Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 56: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

25/10/201718:46(Xem: 5054)
Bài 56: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

TOÀN KHÔNG

(Tiếp theo)

 

24 - DO KIẾN ĐẠI ĐẠT VIÊN THÔNG

 

     Đại Thế Chí Pháp Vương Tử cùng với 52 vị Bồ Tát đồng tu, liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ hằng sa kiếp trước, có Phật Vô Lượng Quang ra đời, thuở đó, mười hai vị Như Lai kế nhau thành Phật trong một kiếp. Vị Phật sau cùng hiệu là Siêu Nhựt Nguyệt Quang, dạy con tu "Niệm Phật Tam Muội", ví như có người thì chuyên nhớ, người thì chuyên quên, nếu hai người ấy nhớ nhau, không kể gặp hay chẳng gặp, thấy mặt hay chẳng thấy; cứ nhớ mãi sâu vào tâm niệm, cho đến đời này, đời khác, thì như hình với bóng, chẳng cách xa nhau.
- Mười phương Như Lai tưởng nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, nếu con trốn tránh thì dù nhớ cũng chẳng làm gì được; nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con, thì đời đời mẹ con chẳng xa cách. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện nay hay về sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng nhờ phương tiện, tâm tự khai ngộ, như người ướp hương thì thân có mùi thơm, ấy gọi là Hương Quang Trang Nghiêm. Bản nhân của con là dùng tâm niệm Phật, đắc vô sanh nhẫn, nay ở cõi này tiếp dẫn người niệm Phật về cõi Tịnh Độ. Phật hỏi con về viên thông, con do nhiếp cả Lục Căn, tịnh niệm tương tục vào Tam Ma Địa là hơn cả.

 

CHÚ GIẢI:

     Nói “Chẳng nhờ tu tập, tự được khai ngộ, như người ướp hương, chẳng mong mùi hương mà tự có mùi hương”, đây là nguyện lực không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì) của A Phật Di Đà. Dù nói nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà, nhưng cần phải có đại nguyện của chính mình để tương ưng với đại nguyện của Phật thì mới được thành tựu. Nếu chỉ dùng tâm nghĩ miệng nói là nguyện suông, mà cần phải thực hành đúng theo đại nguyện của chính mình nữa, mới là nguyện chân thật, và mới có thể tương ưng với đại nguyện của Phật. Đó là “Nhiếp cả Lục Căn, tịnh niệm tương tục”, nghĩa là khi niệm Phật thì cả Sáu Căn đều cùng niệm, tức là Mắt nhìn thấy hình Phật hay cảnh ao sen thất bảo nơi cõi cực lạc, Tai nghe tiếng niệm, Mũi thở tưởng tượng thoảng thấy mùi hoa sen thơm mát, Miệng thầm niệm liên tục không lười mỏi, Thân thể tưởng tượng trong ánh hào quang của Phật, Ý luôn luôn hướng về Tây phương cực lạc. Niệm liên tục với Sáu Căn như thế cho tới khi đạt tâm bất loạn trong tịch tịnh thì sẽ đạt qủa không sinh không diệt (đắc Vô Sinh Nhẫn) vậy.

 

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Hỏa quang tam muội: Hỏa là lửa, quang là ánh sáng, Lửa sáng Tam Muội, một phép Thiền định khiến thân người phát ra ánh sáng rực. Tam muội cũng là ba thứ sâu kín, đó là: Vạn pháp không có bản thể chân thật nên gọi là Không; Vạn pháp không có hình tướng, chỉ là hình ảnh ảo huyển tương đối không thật gọi là Vô tướng; vì Khổ, Không, Vô tướng nên chẳng có gì để mong cầu gọi là Vô nguyện.

Hỏa quang tam muội là ánh sáng của lửa của tâm chính định bao gồm ba thứ sâu kín: Không, Vô tướng, Vô nguyện.

(2) Vô sanh nhẫn: Là Thật tướng lià tướng sinh diệt, thể nhập lý vô sinh.

(3) Diệu Pháp Liên Hoa: Cũng gọi là Kinh Pháp Hoa

(4) Tri kiến Phật: Cái thấy của tính biết (giác), tính biết (giác) thuần tịnh hằng soi sáng mà không hình tướng.

(5) Như Lai tạng: Tự tính thanh tịnh, cũng gọi là Pháp thân

(6) Liên Hoa Tạng Thế Giới: Là các thế giới trong 20 cõi Phật xếp chồng lên nhau trong một phương gọi là một Hoa Tạng Thế Giới hay Thế Giới Chủng, tức là 20 giải Ngân Hà trên một đường thẳng gọi là Hoa Tạng Thế Giới.

(7) Đại Viên Cảnh: Theo Duy Thức học, các dữ kiện của tất cả năm thức đầu và Ý thức (Thức thứ sáu) được Mạt Na (Thức thứ bảy) đưa vào và truyền ra từ A Lại Đa (Thức thứ tám) gọi là “Tàng thức”. A Lại Đa có nhiệm vụ gìn giữ tất cả các tin tức ấy, gọi là “chấp trì sinh mệnh chủng tử” của các pháp, không bao giờ đầy, ví như chiếc bình không đáy, bao nhiêu chứa cũng hết và không bao giờ mất. Cả đời người sóng gió lên bổng xuống chìm, trải qua biết bao nhiêu sự việc, trong A Lại Đa có đầy đủ, ngày nay ví như cái máy “Vi tính” chứa đủ thứ của đời người. Khi tu hành đạt đến địa vị vô lậu (sạch hết ô nhiễm cấu bẩn trong Tàng thức), thức này chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, nghĩa là thành cái trí huệ sáng suốt như gương khổng lồ tròn đầy trong sạch soi chiếu cùng khắp, tương ưng cho Chân Như, Phật Tính.

 

      Chúng ta thấy rằng: Nếu quán sát lửa tham dục cũng như điều hòa hơi ấm nơi thân tâm được lưu thông điều hòa trong sạch, buồn phiền được dứt sạch, ánh sáng tự tính lặng trong, thì lửa trí tuệ sẽ sinh. Nếu quán sát kỹ hai thứ vi trần của thân thể chúng ta và vi trần của thế giới vũ trụ thì thấy chẳng có sai biệt (vì vốn là Như Lai Tạng do hư vọng mà sinh ra con người và thế giới trần cảnh), thì khi trần tiêu thức trở thành trí hiện hành vô thượng đạo.

     Nếu chúng ta tu tính của nước, quán sát nước trong thân thể để đạt đồng một thể với tính nước trong mười phương, thì thể nhập lý vô sinh (Vô sinh pháp nhẫn). Nếu quán sát hành động của thân tâm và sự động chuyển an lập của không gian và thời gian, tất cả đều như nhau, thì dẫn đến giác ngộ, động chuyển chẳng đến chẳng đi, tất cả mười phương chúng sinh và vạn pháp đều đồng một hư vọng do sức gió không nơi nương tựa, được trí tuệ không xao động, đạt không sinh không diệt (Vô sinh pháp nhẫn) của tâm giác ngộ (Bồ Đề).

     Nếu quán hư không vô biên, bốn đại đất nước gió lửa chẳng chỗ nương tựa, hư không và mười phương cõi Phật vốn như nhau, lià các tướng sinh diệt, đạt thật tướng gọi là Vô sinh nhẫn. Nếu quán mười phương tất cả những nhận thức về: có không, sạch dơ, đẹp xấu, đúng sai, to nhỏ, yêu ghét v.v... đều do duy thức biến hiện mà có. Do quán mười phương duy thức như thế sẽ đạt tâm sáng tỏ, nhận chân vọng tưởng tự tính, dứt lià nhân duyên tự tính, sẽ chứng Bồ Đề Niết Bàn.

      Bảy đại (Thất đại) gồm Đất, Nước, Lửa, Gió, Không, Thấy và Thức; Phật gọi đó là Bảy đại, vì bảy thứ này khắp không gian và thời gian không chỗ nào lúc nào không có. Do bảy đại mà khái niệm không gian và thời gian được cụ thể hóa, được hình thành, vì Bảy đại là nguyên nhân trực tiếp và duyên khởi sinh ra vạn hữu.

      Tuy nhiên Bảy đại chưa phải là một đơn vị thực thể cố định bất di bất dịch, nó chưa phải là một yếu tố đầu tiên của vạn hữu. Theo Phật học: “Không có một sự vật nào có một thực thể cố định bất di bất dịch của tự nó, không có một sự vật nào sinh ra mà không tương quan với những yếu tố khác; đất, nước, lửa, gió, không, cái thấy và thức là những hình trạng của chủng tử được biểu hiện trong Như Lai tạng”.

      Nếu hòa hợp năm đại: “Đất, Nước, Lửa, Gió và Không” là đủ yếu tố duyên khởi ra núi sông, đất đá, cây cỏ… trong vũ trụ gọi là khí thế gian, hoặc gọi là vô tình chúng sinh, cũng gọi là y báo thế gian. Nếu năm đại hòa hợp với hai đại “Thấy và Thức” cho đủ bảy đại thì sẽ duyên khởi sinh ra những loại chúng sinh có tri giác trong vũ trụ, những loài có tri giác gọi là chính báo thế gian, cũng gọi là hữu tình chúng sinh.

    Như Lai Tạng bản thể duyên sinh vạn hữu như nước duyên khởi làn sóng, bọt nổi (nhân duyên tự tính), vì do chúng ta nhận thức sai lầm vạn hữu. Sự nhận thức sai lầm đó tạo thành những lớp tự tính vọng tưởng (biến kế chấp) làm cho con người không nhận được thực chất của vạn hữu. Do đó không thể biết được nguồn gốc thanh tịnh của Thành Tựu Tự Tính (viên thành thật) trong bản thể Như Lai Tạng

      Thật ra, Bảy đại đều là chân không thanh tịnh, biến khắp pháp giới vũ trụ; các vị Bồ Tát quán chiếu thấy rõ sự thật về duyên sinh, dùng trí tuệ rọi tan sương mù vọng tưởng và nhận chân cái thật tính của Bảy đại nên đều chứng được quả giải thoát viên thông.

 

(QUYỂN 5 HẾT)

 

QUYỂN 6

KINH VĂN 11:

DO NHĨ CĂN

ĐƯỢC VIÊN THÔNG

 

1). BỔ TÁT QUÁN THẾ ÂM

TRÌNH PHÁP TU CHỨNG:

     

     Lúc bấy giờ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
- Con nhớ khi xưa, từ vô số hằng sa kiếp trước có Phật Quán Thế Âm ra đời, con phát tâm Bồ Đề nơi Phật ấy, Phật dạy con từ Văn, Tư, Tu nhập Tam Ma Địa (1).
- Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (2) mà quên cái sở nghe. Sở nhập đã tịch, thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh, như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe (3) đều hết; sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ. Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải Không cái năng giác sở giác, thì sự Không giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được Không đến cùng tột, là nhập vào chỗ Không, nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên năng không sở không cũng phải diệt. Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt (4) hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ:

l. Trên khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương Chư Phật, với Như Lai đồng một Từ Lực (5).
2. Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi Ngưỡng (6).

GIẢI NGHĨA:

 

(1) Văn, Tư, Tu nhập Tam Ma Địa: Văn là nghe nơi tai, Tư là suy gẫm nơi tâm, Tu nhập Tam Ma Địa là thực hành nơi hạnh thiền quán xả bỏ mọi dính mắc tham chấp, đạt thanh tịnh được giải thoát tự tại.

(2) Nhập lưu: Là khi chẳng còn bị ràng buộc dính mắc sáu trần, sẽ được qủa Tu Đà Hoàn, là bắt đầu vào dòng Thánh.

(3) Năng nghe sở nghe: Là sức nghe và nơi chỗ nghe.

(4) Tịch diệt: Là Niết-bàn, là tâm tịch tĩnh tuyệt đối, vượt khỏi sinh tử, không gian, thời gian và mọi sự lệ thuộc, là tâm Phật.

(4) Từ lực: Là tâm thương yêu mạnh mẽ muốn cho vui; Phật độ chúng sinh cho vui, nhưng không có sức (năng) độ gọi là Vô duyên từ, vì mọi chúng sinh đều được hưởng vui như nhau.

(6) Bi ngưỡng: Là lòng thương xót cứu vớt chúng sinh khỏi khổ; cứu khổ chúng sinh, nhưng không có chỗ (sở) độ, gọi là Đồng thể bi, vì mọi chúng sinh đau khổ cầu Phật độ đều được độ như nhau.

 

     Đại ý về sự tu hành của Bồ Tát Quán Thế Âm bước đầu lìa bỏ chẳng dính mắc Thanh Trần được nhập dòng Thánh mà chỗ nghe không còn, chỗ nhập tịch tịnh, nên hai tướng “động tịnh” không còn sinh ra nữa. Lâu dần sức (năng) nghe và chỗ (sở) nghe đều hết, sự hết năng sở của nghe cũng không còn (chẳng trụ). Nếu còn biết chẳng trụ thì còn sức biết (năng giác) và chỗ biết (sở giác), nên phải “Không” cả cái sức biết và chỗ biết (năng sở), thì sự “không biết” ấy mới đầy đủ hoàn toàn (viên tròn). Sức biết và cái biết được “Không” đến hoàn toàn (đến cùng tột), là nhập vào chỗ Không, nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên sức không và chỗ không (năng không sở không) cũng phải diệt. Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sinh và diệt đều hết, sinh diệt đã diệt, thì tâm thoát khỏi mọi sự ràng buộc, không còn bị lệ thuộc vào sinh tử và không gian thời gian (tịch diệt hiện tiền); thì thình lình vượt khỏi (siêu việt) thế gian và xuất thế gian, tức là Diệu tâm hiển hiện. Đến đây, khắp mười phương vô biên (pháp giới) đều sáng tỏ, được hai thứ đặc biệt (thù thắng) tròn đầy sáng tỏ là Tâm Từ và Tâm Bi; do đó:

- Trên in hợp (khế hợp) với tâm biết (giác tâm) huyền diệu của Chư Phật mười phương và có tâm thương yêu cho vui (Từ lực) tất cả chúng sinh giống như Chư Phật.

- Dưới in hợp vớt tất cả chúng sinh sáu cõi “trời, người, thần, qủy, súc sinh, ngạ qủy, địa ngục” khắp mười phương và có cùng tâm thương xót cứu vớt (Bi ngưỡng) tất cả chúng sinh khổ ải.

 

2). DO TỪ TÂM THÀNH

     TỰU 32 ỨNG THÂN:

 (Còn tiếp)


 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]