Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

54. Kinh Tận Trí

19/03/201214:32(Xem: 8094)
54. Kinh Tận Trí

KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

54. KINH TẬN TRÍ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Câu-lâu-sấu[02], trú trong Kiếm-ma-sắt-đàm[03], đô ấp của Câu-lâu.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo rằng:

“Có tri, có kiến, mới có chứng đắc lậu tận, chứ không phải không tri, không kiến.

“Thế nào là có tri, có kiến mới chứng đắc lậu tận? Tri kiến như thật về sự Khổ liền chứng đắc lậu tận. Tri kiến như thật về Khổ tập, trikiến như thật về Khổ diệt và tri kiến như thật về Khổ diệt đạo liền chứng đắc lậu tận.

“Tận trí có tập[04] chứ không phải không tập. Tập của tận trí là gì? Giải thoát là tập.

“Giải thoát cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của giải thoát là gì? Vô dục là nhân.

“Vô dục cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của vô dục là gì? Yếm ly là tập.

“Yếm ly cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của yểm ly là gì? Thấy như thật, biết như chơn.

“Thấy như thật, biết như chơn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thấy như thật, biết như chơn là gì? Định là tập.

“Định cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của định là gì? Lạc là tập.

“Lạc cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lạc là gì? Chỉ là tập.

“Chỉ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chỉ là gì? Hỷ là tập.

“Hỷ cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hỷ là gì? Hân hoan là tập.

“Hân hoan cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của hân hoan là gì? Không hối hận là tập.

“Không hối hận cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của không hối hận là gì? Thủ hộ giới là tập.

“Thủ hộ giới cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ giới là gì? Thủ hộ các căn là tập.

“Thủ hộ các căn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thủ hộ các căn là gì? Chánh niệm chánh trí là tập.

“Chánh niệm chánh trí cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là tập.

“Chánh tư duy cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của chánh tư duy là gì? Tín là tập.

“Tín cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tín là gì? Quán pháp nhẫn là tập.

“Quán pháp nhẫn cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán pháp nhẫn là gì? Tụng đọc pháp là tập.

“Tụng đọc pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của tụng đọc pháp là gì? Thọ trì pháp là tập.

“Thọ trì pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của thọ trì pháp là gì? Quán nghĩa của pháp là tập.

“Quán nghĩa của pháp cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của quán nghĩa của pháp là gì? Lỗ tai[05] là tập.

“Lỗ tai cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của lỗ tai là gì? Nghe pháp thiện[06] là tập.

“Nghe pháp thiện cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của nghe pháp thiện là gì? Đi đến[07] là tập.

“Đi đến cũng có tập chứ không phải không tập. Tập của đi đến là gì? Phụng sự[08] là tập.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức, điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai không phụng sự thiện tri thức thì làm tổn hại tập của phụng sự. Nếu không phụng sự thì làm tổn hại tập của sự đi đến. Nếu không đi đến thì làm tổn hại tập của sự nghe pháp thiện. Nếu không nghe pháp thiện thì làm tổn hại tập của lỗ tai. Nếu không có lỗ tai thì làm tổn hại tập của sự quán nghĩa của pháp. Nếu không quán nghĩa của pháp thì làm tổn hại tập của thọ trì pháp. Nếu không thọ trì pháp thì làm tổn hại tập của tụng đọc pháp. Nếu không tụng đọc pháp thì làm tổn hại cái nhân quán pháp nhẫn. Nếu không quán pháp nhẫn thì làm tổn hại tập của của tín. Nếu không có tín thì làm tổn hại tập của chánh tư duy. Nếu không chánh tư duy thì làm tổn hại tập của chánh niệm chánh trí. Nếukhông chánh niệm chánh trí thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ các căn.Nếu không thủ hộ các căn thì làm tổn hại tập của sự thủ hộ giới, sự không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, thấy như thật, biết như chơn, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu không giải thoát thì làm tổn hại tập của tận trí.

“Nếu ai phụng sự thiện tri thức thì điều gì chưa nghe liền được nghe, điều gì đã nghe liền được bổ ích.

“Như vậy, nếu ai phụng sự thiện tri thức thì có tập[09]phụng sự. Nếu đã phụng sự thì có tập đi đến. Nếu đã đi đến thì có tập nghe pháp thiện. Nếu đã nghe pháp thiện thì có tập lỗ tai. Nếu có lỗ taithì có tập quán nghĩa của pháp. Nếu đã quán nghĩa của pháp thì có tập thọ trì pháp. Nếu đã thọ trì pháp thì có tập tụng đọc pháp. Nếu đã đọc tụng pháp thì có tập quán pháp nhẫn. Nếu đã quán pháp nhẫn thì có tập tín. Nếu đã có tín thì có tập chánh tư duy. Nếu đã có chánh tư duy thì có tập chánh niệm chánh trí. Nếu đã chánh niệm chánh trí thì có tập thủ hộ các căn, thủ hộ giới, không hối hận, hân hoan, hỷ, chỉ, lạc, định, tri kiến như thật, yếm ly, vô dục, giải thoát. Nếu đã giải thoát thì có tập tận trí”.

Phật thuyết như vậy. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Không thấy Pāli tương đương. Tham chiếu các Kinh42, 51-53.
[02] Câu-lâu-sấu 拘 樓 瘦. Pāli: Kurusu giữa những người Kuru, tên bộ tộc, cũng là tên nước.
[03] Kiếm-ma-sắt-đàm 劍 摩 瑟 曇. Pāli: Kammāsadhamma.
[04]Xem cht.5, Kinh 51trên.
[05] Nhĩ giới 耳 界.
[06] Thiện pháp 妙 法, đây muốn nói là diệu pháp hay chánh pháp.
[07] Hán: vãng nghệ 往 詣. Pāli?
[08] Phụng sự 奉 事. Pāli: sevanā, thân cận, phụng sự.
[09] Tập, đây được hiểu là duyên, tức dẫn đến, hay làm điều kiện cho. Tham chiếu Kinh55dưới.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]