Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 4: Lớp A: Quy y Tam Bảo (bài soạn giảng của NS Tâm Lạc và NS Viên Thông cho lớp A, người lớn)

08/12/201909:16(Xem: 4173)
Bài 4: Lớp A: Quy y Tam Bảo (bài soạn giảng của NS Tâm Lạc và NS Viên Thông cho lớp A, người lớn)



Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây lan

KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP ÚC CHÂU kỳ 19
được tổ chức tại Capital Country Holiday Park, 47 Bidges Road, Sutton  NSW  2620
(Canberra, từ ngày 27 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019)



Bài 04 - Lớp A (người lớn)

Quy y Tam Bảo

 
Biên soạn: HT Thích Thiện Hoa
Biên tập & giảng giải: NS TN Tâm Lạc, NS TN Viên Thông

 

A) MỞ ĐỀ

Kiếp người chẳng khác nào con thuyền đang linh đinh bể cả, ai không khát khao tìm một chỗ nương tựa, một hướng đi để con thuyền người đỡ chòng chành và chóng vượt khỏi trùng dương nguy hiểm? Chỗ nương tựa vững chắc nhất không đâu bằng ngôi Tam Bảo. Hướng đi nhanh chóng và an ổn chỉ có Đạo Phật.
Người đã nhận Đạo Phật làm một hướng đi, bước đầu tiên phải quy y Tam Bảo. Quy y là nấc thang đầu tiên của cây thang giải thoát, là cửa ngỏ đi vào ngôi nhà giác ngộ.Vì thế ai đã hướng về với Đạo Phật mà thiếu quy y khác nào kẻ đi vào nhà mà không từ nơi cửa. Quy y có tánh cách hệ trọng như vậy, nên chúng ta cần phải hiểu rõ ý nghĩa của nó.

B) CHÁNH ĐỀ:

I) ĐỊNH NGHĨA VÀ GIẢI THÍCH

1) QUY Y LÀ GÌ?

2 chữ quy y có nghĩa là: quay về hay hồi chuyển. Y là nương tựa hoặc dựa vào. Những hành vi hồi chuyển nương tựa hoặc quay đầu dựa dẫm tin tưởng đều có thể gọi là quy y, Kiếp sống của con người mong manh yếu ớt khác nào cánh bèo đang bị gió dập sóng dồi ngoài bể cả. Nếu không có nơi vững chắc để nương tựa, e một ngày kia phải tàn rửa và chìm lịm dưới đáy bể. Vậy nên phải quy y, nghĩa là đem thân mạng nương gởi nơi ngôi Tam Bảo.Tam Bảo là quả đất, muôn hoa cỏ thiện đều từ nơi đó mà sanh.Tam bảo là con thuyền cứu vớt sinh linh đang đắm chìm trong bể luân hồi, đưa đến bờ giải thoát. Do đó, người phát tâm tu theo Đạo Phật phải thành kính đem gởi cả thân mạng này về ngôi Tam bảo.

2)TAM BẢO LÀ GÌ:

Tam bảo là ba ngôi quí báu: Phật quí báu, Pháp quí báu, Tăng quí báu. Tại sao Phật, Pháp, Tăng là quí báu? - Phàm vật gì khó tìm gặp, mà khi gặp được có công dụng giúp người giải khổ, ấy là vật quí báu. Như vàng, bạc, ngọc, ngà . . rất khó được, nhưng một khi được là giải quyết mọi vấn đề: nghèo khổ, đói rách. . . cho người. Tam bảo cũng thế.Dễ gì gặp Phật ra đời, dễ gì thấu đạt pháp giải thoát, dễ gì gặp một vị sư chơn chánh? Nhưng một phen gặp được Tam bảo, chắc chắn giải thoát được mọi khổ não, và tạo cho người một cảnh giới an tịnh chơn thật. Vì thế, Phật, Pháp, Tăng gọi là quí báu.Tam bảo có công dụng vô biên, nên phải giải thích riêng từng phần.

Phật là đấng giác ngộ hoàn toàn và từ bi vô hạn, lúc nào cũng chực hướng dẫn chúng sanh đến chỗ giác ngộ như Ngài, nên người đời gọi Phật là đấng tự giác, giác tha viên mãn, là ông cha lành của tất cả chúng sanh, vị Đạo Sư của mười pháp giới.

Pháp là những phương pháp tu hành do Đức Phật dạy. Người thực hành theo những phương pháp ấy sẽ diệt sạch mọi phiền não, mê mờ, đến nơi an vui giải thoát. Nói một cách khác, Pháp là những phương thuốc trị bịnh chúng sanh.Chúng sanh là những bệnh nhân nằm rên siết trên giường bịnh, pháp của Phật là diệu dược, nếu ai biết chọn uống thì lành ngay. Pháp ấy rất nhiều nhưng đều nằm gọn trong ba tạng: Kinh, Luật, Luận.

Tăng là một số đệ tử Phật, ly khai gia đình, hiến trọn đời cho đạo pháp. Những vị hằng ở chung nhau để tu hành, để học hỏi và luôn luôn giữ theo giới luật của Phật, hằng hòa thuận thân mến nhau. Các Ngài thay đức Phật hoằng truyền chánh pháp, cứu độ chúng sanh.

Nói chung, quy y Phật là hướng thẳng đời mình theo đấng Giác ngộ học theo gương từ bi của Ngài, thương yêu cứu vớt tất cả chúng sanh và cuối cùng thoát khỏi vòng mê muội của một phàm phu. Quy y Pháp là y theo giáo pháp Phật dạy tu hành lần lần dứt sạch các phiền não, giải thoát mọi khổ đau. Người bệnh nhờ thuốc trị được lành, chúng sanh đau khổ nhờ giáo pháp cứu được an vui. Quy y Tăng là theo sự hướng dẫn của những vị sư chân chánh mà tu tập. Vì các Ngài đã dày công nghiên cứu và thực hành giáo pháp Phật dạy, tùy căn cơ trình độ mỗi người, các Ngài cho những pháp thích hợp để trên đường tu khỏi phải lạc lầm.Tóm lại, quy y Phật là mong được sáng suốt, quy y Pháp là cầu hết đau khổ, quy y Tăng là nhờ sự hướng dẫn đúng đường lối giải thoát.

Quy y Tam bảo chẳng những có thế, mà còn chia ra Sự, Lý khác nhau.


3) QUY Y TAM BẢO NHƯ THẾ NÀO?

Trên phương diện chữ nghĩa, hai chữ quy y có nghĩa là : quay về hay hồi chuyển. Y là nương tựa hoặc dựa vào, những hành vi hồi chuyển nương tựa hoặc quay đầu dựa dẩm tin tưởng, đều có thể gọi là quy y. Cho nên quy y không phải là danh từ chuyên dùng của Phật giáo.

Như trẻ thơ quay đầu vào lòng cha mẹ dựa dẩm vào Cha mẹ, tin tưởng Cha mẹ mới có được cảm giác an toàn, cảm giảc an toàn này được phát sinh từ sức mạnh và năng lực của sự quy y, do vậy bất kỳ một hành vi nào làm phát sinh cảm giác an tòan từ sự quay đầu dựa dẩm và tin tưởng đều gọi là quy y.

Do đó con cái tin tưởng Cha mẹ, học sinh tin tưởng vào Thầy, các nhà doanh nhân tin tưởng vào những kế hoặch và dự toán buôn bán, người cấp dưới tin tưởng vào cấp trên, các nhà Túc mệnh luận tin tưởng vào mạng vận, người phụ nữ góa bụa tin tưởng vào vũ lực, những chính khách tin tưởng vào mưu lược, người tham lam tin tưởng vào tài sản.v.v..tất cả ít nhiều đều mang âm hưởng của sự quy y, hay nói cách khác tất cả mọi sự lý được phát sinh từ năng lực của sự tín ngưỡng đều được liệt vào quy y. Do vậy tín ngưỡng Phật giáo cũng được gọi là quy y hay tín ngưỡng vào các tôn giáo khác cho đến việc sùng bái Thần thánh tà ma vẫn có thể gọi là quy y, nhưng chân nghĩa hay ý nghĩa chân thật của sự quy y, thời là lĩnh vực khác. Bất kỳ sự dựa dẫm tin tưởng hoặc tín ngưỡng vào những điều không cứu cánh, không chắc thật thì không thể gọi là sự quy y chân chánh được, cũng ví như khi mưa to bảo lớn người ta liền trèo lên cây, trèo lên nóc nhà, chạy lên gò cao nhưng khi nước dâng cao, sóng gió nổi lên thì cây cũng có thể đổ, nhà có thể sập, gò cao có thể bị nhấn chìm, do đó trong trường hợp cấp bách như vậy nếu như gần đó có một ngọn núi cao, thì có phải rằng mọi người đều chạy lên ngọn núi ấy không ?chỉ trừ những người ngu si vô trí mới bỏ qua cơ hội tốt đẹp ấy. Do vậy núi cao có năng lực và hiệu quả an toàn hơn hẳn cây cối nhà cửa và gò đất.

Cũng vậy người có thể nhận rõ được thế sự vô thường, hiểu rõ được vạn pháp đều do nhân duyên đối đãi tương hợp mà thành, thời chắc chắn có đủ năng lực để hiểu rõ Cha mẹ, Thầy giáo, Kế họach dự toán, Cấp trên, Mạng vận, cho đến Vũ khí, Mưu lược, Tài sản..v.v. đều có thể phát sinh hiệu quả của sự an toàn, nhưng không chắc chắn và vĩnh cữu, bởi vì cha mẹ rồi cũng chết, tri thức của Thầy giáo rồi sẽ bị lạc hậu, dự toán có khi không chuẩn xác. Quan trên có khi bị mất chức hoặc bị điều đi nơi khác, vận mệnh không thể tuyệt đối tin tưởng, vũ lực , mưu lược, tài sản đều như huyễn, như mây, như khói. Hôm nay có thể là Vua ở phương Nam biết đâu ngày mai sẽ là người tù trong ngục tối, hôm nay là triệu phú giàu sang ai biết được ngày mai đang là chàng cùng tử xin ăn khắp nẻo đường xó chợ.

Thậm chí tin tưởng tín ngưỡng vào các Tôn giáo khác có thể được sanh Thiên nhưng chưa chắc là do tín ngưỡng ấy mà quyết định sanh thiên, ví như người tin theo đạo Thiên chúa hay Tin lành thì thánh kinh nói rằng: sẽ được cứu nhưng chưa chắc là sẽ được cứu hết. Thượng đế không thiên vị, nhưng lòng thành của bạn chưa chắc giúp bạn là người dân của xứ Thiên đàn. Lại đứng trên gốc độ của Phật giáo mà nhìn, Phật giáo chính là tôn giáo vượt ngoài mọi Tôn giáo, bởi vì lý tưởng cao siêu nhất của tất cả các Tôn giáo cũng chỉ là sanh lên cõi trời mà không vượt ngoài hạn định ấy, nhưng cõi trời trong Phật giáo dù là cõi trời cao tột nhất cũng không vượt ra ngoài sinh tử luân hồi. Thọ mạng ở cõi trời dù lớn hơn con người nhưng cũng đến lúc cùng tận, phước trời một khi đã hết cũng không tránh khỏi đọa lạc, do vậy đó không phải là nơi quy y chắc thật nhất, chỉ có quy y Phật giáo mới có thể khiến cho con người từng bước từng bước thóat ly khổ não đến với con đường giải thóat cứu kính an lạc. Tổng thể của Phật giáo chính là Phật Pháp Tăng Tam bảo.

Từ xưa đến nay có nhiều cách để phân loại về Tam Bảo nhưng đại thể có hai lọai là sự tướng và lý thể. 

1- Nói về sự tướng thì có Trụ trì Tam Bảo và Hóa tướng Tam Bảo. 
2- Nói về lý thể thì có Nhất thể Tam Bảo và Lý thể Tam Bảo. 

Trước khi giải thích về chủng loại của Tam Bảo cần phải hiểu hàm ý về Tam Bảo, Phật tức là giác giả, tự giác, giác tha và giác mãn. Pháp tức là Pháp tắc là những quy phạm có năng lực dẫn dắt con người hiểu rõ và hành trì để không đánh mất đi lẽ chân thật. Tăng chính là hòa hợp chúng là sự tương hợp giữa sự và lý.

 

a) SỰ QUY Y TAM BẢO

Quy y Phật là quỳ dưới chân Phật phát nguyện trọn đời y cứ nơi Ngài, cầu mong Ngài hướng dẫn dắt dìu đến chỗ giác ngộ, nếu Phật còn tại thế. Trường hợp Phật đã nhập Niết bàn, quy y Phật là đến chùa quỳ trước Phật đài chí thành tưởng niệm như Phật hiện ngự trên đài sen, phát nguyện trọn đời theo gương sáng của Ngài. Phật sẽ chứng minh tấm lòng thành kính của mình đời đời tu hành không lui sụt.

Quy y Pháp là y cứ theo Kinh, Luật, Luận của Phật mà đọc tụng tu trì. Những quyển kinh luật ấy ghi chép lời vàng ngọc mà Phật đã dạy. Học hỏi tu tập theo dần dần sẽ đủ sức ngự trị tâm mình, diệt tận phiền não.

Quy y Tăng là chọn lựa những vị sư đầy đủ đức hạnh, có khả năng hướng dẫn ta trên đường giải thoát, thỉnh cầu những vị đại diện chư Tăng truyền trao quy giới cho ta. Từ đó về sau tôn kính những vị ấy là thầy, chẳng riêng gì mấy vị ấy, mà tất cả vị sư chân chánh đều là bậc thầy ta cả. Vì vị nào có khả năng hướng dẫn, có đức hạnh gương mẫu đều là người đáng cho ta nương theo học hỏi.


b) LÝ QUY Y TAM BẢO

Lý quy y Tam bảo là trở về nương tựa với Phật, Pháp, Tăng sẵn có trong mỗi chúng ta.

Kinh chép: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. . .” Phật tánh là gì?_ Tức là trí giác sáng suốt của mỗi người. Mặc dù chúng sanh sẵn có trí giác, nhưng đã lâu bị si mê phiền não che lấp nên không hiển lộ, như mây mù che mặt nguyệt, như bụi phủ dày đặc trên mặt gương. Giờ đây quy y Phật là tự diệt phiền não, phá si mê để trí giác hiện bày, như vạch mây mù cho thấy trăng sáng, lau sạch bụi để lộ mặt gương.

Muôn vật ở giữa đời này thiên hình vạn trạng, nhưng đều chung cùng một bản thể. Như nhìn vào tiệm vàng thấy bao nhiêu món đồ trang sức bằng vàng, hình thức khác nhau, nhưng chung qui vẫn là một chất, chất vàng. Đã đồng một chất vàng thì giá trị bình đẳng như nhau, nếu đồng cân lượng. Hình thức vàng: vòng, cà rá, xuyến. . . luôn luôn đổi thay, nhưng chất vàng không khi nào thay đổi. Hình thể sự vật là biến thiên, bản thể của nó là chân thật.Hình thể có lớn, nhỏ, tốt, xấu khác nhau, nhưng bản thể thì bình đẳng.Bản thể ấy gọi là pháp tánh. Người lóng tâm an tịnh để khế hợp pháp tánh, gọi là quy y pháp.

Bản tâm mỗi người vẫn hằng thanh tịnh, nhưng vì vọng thức quay cuồng nên thành ô nhiễm.Như nước, tánh vẫn là trong, vì sóng gió cuồng loạn nên trở thành ngầu đục. Giờ đây chúng ta chận đúng vọng thức để tâm trở lại thanh tịnh, đó là quy y Tăng.

Tóm lại, Lý quy y Phật là phát huy trí giác sẵn có của mình.Lý qui y Pháp là nhận chân bản thể của các pháp.Lý quy y Tăng là dứt vọng để tâm được thanh tịnh.

Giáo lý nhà Phật lúc nào cũng giữ tánh cách trung đạo và viên dung.Người quy y Tam bảo không phải hoàn toàn ỷ lại nơi Phật, Pháp, Tăng bên ngoài, mà phải trực nhận Phật, Pháp, Tăng nơi mình sẵn có.Ngược lại cũng không tự cao Phật, Pháp, Tăng sẵn có của mình, mà vẫn kính trọng tôn sùng Tam bảo bên ngoài. Biết viên dung cả hai mới gọi là chân chánh quy y. Tuy nhiên, lý bao giờ cũng tùy sự mà hiển, nên phải đặt Sự trước, Lý sau. Như đứa học trò trước phải nhờ ông thầy chỉ dạy sau nó mới hiểu biết, đành rằng nó đã sẵn trí khôn. Do đó, Sự là vấn đề quan trọng cần hiểu đủ mọi mặt của nó.

Quy y Tam Bảo là bước đi chính thức đầu tiên trên con đường Phật giáo. Quy y là chúng ta tin vào Phật giáo và chúng ta đã trở thành đệ tử của Tam Bảo – Phật, Pháp và Tăng. Khi chúng ta quy y Tam Bảo, nó định hướng đức tin của chúng ta.

Khi một người quyết định quy y Tam Bảo, nó thể hiện một sự cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc đời để học hỏi, thực hành và thể hiện đức tính của đức Phật, Pháp và Tăng.

Vàng, bạc, kim cương và ngọc trai đều được coi là kho báu trong thế giới trần tục. Trong thế giới của Phật giáo, Đức Phật, Pháp và Tăng là những kho báu của chúng ta.Bằng cách cam kết với Tam Bảo, chúng ta gặt hái được những lợi ích của những viên ngọc cao quý như vậy, cuối cùng mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích có ý nghĩa hơn bất kỳ loại đá quý nào có thể cung cấp.


II) VÌ SAO QUY Y TAM BẢO?

Chúng ta biết rằng đa phần các tín đồ theo Phật giáo thường là không có quy y Tam Bảo, bởi vì người có quy y Tam Bảo thời thường lễ Phật đốt hương, nhưng người thường biết lễ Phật đốt hương chưa chắc đã quy y Tam Bảo.

Có người chủ trương tin Phật  chỉ cần có tâm là đủ, hà cứ gì mà phải quy y? quan niệm này mới nghe dường như có lý, thực chất không hợp với thực thế. Ví như học sinh khi muốn đi học đầu tiên phải làm thủ tục nhập học, nếu không như vậy thì không có hồ sơ chính thức ở trường nên dù cho có thể dự thính nhưng sẽ không được cấp văn bằng và học bạ. Một người học trò đích thực thì phải học theo các chương trình mà nhà trường đặt ra từ thấp tới cao. Ngòai việc làm thủ tục nhập học còn tùy theo trình độ ở mỗi cấp học mà học sinh còn phải thi tuyển mới được vào trường để học, nếu như không học tiểu học mà đòi lấy văn bằng đại học cho đến học vị Tiến sĩ là điều không thể có được, do vậy người tin theo Phật cũng phải bắt đầu từ việc quy y Tam bảo.


III) LỢI ÍCH CỦA QUY Y TAM BẢO

Ích lợi của việc quy y Tam Bảo rất nhiều, có thể cầu được hiện thế an lạc, có thể cầu cho đời sau an lạc, càng có thể từ đây mà được sự an lạc cứu cánh của Niết Bàn tịch tĩnh, tổng hợp lại có tám điều lợi ích :1/ trở thành đệ tử của Phật. 2/ là nền tảng của việc thọ giới. 3/ có thể tiêu trừ nghiệp chướng. 4/ có thể tích tập phước đức to lớn. 5/ không đọa ác đạo. 6/ Người và phi nhơn không thể làm hại. 7/ có thể thành công trong mọi việc lớn. 8/ Có thể thành Phật.

Ích lợi của việc quy y Tam Bảo, trong kinh Phật nói đến rất nhiều, nay chỉ đơn cử một vài ví dụ :

1. Kinh Ưu Bà Tắc giới có nói : Nếu người quy y Tam Bảo thời trong tương lai sẽ được phước báo to lớn không thể cùng tận, ví như có được của báu mà người trong cả nước vận chuyển trong bảy năm cũng không hết được, công đức của việc quy y Tam Bảo còn lớn hơn thế gấp ngàn vạn lần.

2. Kinh Triết Phù La Hán có nói xưa kia có một vị Thiên tử ở cung trời Đao Lợi khi phước trời đã hết, Thiên tử tự biết sẽ bị đầu thai vào loài Heo, rất lấy làm lo sợ liền thỉnh cầu Thiên vương cứu giúp, Thiên vương không cứu được nên khuyên Thiên tử nên đến cầu cứu Phật. Phật dạy Thiên tử quy y Tam Bảo, nên sau khi chết không đọa vào lòai Heo, mà còn được sanh làm người, gặp Xá Lợi Phất học đạo chứng đắc thánh quả.

3. Trong kinh Sát Cách Y Pháp Thiên Tử thọ Tam Quy có nói : Xưa có một vị thiên tử ở cõi trời Tam Thập Tam Thiên khi phước trời đã tận còn bảy ngày nữa sẽ chết, những sự hoan lạc, những thiên nữ đẹp không còn thân cận, những tướng mạo uy nghi đều đã thay đổi, mùi hôi bốc ra từ thân thể và thiên tử cũng biết rằng sẽ bị đầu thai vào lòai súc sinh, Thiên vương biết được liền dạy thiên tử phát tâm quy y Tam Bảo sau bảy ngày thiên tử vãng sanh, Thiên vương muốn biết thiên tử sanh vào đâu, nhưng không thể quán chiếu thấy được bèn đến hỏi Phật. Phật liền dạy rằng : “Thiên tử nhờ công đức quy y Tam Bảo đã được sanh lên cõi trời Đâu Suất”.

4. Kinh Hiệu Lượng Công Đức có nói : Nếu như có người xây Tháp cúng dường tất cả chư vị Thánh nhân chứng đắc nhị thừa trong Đông, Tây, Nam, Bắc tứ đại bộ châu, công đức tuy lớn nhưng vẫn không thể sánh bằng công đức quy y Tam Bảo.

5. Kinh Mộc Hoạn Tử có nói ngày xưa có vị Tỳ kheo Sa Đẩu chuyên tụng trì danh hiệu của Tam Bảo trong suốt mười năm, chứng đắc sơ quả Tu đà hòan, nay ở tại thế giới Phổ Hương làm vị Bích Chi Phật.

Phật cũng đã từng dạy, nếu người quy y Tam Bảo thì được tứ đại thiên vương, sai 36 vị thiện thần hộ trì, 36 vị thiện thần này còn có trăm ngàn vạn ức hà sa quyến thuộc cũng theo hộ trì người quy y Tam Bảo. Nhưng chúng ta cũng cần biết rằng, mặc dầu quy y Tam Bảo có thể cầu hiện thế bình an nhưng mục đích cuối cùng của việc quy y Tam Bảo vẫn là trở về và làm sống dậy tự tánh Tam Bảo trong mỗi người mới đúng là quy y Tam Bảo chân chánh vậy.

 

C) KẾT LUẬN

Tóm lại quy y Tam Bảo là đem đời mình nương gởi nơi Phật, Pháp, Tăng. Không phải hoàn toàn ỷ lại Tam Bảo bên ngoài, mà cần phát huy Tam Bảo tự tâm mình nữa. Đã phát nguyện quy y là đủ điều kiện thành một Phật tử chân chánh. Nhưng chỉ biết phát nguyện quy y mà không theo gương sáng của Phật, không y giáo pháp luyện rèn luyện tâm tánh và không vâng lời nhắc nhở chư Tăng, là một khuyết điểm lớn lao. Bởi thế sau khi Quy y, Phật tử sống đúng theo đường lối của Tam Bảo, nhứt định có ngày sẽ đạt được kết quả như nguyện.

Các đạo quả tốt đẹp, từ quả vị hiền thánh, Thinh văn, Duyên giác, Bồ tát, cho đến Phật quả cao tột đều bước từ cấp Qui Y mà lên. Qui Y được coi là nguồn phát nguyện của con sông từ thiện, là nền tảng của ngôi nhà đạo pháp. Vì thế người tu theo đạo Phật nhất định trước phải Quy y Tam Bảo.

 

 

 

 ______________

Toát yếu theo bộ "Phật Học Phổ Thông", khóa 1 (NXB Đông Phương 2012). HT Thích Thiện Hoa

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com