Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 44: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

02/08/201720:03(Xem: 5087)
Bài 44: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

KINH VĂN 9:

CÁC CẢN TRỞ CHO PHÁP GIẢI THOÁT

 

12). TÔN GIẢ A NAN

CẦU PHÁP GIẢI THOÁT

     A Nan và đại chúng nghe lời Phật dạy, nghi hoặc tiêu trừ, tâm ngộ thật tướng, thân ý khinh an, được pháp chưa từng có, rơi lệ đảnh lễ chân Phật, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng:
- Lòng trong sạch vô thượng đại bi của Phật, khéo khai ngộ cho tâm chúng con, dùng đủ thứ nhân duyên và phương tiện dìu dắt kẻ chìm đắm ra khỏi biển khổ. Thế Tôn, nay con dù được nghe pháp âm như thế, nhận biết diệu tâm sáng tỏ khắp mười phương thế giới, trùm chứa các cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm trong mười phương quốc độ. Như Lai lại trách con đa văn vô ích, chẳng bằng tu tập, nay con như người phiêu bạt, bỗng được Thiên Vương ban cho cái nhà sang, dù được nhà lớn, nhưng phải biết chỗ cửa vào. Vậy xin Như Lai từ bi khai thị cho những kẻ mê muội trong hội này, lìa bỏ thanh văn, đều được bước lên con đường đã phát tâm từ xưa nay, thẳng đến Vô Dư Niết Bàn (1) của Như Lai, khiến hàng hữu lậu (2) biết cách uốn dẹp tâm phan duyên (3) từ lâu đời, được pháp tổng trì (4), chứng nhập Tri Kiến Phật (5).
     Nói xong, năm vóc gieo sát đất, cả chúng trong hội một lòng mong đợi lời dạy của Phật.
     Lúc bấy giờ, Thế Tôn thương xót hàng Thanh Văn, Duyên Giác trong hội chưa được tự tại nơi tâm Bồ Đề (6), và những chúng sanh phát tâm Bồ Đề trong đời mạt pháp (7), khai thị pháp tu nhiệm mầu của Vô Thượng Thừa, bảo A Nan và đại chúng rằng:
- Các ông quyết định phát tâm Bồ Đề, đối với pháp Tam Ma Đề (8) nhiệm mầu của chư Phật, chẳng sanh mỏi mệt, trước hết nên biết hai nghĩa quyết định trong lúc mới phát tâm.

- Thế nào là hai nghĩa quyết định lúc mới phát tâm?

 

GIẢI NGHĨA:

 (1)  Vô dư Niết Bàn: Dứt hết dính mắc (hữu lậu), ý giải thoát, trí tuệ giải thoát, tâm vắng lặng, biết như thật sinh tử đã dứt không còn tái sinh nữa.

(2) Hữu lậu: Tất cả các dính mắc trong ba cõi Dục giới, Sắc giới, và Vô Sắc giới.

(3) Tâm phan duyên: Tâm bám vào đối tượng (cảnh), khởi các vọng tưởng, nghĩa là tâm vọng vin theo các cảnh (pháp).

(4) Tổng trì: Nghĩa là bao hàm tất cả vạn pháp và giữ gìn vô lượng nghĩa

(5) Tri kiến Phật: Tính biết (giác) hằng soi sáng mà không hình tướng, cái thấy biết thuần tịnh.

(6) Bồ Đề: Tinh thức, giác ngộ, giải thoát.

(7) Đời Mạt pháp: Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn cho tới 1000 năm là thời Chính pháp, từ 1000 đến 2000 năm là thời Thứ (Tượng) pháp, từ năm 2000 về sau là thời Mạt pháp, bây giờ là năm thứ 2561. Thời Mạt pháp tu hành rất khó đạt giác ngộ giải thoát.

(8) Tam Ma Đề: Tu thiền quán để thấy các pháp như huyển mộng, để lià tham chấp thủ, để được tự tại giải thoát.

 

1. NGHĨA THỨ NHẤT: TÁC

DỤNG CỦA SẮC TÂM VÔ THỈ

- A Nan! Nghĩa thứ nhất: Nếu các ông muốn lìa bỏ Thanh Văn, tu Bồ Tát Thừa, nhập Tri Kiến Phật, thì nên xét kỹ chỗ phát tâm của nhân địa (1), với chỗ giác ngộ của quả địa (2) là đồng hay là khác? A Nan, nếu ở nơi nhân địa, dùng tâm sanh diệt làm cái nhân tu hành, để cầu cho được quả chẳng sanh diệt của Phật thừa thì chẳng đúng.
- Do nghĩa này, ông nên xét kỹ vạn vật trên thế gian, các pháp có thể tạo ra đều phải biến diệt. A Nan, ông hãy xem các pháp có thể tạo ra, có cái nào chẳng hoại chăng? Nhưng chẳng bao giờ nghe nói hư không biến hoại. Tại sao? Vì hư không chẳng phải là vật sở tạo, cho nên chẳng thể biến hoại.
- Vậy thì trong thân ông, tánh cứng là Địa, ướt nhờn là Thủy, hơi ấm là Hỏa, lay động là Phong, do tứ đại ràng buộc, mà chia cái diệu tâm sáng tỏ của ông ra thành Kiến, Văn, Giác, Tri từ vô thỉ, tạo thành năm lớp ô trược.

 

GIẢI NGHĨA

(1)  Nhân địa: Nhân là người, nguyên nhân, địa là đất, vị trí, nguyên chất biểu trưng là tâm; nhân địa là cách hành xử, cách tu hành tâm tính.

(2)  Qủa địa: Là kết qủa của tu hành.

 

     Đức Phật giảng: “- A Nan! Nghĩa thứ nhất: Nếu các ông muốn lìa bỏ Thanh Văn, tu Bồ Tát Thừa, nhập Tri Kiến Phật, thì nên xét kỹ chỗ phát tâm của nhân địa (1), với chỗ giác ngộ của quả địa (2) là đồng hay là khác? A Nan, nếu ở nơi nhân địa, dùng tâm sanh diệt làm cái nhân tu hành, để cầu cho được quả chẳng sanh diệt của Phật thừa thì chẳng đúng”. Nghĩa là nếu muốn lìa bỏ lối tu của hàng Thanh Văn, để tu Bồ Tát Thừa, để nhập Tri Kiến Phật, thì nên xét kỹ chỗ phát tâm của lối tu (nhân địa), so với chỗ giác ngộ của quả tu chứng (qủa địa), vì nếu dùng tâm sinh diệt để tu hành, mà cầu quả chẳng sinh diệt của Phật thừa thì chẳng thể được.
     Ngài giảng tiếp: “- Do nghĩa này, ông nên xét kỹ vạn vật trên thế gian, các pháp có thể tạo ra đều phải biến diệt. A Nan, ông hãy xem các pháp có thể tạo ra, có cái nào chẳng hoại chăng? Nhưng chẳng bao giờ nghe nói hư không biến hoại. Tại sao? Vì hư không chẳng phải là vật sở tạo, cho nên chẳng thể biến hoại”. Nghĩa là vạn vật trên thế gian đều phải biến diệt, các pháp có thể tạo ra, chẳng có cái nào chẳng hoại; nhưng hư không chẳng bao giờ biến hoại, vì hư không chẳng phải là vật tạo ra, vì thế cho nên hư không chẳng thể biến hoại.

 

     Đức Phật dạy: “- Vậy thì trong thân ông, tánh cứng là Địa, ướt nhờn là Thủy, hơi ấm là Hỏa, lay động là Phong, do tứ đại ràng buộc, mà chia cái diệu tâm sáng tỏ của ông ra thành Kiến, Văn, Giác, Tri từ vô thỉ, tạo thành năm lớp ô trược”. Nghĩa là trong thân con người, Đất, Nước, Lửa, Gió, bốn thứ này ràng buộc, mà chia cái Diệu tâm sáng tỏ ra thành Thấy, Nghe, Tỉnh, Biết (Kiến, Văn, Giác, Tri) từ bao đời, tạo thành năm loại khổ là: Có nhiều tai họa (Kiếp trọc), tà kiến thịnh hành (Kiến trọc), đầy tham, sân, si gây ra buồn phiền (Phiền não trọc), làm ác vô đạo đức (Chúng sinh trọc), chết bất cứ lúc nào (Mệnh trọc).

 

1 - NĂM THỨ Ô TRƯỢC

- Sao gọi là trược? A Nan, ví như nước trong bản tánh thanh khiết, và những thứ bụi, đất, tro, cát, bản chất ngăn ngại, thể tánh vốn khác nhau. Bỗng có người lấy đất cát bỏ vào nước trong, làm cho đất mất ngăn ngại, nước mất thanh khiết, thành tướng vẩn đục, nên gọi là trược. Năm lớp ô trược của ông cũng vậy.
- A Nan! Ông thấy hư không khắp mười phương thế giới, hư không và kiến tinh chẳng thể phân ra rõ ràng; hư không thì chẳng có bản thể, tức là ngoan không; kiến tinh thì chẳng có bản giác, tức là vô minh, cả hai giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ nhất, gọi là Kiếp Trược.
- Kiến, Văn, Giác, Tri vốn chẳng ngăn ngại, vì kẹt nơi tứ đại nên thành ngăn ngại; Địa, Thủy, Hỏa, Phong vốn chẳng giác tri, vì xoay chuyển theo lục căn thành có giác tri, các điều đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ hai, gọi là Kiến Trược.
- Lại, trong tâm ông, tánh tưởng nhớ học tập phát ra tri kiến, dung nạp lục trần, lìa trần thì chẳng có tướng, lìa giác thì chẳng có tánh, từ đó giao kết lẫn nhau vọng thành lớp thứ ba gọi là Phiền Não Trược.
- Lại tâm niệm của ông ngày đêm sanh diệt chẳng ngừng, tri kiến thì muốn ở mãi trên thế gian, nhưng nghiệp báo xoay vần lại thường dời đổi trong lục đạo, những điều ấy giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ tư, gọi là Chúng Sanh Trược.
- Tánh kiến văn của các ông vốn chẳng khác biệt, do lục trần ngăn cách, bỗng thành khác biệt, tánh biết thì đồng, sự dụng thì khác, đồng và khác chẳng định, từ đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ năm, gọi là Mệnh Trược.

 

GIẢI NGHĨA

     Đức Phật giảng về tính không trong sạch như sau: “- Sao gọi là trược? A Nan, ví như nước trong bản tánh thanh khiết, và những thứ bụi, đất, tro, cát, bản chất ngăn ngại, thể tánh vốn khác nhau. Bỗng có người lấy đất cát bỏ vào nước trong, làm cho đất mất ngăn ngại, nước mất thanh khiết, thành tướng vẩn đục, nên gọi là trược. Năm lớp ô trược của ngươi cũng vậy”. Ở đây, Đức Phật ví dụ như nước trong, bản tính thanh khiết, và những thứ bụi, đất, tro, cát, bản chất ngăn ngại, thể tính vốn khác nhau; nhưng có người lấy đất cát bỏ vào nước trong, làm cho đất cát mất ngăn ngại, nước mất thanh khiết, thành ra vẩn đục, nên gọi là trược, năm lớp ô trược của con người cũng vậy, Ngài chia ra như sau:

1. Đức Phật giảng về Kiếp trược:Ông thấy hư không khắp mười phương thế giới, hư không và kiến tinh chẳng thể phân ra rõ ràng; hư không thì chẳng có bản thể, tức là ngoan không; kiến tinh thì chẳng có bản giác, tức là vô minh, cả hai giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ nhất, gọi là Kiếp Trược”. Nghĩa là hư không và cái thấy (kiến tinh) chẳng thể phân ra rõ ràng; hư không thì chẳng có bản thể, tức là trống rỗng (ngoan không); cái thấy thì chẳng có gốc biết (bản giác), tức là si mê (vô minh), cả hai thứ này giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ nhất là sinh ra đủ thứ tai họa, như đói khổ, bệnh tật, tai nạn, thiên tai, chiến tranh, khủng bố v.v..., gọi là Kiếp Trược.

2. Đức Phật giảng về Kiến Trược: “- Kiến, Văn, Giác, Tri vốn chẳng ngăn ngại, vì kẹt nơi tứ đại nên thành ngăn ngại; Địa, Thủy, Hỏa, Phong vốn chẳng giác tri, vì xoay chuyển theo lục căn thành có giác tri, các điều đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ hai, gọi là Kiến Trược”. Nghĩa là thấy, Nghe, Tỉnh, Biết (Kiến, Văn, Giác, Tri) vốn chẳng ngăn ngại, vì kẹt nơi bốn đại nên thành ngăn ngại; Đất, Nước, Gió, Lửa (Địa, Thủy, Hỏa, Phong) vốn chẳng có hiểu biết (giác tri), vì xoay chuyển theo sáu căn Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý thành có hiểu biết, các điều đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ hai là thấy biết sai lầm, sinh ra tà kiến, tin tưởng mù quáng, gọi là Kiến Trược.

3. Đức Phật giảng về Phiền Não Trược: “- Lại, trong tâm ông, tánh tưởng nhớ học tập phát ra tri kiến, dung nạp lục trần, lìa trần thì chẳng có tướng, lìa giác thì chẳng có tánh, từ đó giao kết lẫn nhau vọng thành lớp thứ ba gọi là Phiền Não Trược”. Nghĩa là trong tâm con người, tính tưởng nhớ và học tập phát ra thấy biết (tri kiến) vì dung nạp sáu trần, khi không có trần (lìa trần) thì chẳng có hình tướng, khi không có biết (lìa giác) thì chẳng còn có tính; từ dung nạp sáu trần đó giao kết lẫn nhau vọng thành lớp thứ ba là tham dục, sân hận, bỏn sẻn, tật đố, nhớ nhung, lo lắng, buồn phiền, tâm thần náo loạn, gọi là Phiền Não Trược.

4. Đức Phật giảng về Chúng Sinh Trược: “- Lại tâm niệm của ông ngày đêm sanh diệt chẳng ngừng, tri kiến thì muốn ở mãi trên thế gian, nhưng nghiệp báo xoay vần lại thường dời đổi trong lục đạo, những điều ấy giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ tư, gọi là Chúng Sanh Trược”. Nghĩa là tâm niệm của con người ngày đêm sinh diệt chẳng ngừng, thấy biết (tri kiến) thì muốn ở mãi trên thế gian, nhưng nghiệp báo xoay vần lại thường phải dời đổi trong sáu đường (lục đạo), những điều ấy giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ tư là sống không đạo đức, thường làm ác, sinh ra đời sống khác biệt nhau, gọi là Chúng Sinh Trược.

5. Đức Phật giảng về Mệnh Truợc: “- Tánh kiến văn của các ông vốn chẳng khác biệt, do lục trần ngăn cách, bỗng thành khác biệt, tánh biết thì đồng, sự dụng thì khác, đồng và khác chẳng định, từ đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ năm, gọi là Mệnh Trược”. Nghĩa là tính thấy nghe (kiến văn) của con người vốn chẳng khác biệt, do sáu trần ngăn cách, nên thành khác biệt, tính biết thì giống nhau, nhưng sự công dụng thì khác. Như vậy sự giống và khác nhau chẳng cố định, từ đó giao kết lẫn nhau, vọng thành lớp thứ năm là thọ mạng của con người dài ngắn khác nhau, chết bất cứ lúc nào do nghiệp qủa của mỗi người, gọi là Mệnh Trược.

 

     Tóm lại, sắc và tâm từ nhiều đời (vô thủy) tác dụng lẫn nhau một cách trừu tượng, nhưng nhìn kỹ thì chúng ta có thể nhận ra nó là đất, nước, lửa, gió và hư không, còn cái thấy cùng thức đều ở trong Diệu tâm. Tất cả những thứ này tác dụng lẫn nhau mà thành năm thứ vẩn đục là Ngũ Trược; Kiếp Trược là chung cho tất cả cộng nghiệp của loài người, bốn Trược kia là riêng cho mỗi người khác biệt nhau vậy.

 

2 - DO NHÂN TU MÀ

     BIẾT QUẢ CHỨNG

(Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]