- Lời Trần Tình (của Hòa Thượng Thích Đỗng Minh về Cảo Bản Dịch Phẩm Đại Bát Nhã của Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tiểu Sử Dịch Giả: Pháp Sư Huyền Trang và HT Thích Trí Nghiêm
- Thừa Sự Tăng Sai (dịch giả Kinh Đại Bát Nhã, Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm)
- Tựa Hồi Đầu
- Tập 01
- Tập 02
- Tập 03
- Tập 04
- Tập 05
- Tập 06
- Tập 07
- Tập 08
- Tập 09
- Tập 10
- Tập 11
Tập 08
Quyển 398
Phẩm Bồ-Tát Thường Đề 01
Bản dịch của HT Thích Trí Nghiêm
Diễn đọc: Cư Sĩ Chánh Trí
Lúc bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Làm thế nào dạy bảo trao truyền cho Bồ-tát sơ nghiệp, khiến họ tin hiểu các pháp tự tánh rốt ráo đều không?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện! Đâu phải tất cả pháp trước có sau không, nhưng tất cả pháp chẳng phải có, chẳng phải không, không có tự tánh, không có tha tánh, trước đã chẳng phải có, sau cũng chẳng không, tự tánh thường không, không gì sợ hãi, nên dạy bảo trao truyền Bồ-tát sơ nghiệp như thế, khiến họ tin hiểu tự tánh các pháp rốt ráo đều không.
Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ-tát muốn cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thì nên như Đại Bồ-tát Thường Đề cầu. Đại Bồ-tát ấy, nay ở tại chỗ Phật Đại Vân Lôi Âm tu hành phạm hạnh.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Đại Bồ-tát Thường Đề cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa như thế nào?
Phật dạy:
- Này Thiện Hiện ! Đại Bồ-tát Thường Đề khi xưa cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa chẳng tiếc thân mạng, không màng của báu, chẳng cần danh dự, chẳng mong cung kính mà cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Bồ-tát ấy thường ưa ở nơi thanh vắng, bỗng nhiên nghe trong hư không có tiếng: Này thiện nam tử! Ngươi nên đi về hướng Đông thì quyết định được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Khi đi, ngươi chớ nệ mệt mỏi, chớ lo ngủ nghỉ, chớ nghĩ ăn uống, chớ tưởng ngày đêm, chớ sợ lạnh nóng, đối với pháp nội ngoại, tâm chớ tán loạn. Khi đi, chẳng được ngoái nhìn hai bên, chớ ngó trước sau, trên dưới, bốn phía, chớ phá oai nghi, chớ hoại thân tướng; chớ động sắc, chớ động thọ, tưởng, hành, thức; chớ động nhãn xứ, chớ động nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xứ; chớ động sắc xứ, chớ động thanh, hương, vị, xúc, pháp xứ; chớ động nhãn giới, chớ động nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý giới; chớ động sắc giới, chớ động thanh, hương, vị, xúc, pháp giới; chớ động nhãn thức giới, chớ động nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức giới, chớ động nhãn xúc, chớ động nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc; chớ động các thọ do nhãn xúc làm duyên sanh ra, chớ động các thọ do nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc làm duyên sanh ra; chớ động địa giới, chớ động thủy, hỏa, phong, không, thức giới; chớ động nhân duyên, chớ động đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên, tăng thượng duyên; chớ động các pháp từ duyên sanh ra; chớ động vô minh, chớ động hành, thức, danh sắc, lục xứ, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não; chớ động bố thí Ba-la-mật-đa, chớ động tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát-nhã Ba-la-mật-đa; chớ động bốn niệm trụ, chớ động bốn chánh đoạn, bốn thần túc, năm căn, năm lực, bảy chi đẳng giác, tám chi thánh đạo; chớ động pháp không nội, chớ động pháp không ngoại, pháp không nội ngoại, pháp không không, pháp không lớn, pháp không thắng nghĩa, pháp không hữu vi, pháp không vô vi, pháp không rốt ráo, pháp không không biên giới, pháp không tản mạn, pháp không không đổi khác, bản tánh không, pháp không tự tướng, pháp không cộng tướng, pháp không tất cả pháp, pháp không chẳng thể nắm bắt được, pháp không không tánh, pháp không tự tánh, pháp không không tánh tự tánh; chớ động chơn như, chớ động pháp giới, pháp tánh, tánh chẳng hư vọng, tánh chẳng đổi khác, tánh bình đẳng, tánh ly sanh, pháp định, pháp trụ, thật tế, cảnh giới hư không, cảnh giới bất tư nghì; chớ động Thánh đế khổ, chớ động Thánh đế tập, diệt, đạo; chớ động bốn tịnh lự, chớ động bốn vô lượng, bốn định vô sắc; chớ động tám giải thoát, chớ động tám thắng xứ, chín định thứ đệ, mười biến xứ; chớ động tất cả pháp môn Đà-la-ni, chớ động tất cả pháp môn Tam-ma-địa; chớ động pháp môn giải thoát không, chớ động pháp môn giải thoát vô tướng, vô nguyện; chớ động bậc Cực hỷ, chớ động bậc Ly cấu, bậc Phát quang, bậc Diệm tuệ, bậc Cực nan thắng, bậc Hiện tiền, bậc Viễn hành, bậc Bất động, bậc Thiện tuệ, bậc Pháp vân; chớ động năm loại mắt, chớ động sáu phép thần thông; chớ động mười lực Phật, chớ động bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng; chớ động pháp không quên mất, chớ động tánh luôn luôn xả; chớ động trí nhất thiết, chớ động trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng; chớ động quả Dự lưu, chớ động quả Nhất lai, Bất hoàn, A-la-hán, quả vị Độc giác; chớ động hạnh Đại Bồ-tát; chớ động quả vị giác ngộ cao tột; chớ động pháp thế gian, chớ động pháp xuất thế gian; chớ động pháp hữu lậu, chớ động pháp vô lậu; chớ động pháp hữu vi, chớ động pháp vô vi. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì nếu đối với các pháp có sự động thì đối với Phật pháp chẳng có thể an trụ. Nếu đối với Phật pháp chẳng có thể an trụ thì sẽ luân hồi sanh tử trong các thú. Nếu luân hồi sanh tử trong các thú thì chẳng có thể đắc Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề nghe tiếng ân cần khuyên bảo trong hư không, hoan hỷ nhảy nhót, khen chưa từng có, chấp tay cung kính đáp lại tiếng trên không:
- Như lời vừa nói, tôi sẽ nghe theo. Vì sao? Vì tôi muốn sẽ vì tất cả hữu tình làm ánh sáng lớn, tôi muốn sẽ tập hợp tất cả pháp thù thắng của Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tôi muốn sẽ chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Khi ấy, tiếng trong hư không lại nói với Đại Bồ-tát Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ngươi sẽ đối với pháp sâu xa không, vô tướng, vô nguyện nên sanh tin hiểu. Ngươi nên dùng tâm lìa tất cả tướng mà cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa; ngươi nên dùng tâm lìa tướng ngã và hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng, khả năng làm việc, khả năng thọ quả báo, cái biết, cái thấy mà cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Thiện nam tử! Ngươi đối với các bạn ác nên phương tiện xa lìa, đối với các bạn lành nên thân cận cúng dường. Nếu có thể vì ngươi khéo léo nói pháp bảo tịnh, không, vô tướng, vô nguyện, vô sanh, vô diệt, vô nhiễm, vô tịnh và có thể vì ngươi thị hiện dạy bảo, dẫn dắt, khen ngợi, chúc mừng trí nhất thiết trí, thì đó là bạn lành.
Thiện nam tử! Nếu người làm như thế thì chẳng bao lâu được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, hoặc nghe từ trong kinh điển, hoặc nghe từ Bồ-tát; nơi nào mà ngươi được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thì nên ở nơi ấy khởi tưởng Đại sư, ngươi phải biết ơn, nghĩ sẽ báo đáp.
Thiện nam tử! Ngươi nên nghĩ thế này: Nơi mà ta theo nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa là thiện hữu chơn thật tối thắng của ta. Vì Ta theo họ nghe pháp vi diệu ấy, nên đối với quả vị giác ngộ cao tột, mau được Bất thối chuyển. Ta do vị ấy mà được gần Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, thường sanh vào cõi nước nghiêm tịnh của chư Phật, cung kính cúng dường chư Phật Thế Tôn, lắng nghe Chánh pháp trồng các cội đức, xa lìa bận rộn, đầy đủ nhàn nhã, luôn luôn tăng trưởng thiện căn thù thắng. Ngươi nên tư duy suy lường quán sát các công đức thắng lợi như thế. Bồ-tát pháp sư thường vì ngươi mà nói Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, ngươi thường nên cung kính phụng sự tưởng như chư Phật.
Thiện nam tử! Ngươi chớ mang tâm lợi lộc danh dự thế tục mà theo Pháp sư, chỉ vì ái trọng cung kính cúng dường pháp Vô thượng mà theo Pháp sư.
Thiện nam tử! Ngươi phải biết ma sự, nghĩa là có ác ma vì phá hoại chánh pháp và pháp sư dùng cảnh sắc, thanh, hương, vị, xúc tuyệt diệu ân cần dâng hiến. Khi ấy, pháp sư phương tiện thiện xảo, vì muốn điều phục ác ma kia, khiến các hữu tình gieo trồng thiện căn, nên thị hiện đồng sự với thế gian, tuy nhận sự dâng hiến kia, nhưng không nhiễm trước. đối với việc này ngươi chớ sanh uế tưởng, mà nên nghĩ thế này: Ta chưa có thể biết phương tiện thiện xảo của Bồ-tát thuyết pháp. Vị pháp sư thuyết pháp này khéo biết phương tiện, vì muốn điều phục hữu tình ương ngạnh, muốn khiến hữu tình trồng các cội đức, hạ thấp mình xuống đồng với thế sự, hiện thọ các dục, nhưng Bồ-tát này chẳng chấp pháp tướng, không trước không ngại, không hề hủy phạm.
Thiện nam tử! Bấy giờ ngươi nên quán nghĩa lý chơn thật của các pháp. Thế nào là nghĩa lý chơn thật của các pháp? Đó là tất cả pháp vô nhiễm, vô tịnh. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì tự tánh của tất cả pháp đều không, không có ngã, hữu tình, dòng sanh mạng, khả năng sanh khởi, sự dưỡng dục, sự trưởng thành, chủ thể luân hồi, ý sanh, nho đồng, khả năng làm việc, khả năng thọ quả báo, cái biết, cái thấy, như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như ảnh tượng, như bóng nắng, như bóng sáng, như trò biến hóa, như ảo thành.
Thiện nam tử! Nếu có thể quán sát nghĩa lý chơn thật của các pháp như thế, theo Pháp sư, thì chẳng bao lâu sẽ thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Lại thiện nam tử! Đối với các ma sự khác, ngươi nên biết rõ, nghĩa là thuyết pháp sư thấy ngươi cầu thỉnh Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa hoàn toàn chẳng cảm mến, trái lại còn lăng nhục. Trong tình trạng này, ngươi chẳng nên sân giận mà ngược lại càng thêm tâm ái trọng cung kính pháp, thường theo Pháp sư chớ sanh chán nản, mệt mỏi.
Bấy giờ, Thường Đề Đại Bồ-tát nghe tiếng dạy bảo thêm trên không trung rồi, càng thêm vui mừng, theo đó đi về hướng Đông, thời gian chưa bao lâu lại nghĩ: Sao ta chẳng hỏi tiếng trên không kia, khiến ta đi về hướng Đông cách xa hay gần? Đến thành ấp nào, lại theo ai nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa? Nghĩ như vậy rồi, liền dừng lại nơi ấy, đấm ngực buồn than, lo sầu khóc lóc, trải qua chốc lát, nghĩ như thế này: Ta ở nơi đây, qua một ngày đêm, cho đến hoặc qua bảy ngày bảy đêm, chẳng nề mệt mỏi, chẳng màng ngủ nghỉ, chẳng nghĩ ăn uống, chẳng tưởng ngày đêm, chẳng sợ lạnh nóng, đối với pháp trong ngoài, tâm chẳng tán loạn. Nếu chưa biết rõ cách thành ấp chỗ đến xa gần, và đối tượng để theo nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa thì chẳng bao giờ khởi tâm rời bỏ chỗ này.
Này Thiện Hiện! Nên biết, thì như cha chỉ có một đứa con, đẹp đẽ thông minh, có nhiều tài năng, thương yêu hết mực. Đứa con ấy đang mạnh khỏe, bỗng dưng mạng chung. Bấy giờ, cha mẹ buồn đau than khóc, chỉ nhớ con mình, chẳng nghĩ gì khác. Bồ-tát Thường Đề cũng lại như thế, trong lúc ấy chẳng nghĩ gì khác, chỉ nghĩ thế này: Khi nào ta sẽ được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa? Trước đây tại sao ta chẳng hỏi tiếng trên không khuyên ta đi về hướng Đông là đến nơi nào, cách xa hay gần, lại theo ai nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa?
Này Thiện Hiện! Nên biết, Đại Bồ-tát Thường Đề khi đang than khóc, tự trách như thế, bỗng nhiên ở phía trước có hình Phật hiện, khen Đại Bồ-tát Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác quá khứ khi làm Bồ-tát dùng hạnh cần khổ cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng như nay ngươi cầu gia hạnh.
Lại nữa, Thiện nam tử! Ngươi đem tâm dõng mãnh tinh tấn ưa thích cung kính cầu pháp như thế, từ đây đi về hướng Đông qua khoảng năm trăm do-tuần có thành của vị đại vương tên là Cụ Diệu Hương; thành ấy cao rộng bảy báu tạo thành; ở ngoài thành ấy có bảy lớp tường vách, bảy lớp lầu quán, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp cây Đa-la báu giăng hàng đều do bảy báu tạo thành, bao bọc chung quanh. Các tường vách v.v... ấy làm đẹp cho nhau, phát ra đủ các thứ ánh sáng rất khả ái. Thành báu to lớn này mỗi mặt khoảng mười hai do-tuần thanh tịnh, rộng rãi, người vật đông đúc, an ổn, giàu có, an lạc. Trong đó có năm trăm đường sá chợ búa giống nhau, đẹp như tranh vẽ. Ở các ngã tư đường đều có dòng nước trong đi qua thì dùng thuyền báu qua, lại không ách tắc; ngã đường nào cũng sạch sẽ đẹp đẽ, rưới bằng nước thơm, rải bằng danh hoa; thành và bờ tường đều có tường và lầu gác cao ngăn địch làm bằng vàng tía, thắp sáng bằng các ngọc báu, ánh sáng rực rỡ, xen vào giữa bờ tường là bằng cây báu, gốc rễ, thân, nhánh, lá và hoa quả của các cây ấy đều do loại báu đặc biệt tạo thành. Bờ tường, lầu gác và các cây báu phủ bằng lưới vàng, kết bằng dây báu, treo bằng linh vàng, nối bằng chuông lắc, gió nhẹ thoảng qua, phát tiếng êm dịu, giống như khéo tấu năm loại kỹ nhạc; vô lượng hữu tình trong thành báu ấy ngày đêm thường nghe, vui vẻ khoái lạc. Chung quanh ngoài thành có bảy lớp hào báu, trong hào tràn đầy nước tám công đức, nhiệt độ điều hòa, trong vắt như gương; trong hào đâu đâu cũng có thuyền bảy báu trang hoàng đẹp đẽ, ai cũng ưa nhìn. Hữu tình trong ấy khi chiêu cảm nghiệp đời trước, cùng nhau xuống thuyền, bềnh bồng dạo chơi. Trong các hào nước đủ loại hoa lạ, nào hoa sen xanh, nào hoa sen đỏ, nào hoa sen vàng, nào hoa sen trắng và đủ loại hoa báu khác, sắc hương tươi thắm đẹp đẽ, phủ khắp mặt nước. Tóm lại, không thiếu bất cứ loài danh hoa nào ở trong thế giới ba ngàn. Chung quanh, thành lớn có năm trăm cảnh vườn, trang hoàng bằng nhiều thứ thật đáng yêu. Trong mỗi cảnh vườn có năm trăm ao. Ao ấy to rộng một dặm. Trang hoàng bằng bảy báu, làm vừa lòng mọi người. Trong các ao có bốn loài hoa quí: Hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa sen trắng, to như bánh xe, sáng tỏa mặt nước; hoa ấy đều do các báu tạo thành, màu xanh thì hiện xanh, ảnh màu xanh, sáng xanh; màu vàng thì hiện vàng, ảnh vàng, sáng vàng; màu đỏ thì hiện đỏ, ảnh đỏ, sáng đỏ; màu trắng thì hiện trắng, ảnh trắng, sáng trắng. Các ao trong vườn có nhiều loại chim: Khổng tước, anh võ, le le, cò, hồng nhạn, bách lao vàng, hoàng anh, vịt xanh, ngỗng trời trắng, xuân oanh, vịt nước, cò trắng, uyên ương, giao thanh, chim trả, tinh vệ, gà hồ, vịt cao cổ, chim biển, hồ phượng, diệu sí, bồ hồng, yết la tần ca, chim mạng mạng v.v... tiếng kêu hòa nhau giữa trời, trong đó những ao trong vườn không thuộc về ai. Các loài hữu tình kia trải qua thời gian dài lâu tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa, sâu xa, đối với pháp môn sâu xa đều sanh tin tưởng, ưa thích, đời trước càng tạo nghiệp thù thắng như thế, cho nên đời này cũng hưởng quả này.
Lại nữa, thiện nam tử! Trong thành Diệu Hương có chỗ cao ráo, đẹp đẽ đó là cung của Đại Bồ-tát Pháp Dũng ở, cung này to rộng một do-tuần, các báu trang nghiêm kỳ diệu khả ái, bao quanh ngoài cung có bảy lớp bờ tường, bảy lớp lầu gác, bảy lớp lan can, bảy lớp hào báu, bảy lớp cây Đa-la báu thẳng hàng. Tường vách v.v... trang hoàng đẹp đẽ trang nghiêm, thật khả ái; có bốn cảnh vườn đẹp bao quanh cung này: Một là Thường Hỷ, hai là Ly Ưu, ba là Hoa Nghiêm, bốn là Hương Sức. Trong mỗi khu vườn có tám cái ao: Một là Hiền Thiện, hai là Hiền Thượng, ba là Hoan Hỷ, bốn là Hỷ Thượng, năm là An ổn, sáu là Cụ An, bảy là Ly Bố, tám là Bất Thối. Bốn mặt của các ao, mỗi mặt có một thành báu: Một là kim, hai là ngân, ba là Phệ-lưu-ly, bốn là Phả-chi-ca-yết-kê, dùng hoàn toàn các báu làm đáy ao: Cát vàng rải trên, nước màu im lặng; mỗi bến ao đều có tám bậc thềm, dùng đủ loại diệu bảo trang hoàng, dùng loại vàng tốt nhất làm đường đi; hai bên thềm có cây chuối bằng vàng tía thẳng hàng, đang xen trang trí; trong các ao đầy đủ bốn loại hoa quí: Hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen vàng, hoa sen trắng, màu sắc đan xen trải dày trên nước; quanh bốn phía ao có cây hương hoa, gió mát thổi động rơi vào trong nước, các ao đều đủ nước tám công đức, thơm như chiên đàn, sắc vị đầy đủ, có le le, nhạn v.v... bơi giỡn trong đó. Đại Bồ-tát Pháp Dũng ở trong cung này, cùng với sáu vạn tám ngàn thị nữ dạo chơi khắp ao vườn, cùng vui hưởng năm thứ diệu dục, nam nữ lớn, nhỏ trong thành Diệu Hương vì muốn chiêm ngưỡng Bồ-tát Pháp Dũng và nghe pháp, cho nên có lúc được vào vườn Thường Hỷ, ao Hiền Thiện v.v... cũng cùng vui hưởng năm dục.
Lại nữa, thiện nam tử! Đại Bồ-tát Pháp Dũng cùng với các thị nữ hưởng diệu lạc rồi, ngày đêm ba thời thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Trong thành Diệu Hương có các nữ sĩ vì Đại Bồ-tát Pháp Dũng trải tòa sư tử trên đài bảy báu, ở trong thành ấy, trang hoàng bằng các loại báu. Bốn chân của tòa ấy đều do một loại báu tạo thành: Một là vàng, hai là bạc, ba là Phệ-lưu-ly, bốn là Phả-chi-ca; ở trên tòa ấy, lại trải thêm một lớp nệm, kế tiếp là lót chăn thêu, phủ bằng lụa trắng, buộc bằng dải hồng; hai bên bảo tòa đặt hai gối đỏ, thòng các dải màn, rải hoa diệu hương; tòa ấy cao rộng nửa do-tuần. Ở trên không trung giăng bằng màn thêu, bên trong chưng bày trướng ngọc, lớn nhỏ cân xứng với tòa, thòng các tua hoa, treo bằng chuông vàng. Vì kính pháp nên bốn bên tòa rải hoa ngũ sắc, đốt hương vô giá, lại dùng các loại hương nước, hương bột, hương xoa rải trên đất, la liệt đủ thứ tràng phan bảo cái. Bồ-tát Pháp Dũng mỗi khi lên bảo tòa này, vì chúng tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa; mỗi lần thuyết pháp đều có vô lượng trời, rồng, Dược-xoa, Kiền-đạt-phược, A-tố-lạc, Yết-lộ-trà, Khẩn-nại-lạc, Mạc-hô-lạc-già, nhơn phi nhơn v.v... cùng vân tập đến, cung kính cúng dường Bồ-tát Pháp Dũng, nghe thọ Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Khi ấy, các đại chúng đã nghe pháp rồi, có người tụng trì, có người biên chép, có người chuyên đọc, có người tư duy, có người như thuyết tu hành, có người khai ngộ cho người khác. Do nhân duyên ấy, các loại hữu tình ở trong đường ác được pháp bất đọa và đối với quả vị giác ngộ cao tột vĩnh viễn không thối chuyển.
Này thiện nam tử! Ngươi nên siêng năng tinh tấn mau mau đi đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, khiến cho ngươi sẽ được nghe sở cầu là Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
Lại thiện nam tử! Bồ-tát Pháp Dũng là thiện hữu chơn tịnh lâu dài của ngươi, thị hiện dạy bảo dẫn dắt, khích lệ, chúc mừng, khiến ngươi mau chứng đắc sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột. Bồ-tát Pháp Dũng ở đời quá khứ dùng hạnh cần khổ cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, cũng như ngươi bây giờ phương tiện cầu vậy. Ngươi nên nhanh đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, chớ sanh nghi ngại, chớ kể ngày đêm, chẳng bao lâu sẽ được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa.
Bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề nghe lời ấy rồi, tâm sanh thích thú, vui mừng nhảy nhót, nghĩ thế này: Khi nào ta sẽ gặp Bồ-tát Pháp Dũng để được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa?
Này Thiện Hiện! Nên biết, thí như có người bị tên độc, bị khổ bức bách chẳng còn tưởng gì khác, chỉ nghĩ thế này: Khi nào ta được gặp lương y, được nhổ mũi tên này, được thoát khổ này, Bồ-tát Thường Đề cũng giống như thế, vào lúc ấy, không nghĩ gì khác, chỉ nghĩ thế này: Khi nào ta sẽ gặp Đại Bồ-tát Pháp Dũng, thân cận cúng dường, được nghe Bát-nhã Ba-la-mật-đa; nghe rồi có thể vĩnh viễn đoạn trừ các thứ kiến thức hư vọng phân biệt đã có, mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Này Thiện Hiện! Nên biết, Bồ-tát Thường Đề liền khi nghĩ như thế, ở ngay chỗ này, đối với tất cả pháp, khởi pháp trí kiến không chướng ngại; do trí kiến này, liền có thể nhập ngay vô lượng pháp môn Tam-ma-địa thù thắng, đó là Tam-ma-địa quán tự tánh tất cả pháp, Tam-ma-địa tự tánh vô sở đắc của tất cả pháp, Tam-ma-địa pháp sự vô trí của tất cả pháp, Tam-ma-địa đắc sự vô sai biệt của tất cả pháp, Tam-ma-địa thấy sự không đổi khác của tất cả pháp, Tam-ma-địa có thể chiếu soi tất cả pháp, Tam-ma-địa lìa sự tối tăm của tất cả pháp, Tam-ma-địa đắc nghĩa lý không sai biệt của tất cả pháp, Tam-ma-địa biết hoàn toàn cái không sở đắc của tất cả pháp, Tam-ma-địa rải tất cả hoa, Tam-ma-địa dẫn phát vô ngã của tất cả pháp, Tam-ma-địa lìa huyễn, Tam-ma-địa dẫn phát chiếu rõ hình tượng trong gương, Tam-ma-địa dẫn phát ngữ ngôn của tất cả hữu tình, Tam-ma-địa khiến tất cả hữu tình hoan hỷ, Tam-ma-địa khéo tùy thuận ngữ ngôn của tất cả hữu tình, Tam-ma-địa dẫn phát mọi thứ ngữ ngôn văn cú, Tam-ma-địa không sợ hãi, không đoạn diệt, Tam-ma-địa có thể nói bản tánh bất khả thuyết của tất cả pháp, Tam-ma-địa được giải thoát vô ngại, Tam-ma-địa xa lìa tất cả trần cấu, Tam-ma-địa thiện xảo danh, cú, văn từ, Tam-ma-địa khởi thắng quán tất cả pháp, Tam-ma-địa đắc sự tận cùng vô ngại của tất cả pháp, Tam-ma-địa như hư không, Tam-ma-địa Kim cương dụ, Tam-ma-địa tuy thị hiện hành, sắc nhưng không phạm, Tam-ma-địa đắc thắng, Tam-ma-địa đắc vô thối nhãn, Tam-ma-địa xuất pháp giới, Tam-ma-địa an ổn điều phục, Tam-ma-địa Sư tử phấn tấn khiếm khư hao hống, Tam-ma-địa ánh đoạt nhất thiết hữu tình,Tam-ma-địa xa lìa tất cả cấu, Tam-ma-địa đối với tất cả pháp không nhiễm, Tam-ma-địa liên hoa trang nghiêm, Tam-ma-địa đoạn tất cả nghi, Tam-ma-địa tùy thuận nhất thiết kiên cố, Tam-ma-địa xuất nhất thiết pháp, Tam-ma-địa đắc thần thông lực vô úy, Tam-ma-địa hiện tiền thông đạt nhất thiết pháp, Tam-ma-địa hoại nhất thiết pháp ấn, Tam-ma-địa hiện nhất thiết pháp vô sai biệt, Tam-ma-địa lìa tất cả rừng thiên kiến, Tam-ma-địa lìa tất cả tối tăm, Tam-ma-địa lìa tất cả tướng, Tam-ma-địa thoát tất cả chấp trước, Tam-ma-địa lìa tất cả giải đãi, Tam-ma-địa đắc thâm pháp minh, Tam-ma-địa như Diệu cao sơn, Tam-ma-địa bất khả dẫn đoạt, Tam-ma-địa tồi phục nhất thiết ma quân, Tam-ma-địa bất trước tam giới, Tam-ma-địa dẫn phát nhất thiết thù thắng quang minh, như thế cho đến Tam-ma-địa hiện kiến chư Phật. Bồ-tát Thường Đề an trụ trong Tam-ma-địa như thế, hiện thấy chư Phật Như Lai trong vô lượng, vô số, vô biên thế giới khắp mười phương, vì các chúng Đại Bồ-tát tuyên thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Khi ấy, chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác đều cùng khen ngợi, an ủi dạy bảo trao truyền cho Đại Bồ-tát Thường Đề:
- Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Chúng tôi khi xưa hành đạo Bồ-tát, cũng như ngươi ngày nay, dùng hạnh cần khổ cầu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa; khi cần cầu, cũng như ngươi ngày nay đắc các Tam muội như thế. Chúng tôi lúc ấy, đắc vô lượng Tam muội ấy, tu hành rốt ráo rồi thì mới có thể thành tựu Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, phương tiện thiện xảo; do đó có thể viên mãn tất cả Phật pháp, liền được an trụ ở bậc Bất thối. Chúng tôi quán các Tam-ma-địa này tự tánh sẵn có là không nhập, không xuất, cũng chẳng thấy pháp năng nhập, xuất, cũng chẳng thấy đây là hạnh Đại Bồ-tát có thể tu, cũng chẳng thấy đây là quả vị giác ngộ có thể chứng. Chúng tôi khi ấy vì đối với tất cả pháp không chấp trước nên chính đó là Bát-nhã Ba-la-mật-đa. Vì chúng tôi an trụ vô sở chấp này, nên có thể đạt được thân chân kim sắc, ánh sáng một tầm, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ, tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc viên mãn trang nghiêm; lại có thể chứng đắc Phật trí vô thượng bất khả tư nghì, Phật giới vô thượng, Phật định vô thượng, Phật tuệ vô thượng, chẳng thể nghĩ bàn; tất cả công đức Ba-la-mật-đa đều viên mãn; vì có thể viên mãn tất cả công đức Ba-la-mật-đa, nên Phật còn chẳng có thể lấy lượng nói hết, huống là Thanh văn và Độc giác v.v... Vì vậy, này thiện nam tử! Đối với pháp này, ngươi càng nên cung kính, mến yêu, cần cầu, không được lơi lỏng. Nếu đối với pháp này càng sanh cung kính, mến yêu, cần cầu, thường chẳng buông lỏng, thì đối với quả vị giác ngộ cao tột dễ có thể chứng đắc.
Lại nữa, Thiện nam tử! Đối với thiện hữu, ngươi nên thường cung kính, mến yêu, cần cầu, tưởng như chư Phật. Vì sao? Này thiện nam tử! Nếu Đại Bồ-tát thường được thiện hữu nhiếp hộ, thì mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Khi ấy, Đại Bồ-tát Thường Đề liền bạch chư Phật mười phương:
- Ai là thiện hữu của con, con sẽ thân cận cung kính cúng dường?
Chư Phật mười phương bảo Thường Đề:
- Có Đại Bồ-tát Pháp Dũng là thiện hữu chơn tịnh lâu dài của ngươi, có thể nhiếp hộ ngươi, khiến ngươi thành tựu sở cầu là quả vị giác ngộ cao tột, cũng khiến ngươi học phương tiện thiện xảo của Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Vì Bồ-tát ấy luôn luôn giúp ích cho ngươi lâu dài nên là thiện hữu của ngươi, ngươi nên thân cận cúng dường cung kính.
Lại nữa, Thiện nam tử! Nếu một kiếp, hoặc hai, hoặc ba, như thế cho đến hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc hơn thế nữa, ngươi cung kính tôn thờ Bồ-tát Pháp Dũng, lại dùng tất cả nhạc cụ thượng diệu cho đến sắc, thanh, hương, vị, xúc vi diệu của cả thế giới Tam thiên đại thiên cúng dường hết thì cũng chưa có thể báo ơn Bồ-tát ấy trong giây lát. Vì sao? Này thiện nam tử! Vì ngươi nhờ oai lực của Bồ-tát Pháp Dũng, mà hiện đắc vô lượng pháp môn Tam-ma-địa thắng diệu như thế; lại sẽ nhờ Bồ-tát ấy khiến ngươi đạt được phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột.
Khi mười phương Phật phương tiện khen ngợi an ủi dạy bảo trao truyền cho Bồ-tát Thường Đề, khiến hoan hỷ rồi, bỗng nhiên biến mất.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề từ Tam-ma-địa hiện sở chứng xuất, chẳng thấy chư Phật, ôm lòng buồn bực, nghĩ thế này: Ta vừa thấy mười phương chư Phật trước từ đâu đến, nay đi về đâu, ai có thể vì ta giúp trừ nghi vấn ấy? Lại nghĩ thế này: Bồ-tát Pháp Dũng đã từ lâu tu học phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, rồi đắc vô lượng pháp môn Đà-la-ni và Tam-ma-địa, đối với thần thông tự tại của Bồ-tát đã đến rốt ráo, đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, ở chỗ chư Phật phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các căn lành, trong thời gian lâu dài vì ta mà làm thiện hữu, thường nhiếp thọ ta, khiến được lợi lạc. Ta nên mau đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng hỏi mười phương chư Phật đã thấy vừa rồi là trước từ đâu đến và nay đi đâu, Bồ-tát ấy có thể vì ta đoạn trừ nghi vấn ấy.
Này Thiện Hiện! Nên biết, khi ấy Đại Bồ-tát Thường Đề nghĩ như vậy rồi, đối với Đại Bồ-tát Pháp Dũng càng tăng thêm tâm kính mến thanh tịnh. Lại nghĩ thế này: Ta nay muốn đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, nên dùng vật gì để cúng dường? Nhưng ta nghèo nàng, không có hoa hương, hương nước, hương bột, y phục, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc, chân châu Mạc-ni, Phệ-lưu-ly, ngọc báu Phả-chi-ca, vàng, bạc, san hô, loa bối, bích ngọc và các đồ cúng dường thượng diệu khác để có thể dùng cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng! Ta quyết định chẳng nên đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng với tay trắng như vậy. Nếu ta đến không thì cảm thấy chẳng vui, lấy gì biểu lộ sự biết chí thành cầu pháp? Ta nay nên tự bán thân để cầu vật giá trị, dùng để cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng. Vì sao? Vì trong thời gian vô tận ta sanh ở các cõi tan nát hoại diệt vô biên thân mạng, từ vô thỉ sanh tử là do nhân duyên dục nên đọa vào các địa ngục, chịu vô lượng khổ, chưa vì sự cúng dường Diệu Pháp và pháp sư thuyết pháp như thế, mà tự bỏ thân mạng, cho nên nay ta quyết định bán thân mạng để cầu tài vật, dùng cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng.
Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Thường Đề nghĩ thế này rồi, dần dần đi về hướng Đông, đến một thành lớn, rộng rãi nghiêm tịnh, dân chúng đông đúc, an ổn giàu có an lạc. Bồ-tát Thường Đề vào chợ, đi vòng khắp nơi, lớn tiếng rao: Nay tôi tự bán thân, ai muốn mua người? Nay tôi tự bán, ai muốn mua người?
Khi ấy, ác ma thấy việc này rồi, liền nghĩ thế này: Bồ-tát Thường Đề vì mến trọng pháp nên muốn tự bán thân, gọi là để cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng. Nhơn đó sẽ được như lý thỉnh vấn Phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa, đó là sẽ hỏi thế này: Đại Bồ-tát phương tiện tu hành Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa như thế nào để mau chứng quả vị giác ngộ cao tột, nghe hỏi như thế rồi, Bồ-tát Pháp Dũng sẽ vì Bồ-tát này tuyên thuyết pháp yếu sâu xa, khiến được đa văn giống như biển cả. Ma và quyến thuộc chẳng thể phá hoại được, dần dần có thể viên mãn tất cả công đức. Nhơn đó làm lợi ích các loài hữu tình khiến tự chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, Bồ-tát ấy lại có thể khiến cho các loài hữu tình chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, triển chuyển kế thừa làm rỗng không cảnh giới của ta. Ta sẽ tìm cách ngăn chặn âm thanh ấy, khiến trưởng giả, cư sĩ, Bà-la-môn v.v... trong thành này đều chẳng thể nghe được. Nghĩ rồi thực hiện. Chỉ trừ trong thành có một nữ trưởng giả, do sức thiện căn đời trước nên ma chẳng có thể ngăn được. Bồ-tát Thường Đề do nhân duyên đó, trải qua thời gian lâu bán thân chẳng được, sầu lo khổ não, đứng ở một chỗ khóc lóc mà nói:
- Tôi có tội gì mà vì muốn cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Đại Bồ-tát Pháp Dũng, nên tuy tự bán thân nhưng không ai mua?
Khi ấy, trời Đế Thích thấy rồi nghĩ: Thiện nam tử này dường như là vì việc cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, vì mến trọng pháp nên tự bán thân mình. Ta nên thử xem là thật sự vì mộ pháp hay vì dối trá lừa gạt thế gian? Nghĩ thế rồi liền tự hóa làm một Bà-la-môn trẻ tuổi đi đến chỗ Thường Đề hỏi:
- Ngươi nay vì nhân duyên gì mà đứng đây khóc lóc lo sầu chẳng vui?
Bồ-tát Thường Đề đáp:
- Này cậu bé! Ta vì cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, nhưng ta nghèo thiếu không có vật báu, vì ái trọng pháp, nên muốn tự bán thân, nhưng khắp trong thành này không ai hỏi đến, tự nghĩ mình phước mỏng nên buồn rầu đứng đây.
Khi ấy, Bà-la-môn nói với Thường Đề:
- Nay đây chính tôi muốn tế trời, chẳng dùng thân người, chỉ cần máu người, tủy người, tim người, ngươi có thể bán cho tôi chăng?
Bồ-tát Thường Đề nghe rồi, nghĩ: Nay đây ta nhất định được thành công. Vì sao? Vì những vật mà người kia cần mua ta đều có đủ. Do giá trị của vật này, ta sẽ được cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, khiến ta đầy đủ phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa, mau chứng quả vị giác ngộ cao tột. Khi nghĩ như thế rồi, vui mừng nhảy nhót, dùng lời êm dịu đáp lời Bà-la-môn:
- Những vật mà ngài muốn mua, tôi đều có thể bán.
Bà-la-môn nói:
- Trị giá bao nhiêu?
Thường Đề đáp:
- Trả bao nhiêu tùy ý.
Bấy giờ, Thường Đề nói như vậy rồi, liền đưa tay phải ra cầm dao bén đâm vào cánh tay trái cho máu chảy ra; lại lốc đùi vế bên phải, thịt da rơi xuống đất, đập xương lòi tủy, đưa cho Bà-la-môn. Lại đến bên tường toan mổ tim ra, có nữ trưởng giả ở trên gác cao, trước đó nghe Thường Đề lớn tiếng rao bán thân, sau đó lại thấy tự cắt thân mình, nghĩ thế này: Thiện nam tử này vì nhân duyên gì mà làm khốn khổ mình, ta nên thăm hỏi. Nghĩ rồi xuống gác, đến chỗ Thường Đề hỏi:
- Vì nhân duyên gì trước đây ngươi rao tự bán, nay xuất máu tủy, lại muốn mổ tim?
Thường Đề đáp:
- Chị không biết sao? Tôi vì cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng. Nhưng tôi nghèo thiếu, không có các tài bảo, vì mến trọng pháp nên trước tự bán thân mà không có ai mua. Nay bán ba vật này cho Bà-la-môn.
Nữ trưởng giả nói:
- Nay ngươi tự bán thân, huyết, tim, tủy là muốn dùng tài vật cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng, sẽ thu được những công đức thắng lợi gì?
Thường Đề đáp:
- Bồ-tát Pháp Dũng đối với pháp sâu xa đã được tự tại, sẽ vì tôi mà nói phương tiện thiện xảo Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa. Sở học của Bồ-tát, sở thừa của Bồ-tát, sở hành của Bồ-tát, sở tác của Bồ-tát, nếu tôi được nghe rồi như thuyết tu hành, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật, thì mau chứng đắc quả vị giác ngộ cao tột, được thân sắc vàng, đủ ba mươi hai tướng Đại sĩ và tám mươi vẻ đẹp phụ thuộc viên mãn trang nghiêm, ánh sáng một tầm, hào quang khác vô lượng. Đủ mười lực Phật, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng, pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, năm loại mắt thanh tịnh, sáu phép thần thông, giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, giải thoát tri kiến uẩn thanh tịnh chẳng thể nghĩ bàn, tri kiến không chướng ngại, tri kiến vô thượng, đắc trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, đầy đủ tất cả Pháp bảo Vô thượng, phân chia bố thí cho tất cả hữu tình, làm chỗ nương tựa cho tất cả hữu tình. Tôi xả thân mạng là để cúng dường Bồ-tát ấy, sẽ thu hoạch những công đức thắng lợi này.
Nữ trưởng giả nghe nói Phật pháp vi diệu thù thắng chẳng thể nghĩ bàn, vui mừng nhảy nhót, vô cùng xúc động, cung kính chấp tay thưa với Thường Đề:
- Điều Đại sĩ nói vi diệu tối thắng to lớn đệ nhất, rất là hi hữu; vì đạt được tất cả Phật pháp như thế còn nên xả bỏ thân mạng coi trọng như số cát sông Hằng, huống là chỉ xả bỏ một. Vì sao? Vì nếu đắc công đức vi diệu như thế thì có thể lợi lạc tất cả hữu tình. Đại sĩ nhà nghèo còn vì công đức vi diệu như thế mà chẳng tiếc thân mạng, huống gì nhà ta giàu có nhiều của báu. Vì công đức như thế mà chẳng cúng dường sao! Nay Đại sĩ chớ nên tự hại Ngài, cần những phẩm vật cúng dường nào tôi sẽ dâng cho Ngài hết, đó là vàng, bạc, ngọc báu Phệ-lưu-ly, ngọc báu Phả-chi-ca, chân châu Mạc-ni, xử tàng, thạch tàng, loa bối, bích ngọc, đế thanh, đại thanh, san hô, hổ phách vô lượng thứ khác: Châu ngọc, hoa hương, anh lạc, tràng phan, bảo cái, kỹ nhạc, đèn đuốc, xe cộ, y phục và đủ các thứ phẩm vật cúng dường thượng diệu khác, Ngài có thể đem cúng dường Bát-nhã Ba-la-mật-đa sâu xa và pháp sư thuyết pháp là Bồ-tát Pháp Dũng. Xin Đại sĩ chớ lại hại mình. Bản thân tôi cũng nguyện theo Đại sĩ đến chỗ Đại Bồ-tát Pháp Dũng, đồng thời chiêm ngưỡng, cùng trồng căn lành, vì được nghe thuyết các Phật pháp vậy.
Quyển thứ 398
Hết