Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

31. Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt

17/05/202014:21(Xem: 2430)
31. Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt

TAM TẠNG THÁNH KINH PHẬT GIÁO

TẠNG KINH (NIKÀYA)
Thi Hóa
TRƯỜNG BỘ KINH
(Dìgha Nikàya)
Tập III
Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU
Dịch sang tiếng Việt từ Tam Tạng Pàli
Chuyển thể Thơ: Giới Lạc MAI LẠC HỒNG
NHÀ XUẤT BẢN PHƯƠNG ĐÔNG PL. 2555 - DL 2010


31. Kinh GIÁO THỌ   THI-CA-LA-VIỆT

( Singàlovàda-sutta )

 

Như vậy, tôi nghe :

 

 1.       Một thời nọ Thế Tôn Giác Giả

          An trú tại Ra-Chá-Ga-Ha (1)

              Tức Vương-Xá Thành an hòa

       Trúc Lâm – Vê-Lú-Va-Na (2) tu trì

          Ka-Lanh-Đá-Ka-Ni-Va-Pá  (3)

          Địa phương cách Vương-Xá không xa.

 

              Lúc ấy , Sinh-Ga-La-Ka  (4) 

     ( Thi-Ca-La-Việt ), con Gia chủ lành

          Dậy sớm, ra khỏi thành Vương-Xá 

          Tẩm ướt cả đầu tóc, áo quần

              Chấp tay đảnh lễ Lục phương

       Đông, Tây, Nam, Bắc cũng dường Dưới, Trên.

      

 2.      Khi vầng dương chưa lên, còn mát

          Đức Thế Tôn mang bát, đắp y

              Vào Vương Xá như mọi thì

       Pháp chế khất thực hành trì độ tha.

          Lúc bấy giờ, vị Gia-chủ-tử

    _______________________________

  (1) : Thành Vương Xá – Ràjagaha  thuộc vương quốc  Magadha

     (Ma-Kiệt-Đà) của vua Bimbisara và vua A-Xà-Thế (Ajàtasattu).

 (2) :Trúc Lâm Tinh Xá – Veluvana Vihàra , là ngôi Tinh Xá đầu

    tiên, do vua Bimbisara (Tần-Bà-Sa-La hay Bình Sa Vương) dâng

    cúng cho Đức Phật sau khi Ngài thành đạo .

 (3) : Địa danh Kalandakanivàpa  (nơi tìm ăn của loài sóc) .

 (4) : Thanh niên  Singàlaka – Thi-ca-la-việt (Thiện Sinh) . 

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  256

 

          Đã dậy sớm và tự đi ra                           

              Khỏi thành Ra-Chá-Ga-Ha

       Áo và tóc ướt như là té mương

          Chấp tay lễ lục phương tất cả

          Phương Thượng, Hạ, Nam, Bắc, Tây, Đông

              Thấy như vậy, đức Thế Tôn      

       Dừng lại, cất tiếng ôn tồn hỏi qua :

 

    – “ Gia-chủ-tử  Sinh-Ga-La-Ká !

          Nguyên do nào ngươi đã thực hành

              Lễ báo Lục Phương chí thành ?

       Với thân đẫm ướt, ngọn ngành do đâu ? ”.

 

    – “ Bạch Thế Tôn ! Do vào di huấn

          Cha con muốn con phải thực hành

              Lễ bái Lục Phương chí thành

       Với thân đẫm ướt, ra thành tại đây

          Nên hằng ngày con đều thực hiện

          Nhưng không biết ý nghĩa sâu xa ”.

 

        – “ Này Gia-chủ-tử ! Thật ra

       Trong Pháp bậc Thánh khác xa như vầy.

          Phải hiểu ngay sâu xa ý nghĩa

          Việc lễ bái sáu phía  –  lục phương ”. 

       

        – “ Bạch Ngài ! Xin giảng tỏ tường

       Trong Pháp bậc Thánh đã thường dạy ra.

          Thế nào là sáu phương lễ bái ?

          Và con phải đảnh lễ thế nào ?

              Lành thay, Phật pháp thâm sâu !

       Xin Thế Tôn hãy giảng vào pháp thâm ”.

 

    – “ Gia-chủ-tử ! Lắng tâm nghe kỹ !

          Và suy nghiệm nghĩa lý sâu xa ”.

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  257

 

        – “ Thưa vâng , bạch Đức Phật-Đà ! ”.

 

       Thế rồi Đức Phật từ hòa giảng ra :

      

 3. –“ Này Sinh-Ga-Lá-Ka ! Điều chánh

          Với vị Thánh đệ tử suy tư

              Bốn nghiệp phiền não diệt trừ

       Không làm ác hạnh do từ lý do

          Không theo sáu nguyên do phung phí

          Để tài sản khỏi bị tiêu hao

 

              Mười bốn ác pháp kể vào

       Thảy đều từ bỏ, để sau trở thành

          Người che chở an lành sáu hướng

          Đã thực hành, ma chướng diệt mau

              Chiến thắng đời này, đời sau

       Sau khi thân hoại, sinh vào cõi Thiên.

      

          Thế nào là hiện tiền bốn nghiệp

          Thuộc phiền não, đã diệt trừ nhanh ?

              Là nghiệp phiền não sát sanh,

       Phiền não trộm cắp, nghiệp danh sai lầm

          Nghiệp phiền não tà dâm, nói láo

          Cả bốn nghiệp phiền não diệt trừ ”.

 

              Thế Tôn thuyết giảng an như

       Sau đó thì bậc Đại Từ giảng thêm :

 

 4. “ Sát sanh, trộm cắp, tà dâm

        Nói láo ; cả bốn nghiệp thâm não phiền

        Kẻ trí không thích đảo điên

        Không hề tán thán nghiệp duyên tồi tàn ”.

 

 5.      Thế nào là không làm ác nghiệp ?

          Bốn lý do liên tiếp thành hình :

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  258

 

          –  Nghiệp làm do Tham dục sinh,

   –  Làm do Sân hận của mình khởi đi,

      –  Ác nghiệp làm do Si ngu mãi,   

      –  Ác nghiệp làm do hãi sợ sinh.

              Vị Thánh đệ tử tâm bình

       Vì không tham dục, tự mình không sân

          Không ngu si, không phần sợ khác

          Không làm ác theo bốn nguyên nhân.

 

              Thế Tôn thuyết giảng thiết thân

       Giảng xong, Ngài lại ân cần nói ra :    

 

 6.  “ Ai phản Chánh pháp sâu xa

        Vì sân, si, bố cùng là tham gian

        Thanh danh sứt mẻ, dở dang

        Như trăng đêm khuyết, lại màn mây che.

        Không phản Chánh pháp mọi bề

        Không sân, si, bố, không hề tham gian

        Thanh danh tròn đủ, vinh quang

        Như trăng tròn trịa sáng choang đêm rằm.   

 

 7.       Gia-chủ-tử ! Lắng tâm nghe thấu :

          Thế nào không theo sáu nguyên nhân

              Phung phí tài sản dần dần ?

 

   –  Đam mê về rượu, nguyên nhân kể đầu,

      –  Du hành vào phi thời mọi chỗ

          Trên đường phố, nguyên cớ thứ hai.

          –  La cà hí viện  &  bạc bài

       Hai nguyên nhân khác khiến tài sản tiêu.

      –  Thứ năm, điều giao du bạn ác,

      –  Thói trây lười, biếng nhác tối ngày.

              Những kẻ phung phí sản tài

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  259

 

       Sáu nguyên nhân đó thường hay hướng về.

 

 8.       Gia-chủ-tử ! Đam mê về rượu           

          Sáu nguy hiểm do rượu như vầy :              

          –  Tài sản tổn thất hiện ngay,

   –  Đấu tranh tăng trưởng,  –  Bệnh hay dễ vào,

      –  Lộ âm tàng, tổn hao danh dự, 

      –  Trí lực tự tổn hại ê chề.

         

              Các loại rượu mãi đam mê

       Có sáu nguy hiểm nặng nề như trên.

 

 9.       Gia-chủ-tử ! Phải nên hiểu rõ :

          Thường du hành đường phố phi thời

              Có sáu nguy hiểm mọi nơi :

   –  Tự mình không được kịp thời chở che,

      –  Vợ con, khó chở che cho họ,

      –  Tài sản khó bảo vệ, chở che,

          –  Bị nghi thủ phạm thuộc về 

       Các ác sự xảy ra kề bản thân,

      –  Là nạn nhân tin đồn thất thiệt,

      –  Rước vào thân oan nghiệt khổ thôi !

 

              Du hành đường phố phi thời

       Có sáu nguy hiểm như lời của Ta.

 

10.      Gia-chủ-tử ! La cà đám nhậu

          Hoặc hý viện, có sáu hiểm nguy :

              Luôn luôn tìm xem những gì ?

   –  Xem chỗ nào có hiện thì múa, ca

      –  Chỗ nào có nhạc và tán tụng

      –  Có nhạc tay, có trống xập xình.

 

              La cà hý viện, trà đình

       Có sáu nguy hiểm phát sinh ê chề.

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  260

 

11.      Gia-chủ-tử ! Đam mê cờ bạc

          Sáu nguy hiểm là các điều như :

          –  Nếu thắng thì sinh oán thù,

   –  Nếu thua sầu khổ, tâm tư muộn phiền,

      –  Tài sản bị hiện tiền tổn thất,

      –  Trước đám đông, lời mất người tin,

          –  Đồng liêu, bằng hữu miệt khinh

   –  Khó cưới được vợ nếu mình độc thân

          Vì tự thân không còn tín nhiệm,

          Mê cờ bạc nguy hiểm như vầy.

 

12.          Gia-chủ-tử ! Sáu điều này

       Thân cận ác hữu nguy ngay rõ, rành :

      –  Kẻ ‘cờ bạc’, ‘loạn hành’, ‘bạo động’,    

      –  Kẻ ‘trá ngụy’, ‘nghiện ngập’, ‘gạt lường’,

              Là những thân hữu bất tường

       Người gần bạn ác gặp thường hiểm nguy.

 

13.      Gia-chủ-tử ! Quen đi tánh xấu

          Thói lười biếng – có sáu hiểm nguy :

              Không chịu làm việc, nại vì :

      ‘Quá nóng’ , ‘quá lạnh’ hoặc vì ‘quá no’

          Vì ‘quá đói’ hoặc do ‘quá trễ’,

          Giờ ‘quá sớm’ nên để từ từ.

              Cái tính biếng nhác khư khư

       Việc đáng thực hiện, lừ đừ bỏ qua.

          Tài sản nhà hoàn toàn chưa có

          Không tạo dựng ; để đó chẳng màng.

              Tài sản có rồi tiêu tan.

       Sáu nguy hiểm của người hằng lười trây.

 

          Đức Thế Tôn trình bày, thuyết giảng

          Rồi Đạo Sư lại giảng thêm ngay :

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  261

 

14. “ Bạn rượu’ , được gọi như vầy

        Hay ‘bạn bằng miệng’, vẽ bày viễn vông.

        Bạn lúc hữu sự hết lòng

        Mới là thiện hữu xứng đồng đan tâm.

        Ngủ ngày, vợ người thông dâm

        Lại ưa tranh đấu, hại tâm sẵn sàng.

        Thân với ác hữu, tham gian

        Sáu sự não hại rõ ràng thấy ngay

        Ác hữu - bạn lữ ác này

        Ác hạnh, hành xử ác đầy mưu sâu

        Đời này và cả đời sau

        Là người bị hại, đáo đầu không xa.

        Thường cờ bạc và đàn bà,

        Rượu chè, múa, nhạc, hát ca vang trời,

        Du hành khuya khoắc phi thời,

        Sáu sự não hại cho người dễ duôi.

        Theo đuổi đàn bà vợ người

        Uống rượu, chơi xúc xắc nơi bạc bài

        Thân kẻ hạ tiện, hại thay !

        Không gần bậc trí, điều này đáng tôn,

        Người ấy đã tự héo hon

        Như trăng bị khuyết, không tròn, mãn viên

        Rượu chè, không có bạc tiền

        Tửu điếm tìm đến, nghiện ghiền khát khao

        Chìm trong nợ nần lún sâu

        Như chìm bồn nước không sao chống kình.

        Mau chóng tự mình hại mình

        Như kẻ bị mất gia đình, buồn thay !

        Ai quen thói xấu ngủ ngày

        Đêm trường thức trọn đó đây la cà

        Luôn luôn say khướt - nhảm la

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  262

 

        Ai người dám lấy y ta làm chồng ?

        Còn ai hay than viễn vông :

       ‘Trời đang quá lạnh, chẳng mong làm gì.  

        Quá nóng, quá sớm – làm chi ! 

        Bây giờ quá trễ, thôi thì nghỉ thôi !

        Bỏ bê công việc chẳng rồi,

        Bỏ qua lợi ích, thả trôi tốt lành

        Trôi dạt cuối bể đầu ghềnh

        Những ai lạnh, nóng chẳng sanh phiền rầu

        Nhẹ nhàng hơn ngọn cỏ lau

        Làm mọi công chuyện trước sau của mình

        Hạnh phúc không từ bỏ mình

      ( Thoát mọi nguy hiểm, gia đình vinh hoa )”.

 

15.      Gia-chủ-tử ! Người ta bốn hạng    

          Không nên xem là bạn thân tình

              Dầu tự cho là bạn mình :

   –  Người tham, tánh xấu phát sinh vô nghì

          Gặp vật gì của người cũng lấy

          Hạng người ấy không thể giao du.

          –  Người nói giỏi, miệng trơn tru

       Không thể làm bạn cho dù ra sao.

      –  Những người nào khéo tài nịnh hót

          Thì không tốt làm bạn với ta.

          –  Những người xa xỉ tiêu pha

       Không nên làm bạn, tránh xa người này.

 

16.    “ Gia-chủ-tử ! Như vầy có bốn

          Trường hợp người tham vốn hay xin

              Phải xem không phải bạn mình

       Dầu tự xưng bạn với mình nhiều khi.

      –  Trường hợp người vật gì cũng lấy,

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  263

 

      –  Hễ cho ít thì lại xin nhiều,

          –  Vì sợ mà thuận theo chiều,

   –  Làm vì mưu lợi, mục tiêu vì mình.

          Bốn trường hợp được trình bày ấy

          Phải được xem không phải bạn mình

              Dầu tự cho là bạn mình,

       Này Gia-chủ tử ! Phải đình chỉ thôi !

 

17.      Người chỉ biết khua môi múa mép

          Chỉ nói giỏi để đẹp lòng người

              Với hạng người này ở đời

       Không xem là bạn mọi thời mọi phương

          Bốn trường hợp phải tường về họ :

      –  Thường tỏ lộ thân tình việc qua,

          –  Tỏ thân tình việc còn xa

   –  Với lời sáo ngữ nói ra tự mình

          Để mua chuộc cảm tình bạn lữ,

      –  Tự tỏ sự bất lực của mình

              Khi có công việc phát sinh.

       Hạng người như vậy phải đình giao du.

 

18.      Gia-chủ-tử ! Giao du không tốt

          Bốn trường hợp nịnh hót, không ngay

              Đừng nên làm bạn kẻ này

       Dầu tự xưng bạn, nhưng đầy gian manh :

      –  Thường đồng ý ác hành thực hiện,

      –  Không đồng ý thực hiện việc lành,

          –  Trước mặt tán thán liên thanh,   

   –  Sau lưng chỉ trích tanh bành chẳng kiêng.

          Kẻ nịnh hót không nên làm bạn

          Dầu tự cho là bạn như vầy.

 

19.          Này Gia-chủ-tử ! Nghe đây

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  264

 

       Có bốn trường hợp thường ngày gặp qua 

          Là hạng người tiêu pha xa xỉ

          Không phải bạn, dầu ý họ cần :

          –  Bạn khi mê rượu kết thân,

   –  Bạn khi dạo phố tối tăm phi thời,

      –  Bạn khi gặp ở nơi hí viện, 

      –  Bạn tương kiến tại chỗ bạc bài.

              Như vậy bốn trường hợp đây

       Tiêu pha xa xỉ, tránh ngay người này.

 

          Đức Thế Tôn trình bày, thuyết giảng

          Rồi Đạo Sư lại giảng thêm ra :

 

20. “ Gặp gì cũng lấy không tha,

        Chỉ biết nói giỏi, ba hoa lắm điều,

        Nói lời nịnh hót mỹ miều,

        Tiêu pha xa xỉ bao nhiêu chẳng vừa.

        Cả bốn hạng người phải ngừa

        Không nên kết bạn, dây dưa làm gì !

        Người trí biết, tránh tức thì

        Như đường sợ hãi, hiểm nguy tránh liền ”.

 

21.      Gia-chủ-tử ! Còn riêng về mặt

          Bốn loại bạn chân thật nên gần :

          –  Người bạn giúp đỡ khi cần,

   –  Người bạn chung thủy dù rằng khổ, vui,

      –  Bạn không nguôi khuyên điều ích lợi,

      –  Bạn có lòng nghĩ tới vì thương,

              Bốn loại bạn ấy, hiểu tường

       Là bạn chân thật, nên thường giao du.

 

22.      Gia-chủ-tử ! Khởi từ ở chỗ

          Bốn điều người giúp đỡ bạn thân :

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  265

 

          –  Khi bạn vô ý lỗi lầm

       Che chở cho bạn an tâm sửa mình,

      –  Khi thấy bạn vô tình phóng dật

          Bảo vệ tất của cải bạn mình,

          –  Khi bạn có sự hãi kinh

       Là nơi nương tựa, bạn mình an thân,

      –  Khi bạn có việc cần giúp đỡ

          Giúp của cải gấp cỡ hai lần

              Những gì mà bạn đang cần.

       Bốn trường hợp đó, kết thân bạn này.

 

23.      Gia-chủ-tử ! Ở đây Ta giảng

          Bốn trường hợp người bạn thủy chung

              Trong vui sướng hay khốn cùng

       Là bạn chân thật, tao phùng mến yêu :

      –  Nói cho bạn biết điều bí mật,

      –  Giữ gìn kín bí mật bạn mình,

          –  Vì bạn, có thể hy sinh,

   –  Không bỏ bạn gặp tình hình khó khăn.

          Bốn trường hợp bạn hằng chung thủy     

          Là bạn quý, chân thật đáng gần.

 

24.          Có bốn trường hợp bạn thân

       Khuyên điều lợi ích, bạn chân thật này :

      –  Ngăn chận bạn xa ngay điều ác,

      –  Khuyến khích bạn làm các việc hiền,

          –  Chỉ bạn con đường lên Thiên,

   –  Cho bạn biết được điều tuyền chưa nghe.    

          Khi người bạn khuyên về ích lợi

          Là chân thật bạn với ta cần.

 

25.          Có bốn trường hợp kể dần 

       Là bạn thương tưởng, bạn chân thật này :

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  266

 

      –  Buồn rầu khi không may đến bạn

          Gặp xui rủi hoạn nạn, họa tai,

          –  Hoan hỷ khi bạn gặp may,

   –  Ai nói xấu bạn, chận ngay tức thì,

      –  Ai tán thán bạn thì khuyến khích.

     

          Người thương tưởng lợi ích bạn mình

              Là bạn chân thật đáng tin.

 

       Giảng xong, Phật lại cao minh nói rằng :

 

26. “ Người bạn giúp đỡ sẵn sàng

        Là bạn vui, khổ hoàn toàn thủy chung

        Khuyến khích lợi ích vô cùng

        Có lòng thương tưởng, bao dung tỏ bày

        Bốn loại bạn chân thật này

        Người trí phục vụ họ ngay tận tình.

        Như mẹ đối với con mình

        Người trí giới luật giữ gìn nghiêm sâu

        Sáng như lửa rực đồi cao .

        Tích trữ tài sản, người nào hiểu thông

        Như con ong trữ mật ong,

        Tài sản như  ụ  mối xông cao vời

        Người cư xử như vậy thời

        Chất chứa tài sản vào nơi giữ gìn

        Đủ lợi ích cho gia đình

        Nên chia tài sản của mình làm tư :

        Một phần, mình hưởng từ từ,

        Hai phần sử dụng công, tư hằng ngày,

        Một phần tư, để dành đây

        Phòng khi khốn khó có ngay để dùng.  

 

* * *

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  267

 

27.      Gia-chủ-tử ! Nội dung tư tưởng

          Thánh đệ tử sáu hướng hộ trì.

              Lục phương cần hiểu là gì ?

   –  Phương Đông được hiểu hai vì mẹ cha,

      –  Phương Nam cần hiểu là Sư trưởng,

      –  Phương Tây hiểu là hướng vợ con,

          –  Phương Bắc : bạn bè sắt son,

   –  Phương Dưới : tôi tớ vẫn còn giúp ta, 

      –  Phương Trên là Sa-môn, Phạm-chí.

          Sáu bổn phận phải nghĩ đến luôn. 

 

28.          Gia-chủ-tử ! Đạo nhân luân

       Có năm trường hợp theo tuần tự đây

          Người con phải hằng ngày phụng dưỡng

          Cha mẹ mình đúng hướng hiếu tình :

          –  Cha mẹ đã nuôi dưỡng mình

       Nay phải phụng dưỡng tận tình mẹ cha,

      –  Tròn bổn phận với cha với mẹ,

      –  Giữ truyền thống hiếu để, gia phong,

          –  Bảo vệ tài sản tổ tông

       Đã được thừa kế, một lòng phát huy,

      –  Và đến khi mẹ cha tạ thế   

          Lo tang lễ, hồi hướng phước lành.

 

              Này Gia-chủ-tử ! Ngọn ngành

       Bổn phận cha mẹ sẵn dành với con      

          Khi được con lo toan phụng dưỡng

          Phải thương tưởng, năm cách thực thi :

          –  Ngăn con làm ác tức thì,

   –  Khuyến khích con những hành vi thiện lành,

      –  Dạy con học cho rành nghề nghiệp,

      –  Dựng vợ chồng hòa hiệp xứng nơi,  

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  268

 

          –  Cho con thừa tự đúng thời.

       Là năm bổn phận của đời mẹ cha.

          Như vậy thì phương Đông được hiểu

          Là đạo hiếu đối với mẹ cha,

              Là phương che chở an hòa

       Khỏi mọi sợ hãi, thoát ra bất tường.

 

29.      Gia-chủ-tử ! Nam phương hướng tới

          Có năm cách đối với Thầy, như :

          –  Đứng dậy chào kính Tôn Sư,

   –  Hầu hạ Sư trưởng chẳng từ khó khăn,

      –  Phải siêng năng học hành đầy đủ,

      –  Tự phục vụ , đáp ứng Thầy cần,  

          –  Chú tâm học nghề chuyên cần.

       Trò đối Sư trưởng, có phân năm điều.

 

          Được đệ tử sớm chiều tuân phụng

          Sư trưởng cũng thương tưởng học trò

              Năm cách đối xử, chăm lo :

   –  Huấn luyện đệ tử sao cho thành tài,

      –  Dạy vâng giữ đủ đầy điều học,

      –  Không sợ nhọc, dạy kỹ cho thuần,

          –  Thường khen, giới thiệu tiến thân,

   –  Bảo đảm nghề nghiệp mọi phần tinh thông.  

          Vậy phương Nam chính trong nghĩa cử

          Tình Sư đệ đối xử  rõ ràng 

              Là phương che chở an toàn

       Khỏi mọi sợ hãi, thoát màn tai ương.

 

30.      Gia-chủ-tử ! Tây phương hiểu chính

          Đạo vợ chồng tương kính, thân tình,

              Người chồng đối với vợ mình :

   –  Phải kính trọng vợ, trọng tình phu thê,

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  269

 

      –  Đối với vợ không hề bạc đãi,

      –  Phải thủy chung, hòa ái thật tình,

          –  Giao quyền nội chính gia đình,

   –  Tùy sức mua sắm vợ mình nữ trang.

 

          Chồng đối vợ mọi đàng cao thượng

          Vợ thương tưởng, đáp lại năm phần : 

          –  Quán xuyến việc nhà, tảo tần,

   –  Cư xử hai họ thân nhân đẹp lòng,

      –  Giữ tiết hạnh với chồng xứng đáng,

      –  Khéo giữ gìn tài sản gia đình,

          –  Khéo léo công việc của mình.

 

       Phương Tây được hiểu nghĩa tình Phu Thê

          Được chở che, trở thành an ổn

          Thoát khỏi chốn sợ hãi, bất tường.

      

31.          Gia-chủ-tử ! Về Bắc phương

       Được hiểu là hướng tương đương nghĩa tình

          Sự đối xử phát sinh ích lợi

          Thiện-nam-tử đối với bạn bè

              Năm cách thực hiện vấn đề :

   –  Rộng rãi ‘bố thí’, giúp bè bạn ngay,

      –  Dùng ‘ái ngữ ’, lời đầy nhã nhặn,

      –  Luôn ‘lợi hành’, vì bạn quan tâm

          – ‘Đồng sự ’, cộng khổ đồng cam

   –  Thành thật với bạn, không ham gạt lường.

 

          Bạn bè thương thiện-nam-tử ấy

          Đối xử lại năm cách đề huề :

          –  Cảnh giác bạn mọi đam mê,

   –  Giữ hộ tài sản bạn bè sa chân,

      –  Nơi nương tựa bạn cần khi biến,

      –  Không bỏ bạn có chuyện hiểm kinh,

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  270

 

          –  Kính trọng gia đình bạn mình,

       Phương Bắc được hiểu nghĩa tình bạn thân

          Được che chở ân cần, an ổn

          Thoát khỏi chốn sợ hãi, bất tường.

 

32.          Gia-chủ-tử ! Còn Hạ phương

       Được hiểu là hướng tương đương Tớ Thầy

          Vị ở đây là người hảo chủ

          Với nô bộc đối xử có nhân :

          –  Giao việc đúng sức, làm dần,

   –  Tiền lương tương xứng, uống ăn đủ đầy,

      –  Điều trị ngay mỗi khi bệnh hoạn,

      –  Các món ngon, đặc sản chia cho,

          –  Không bắt làm việc quá giờ,

   –  Thỉnh thoảng cho nghỉ phép nhờ siêng năng.

 

          Còn về phần các hàng nô bộc 

          Được chủ nhân đối tốt mọi đường

              Năm cách đối lại vì thương :

   –  Thức dậy trước chủ, lo lường thực thi,

      –  Chỉ đi ngủ sau khi chủ ngủ,

      –  Tự bằng lòng vật chủ đã cho,

          –  Siêng năng công việc, chăm lo,

    –  Giữ gìn tiếng tốt đến cho chủ mình.

          Vậy phương Dưới là tình chủ tớ

          Được che chở nên trở thành an

              Thoát khỏi sợ hãi mọi đàng

       Năm cách của tớ cùng hàng chủ nhân.

 

33.      Gia-chủ-tử ! Thiện-nam-tử ấy

          Với hết thảy các vị Sa-môn

              Hay với các Bà-la-môn

       Năm cách đối xử vuông tròn – Phương Trên.

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  271

 

      –  Thường thân thiện dựa trên hành động,

          Thân, Khẩu, ý mở rộng lòng Từ,

          –  Rộng cửa đón tiếp Đạo Sư

     ( Sa-môn, Phạm-chí an cư xa gần ).

      –  Thường cúng dường các phần tứ sự.

 

          Được Cư-sĩ đối xử như vầy

              Sa-môn, Bàn-môn vị này

       Đối lại năm cách chứa đầy tình thương :

      –  Ngăn cản họ không vương điều ác,

      –  Khuyến khích họ làm các việc lành,

          –  Với tâm từ ái tịnh thanh

       Thương xót dạy họ điều hằng chưa nghe,

      –  Điều đã nghe, khiến càng tường tận, 

      –  Chỉ đường dẫn Thiên giới, cõi lành,

              Phương Trên che chở an lành

       Thoát mọi sợ hãi, đạo tình Tục Tăng. 

 

          Đức Thế Tôn sau phần thuyết giảng

          Ngài lại giảng thêm để hiểu thông :

 

34. “ Cha mẹ chính là phương Đông,

        Phương Nam – Sư trưởng đạo đồng thẳng ngay,

        Vợ chồng chính là phương Tây,

        Bạn bè phương Bắc hiểu ngay điều này,

        Nô bộc – phương Dưới là đây,

        Sa-môn, Phạm-chí chỉ rày phương Trên.

        Người vì di huấn Cha hiền

        Đảnh lễ phương hướng sáu bên như vầy.

        Kẻ trí Giới, luật giữ rày

        Từ tốn và có biện tài ai đương !

        Nhu thuận, có tính khiêm nhường

        Nhờ vậy, có được danh xưng tuyệt vời.

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  272

 

        Dậy sớm, không tính biếng lười,

        Tâm an, bất động giữa vời hiểm nguy.

        Người hiền, không phạm giới chi

        Danh xưng được có tức thì, khó phân

        Nhiếp phục, tạo được bạn thân

        Bao dung, hòa ái, ân cần, từ tâm

        Hướng dẫn, khuyến hóa đạo tâm

        Danh xưng có đượccao thâm, thiện lành.

       ‘Bố thí’, ‘ái ngữ ’, ‘lợi hành’,

        Cùng với ‘đồng sự ’ khởi sanh mọi thời

        Trong mọi công việc, khắp nơi

        Tùy việc xử sự, đầy vơi mọi điều.

        Những nhiếp sự này ít nhiều

        Khiến cho thế giới xoay chiều chậm, nhanh

        Như bánh xe quay chung quanh

        Trục xe chính đã tạo thành vòng quay.

        Vắng mặt các nhiếp sự này

        Cha, mẹ không được hưởng rày sống lâu.

        Hiều kính của con làm đầu

        Do vậy bậc trí dựa vào liễu tri

        Như pháp quán sát, chấp trì

        Đối với nhiếp pháp thực thi không ngừng

        Nhờ vậy, vĩ đại lẫy lừng

        Và được tán thán, danh xưng sáng lòa ”. 

 

35.      Khi nghe vậy, Sinh-Ga-La-Ká 

          Gia-chủ-tử, vội vã thưa qua :

 

          “  Bạch đức Thế Tôn, Phật Đà                             

       Thật là hy hữu, sâu xa, tuyệt vời !  

          Lễ sáu phương  như lời Ngài giảng

          Thật viên mãn, nghĩa lý đủ đầy.

Trường Bộ - (Tập 3) Kinh 31 : THI-CA-LA-VIỆT  * MLH  –  273

 

              Bạch Thế Tôn ! Vi diệu thay ! 

       Như người dựng vật lăn quay ngã nằm

          Chỉ hướng kẻ sai lầm lạc lối

          Đem đèn sáng vào tối như bưng

              Để ai có mắt mở bừng

       Có thể thấy được sáng trưng sắc màu.

 

          Cũng như vậy, nhiệm mầu Chánh Pháp

          Được Thế Tôn giải đáp, trình bày

              Con xin quy ngưỡng từ nay

       Quy y Phật Bảo, nương ngay Pháp mầu

          Quy y Tăng thanh cao đức cả

          Nối tiếp nhau hoằng hóa Pháp môn

              Mong Thế Tôn nhận cho con

       Được làm đệ tử, vun tròn thiện duyên

          Xin phát nguyện vẹn tuyền ngưỡng phục

          Kể từ nay đến lúc mạng chung

              Nương tựa vào đấng Đại Hùng

       Thực hành lời dạy vô cùng siêu minh ./-

 

        Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật  ( 3 L )

 

 

 

*

*   *

 

(  Chấm dứt Kinh 31 : GIÁO THỌ THI-CA-LA-VIỆT  –

Singàlovàda-sutta  )

            

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com