Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 89: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

13/06/201821:37(Xem: 4834)
Bài 89: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM
GIẢI NGHĨA
TOÀN KHÔNG
(Tiếp theo)

5). MA THỨC ẤM:

- A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, các tính sanh diệt lăng xăng chuyển động của thế gian bỗng được tan rã, các nghiệp báo luân hồi, sự cảm ứng vi tế như chỉ tơ gần được đoạn dứt, sắp được minh ngộ nơi cõi Niết Bàn, như gà gáy lần chót, trời bắt đầu rạng đông. Lục căn hư tịnh, chẳng còn giong ruổi cảnh trần, trong ngoài trạm nhiên sáng suốt, cho đến nhập vô sở nhập: thấu suốt cội gốc thọ mạng của 12 loại chúng sanh trong mười phương, chấp vào cái cội gốc đó, các loài chẳng đến với nhau, mà ở nơi mười phương đều đồng một cội gốc, sự phát hiện chỗ ẩn bí đó, như trời gần sáng mà chưa sáng, rạng đông kéo dài, đây gọi là phạm vi của Thức Ấm (1). Nếu ở chỗ đồng ấy, nhờ sức thiền định mài giũa lục căn, đến thấy nghe thông nhau, sự dụng của lục căn muốn hợp hay tách ra đều được tự do thành tựu, trong ngoài sáng suốt như lưu ly, gọi là thức ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Mệnh Trược (2). Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi Võng Tượng (mường tượng) Hư Vô, Điên Đảo Vọng Tưởng (3) làm gốc.

1. TÂM SỞ ĐẮC:
A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được hành ấm, trở về chỗ cội gốc của Thức Ấm, sanh diệt đã diệt mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông (hoà hợp đầy đủ), có thể khiến lục căn thông dụng lẫn nhau, cũng thông với cái giác tri (hiểu biết) của các loài trong mười phương, do sự thông dụng ấy mới được đi vào chỗ cội gốc của Thức Ấm. Nếu ở chỗ trở về mà lập cái nhân Chân Thường, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Năng nhân, sở nhân", làm bạn với bọn ngoại đạo tóc vàng, nhận chỗ "căn bản của vô minh" làm nơi sở quy (trở về), mê lầm tánh Bồ Đề (giác ngộ), lạc mất tri kiến Phật (tính biết hằng tịch tịnh trong sáng), ấy gọi là lập cái tâm sở đắc, thành cái quả sở quy, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống ngoại đạo thứ nhất.

2. TÂM TINH DIỆU:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở chỗ cội gốc của thức Ấm, ôm làm tự thể của mình, cho tất cả 12 loại chúng sanh khắp hư không đều phát xuất từ thân ta, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "Năng phi năng" (4), làm bạn với bọn ma dân hay hiện thân vô biên ở cõi Sắc giới, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật, ấy gọi là lập cái tâm năng vi (sức tinh diệu), thành cái quả năng sự (năng lực), trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, sanh Đại Mạn Thiên, thành giống chấp ngã thiên viên thứ hai (thiên viên chưa được viên thông, chỉ có một nửa).

3. TÂM NƯƠNG TỰA:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi cội gốc của thức ấm khởi tâm nương tựa, tự nghi thân tâm mình từ đó mà ra, mười phương hư không đều từ đó sanh khởi, bèn nhận chỗ đó là cái thể chân thường, là nơi chẳng sanh diệt. Ở chỗ sanh diệt chấp là thường trụ, chẳng những chẳng thấy tánh chơn bất sanh diệt, mà còn nhận lầm tánh sanh diệt hiện tại, an trụ tại chỗ mê lầm này, sanh tâm thù thắng, thì bị đọa vào cái chấp "thường phi thường" (thường mà chẳng phải thường), làm bạn với bọn ở cõi trời Tự Tại Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm nhân y (cái nhân nương tựa) thành cái quả vọng kế (vọng chấp thường trụ), trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn thành giống điên đảo viên thông thứ ba (nói viên thông mà chưa được viên thông).

4. TÂM VIÊN TRI:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi sở tri (chỗ biết), kiến lập tri giải (dựng lên hiểu biết), cho các loài cây cỏ mười phương đều gọi là hữu tình, với người chẳng khác; cây cỏ làm người, người chết rồi lại thành cây cỏ, cho đến loài vô tình đều có sự giác tri, hữu tình vô tình chẳng có phân biệt, sanh tâm thù thắng (thích thú), thì bị đọa vào cái chấp "Tri vô tri" (biết mà chẳng biết), làm bạn với hai thứ ngoại đạo Bà Tra và Tiện Ni, chấp tất cả đều có sự giác tri, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm viên tri, thành cái quả hư vọng, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Điên Đảo Tri thứ tư.

5. TÂM VỌNG CẦU:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi lục căn dung thông lẫn nhau đã được tùy thuận vô ngại, rồi nương theo viên dung này, cho là tứ đại hay biến hóa tất cả, nên từ nơi tứ đại ham cầu tánh sáng suốt của hỏa; thích tánh trong sạch của thủy; ưa tánh chu lưu của phong, quán tánh thành tựu của trần (vọng cầu), mỗi mỗi đều tôn sùng, lấy các trần ấy nhận làm bản nhân, chấp cho là thường trụ, thì bị đọa vào cái chấp "Sanh vô Sanh", làm bạn với bọn ngoại đạo Ca Diếp Ba và Bà La Môn, siêng tâm ép xác, thờ lửa thờ nước để cầu được ra khỏi sanh tử, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là chấp trước, thờ phụng, mê tâm theo vật, lập cái nhân vọng cầu, cầu cái quả vọng mong, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống của tạo hóa điên đảo thứ năm.

6. TÂM HƯ VÔ:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở trong viên minh chấp là hư vô, bác bỏ các sự tạo hóa, lấy cái vĩnh diệt làm chỗ quy y, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "Quy vô quy" (cho vô quy là quy), làm bạn với bọn Thuấn Nhã Đa (thần hư không) ở cõi Vô Tưởng Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là chấp cái tâm hư vô thành quả Không Vong (không ngơ), trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống đoạn diệt thứ sáu.

7. TÂM CỐ VỌNG:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, nếu ở nơi viên thường sanh lòng củng cố cái thân này, cho là thường trụ đồng với tánh ấy, mãi không tiêu diệt, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "Tham phi tham" (5), làm bạn với bọn A Tư Đà (chẳng ai bằng), tham cầu trường thọ, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là chấp trước mạng căn, lập cái nhân cố vọng (kiên cố cái vọng thân), cầu quả thường trụ, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống vọng diên thứ bảy (vọng diên: vọng muốn kéo dài).

8. TÂM TÀ TƯỞNG:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, xét thức ấm là mạng căn của các loài dung thông lẫn nhau, bỗng sợ tiêu diệt, muốn giữ lại trần lao, bèn ở chỗ đó ngồi cung liên hoa, hóa ra rất nhiều châu báu và mỹ nữ, buông lung tâm mình, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào cái chấp "chân vô chân" (cho vô chân là chân), làm bạn với cõi Tha Hóa Thiên, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là phát cái nhân tà tưởng, lập quả trần lao hưng thịnh, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống thiên ma thứ tám.

9. TÂM CẢM ỨNG:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông. Ở trong nguồn gốc của thức ấm, khởi tâm phân biệt tinh, thô, chân, ngụy, nhân quả trả nhau, chỉ cầu sự cảm ứng, trái ngược đạo thanh tịnh, chấp cái khổ, tập, diệt, đạo của Tứ Thánh Đế, cho là đến chỗ diệt rồi là xong, chẳng cầu tiến thêm, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào định tánh Thanh Văn, làm bạn với kẻ tăng thượng mạn như Tỳ Kheo Vô Văn, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm cảm ứng tinh vi, thành quả tịch diệt, trái xa viên thông, ngược đạo Niết Bàn, thành giống Triền Không thứ chín (Triền Không: bị ràng buộc ở chỗ Không).

10. TÂM ÂM THẦM:
Người tu thiền định, khi dứt được Hành Ấm, sanh diệt đã diệt, mà nơi tinh diệu của tịch diệt chưa được viên thông, ở nơi tánh giác minh, viên dung thanh tịnh, truy cứu sự thâm diệu, bèn chấp đó là Niết Bàn, chẳng cầu tiến thêm, sanh tâm thắng giải, thì bị đọa vào định tánh Bích Chi, làm bạn với những người Duyên Giác và Độc Giác, chẳng biết hồi tâm hướng về Đại Thừa, mê lầm tánh Bồ Đề, lạc mất tri kiến Phật. Ấy gọi là lập cái tâm âm thầm hợp với viên giác, thành cái quả trạm minh (6), trái xa viên-thông, ngược đạo Niết Bàn, sanh cái giác viên minh, thành giống Bất Hóa Viên thứ mười (Bất Hóa Viên: chấp vào nơi viên mà chẳng thế hóa giải được).

- A Nan! Mười thứ cảnh giới thiền định trên, giữa chừng thành điên, là do nương theo mê hoặc, ở nơi chưa cứu cánh chấp cho là đủ, ấy đều do thức ấm với dụng tâm giao tranh lẫn nhau mà hiện ra, chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này hiện tiền, mỗi mỗi đều dùng tâm mê chấp những tập quán ưa thích cũ của mình, cho là cứu cánh mà ngừng nghỉ tại đó, tự nói đã đầy đủ đạo Vô Thượng Bồ Đề, thành đại vọng ngữ, lạc vào tà ma ngoại đạo, khi hết nghiệp báo chiêu cảm, bị đọa ngục A Tỳ, còn hàng Thanh Văn Duyên Giác thì chẳng cầu tiến thêm. Các ông đã phát tâm theo đạo Như Lai, sau khi ta nhập diệt, nơi thời mạt pháp, phải đem pháp môn này truyền dạy cho đời sau, khiến tất cả chúng sanh đều rõ biết nghĩa này, chớ để cho kiến ma (tự chấp tri kiến của mình thành ma), tạo nghiệp chìm đắm, hộ trì cho họ dứt bỏ tà duyên, khiến thân tâm họ nhập tri kiến Phật, từ bắt đầu đến khi thành tựu chẳng bị lạc đường.

GIẢI NGHĨA:

(Còn tiếp)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]