Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 1: Lớp B: Ngũ Minh

16/12/201912:30(Xem: 5874)
Bài 1: Lớp B: Ngũ Minh

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây lan
KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU kỳ 19
được tổ chức tại Capital Country Holiday Park, 47 Bidges Road, Sutton  NSW  2620
(Canberra, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)

***

LỚP B (NGƯỜI LỚN)

Bài 1 :  NGŨ MINH


Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa

Giáo thọ: TT Thích Thiện Hiền


A. Mở Đề 

Người Tây phương thường chê đạo Phật là tiêu cực. Thật ra, giáo lý của đức Phật như chúng ta đã học trong mấy khóa phổ thông và nhất là trong khóa IV này, chứng tỏ một tinh thần vô cùng tích cực, lợi tha, cứu thế. Nhưng trong thực tế, chúng ta phải công nhận rằng, phần đông các nhà hành đạo trong quá khứ; vì thiếu phương tiện và khả năng chuyên môn nên chỉ hoằng pháp lợi sinh bằng phương tiện nội điển, mà không đi sâu vào các ngành sinh hoạt khác của xã hội. Do đó, Đạo Phật bị thu hẹp phạm vi hoạt động và mất rất nhiều ảnh hưởng trong đời sống đại đa số quần chúng.

Nhất là trong thế giới phức tạp ngày nay, mà lòng người bị chi phối rất nhiều vì những sinh hoạt kinh tế, chính trị văn hóa,...nếu người hành đạo cứ giữ những lề lối cũ, không có những phương thức hoằng pháp thích hợp với xã hội mới, không có những kiến thức và khả năng thích hợp với các ngành hoạt động trong xã hội, thì đạo Phật sẽ mất dần ảnh hưởng và không giữ được vai trò lãnh đạo của mình nữa. 

Những ý nghĩ trên đây không phải là những phát minh mới mẽ gì của chúng tôi, mà chính hơn 2.600 năm trước, đức Phật đã nghĩ đến trong dạy các Đệ tử của Ngài phải học Ngũ minh, nếu muốn truyền giáo cho có hiệu quả. 

Vậy Ngũ minh là gì và có tầm quan trọng thế nào? Đó chính là vấn đề mà chúng ta sẽ đề cập dưới đây: 

B. Chánh Đề 

I. Định Nghĩa :Ngũ minh là gì? Ngũ minh là năm kiến thức người hoằng pháp cần phải có, phải hiểu biết. 

Những kiến thức ấy là những kiến thức nào? Đó là những kiến thức về nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh. 

II Giải Rõ Về Ngũ Minh 

1. Nội minh. Trước tiên, người hoằng pháp phải cần có Nội minh, nghĩa là phải có kiến thức về nột điển Phật giáo. 

Muốn hoằng pháp, nghĩa là muốn đem giáo pháp truyền bá trong quần chúng để mọi người đều hưởng sự lợi ích, thì trước tiên mình phải tự tìm hiểu giáo lý của đạo Phật cả. Chúng ta đã biết rằng không hiểu giáo lý, thì không ai có thể thực hành đúng theo Phật pháp được.Những tình trạng lộn xộn, mê tín, lố lăng của Đạo Phật Việt Nam, sở dĩ có ra cũng vì người hành đạo thiếu sự am tường giáo lý nội điển. Vì không biết rõ nội điển cho nên không biết chủ trương chân chính của đạo Phật. Do đó, người ta mới đi sâu vào những hành động sai lầm: vàng mã, đồng bóng, cúng sao  hạn, dời mả, giết hại sinh vật để tế Thần tế Thánh, cúng kiến ông bà. 

Muốn cho tình trạng ấy chấm dứt, người hoằng pháp phải tự mình thông hiểu giáo điển và truyền bá giáo lý cho tất cả tín đồ. Bao giờ cúng nên nhớ rằng đạo Phật chủ trương hiểu rồi mới làm, mà không hiểu tức là bị lạc đường lầm nẻo. Đứng ra hướng dẫn tín đồ mà chưa hiểu được nội giáo, là một chuyện nguy hiểm vô cùng. Không ai có thể tha thứ được cái thái độ "nhứt manh dẫn quần manh" ấy. 

Tăng giới phải là bực thông hiểu giáo lý đã đành. Các bậc cư sĩ đứng ra làm Phật sự, điều khiển những tổ chức Phật học cũng không thể không hiểu giáo lý. Một tệ đoan mà chúng ta thấy cần phải sửa chữa gấp là phải làm thế nào cho những phần tử trong bộ máy của các tổ chức Phật học phải là những người có học đạo. 

Chúng ta không thể nào không lo sợ khi thấy những người thiếu học Phật, đứng giữ địa vị tổ chức và điều kiện trong một Hội Phật học hay một cơ quan giáo dục như gia đình Phật tử chẳng hạn. 

Cho nên người có hoằng pháp có bổn phận phải am tường nội điển. Phải tìm hiểu giáo lý hàm chứa trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận. Giáo lý cao siêu trong ba tạng phân làm ba hệ thống rõ ràng: 

a) Hệ thống Bát nhã: Giáo lý chân không chủ trương rằng vạn pháp là không thực, để hiển lý tánh chân không. 

b) Hệ thống Pháp tướng: Giáo lý Duy thức chủ trương vạn pháp không thực tánh và có là do thức biến hiện ra ngàn sai muôn khác. 

c) Hệ thống Pháp tánh: Giáo lý pháp tánh là dẫn tướng qui tánh, chủ trương đạt đến chơn như, các pháp đều do chơn như duyên khởi mà có. 

Về mỗi hệ thống giáo lý, có nhiều pháp môn để chúng sinh thực hành và đạt đến quả vị giác ngộ. Người hoằng pháp cần thông hiểu các hệ thống giáo lý và các pháp môn phương tiện để có thể xem ra ứng tiếp với xã hội cho hợp thời và hợp cơ. Tóm lại, sự hiểu biết về nội điển là điều quan hệ vào bậc nhất. 

2. Nhân minh. Am tường giáo lý chưa đủ. Muốn trình bày giáo lý ấy một cách rỏ ràng, khúc chiết, muốn lập thuyết vững vàng, người hoằng pháp cần phải dựa trên một phương pháp luận lý; phương pháp luận lý ấy gọi là nhân minh. 

Nhân minh là gì? Là một môn luận lý học của Phật Giáo, chủ trương chứng minh lập thuyết bằng "Nhân", nghĩa là bằng cách suy cứu đến lý do. 

Bộ sách vĩ đại làm căn bản cho Nhân minh học là Nhân minh đại sớ. Ở đây, chúng ta tìm hiểu qua đại cương để hiểu thế nào là Nhân minh mà thôi. 

Một lập luận đầy đủ theo Nhân minh phải có ba phần: Tôn, Nhân, Dụ, gọi là tam chi tác pháp. Tôn là chủ trương của mình. Nhân là lý do thành lập chủ trương ấy. Dụ là những sự kiện đem ra để chứng minh (có thuận và nghịch). Ví dụ: 

Tôn: Ông Nguyễn Văn A phải chết. ( quả

Nhân: Vì ông Nguyễn Văn A đã có lúc bị sanh ra. ( nhân)

Dụ: Phàm cái gì đó sinh tất phải có chết, như Không Tử, Trần Trọng Kim v.v...(đồng dụ). Đồng dụ là những thí dụ đồng loại (có sinh có diệt).Trái lại, phàm cái gì không có sanh tất không có chết, như hư không (dị dụ) v.v.. 

Ta thêm một ví dụ khác: 

Tôn: Trò B sẽ bị phạt 

Nhân: Vì trò B học bài không thuộc. 

Dụ: Phàm, ai không thuộc bài thì đều bị phạt cả, như trò C, trò Đ, (đồng dụ). Phàm, ai thuộc bài thì đều không bị phạt như trò Mít, trò Ổi. 

Ta nhận thấy môn luận lý nhân minh có hơi giống với luận lý học hình thức của phương tây, và lại đầy đủ tinh vi hơn luận lý học này, vì nó có đủ tính cách diễn dịch và qui nạp. 

Ba phần chính của môn luận thức nhân minh, phải có liên lạc mật thiết với nhau. Nhân bao giờ cũng quan hệ đến Tôn, phải triệt để có tính cách của đồng dụvà tuyệt đối không có tính cách của dị dụ. Còn dụ bao giờ cũng phải dính líu đến Tôn và Nhân. Mỗi phần Tôn, Nhân, Dụ muốn đứng vững được, cần phải tránh nhiều lỗi. (Xem quyển PHPT khóa IX). 

Học nhân minh có mục đích là biết phán đoán chân ngụy, thuyết phục ngoại đạo và đọc được các bộ luận về pháp tướng học, bởi vì các Tổ ngày xưa theo lối lập luận này trong khi viết các bộ luận kia. 


phat thuyet phap




3. Thanh minh. Đây là môn học về ngữ môn văn tự, về âm thanh và về văn học. Sự truyền giáo cũng đã rất cần đến môn học này. Xưa các vị Tổ sư muốn đem giáo pháp truyền bá ở các nước, đã phải thông hiểu về các thứ sinh ngữ,đã phải có tài phiên dịch và trước tác. Nhiều bộ sách đạo lý lưu truyền đến tận nay mà cũng phải nhận là có những giọng văn sáng sủa lưu loát, chính là nhờ ở căn bản về thanh minh rất rộng rãi vậy. 

Trong Phật giáo, chỉ có Thiền tông chủ trương không chú trọng mấy về văn tự. Các tôn phái khác đều cần đến thanh minh; Người tu học cần phải có kiến thức về văn học mới có thể học hiểu giáo lý tu tập; môn học này. Xưa các vị Tổ sư muốn đem giáo pháp truyền bá ở các nước, đã phải thông hiểu về các thứ sinh ngữ,đã phải có tài phiên dịch và trước tác. Nhiều bộ sách đạo lý lưu truyền đến tận nay mà cũng phải nhận là có những giọng văn sáng sủa lưu loát, chính là nhờ ở căn bản về thanh minh rất rộng rãi vậy. 

Trong Phật giáo, chỉ có Thiền tông chủ trương không chú trọng mấy về văn tự. Các tôn phái khác đều cần đến thanh minh; Người tu học cần phải có kiến thức về văn học mới có thể học hiểu giáo lý tu tập; người truyền giáo phải có kiến thức về văn học để phiên dịch, trước tác với các nước Phật Giáo trên hoàn cầu. 

Hiện nay,người Phậttử Việt Nam rất cần đến thanh minh:PhậtGiáo Việt Nam đang đòi hỏi một kho kinh điển bằng tiếng Việt làm tài liệu học tập và truyền bá. Như thế các nhà hữu tâm của Phật Giáo phải lưu ý đến việc học tập văn chương và ngoại ngữ để có thể kiến thiết một nền Phật học bằng quốc văn. 

4. Công xảo minh. Đây là môn học về công nghệ và kỹ thuật: 

Trong công cuộc hành đạo, người tín đồ của Phật Giáo nhận thấy cần có đủ điều kiện kinh tế, mới có thể lập ra những cơ quan tu học cho Tăng giới, cho cư sĩ, mới có thể thành được những tổ chức cứu tế, giúp đỡ cho người nghèo đói tật nguyền, thể hiện lòng từ bi . Công nghệ và kỹ thuật mỗi ngày mỗi thêm tiến bộ, người Phật tử cần phải học tập để có những phương tiện hành đạo rộng rãi trong phạm vi xã hội nhân sinh. 

Công nghệ và kỹ thuật, nếu chỉ là lợi khí cho sự kinh doanh vụ lợi ích kỷ, thì không đáng cho ta phải bận tâm. Công nghệ và kỹ thuật ấy tiến bộ chừng nào, thì gây đau khổ cho loài người chừng ấy, bởi vì chúng sẽ biến ra lợi khí tranh giành, cướp đoạt và bóc lột. Kỹ thuật tiến bộ của máy móc, của bom đạn đã là một sự đe dọa ghê ghớm. 

Người Phật tử học lấy công nghệ và kỹ thuật rồi đem công nghệ và kỹ thuật phụng sự nhân loại, thể theo lòng vị tha và  muốn cho muốn loài có hạnh phúc chân thực, tránh những tai họa do  sân hận, dục vọng gây nên. 

5. Y phương minh. Đây là môn học về các phương pháp chữa bệnh. Các đức Phật là những nhà lương y, trị cả tâm bệnh và cả thân bệnh cho chúng sinh, đức  Phật Dược Sư Lưu Ly là một gương sáng. Thế gian này đầy dẫy những bệnh nhân đau khổ về vật chất lẫn tinh thần. Những phương thuốc chữa bệnh tinh thần đã đành rằng rất cần thiết, nhưng những phương thuốc chữa bệnh về vật chất cũng không phải là không quan trọng. Người Phật tử nếu có được những thời giờ rảnh rang nên học chuyên môn về thuốc, để có thực hành một công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi: đó là sự chữa bệnh. Các bác sĩ các lương y, nếu là Phật tử thì đã có trong tay một phương tiện hành đạo rất quan trọng. Đem sự an ủi đến cho người bệnh, nâng đỡ họ trong cơn ốm đau, cử chỉ đó thực có thể tiêu biểu được một phần nào tinh thần cứu thế tích cực của đạo Phật. 

Chúng ta hy vọng rằng sau này Phật Giáo sẽ có được những bệnh viện do Phật tử chăm non, và mỗi một ngôi chùa địa phương, có thể có một cơ quan cấp cứu tương trợ cho đồng bào trong những lúc nguy biến ngặt nghèo. 

C. Kết Luận: 

Trong thời đại hiện tại, xã hội đòi hỏi một phương thức hoằng pháp rộng rãi hơn. Chúng ta không có thể áp dụng những phương tiện nhỏ hẹp, mà cần phải mở rộng phạm vi của hoằng pháp theo Đại Thừa Phật Giáo; người Phật tử cần phải y lời Phật dạy học Ngũ minh và mỗi người sẽ là một chiến sĩ từ thiện xã hội, lo xây đắp cho nền Phật giáo tương lai hưng thịnh và thực hiện được hoài bảo cứu tế to rộng của đức Bổn sư.



______________

Toát yếu theo bộ "Phật Học Phổ Thông", khóa 4 (NXB Đông Phương 2012). HT Thích Thiện Hoa


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]