Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

25. Phẩm “Tấn Tốc”

13/12/202013:27(Xem: 8136)
25. Phẩm “Tấn Tốc”

 TỔNG LUẬN
 KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

buddha-501

 

    XXV. PHẨM “TẤN TỐC”

(Phần cuối Q.552 đến phần đầu Q.553, Hội thứ IV, TBBN).

 

Biên soạn: Lão Cư sĩ Thiện Bửu
Diễn đọc: Cư sĩ Quảng Tịnh, Cư sĩ Quảng Thiện Duyên
Lồng nhạc: Cư sĩ Quảng Phước, Cư sĩ Quảng Thiện Hùng Jordan Le

 

 

 

Tóm lược:

 

Bấy giờ cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Kính bạch Thế Tôn! Nếu đại Bồ Tát vì tận nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì chẳng sanh nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì diệt nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì chẳng khởi nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì phi hữu nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì xa lìa nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này lìa nhiễm nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì hư không nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì pháp giới nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không? Nếu đại Bồ Tát này vì Niết bàn nên học, là học Nhất thiết trí trí phải không?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy là chẳng phải học Nhất thiết trí trí.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Do duyên nào đại Bồ Tát khi học như vậy là chẳng phải học Nhất thiết trí trí?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Ý ngươi thế nào? Phật chứng chơn như rất viên mãn, nên được gọi danh Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Như vậy, chơn như có thể nói là tận, cho đến có thể nói là Niết bàn chăng?

Thiện Hiện bạch:

- Thưa không! Bạch Thế Tôn. Vì sao? Vì chơn như lìa tướng, chẳng thể nói là tận, cho đến chẳng thể nói là Niết bàn.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Thế nên đại Bồ Tát khi học như vậy là chẳng phải học Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết, nếu đại Bồ Tát chẳng vì tận nên học là học Nhất thiết trí trí. Cho đến chẳng vì Niết bàn nên học, là học Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì Phật chứng chơn như rất viên mãn nên được danh hiệu Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Khi ấy, chứng được chơn như chẳng tận cho đến Niết bàn của Nhất thiết trí trí, nên đại Bồ Tát khi học như vậy là học Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy chính là học phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật, là học Phật địa, là học mười lực, bốn điều không sợ, bốn sự hiểu biết thông suốt, đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, mười tám pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật pháp khác, tức là đã học Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy là đạt đến cứu cánh bờ kia của tất cả sự học.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì không bị tất cả Thiên ma và ngoại đạo hàng phục được.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì mau đắc được pháp tánh Bất thối của Bồ Tát.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì mau trụ địa vị Bất thối chuyển của Bồ Tát.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì mau an tọa tòa Bồ đề vi diệu.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy chính là tự mình đi theo con đường của Như Lai Tổ phụ.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học pháp làm chỗ hộ trì cho các hữu tình, là học tánh đại từ, đại bi vậy.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học ba lần vận chuyển xe pháp với mười hai hành tướng Vô thượng.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học làm cho trăm ngàn vạn ức cảnh giới hữu tình được ở nơi Niết bàn cứu cánh an lạc.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là học không đoạn tuyệt chủng tánh Như Lai.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy chính là học mở cửa cam lồ chư Phật.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy chính là học đặt để vô lượng, vô số, vô biên hữu tình an trụ pháp Tam thừa.

Thiện Hiện nên biết! Nếu Bồ Tát khi học như vậy chính là học thị hiện cảnh giới vô vi chơn thật, hoàn toàn vắng lặng cho tất cả hữu tình.

Như vậy là học Nhất thiết trí trí.

Thiện Hiện nên biết! Việc học như vậy, hữu tình hèn kém chẳng thể học được. Vì sao? Vì sự học như vậy muốn cứu vớt hết thảy khổ lớn sanh tử cho tất cả hữu tình, muốn đặt yên tất cả hữu tình trong cảnh giới tốt đẹp, muốn cùng hữu tình đồng hưởng thọ lợi ích an vui hoàn toàn, muốn cùng hữu tình đồng chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, muốn cùng hữu tình đồng học diệu hạnh tự lợi, lợi tha như hư không rộng lớn không cùng tận.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì quyết định không đọa trong tất cả cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, A tu la v.v...; quyết định không sanh chốn biên địa hạ tiện, tà kiến; quyết định không sanh trong nhà Chiên đà la, nhà gánh thây chết và các hạng bần cùng, hạ tiện, bất luật nghi; quyết định chẳng sanh trong nhà công xảo kỹ nhạc, buôn bán tạp uế.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì sanh ra ở chỗ nào, hoàn toàn không bị mù, điếc, câm, ngọng, chân tay cong queo, căn chi khiếm khuyết, gù lưng, lác hủi, ung thư, điên cuồng, trĩ, lậu, ghẻ dữ, thân không quá cao, quá lùn, cũng không đen đủi và không có các bệnh ghẻ nhơ nhớp.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì đời đời thường được quyến thuộc viên mãn, các căn viên mãn, thân thể viên mãn, âm thanh trong trẻo, dáng mạo đoan nghiêm, lời nói oai nghiêm, được nhiều người kính mến.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì sanh ở chỗ nào đều lìa việc sát sanh, lìa trộm cắp, lìa tà hạnh, lìa lời dối gạt, lìa lời thô ác, lìa lời chia rẽ, lìa lời bẩn thỉu, cũng lìa tham dục, sân giận, tà kiến, quyết chẳng chấp nhận tà pháp hư dối, không dùng pháp tà để sanh sống. Cũng không chấp nhận hữu tình phá giới, ác kiến, hủy báng pháp để làm bạn thân.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì hoàn toàn chẳng sanh trong cõi trời Trường thọ, đắm vui, ít trí tuệ. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thành tựu thế lực phương tiện thiện xảo. Do thế lực phương tiện thiện xảo này, mặc dù thường nhập được tịnh lự vô lượng và định vô sắc nhưng chẳng theo thế lực đó thọ sanh, vì được Bát nhã sâu xa bảo hộ. Thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, ở trong các định tuy thường được xuất nhập tự tại nhưng chẳng theo thế lực của các định đó thọ sanh ở cõi trời Trường thọ, bỏ tu Bồ Tát hạnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả pháp bản tánh thanh tịnh thì tại sao các đại Bồ Tát khi học như vậy lại chứng đắc được các lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng như vậy! Như lời ngươi nói! Các pháp xưa nay tự tánh thanh tịnh. Đại Bồ Tát này đối với tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, tinh tấn tu học phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa, thông suốt như thật, tâm không chìm đắm, cũng không vướng mắc, xa lìa tất cả phiền não nhiễm đắm, nên nói: Khi Bồ Tát học như vậy, đối với tất cả pháp được thanh tịnh. Do nhân duyên này được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Mặc dù tất cả pháp bản tánh thanh tịnh mà các phàm phu chẳng có tri kiến thấy biết. Đại Bồ Tát này vì muốn cho họ thấy biết, hiểu rõ nên khuyên tinh tấn tu hành phương tiện thiện xảo của Bát Nhã, nghĩ: Ta đối với bản tánh thanh tịnh của các pháp thấy biết hiểu rõ, rồi như thật khai ngộ tất cả hữu tình, làm cho chúng đối với bản tánh thanh tịnh của các pháp cũng thấy biết, hiểu rõ. Đại Bồ Tát này khi học như vậy được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì đối với tâm hạnh sai khác của các hữu tình đều thông suốt, dùng phương tiện thiện xảo đến tận bờ kia, làm cho các hữu tình biết được bản tánh thanh tịnh của tất cả pháp, chứng đắc Niết bàn thanh tịnh hoàn toàn.

 

Quyển thứ 553

 

Thiện Hiện nên biết! Ví như mặt đất, ít chỗ sanh ra vàng bạc, châu báu; nhiều chỗ sanh ra đất mặn các vật. Các loài hữu tình cũng như vậy, ít người học Bát Nhã, nhiều người học pháp của Thanh văn, Độc giác.

Thiện Hiện nên biết! Ví như loài người, phần ít có thể làm vua Chuyển luân, phần nhiều làm các vua nhỏ. Các loài hữu tình cũng vậy, phần ít tu đạo Nhất thiết trí trí, phần nhiều tu đạo Thanh văn, Độc giác.

Thiện Hiện nên biết! Ví như trong trời Địa cư cõi Dục, phần ít có thể tạo nghiệp trời Đế Thích, phần nhiều tạo nghiệp của các trời khác. Các loài hữu tình cũng vậy, phần ít cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, phần nhiều cầu quả Thanh văn, Độc giác thừa.

Thiện Hiện nên biết! Ví như trong tịnh lự thứ nhất, cõi Sắc phần ít có thể tu nghiệp đại Phạm Vương, phần nhiều tu nghiệp các chúng Phạm Thiên. Các loài hữu tình cũng vậy, phần ít đạt được bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Bồ đề, phần nhiều vẫn còn thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thế nên, này Thiện Hiện! Các loài hữu tình phần ít có thể phát tâm đại Bồ đề, trong số đó càng ít người có thể tu Bồ Tát hạnh, trong đó càng ít người có thể tu học Bát nhã Ba la mật, trong đó càng ít người đạt được phương tiện thiện xảo của Bát nhã Ba la mật, trong đó lại rất ít người có thể đạt được Bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Bồ đề.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào muốn đi vào số hữu tình rất ít ấy thì nên siêng năng tu học phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa, để đạt được bất thối chuyển quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào tu học phương tiện thiện xảo của Bát Nhã như vậy thì không phát sanh tâm tương ưng với nhu nhược, không phát sanh tâm tương ưng với nghi ngờ, không phát sanh tâm tương ưng với tham lam, không phát sanh tâm tương ưng với phạm giới, không phát sanh tâm tương ưng với giận dữ, không phát sanh tâm tương ưng với lười nhác, không phát sanh tâm tương ưng với tán loạn, không phát sanh tâm tương ưng với hiểu biết sai lầm.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát tu học phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa như vậy thì có thể bao gồm tất cả Ba la mật, có thể tập họp tất cả Ba la mật, có thể dẫn đường tất cả Ba la mật. Vì sao? Vì trong Bát nhã Ba la mật sâu xa dung chứa tất cả Ba la mật vậy.

Thiện Hiện nên biết! Như tà ngụy thân kiến bao gồm khắp tất cả sáu mươi hai kiến, Bát nhã sâu xa cũng vậy, dung chứa tất cả Ba la mật. Nếu đại Bồ Tát nào tu học đúng đắn phương tiện thiện xảo của Bát nhã sâu xa thì phát sanh tất cả Ba la mật và làm cho tăng trưởng dần dần.

Thiện Hiện nên biết! Ví như mạng căn gìn giữ các căn, Bát nhã sâu xa cũng như vậy, luôn gìn giữ tất cả pháp lành thù thắng. Vì sao? Vì nếu đại Bồ Tát nào tu học đúng đắn Bát nhã sâu xa thì có thể gìn giữ khắp tất cả pháp lành.

Thiện Hiện nên biết! Như mạng căn diệt, thì các căn diệt theo, Bát nhã sâu xa cũng như vậy. Nếu đại Bồ Tát nào thối lui Bát nhã sâu xa này thì chính là thối lui tất cả pháp lành. Nếu đại Bồ Tát nào tu học đúng đắn Bát nhã sâu xa thì có thể diệt trừ khắp tất cả pháp bất thiện.

Thế nên, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào muốn đạt đến rốt ráo bờ kia của tất cả Ba la mật thì nên siêng năng tu học Bát Nhã sâu xa.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào thường siêng năng tu học Bát nhã sâu xa thì thành tối thượng, tối thắng đối với các hữu tình. Vì sao? Vì đại Bồ Tát này thường siêng năng tu học pháp Vô Thượng của Bát nhã sâu xa vậy. (Q.553, TBBN)

Lại nữa, Thiện Hiện! Ý ngươi thế nào? Các loài hữu tình ở trong tam thiên đại thiên thế giới này có nhiều không?

Thiện Hiện bạch:

- Bạch Thế Tôn! Các loài hữu tình trong Châu Thiệm bộ còn nhiều vô số, huống là các loài hữu tình trong Tam thiên đại thiên thế giới, số đó rất nhiều.

Phật bảo Thiện Hiện:

- Đúng như vậy! Như lời ngươi nói!

Thiện Hiện nên biết! Giả sử các loài hữu tình trong Tam thiên đại thiên thế giới, đồng một lúc đều được làm thân người. Được thân người rồi, đồng một lúc đều phát tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, tu Bồ Tát hạnh. Tu hành viên mãn rồi, đồng một lúc đều đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Lại có đại Bồ Tát trọn đời thường đem y phục, thức ăn uống, phòng xá, giường nằm, thuốc men thượng diệu và các thứ vật dụng cung kính, cúng dường, tôn trọng, khen ngợi các đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác này. Ý ngươi thế nào? Đại Bồ Tát này do nhân duyên này được phước có nhiều không?

Thiện Hiện thưa:

- Rất nhiều, bạch Thế Tôn! Rất nhiều, bạch Thiện thệ!

Phật bảo Thiện Hiện:

- Nếu đại Bồ Tát nào thường tu học Bát nhã sâu xa như vậy thì trải qua khoảng thời gian khảy móng tay, đạt được công đức nhiều hơn trước vô lượng vô số. Vì sao? Vì Bát Nhã đầy đủ lợi ích lớn, có thể làm cho chúng đại Bồ Tát mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Thế nên, này Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào muốn chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, muốn làm thượng thủ của tất cả hữu tình, muốn lợi ích cho khắp tất cả hữu tình, muốn làm người cứu hộ cho kẻ không có người cứu hộ, làm chỗ quay về nương tựa cho kẻ không có nơi quay về nương tựa, làm nơi hướng đến cho kẻ không có nơi hướng đến, làm mắt cho người không có mắt, làm ánh sáng cho người không có ánh sáng; kẻ lạc mất chánh đạo, chỉ cho họ chánh đạo; người chưa Niết bàn, làm cho đắc Niết bàn… thì nên học Bát nhã sâu xa như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát tu học Bát Nhã sâu xa như vậy thì không có tất cả công đức lợi ích thù thắng ở thế gian hay xuất thế gian nào mà không đạt được. Vì sao? Vì Bát nhã sâu xa là chỗ nương tựa cho tất cả hạt giống căn lành công đức.

Thiện Hiện nên biết! Ta chưa từng thấy có đại Bồ Tát nào siêng năng tu tập Bát nhã sâu xa như vậy mà không đạt được công đức lợi ích thù thắng của thế gian và xuất thế gian.

Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Các đại Bồ Tát tu học Bát nhã sâu xa như vậy chẳng lẽ cũng đắc công đức căn lành của Thanh văn, Độc giác sao?

Phật bảo Thiện Hiện:

- Công đức căn lành của Thanh văn, Độc giác, các chúng đại Bồ Tát này cũng đều chứng đắc nhưng không trụ, không đắm trước vào đó. Bằng chánh kiến thắng trí, quán sát xong, vượt qua địa vị Thanh văn và Độc giác, vào thẳng Chánh tánh ly sanh của Bồ Tát, nên các đại Bồ Tát này được tất cả công đức căn lành.

Lại nữa, Thiện Hiện! Các đại Bồ Tát nên tu học tất cả hạt giống công đức căn lành của Thanh văn, Độc giác. Mặc dù không cầu chứng đắc ở đó nhưng muốn thông suốt đúng đắn tất cả để giảng thuyết, chỉ dạy cho các hữu tình kia.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì chính là gần gũi Nhất thiết trí trí, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề, thường làm lợi ích an vui cho tất cả cùng tận đời vị lai.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào khi tu học như vậy thì chính là ruộng phước chơn tịnh cho tất cả thế gian, trời, người, A tu la v.v…, vượt lên trên các ruộng phước của Thanh văn, Độc giác, Sa môn, Phạm chí ở thế gian, mau chứng được Nhất thiết trí trí.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi tu học như vậy thì sanh ra ở chỗ nào cũng không xả bỏ Bát nhã sâu xa, không lìa Bát nhã sâu xa và thường thực hành Bát nhã sâu xa như vậy.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào có thể thực hành Bát nhã sâu xa như vậy thì nên biết Bồ Tát đó đã không thối lui Nhất thiết trí trí, hiểu biết đúng đắn tất cả pháp, xa lìa địa vị Thanh văn, Độc giác v.v… và gần gũi quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát nào khi hành Bát Nhã nghĩ thế này: Đây là Bát Nhã, đây là thời gian tu, đây là chốn tu, ta là người tu Bát nhã sâu xa này. Ta nhờ Bát Nhã như vậy mà vứt bỏ được pháp nên vứt bỏ, nên phát sanh được Nhất thiết trí trí thì đại Bồ Tát này chẳng phải hành Bát Nhã, cũng chẳng thể hiểu rõ Bát Nhã. Vì sao? Vì Bát Nhã không nghĩ: Ta là Bát nhã Ba la mật, đây là thời tu, đây là chỗ tu, đây là người tu, đây là pháp Bát nhã Ba la mật xa lìa, đây là pháp Bát nhã Ba la mật chiếu soi, đây là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề do Bát nhã Ba la mật chứng đắc. Ai hiểu biết như vậy là hành Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, Thiện Hiện! Nếu đại Bồ Tát khi thực hành Bát nhã sâu xa, nghĩ thế này: Đây chẳng phải là Bát nhã Ba la mật, đây chẳng phải là thời tu, đây chẳng phải là chốn tu, đây chẳng phải là người tu, chẳng phải nhờ Bát nhã Ba la mật mà xa lìa tất cả pháp nên xa lìa, chẳng phải nhờ Bát nhã Ba la mật mà chứng được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì tất cả pháp đều trụ chơn như không sai khác vậy.

Thiện Hiện nên biết! Nếu đại Bồ Tát hoàn toàn không phân biệt, không sở giác liễu là hành Bát nhã Ba la mật. (Q.553, TBBN)

 

Lược giải:

 

1. Học như thế nào để được Nhất thiết trí trí?

 

Nếu đại Bồ Tát chẳng vì tận, chẳng vì ly, chẳng vì sanh, chẳng vì diệt, chẳng vì nhiễm tịnh, chẳng vì pháp giới cho đến chẳng vì Niết bàn nên học, là học Nhất thiết trí trí. Vì sao? Vì Phật chứng chơn như rất viên mãn nên được danh là Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Khi chứng được chơn như chẳng tận cho đến Niết bàn của Nhất thiết trí trí, thì các đại Bồ Tát này học như vậy tức là học Nhất thiết trí trí.

Nếu các đại Bồ Tát khi học như vậy chính là học phương tiện thiện xảo của Bát Nhã, là học Phật địa, là học Phật mười lực, là học vô lượng, vô biên Phật pháp khác, tức là đã học Nhất thiết trí trí.

Nếu học như vậy là đạt đến cứu cánh bờ kia của tất cả sự học. Học như vậy thì mau trụ địa vị Bồ Tát Bất thối chuyển, học như vậy thì mau an tọa tòa Bồ đề; học như vậy thì chính là tự mình đi theo con đường của Như Lai Tổ phụ; học như vậy thì chính là học không đoạn tuyệt chủng tánh Như Lai; học như vậy thì chính là học pháp làm chỗ hộ trì cho các hữu tình, là học tánh đại từ, đại bi vậy. Học như vậy thì chính là học ba lần chuyển với mười hai hành tướng Vô thượng; học như vậy thì chính là học làm cho trăm ngàn vạn ức cảnh giới hữu tình được ở nơi Niết bàn cứu cánh an lạc; học như vậy thì chính là học mở cửa Cam lồ chư Phật. Học như vậy thì chính là học đặt để vô lượng, vô số, vô biên hữu tình trụ pháp Tam thừa; học như vậy thì chính là học thị hiện cảnh giới vô vi chơn thật, hoàn toàn vắng lặng cho tất cả hữu tình. Học như vậy, không cần xa lìa nhiễm tịnh, cũng tự nhậm xa lìa! Đó chính là học Nhất thiết trí trí vậy.

Nếu học như vậy quyết định không đọa vào ác đạo, quyết định không sanh chốn biên địa hạ tiện, tà kiến; không sanh trong nhà Chiên đà la, nhà gánh thây chết và các hạng bần cùng, hạ tiện…; học như vậy thì sanh ra ở chỗ nào, đời đời thường được quyến thuộc viên mãn, các căn viên mãn, thân thể viên mãn, dáng mạo, lời nói oai nghiêm, được nhiều người kính mến; học như vậy thì sanh ở chỗ nào đều lìa việc sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, lìa lời dối gạt, lìa lời thô ác, lìa lời chia rẽ, lìa lời tục tằn, cũng lìa tham dục, sân giận, tà kiến, quyết chẳng chấp nhận tà pháp hư dối, không dùng pháp tà để sanh sống; cũng không chấp nhận hữu tình phá giới, ác kiến, hủy báng pháp để làm bạn thân.

Vì đại Bồ Tát này thành tựu thế lực phương tiện thiện xảo. Do thế lực này, mặc dù thường nhập được tịnh lự vô lượng và định vô sắc nhưng chẳng theo thế lực đó thọ sanh, vì được Bát nhã sâu xa hộ trì. Thành tựu phương tiện thiện xảo như vậy, ở trong các định tuy thường được xuất nhập tự tại nhưng chẳng theo thế lực của các định đó thọ sanh ở cõi trời Trường thọ, bỏ tu Bồ Tát hạnh.

Nếu đại Bồ Tát khi học như vậy thì được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh.

 

2. Kết quả của việc tu hành Bát Nhã và

các phương tiện thiện xảo:

 

1- Nếu chẳng xa lìa phương tiện thiện xảo, nhất định có khả năng nhập vào bậc Bất thối chuyển. Cho nên, đại Bồ Tát muốn đắc, muốn nhập vào hàng ngũ Bồ Tát Bất thối chuyển, nên siêng tu học phương tiện thiện xảo Bát nhã Ba la mật.

Nếu Đại Bồ Tát tu học phương tiện thiện xảo Bát Nhã như thế, thì chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng xan tham, phá giới, sân hận, giải đãi, tán loạn, ác tuệ; chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng tham dục, sân nhuế, ngu si, kiêu mạn; chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng các tội lỗi khác. Chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng chấp thủ sắc tướng, cũng chẳng phát khởi tâm tương ưng chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức tướng; chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng chấp thủ mười hai xứ, mười tám giới, tứ thiền, tứ định, mười tám pháp Phật bất cộng, Nhất thiết trí v.v… cho đến chẳng bao giờ phát khởi tâm tương ưng chấp thủ tướng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Vì sao? Vì đại Bồ Tát ấy tu hành phương tiện thiện xảo của Bát Nhã hoàn toàn chẳng thấy có pháp nào là pháp có thể đạt được; vì không có sở đắc nên chẳng khởi tâm chấp thủ các pháp.

2- Nếu đại Bồ Tát muốn đứng trên tất cả hữu tình, thì nên học Bát nhã. Nếu đại Bồ Tát muốn làm lợi ích cho khắp tất cả hữu tình, đối với người không ai cứu hộ, làm người cứu hộ; đối với người không nơi nương tựa, làm chỗ nương dựa; người không nơi hướng về, làm chỗ hướng về; người mất chánh đạo quay về chánh đạo, người chưa được Niết bàn, khiến được Niết bàn. Nếu đại Bồ Tát muốn chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề, muốn đi trên cảnh giới chư Phật đã đi, muốn dạo chơi chỗ chư Phật đã dạo chơi, muốn rống tiếng rống sư tử của chư Phật, muốn đánh trống pháp, muốn dộng chuông pháp, muốn thổi loa pháp, muốn ngồi tòa cao của Phật, muốn nói pháp nghĩa vô thượng của chư Phật, muốn phá lưới nghi của tất cả hữu tình, muốn vào cõi pháp Cam lồ của chư Phật, muốn hưởng hỷ lạc vi diệu của chư Phật, thì nên học Bát nhã Ba la mật.

Lại nữa, nếu đại Bồ Tát tu học Bát Nhã như thế, thì không có bất cứ thiện căn công đức nào mà không có thể đạt được. Nếu đại Bồ Tát học như thế, thì vượt lên trên phước điền của Sa môn, Phạm chí thế gian, Thanh văn và Độc giác, chóng đến Nhất thiết trí, mau chứng quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nếu đại Bồ Tát học như thế, thì tùy thọ sanh chỗ nào cũng chẳng bỏ, chẳng lìa Bát nhã Ba la mật mà trái lại thường hành Bát nhã Ba la mật không ngừng nghỉ.

Nếu đại Bồ Tát khi hành Bát nhã Ba la mật mà nghĩ tưởng: Đây là lúc tu, đây là chỗ tu, đây là người tu, đây là pháp phải tu, đây là pháp phải chứng, và nhờ đây mà xa lìa được các chướng ngại phiền não và chứng đắc quả vị Vô Thượng Bồ đề. Nếu nghĩ tưởng như thế thì không hiểu Bát nhã Ba la mật, không hiểu Bát nhã Ba la mật thì không thể hành Bát nhã Ba la mật, không thể hành Bát nhã Ba la mật thì không thể chứng đắc. Nhưng nếu khi hành Bát Nhã, Bồ Tát lại liền nghĩ như vầy: Đây chẳng phải Bát Nhã, đây chẳng phải thời tu, đây chẳng phải xứ tu, đây chẳng phải kẻ tu, chẳng phải nhờ Bát Nhã mà có sở ly, sở đắc. Vì sao? Vì tất cả pháp đều trụ chơn như, pháp giới, thật tế... không phân biệt vậy. Nếu hành như vậy tức là hành sâu Bát nhã Ba la mật.

 

Kết luận:

 

Bài học quan trọng của phẩm này: “Tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, người thấy biết như vậy tức được thanh tịnh. Thanh tịnh này không do ai làm ra, không do Phật, không do trời người làm ra v.v... Vì tất cả pháp đều trụ chơn như, pháp giới, thật tế... không phân biệt vậy”. Vì vậy, nên phẩm “Tấn Tốc”, quyển 552, Hội thứ IV, TBBN. Phật bảo: “Các pháp xưa nay tự tánh thanh tịnh. Đại Bồ Tát này đối với tất cả pháp bản tánh thanh tịnh, tinh tấn tu học phương tiện thiện xảo của Bát Nhã sâu xa, thông suốt như thật, tâm không chìm đắm, cũng không vướng mắc, xa lìa tất cả phiền não nhiễm đắm, nên nói: Khi Bồ Tát học như vậy, đối với tất cả pháp được thanh tịnh. Do nhân duyên này được lực thanh tịnh, vô úy thanh tịnh, Phật pháp thanh tịnh”

 

Vậy, muốn thành tựu Bát Nhã phải học các pháp không, pháp như, pháp bình đẳngthanh tịnh. Các pháp này sẳn sàng mở cửa Cam lồ để đưa chúng sanh đến Niết bàn an lạc.

 

---o0o---

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2012(Xem: 9092)
Tập sách Lối về Sen Nở bao gồm những bài viết, bản dịch, bài tham luận trong các kỳ hội thảo, đăng rải rác trên các tạp chí, nguyệt san Phật giáo mấy thập niên qua. Nội dung chủ yếu nói về nhân cách của bậc Đạo sư, giáo pháp của Ngài và lợi ích thiết thực khi thực hiện những lời dạy ấy. Tất cả các bài viết được trình bày một cách giản dị, mạnh lạc, rõ ràng, nhằm giới thiệu nội dung Phật học cơ bản được trích dẫn từ một số kinh điển Bắc truyền và Nam truyền.
25/12/2011(Xem: 11816)
Một thuở nọ đức Phật ở trong núi Thứu Phong, thuộc thành Vương Xá cùng với một ngàn tám trăm vị Tỳ-kheo đều là A-la-hán, đã diệt tận các lậu, không còn phiền não, tâm hoàn toàn giải thoát, tuệ hoàn toàn giải thoát, đạt chín trí, mười trí, việc làm đã làm xong, quán đúng như thật về ba điều giả, quán ba không môn, đã thành tựu công đức hữu vi và công đức vô vi. Lại có tám trăm vị Tỳ-kheo ni đều là A-la-hán. Lại có vô lượng vô số đại Bồ-tát với thật trí bình đẳng, đoạn hẳn phiền não chướng, có phương tiện thiện xảo phát hạnh nguyện lớn, lấy bốn nhiếp pháp làm lợi ích chúng sanh, đem bốn tâm vô lượng che trùm tất cả, ba minh thấu suốt, chứng đắc năm thần thông, tu tập vô biên pháp Bồ-đề phần, có kỹ thuật thiện xảo vượt hơn mọi người trên thế gian, thâm nhập rõ về duyên sanh, không, vô tướng, vô nguyện, ra vào diệt định, thị hiện khó lường, thu phục ma oán, hiểu rõ cả hai đế với pháp nhãn thấy biết tất cả nguồn căn của chúng sanh, với bốn vô ngại giải giảng nói không sợ sệt, với mười lự
24/10/2011(Xem: 9584)
Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm không tìm thấy trong Đại tạng kinh. Kinh này chắc là do một vị cao tăng Phật giáo Việt Nam biên soạn, nhưng biên soạn vào lúc nào thì chưa ai biết được. Trong Kiến Đàn Giải Uế Nghi của Thủy Lục Chư Khoa có lời tán thán bồ tát Quán Thế Âm rằng: “Nhân tu sáu độ, quả chứng một thừa, thệ nguyện rộng sâu như biển lớn mênh mông không thể đo lường, từ bi cao lớn tợ trời xanh che trùm chẳng thấy ngằn mé, cúng thân bất hoại, rộng phát mười hai nguyện đẹp, trải vô lượng kiếp, linh ứng năm trăm tên lành.” (Nhân tu lục độ, quả chứng nhất thừa, thệ nguyện hoằng thâm, như đại hải chi uông dương bất trắc, từ bi quảng đại, nhược trường thiên chi phú đảo vô ngân, hiến bất hoại thân, quảng phát thập nhị nguyện, lịch vô lượng kiếp, linh cảm ngũ bách danh.)
12/10/2011(Xem: 19303)
Truyện thơ Tôn giả La Hầu La - Tác giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
25/08/2011(Xem: 8428)
Cách đây hơn 25 thế kỷ, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã chỉ ra rằng những gì chúng ta nhận biết về chính bản thân mình qua tri giác thông thường là không đúng thật. Trong khi ta luôn nhận biết về một bản ngã cụ thể đang hiện hữu như là trung tâm của cả thế giới quanh ta, thì đức Phật dạy rằng, cái bản ngã đối với ta vô cùng quan trọng đó thật ra lại hoàn toàn không hề tồn tại trong thực tiễn theo như cách mà ta vẫn nhận biết và mô tả về nó...
27/07/2011(Xem: 10888)
Tiếp theo hai tập, Nhận thức và Không tánh (2001) và Tánh khởi và Duyên khởi (2003), sách Nhân quả đồng thời lần này thu góp các bài học Phật luận cứu các vấn đề Tồn tại và Thời gian, Ngôn ngữ, Giáo nghĩa, và Giải hành liên quan đến nguyên lý Duyên khởi mà Bồ tát Long Thọ nêu lên trong bài tụng tán khởi của Trung luận, bản tiếng Phạn. Các vấn đề này được tiếp cận từ hai phía, bản thể luận và triết học ngôn ngữ, và được trình bày trong ba Phần: (1) Vô thường, Duyên khởi, và Không tánh, (2) Phân biệt, Ngôn ngữ, và Tu chứng, (3) Tín, Giải, Hành, Chứng trong Hoa nghiêm. Toàn bộ bản văn quyển sách để in PDF (7,1 MB)
04/07/2011(Xem: 9620)
Cụ bà Hà Nội 20 năm tập 5 thức yoga Tây Tạng Bà Lê Thu Hồng, 75 tuổi, hàng sáng đều dành 15 phút tập 5 thế yoga để rèn luyện sức khỏe.
24/05/2011(Xem: 12552)
Hòa thượng Tịnh Sự, thế danh là Võ Văn Đang, sinh năm Quí Sửu (1913), trong một gia đình có truyền thống Nho giáo, tại một vùng quê miền Nam, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ Ngài là cụ Võ Văn Tỏ, thân mẫu là cụ Trần Thị Thông. Năm 7 tuổi Ngài đã học chữ Nho. Rất thông minh, Ngài được người đương thời gọi là “Thần đồng Lê Quí Đôn”. Do túc duyên sẵn có từ nhiều đời, đến năm 12 tuổi Ngài xuất gia và thọ giới Sa Di tại chùa Bửu Hưng (Sa Đéc). Thấy Ngài quá thông minh nên Bổn sư đặt pháp danh là Thích Huệ Lực. Năm 20 tuổi Ngài thọ giới Tỳ kheo tại chùa Kim Huê, Sa Đéc. Đến năm 25 tuổi Ngài được bổ nhiệm về trụ trì tại chùa Phước Định, Chợ Lách. Năm 30 tuổi Ngài trụ trì chùa Viên Giác, Vĩnh Long. Năm 35 tuổi duyên lành đối với Phật giáo Nam Tông đã chín mùi, Ngài được du học tại Chùa Tháp Campuchia, thọ giới theo Phật giáo Nam Tông tại chùa Kùm Pung (Treyloko) ở Trà Pét.
07/04/2011(Xem: 13518)
Duy Thức Tam Thập Tụng (ba mươi bài tụng Duy Thức) là luận điển cơ bản của Tông Duy Thức. Tông Duy Thức dựa vào luận điển này mà thành lập. Lý do cần giảng ba mươi bài tụng là vì sự thành lập và truyền thừa Tông Duy Thức từ đây mà ra. Tông Duy Thức của Trung Quốc bắt đầu từ học phái Du Già Hạnh của Phật Giáo đại thừa Ấn Độ. Nhưng khi đã nói đến học phái Du Già Hạnh không thể không tìm hiểu học phái Trung Quán. Xin lần lượt trình bày như sau:
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]