Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Bài 12: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

22/12/201621:54(Xem: 4611)
Bài 12: Kinh Thủ Lăng Nghiêm

Phat Thich Ca-3
KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

GIẢI NGHĨA

Toàn Không

(Tiếp theo)

 

2). CHỈ CHỖ ĐIÊN ĐẢO

     Ngay đó, A Nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay đảnh lễ, quỳ gối bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Nếu cái tánh thấy nghe này thật chẳng sanh diệt, sao Thế Tôn lại nói chúng con lạc mất chân tánh, hành theo điên đảo? Xin Phật từ bi, rửa sạch trần cấu (1) cho chúng con.
     Tức thời, Như Lai duỗi cánh tay sắc vàng, ngón tay chỉ xuống, bảo với A Nan:
- Nay ông thấy tay ta là chánh hay đảo?
     A Nan đáp:
- Chúng sanh thế gian cho đây là đảo, mà con thì chẳng biết thế nào chánh, thế nào đảo.
     Phật bảo A Nan:
- Nếu người thế gian cho đây là đảo thì lấy gì làm chánh?
     A Nan đáp:
- Như Lai đưa cánh tay chỉ lên trời gọi là chánh.
     Phật liền giơ cánh tay lên, bảo rằng:
- Theo tánh thấy là chánh, theo cảnh trần là đảo; tánh thấy chẳng có chánh, đảo, cảnh trần mới có chánh, đảo, nay chẳng theo tánh thấy mà duyên theo cảnh trần, đã là một lớp điên đảo. Lại, theo lý lẽ thường, cánh tay chỉ xuống thuận theo thân là chánh, cánh tay chỉ lên nghịch với thân là đảo; nay người thế gian đầu đuôi đổi nhau, cho thuận là đảo, cho nghịch là chánh, thành điên đảo bội phần. Vậy đem thân ông so với pháp thân thanh tịnh của Như Lai thì được biết rõ, thân Như Lai gọi là Chánh Biến Tri (2), thân các ông gọi là tánh điên đảo (3). Ông hãy quán xét kỹ giữa thân ông và thân Phật, cái cho là điên đảo ấy, ở chỗ nào gọi là điên đảo?

 

GIẢI NGHĨA

(1) Trần cấu: Là dính mắc bụi bặm ô uế dơ bẩn, dính mắc và bị ràng buộc với những sai trái của thế gian.

(2) Thân của chánh biến tri: Là pháp thân thanh tịnh của Chư Phật, biết rõ tâm bao trùm cả vạn pháp trong pháp giới từ vô thủy đến vô chung.

(3) Thân của tánh điên đảo: Là thân tứ đại của chúng sinh, do bị năm ấm (sắc, thụ, tưởng, hành, thức) làm chướng ngại nên thấy biết sai lầm, chấp tâm ở trong thân, chấp pháp ở ngoài thân, thuận cho là nghịch, nghịch cho là thuận.

Khi đó, Tôn giả A Nan Đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy chắp tay đảnh lễ, quỳ gối thưa: “Nếu cái tánh thấy nghe này thật chẳng sinh diệt, sao Thế Tôn lại nói chúng con lạc mất chân tánh, hành theo điên đảo? Xin Phật từ bi, rửa sạch trần cấu cho chúng con”. Đến đây, mặc dù đã hiểu tính thấy nghe ngửi v.v… chẳng sinh diệt, nhưng Tôn giả A Nan Đà đại diện cho hàng chúng sinh phàm phu sinh khởi thắc mắc tại sao Thế Tôn lại quở “mọi người lạc mất chân tính, hành theo điên đảo là thế nào?
Tức thời, Như Lai duỗi cánh tay sắc vàng, bàn tay và các ngón tay chỉ xuống, rồi Ngài bảo với Tôn giả A Nan Đà: “Nay ông thấy tay ta là chính hay đảo?” Ở đây Đức Phật lấy cánh tay làm thí dụ cho dễ hiểu về sự khác biệt giữa chính và đảo, giữa đúng và sai, giữa phải và trái... của thế gian.
     Tôn giả đáp: “Chúng sanh thế gian cho đây là đảo, mà con thì chẳng biết thế nào là chính, thế nào là đảo”. Nghĩa là theo thế gian thì bàn tay chỉ xuống đất là đảo.
Đức Phật bảo Tôn giả: “Nếu người thế gian cho đây là đảo thì lấy gì làm chính?”
Tôn giả đáp: “Như Lai đưa cánh tay chỉ lên trời gọi là chính”. Nghĩa là theo người thế gian thì bàn tay chỉ lên trời là chính.

     Đức Phật liền giơ cánh tay lên, bảo rằng: “Theo tính thấy là chính, theo cảnh trần là đảo; tính thấy chẳng có chính có đảo, cảnh trần mới có chính có đảo, nay chẳng theo tính thấy mà duyên theo cảnh trần, đã là một lớp điên đảo”. Nghĩa là tính thấy chẳng có chính đảo, tính thấy không sinh diệt nên là chính, còn theo cảnh trần thì luôn luôn thay đổi nên là vô thường là phụ, chẳng phải chính, nên nó là đảo vậy.

Vì vậy cho nên Ngài giải thích: “Lại, theo lý lẽ thường, cánh tay chỉ xuống thuận theo thân là chính, cánh tay chỉ lên nghịch với thân là đảo; nay người thế gian đầu đuôi đổi nhau, cho thuận là đảo, cho nghịch là chính, thành điên đảo bội phần”. Chính ra chúng ta không nên chấp cho thế này là chính thế kia là đảo mà chỉ nên diễn tả đúng như nó là, thì sẽ bớt đi cái mà Đức Phật gọi là “điên đảo.

Đức Phật dạy: “Vậy đem thân ông so với pháp thân thanh tịnh của Như Lai thì được biết rõ, thân Như Lai gọi là thân Chính Biến Tri, thân các ông gọi là tính điên đảo; ông hãy quán xét kỹ giữa thân ông và thân Phật, cái cho là điên đảo ấy, ở chỗ nào gọi là điên đảo?”

     Chúng ta thấy pháp thân thanh tịnh tức diệu tâm sáng tỏ chân thật là gốc, thấy nghe tỉnh biết (kiến văn giác tri) tức là vật do diệu tâm hiện ra là ngọn; về gốc là chính, theo ngọn là đảo, ví như bọt nổi nơi biển, thì phải nhận biển là gốc là chính, nhận bọt là phụ là đảo.

     Khi Đức Phật hỏi Tôn giả A Nan Đà: “Ông thấy tay ta là chính hay đảo?” thì nên ở nơi tính thấy của mình thấy thế nào thì nói thế ấy, chẳng nên nơi tay Phật cho thế nào là chính, thế nào là đảo. Nếu dùng mắt để thấy tay Phật, lại ở nơi tay Phật để phân biệt chính hay đảo, ấy là duyên theo sáu thức, bỏ gốc theo ngọn, nên gọi là tính điên đảo.

     Để nắm vững vấn đề, xin giải thích thêm: khi đó nên ở nơi tính thấy, chẳng nên nơi tay của Phật cho thế nào là chính, thế nào là đảo theo ý của mình. Nghĩa là khi thấy cánh tay của Phật duỗi thẳng theo chiều thân Phật thì nhận ra liền là như thế, đây là nhận ra ngay gốc, không có tư tưởng ý nghĩ so sánh phân biệt gì cả, đó mới là chính. Chẳng nên ở nơi tay Đức Phật cho là ngược suôi do sự phân biệt so sánh, vì đây là do ý nghĩ là cái thay đổi sinh diệt, nên nói nó là ngọn chẳng phải gốc, chẳng phải là chính vậy.

 

3). TÂM PHAN DUYÊN VÀ TÍNH THẤY(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc
06/12/201704:21
Khách
Con đang đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm giải nghĩa. Kinh hay và người giải nghĩa cũng hay. Giúp con sáng được nhiều điều. Nhưng sao không thấy bài 13 và 14 ạ? Bài 12 xong đến bài 15. Con đang mong được học hết cái hay của kinh ạ. Xin các Thầy đăng lên giúp con ạ. Con cảm ơn!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567