Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 90: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

20/06/201820:14(Xem: 5060)
Bài 90: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Thức Ấm: Thức ấm (Phạn ngữ: vijđna, Pli: viđđṇa): Đối cảnh liền nhận biết, so đo phân biệt.

(2) Mệnh Trược: Đời sống ngắn, sống nay chết mai không biết trước được. Sinh mệnh là do sự hô hấp, sức ấm của cơ thể và ý thức, ba thứ hòa hợp mà thành, dựa theo đó mà sinh ra tri kiến chấp thật, nên gọi là Mệnh Trược.
(3) Võng Tượng (mường tượng) Hư Vô, Điên Đảo Vọng Tưởng: Thức Ấm tại sao gọi là Điên Đảo Vọng Tưởng? Vì chấp võng tượng hư vô, "Võng" thì giống như là không. "Tượng" thì giống như là có, như có như không, trở thành hư vô. Hư vô là thể của Chân Như, chẳng sinh chẳng diệt, nay có võng tượng là bóng sinh diệt của Thức thứ tám. Nếu nương theo Chân Như thì gọi là Chính Giác, nếu nương theo Thức thứ tám thì gọi là biết sai (vọng giác), vì chấp cái võng tượng hư vô này, nên thành điên đảo vọng tưởng.
(4) Năng Phi Năng:
     Chấp ta năng sinh tất cả chúng sanh (tâm năng vi), nhưng sự thật thì chẳng có cái năng lực ấy (quả năng sự).
(5) Tham Phi Tham:
     Thân vốn vô thường, chẳng thể tham được, nay khởi tâm chấp thật, tham cầu trường thọ, tham cái không thể tham gọi là tham phi tham.
(6) Lập tâm âm thầm hợp với viên giác thành cái quả trạm minh: Lấy cái biết (giác) làm trong sáng (minh) tròn đầy (viên), cho là "viên" thì bị kẹt ở nơi viên, cho là "minh", thì bị kẹt nơi minh. Là "minh" thì chẳng mê ở nơi nhân quả cảm ứng; là "viên" nên chẳng mê vào chỗ "diệt rồi là xong". Từ đó truy cứu sự thâm diệu, thâm lại càng thâm, chẳng đọa nơi Hữu, diệu lại thêm diệu, chẳng đọa nơi Vô, thì ở chỗ "Phi hữu phi vô" này lập cái Niết Bàn chẳng sinh chẳng diệt; cố chấp không thể hóa giải được, nên chẳng cầu tiến thêm, thành quả định tánh Bích Chi.

 

     Về Ma Thức Ấm, Đức Phật giảng đại ý là người chuyên tu Xa Ma Tha và Tam Ma Đề, đến khi Hành Ấm hết rồi thì những nguyên nhân luân hồi từ nghiệp thô đến nhỏ nhiệm (tế) gần như bặt hẳn; với quả giải thoát giác ngộ chẳng còn xa. Ở giai đoạn này, thiền giả có Sáu Căn rỗng lặng không còn dính mắc (rong ruỗi) trần cảnh, thân tâm đều trong sáng thanh tịnh; thấu suốt nguồn gốc của sinh loại, thấy biết được tính tổng quát của thế giới, chỉ còn phần Hành Ấm nhỏ nhiệm (tinh vi u uẩn) chưa tường tận.

 

     Đó là trạng thái của thiền giả đang còn ở trong phạm vi của Thức Ấm, cho đến khi Sáu Căn viên dung, hỗ dụng; bấy giờ thân tâm và mười phương thế giới trong sáng như ngọc lưu ly, đó là biểu hiện của thiền giả đã hết Thức Ấm và không còn sinh tử luân hồi (vượt qua mạng trược). Bấy giờ tìm xét lại nguồn gốc của mọi mê lầm thì tất cả chỉ là u nhàn ẩn mật, khó mà tự phát giác được, nên mới có những sự mê hoặc.

 

      Đức Phật giảng tóm kết đại ý rằng: Những cảnh tướng hiện ra trong lúc tu thiền, sinh khởi những ý nghĩ, chấp chặt theo kiến giải của mình, rồi lập ra những luận cứ chủ trương. Tất cả những sự chấp ấy gọi chung là "Ma Sự", vì có tính chướng ngại, cản trở bước tiến của người tu thiền; sự kiện chấp này sẽ đưa hành giả tới chỗ bằng lòng với cái hiểu biết giới hạn, thành người ngoại đạo làm hư hạt giống Bồ đề.

 

 

 

KINH VĂN 18:

LỢI ÍCH LỚN LAO CỦA

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

 

1). NHỮNG LỢI ÍCH:

 

- Chư Phật trong quá khứ hằng sa kiếp đều nhờ pháp môn này mà khai ngộ, thành đạo Vô Thượng. Nếu dứt được thức ấm rồi thì lục căn của các ông hỗ dụng lẫn nhau, do hỗ dụng này được vào cấp bậc Kim Cang Càn Huệ Bồ Tát, ở trong đó phát khởi chân trí, trong suốt như mặt trăng ở trong ngọc lưu ly, từ đó cho đến siêu việt thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, tứ gia hạnh và Kim Cang thập địa, Đẳng Giác viên minh vào trong biển Diệu Trang Nghiêm của Như Lai, Bồ Đề viên mãn, quy về Vô Sở Đắc.
- Đây là những ma vi tế trong lúc tu tập thiền định mà chư Phật đã giác ngộ từ đời quá khứ, cảnh ma hiện tiền, các ông nhận biết được liền tẩy trừ tâm cấu nhiễm của mình, chẳng lọt vào tà kiến, thì ấm ma tiêu diệt, thiên ma vỡ nát, đại lực quỷ thần hoảng sợ chạy trốn. Các loại yêu tinh ly mị chẳng còn sanh ra, những căn hạ liệt cũng được tinh tấn, tâm chẳng mê lầm nơi Đại Niết Bàn, thẳng đến Bồ Đề, chẳng gì thiếu sót.
- Nếu các chúng sanh ngu độn trong đời mạt pháp chưa hiểu Thiền Na, chẳng biết Phật pháp mà ưa tu tam muội, e họ mắc phải tà kiến, nên một lòng khuyên họ trì chú Phật Đảnh Đà La Ni của ta; nếu chưa thể tụng trì, thì viết nơi thiền đường, hoặc đeo trong thân, như thế, tất cả tà ma đều chẳng động đến được. Ông nên kính vâng lời dạy sau cùng về đường tu rốt ráo của mười phương Như Lai.

     A Nan nghe Phật dạy bảo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ kính vâng, ghi nhớ chẳng sót, lại bạch Phật rằng:
- Như lời Phật dạy, trong tướng ngũ ấm, năm thứ hư vọng vốn là bản tâm, chúng con bình thường chưa được Như Lai khai thị tỷ mỷ như thế. Lại ngũ ấm này là tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà diệt trừ? Năm lớp này đến đâu là bờ bến? Xin Như Lai phát lòng đại từ, khiến tâm và mắt của đại chúng được trong sáng, và làm đạo nhãn tương lai cho tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp.
     Phật bảo A Nan:
- Diệu tâm sáng tỏ, bổn giác trong sạch, vốn chẳng có sanh tử và những trần cấu, tất cả chúng sanh, cho đến hư không, đều do vọng tưởng mà sanh khởi. Cái bổn giác vốn sáng tỏ trong sạch này, vọng sanh các tướng thế gian, như Diễn Nhã Đạt Đa mê đầu nhận bóng. Vọng vốn chẳng nhân, lại nơi vọng tưởng lập tánh nhân duyên, kẻ mê nhân duyên cho là tự nhiên, thật ra, tánh hư không còn là huyễn hóa, nhân duyên và tự nhiên đều do vọng tâm của chúng sanh tạo thành.

- A Nan, biết chỗ vọng khởi, thì nói vọng duyên, nếu vọng vốn không, thì các vọng nhân duyên vốn chẳng thể có, huống là chẳng biết lại cho là tự nhiên. Vì thế, Như Lai phát minh: Bản nhân của ngũ ấm đều là vọng tưởng.
- Thân ông trước tiên, do niệm tưởng của cha mẹ sanh ra, tâm ông nếu chẳng có niệm tưởng thì chẳng thể đến hợp với tưởng của cha mẹ mà thọ sanh. Như trước ta đã nói, tưởng tượng vị chua thì tiết ra nước miếng, tưởng tượng leo dốc thì lòng bàn chân ghê rợn, dốc cao chẳng có, vật chua chưa đến, thân ông nếu chẳng cùng loại với hư vọng thì làm sao nghe nói chua lại tiết ra nước miếng? Nên biết sắc thân hiện tiền của ông, gọi là Kiên Cố Vọng Tưởng thứ nhất.
     Như trên đã nói, tưởng tượng leo dốc thì khiến thân thật chịu ghê rợn; vì cái nhân niệm tưởng cảm thọ, lay động sắc thân, nay trước mắt ông ham thuận chán nghịch, hai hiện tượng này giao tranh với nhau, gọi là Hư Minh Vọng Tưởng thứ hai.
- Bởi do niệm tưởng sai khiến sắc thân; nếu sắc thân với niệm tưởng chẳng cùng loại, thì tại sao thân ông lại theo niệm tưởng sai khiến? Đủ thứ hiện tượng tương ưng với niệm tưởng, hễ tâm sanh thì thân nhận, lúc thức là niệm tưởng, lúc ngủ thành chiêm bao. Vậy thì niệm tưởng của ông lay động vọng tình, gọi là Dung Thông Vọng Tưởng thứ ba.
- Lý tạo hóa chẳng ngừng, âm thầm dời đổi, móng dài, tóc mọc, sức mòn, hình nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết.
- A Nan, ấy nếu chẳng phải là ông, thì tại sao thân ông lại dời đổi? Nếu ắt phải là ông, thì sao ông lại chẳng hay biết? Vậy thì, hành ấm của ông niệm niệm chẳng ngừng, gọi là U Ẩn Vọng Tưởng thứ tư.
- Lại, chỗ tánh thức trong lặng chẳng lay động của ông, cho là thường còn ấy, ở nơi thân ông chẳng ra ngoài Kiến, Văn, Giác, Tri, nếu cho là chân thật, thì chẳng thể huân tập sự vọng, tại sao các ông đã từng xem một vật lạ từ năm xưa, trải qua nhiều năm, nhớ quên chẳng còn; về sau bỗng thấy vật lạ đó, thì nhớ lại rõ ràng, chưa từng lạc mất?
- Vậy nơi tánh thức trong lặng chẳng lay động này, đâu có suy tính, mà niệm niệm chịu sự huân tập! A Nan nên biết, tánh trong lặng này chẳng thật, như dòng nước chảy gấp, trông như tịch lặng, ấy là vì chảy gấp mà chẳng thấy, chứ chẳng phải không chảy; nếu chẳng phải là cội gốc của niệm tưởng, thì đâu thể huân tập sự vọng? Nếu lục căn chưa được hỗ dụng tự tại, thì vọng tưởng này chẳng bao giờ diệt trừ được.
- Vậy nên hiện nay cái Kiến, Văn, Giác, Tri của ông, hòa hợp với tập khí vi tế, thành mường tượng hư vô nơi tánh Trạm Liễu, gọi là tướng vi tế của Điên Đảo Vọng Tưởng thứ năm.
- A Nan! Ngũ ấm này do năm thứ vọng tưởng kể trên mà thành.
- Nay ông muốn biết bờ bến sâu cạn, thì Sắc với Không là bờ bến của Sắc Ấm; Xúc với Lìa là bờ bến của Thọ Ấm; Nhớ với Quên là bờ bến của Tưởng Ấm, Diệt với Sanh là bờ bến của Hành Ấm; Trạm nhập hợp Trạm, là bờ bến của Thức Ấm.

- Cội gốc của ngũ ấm từng lớp sanh khởi; sanh do thức mà có, diệt theo sắc mà trừ; Lý thì Đốn Ngộ, theo ngộ cùng tiêu. Sự chẳng thể bỗng diệt, phải dần dần mới được dứt sạch.
- Ta đã khai thị cho ông về thắt kết của khăn bông, tại sao còn chẳng rõ mà lại hỏi nữa! Ông đối với cội gốc vọng tưởng này, nơi tâm được khai ngộ, rồi mới có thể truyền dạy cho người tu hành trong đời mạt pháp, khiến họ biết sự hư vọng, tự sanh nhàm chán, biết có Niết Bàn, chẳng lưu luyến tam giới.
- A Nan! Nếu có người đem thất bảo chất đầy mười phương hư không để cúng dường vô số Phật, tâm chẳng buông lung, ý ngươi thế nào, người ấy do nhân duyên cúng dường Phật này, có được phước nhiều chăng?

     A Nan đáp rằng:
- Hư không vô tận, thất bảo vô biên. Xưa kia có người cúng Phật bảy xu, còn được phước báo làm Chuyển Luân Vương, huống là dùng thất bảo đầy khắp hư không để cúng dường; thất bảo ấy suốt kiếp đếm mãi còn chẳng thể hết, làm sao phước ấy lại có bờ bến!
     Phật bảo A Nan:
- Lời nói của chư Phật chẳng có hư vọng, nếu có người gây các tội Tứ Trọng (Sát, đạo, dâm, vọng), Thập Ba La Di (1), phải trải qua địa ngục A-Tỳ phương này phương kia, cho đến cùng tột các ngục A Tỳ mười phương trong sát na, chẳng nơi nào không trải qua, nếu người ấy dùng một niệm đem pháp môn này khai thị cho người sơ học trong đời mạt pháp, liền được tội chướng tiêu diệt, biến cái nhân khổ địa ngục thành cõi an lạc được phước siêu việt hơn người cúng dường trước kia gấp trăm ngàn lần, ngàn vạn ức lần như thế cho đến toán số thí dụ đều chẳng thể so bằng.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(Còn tiếp)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]