Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

1. Khái lược về những đề mục hành thiền

08/05/201111:55(Xem: 9728)
1. Khái lược về những đề mục hành thiền

VI DIỆU PHÁP TOÁT YẾU

Nārada Mahā Thera- Phạm Kim Khánh dịch

Chương IX: ĐỀ MỤC HÀNH THIỀN

KAMMA.T.THĀNA-SAṄGAHA-VIBHĀGO
Khái lược về những đề mục hành thiền
[*]

[*] Mười đề mục nầy dùng vật để niệm gọi là Kasiṇa. Xem Chú giải # 7 bên dưới.

1.

Kammaṭṭhānasaṅgaho
Samathavipassanānaṁ bhāvanānam' ito paraṁ
Kammaṭṭhānaṁ pavakkhāmi duvidhaṁ pi yathākkamaṁ.

2.

Tattha samathasaṅgahe tāva dasakasiṇāni, dasa asubhā, dasa anussatiyo, catasso appamaññāyo, ekā saññā, ekaṁ vavatthānaṁ, cattāro āruppā c'āti sattavidhena samathakammaṭṭhānasaṅgaho.

Rāgacaritā, dosacaritā, mohacaritā, saddhācaritā, buddhicaritā, vitakkacaritā, c'āti chabbhidhena carita- saṅgaho.

Parikammabhāvanā, upacārabhāvanā, appanā- bhāvanā c'āti tisso bhāvanā.

Parikammanimittaṁ, uggahanimittaṁ, paṭibhāga- nimittaṁ c'āti tīni nimittāni ca veditabbāni.

Katham?

Paṭhavīkasiṇaṁ, āpokasiṇaṁ, tejokasiṇaṁ, vāyo-kasiṇaṁ nīlakasiṇaṁ, pītakasiṇaṁ, lohitakasiṇaṁ, odātakasiṇaṁ, ākāsakasiṇaṁ, ālokakasiṇaṁ c'āti imāni dasa kasiṇāni nāma.

Uddhumātakaṁ, vinīlakaṁ, vipubbakaṁ, vicchid -dakaṁ, vikkhāyitakaṁ, vikkhittakaṁ, hatavikkhittakaṁ, lohitakaṁ, puḷavakaṁ, aṭṭhikaṁ c'āti ime dasa asubhā nāma.

Buddhānussati, Dhammānussati, Saṅghānussati, Sīlānussati, Cāgānussati, Devatānussati, Upasamānussati, Maraṇānussati, Kāyagatāsati, Ānāpānassati c'āti imā dasa anussatiyo nāma.

Mettā, Karuṇā, Muditā, Upekkhā c'āti imā catasso appamaññāyo nāma, Brahmavihāro'ti pavuccati.

Āhāre paṭikkūlasaññāekā saññānāma.

Catudhātuvavatthānaṁ ekaṁ vavatthānaṁ nāma.

Ākāsānañcāyatanādayo cattāro āruppā nāmā'ti sabbathā pi samathaniddese cattāḷīsa kammaṭṭhānāni bhavanti.

Sappāyabhedo

3.

Caritāsu pana dasa asubhā kāyagatāsati saṅkhātā koṭṭhāsabhāvanā ca rāgacaritassa sappāya.

Catasso appamaññāyo nīlādīni ca cattāri kasiṇāni dosacaritassa.

Ānāpānaṁ mohacaritassa vitakkacaritassa ca.

Buddhānusati ādayo cha saddhācaritassa.

Maraṇopasamasaññāvavatthānāni buddhicaritassa.

Sesāni pana sabbāni pi kammaṭṭhānāni sabbesam pi sappāyāni.

Tattha'pi kasiṇesu puthulaṁ mohacaritassa, khuddakaṁ vittakkacaritassa ca.

Ayam'ettha sappāyabhedo.

Bhāvanā-bhedo

4.

Bhāvanāsu pana sabbatthā 'pi parikkamma-bhāvanā labbhat'eva.

Buddhānussati ādisu aṭṭhasu saññāvavatthānesu c'āti dasasu kammaṭṭhānesu upacāra bhāvanā'va sampajjati, natthi appanā.

Sesesu pana samatiṁsakammaṭṭhānesu appanā bhāvanā'pi sampajjati.

Tatthā'pi dasa kasiṇāni ānāpānañca pañcakajjhāni- kāni.
Dasa asubhā kāyagatāsati ca paṭhamajjhānikā.
Mettādayo tayo catukkajjhānikā.
Upekkhā pañcamajjhānikā.
Iti chabbīsati rūpāvacarajjhānikāni kammaṭṭhānāni.
Cattāro pana āruppā arūpajjhānika.
Āyam'ettha bhāvanābhedo.
Gocarabhedo

5.

Nimittesu pana parikammanimittaṁ uggaha- nimittaṁ ca sabbatthā'pi yathārahaṁpariyāyena labbhant' eva. Paṭibhāganimittaṁ pana kasiṇāsubhakoṭṭhāsānāpān- esv'eva labbhati. Tattha hi paṭibhāganimittamārabbha upacārasamādhi appanāsamādhi ca pavattanti. Katham? Ādikammikassa hi paṭhavimaṇdalādisu nimittam' uggahantassa tam'ālambanaṁ parikammanimittanti pavuccati. Sā ca bhāvanā parikammabhāvanā nāma.

Yadā pana taṁ nimittaṁ cittena samuggahitaṁ hoti, cakkhunā passantass'eva manodvārassa āpāthamāgataṁ tadā tam' evālambanaṁ uggahanimittaṁ nāma. Sā ca bhāvanā samādhiyati.

Tathā samāhitassa pana tassa tato paraṁ tasmiṁ uggahanimitte parikammasamādhinā bhāvanāmanuyuñ- jantassa yadā tappaṭibhāgam vatthudhammavimuccitaṁ paññattisaṅkhātaṁ bhāvanāyaṁ ālambanaṁ citte sannisinnaṁ samappitaṁ hoti. Tadā taṁ paṭibhāga- nimittaṁ samuppannā'ti pavuccati. Tato paṭṭhāya paribanda vippahīṇā kāmāvacarasamādhisaṅkhātā upacāra bhāvanā nipphannā nāma hoti. Tato paraṁ tam'eva paṭibhāganimittaṁ upacāra samādhinā samāsevantassa rūpāvacarapaṭhamajjhānam appeti. Tato paraṁ tam eva paṭhamajjhānaṁ āvajjanaṁ, samāpajjanaṁ, adhiṭṭhāna, vuṭṭhānaṁ, paccavekkhaṇā c'āti imāhi pañcahi vasitāhi vasībhūtaṁ katvā vitakkādikam' oḷārikaṅgaṁ pahānāya vicārādi sukhumaṅguppattiyā padahanto yathākkamaṁ dutiyajhānādayo yathāraham'appeti.

Icc'evaṁ paṭhavikasiṇādisu dvāvisatikammaṭṭhā-nesu paṭibhāganimittam'upalabbhati. Avasesu pana appamaññā sattapaññattiyaṁ pavattanti.

Ākāsavajjitakasiṇesu pana yaṁ kiñci kasiṇaṁ ugghāṭetvā laddhamākāsaṁ anantavasena parikammaṁ karontassa paṭhamāruppam'appeti. Tam'eva paṭhamā-ruppaviññāṇaṁ anantavasena parikammaṁ karontassa dutiyāruppam'appeti. Tam'eva paṭhamāruppaviññāṇā-bhāvaṁ pana natthi kiñci'ti parikammaṁ karontassa tatiyāruppam'appeti. Tatiyāruppaṁ santam'etaṁ paṇītam' etanti parikkamaṁ karontassa catutthāruppam' appeti.

Avasesesu ca dasasu kammaṭṭhānesu Buddhaguṇā- dikamālambanam'ārabbha parikammaṁ katvā tasmiṁ nimitte sādhukam'uggahite tatth'eva parikammañ ca samādhiyati, upacāro ca sampajjati.

Abhiññāvasena pavattamānaṁ pana rūpāvacara- pañcamajjhānaṁ abhiññāpādaka pañcamajjhānā vuṭṭhahitvā adhiṭṭheyyādikam'āvajjitvā parikammaṁ karontassa rūpādisu ālambanesu yathāraham' appeti.

Abhiññāca nāma:--
Iddhividhaṁ dibbasotaṁ paracittavijānanā
Pubbenivāsānussati dibbacakkhū'ti pañcadhā.
Ayam'ettha gocarabhedo.
Niṭṭhito ca samathakammaṭṭhānanayo.

Phần Nhập Đề

§1

Nơi đây tôi sẽ giải thích về những đề mục luyện tâm gồm hai phần, liên quan đến thiền Vắng Lặng (2) và thiền Minh Sát (3).

§2

Về hai pháp nầy, để khởi đầu, trong Khái Lược về thiền Vắng Lặng, đề mục hành thiền gồm bảy phần:

A. mười Kasiṇa, B. mười đề mục Bất Tịnh (về tử thi), C. mười đề mục Suy Niệm, D. bốn đề mục Vô Lượng, E. một đề mục Quán Tưởng, F. một đề mục Phân Tách, và G. bốn đề mục Thiền Vô Sắc.

Có sáu loại tâm tánh (4): 1. tham ái, 2. sân hận, 3. si mê hay vô minh, 4. Tín đức hay có nhiều đức tin, 5. trí thức hay sáng suốt, 6. phóng dật.

Có ba giai đoạn tu niệm: 1. sơ khởi (5), 2. kế cận, và 3. định tâm.

Có ba ấn chứng (6): 1. sơ khởi, 2. trừu tượng, và 3. khái niệm.

Như thế nào?

A. Mười kasiṇas (7) là: đất, nước, lửa, không khí, màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, không gian, và ánh sáng.

B. Mười đề mục Bất Tịnh (hay mười loại tử thi) (8) là: một (tử thi) sình, một (tử thi) đã đổi màu, một (tử thi) đã tan rã chảy nước, một (tử thi) bị đứt lìa, một (tử thi) bị đục khoét, một (tử thi) bị văng vụng ra từng mảnh, một (tử thi) rã rời vung vảy tản mác, một (tử thi) đẩm đầy máu, một (tử thi) bị dòi tửa đục tan, và một bộ xương tàn.

C. Mười đề mục Suy Niệm (9) là: 1. Suy Niệm về Đức Phật, 2. Suy Niệm về Giáo Pháp, 3. Suy Niệm về Giáo Hội Tăng Già, 4. Suy Niệm về Giới Luật, 5. Suy Niệm về tâm bố thí, 6. Suy Niệm về chư Thiên, 7. Suy Niệm về trạng thái thanh bình an lạc, 8. Suy Niệm về sự chết, 9. Niệm thân, 10. Niệm hơi thở (10).

D. Tứ Vô Lượng Tâm (11), cũng được gọi là Tứ Phạm Trú, bốn Trạng Thái Tâm Cao Thượng, hay bốn Phẩm Hạnh Cao Thượng là: từ, bi, hỷ, xả.

E. Một đề mục Quán Tưởng, là quán tưởng về tánh cách không trong sạch của thức ăn (12).

F. Một đề mục Phân Tách là phân tách Tứ Đại (bốn nguyên tố chánh yếu cấu thành phần vật chất)(13).

G. Bốn đề mục Thiền Vô Sắc (Arūpa-Jhānas) là "Không Vô Biên Xứ" (14) v.v...

Theo lối trình bày về Thiền "Vắng Lặng", tất cả có bốn mươi (15) đề mục hành thiền.

Những Đề Mục Hành Thiền Thích Hợp Với Các Loại Tâm Tánh Khác Nhau

§3

Đối với các tâm tánh, mười đề mục về sự Bất Tịnh (ô trược) của thân và đề mục Niệm Thân", như 32 phần (của thân), là thích hợp với người có bẩm tánh tham ái (16).

Đề mục "Tứ Vô Lượng Tâm" và bốn kasiṇas màu thích hợp với những ai có bẩm tánh sân hận (17).

Đề mục Niệm Hơi Thở" thích hợp với những ai có bẩm tánh si mê và phóng dật.

Sáu đề mục "Suy Niệm về Đức Phật v.v..." thích hợp với những người bẩm tánh có nhiều đức tin; Suy niệm về "Sự Chết", về "Trạng Thái Thanh Bình An Lạc", "Quán Tưởng" (tánh cách ô trược của vật thực) và "Phân Tách" (Tứ Đại) thích nghi với những người có chiều hướng thiên về trí thức; và tất cả những đề mục tu niệm còn lại thích hợp với tất cả mọi bẩm tánh.

Về những kasiṇas, một hình tướng rộng lớn thích hợp với người có khuynh hướng si mê, hình tướng nhỏ thích hợp với người có bẩm tánh phóng dật.

Đây là đoạn đề cập đến tình trạng thích hợp (của những đề mục luyện tâm).

Những Giai Đoạn Luyện Tâm

§4

Tất cả bốn mươi đề mục hành thiền kể trên đều có thể giúp đưa đến giai đoạn sơ khởi của công trình luyện tâm. Mười đề mục như tám đề mục Suy Niệm về Đức Phật v.v..., đề mục "Quán Tưởng", và đề mục "Phân Tách" (18) chỉ dẫn đến giai đoạn cận định mà không đưa đến giai đoạn hoàn toàn an định tâm. Ba mươi đề mục luyện tâm còn lại có thể dẫn đến toàn định.

Trong ba mươi đề mục đó mười kasiṇas và đề mục Niệm Hơi Thở" dẫn đến ngũ thiền; mười đề mục "Bất Tịnh" và đề mục Niệm Thân" chỉ dẫn đến sơ thiền; ba đề mục đầu trong "Tứ Vô Lượng Tâm" như niệm tâm từ chẳng hạn, dẫn đến tứ thiền, niệm tâm xả (19) đến ngũ thiền.

Như vậy hai mươi sáu đề mục luyện tâm dẫn đến những Thiền Sắc Giới.

Bốn đề mục "vô sắc" dẫn đến những tầng Thiền Vô Sắc.

Đây là đoạn đề cập đến pháp luyện tâm.

Những Ấn Chứng Của Công Trình Luyện Tâm

§5

Trong ba ấn chứng, hình ảnh sơ khởi và hình ảnh trừu tượng thông thường có thể được chứng nghiệm trong mọi trường hợp, tùy đề mục. Nhưng hình ảnh khái niệm thì được thành tựu do những đề mục "Kasiṇa", "Bất Tịnh", Những Phần Của Thân" và pháp Niệm Hơi Thở".

Chính nhờ hình ảnh khái niệm mà hành giả phát triển trạng thái cận định và đắc Thiền.

Bằng cách nào?

Bất luận đề mục nào trong những vật thể kasiṇas đất v.v..., mà hành giả sơ cơ dùng để gom tâm, thì đó là đề mục sơ khởi, và pháp hành thiền ấy được gọi là pháp luyện tâm sơ khởi. Khi ấn chứng ấy được cảm nhận và nhập vào tâm hành giả qua ý môn như một vật được thấy xuyên qua mắt (thịt) thì được gọi là hình ảnh trừu tượng. Công trình hành thiền như vậy trở nên vững chắc kiên cố.

Cùng thế ấy, khi hình ảnh hình dung phát sanh do công trình hành thiền mất đi những khuyết điểm (20) (như tỳ vết hay lồi lõm) và được cảm nhận như một khái niệm, vững vàng và chắc chắn trong tâm của vị hành giả đã hoàn toàn nắm vững pháp hành của mình, đã kiên cố an trụ tâm vào đề mục sơ khởi và hình ảnh trừu tượng, vào lúc ấy hình ảnh khái niệm khởi phát.

Thiền Sắc Giới

Sau giai đoạn "cận định", không còn bị những trở ngại thuộc về Dục Giới khởi sanh, hành giả dùng tâm "cận định"phát triển hình ảnh khái niệm và chứng đắc tầng thiền đầu tiên thuộc Sắc Giới (sơ thiền Sắc Giới).

Kể từ đó, chăm chú gom tâm vào sơ thiền bằng năm pháp để thuần thục nắm vững (tầng thiền nầy) (21) --- tức chăm chú gom tâm định, nhập thiền, an trú trong thiền, xuất thiền và quán sát ôn duyệt -- vị hành giả chuyên cần tinh tấn từ từ phát triển những chi thiền vi tế như "Tứ" v.v.. tùy trường hợp, và chứng đắc nhị thiền, tam thiền v.v.. bằng cách vượt qua những chi thiền thô thiển như "Tầm", "Tứ" v.v .. .

Vậy, với hai mươi hai đề mục hành thiền như vật thể kasiṇa v.v.. hành giả thành tựu hình ảnh khái niệm. Nhưng trong những đề mục luyện tâm còn lại (mười tám) bốn tâm "Vô Lượng" tùy thuộc liên quan nơi chúng sanh.

Thiền Vô Sắc (22)

Giờ đây, người thực hành pháp định tâm về không gian loại trừ tất cả các kasiṇa, ngoại trừ ākāsa kasiṇa, lấy không gian làm đề mục sơ khởi và suy niệm "không gian đây là vô cùng tận". Bằng cách làm như vậy, sơ thiền Vô Sắc khởi sanh đến vị ấy. Hành giả lấy sơ thiền Vô Sắc làm đề mục sơ khởi, suy niệm về tâm thức sơ thiền và nhận định rằng "thức nầy là vô cùng tận". Nhị thiền Vô Sắc khởi sanh. Hành giả giờ đây chăm chú gom tâm vào trạng thái không hiện hữu của tâm thức sơ thiền, nghĩ rằng "không có bất luận gì" -- tam thiền Vô Sắc khởi sanh. Hành giả gom tâm chăm chú vào tâm thức tam thiền Vô Sắc, nghĩ rằng "quả thật là vắng lặng, quả thật là tối thượng", tứ thiền Vô Sắc khởi sanh.

Trong mười đề mục luyện tâm còn lại khi hành giả gom tâm vào một đề mục như ân đức của Đức Phật v.v.. và khi thấy được ấn chứng,"đề mục sơ khởi" trở thành vững chắc và trạng thái "cận định" cũng được thành đạt.

Siêu Trí (23)

Xuất ra khỏi ngũ thiền (được dùng làm) căn bản cho trạng thái siêu trí và suy niệm về "quyết định" v.v.. khi thực hành gom tâm vào một vật thể v.v.. tùy trường hợp, ngũ thiền Sắc Giới phát sanh đến hành giả và đưa vào con đường phát triển các pháp siêu trí (thần thông).

Năm loại siêu trí là: Thần Túc Thông (những năng lực thần thông khác nhau), Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Túc Mạng Thông và Thiên Nhãn Thông.

Nơi đây là đoạn đề cập đến pháp luyện tâm.

Phương pháp hành thiền Vắng Lặng đến đây chấm dứt.

Chú Giải

1. Kammaṭṭhāna, Đề Mục Hành Thiền

Nơi đây danh từ nầy được dùng trong ý nghĩa chuyên môn. Kamma là công phu hành thiền, hay quán niệm. .Thāna, theo ngữ nguyên, là trạm, căn cứ, hay cơ hội, hàm xúc ý nghĩa là đề tài tu niệm, hay pháp tu tập. Do đó, Kammaṭṭhāna có nghĩa là "những đề tài để hành thiền" hay "đề mục hành thiền". Có tất cả bốn mươi đề mục như thế.

2. Samatha, Vắng Lặng

Danh từ samatha do căn "sam", ru ngũ, làm dịu bớt, hàm xúc trạng thái "yên tĩnh" hay "vắng lặng" mà người hành thiền tạo nên do nhờ làm suy giảm những Chướng Ngại Tinh Thần (Triền Cái). Danh từ nầy đồng nghĩa với tâm định (samādhi), vốn dẫn đến sự phát triển các tầng thiền (jhānas). Tâm định nầy chỉ tạm thời đè nén ô nhiễm.

3. Vipassanā, Minh Sát

Vipassanā do "vi" + căn "dis" là thấy, theo nghĩa đen là nhận thức bằng nhiều phương cách, tức là hiểu biết sự vật dưới ánh sáng của ba đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã. Danh từ nầy được phiên dịch là "minh sát", "trực giác", "quán chiếu nội tâm", "bản lai diện mục". Đối tượng duy nhất của vipassanā, minh sát, là thấy sự vật đúng thật như sự vật là vậy nhằm thành tựu Giải Thoát.

4. Carita, Bẩm Tánh

Là bản chất cố hữu của một người, phát lộ cho biết tánh tình bình thường của người ấy khi không bị bất luận gì làm xáo trộn. Mỗi người có tâm tánh khác nhau vì trong quá khứ mỗi người có những hành động tạo nghiệp khác nhau. Những hành động thường lặp đi lặp lại có chiều hướng trở nên bẩm tánh cá nhân.

Rāga (tham ái) đôi khi là bẩm tánh nổi bật của vài người, trong khi ấy dosa (sân hận, nóng giận, hay ác tâm) là bẩm tánh của người khác. Thông thường người ta thuộc về hai hạng người nầy. Cũng có một ít người khác thiếu sáng suốt và ít hay nhiều si mê (mohacarita). Gần giống như người si mê, có hạng người mà tâm có chiều hướng phóng dật, luôn luôn chạy đầu nầy nhảy đầu kia, không thể chăm chú vào một điều gì (vitakkacarita). Vài người có tâm đạo đặc biệt nhiệt thành (saddhācarita) trong khi ấy vài người khác thông minh sáng suốt phi thường (buddhicarita).

Như vậy, đại khái có sáu loại bẩm tánh.

Bằng cách phối hợp lẫn lộn ta có 63 loại. Nếu tính thêm vào bẩm tánh tà kiến (diṭṭhicarita) thì có 64 loại.

5. Parikammabhāvanā

Giai đoạn sơ khởi của công trình tu niệm, luyện tâm, được gọi là Parikammabhāvanā, giai đoạn sơ khởi, chuẩn bị cho công phu trau giồi, rèn luyện tâm. Công trình luyện tâm, từ lúc phát triển hình ảnh khái niệm và tạm thời đè nén những Triền Cái (chướng ngại tinh thần) cho đến chặp tư tưởng Chuyển Tánh (Gotrabhū) trong tiến trình Jhāna Javana (Thiền Tốc Hành), được gọi là Upacārabhāvanā, giai đoạn kế cận, hay cận định. Chặp tư tưởng tức khắc khởi phát sau chặp chuyển tánh (Gotrabhū) được gọi là Appanā, nhập thiền, hoàn toàn an định, bởi vì chi thiền vitakka, "tầm", thành phần tiên khởi của thiền (jhāna), vững chắc an trụ vào đề mục. Lộ trình tâm của Thiền (Jhāna) diễn tiến như sau:

Manodvāravajjana // Parikamma -- Upacāra -- Anuloma -- Gotrabhū -- Appanā // Bhavaṅga.[*]

[*] Ý Môn Hướng Tâm // những chặp tư tưởng: Sơ Khởi -- Cận Định -- Thuận Thứ -- Toàn Định // Hộ Kiếp.

6. Parikammanimitta

Bất luận đối tượng nào, như vật thể kasiṇa chẳng hạn, được dùng làm đề mục sơ khởi để hành thiền cũng được gọi là "Parikammanimitta".

Cũng đối tượng ấy, khi được hành giả hình dung trong tâm lúc nhắm mắt ngồi thiền, được gọi là "Uggahanimitta", ấn chứng hình dung trong tâm.

Cũng hình ảnh hình dung nầy, khi được cảm nhận mà trơn tru, không còn những tỳ vết hay lồi lổm, thì gọi là "Paṭibhāganimitta", hình ảnh khái niệm, và được dùng làm đối tượng cho Upacāra và Appanā Bhāvanā.

7. Kasiṇa

Phạn ngữ nầy có nghĩa là "toàn thể", "tất cả", "đầy đủ". Đuợc gọi như vậy vì ánh sáng phát tủa từ hình ảnh khái niệm mở rộng cùng khắp, không biên giới.

Trong trường hợp Paṭhavikasiṇa, kasiṇa đất, ta dùng đất sét màu da trời lúc rạng đông làm thành một dĩa tròn độ ba tấc bề kính, cạo gọt trơn bén, tô mặt thật láng và đều đặn. Nếu không có đủ đất sét màu da trời lúc rạng đông có thể dùng để phía dưới một loại đất sét nào khác rồi tô lên. Cái dĩa tròn ấy là kasiṇa maṇḍala, và cũng được gọi là parikammanimitta, một hình tướng để làm đề mục sơ khởi. Đặt cái kasiṇa ấy độ một thước cách chỗ mình ngồi và chăm chú gom tâm vào đó, niệm thầm trong tâm paṭhavi, paṭhavi, hay đất, đất. Mục đích là để thành đạt trạng thái nhất điểm tâm.

Khi thực hành như thế một ít lâu -- có khi vài tuần, hay vài tháng, hay cả năm -- người hành thiền sẽ có thể hình dung đối tượng, nghĩa là lúc nhắm mắt vẫn còn thấy cái dĩa tròn. Đối tượng được hình dung ấy được gọi là "Uggahanimitta". Chừng đó hành giả chăm chú gom tâm vào hình ảnh hình dung ấy cho đến khi phát triển trong tâm một hình ảnh khác của cái dĩa không còn những tỳ vết, lồi lỏm v.v.. được gọi là "Paṭibhāganimitta", hình ảnh khái niệm của đề mục. Hành giả tiếp tục an chỉ tâm vào khái niệm trừu tượng ấy và được xem là thành đạt mức độ "cận định" (Upacārasamādhi, kế cận tâm định). Lúc ấy năm Triền Cái, tức năm chướng ngại tinh thần cố hữu dính liền với chúng sanh, tạm thời được tâm an trụ khắc phục. Đến đây hành giả nhập định hoàn toàn (Appanāsamādhi) và nhập thiền.

Nếu dùng kasiṇa nước làm đề mục thì nên lấy một tô nước trong, đầy chí miệng, không màu sắc -- tốt nhất là nước mưa trong sạch -- và chăm chú nhìn vào đấy niệm thầm āpo, āpo, hay nước, nước, cho đến khi gom tâm an trụ vào một điểm duy nhất.

Muốn dùng kasiṇa lửa làm đề mục, hành giả có thể đốt một ngọn lửa nhỏ trước mặt mình rồi chăm chú gom tâm nhìn vào đấy xuyên qua một cái lỗ nhỏ khoảng một gang và bốn ngón tay bề kính, trong một tấm vải, tấm đệm, hay tấm da và niệm: tejo, tejo, lửa, lửa.

Người trau giồi đề mục kasiṇa gió nhìn vào ngọn gió thổi xuyên qua một cái lỗ trong vách và chăm chú niệm -- vāyo, vāyo, gió, gió.

Muốn thực hành kasiṇa màu ta có thể dùng một maṇḍala, vật thể, như kể trên và tô màu xanh, vàng, đỏ, hay trắng rồi chăm chú nhìn vào và niệm tên của màu ấy như trong trường hợp các kasiṇas khác.

Cũng có thể nhìn vào một cành hoa màu, hoặc xanh, hoặc vàng v.v.. để niệm màu sắc ấy.

Có thể trau giồi kasiṇa ánh sáng bằng cách chăm chú nhìn vào mặt trăng, hoặc một ngọn đèn không lay động, hoặc bóng sáng có hình tròn của mặt trăng hay mặt trời chiếu xuyên qua lá cây hay qua một cái lỗ trên vách, in trên tường hoặc dưới đất, và niệm āloka, āloka, ánh sáng, ánh sáng.

Có thể trau giồi đề mục Kasiṇa không gian bằng cách chăm chú nhìn xuyên qua cái lỗ, độ một gang tay và bốn ngón bề kính, khoét trên vách hay trên miếng vải hoặc miếng da, và niệm -- okāsa, okāsa, không gian, không gian.

Ta có thể ghi nhận rằng đề mục về ánh sáng và đề mục về không gian không được Kinh Sách đề cập đến.

8. Asubha, Bất Tịnh, hay ô trược

Ở Ấn Độ vào thời xưa, thân xác người chết không được đem đi chôn cất hoặc hỏa thiêu mà chỉ bỏ nằm ngoài nghĩa địa cho chim chóc và thú vật ăn thịt. Do đó có mười loại tử thi để làm đề mục hành thiền. Người ta ra nghĩa địa, nhìn vào những xác chết sình thúi hay tan rã để suy niệm về tánh cách bất tịnh của thân nầy mà thế thường được xem là đẹp đẽ, đáng yêu, đáng quý. Ngày nay phong tục ấy không còn. Như vậy mười đề mục hành thiền về tử thi không thể đặt thành vấn đề nữa.

9. Anussati, Quán Niệm

Danh từ nầy theo nghĩa đen là suy gẫm trở đi trở lại, hay thường xuyên chú niệm.

i. Buddhānussati là suy niệm về những phẩm hạnh của Đức Phật, thí dụ như:

"Đức Thế Tôn hẳn thật là bậc Ứng Cúng, đấng Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

ii. Dhammānussati là suy niệm về những đặc tánh cao cả của Giáo Pháp như sau:

"Giáo Pháp mà Đức Thế Tôn khéo giảng dạy và được truyền bá đầy đủ là để tự chứng ngộ, có hiệu năng tức khắc, khuyến khích sự tìm tòi suy gẫm, dẫn đến nơi (Niết Bàn), để bậc thiện trí am hiểu, mỗi người cho riêng mình."

iii. Saṅghānussati là suy niệm về phẩm hạnh của các vị hội viên tinh khiết trong Giáo Hội Cao Quý, những vị sống Độc Thân như sau:

"Giáo Hội các đệ tử của Đức Thế Tôn có đức hạnh toàn hảo. Các Ngài có phẩm hạnh của bậc trí tuệ. Các Ngài là những vị đã thành tựu bốn Thánh Đạo và bốn Thánh Quả. Giáo Hội các đệ tử của Đức Thế Tôn là bậc xứng đáng thọ lãnh những vật cúng dường và chỗ ở. Các Ngài là bậc xứng đáng được lễ bái, là phước điền vô thượng trên thế gian."

iv. Sīlānussati, niệm về giới đức, là suy niệm về đức hạnh toàn hảo của chính mình.

v. Cāgānussati, niệm về tâm rộng lượng bố thí, là suy niệm về bẩm tánh khoan hồng rộng lượng của chính mình.

vi. Devatānussati, niệm về chư Thiên, là suy niệm như sau:

"Các vị Trời đã sanh vào những cảnh giới đáng phấn khởi ấy do nhờ niềm tin và những phẩm hạnh khác của các Ngài. Ta cũng có những phẩm hạnh ấy." Niệm như vậy và lặp đi lặp lại nhiều lần về đức tin và những phẩm hạnh khác của chính ta, và xin chư Thiên làm chứng. Niệm như vậy được gọi là Devatānussati.

vii. Upasamānussati là suy niệm về những đặc tính của Niết Bàn, như Niết Bàn là chấm dứt đau khổ v.v...

viii. Maraṇānussati là suy niệm về sự chấm dứt đời sống tâm-vật-lý.

Quán tưởng về sự chết giúp hành giả thấu hiểu bản chất tạm bợ của đời sống. Khi quán triệt rằng chết là điều chắc chắn phải đến và cuộc sống quả thật là tạm bợ nhất thời ta sẽ cố gắng tận dụng kiếp sống nầy để tự trau giồi, tự phát triển, và giúp kẻ khác mở mang, thay vì phung phí thì giờ trong dục lạc dể duôi. Kiên trì hành pháp suy niệm về hiện tượng chết không làm cho hành giả trở nên bi quan yểm thế và sống một cách tiêu cực mà trái lại, càng tích cực và tinh tấn hơn. Ngoài ra hành giả còn có thể ứng phó với cái chết một cách bình tĩnh, thản nhiên.

Khi quán tưởng sự chết, hành giả có thể suy niệm rằng đời sống tựa hồ như ngọn đèn dầu, hoặc suy niệm rằng cái được gọi chúng sanh chỉ là sự biểu hiện tạm thời ra bên ngoài của luồng nghiệp lực vô hình, không khác nào ánh sáng của ngọn đèn điện là biểu hiện tạm thời ra bên ngoài của luồng điện lực vô hình ở bên trong sợi dây điện. Hành giả có thể hình dung đời sống theo nhiều lối khác, quán tưởng về tánh cách vô thường của kiếp nhân sinh và sự kiện hiển nhiên chắc chắn là cái chết phải đến.

ix. Kāyagatāsati là suy niệm về 32 phần ô trược của thân như tóc, lông, móng, răng, da v.v..

Quán tưởng về tánh chất ô trược của cơ thể vật chất giúp hành giả chế ngự tâm luyến ái đối với bản thân mình. Nhiều vị tỳ khưu thời Đức Phật đã đắc Quả A La Hán nhờ hành thiền về đề mục nầy. Nếu không thích hợp với tất cả ba mươi hai phần bất tịnh ta có thể chọn một phần, như xương chẳng hạn, và suy niệm.

Bên trong thân nầy là bộ xương. Đầy quanh xương là thịt, và bên ngoài nữa chỉ là một lớp da, bao bọc lấy thịt và xương. Sắc đẹp chỉ mỏng manh như lớp da. Khi suy niệm như thế về những phần ô trược của cơ thể vật chất hành giả dần dần giảm bớt khát vọng luyến ái thân mình.

Đề mục hành thiền nầy có thể không mấy hấp dẫn đối với người không thiên về nhục dục ngũ trần. Những vị nầy có thể quán tưởng đến khả năng tạo tác cố hữu ngủ ngầm trong guồng máy phức tạp gọi là con người.

Ba mươi hai phần bất tịnh của thân được kể như sau:

"Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, mật, cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phẩn, não, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, bạch huyết, nước mắt,mở, nước miếng, nước nhớt mũi, chất nhờn ở khớp xương, và nước tiểu".

x. Ānāpānasati là niệm về hơi thở. "Āna" có nghĩa là thở vô và "apāna" là thở ra. Trong vài sách hai danh từ nầy được giải thích ngược lại. Pháp gom tâm vào hơi thở dẫn đến nhất điểm tâm và cuối cùng đến tuệ Minh Sát và chứng ngộ Đạo Quả A La Hán.

10. Ānāpānasati, Pháp Niệm Hơi Thở

Pháp niệm hơi thở là một trong những đề mục hành thiền lợi ích nhất có thể thích hợp với tất cả mọi người. Chính Đức Phật xưa kia cũng đã áp dụng pháp niệm hơi thở trước khi Thành Đạo.

Kinh Satipaṭṭhāna Sutta (Tứ Niệm Xứ) và sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo) có trình bày pháp môn bổ ích nầy với đầy đủ chi tiết. Sau đây là một vài chỉ dẫn cho người hành giả sơ cơ:

Chọn một lối ngồi thích hợp, thở ra dài bằng miệng rồi ngậm miệng lại. Kế đó yên tĩnh thở vô và thở ra bằng mũi, như thường, không cố ý thở mạnh hay yếu quá. Lúc thở vô đếm thầm, một. Thở ra và đếm hai,. Và cứ thở vô đếm ba, thở ra đếm bốn, như thế đến mười, luôn luôn chú tâm theo dõi hơi thở, không tưởng nhớ điều gì khác. Trước khi đếm đến mười, tâm có thể xao lãng phóng dật, chạy đầu nầy, nhảy đầu kia. Nhưng không nên nản lòng. Hãy chuyên cần cố gắng cho đến khi thành công kềm giữ được tâm vào hơi thở. Từ từ hành giả có thể đếm tăng thêm loạt số, như đếm đi đếm lại đủ năm loạt từ một đến mười chẳng hạn. Về sau, hành giả có thể chú tâm vào hơi thở mà không cần đếm. Có người thích đếm hơn vì có đếm thì gom tâm được dễ dàng; trong khi ấy cũng có người không thích đếm. Điều chánh yếu là gom tâm. Đếm là phụ thuộc. Khi thực hành pháp thiền nầy như vậy, hành giả cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, an lạc, đôi khi nghe như mình vởn vơ trên không trung.

Thực hành như thế trong một thời gian, ngày kia hành giả sẽ nhận thức rằng cái mà ta gọi là thân nầy sở dĩ sống được là chỉ nhờ hơi thở nâng đỡ và sẽ phải hoại diệt khi hơi thở chấm dứt. Như vậy người hành thiền ý thức rõ ràng đặc tướng vô thường của vạn pháp. Nơi nào có biến đổi ắt không thể có thực thể thường còn hay linh hồn bất diệt. Chừng ấy tuệ minh sát có thể triển khai để thành tựu Đạo Quả A La Hán.

Điều nầy cho thấy rõ ràng rằng mục tiêu của pháp hành Niệm Hơi Thở" không phải chỉ để thành đạt trạng thái nhất điểm tâm suông, mà cũng phát triển tuệ Minh Sát nhằm thành tựu Giải Thoát.

Tất cả mọi người đều có thể thực hành phương pháp đơn giản và vô hại nầy.

Để có thêm chi tiết người đọc có thể tham khảo sách Visuddhi Magga (Thanh Tịnh Đạo).

Trong vài bài Kinh (Suttas) pháp niệm hơi thở đơn giản nầy được giải thích như sau:

Một cách chăm chú hành giả thở vô, một cách chăm chú hành giả thở ra.

1. Khi thở vô dài, hành giả biết, "tôi thở vô dài"; khi thở ra dài, hành giả biết, "tôi thở ra dài".

2. Khi thở vô ngắn, hành giả biết, "tôi thở vô ngắn"; khi thở ra ngắn, hành giả biết, "tôi thở ra ngắn".

3. Nhận thức trọn vẹn tiến trình (của hơi thở) (sabbakāyapaṭisaṁvedi)-- tức chặng đầu, chặng giữa, và chặng cuối -- tôi sẽ thở vô"; hành giả tự luyện tập như thế; nhận thức trọn vẹn tiến trình (của hơi thở), "tôi sẽ thở ra"; hành giả tự luyện tập như thế.

4."Làm cho tiến trình hơi thở êm dịu (passambhayaṁ kāyasaṅkhāraṁ), tôi sẽ thở vô"; hành giả tự luyện tập như thế; "làm cho tiến trình hơi thở êm dịu, tôi sẽ thở ra"; hành giả tự luyện tập như thế.

11. Brahmavihāra, Phạm Trú, hay Vô Lượng Tâm

Nơi đây "brahma" có nghĩa cao thượng, hay cao nhã như trong danh từ brahmacariya -- lối sống phạm hạnh, hay lối sống cao thượng, phẩm hạnh cao nhã. Vihāra có nghĩa phương thức, hay "trạng thái phẩm hạnh" hay "trạng thái của cuộc sống". Những trạng thái nầy cũng được gọi là appamaññā, không ranh giới, vô lượng, bởi vì những tư tưởng nầy được rải khắp cho tất cả chúng sanh, không giới hạn, không có sự ngăn trở.

i. Mettā (saṁkrt: Maitri) -- tâm từ, hảo tâm, thiện chí, được định nghĩa là cái gì làm cho lòng mình trở nên êm dịu. Tâm Từ (Mettā) không phải là tình thương có liên quan đến nhục dục ngũ trần, hay lòng trìu mến cá nhân đối với một người nào. Kẻ thù trực tiếp với Mettā, tâm Từ, là sân hận, oán ghét, hay tức giận bực mình (kodha). Kẻ thù gián tiếp là lòng trìu mến cá nhân (pema). Tâm Từ bao trùm tất cả chúng sanh, không loại bỏ và không phân biệt chúng sanh nào. Đến mức cùng tột, tâm Từ là tự đồng hóa với tất cả chúng sanh (sabbattatā), thấy vạn vật với mình là một. Tâm Từ là lòng chân thành ước mong cho tất cả chúng sanh đều được an lành hạnh phúc. Thái độ từ ái là đặc điểm chánh yếu của tâm Từ. Tâm Từ lánh xa sân hận, oán ghét.

ii. Karuṇā -- tâm Bi, được định nghĩa là cái gì làm cho tâm của người tốt rung động trước sự đau khổ của kẻ khác, hoặc cái gì thoa dịu nỗi khổ của người. Đặc tính của tâm Bi (Karuṇā) là ý muốn giúp người khác thoát ra một cảnh khổ. Kẻ thù trực tiếp của tâm Bi là sự ươn hèn suy nhược (hiṁsā), và kẻ thù gián tiếp là âu sầu, phiền muộn (domanassa). Tâm Bi bao trùm những chúng sanh đau khổ và tiêu trừ mọi hành động độc ác tàn bạo.

iii. Muditā -- tâm Hỷ, không phải là trạng thái thỏa thích suông mà là lòng hoan hỷ có thiện cảm trước hạnh phúc của người khác. Ganh tỵ (issā) là kẻ thù trực tiếp của tâm Hỷ và hỷ hạ vui vẻ (pahāsa) là kẻ thù gián tiếp. Đặc điểm chánh yếu của tâm Hỷ là hoan hỷ với sự thạnh vượng và thành công (anumodanā) của người khác. Tâm Hỷ bao trùm những chúng sanh hữu hạnh, là đức tánh thành thật chung vui, chung mừng và ngợi khen. Tâm Hỷ loại trừ mọi hình thức bất mãn (arati) trước sự thạnh vượng của kẻ khác.

iv. Upekkhā, Tâm Xả, theo nghĩa đen là nhận định sự vật một cách vô tư, tức không luyến ái cũng không ghét bỏ. Xả không phải là thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, mà là trạng thái tâm thản nhiên, hoàn toàn không chao động, là tâm tuyệt đối quân bình. Đây là tình trạng bình thản của tâm giữa những hoàn cảnh thăng trầm của đời sống như tán dương và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ, được và thua, danh thơm và tiếng xấu. Người thù trực tiếp của tâm Xả là luyến ái (rāga), và kẻ thù gián tiếp là thái độ lạnh lùng, vô tình. Vô tư là đặc điểm chánh yếu của tâm Xả.

Nơi đây danh từ upekkhā không có nghĩa là tâm vô ký, tức "không-hạnh-phúc-không-phiền-não", mà rõ ràng hàm xúc ý nghĩa một phẩm hạnh. Tâm bình thản, quân bình, được xem là sát nghĩa nhất. Tâm Xả bao trùm cả tốt lẫn xấu, những điều khả ái và những điều khả ố, thích thú cũng như nghịch lòng. Xem Chương 2, chú giải 49.

12. Āhāre paṭikkūlasaññā

tức cảm nghĩ về tách cách ô trược của vật thực, về cách thức đi tìm thức ăn, và lúc ăn v.v..

13. Catudhātuvavatthānaṁ

tức là quán trạch, xem xét tìm hiểu về những đặc tính của bốn nguyên tố cấu thành vật chất, những nguyên tố có đặc tính duỗi ra, làm dính liền, nóng, và di động.

14. Arūpajhānas, Những Tầng Thiền Vô Sắc.

Đó là: (i) "Không Vô Biên Xứ", (ii) "Thức Vô Biên Xứ", (iii) "Vô Sở Hữu Xứ", và (iv) "Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ".

15. Bốn Mươi Đề Mục.

Nếu không tính hai đề mục "ánh sáng" và "không gian" thì còn ba mươi tám đề mục.

16. Niệm Về 32 Phần Của Thân

thích hợp cho người có bẩm tánh tham ái, vì niệm về những đề mục nầy có chiều hướng làm cho hành giả ghê tởm cơ thể vật chất, vốn thường làm cho giác quan say mê.

17. Tứ Vô Lượng Tâm

bởi vì đây là những đề mục thâm sâu và rộng rãi.

18. Những đề tài nầy còn quá thô sơ nên hành giả cần phải có chi thiền "tầm" trợ giúp để gom tâm. Trong bốn tầng thiền còn lại, vì không có chi thiền "tầmṅên hành giả không thể phát triển bằng cách gom tâm vào hai đề mục ấy.

19. Vì Xả (upekkhā) chỉ hiện hữu trong tầng ngũ thiền nên không thể phát triển bốn tầng thiền đầu bằng cách gom tâm vào " tâm Xả vô lượng" nầy.

20. Vatthudhammato,

Những khuyết điểm như tỳ vết hay lồi lõm của cái vòng đất kasiṇamaṇḍala đã được dùng làm đề mục sơ khởi.

21. Āvajjana,

Pháp tu luyện nhằm thuần thục nắm vững các tầng thiền, tức suy niệm về những chi thiền khác nhau.

- Samāpajjana, khả năng chứng đắc nhanh chóng những tầng thiền khác nhau.

- Adhiṭṭhāna, khả năng an trú trong thiền bao lâu cũng được.

- Vuṭṭhāna, khả năng xuất thiền nhanh chóng, vào lúc nào tùy ý.

- Paccavekkhana, giống như āvajjana, hành giả có thể ôn duyệt và quán sát các tầng thiền tùy ý.

22. Arūpa Jhāna, Thiền Vô Sắc.

Xem Chương I, chú giải 44.

23. Abhiññā, Siêu Trí.

Chỉ những vị đã chứng đắc ngũ thiền mới có thể phát triển năm loại siêu trí, hay thần thông, là:

1. Iddhividha -- Thần Túc Thông, tức có thể bay trên không trung, đi trên mặt nước, độn thổ, đi trong lòng đất, biến hóa ra những hình tướng khác nhau v.v.. thuộc về siêu pháp nầy.

2. Dibbasota -- Thiên Nhĩ Thông, là có khả năng nghe được những tiếng thô kịch hoặc vi tế, gần hay xa.

3. Paracittavijānana -- Tha Tâm Thông, là phân biện tư tưởng của người khác.

4. Pubbenivāsānussati -- Túc Mạng Thông, là khả năng nhớ lại những kiếp quá khứ của chính mình và của người khác. Đây là pháp siêu trí đầu tiên mà Đức Phật phát triển vào canh đầu, đêm Thành Đạo. Về thần thông nầy, oai lực của Đức Phật vô cùng tận. Trường hợp của những vị khác thì có giới hạn.

5. Dibbacakkhu -- Thiên Nhãn Thông, là khả năng thấy được sự vật ở các cảnh trời và trên quả địa cầu, ở xa cũng như ở gần, thấy được rõ ràng những gì mà mắt thịt không thể thấy. Đây là siêu trí thứ nhì mà Đức Phật phát triển trong canh thứ nhì đêm Ngài Thành Đạo.

Cutūpapātañāṇa, là tuệ giác liên quan đến sự hiểu biết những chúng sanh chết và tái sanh trở lại, giống hệt như Thiên Nhãn Thông. Anāgataṁsañāṇa, tuệ giác liên quan đến khả năng thông hiểu tương lai, và yathākammūpagañāṇa, tuệ giác liên quan đến khả năng thấu hiểu tình trạng phân tán và cấu hợp trở lại của chúng sanh tùy nghiệp đã tạo tốt hay xấu, là hai loại tuệ giác khác cùng thuộc về một phân hạng. Tất cả những siêu trí nầy đều nằm trong phạm vi Toàn Tri của Đức Phật.

Năm loại siêu trí nầy là tại thế, thuộc về trần gian. Ta phải thêm loại tuệ giác thứ sáu -- Āsavakkhayañāṇa -- Lậu Tận Minh, liên quan đến sự chấm dứt mọi khát vọng, tức siêu thế.

Có thể phát triển năm loại đầu bất cứ vào thời kỳ nào; nhưng loại tuệ giác sau cùng, chỉ có thể được thành tựu trong chu kỳ của một vị Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567