiểu vương phàm phu liền nghĩ hình tướng oai đức của Chuyển luân Thánh vương cùng với đây nào có khác. Ý ông thế nào? Người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa cũng như vậy, muốn cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, nhưng vứt bỏ Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, và nói kinh điển này cùng với kinh điển ấy không khác nhau, cần gì phải dùng kinh điển ấy làm gì, thì quyết chắc các thiện nam, thiện nữ này không đạt được sự mong cầu Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người đang đói được món ăn nhiều vị ngon mà lại bỏ đi để cầu ăn cơm thiêu hẩm. Ý ông thế nào, người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, ở trong đó muốn cầu trí nhất thiết tướng cũng như vậy. Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia chỉ luống uổng mệt nhọc, quyết chắc không đạt được trí nhất thiết tướng. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Như có người nghèo được vật báu vô giá, nhưng lại bỏ để đổi lấy Ca-già-mạc-ni (một loại bảo thạch thuỷ tinh). Ý ông thế nào, người này có thông minh chăng?
Thiện Hiện thưa:
- Bạch Thế Tôn! Người này không thông minh.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đời tương lai có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, bỏ kinh điển đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa để cầu học kinh điển tương ưng với Nhị thừa, ở trong đó muốn cầu trí nhất thiết tướng cũng như vậy. Các thiện nam tử, thiện nữ nhơn kia chỉ luống uổng mệt nhọc, quyết chắc không đạt được trí nhất thiết tướng. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép kinh đại Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, bỗng phát sanh những tư duy thấp kém. Do những tư duy này làm cho sự ghi chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không được rốt ráo. Những tư duy thấp kém là: tư duy về sắc, hoặc tư duy về thanh, hương, vị, xúc, pháp; hoặc tư duy về bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã cho đến hoặc phát sanh tư duy về Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, làm cho sự ghi chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không được rốt ráo. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể tư duy, khó nghĩ bàn, không tư lự, không sanh diệt, không nhiễm tịnh, không định loạn, lìa danh ngôn, bất khả thuyết, bất khả đắc. Vì sao?
Này Thiện Hiện! Vì trong Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, như pháp đã thuyết đều vô sở hữu, đều bất khả đắc. Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa mà có các pháp như thế làm rối loạn tâm mình thì sẽ khiến cho không rốt ráo. Vì thế nên nói là ma sự của Bồ-tát.
Khi ấy, cụ thọ Thiện Hiện thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa có thể ghi chép được chăng?
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không thể ghi chép. Vì sao? Này Thiện Hiện! Vì tự tánh Bát-nhã ba-la-mật-đa vô sở hữu, bất khả đắc; tự tánh tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tự tánh pháp nội Không vô sở hữu, bất khả đắc; cho đến tự tánh pháp vô tính tự tính Không cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tự tánh bốn niệm trụ vô sở hữu, bất khả đắc. Nói rộng cho đến tự tánh mười tám pháp Phật bất cộng cũng vô sở hữu, bất khả đắc. Tự tánh trí nhất thiết vô sở hữu, bất khả đắc; tự tánh trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng vô sở hữu, bất khả đắc.
Này Thiện Hiện! Tự tánh các pháp đều vô sở hữu, bất khả đắc, tức là vô tánh. Vô tánh như thế tức là Bát-nhã ba-la-mật-đa. Không phải pháp vô tánh có thể ghi chép vô tánh. Vì thế nên Bát-nhã ba-la-mật-đa không thể ghi chép được.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, nếu đối với Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế mà khởi tưởng vô tánh thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Cụ thọ Thiện Hiện lại thưa Phật:
- Bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, ghi chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, nếu họ suy nghĩ: Ta dùng văn tự ghi chép Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế; họ nương vào văn tự để chấp trước Bát-nhã ba-la-mật-đa, thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Phật dạy:
- Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Như ông đã nói. Vì sao? Này Thiện Hiện! Trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, sắc không có văn tự; thọ, tưởng, hành, thức cũng không có văn tự. Nhãn xứ không có văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ cũng không có văn tự. Sắc xứ không có văn tự; thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ cũng không có văn tự. Nhãn giới không có văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới cũng không có văn tự. Sắc giới không có văn tự; thanh, hương, vị, xúc, pháp giới cũng không có văn tự. Nhãn thức giới không có văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới cũng không có văn tự. Nhãn xúc không có văn tự; nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc cũng không có văn tự. Các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra không có văn tự; các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra cũng không có văn tự. Bát-nhã ba-la-mật-đa không có văn tự; tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba-la-mật-đa cũng không có văn tự. Pháp nội Không (Không của các pháp nội tại) không có văn tự; pháp ngoại Không (Không của các pháp ngoại tại), nội ngoại Không (Không của các pháp nội ngoại tại), pháp Không Không (Không của Không), đại Không (Không lớn), thắng nghĩa Không (Không của chân lý cứu cánh), hữu vi Không (Không của các pháp hữu vi), vô vi Không (Không của các pháp vô vi), tất cánh Không (Không tối hậu ‘rốt ráo’), vô tế Không (Không không biên tế), tán vô tán Không (Không của sự không phân tán), bản tính Không (Không của bản tính ‘tự nhiên tính’), tự cộng tướng Không (Không của tự cộng tướng), nhất thiết pháp Không (Không của vạn hữu), bất khả đắc Không (Không của cái bất khả đắc), vô tính Không (Không của vô thể ‘cái không tồn tại’), tự tính Không (Không của tự tính), vô tính tự tính Không (Không của vô thể của tự tính ‘tự tính của cái không tồn tại’) cũng không có văn tự. Bốn niệm trụ không có văn tự; nói rộng cho đến mười tám pháp Phật bất cộng cũng không có văn tự. Trí nhất thiết không có văn tự; trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng không có văn tự. Vì thế không nên chấp có văn tự có thể ghi chép được Bát-nhã ba-la-mật-đa.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa nếu chấp trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không có văn tự là sắc, không có văn tự là thọ, tưởng, hành, thức. Như vậy, cho đến không có văn tự là trí nhất thiết, không có văn tự là trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, nếu có ý nghĩ đến cõi nước, hoặc có ý nghĩ đến thành ấp, hoặc có ý nghĩ đến kinh đô, hoặc có ý nghĩ đến nơi chốn, hoặc có ý nghĩ đến thân giáo sư, hoặc có ý nghĩ đến bạn đồng học, hoặc có ý nghĩ đến cha mẹ vợ con, hoặc có ý nghĩ đến anh chị em, hoặc có ý nghĩ đến dòng họ bạn bè, hoặc có ý nghĩ đến quốc vương, đại thần, hoặc có ý nghĩ đến đạo tặc ác nhân, hoặc có ý nghĩ đến thú dữ ác quỷ, hoặc có ý nghĩ đến sự nhóm hợp chơi giỡn, hoặc có ý nghĩ đến dâm nữ khoái lạc, hoặc có ý nghĩ đến trả ơn báo oán, hoặc có ý nghĩ đến những việc khác, hoặc có ý nghĩ về ý nghĩ ấy, thì đều là sự dẫn phát của ác ma, làm trở ngại vô biên thiện pháp thù thắng do Bát-nhã ba-la-mật-đa phát sanh, nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, được tiếng khen lớn, được cung kính cúng dường những thứ như: y phục, đồ ăn thức uống, giường chõng, thuốc men và các thứ khác, do các thiện nam, thiện nữ ấy tham đắm các thứ này nên thối thất vô biên thiện nghiệp thù thắng mà Bát-nhã ba-la-mật-đa sanh ra. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế, có các ác ma giả hiện bạn thân đem các thứ sách luận thế tục, hoặc kinh điển tương ưng với Nhị thừa trao cho Bồ-tát. Trong đây rộng nói về thắng sự thế tục, hoặc rộng nói các uẩn xứ giới, thật đế, duyên khởi, ba mươi bảy pháp phần trợ đạo, ba môn giải thoát, bốn tịnh lự v.v... Ác ma nói: Nghĩa thú kinh điển này thâm sâu, nên siêng tu học và bỏ kinh Bát-nhã đã tu tập. Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa này dùng phương tiện khéo léo không nhận lấy sách luận thế tục hoặc kinh điển tương ưng với Nhị thừa do ác ma trao. Vì sao? Vì sách luận thế tục, kinh điển Nhị thừa không thể phát sanh trí nhất thiết tướng, không phải phương tiện thuận tiện hướng đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề, mà chỉ làm chướng ngại Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Trong kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa này, Ta rộng nói phương tiện khéo léo cho đạo Đại Bồ-tát. Trong đây, Đại Bồ-tát nào cầu phương tiện khéo léo, tinh cần tu học các hạnh Bồ-tát thì mau chứng Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề.
Thiện Hiện! Các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa vứt bỏ phương tiện khéo léo của đạo Đại Bồ-tát do kinh điển Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa nói ra, mà thọ học luận thư của thế tục, ác ma, hoặc kinh điển tương ưng với Nhị thừa thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Tập 09
Quyển 440
Phẩm Không Hòa Hợp 01
Lại nữa, Thiện Hiện! Người học pháp thì ưa thích lắng nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người trì pháp thì tham đắm hỷ lạc, tiêu cực không chịu nói, không muốn trao cho Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người trì pháp, tâm không tham đắm hỷ lạc, cũng không tiêu cực, muốn nói, muốn trao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, và dùng phương tiện khuyên gắng thọ trì, đọc tụng, tu tập. Còn người học pháp thì tiêu cực, tham đắm hỷ lạc, không muốn nghe thọ. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người học pháp thì ưa thích lắng nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người trì pháp thì muốn đến những nơi nào không được dạy trao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người trì pháp thì muốn nói, muốn trao Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng phương tiện khuyên gắng ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập. Còn người học pháp thì muốn đến những nơi nào mà không được nghe Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì đầy đủ ác dục lớn, ưa chuộng danh lợi, được cung kính cúng dường y phục, thức ăn nước uống, giường chõng, thuốc men và các của cải khác với tâm không nhàm chán. Còn người học pháp thì ít muốn, vui đủ, tu hạnh viễn ly, dõng mãnh tinh tấn, đầy đủ niệm, định, tuệ, chán lợi dưỡng, sợ cung kính, danh dự. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người trì pháp thì ít muốn, vui đủ, tu hạnh viễn ly, dõng mãnh tinh tấn, đầy đủ niệm, định, tuệ, chán lợi dưỡng, sợ cung kính, danh dự. Còn người học pháp thì đầy đủ ác dục lớn, ưa chuộng danh lợi, được cung kính cúng dường y phục, thức ăn nước uống, giường chõng, thuốc men và các của cải khác với tâm không nhàm chán. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì đầy đủ mười hai công đức Đỗ-đa (hạnh đầu-đà), đó là: Ở chỗ thanh vắng, thường khất thực, mặc y phấn tảo, nhận một bữa ăn, ăn một lần, ăn những gì khất thực được, ở bãi tha ma, ở nơi đồng trống, ở dưới gốc cây, thường ngồi không nằm, nghỉ đâu cũng được, chỉ chứa ba y; còn người học pháp thì không thọ mười hai công đức Đỗ-đa, đó là: Ở chỗ thanh vắng, cho đến không chứa ba y. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì đầy đủ mười hai công đức Đỗ-đa, đó là ở chỗ thanh vắng, cho đến chỉ chứa ba y; còn người trì pháp thì không thọ mười hai công đức Đỗ-đa, đó là ở chỗ thanh vắng, cho đến không chứa ba y. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì có lòng tin, có thiện pháp, muốn vì người khác nói Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa, dùng phương tiện khuyên gắng ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập; còn người học pháp thì không có lòng tin, không có thiện pháp, không muốn lắng nghe, thọ trì. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì có lòng tin, có thiện pháp, cầu muốn lắng nghe, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người trì pháp thì không có lòng tin, không có thiện pháp, không muốn dạy trao. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì tâm không keo kiệt, thường bố thí tất cả; còn người học pháp thì tâm keo kiệt, không bố thí gì cả. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì tâm không keo kiệt, thường bố thí tất cả; còn người trì pháp thì tâm keo kiệt, không bố thí gì cả. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người học pháp thì mong muốn cúng dường cho người trì pháp y phục, thức ăn nước uống, giường chõng, thuốc men và các thứ của cải khác. Nhưng người trì pháp thì không muốn thọ dụng. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người trì pháp thì mong muốn cung cấp cho người học pháp y phục, thức ăn nước uống, giường chõng, thuốc men và các thứ của cải khác. Nhưng người học pháp thì không muốn thọ dụng. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì thành tựu khai trí, không muốn nói rộng; còn người học pháp thì thành tựu diễn trí không muốn nói lược. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì thành tựu khai trí, chỉ muốn nói tóm lược; còn người trì pháp thì thành tựu diễn trí chỉ muốn nói rộng. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì muốn hiểu biết rộng rãi về ý nghĩa mười hai phần giáo theo tuần tự, đó là: Khế kinh, Ứng tụng, Biệt ký, Phúng tụng, Tự thuyết, Nhân duyên, Bổn sự, Bổn sanh, Phương quảng, Hy pháp, Thí dụ, Nghị luận; còn người học pháp thì không muốn hiểu biết rộng rãi về ý nghĩa mười hai phần giáo theo tuần tự, đó là: Khế kinh cho đến Luận nghị. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì muốn hiểu biết rộng rãi về ý nghĩa mười hai phần giáo theo tuần tự, đó là: Khế kinh cho đến Luận nghị; còn người trì pháp thì không muốn hiểu biết rộng rãi mười hai phần giáo theo tuần tự, đó là: Khế kinh cho đến Luận nghị. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì thành tựu bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; còn người học pháp thì không thành tựu bố thí cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì thành tựu bố thí cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa; còn người trì pháp thì không thành tựu bố thí cho đến Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa; còn người học pháp thì không có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa; còn người trì pháp thì không có phương tiện thiện xảo đối với sáu pháp Ba-la-mật-đa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp đã được môn Đà-la-ni; còn người học pháp thì chưa được môn Đà-la-ni. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp đã được môn Đà-la-ni; còn người trì pháp thì chưa được môn Đà-la-ni. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì muốn cung kính, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người học pháp thì không muốn cung kính, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì muốn cung kính, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Còn người trì pháp thì không muốn cung kính, ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Người trì pháp thì đã lìa trần cấu keo kiệt, đã lìa các triền cái tham dục, sân nhuế, hôn trầm, ngủ nghỉ, giao động, ác tác (hối hận), nghi ngờ; còn người học pháp thì chưa lìa trần cấu keo kiệt, chưa lìa các triền cái tham dục cho đến nghi ngờ. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Thiện Hiện! Người học pháp thì đã lìa trần cấu keo kiệt, đã lìa các triền cái tham dục, cho đến nghi ngờ; còn người trì pháp thì chưa lìa trần cấu keo kiệt, chưa lìa các triền cái tham dục cho đến nghi ngờ. Hai bên không hòa hợp, nên không được dạy trao, nghe, thọ, ghi chép, đọc tụng, tu tập Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa. Nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Lại nữa, Thiện Hiện! Có các thiện nam, thiện nữ trụ Bồ-tát thừa, khi ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa như thế. Có người đến nói các sự khổ trong địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ, và nói: Ngay thân này, ông hãy tinh tấn diệt hết khổ để được vào Niết-bàn, cần gì phải ở mãi trong biển lớn sanh tử, chịu trăm ngàn sự khổ khó kham nổi để mong cầu đến Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề! Các thiện nam, thiện nữ này, nếu do lời kia mà đối với việc ghi chép, thọ trì, đọc tụng, tu tập, tư duy, diễn nói kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa sâu xa không được rốt ráo, thì nên biết đây là ma sự của Bồ-tát.
Quyển thứ 440
Hết