Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

24. Kinh Sư Tử Hống

09/03/201215:24(Xem: 7653)
24. Kinh Sư Tử Hống
KINH TRUNG A-HÀM
Hán dịch: Phật Đà Da Xá và Trúc Phật Niệm
Việt dịch và hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ
Sài gòn 2002

24. KINH SƯ TỬ HỐNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ trong rừng Thắng lâm vườn Cấp cô độc.

Bấy giờ, Thế Tôn cùng với chúng Đại Tỳ-kheo an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Tôn giả Xá-lê Tử cũng an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ. Lúc ấy Tôn giả Xá-lê Tử an cư mùa mưa tại nước Xá-vệ xong, đã trải qua ba tháng, sau khi vá sửa các y rồi, liền xếp y ôm bát đến chỗ Đức Phật, cúiđầu đảnh lễ dưới chân Phật, lui qua một bên rồi thưa rằng:

“Bạch Thế Tôn, con an cư mùa mưa ở nước Xá-vệ vừa xong. Bạch Thế Tôn, bây giờ con muốn du hành trong nhân gian”.

Đức Phật nói rằng:

“Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi đến nơi nào theo ý muốn. Những người nào chưa được hóa độ hãy khiến cho được hóa độ. Những người nào chưa được giải thoát hãy khiến cho họ được giải thoát. Những người nào chưa chứng Niết-bàn hãy cho chứng đắc Niết-bàn. Này Xá-lê Tử, Thầy hãy đi đếnnơi nào theo ý muốn”.

Rồi thì, Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe những lời Phật nói, ghi nhớ kỹ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh ba vòng, rồi lui ra, trở về phòng riêng, dọn dẹp giường ghế, xếp y, ôm bát, ra đi du hành trong nhân gian.

Sau khi Tôn giả Xá-lê Tử ra đi chẳng bao lâu, có một vị phạm hạnh ở trước Đức Phật phạm vào pháp tương vi[02], vị ấy bạch Thế Tôn:

“Hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con rồi đi du hành trong nhân gian”.

Đức Thế Tôn nghe rồi, bảo một vị Tỳ-kheo rằng:

‘Ngươi hãy tìm đến chỗ Xá-lê Tử, bảo với Xá-lê Tử rằng: ‘Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Ta phạm pháp tương vi, nói thế này: Bạch Thế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’.”

Vị Tỳ-kheo kia sau khi vâng lời Đức Phật dậy, liền từ chỗ ngồi đứùng dậy, đảnh lễ Đức Phật rồi ra đi. Bấy giờ Tôn giả A-nan đứng sau Đức Thế Tôn, đang cầm quạt hầu Đức Phật.

Sau khi vị Tỳ-kheo kia đi chẳng bao lâu, Tôn giả A-nan liền cầm chìa khóa cửa, đi đến khắp các phòng, gặp các vị Tỳ-kheo nào cũng nói như thế này:

“Lành thay, chư tôn mau đến giảng đường. Vì hôm nay Tôn giả Xá-lêTử sẽ đứng trước Đức Phật mà rống tiếng sư tử. Những gì mà Tôn giả Xá-lê Tử nói ra đều sâu xa, tịch tịnh ở trong tịch tĩnh, vi diệu ở trongvi diệu. Những lời như vậy sau khi các vị và tôi nghe được rồi, nên khéo tụng tập, nên khéo ghi nhớ”.

Lúc ấy, các Tỳ-kheo nghe Tôn giả A-nan nói như vậy, tất cả đều đến giảng đường.

Bấy giờ vị Tỳ-kheo kia đến chỗ Tôn giả Xá-lê Tử thưa rằng:

“Đức Thế Tôn gọi thầy rằng, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ở trước Đức Thế Tôn, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘BạchThế Tôn, hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hànhtrong nhân gian’.”

Bấy giờ Tôn giả Xá-lê Tử sau khi nghe như vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ rồi lui sang một bên. ĐứcPhật liền bảo rằng:

“Này Xá-lê Tử, sau khi thầy đi không bao lâu có một vị phạm hạnh ởtrước Ta, phạm pháp tương vi, nói thế này: ‘Bạch Thế Tôn hôm nay Tôn giả Xá-lê Tử sau khi khinh mạn con, rồi đi du hành trong nhân gian’. NàyXá-lê Tử, có thật sau khi khinh mạn một vị phạm hạnh rồi thầy đi du hành trong nhân gian chăng?”

Tôn giả Xá-lê Tử bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, nếu người nào không có niệm thân trên thân[03]thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như một con trâu gãy sừng[04],rất nhường nhịn, hiền lành, dễ sai khiến, dễ chế ngự. Nó từ thôn này điđến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác; những nơi nó đi qua, không có gì bị xâm phạm. Bạch Thế Tôn, con cũng vậy. Tâm con như con trâu gãy sừng, không kết, không oán, không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đidu hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, như con của một người Chiên-đà-la[05]bị chặt hai tay, tâm ý rất thấp hèn. Nó từ thôn này đi đến thôn khác, từ xóm này đi đến xóm khác, những nơi nó đi ngang qua không có gì bị xâmphạm. Bạch Thế Tôn con cũng như thế. Tâm con như con của một người Chiên-đà-la bị chặt hai tay, không kết, không oán, không sân nhuế, khôngnão hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởisự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi duhành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như dòng nước rửa sạch tất cả các đồ sạch, đồdơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Nước ấy không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như nước kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếuai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thântrên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn lửa đốt cháy tất cả các đồ sạch, đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Lửa không vì thế mà có sựyêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như lửa kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập,biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnhrồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như ngọn gió thổi bay đi đồ sạch đồ dơ, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Gió cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. BạchThế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như gió kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biếnmãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không cóniệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cây chổi quét sạch đồ dơ, đồ sạch, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Chổi vẫn không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. BạchThế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như cây chổi kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập,biến mãn tất cả thế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnhrồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái Bô-chiên-ni[06],chùi lau tất cả các đồ dơ đồ sạch, đại tiện tiểu tiện, nước mũi nước miếng, cái Bô-chiên-ni cũng không vì thế mà có sự yêu ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, cũng không thẹn. Bạch Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như Bô-chiên-ni kia, không ghét, không oán, cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cảthế gian, thành tựu và an trụ. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như cái bình đựng dầu[07]nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mỡ rồi để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Nếu người có mắt đứng bất cứ nơi nào, sẽ thấy bình mở, nứt nẻ nhiều chỗ, đựng đầy mở rồi để dưới ánh mặt trời, chảy rỉ khắp, thắm ướt tất cả. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế. Con thường quán sát thân này có chín lỗ, đồ bất tịnh chảy rỉ khắp, thấm ướt khắp. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạm hạnh rồi đi duhành trong nhân gian?

“Bạch Thế Tôn, cũng như một người ưa thích tuổi thiếu niên của mình, tắm gội sạch sẽ, xông thân thể bằng hương thoa, mặc áo trắng, đeo vòng ngọc để trang sức; cạo râu, sửa tóc, đầu đội tràng hoa; nếu đem ba xác chết mà quấn quanh nơi cổ họng; xác rắn chết, xác người chết, xác chó chết, máu ứ bầm xanh, sình trướng to lên, rất thối tha, rửa nát, nước nhớp chảy tràn. Người ấy sẽ ôm lòng hổ thẹn, rất ghét đồ dơ uế đó. Bạch Thế Tôn, con cũng như thế; thường quán sát những chỗ thối tha khôngsạch sẽ trong thân này, tâm ôm lòng hổ thẹn, rất ghét vật nhơ uế đó. Bạch Thế Tôn, nếu ai không có niệm thân trên thân thì người ấy mới khinhmạn một vị phạm hạnh rồi đi du hành trong nhân gian. Bạch Thế Tôn, con khéo có niệm thân trên thân, vì sao con lại khinh mạn một vị phạmhạnh rồi đi du hành trong nhân gian?”

Lúc bấy giờ vị Tỳ-kheo kia liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi đầu lễ sát chân Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, con xin sám hối. Bạch Thiện Thệ, con xin sám hối. Con như ngu, như si, như người bất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì con đã đem lời dối trá để vu khống Tỳ-kheo Xá-lê Tử, là bậc phạmhạnh thanh tịnh. Bạch Thế Tôn, con nay xin sám hối tội lỗi, mong Ngài chấp nhận cho, nếu con đã phát lồ rồi thì sẽ không còn tạo tội nữa”.

Đức Thế Tôn bảo rằng:

“Quả thật vậy, này Tỳ-kheo. Ngươi thật như ngu, như si, như ngườibất định, như người bất thiện. Vì sao thế? Vì ngươi đã đem lời dối trá hoàn toàn không chân thật để vu khống Tỳ-kheo Xá-lê Tử phạm hạnh thanh tịnh. Ngươi có thể sám hối tội lỗi, đã phát lồ rồi sau này sẽ không còn tạo tội nữa. Nếu có người nào sám hối tội lỗi đã phát lồ rồi, sau này không còn tạo tội nữa, như thế sẽ được trưởng thành trong Thánh pháp luật mà chẳng bị suy giảm”.

Thế rồi Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lê Tử rằng:

“Thầy nên mau nhận sự sám hối tội lỗi của người ngu si kia, chớ để Tỳ-kheo ấy lập tức ở trước thầy mà đầu bị vỡ thành bảy mảnh”.

Tôn giả Xá-lê Tử vì thương xót Tỳ-kheo kia nên liền nhận sự sám hối tội lỗi.

Đức Phật thuyết như vậy. Tôn giả Xá-lê Tử và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01] Tương đương Pāli: A.IX.11. Vūttha (Sīhanāḍa-Sutta đề theo ấn bản Devanagari).
[02] Hán:phạm tương vi pháp 犯 相 違 法. Có lẽ Pāli: khīyadhammu āpanna (āpajjati): rơi vào trạng thái ưu uất; đang cơn bất bình. Đây chỉ Tỳ-kheo kia đang có điều bất mãn hay oán hận ngài Sāriputta.
[03] Hán:thân thân niệm 身 身 念. Pāli: kāye kāyagatā-sati anupaṭṭhitā, chánh niệm về thân hành (các động thái của thân) được xác lập trên thân.
[04] Hán: tiệt giác ngưu 巀 角 牛. Pāli: usabho chinnavisāṇo, con trâu chúa (trâu đực) mà cặp sừng đã bị cắt.
[05] Hán: Chiên-đà-la 旃 陀 羅, người thuộc giai cấp cùng đinh. Pāli: caṇḍāla.
[06] Hán:bô-chiên-ni 晡 旃 尼. Pāli: puñchanī, cái giẻ lau.
[07] Hán:cao bình 膏 瓶. Pāli: medakathālikaṃ; bình (hủ) đựng dầu hay mỡ để nấu ăn.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com