Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

52. Phẩm “Căng Già Thiên” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

08/07/202020:25(Xem: 10382)
52. Phẩm “Căng Già Thiên” (Biên soạn: Lão Cư Sĩ Thiện Bửu; Diễn đọc: Cư Sĩ Quảng Tịnh; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước)

 

TỔNG LUẬN 

KINH ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT

 Biên soạn: Cư Sĩ Thiện Bửu

Trang Nhà Quảng Đức bắt đầu online tháng 4/2022

***

 
Phẩm Căng Già Thiên_photo

 

PHẨM  “CĂNG GIÀ THIÊN”(1)

Phần giữa quyển 331, Hội thứ I, ĐBN.

(Tương Đương với quyển thứ 20, phẩm “Hằng Già Đề Bà”, MHBNBLM)







 

Tóm lược:

 

Lúc bấy giờ, trong pháp hội có một Thiên nữ tên là Căng Già Thiên, từ chỗ ngồi đứng dậy, phủ che vai bên trái, gối phải quỳ xuống đất, chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn! Con sẽ tu hành bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, Bát nhã Ba la mật, thành thục hữu tình, nghiêm tịnh cõi Phật. Cõi Phật mà con cầu như cõi Phật mà hiện nay Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác vì các đại chúng đã nói đầy đủ tất cả cảnh tướng cõi ấy, ở trong Kinh Bát nhã Ba la mật này.

Căng già Thiên nói như vậy rồi, liền lấy các thứ hoa vàng, hoa bạc, hoa tươi trên bờ, dưới nước, các đồ trang nghiêm và cầm một chiếc thiên y(2) màu vàng, cung kính chí thành mà rải lên Phật. Do thần lực của Phật, thiên y bay vọt lên hư không, xoay qua phía bên phải, ở trên đỉnh Phật, biến thành đài báu có 4 trụ, 4 góc, thêu dệt trang trí rất dễ ưa thích.

Thiên nữ cầm đài báu này ban cho các hữu tình đều có như nhau, hồi hướng quả vị Giác ngộ tối cao.

Lúc bấy giờ, Như Lai biết thiên nữ kia, chí nguyện sâu rộng, liền mỉm cười, và khi chư Phật mỉm cười thì thường có các thứ hào quang từ miệng phóng ra, nay Phật Thích Ca cũng vậy, từ trong diện môn của Ngài, phóng ra các thứ hào quang xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng, biếc, tía, lục, chiếu khắp vô lượng, vô biên, vô số thế giới trong 10 phương, rồi trở lại cõi này, hiện đại thần biến, xoay quanh Phật ba vòng, rồi nhập vào đỉnh Phật.

Lúc bấy giờ, A nan thấy việc ấy rồi, từ chỗ ngồi đứng dậy, gối phải quì xuống đất, chấp tay hướng về Phật, bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Ngài mỉm cười, vì thường chư Phật mỉm cười, chẳng phải là không có nhân duyên?

Phật bảo A nan:

- Nay Thiên nữ này, ở đời vị lai sẽ được làm Phật, kiếp tên Tinh Dụ, hiệu Phật là Kim Hoa Như Lai, Ứng Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Viên Mãn, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Trượng Phu, Điều Ngự Sĩ, Thiên Nhơn Sư, Phật, Bạc Già Phạm. A nan nên biết, nay thiên nữ này, tức là thân nữ cuối cùng phải thọ; bỏ thân này rồi, liền thọ nam thân, tận đời vị lai, chẳng thọ lại thân nữ; từ đây chết rồi, sanh vào thế giới rất dễ ưa thích của đức Phật Bất Động Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác ở phương Đông. Tại cõi Phật kia, siêng tu phạm hạnh. Vị nữ này ở thế giới ấy cũng có tên là Kim Hoa, tu Bồ Tát hạnh.

Này A nan! Đại Bồ Tát Kim Hoa này, ở cảnh giới ấy chết rồi lại sanh phương khác, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác, sanh ở bất kỳ cõi nào cũng chẳng xa Phật. Như chuyển luân vương từ đài quán này đến đài quán khác, vui vẻ hưởng lạc cho đến mạng chung, chân chẳng chạm đất, Bồ Tát Kim Hoa cũng lại như vậy, từ cõi Phật này đến cõi Phật khác cho đến quả vị Giác ngộ tối cao ở trong bất cứ đời nào thường không xa Phật, nghe thọ Chánh pháp, tu Bồ Tát hạnh.

Lúc bấy giờ, A nan thầm nghĩ thế này: Bồ Tát Kim Hoa, khi thành Phật cũng tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật sâu xa. Chúng đại Bồ Tát ở pháp hội ấy, số nhiều hay ít có giống như hội chúng Bồ Tát của Phật này hay không?

Phật biết ý nghĩ ấy, bảo A nan:

- Đúng vậy! Đúng như ông đã nghĩ! Bồ Tát Kim Hoa khi thành Phật cũng vì chúng hội tuyên thuyết Bát nhã Ba la mật sâu xa như thế. Chúng đại Bồ Tát ở pháp hội kia, số nhiều hay ít cũng như hội chúng Bồ Tát của Phật này.

Này A nan! Nên biết, đại Bồ Tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, thì thế giới của Phật ấy, số lượng đệ tử xuất gia rất nhiều, chẳng thể tính đếm: Hoặc trăm ngàn muôn ức, hoặc triệu, hoặc trăm triệu, hoặc ngàn triệu, hoặc trăm ngàn triệu chúng đại Bí sô, chỉ có thể nói tóm lại là vô số, vô lượng, vô biên trăm ngàn ức triệu chúng đại Bí sô.

Này A nan! Nên biết, đại Bồ Tát Kim Hoa ấy, khi thành Phật, ở cõi Phật ấy, không có nhiều tội lỗi như trong Kinh Bát nhã Ba la mật này đã nói.

Bấy giờ, cụ thọ A nan lại bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Nay thiên nữ này, trước đây, đối với đức Phật nào, đã phát tâm cầu quả vị Giác ngộ tối cao, trồng các căn lành, phát nguyện hồi hướng mà nay được gặp Phật, cung kính cúng dường, để được thọ ký Bất thối chuyển?

Phật bảo A nan:

- Nay thiên nữ này, ở chỗ Phật Nhiên Đăng đã phát Bồ đề tâm(3), trồng các căn lành, hồi hướng Phật đạo. Cho nên nay gặp ta, cung kính cúng dường để được thọ ký Bất thối chuyển.

Này A Nan! Như lúc đó chính ta dùng năm cành hoa, rải cúng dường Phật Nhiên Đăng để cầu Vô thượng Bồ đề. Phật Nhiên Đăng biết thiện căn của Ta đã thành tựu nên thọ ký Vô thượng Bồ đề cho Ta. Khi ấy, nữ nhơn này nghe Ta được thọ ký liền rải năm cành hoa vàng, cúng dường Phật Nhiên Đăng và nguyện rằng: Cầu mong cho con ở đời sau cũng được thọ ký Vô thượng Bồ đề như đại Bồ Tát này.

Cụ thọ A nan nghe Phật nói xong, rất đổi vui mừng, lại bạch Phật:

- Nay thiên nữ này, từ lâu, vì quả vị Giác ngộ tối cao, trồng cội phước, nay được thành thục nên được Phật thọ ký.

Phật bảo A nan:

- Đúng vậy! Nay thiên nữ này, từ lâu đã vì quả vị Giác ngộ tối cao, trồng cội phước, nay đã thành thục nên được Ta thọ ký.

 

Thích nghĩa:

(1). Căng Già Thiên tên của một thiên nữ xuất hiện trong Kinh Đại Bát Nhã , Kinh MHBNBLMĐ gọi là Hằng Già Đề Bà. Tuy hai mà một, tên của Thiên nữ được Phật thọ ký.

(2). Thiên y: Áo của nhà Trời như áo của các Thiên vương.

(3). Phát Bồ đề tâm hay Bồ đề tâm (Phạm: bodhi-citta) Gọi đủ: A nậu đa la tam miệu tam bồ đề tâm. Cũng gọi là Vô thượng đạo tâm, Vô thượng đạo ý, Vô thượng tâm, Đạo tâm, Đạo ý, Đạo niệm, Giác ý. Tức là tâm cầu Bồ đề vô thượng (cầu thành Phật). Tâm Bồ đề là hạt giống sinh ra hết thẩy chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn các pháp lành. Nếu phát khởi tâm nầy mà tu hành tinh tiến, thì sẽ mau chóng được Bồ đề vô thượng. Cho nên biết tâm Bồ đề là chỗ bắt đầu của tất cả thệ nguyện chân chính, là gốc của Bồ đề, là chỗ dựa của đại bi và Bồ Tát học. Bồ Tát Đại thừa trước hết cần phải phát tâm rộng lớn, gọi là phát tâm Bồ đề, phát tâm, phát ý; mới bắt đầu phát tâm, gọi là sơ phát tâm. Người cầu sanh về Tịnh độ, cũng phải phát tâm Bồ đề. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ nói, ba bậc người cầu vãng sanh đều phải phát tâm Vô thượng bồ đề. Về thể tính của tâm Bồ đề, Kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Trụ tâm nói, biết tâm mình một cách như thực, đó là Bồ đề. Tức tâm tự tính trong sạch sẵn có là tâm Bồ đề. Tâm Bồ đề nhờ vào nhiều duyên mà phát khởi. Theo Kinh Bồ Tát Địa trì quyển 1, thì có bốn thứ: 1- Thấy nghe thần thông biến hóa không thể nghĩ bàn của chư Phật và Bồ Tát mà phát tâm. 2- Tuy chưa thấy thần biến, nhưng được nghe nói về Bồ đề và Bồ Tát tạng mà phát tâm. 3- Tuy chưa nghe pháp, nhưng tự thấy tướng pháp diệt, vì muốn giữ gìn pháp mà phát tâm. 4- Tuy không thấy tướng pháp diệt, nhưng thấy chúng sinh đời ô trọc bị phiền não quấy phá khó phát được nên mình phát tâm. Lại Phát Bồ đề Tâm Kinh luận quyển thượng phẩm Phát tâm cũng nói có bốn duyên: 1- Tư duy về chư Phật. 2- Quán xét lỗi lầm của thân. 3- Thương xót chúng sinh. 4- Cầu quả tối thắng. Vô Lượng Thọ Kinh tông yếu lấy bốn thệ nguyện rộng lớn làm tâm Bồ đề và chia làm hai loại là Tùy sự phát tâm (do những việc cụ thể mà phát) và Thuận lý phát tâm (do chân lý phổ thông mà phát). Đại thừa Nghĩa chương quyển 9 thì lập ba loại phát tâm: 1- Tướng phát tâm, thấy tướng sinh tử và Niết bàn, nhàm chán sinh tử mà phát tâm cầu Niết bàn. 2- Tức tướng phát tâm, biết bản tính của sinh tử vắng lặng không khác gì Niết bàn; lìa tướng sai biệt mới khởi tâm bình đẳng. 3- Chân phát tâm, biết bản tính Bồ đề là tự tâm mình, Bồ đề tức là tâm, tâm tức là Bồ đề, mà quay về tâm gốc của chính mình. Ma Ha Chỉ Quán quyển 1 thượng nói, các Bồ Tát Tạng giáo, Thông giáo, Biệt giáo, cho đến Viên giáo đều do suy lường về cái lý của Sinh diệt Tứ đế, Vô sinh Tứ đế, Vô lượng Tứ đế, Vô tác Tứ đế mà phát tâm, cho nên gọi là suy lý phát tâm. Luận Đại thừa Khởi tín thì nói ba loại phát tâm: Tín thành tựu phát tâm, Giải hành phát tâm, và Chứng phát tâm. Trong tín thành tựu phát tâm mà sinh khởi Trực tâm, Thâm tâm, Đại bi tâm thì cũng gọi là ba loại phát tâm. Mật giáo chủ trương phát tâm là một trong năm lần chuyển biến của chữ A, và dựa vào ba thứ Tâm Bồ đề: Hạnh nguyện, Thắng nghĩa, Tam ma địa trong luận Bồ đề tâm mà lập bốn loại phát tâm: 1- Tín tâm, chỉ cho tâm đối với việc cầu Vô thượng bồ đề không một mảy may ngờ vực. Vì tâm này là nền tảng của muôn hạnh nên cũng gọi là Bạch tịnh tín tâm (lòng tin trắng sạch). 2- Đại bi tâm, sau khi phát Bạch tịnh tín tâm, lại lập bốn thệ nguyện rộng lớn, tâm này cũng gọi là Hạnh nguyện tâm, Hạnh nguyện Bồ đề tâm. 3- Thắng nghĩa tâm, trong các giáo pháp, chọn lựa giáo pháp chân thực. Tâm này cũng gọi là Thâm Bát Nhã tâm, Thắng nghĩa Bồ đề tâm. 4- Đại Bồ đề tâm, ngay lúc quyết định bỏ phần kém, chọn phần hơn, thì chư Phật mười phương liền hiện ở trước mặt để chứng minh, các ma thấy thế sợ mà rút lui. Đại Bồ đề tâm này cũng gọi Tam ma địa Bồ đề tâm. Tuy chia ra bốn tâm như trên, nhưng vốn là một thể, cho đến lúc thành quả Phật cũng không giây phút nào rời nhau. Được như thế là nhờ tự hành hóa tha, thế gian xuất thế gian tu tam mật của chư tôn mà ra, nên gọi là Hữu tướng Bồ đề tâm. Nhưng vì xưa nay vốn có tướng tức không tướng, cũng như hư không lìa tất cả tướng, nên khế hợp với Vô tướng Bồ đề tâm. Trong tông Tịnh độ Nhật bản, Ngài Nguyên Không có soạn Tuyển trạch bản nguyện niệm Phật tập, cho Bồ đề tâm là tạp hành, nên loại bỏ. Căn cứ vào lý này, phái Trấn tây thuộc tông Tịnh độ mới chia tâm Bồ đề thành Bồ đề tâm Thánh đạo môn và Bồ đề tâm Tịnh độ môn, và cho rằng Bồ đề tâm là Tổng an tâm, Tam tâm (Chí thành tâm, Thâm tâm, Hồi hướng phát nguyện tâm) là Biệt an tâm, vì thế chủ trương cần phải phát tâm Bồ đề. Lại nữa, phái Tây sơn thuộc tông Tịnh độ chia Bồ đề tâm làm Bồ đề tâm hành môn và Bồ đề tâm quán môn, chủ trương không cần Bồ đề tâm hành môn là vì trong Bồ đề tâm quán môn đã đầy đủ tam tâm rồi. Còn Tịnh độ chân tông thì chia Bồ đề tâm thành Tự lực Bồ đề tâm và Tha lực Bồ đề tâm. Trong hai tâm này, Phật dùng thệ nguyện gốc cho chúng sinh tâm tin ưa, tức là tín tâm chân thực vì tâm nguyện làm Phật (tâm tự lợi nguyện thành Phật), tâm độ chúng sinh (tâm lợi tha cứu độ hết thảy chúng sinh), cho nên gọi là Tha lực Bồ đề tâm, Tịnh độ đại Bồ đề tâm. [X. Kinh Đại phẩm Bát Nhã Q.9; Kinh Hoa nghiêm (bản dịch cũ) Q.9; Kinh Ưu bà tắc giới Q.1; Kim cương đính liên hoa bộ tâm niệm tụng nghi quĩ; Đại nhật Kinh sớ Q.1, Q.14; Ma ha chỉ quán Q.1 hạ]. - Từ điển Phật Quang.

Ai cũng có một tâm, Phật cũng có một, chư Bồ Tát, Thanh văn cũng có một tâm không khác. Ngộ cũng tâm ấy mà mê cũng tâm ấy. Mê thì thấy có nhiều tâm. Ngộ chỉ có một tâm. Tu cũng từ tâm ấy mà ra. Biết vậy, cứ ngày ngày quán chiếu tự tâm là tốt. TB

 

Lưu ý:

Muốn hiểu về ý nghĩa Bồ đề tâm (một tiêu đề vĩ đại trong mạch sống Đại thừa), xin xem Luận Bốn: “Gandavỳuha và mong cầu giác ngộ” của Thiền sư D.T. Suzuki trong Thiền luận quyển hạ, trang 163 trở đi.

 

Lược giải:

 

Kinh Đại Bát Nhã đột ngột đưa ra một nhân vật tên là Căng Già Thiên hay Hằng Già Đề Bà, được Phật thọ ký thành Như Lai Chánh Đẳng giác. Sự kiện nầy có lẽ làm độc giả ngạc nhiên. Nhân vật nầy không phải là một Bồ Tát đại từ đại bi như đức Quán Âm, đại trí như Văn Thù Sư lợi, đại hạnh như Phổ Hiền… Nhân vật nầy cũng không phải là đại đệ tử trí tuệ của Phật như Xá Lợi Phất, thần thông biến hóa như Mục kiền Liên, “người giải Không bậc nhất như Tu Bồ Đề, người có trí nhớ siêu việt như Ngài A Nan hay biện tài vô ngại như Phú Lâu Na v.v… thường xuất hiện trong nhiều Kinh điển Phật học. Nhân vật nầy chỉ là một người bình thường như những chúng sanh bình thường khác.

Tuy nhiên, Căng Già Thiên biết chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, lại phát nguyện rộng lớn tu hành sáu phép Ba la mật liền được Phật thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ đề. Điều đó chứng tỏ bất cứ ai tu Bát nhã Ba la mật chứa nhóm thiện căn, tích tụ công đức, phụng thThiện hữu tri thức, cúng dường nhiều đời Phật… đều có cơ hội được thọ ký như trường hợp của thiên nữ nầy.

Phẩm nầy không phải là một phẩm đặc biệt, nhưng trở thành đặc biệt. Thiên nữ này bình thường cũng giống như trăm ngàn thiên nữ khác nhưng được thọ ký thành Phật vì chí nguyện sâu rộng, phát Bồ đề tâm, tu hành lục độ vạn hạnh, trồng nhiều cội phước, nay đã thành thục nên được Phật thọ ký. Điều đó có nghĩa ai cũng có phần nếu tiến tu như thiên nữ Căng Già Thiên này.

Phần thưởng Giác ngộ to lớn nhất không phải chỉ dành riêng cho Phật, mà dành cho tất cả chúng sanh kể từ khi Phật chứng ngộ. Phật đã trao chìa khóa đó cho tất cả chúng sanh kể từ khi Ngài Giác ngộ từ 26 thế k trước. Phật đã “rát hầu rã họng” thét vào tai chúng sanh mà mấy ai chú ý nghe theo. Phát Bồ đề tam, tịnh tu phạm hạnh rồi một ngày nào đó sẽ có cơ hội, không thể ngồi hả miệng chờ sung rụng, phải cần tu khổ hạn, đào xới bới vỡ thì mới có miếng ăn./.

 

---o0o---

 

 


 


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
03/07/2021(Xem: 16694)
Vào thời đại khủng hoảng niềm tin của tất cả tôn giáo, lòng người càng lúc hồi hộp bất an, giáo lý đức Thích Ca Mâu Ni như mặt trời chiều xuống bóng hoàng hôn ,Mật Tông Kim Cang Thừa như ngọn đèn sắp tắt, chỉ còn lại những bộ đại tạng kinh phủ đầy bụi trên những kệ kinh, nằm bất tỉnh không ai hỏi thăm trong những tu viên,viện bảo tàng cô đơn thiếu bóng người. Cuốn sách Mật Tông Kim Cang Thừa Chú Giải Toàn Thư Tập Hai, là sự trình bày và phô diễn mật nghĩa thậm thâm của Đại Phật Đảnh Lăng Nghiêm đà la ni , Bát Đại Kim Cang Thần Kinh và các phụ bản vô thượng du già. Là sự trợ duyên cho những ai, đã có gieo hạt giống pháp môn này, có thể khai hoa kết trái thành tựu sự tu tập giải thoát. Linh Quang từ nhỏ xuất gia tu học , tầm sư học đạo, và đi du học nhiều nước, nên trong đầu nhiều ngôn ngữ lộn qua lộn lại, bây giờ Tiếng Việt cũng quên dần,chính tả viết sai nhiều lắm, nên quý vị thông cảm bỏ qua những lỗi lầm về câu văn từ ngữ.
26/06/2021(Xem: 9989)
LỜI ĐẦU SÁCH Cứ mỗi năm từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy âm lịch là mùa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng mà Đức Phật cũng như chư Tổ đã chế ra từ ngàn xưa nhằm sách tấn cho nhau trên bước đường tu học, cũng như thực hành giới pháp; nên đâu đâu chư Tăng cũng đều y giáo phụng hành. Ngày nay ở Hải ngoại mặc dầu Phật sự quá đa đoan, nhưng chư Tăng cũng đã thực hành được lời di huấn đó. Riêng tại Tây Đức, chư Tăng Ni đã thực hiện lời dạy của Đức Thế Tôn liên tiếp trong 3 năm liền (1984, 1985 và 1986). Đó là thành quả mà chư Tăng đã tranh thủ với mọi khó khăn hiện có mới thực hiện được. Đây là một công đức đáng tán dương và đáng làm gương cho kẻ hậu học. Vì giới luật là mạng mạch của Phật pháp. Giới luật không được tuân giữ thì việc truyền thừa giáo pháp của Đức Như Lai không được phát triển theo chánh pháp nữa.
26/06/2021(Xem: 15987)
LỜI GIỚI THIỆU “Chết đi về đâu” là tuyển tập các bài pháp thoại của thầy Nhật Từ tại Hoa Kỳ, Úc châu và Việt Nam. Dựa vào kinh điển Phật giáo thuộc các truyền thống khác nhau, thầy Nhật Từ đã phân tích những trở ngại về tâm lí trước cái chết thường làm cho cái chết diễn ra sớm hơn và đau đớn hơn. Nếu chết được hiểu là tiến trình tự nhiên mà mỗi hữu thể đều phải trải qua thì nỗi sợ hãi về cái chết sẽ trở thành nỗi ám ảnh, trước nhất là từ hữu thức sau đó là từ vô thức, làm cho cuộc sống con người trở nên tẻ nhạt và đáng sợ.
19/06/2021(Xem: 16835)
MỤC LỤC Lời đầu sách 2 TÌM HIỂU GIÁO LÝ PHẬT GIÁO 9 ĐỨC PHẬT 12 GIÁO PHÁP 36 TĂNG ĐOÀN 119 PHÁI TỲ NI ĐA LƯU CHI. 136 PHÁI VÔ NGÔN THÔNG.. 137 PHÁI THẢO ĐƯỜNG.. 139 HIẾN CHƯƠNG CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT. 154 TIỂU SỬ ĐỨC TĂNG THỐNG GHPGVNTN.. 165 TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN HOA.. 177
19/06/2021(Xem: 13226)
Mục Lục - Lời vào sách 4-13 CHƯƠNG MỘT 14-35 Sự hình thành của Giáo Hội Phật Giáo VNTN CHƯƠNG HAI 36-102 Bản nội quy của Giáo Hội PGVNTN Âu Châu và thành phần Ban Điều hành của Giáo Hội CHƯƠNG BA 103-167 Giải đáp những thắc mắc CHƯƠNG BỐN 168-294 Khóa Giáo Lý Âu Châu Kỳ 9 Kinh Hoa Nghiêm Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Phẩm Tịnh Hạnh thứ 11 LỜI KẾT 295-299 HÌNH ẢNH 300-344
18/06/2021(Xem: 12279)
Tác phẩm này là tuyển tập 7 bài pháp thoại của tôi trong các khóa tu thiền Vipassanā tại chùa Giác Ngộ và một số nơi khác. Kinh văn chính yếu của tác phẩm này dựa vào kinh Tứ niệm xứ thuộc kinh Trung bộ và kinh Đại niệm xứ thuộc kinh Trường bộ vốn là 2 bản văn quan trọng nhất giới thiệu về thiền của đức Phật. Thiền quán hay thiền minh sát (Vipassanā bhāvanā) còn được gọi là thiền tuệ (vipassanāñāṇa). Giá trị của thiền quán là mang lại trí tuệ cho người thực tập thiền. Minh sát (vipassanā) là nhìn thẩm thấu bằng tâm, nhìn mọi sự vật một cách sâu sắc “như chúng đang là”, hạn chế tối đa sự can thiệp ý thức chủ quan vào sự vật được quan sát, khi các giác quan tiếp xúc với đối tượng trần cảnh. Khi các suy luận dù là diễn dịch, quy nạp, tổng hợp, phân tích… thoát ra khỏi ý thức về chấp ngã chủ quan và chấp ngã khách quan, lúc đó ta có thể nhìn sự vật đúng với bản chất của chúng. Cốt lõi của thiền quán là chính niệm trực tiếp (satimā) và tỉnh giác trực tiếp (sampajāno) với đối tượng
16/06/2021(Xem: 18802)
Thời gian như đến rồi đi, như trồi rồi hụp, thiên thu bất tận, không đợi chờ ai và cũng chẳng nghĩ đến ai. Cứ thế, nó đẩy lùi mọi sự vật về quá khứ và luôn vươn bắt mọi sự vật ở tương lai, mà hiện tại nó không bao giờ đứng yên một chỗ. Chuyển động. Dị thường. Thiên lưu. Thiên biến. Từ đó, con người cho nó như vô tình, như lãng quên, để rồi mất mát tất cả... Đến hôm nay, bỗng nghe tiếng nói của các bạn hữu, các nhà tri thức hữu tâm, có cái nhìn đích thực rằng: “Đạo Phật và Tuổi Trẻ.” “Phật Việt Trong Lòng Tộc Việt.” “Dòng Chảy của Phật Giáo Việt Nam” hay “Khởi Đi Từ Hôm Nay.” Tiếng vang từ những lời nói ấy, đánh động nhóm người chủ trương, đặt bút viết tâm tình này. Đạo Phật có mặt trên quê hương Việt Nam hai ngàn năm qua, đã chung lưng đấu cật theo vận nước lênh đênh, khi lên thác, lúc xuống ghềnh, luôn đồng hành với dân tộc. Khi vua Lê Đại Hành hỏi Thiền sư Pháp Thuận về vận nước như thế nào, dài ngắn, thịnh suy? Thì Thiền sư Pháp Thuận đã thấy được vận nước của quê hương mà
12/06/2021(Xem: 15269)
Viết về lịch sử của một Dân Tộc hay của các Tôn Giáo là cả một vấn đề khó khăn, đòi hỏi ở người viết phải am tường mọi dữ kiện, tham cứu nhiều sách vở hay là chứng nhân của lịch sử, mới mong khỏi có điều sai lệch, nên trước khi đặt bút viết quyển “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại trước và sau năm 1975” chúng tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều...
12/06/2021(Xem: 11642)
LỜI GIỚI THIỆU Trong sách quốc văn giáo khoa thư ngày trước đã kể mẫu chuyện như sau: Có một người đi du lịch nhiều nơi. Khi trở về nhà, kẻ quen người lạ, hàng xóm láng giềng đến thăm, hỏi rằng: - Ông đi du lịch nhiều nơi, vậy nơi nào theo ông đẹp hơn cả? Người kia không ngần ngại đáp ngay: - Chỉ có quê hương tôi là đẹp hơn cả! Mọi người không khỏi ngạc nhiên, nhưng càng ngạc nhiên mà càng suy gẫm thì mới thấy có lý. Ai đã du lịch nhiều nơi, ai đã sống lang thang phiêu bạt ở nước ngoài mới có dịp cảm thấy thấm thía "quê hương tôi là đẹp hơn cả", đẹp từ cọng rau, tấc đất, đẹp với những kỷ niệm vui buồn, đẹp cho tình người chưa trọn, đẹp vì nghĩa đạo phải hy sinh…
11/06/2021(Xem: 11490)
LỜI ĐẦU SÁCH Giáo pháp của Đức Phật đã được truyền đến khắp năm châu bốn bể và tại mỗi địa phương ngày nay, giáo lý ấy được dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhằm phổ biến đến những người tin Phật có cơ hội hiểu rõ và đúng với chân tinh thần của đạo Phật. Đức Phật vẫn luôn dạy đệ tử của Ngài rằng: “Các ngươi tin ta phải hiểu ta, nếu tin mà không hiểu ta, tức hủy báng ta vậy”. Lời dạy ấy rất sâu sắc và có giá trị muôn đời cho những ai tìm đến giáo lý đạo Phật. Một hệ thống giáo lý rất sáng ngời trong tình thương, trí tuệ và giải thoát. Giáo lý đạo Phật là chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống tinh thần của người Phật tử. Vì thế, trước khi tin vào giáo lý, thiết tưởng cần phải hiểu rõ giáo lý ấy có thể giúp ta được những gì. Nếu không hoặc chưa rõ mục đích, chúng ta có quyền chưa tin và cũng không nên tin vội. Dầu lời dạy ấy là của những người thông thái, của các vị Thiên Thần hay ngay cả của chính đức Phật.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]